Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Sách: HẠT GIỐNG KITÔ TRONG ĐẤT JRAI - Phần 2 _ Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT




Hạt Giống Kitô Trong Đất Jrai
(Phần 2)
                                                                                                Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT 



Đức Cha Paul Seitz đưa chúng tôi tới Pleikly vào khoảng 4giờ chiều ngày 10/10/1969. Đúng như đã hẹn trước, chúng tôi từ Cheoreo lên Pleiku sáng hôm đó. Và chiều hôm đó, chúng tôi theo xe Jeep do chính Đức Cha lái về Pleikly. Đại diện phía Giáo Phận còn có Cha Đaminh Vũ Khắc Minh, lúc đó làm Cha Sở La Sơn, kiêm Mỹ Thạch, Phú Quang, Phú Nhơn (lúc đó đều thuộc xã Pleikly). Vào thời điểm đó, số giáo dân Công Giáo ở cả 3 địa điểm đó có khoảng 300 người. Nhưng Đức Cha đổ chúng tôi xuống làng Pleikly (cách Pleiku gần 60km) là nơi chúng tôi chưa hề đặt chân tới bao giờ, và chúng tôi cũng không quen biết ai tại đó. Chúng tôi cũng chẳng có nơi trú ngụ. Đó chính là điều chúng tôi đã thỏa thuận với Đức Cha.
Khi đến Pleikly, Đức Cha lấy sách Tân Ước đọc cho chúng tôi đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca 10,1-12, Chúa sai 72 môn đệ và ngài nói: “Xin giao cho anh em tất cả vùng dân Jrai này. Bây giờ anh em có 4 người. Nhưng nếu Dòng Chúa Cứu Thế  gửi tới 72 người như trong bài Tin Mừng, chúng tôi cũng hoan hỉ đón nhận.” Sau đó Ngài cầu nguyện và chúc lành cho chúng tôi, rồi lên xe hướng về Pleiku cùng với Cha Minh. Mãi tới năm 2001, chúng tôi mới được biết tới lá thư mà chính Đức Cha Paul Seitz, Giám Mục Giáo Phận Kontum, gửi cho Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam  từ năm 1953, kêu gọi cho các Cha, các Thầy lên lập Nhà Dòng tại Giáo Phận Kontum và lo việc đào tạo những tông đồ giáo dân Kinh Thượng để phục vụ Tin Mừng giữa bà con người Thượng trong Giáo Phận Kontum. Lời kêu gọi này còn được lập lại năm 1956 (xin coi phần phụ lục). Con đường tìm kiếm của chúng tôi tưởng như vô định, thực ra đã được tiền định từ những năm đầu đời đệ tử  Dòng Chúa Cứu Thế của chúng tôi là như thế.

NHỮNG NGÀY THÁNG ĐẦU TIÊN Ở PLEIKLY
Khi Đức Cha đã lên xe ra về, chúng tôi đi tìm nhà tạm trú. Thực ra cái sân trường làng mà Đức Cha đổ chúng tôi xuống là thuộc phần đất làng Plei Kia chứ không phải làng Pleikly. Hai làng ở liền nhau chỉ cách có một con đường đất. Sau này chúng tôi được biết trước đây hai làng chỉ là một. Nhưng sau một vụ hỏa hoạn lớn thì tách làm hai. Sau nhiều lần di dời đây đó, bây giờ hai làng lại sát gần nhau. Vậy ngay phía tây sát sân trường, chúng tôi thấy có một căn nhà sàn dài rộng. Chúng tôi xin tá túc. Sau này chúng tôi biết đó là nhà của Amí H’Djhế (Mẹ của con H’Djhế: người Jrai lấy tên con đầu lòng mà gọi cha mẹ; trước tên con gái có chữ H’). Trong nhà lúc đó chỉ có một người lớn. Người này có vẻ thuận cho chúng tôi tá túc. Chúng tôi liền để mấy cái túi của chúng tôi vào một xó nhà, rồi hỏi thăm chỗ nào có nước để tắm rửa vì người chúng tôi đầy bụi đường. Người ta chỉ cho chúng tôi ra mãi giọt nước ở ngoài làng. Vào thời điểm đó trong làng chưa có giếng nước, chỉ có giọt nước. Đây là mạch nước ngầm, người ta xây xi măng hay đắp đất chặn lại, cho nước chảy qua ba bốn cái ống bằng kim loại hay bằng tre nứa, ở độ cao chừng một thước, và được gọi là “nước giọt” (ia ]ơnang). Bên Cheoreo, vì ở dưới thung lũng, rất ít thấy những “giọt nước” như thế vì dân cư phần lớn ở dọc theo hai con sông Ayun, Apa và các chi nhánh. Bên đó bà con lấy nước uống bằng cách bới những hố giữa những cồn cát trên sông, múc nước đã lọc qua cát rót vào quả bầu khô rồi gùi về nhà. Bên Pleikly này thì người ta hứng lấy nước trực tiếp nơi các “giọt nước”. Sau này dần dà trong làng có nhiều giếng nước hơn. Nhưng bà con Jrai nói: nước giếng không ngon bằng nước giọt.
Sau khi tắm rửa xong, chúng tôi về tới nhà Amí H’Djhế thì thấy có một cành lá tươi giắt phía đầu cầu thang lên nhà. Kinh nghiệm những năm sống với người Kơho cho Cha Tài biết có “Wèr” (Jrai gọi là “kom”: kiêng kị). Và đúng như thế, người nhà cho chúng tôi biết: Vì trong nhà có người bệnh nên không thể cho khách đỗ nhà. Hư thực ra sao, không cần biết, cứ cuốn gói cái đã! Đi đâu bây giờ, tối rồi! Lúc đó có ông xã trưởng là Ama Tên (cha của cu Tên) tới (chắc là ông đã được nghe báo cáo và hỏi ý kiến). Ông chỉ cho chúng tôi căn phòng bỏ trống ở đầu nhà trường. Căn phòng này vốn dành cho thầy cô, nhưng không có thầy cô nào ở cả, nên đã bị đàn dê trong làng chiếm lĩnh. Vì là dê nên chúng không giữ vệ sinh gì ráo trọi. Chúng phóng uế đầy phòng! Mặc dù vậy hay chính vì vậy mà tối hôm đó chúng bị trục xuất ra khỏi căn phòng chuồng dê ấy để nhường chỗ cho chúng tôi. Chúng tôi vất vả lắm mới “trục xuất” hết cả “phế phẩm” của chúng nữa! Còn cái mùi tổng hợp của chúng thì chúng tôi đành chịu: phải chung sống với cái hương vị tổng hợp đó thôi! Sao mà giống Bêlem thế! Nhưng không có cỏ rơm để nằm! Làm sao đây? May quá có ông Cậy, người Công Giáo thôn Đôn Hòa gần đó, nghe nói hình như có Đức Cha và các Cha về Pleikly. Ông chạy tới lúc chúng tôi đang “xâm lược” chuồng dê. Nhờ ông chúng tôi có mấy tấm chiếu để nằm. Ông còn nài nỉ chúng tôi tạm qua đêm bên Đôn Hòa nhà ông, tốt hơn. Nhưng chúng tôi đâu có chịu. Ngày hôm sau ông cung cấp cho chúng tôi một chiếc giường đơn duy nhất. Chiếc giường này chúng tôi dành cho Cha Tài: kính lão đắc thọ!  Còn bọn trẻ, cứ trải chiếu nằm ngay trên sàn xi măng. Chính vì cái cảnh nằm ngay trên sàn xi măng nên mới lại có chuyện sau đây do chính Thầy Sáu Tín kể:
“Hình như hai hay ba tuần sau khi chúng tôi dành được chỗ của bọn dê, tôi nhớ là trời hơi lạnh, vào buổi sáng hay buổi trưa gì đó, chúng tôi đang đắp mền ngủ nướng! Tôi tỉnh giấc vì cảm thấy dưới tấm mền đắp của tôi có cái gì đó động đậy, trườn trườn lên phía ngực tôi. Hình như là một con rắn! Và tôi nhớ rằng trong trường hợp như thế người ta căn dặn không được nhúc nhích, vì có thể làm cho con rắn giật mình mổ ẩu. Tôi nằm im. Một lúc sau, tôi thấy cái đầu của nó với cái lưỡi thậm thụt thò ra khỏi tấm mền phía vai trái của tôi. Đúng là rắn! Một con rắn to! Tôi càng nằm im, nín thở. Nó trườn ra ngoài, từ từ, nhẹ nhàng. Nhưng nó lại trườn qua phía anh Quân nằm bên trái tôi. Và cũng từ từ, nhẹ nhàng, nó chui vào chăn anh Quân! Khi nó đã khuất trong chăn anh Quân, tôi mới nhẹ nhàng ngồi dậy, nhẹ nhàng đặt tay lên trán anh Quân lay nhẹ. Anh Quân mở mắt nhìn tôi. Tôi ra dấu bảo anh nằm im rồi tôi nói: “Anh phải nghe tôi, tuyệt đối nghe tôi. Anh phải nằm im, không cụ cựa gì hết nghe chưa. Đợi đó…” Anh Quân hỏi: “Chi zậy ??? ” Tôi trả lời: “Anh phải nằm im tôi mới nói… Có con rắn trong mền anh đó…” Vừa nghe đến rắn, anh Quân bung mền nhẩy dựng! Con rắn lại trườn qua phía anh Mầu. Anh Mầu cũng nhẩy dựng! Con rắn trườn vào gầm giường anh Tài. Chúng tôi loay hoay tìm không ra cây gậy để đập nó, nên nó chuồn ra ngoài mất. Một phen hú vía!
  
HỌC VỚI DÂN


Dần dà thì chúng tôi cũng bắt đầu có những người bạn Jrai. Họ là những em nhỏ đi học ở trường. Chúng tôi do học tiếng mà làm quen với các em. Sau đó là chúng tôi theo các em về nhà. Các em là những thầy cô dạy tiếng rất chính xác, rõ ràng; người lớn còn nể nang nhân nhượng, nhưng các em thì không. Sửa nhiều lần mà nói vẫn không đúng là phê bình liền: pơtó! mluk! (ngu! dốt!) (Điều này làm chúng tôi nhớ tới cha giáo Kinh Thánh Nguyễn Thế Thuấn của chúng tôi quá! Ngài cũng hay la chúng tôi như thế). Đã nói cho rồi mà cứ hỏi đi hỏi lại, liền bị phê: pluk! . . . Khó dịch ra tiếng Việt rồi!... Thành thử không luôn luôn cần một từ tiếng Việt tương đương. Cứ biết nó có nghĩa là: cử hỏi đi hỏi lại miết. Mà các em khi dạy tiếng như thế, các em lại không biết từ tương đương tiếng Việt. Nhiều người lớn cũng thế. Mà như thế mới đúng là học ngoại ngữ: đâu có cần dịch. Ấy là bước đầu học với dân. Học ăn, học nói, học gói, học làm… Học nói rồi khám phá ra văn, khám phá ra ý. Khám phá ra thể văn diễn tả ý… linh động trong cuộc sống của dân, chứ không phải trong một cái “viện” nào đó như thư viện, hàn lâm viện… Chúng tôi bắt đầu khám phá điều mà chúng tôi gọi là Đại Học Nhân Dân: học với Dân.
Dân dạy cho chúng tôi ăn. Ban đầu, từ “chuồng dê”, chúng tôi thấy có nhiều người nam Jrai từ sáng sớm họ ra đồng mang về những con chuột và bẫy chuột. Hỏi ra thì biết rằng những bẫy chuột này dân Pleikly gọi là “đong” (tạm dịch là “bẫy ống”). Nó là một ống tre hay nứa một đầu kín một đầu hở, vừa cho con chuột chui vào. Sát phía đầu “kín” người ta khoét bằng đầu một con dao nhọn (thong) hai cái lỗ trên dưới để xuyên một cái cần cũng bằng tre dài khoảng 50cm, một đầu để cắm xuống đất, đầu trên có cột một sợi giây. Đầu sợi dây lại cột một que tre nhỏ, dài chừng 1m50, dùng để khi kéo uốn cần tre xuống thì gài vào được một cái nấc nào đó bên trong ống. Ở đáy ống có để một ít mồi: vài hạt gạo hay bắp. Người ta ghim bẫy trên đường chuột thường di chuyển ở ngoài rẫy hay ruộng. Khi chuột chui vào ống để ăn mồi, nó đụng phải que lẩy làm bật cái cần lên kéo sợi giây xiết vào cổ con chuột. Con chuột bị kẹt trong ống, không xoay xở được, và chết ngạt. Chúng tôi quan tâm tới những cái bẫy, vì chúng có hình dáng rất đẹp. Nhưng người dân Jrai, khi họ có những thứ ăn được, nhất là mồi săn bắt được là họ chia sẻ. Và khi chúng tôi tìm hiểu cái bẫy chuột của họ thì họ lại hỏi chúng tôi: “Gih =ong mơn tơkuih?” (các anh có ăn chuột không?). Dĩ nhiên là chúng tôi trả lời: “+ong mơn.” (Ăn chứ). Thế là họ cho chúng tôi hai ba con chuột luôn. “Samớ hyưm pơkra?” (nhưng mà làm cách nào đây?) Hai trong chúng tôi (Tín, Quân) là dân đồng quê, ăn chuột từ nhỏ. Nhưng người Kinh thường nấu nước nóng để làm lông chuột, thui, mổ, bỏ hết các bộ phận khác chỉ giữ lại tim gan. Còn người Jrai thui (]uh) và cạo tro lông ngay, sau đó vứt bỏ dạ dày và phần ruột già, còn giữ lại tất cả các bộ phận khác. Chúng tôi phải nhờ người Jrai làm món thịt chuột theo kiểu của họ cho chúng tôi ăn. Món chuột Jrai có thể nấu với mọi thứ rau, nhưng ngon nhất vẫn là với rau “te[-kơne”, với cà hay rau “tầu bay”, và gói lá vùi than (kop)… Cái món “lòng chuột” Jrai cũng hết xẩy (dĩ nhiên là đối với ai hợp khẩu!) Ngoài ra, tôi còn dùng chuột con đẻ trên cao (không đụng đất) để ngâm rượu đế làm thuốc chữa bệnh dịch hạch cho bà con Jrai, rất công hiệu. Người  Jrai còn dạy chúng tôi nấu và ăn  các món “a[am =lang” (lá mì: nhiều món ), “a[am hơboa” (đọt nõn khoai môn dại – không biết nấu là ngứa xé cổ luôn!), “a[am teng-leng” (một thứ lá đắng nhưng lại rất đậm đà khi được bóp với cá lóc nướng), “a[am hla hang bơnga pơneh” (lá và hoa đu đủ – có thể nấu loãng kèm bột gạo giã với “hla rơyao” – một loại lá làm ngọt và mềm thức ăn – hay nấu khô trộn với đậu phụng, bắp hay gạo rang – nếu có trộn với “wa]” thì cực kỳ, “wa]” là thứ nước đắng trong lòng non các loài ăn cỏ), “a[am bru]”, “a[am ser” (những món lá cây mà người Kinh không biết), “a[am abek” (dân Pleikly gọi “a[am bié ”, món nòng nọc – khi nấu nòng nọc tan ra được trộn với bột gạo hay bắp rang, trông sền sệt như bùn nhưng ăn rất bùi), món “ayưn” (ấu trùng chuồn chuồn) cũng tương tự, lại còn có món kiến vàng “hdôm-sao” nấu với cá làm canh chua ăn ngon và bổ, nhất là vào mùa kiến đẻ trứng và có ấu trùng…
Trên đây là mới kể một số món ăn thông thường của người Jrai. Dĩ nhiên còn nhiều món ăn đặc sản thuộc loại cá và động vật được nấu nướng theo kiểu Jrai. Vấn đề cần lưu ý là việc thưởng thức những món ăn này làm cho khách và chủ gần gũi nhau, làm cho người lạ thành người thân quen, nhất là khi người lạ “ghiền” những món ăn đó. Những món ăn Jrai không hề thiếu chất dinh dưỡng như người ta nghĩ. Cũng như nhiều món ăn của người Việt, những món ăn Jrai bao gồm cả những dược liệu như ớt, riềng, sả, é… Việc nấu nướng đã là một nét văn hóa, và việc ăn uống cũng lại là một nét văn hóa nữa. Lúc ban đầu, dùng những món ăn Jrai làm chúng tôi gần họ hơn, hiểu họ hơn, học được nhiều hơn. Chí ít cũng biết được nhiều từ hơn. Như có một hôm thấy một em bé cầm một con dế, tôi liền hỏi em: “Hơgơt anun?” (Cái gì đó). Em trả lời: “Klir” (tôi biết đó là một con dế). Em nhỏ hỏi lại tôi: “Ih kiang =ong mơh?” (Anh có muốn ăn không?) Tôi ngạc nhiên trả lời “ư-ưh” không, vì tôi tưởng dế là để chơi thôi. Vả lại em có mỗi một con dế! Chúng ta biết rằng cào cào, chấu châu, dế, mối, thằn lằn, rắn, rết… là những thứ rất giàu chất đạm và rất bổ. Cử chỉ của em bé Jrai muốn chia sẻ cho tôi con dế của em: “Ih kiang =ong mơh?” Nếu tôi nói có, em sẽ cho tôi tức khắc và sẽ nhớ tôi mãi, cũng như tôi luôn nhớ em. Người Jrai khi săn bắt được thứ gì cũng đều sẵn sàng chia sớt cho nhau, cho dẫu lắm khi chỉ là một gói “kiến vàng”, một nhúm “lòng cá” (Jrai gọi là “eh akan”: cứt cá – một loại mắm ruột cá). Chưa nói khi săn được con mồi lớn như hươu, nai… Người Jrai gọi là “miếng to miếng nhỏ gì cũng nhớ tới nhau” (a[am net a[am prong át hodor nao rai mơn). Vì thế có câu “kơbao hơdip kơbao pô ta, kơbao djai kơbao plơi pla” (trâu sống là trâu của mình, trâu chết là trâu của cả làng). Lúc làm thịt một con trâu như vậy, nhà nào cũng đuợc một que xâu cả da cả thịt. Chưa kể đến những ai được mời tới ăn uống tại nhà. Miếng ăn tình nghĩa. Miếng ăn liên đới. Miếng ăn tạ ơn. Vì người cùng làng với nhau thì mang ơn nhau nhiều lắm. Làm gì, đi đâu cũng phải có nhau, cũng phải nhờ nhau. “Jé hơdah krah mlam giam mơnú tjó” (sớm hôm gà gáy, tối lửa tắt đèn) đều có nhau.
Nhân nói tới miếng ăn nghĩa tình. Tôi lại nhớ một ngày kia, khi chúng tôi vẫn còn trú trong căn phòng “chuồng dê”â đó, có ông Ama Ker (Bố của thằng Ker) hớt ha hớt hải chạy tới và nói: “Xin các ông xuống nhà tôi ngay, thằng con tôi bệnh nặng sắp chết!” Không hiểu ông ấy coi chúng tôi là thứ người nào mà con sắp chết lại cầu cứu tới chúng tôi ? Dẫu sao thì Cha Tài,   Thầy Sáu Tín và Thầy Sáu Mầu cũng theo ông ấy về làng Plei Lao, cách chúng tôi gần 2 cây số. Chúng tôi chưa tới làng đó bao giờ. Như thế đủ biết sự có mặt của chúng tôi ở Pleikly đã được đồn thổi ra những làng chung quanh. Trước khi xuống Plei Lao, Cha Tài vẫn ghé qua trạm xá, kêu y tá Hộ, một người Công Giáo đi theo cho chắc ăn. Xuống đến làng Plei Lao, lên căn nhà sàn của Ama Ker, thấy cháu Ker, một bé trai khoảng 10 tuổi, đang nằm mê man trên giường. Anh Hộ bắt mạch, nghe tim, nghe phổi em. Sau đó anh lắc đầu và nói anh không dám tiêm thuốc hay làm gì cả vì tình trạng của em rất nguy kịch. Ông Ama Ker nói: “Anh cứ tiêm thuốc cho cháu. Có gì tôi chịu, tôi không bắt đền anh đâu!” Ông nài nỉ miết, nên anh Hộ cũng phải tiêm cho em. Trong khi đó, Cha Tài đã giơ tay cầu nguyện. Thấy thế chúng tôi cùng đặt tay cầu nguyện cho em. Cha Tài là người đầu tiên trong nhóm chúng hay cầu nguyện tự phát cho bất cứ ai xin. Chúng tôi mới mãn học viện, chúng tôi chưa quen cầu nguyện hồn nhiên như thế. Cháu Ker vẫn ngủ, nhưng nhịp tim, nhịp thở đều hơn và cơn sốt cũng không còn nữa. Một lúc sau chúng tôi ra về. Sau đó một hai tuần gì đó, 2 Thầy Sáu Tín, Mầu lại lang thang xuống Plei Lao để tìm hiểu và học tiếng. Chúng tôi tình cờ gặp lại Ama Ker. Ông nhất định đòi chúng tôi phải lên nhà ông chơi. Khi đã lên nhà, ông trãi chiếu mời chúng tôi ngồi, đem quả bầu đựng nước mời chúng tôi uống, chụm bếp lửa. Lúc đó trong nhà chỉ có một mình ông, những người khác đều đi làm ngoài nương đồng. Không thấy thằng Ker. Hỏi thì ông bảo nó đi chơi đâu đó. Như vậy là nó đã khoẻ. Vừa nói chuyện, ông vừa cột một ghè rượu nhỏ. Chúng tôi can không nổi. Tưởng chỉ có thế, nhưng ông đã xuống nhà, và chúng tôi nghe tiếng heo kêu eng éc. Một lúc sau ông lên lại nhà xách theo một con heo sữa đã bị ông đập chết! Ông thui nó làm lông, đặt lên một cái nia, mổ xẻ, nấu và nướng ngay trước mặt chúng tôi, không tốn một giọt nước. Chỉ có bộ lòng là phải rửa. Chúng tôi nói ông làm như thế chúng tôi áy náy quá! Ông nói ông muốn cám ơn chúng tôi vì đã giúp cho con ông được lành mạnh. Rượu ghè hôm đó ngon, lại uống kèm với thịt heo sữa nướng nữa thì “đậm đà khó quên”! Và dĩ nhiên là chúng tôi cũng không quên được những con người ấy, tiếng nói của họ, tâm tình và thái độ của họ. Đúng là miếng ăn tình nghĩa. Chúng tôi ở lại nhà đó mãi cho tới chiều tà mới ra về. Gia đình Ama Ker sau này theo Tin Lành. Còn cháu Ker sau này lớn lên trở thành một thợ săn thiện xạ, bách phát bách trúng.

LÀM DÂN VỚI DÂN

Cứ  như thế chúng tôi vừa học ăn, vừa học nói, vừa học làm với dân. Đã bắt đầu bước vào mùa gặt lúa. Lúc đó dân còn trồng thứ lúa cũ dài ngày thân cao. Có mấy giống lúa ăn rất ngon và thơm cơm như “pơdai Gor”, “pơdai Lao”, nhất là ăn kèm với món “akan se, akan bloa[ kop” (cá lẻm, cá bống con trộn muối ớt gói lá vùi than) vốn sẵn trong mùa gặt,  thì nói theo kiểu Jrai là “wor-bit phung kơnung abih-=ihao” (quên hết họ hàng luôn)! Hồi đó nhiều người còn suốt lúa bằng tay, không cắt bằng liềm, vì sợ xúc phạm và làm đau cây lúa. Chúng tôi cũng đi suốt lúa bằng tay với họ: tưởng đau tay và ghê rợn lắm nhưng cũng không đến nỗi nào. Đi suốt lúa như thế, thì mình sẽ luôn có phần lúa của mình gùi về (bằng hay gần bằng một thùng thiếc). Chúng tôi cũng được trả công như thế, và không thể từ chối. Đã làm với nhau, không chỉ một mình mình có ăn mà cả những người trong nhà mình cũng có ăn. Rất tiếc nếu sự công bình không phải chỉ là công bình cá nhân này mất đi. Thực sự là nó đang mất đi theo lối trả công cá nhân chủ nghĩa của một xã hội “cân đo đong đếm” gọi là “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Dần dà thì người làng cũng nhận ra chúng tôi: không phải là nhân viên Nhà Nước kiểu cán bộ nông thôn hay sơn thôn như thường thấy thời đó. Họ gọi chúng tôi là “=ing Ơi Khop”. “Khop” hay “Đạo Khop” là từ người Jrai dùng để chỉ Đạo Công Giáo và từ “Khop” là tiếng Banar có nghĩa là “đọc kinh” – “Đạo đọc kinh”: đó là đặc điểm người thiểu số nói chung thấy nơi người Công Giáo Việt Nam! Chúng tôi xin họ đừng gọi chúng tôi là “Đạo Khop”, hay “Ơi Khop”. Chúng tôi là Công Giáo, “Đạo Ơi Adai” (Đạo Đức Chúa Trời) vậy thôi. Để sau này sẽ cùng nhau tìm xem nên gọi như thế nào, còn bây giờ cứ tạm như thế đã. Và bây giờ cứ gọi chúng tôi như gọi mọi người: đáng anh thì kêu anh, đáng em thì kêu em, đáng con thì kêu con, đáng cháu thì kêu cháu… Các ông bà già thường gọi chúng tôi là “tơ]ô” (cháu – của ông của bà – còn cháu cô cháu bác lại gọi là “amon”). Những người trẻ hơn thường gọi chúng tôi là “ayong” (anh). Vào thời này có một em bé gái đầu tiên xin theo Đạo: Kpă H’Dup. Em nhất định đòi mẹ sắm áo váy mới để em theo chúng tôi ngày Chúa Nhật qua bên thôn Đôn Hòa dự lễ với vài ba gia đình người Kinh. Chúng tôi cũng không từ chối em được. Nhưng hai mươi năm sau, mãi tới 1989 H’Dup mới được Thanh Tẩy cùng với chồng con.
Tới tháng 12/1969, chúng tôi xin làng Pleikly cho chúng tôi một miếng đất ở trong làng, và cùng với dân làng dựng lên một căn nhà sàn bằng gỗ, lợp tôn, dài chừng 15m, rộng 5m. Và tới lễ Giáng Sinh năm đó, anh em chúng tôi cùng nhau lên ở căn nhà sàn đó, trả lại căn phòng của chúng tôi cho bầy dê. Trước đó mấy ngày có Cha Phán và mấy bạn Thanh Lao Công tới thăm chúng tôi. Từ hồi Cha Tài còn sống giữa người Kơho ở Koya thuộc Giáo điểm Phi Yang, Cha Phán đã chú tâm tới lối sống giữa những người dân tộc ít người, và đã có tới thăm Cha Tài như đi tìm một diệu cảm, mặc dù lúc đó Cha đang hoạt động  Thanh Lao Công. Vào đầu năm 1970, khoảng tháng 2 tháng 3, những vị khách xa đầu tiên tới Pleikly chúng tôi là Cha Giám Tỉnh H. Bạch Văn Lộc với Cha Tổng Quyền và Cha Tổng Quản Lý người Ấn Độ. Các ngài qua đêm trên căn nhà sàn của chúng tôi và xác định cho chúng tôi rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Ngày hôm sau, Cha Tài và Thầy Sáu Tín đưa các vị về lại Pleiku trên một chiếc xe Jeep. Gần đến núi Hàm Rồng (}ứ H’Drung) thì xe trục trặc chết máy. Loay hoay mãi, rồi Cha Giám Tỉnh, Cha Tổng Quyền, Cha Tổng Quản Lý cũng phải xuống xe cùng… đẩy. Năm thì bảy lượt, mệt bở hơi tai, xe vẫn không nổ máy. Lại loay hoay coi lại máy.  Cha Giảm Tỉnh H. Lộc lên cầm lái thay Cha Tài. Xe vẫn không nổ. Lại đẩy một đợt nữa. Cũng không có kết qủa. Có ai đó bỗng nhớ tới contact: hoá ra đẩy xe mà không mở contact xe! Khi mở contact xe lần này, xe nổ! Ai nấy thở phào. Khi lên xe, Cha Tổng Quyền bắt đền Cha Tổng Quản Lý và đòi Cha Tổng Quản Lý phải trả tiền phụ trội cho một ngày vất vả đó. Cha Giám Tỉnh H. Bạch Văn Lộc còn thăm đột xuất một lần khác trong năm 1970. Vì đột xuất nên anh em không có gì đặc biệt cho Ngài dùng bữa cả. Chính vì thế mà khi về Sài Gòn, ngài nói với anh em: “Tụi Pleikly nó ăn tầm bậy tầm bạ. Mình lên, tụi nó vơ đâu mấy thứ rau cỏ ngoài rừng cho mình ăn”! Thực ra hôm đó, tụi tôi hái vội mấy nắm rau “tàu bay” nấu canh ngon lắm chớ! Hồi đó chúng tôi thường thủ ít tôm khô: tôm khô bảo quản được lâu, nấu với rau gì cũng ngon ngọt hết! Thường là Thầy Sáu Tín lo bếp núc, bửa củi, gánh nước. Chúng tôi chưa có giếng riêng, nên chỉ có  Thầy Sáu Tín biết đi gánh nước bên giếng nhà bên cạnh (Nhà Amí Phin). Các anh khác không biết gánh nước trên vai. Người Jrai thì gùi nước trong những quả bầu khô. Như vậy mỗi lần được ít lắm. Dù sao thì mấy người đàn ông trong làng mỗi khi thấy Thầy Sáu Tín bửa củi hay gánh nước, họ cũng trêu: “+u djớ tah!” (không được rồi!) Không được là làm sao? Việc củi nước (djuh ia) là việc của đàn bà, anh làm như thế là không được, lấy vợ đi! Lần này thì đến lượt  Thầy Sáu Tín nói: “+u djớ tah!”. Dù sao chuyện bếp núc cũng được giải quyết một phần nào đó vào khoảng tháng 02 tháng 03/1970, không phải theo giải pháp của mấy người đàn ông trong làng, nhưng do một người đàn ông khác:

THẦY HILAIRE THẢO DCCT

Thầy tự nguyện xin Bề Trên cho nhập Nhóm Pleikly. Một bất ngờ cho mọi người. Thầy đảm nhận bếp núc và làm vườn rau. Có thầy vườn rau bao giờ cũng sạch cỏ. Thầy hay làm bánh bao hấp trong thùng phi: bánh bao giã chiến! Với nhân nghèo nàn, không trứng gà, trứng cút hay mộc nhĩ: đậm đà mà dễ quên! Anh em gọi Thầy theo tên tu dòng là Hilaire. Còn dân làng, nhất là lũ trẻ gần gũi và thường được thưởng thức bánh bao của Thầy đều gọi Thầy là “Ayong Tơngil” (Anh Điếc) vì Thầy nặng tai bởi một thời phải nghe đại bác quá nhiều. Thầy còn bị thấp khớp. Chẳng ai trong chúng tôi biết Thầy bị thấp khớp nếu không có chuyện sau đây:
Một hôm đi làm về, có cậu bé Chir lo lắng hỏi Thầy Sáu Tín: “Anh ơi, Anh Điếc làm bùa ngải gì đó em sợ lắm!” – “Tầm bậy, Anh Điếc mà bùa ngải gì! Anh ấy làm gì nào?” – “Anh ấy bảo em đái vào một cái lon, nấu sôi lên, đổ lên một hòn gạch nung nóng, rồi đạp cả hai chân lên – em sợ anh ấy làm bùa phép gì đó… hại em!” – Thầy Sáu Tín trấn an tụi nhỏ: “Đừng lo! Anh Điếc xông chân bằng nước tiểu kiểu đó chắc để chữa bệnh thấp khớp.” Hỏi ra thì đúng như thế thật. Nhưng “niệu liệu pháp” của Thầy hình như không hiệu nghiệm, vì trải qua mùa mưa năm đó bước vào mùa thu, bệnh thấp khớp gia tăng. Và Thầy Hilaire tự động rời Nhóm một cách âm thầm như khi Thầy đến. Chúng tôi nhờ ông già Năm tới lo việc bếp núc thay Thầy.
Thầy rời Nhóm, nhưng lòng Thầy không xa Nhóm. Sau năm 1975, Thầy phục vụ ở Cần Giờ, gần biển có lợi cho việc điều trị bệnh thấp khớp. Vẫn cứ lủi thủi, áo quần xốc xếch và lấm láp, đầu đội cái mũ cối bằng nhựa không biết lượm được ở đâu và cả ngày đi dọn rác và đắp đường cho dân. Có một lần Thầy Sáu Tín đã tới Cần Giờ và chính mắt anh đã thấy Thầy như thế. Chính quyền xã phải phong Thầy là Anh Hùng Lao Động của xã, và Thầy được cấp tiền lương. Chẳng biết được bao nhiêu. Chỉ biết sau năm 1980, mỗi năm khi gặp Thầy, Thầy vẫn dúi cho anh em chúng tôi một hay hai trăm ngàn đồng “để làm việc tông đồ”! Thầy vẫn giữ cái tật dấu bệnh. Thầy bị sa ruột mà chẳng nói cho ai cả. Đến một hôm bị cảm sốt dai dẳng phải khám bác sĩ. Bác sĩ thấy ông cụ quấn chặt bụng bằng một cái khăn gì đó. Hỏi thì cụ bảo đau bụng, quấn như thế đỡ đau. Khám ra mới biết cụ sa ruột! Bảo cụ phải ngưng lao động ngay và chuẩn bị mổ thì cụ lại nói: “Không sao đâu, tôi chịu được mà, bấy lâu nay tôi cứ cột bụng mà vẫn làm việc được mà!” Bác sĩ đâu có chịu. Thầy Hilaire là thế đó. Năm 2000, bỗng các Thầy ghé thăm Pleikly. Bà con Jrai thấy Thầy Hilaire là ôm chầm lấy kêu to: Ơ Ayong Tơngil rai! Ơ Ayong Tơngil rai! (Ơâ! Anh Điếc đến. Ơâ! Anh Điếc đến.) Có những giọt nước mắt rơi. Chúng tôi nói: “Bây giờ Thầy già rồi, mời Thầy về lại Pleikly với điều kiện là không được làm việc nhiều và dĩ nhiên… không được dấu bệnh.” Ông cụ bảo: “Xin Cha Giám Tỉnh đi!” Tụi tôi có xin Cha Giám Tỉnh, nhưng đợi sau mùa mưa và mùa lạnh kẻo Thầy lại bị thấp khớp. Nhưng sau mùa mưa và mùa lạnh thì cụ lại bị đau bệnh khác, và vẫn vì thế, mà cụ không lên lại Pleikly, sợ thêm gánh nặng cho anh em.
“NHÓM MỞ” (OPEN TEAM)
Khi Thầy Hilaire rời Nhóm, không biết Cha Tài tìm đâu được Ông Năm, một ông già run tay run chân, tới lo việc bếp núc. Lại có Cô Chín, người Qui Nhơn, một lần nghe Cha Tài giảng, đã xin đi theo để phục vụ truyền giáo. Cha Tài đã có thói quen chiêu mộ giáo dân làm việc truyền giáo từ khi còn ở với người Kơho phía Phi Yang. Một trong những người thời đó là Cô Lệ, người Vĩnh Long. Cô đã đi học làm bác sĩ tại Đại Học Y Huế có ý trở về phục vụ cho bà con thiểu số. Nhưng sau 1975, vì thời cuộc và vì cha già cô không lên được Tây Nguyên. Cô sống độc thân và mở phòng khám bệnh cho bà con nghèo ở Trà Vinh. Sau cô Chín lại có anh Oánh từ  Sài Gòn xin gia nhập nhóm. Tại địa phương thì Cha Tài huy động được những giáo dân người Kinh tham gia vào những công việc vật chất như làm nhà, trồng trọt. Ngoài căn nhà sàn chúng tôi ở, Cha Tài còn huy động anh em Kinh Thượng làm một căn nhà “Rông” (sang rung) rất xinh (5m x 15m), tất cả bằng gỗ sao, mái lợp tôn. Ngôi nhà “Rông” này do anh em Bahnar Plei Thong A hướng dẫn và cùng thực hiện. Theo truyền thống xưa “sang rung” là nơi hội họp, cúng tế của dân làng. Xưa đó cũng là nơi các “dam rung” (trai tráng) ngủ tập trung ban đêm để kịp ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Nay phía Jrai Pleikly không còn thấy có “sang rung” nữa. Nhưng thanh thiếu niên vẫn có thói quen ban đêm chia nhau ngủ chung ở những nhà nào đó mà chúng thấy phù hợp. Bọn nam thanh thiếu niên ít khi ngủ tại nhà mình với cha mẹ. Căn Nhà Rông Cha Tài cho dựng lên được dùng làm Nhà Nguyện của chúng tôi. Việc tham gia của anh chị em giáo dân (có người ở trọn thời gian với Nhóm như Cô Chín từ Qui Nhơn, Anh Oánh từ Sài Gòn), có người bán thời gian (như ông Cậy, ông Cẩn tại Phú Nhơn, anh Bính, Anh Hồng từ Mỹ Thạch, anh Dung từ Pleiku…), làm cho chúng tôi có ý tưởng ao ước thiết lập một “Nhóm Mở” (open team) có thể bao gồm tu sĩ, linh mục của nhiều Hội Dòng khác nhau, anh chị em giáo dân nam nữ, thậm chí cả những người thuộc các tôn giáo khác, miễn là yêu mến và dấn thân phục vụ người thiểu số, mỗi người theo khả năng riêng của mình.
THẦY MARCÔ ĐÀN DCCT

Thầy Hilaire rời Nhóm thì Thầy Marcô Đàn nhập Nhóm. Vào khoảng tháng 08/1970, Thầy Sáu Tín trong một lần về Sài Gòn có nghe Thầy Marcô học châm cứu và thi đậu xuất sắc. Vốn đã là y tá tây y, Thầy nghiên cứu thêm thuốc Nam. Thế là vào một bữa trưa ngồi gần Thầy, Thầy Sáu Tín rủ rê: “Thầy ơi lên Pleikly với tụi con đi. Trong Nhóm chẳng có anh nào chuyên về thuốc cả. Mà người Thượng lại cứ đến xin thuốc hằng ngày. Thầy biết châm cứu, Thầy lại biết cả thuốc Nam, thế là phù hợp quá rồi!” Thầy chỉ mỉm cười, chẳng ừ chẳng rằng. Thầy là thầy dạy sử địa cho Thầy Sáu Tín ở lớp 7è. Năm 1970 đó Thầy cũng 52-53 tuổi rồi. Còn Thầy Sáu Tín mới 29. Đâu có dám nói gì thêm. Lại biết rằng sức khoẻ của Thầy không được tốt lắm. Thế rồi bỗng nhiên vào tháng 10/1970, Thầy xuất hiện tại Pleikly. Lập tức Thầy có rất nhiều bệnh nhân, cả Kinh cả Thượng, cả lương cả giáo. Thầy chữa bệnh miễn phí. Con số bệnh nhân chứng tỏ khả năng của Thầy. Cả những người Kinh từ Pleiku, cách 60km, cũng lặn lội đến với Thầy. Xin đơn cử ra ba trường hợp chữa bệnh của Thầy.
Siu H’Mi, lúc đó là một bé gái một hay dưới một tuổi, nhà ở ngay phía đông nhà chúng tôi. Bỗng một hôm từ  trong nhà có nhiều tiếng khóc la kiểu khóc người chết (]ok hia): đó là cha mẹ và bà con la khóc vì bé H’Mi nguy tử! Thầy Markô và anh em chúng tôi vội chạy qua. Bé H’Mi đang cơn co giật. Thầy Markô bắt mạch rồi rút kim châm cho em vài mũi. Em hết co giật, cơn sốt hạ dần. Đối với người Jrai thì đúng là chết sống lại. Mà nếu cứ để như thế thì thực sự bé H’Mi khó mà qua khỏi. Nay Siu H’Mi đã có gia đình, con cái đùm đề.
Siu H’Kot, làng Plei Kia, lúc đó cũng là một cô bé khoảng 9-10 tuổi. Người nhà hớt hải tới cầu cứu Thầy Markô. Chúng tôi chạy theo Thầy qua làng Plei Kia. Lên nhà thì thấy Siu H’Kot sốt mê man lại chảy máu mũi, máu miệng: người Jrai rất sợ máu vào những trường hợp như thế này. Thầy Markô cũng bắt mạch và cũng một vài mũi kim vào những huyệt cần thiết (lần này chúng tôi thấy Thầy châm cả huyệt âm hộ). Hết chảy máu, hết sốt. Không biết có phải vì lần lâm bệnh này mà sau Siu H’Kot không có con? Siu H’Kot đã lấy anh rể theo tục “hdui nuêi”: khi người chị chết, chồng người chị có thể xin cưới cô em vợ. Sau 1975, chị của Siu H’Kot đi làm rẫy cuốc phải đầu đạn M79 và tử nạn. Người rể dòng họ Rmah xin tiếp tục làm rể dòng họ Siu. Hai bên cùng quí mến nhau. Thế là dòng họ Siu phải tìm cho anh một người vợ họ Siu. Không có ai thích hợp bằng Siu H’Kot, em ruột người quá cố, con của chị cũng được coi là con của em. Có những nơi gọi là “amí net, amí prong” (mẹ lớn mẹ nhỏ). Khác với vợ kế được con chồng gọi là “neh” (dì) chứ không gọi là “amí” (mẹ). Trong trường hợp mồ côi dù cha hay mẹ thì con cái luôn được bà hay chị em bên ngoại lãnh trách nhiệm dưỡng dục. Nhưng Siu H’Kot lúc đó mới có 13-14 tuổi. Anh Rmah bằng lòng chờ đợi hai ba năm sau mới làm lễ thành hôn. Nhưng sau đó thấy hai người không có con được với nhau.
Kpă H’. . . , làng Pleikly, đã lấy chồng, nhưng trong một lần xích mích với chồng đã uống một thứ thuốc gì đó mà chỉ một số người Jrai nào đó biết, để khỏi sinh con cho người chồng đáng ghét! Nhưng có phải người ta đáng ghét mãi đâu! Rồi cũng đến lúc nguôi ngoai, lại thấy người ta đáng thương và dễ thương! Tới lúc đó muốn có con lại không biết thuốc chữa! Thế là phải chạy tới Thầy Markô. Thầy bảo khó đó. Nhưng để coi coi. Thầy châm cứu. Rồi cho uống một vài thứ  dược thảo nào đó mà cũng chỉ một mình Thầy biết. Năm sau, Kpă H’. . . cho ra đời một bé gái đặt tên Kpă H’{am. Năm sau nữa lại sinh thêm một bé gái đặt tên là Kpă H’Prin. Người Jrai rất quí con gái, vì con gái mới là con của mình (nó cho mình có con rể đến ở nhà mình, lại cho mình những đứa cháu mang dòng họ mình), còn con trai là con của người ta (khi lấy vợ là ở nhà vợ, con cái sinh ra đều mang họ nhà vợ). Nhưng khi gia đình Kpă H’. . . nhờ thuốc của Thầy Markô mà sinh được hai người con gái quí báu như thế thì Thầy Markô không còn ở lại Pleikly, không còn ở lại trên dương gian nữa!
CÙNG LÀM KIẾP RUỒI MUỖI
Giữa tháng ba 1971, Quân Đội Giải Phóng Miền Nam (tên gọi thời đó của Quân Cộng Sản) tiến công quận lỵ Phú Nhơn (cách làng Pleikly không đầy 1km). Trận đánh này là để “chia lửa” với trận Khe Sanh Nam Lào (Quân Mỹ và Quân Quốc Gia phối hợp đánh lớn ở Nam Lào nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn vận chuyển Bắc Nam, nhưng họ thất bại lớn). Vùng Pleikly-Phú Nhơn cũng như nhiều vùng khác thời đó được gọi là vùng “xôi đậu” nghĩa là vùng Quân Quốc Gia tạm chiếm, nhưng Quân Cộng Sản vẫn trà trộn trong đó. Ban ngày Quốc Gia, ban đêm Cộng Sản. Ban ngày dân làng chúng tôi không dám xa làng 1km vào rừng, vì đã là vùng hoạt động của Quân Cộng Sản, và bởi đó đã là vùng oanh tạc tự do của Quân Quốc Gia! Đêm nào dân cũng nghe hai bên bắn nhau, oanh kích nhau. Đạn to đạn nhỏ cứ bay qua bay lại trên đầu dân, và thỉnh thoảng lại bay lạc vào chính người dân. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan! Nhưng giữa tháng ba 1971 là một trận đánh lớn.
Như thường lệ dân chẳng biết gì. Dân làng Plei Kia có Lễ Hội “Bỏ Mả” (Pơthi Pơsat). Sau khi an táng, người Jrai có ba ngày “pot kuaí’” (người thân ra vun quén, sửa sang cho ngôi nhà mồ). Sau đó một tháng là “huă mơnơi” (qua lần “ăn” long trọng này, người chồng hay người vợ của người quá cố mới được phép “tắm”). Sau đó là “huă blan” (tháng tháng cả họ hàng thân thuộc đem rượu ra uống ngoài nhà mồ một ngày). Giữa đó là “huă lui asơi” (“ăn” lễ này để thôi không mang cơm hằng ngày ra nhà mồ cho người quá cố nữa). Sau một hai năm, “ăn” lễ đoạn tang (huă tlaih kơmai: người phối ngẫu được quyền lập gia đình mới). Rồi vào một năm nào đó, với sự đồng ý phối hợp giữa tất cả những gia đình cùng một dòng họ có thân nhân quá vãng cùng chôn trong một nhà mồ, họ tổ chức lễ “Bỏ Mả”. Từ nay thời gian vương vấn giữa người chết và người sống đã kết thúc: “lon pleh, deh pha, ia pơkon” (“đất đổi, quê xa, nước lạ” không còn gì chung chạ với nhau nữa). Đây là một Lễ Hội lớn qui tụ thân bằng quyến thuộc nội ngoại bạn bè khắp nơi. Người ta có thể làm thịt hằng chục, vài chục con trâu bò heo. Trước đó cả tháng, người ta kiếm cây, cắt tranh, đẽo gọt những “tượng nhà mồ”, làm mới và trang hoàng nhà mồ rực rỡ. Mọi người nô nức chuẩn bị. Tối nào Thầy Sáu Tín cũng theo đám cồng chiêng tập cho được. Anh đã đánh “}êng bet” (chiêng nhịp), đánh được “]êng ania” (chiêng trầm), bây giờ ráng học cho được “]êng asar” (chiêng đơn: chiêng đánh theo bài hát, mỗi một cái chiêng là một dấu nhạc, phải thuộc bài để đến nốt nhạc của mình là gõ, quên là hỏng cả bài, hỏng cả đám!).
Thế là vào cái đêm 12/03/1971 đó, khai hội “Nhà Mồ” tại nghĩa trang làng Plei Kia. Họ hàng làng xóm xa gần kéo nhau về rất đông vui. Đây là dịp để trình diễn các bộ váy áo và khố thổ cẩm rất trang nhã và mỹ thuật. Không biết có bao nhiêu bộ chiêng được đem đến: những đoàn chiêng nổi tiếng lúc đó là: đoàn chiêng Plei Lao, đoàn chiêng Plei Djrêk, đoàn chiêng Bahnar của Plei Thong A, đoàn chiêng Plei Luh… Chắc chắn phải là những bộ chiêng có cung giọng hay nhất và mạnh nhất. Vì có lúc hai ba bộ chiêng cùng tấu, và mỗi bộ chiêng phải có cung giọng rõ đủ, mạnh đủ, vững đủ cho đoàn “suang” của làng mình nghe được mà múa phụ họa không lẫn lộn với các đoàn khác. Ngấm ngầm ở dưới có một sự thi đua xem ai hay hơn, đều hơn, đẹp hơn, nhịp nhàng hơn, mạnh mẽ hơn… Cho nên có thể xảy ra “đấu chiêng” (juă ]êng): có những đoàn cồng chiêng với đoàn múa phụ họa của mình “đã” quá, sau khi đi được mấy vòng “Nhà Mồ” rồi, không chịu rút ra nhường chỗ cho các đoàn khác, mà cứ mải mê “chơi” miết, ỷ vào chiêng mình mạnh, nên tới một lúc nào đó, do âm thanh cộng hưởng thế nào đó làm cho bộ chiêng yếu “bể” rạn nứt luôn (]ah ]êng), không xài được nữa. Nên lưu ý là chiêng bể do không chịu nổi âm thanh cộng hưởng hơn là do nghệ nhân gõ quá mạnh. Vì tiếng Jrai nói “tong ]êng” (vuốt, uốn nắn âm điệu cồng chiêng bằng cả hai tay cho nhặt khoan) chứ không nói là “taih ]êng” (đánh chiêng). Trong trường hợp này, cho dù anh thuộc bài, anh vẫn bị coi là “=u thâo”: “không biết”, không sành, thô. Cũng nên biết rằng trong bộ tộc Jrai chỉ có đàn ông con trai mới “tong ]êng”.
Cứ như thế từ chập tối cho tới khuya, hết đoàn này đếùn đoàn nọ thay nhau “yun suang” (nhún múa). Có khi vòng trong vòng ngoài. Thường vòng trong dành cho người có tuổi. Vòng ngoài dành cho lớp trẻ. Vòng trong khoan thai hơn. Vòng ngoài mạnh mẽ và nhộn nhịp hơn. Vòng trong có thể có nhóm chỉ gồm các bà, các cô, váy áo chỉnh tề và đặc biệt, áo có gắn những tấm chì đúc mỏng (hnar) với những hoa văn tinh tế suốt cánh tay, lại có xâu chuỗi đủ màu gắn hai bên nách (a[ú), đầu mỗi xâu có cài những lục lặc hay những đồng xu nho nhỏ phát ra những âm thanh leng keng khi họ nhún nhảy. Nhóm này nhún nhảy theo một điệu cổ truyền phức tạp hơn, thường là với những kiểu chắp tay, buông tay, xoay trái, xoay phải, lắc mông nhè nhẹ, chậm rãi, nhịp nhàng theo điệu chiêng. Trong nhóm này không có đàn ông. Ông nào hứng khởi muốn tham gia thì múa tự do một mình (solo). Nhóm này cho thấy bản chất của “yun suang” Jrai không phải hướng ngoại như ta tưởng, nhưng là hướng nội vì nội dung của các bài cồng chiêng phần lớn là những bài gợi nhớ đến những kỷ niệm về những con người và những phong cảnh núi rừng sông suối buôn làng thân thương. Dĩ nhiên cũng có những bài cồng chiêng rộn ràng phấn chấn. Lại có cái nhóm “yun gor”: một trống cái, một người gõ nhưng lại  có tới bốn hay sáu người khiêng. Có thể là toàn đàn ông. Có thể là toàn đàn bà. Cũng có thể cả đàn ông, cả đàn bà. Vừa khiêng vừa nhún nhẩy, vừa hát hò. Một người xướng, mọi người đáp. Thường cái đám này nhộn nhất. Giữa những nhóm trung tâm này lại có thể có những hình nộm: những con người đeo mặt nạ kỳ dị, mình trùm một cái khung đan bằng tre le, phủ bông lau, lá chuối khô, giây leo hay rễ cây tượng trưng cho những “wôm”, “brâu” (lâm quái, sơn quái, thủy quái, tà ma…) Tất cả cứ nhún nhảy theo điệu cồng chiêng. Nhưng đêm đó, cuộc vui không được lâu. Giữa tiếng cười nói, hát ca, trống cồng, bỗng nổ ra chát chúa mọi thứ  tiếng súng lớn nhỏ. Tuy không phải tại đó, nhưng cũng rất gần. Việt Cộng tấn công Quận Phú Nhơn cách đó không đầy một cây số!
Thầy Sáu Tín cố gắng lôi kéo đoàn chiêng của mình tiếp tục chơi để bà con khỏi hốt hoảng. Nhưng không có ai múa theo nữa! Đoàn chiêng cuối cùng đó đi không giáp được một vòng, rồi cũng chịu thua. Mọi người đều im lặng lo âu. Tiếng súng đã át tiếng chiêng. Cuối cùng chỉ còn tiếng súng. Mấy đống lửa cũng lụi dần vì không có ai tiếp củi. Thầy Sáu Tín vẫn chưa nhận định ra tình hình. Vì đã quá quen nghe những vụ nổ súng ban đêm nên anh cứ tưởng cũng lại đụng độ ban đêm, đến sáng đâu lại vào đó. Anh lững thững tiến về phía một đống củi và ngồi xuống một mình. Bỗng chị H’Gó làng Plei Kia tới lôi anh về phía đông người hơn đang trùm chăn làm bộ ngủ (theo kiểu đà điểu vùi đầu xuống cát như người ta nói). Có mấy người cũng lôi Thầy Sáu Tín nằm xuống, bắt trùm chăn và thì thầm bên tai: “Sum aban đih pit bé, arang bă =ơi anai ne!” (Nằm xuống, ngủ đi, “người ta” đầy ra ngay ở đây này!). “Người ta đầy ra” mà Thầy Sáu Tín có thấy ai đâu! Nằm một hồi bên cạnh anh Quân, anh Mầu cũng được dân làng bắt nằm trùm chăn, rồi anh cũng ngủ lúc nào không hay. Khi thức giấc thì trời đã tờ mờ sáng. Tiếng súng cũng êm. Biết mà! đánh đêm thôi, sáng là rút. Và Thầy Sáu Tín lại bắt đầu nói đùa cho vui: “A=aih, ta thi pơsat, =iă tra thi ta pô ih!” (Chèng ơi, mình bỏ mả, suýt bỏ mạng hé!) Anh rất lấy làm ngạc nhiên là mình chọc cười mà chung quanh chẳng có ai cười cả! Anh trông trước trông sau, bỗng bắt gặp một đôi chân mang đôi dép mà trong vùng “quốc gia” chẳng có ai mang cả: đôi dép “râu”, đôi dép “trường sơn”, đôi dép làm bằng vỏ và ruột xe! Bạn chỉ cần lấy vỏ xe phế thải, cắt cho vừa bàn chân, xâu thêm mấy cái lỗ, xỏ vào ba lát ruột xe cho vừa, thế là bạn đã có đôi dép rất bền, rất tiện, đường nào cũng đi được. Nhìn từ đôi dép ấy nhìn lên, Thầy Sáu Tín bắt gặp một khẩu súng mà không bao giờ lính “quốc gia” mang: khẩu B40! Và bây giờ  Thầy Sáu Tín mới hiểu: “người ta đầy ra đó”, và cũng hiểu không ai còn muốn đùa giỡn nữa. Từ lúc đó Thầy Sáu Tín cũng êm re luôn!
Khi trời đã sáng hẳn có “lệnh”: ai về làng nấy. Thầy Sáu Tín rất muốn đi theo mấy người làng Plei Djrêk:  xa trung tâm Quận Phú Nhơn cũng là trung tâm cuộc chiến một tí cho nên phía đó ít nghe tiếng súng hơn. Nhưng ở nhà giữa làng Pleikly lại còn Thầy Markô đêm qua không biết ra sao. Thôi đi về theo người làng Pleikly. Nhưng vừa về tới ngõ phía tây làng đã gặp mấy anh bộ đội đứng phân chia: đàn ông qua bên phải – đàn bà qua bên trái. Qua ngả bên phải lại có bộ đội dẫn chúng tôi vào vườn chuối nhà ông Phó. Cuối cùng khi không còn ai tới nữa thì có tất cả trên ba mươi người đàn ông của hai làng láng giềng Pleikly và Plei Kia ngồi sát nhau thành một đám. Chung quanh có bộ đội cầm súng canh chừng. Một người đeo súng ngắn lên tiếng: “Ai trong anh em biết tiếng Kinh”? Không ai trả lời. Hỏi lần thứ hai, lần thứ ba cũng không ai trả lời. Hỏi lần thứ tư, không biết tại sao Thầy Sáu Tín giơ tay: “Tôi biết tiếng Kinh”! Người đeo súng ngắn nói: “Tốt! Vậy yêu cầu anh thông dịch ra tiếng dân tộc những điều tôi nói đây: 1. Quân đội cách mạng đến giải phóng Quận Phú Nhơn. Không phải đến đánh rồi đi. Nhưng là đến giải phóng và ở lại luôn. 2. Xin dân làng cho phép cắt giây kẽm hàng rào vườn các hộ để lấy lối đi cho bộ đội hành quân, và chặt chuối để làm công-sự. 3- Ai trong anh em là cảnh sát, lính bảo an, dân vệ hay cộng hòa hãy nộp súng cho cách mạng, sẽ được khoan hồng. Ai ngoan cố sẽ bị trừng trị”.  Thầy Sáu Tín lần lượt nói lại bằng tiếng Jrai. Có nhiều người trong đám họ hiểu rất rõ tiếng Kinh. Nhưng họ vẫn làm thinh. “Ai có súng ra trình diện”! Nhắc đi nhắc lại bốn năm lần: Họ vẫn bất động! – “Cách mạng đã biết rõ ai trong đám này có súng – hãy tự nguyện tự giác, sẽ được khoan hồng, bằng không…” Người đeo súng ngắn rút súng ngắn ra, nói tiếp: “. . . sẽ bắn từng người một”! Vẫn không ai nhúc nhích! Người đeo súng ngắn quay qua phía Thầy Sáu Tín ra lệnh: “Anh hãy chỉ cho tôi ai trong những người này có súng”! Thầy Sáu Tín ngỡ ngàng. Không thể chỉ bất cứ ai. Sau này làm sao còn có thể sống với dân làng với họ hàng của họ. Vả lại Thầy Sáu Tín thực sự không thể khẳng định ai trong đám người ngồi đó có súng? Có thể đã thấy ai đó mang súng. Nhưng làm sao có thể nói bây giờ, lúc này người đó còn giữ súng? Một lát sau Thầy Sáu Tín nói: “Tôi không phải là người Jrai. Tôi là người Kinh, là tu sĩ Công Giáo. Tôi mới tới ở đây được mấy tháng, không quan tâm nên không biết ai có súng hay không có súng…” Người đeo súng ngắn nói: “Anh không muốn cộng tác với cách mạng chứ làm gì anh không biết”! Thầy Sáu Tín chẳng còn biết ăn nói ra sao nữa. Bầu không khí trở nên nặng nề.
Lúc này Ama Tên (cha của thằng Tên, lúc đó làm xã trưởng, và được dân chúng coi như “già làng”) mới lên tiếng bằng tiếng Jrai: “Tôi xin nói thế này: họ không chịu để cho mình yên đâu. Tôi đề nghị ai trong chúng ta có súng đồng loạt giơ tay. Nếu chúng ta không nộp súng, chắc chắn một người trong chúng ta sẽ phải nằm lại đây, có khi người đó lại chính là Thầy Sáu Tín! Vậy bây giờ tôi đếm một hai ba, ta giơ tay nghe!” Đa số gật đầu. Thế là những người có súng đồng loạt giơ tay! Họ được ghi tên và được bộ đội hay du kích dẫn đi lấy súng. Sau đó người mang súng ngắn quay về phía Thầy Sáu Tín hỏi:
-    “Anh bảo anh là tu sĩ, sao anh không mặc áo tu ?
-    Chúng tôi chỉ mặc áo tu khi cầu nguyện và dâng lễ trong nhà thờ…
-    Nhà anh ở chỗ nào ?
-    Ở giữa làng.
-    Có hầm trú không ? – Có.
-    Được rồi. Bây giờ anh hãy về nhà. Đừng đi lung tung, nguy hiểm. Nên trú trong hầm…”
Thế là chúng tôi về căn nhà sàn của chúng tôi, vui mừng vì thấy Thầy Markô, ông Năm, cô Chín còn nguyên vẹn! Chúng tôi kể cho nhau nghe những nỗi lo âu của chúng tôi trong đêm vừa qua. Cha Tài và anh Oánh hôm qua có việc đi Pleiku. Chúng tôi cũng mừng vì hai người này không có ở đây. Nhưng chúng tôi cũng biết họ đang rất lo cho chúng tôi. Lúc đó có ông Nhu, một giáo dân, từ thôn Đôn Hòa, tới hỏi thăm chúng tôi. Thôn Đôn Hòa gần sát Quận Phú Nhơn (đơn thuần là một đồn bốt lớn). Ông Nhu kể cho chúng tôi trận đánh ác liệt đêm qua, những người bị thương, những người chết ở cả hai bên và trong dân. Ông nói lúc này không thấy bộ đội chung quanh quận và ở Đôn Hòa. “Bây giờ các cha, các thầy tính sao? Nhân lúc ban ngày yên ắng này, nên chạy qua Đôn Hoà, tìm cách vào trong quận, đợi trực thăng bốc về Pleiku?” Chúng tôi khuyên ông nên về Đôn Hòa với gia đình ngay đi. Bộ đội còn “đầy” ở trong làng này và các làng chung quanh. Họ nói còn đánh và ở lại lâu dài. Chạy về phía quận là nguy hiểm: một là vì đó là điểm họ nhắm tấn công, hai là vì chạy về phía quận là chạy về phía “Mỹ Ngụy”, sau này rất khó mà trụ lại được ở Pleikly. “Vả lại dân làng vẫn còn đó, chúng tôi ở lại với họ, sống cùng sống, chết cùng chết”. Và ông Nhu ra về một mình.
Anh em tu sĩ bảo nhau mặc áo dòng. Và chúng tôi đã mặc áo dòng cả ngày lẫn đêm. Nếu có ai nghĩ đó là biện pháp an toàn thì sẽ lầm to vì mũi tên hòn đạn, và cả những con người bắn chúng không hề biết phân biệt như ta sẽ thấy sau này. Chúng tôi giới hạn ra khỏi nhà. Nhưng không biết tại sao chiều hôm ấy Thầy Sáu Tín lại ở ngoài nhà, giữa nhà ở và “nhà Rông”. Anh thấy từ phía Pleiku một chiếc trực thăng lớn loại Chinook đeo toòng teng một “gói” lớn dưới bụng. Nó bay về phía quận. Nhưng tới Pleikly liền có nhiều loạt súng của bộ đội bắn lên. Chiếc trực thăng vội thả gói đồ để chạy thoát thân. Thầy Sáu Tín thấy gói đồ bay về phía mình. Thay vì chạy ngược chiều, anh lại chạy xuôi theo gói đồ. Gói đồ ấy rơi cái rầm xuống cái bể có hòn non bộ ngay trước Nhà Rông, và cũng ngay trước mặt Thầy Sáu Tín. Nước bắn tung tóe! Thầy Sáu Tín sợ là xăng. Xăng mà bốc cháy thì hỏng hết! Nhưng may quá đó chỉ là nước từ hồ hắt vào anh. Anh chẳng còn muốn xem cái gói đồ kếch xù ấy là thứ gì, chỉ vội vàng chạy vào trong nhà!
Nhưng chỉ một vài phút sau đã có một tiểu đội bộ đội đến kiểm tra cái gói đó. Nghe họ nói thì cái bọc đó gồm toàn là đạn, một loại đạn lớn của xe tăng. Họ không đụng tới cái bọc đó. Trước khi họ rút đi, họ đến bên cái xe Jeep loại phế thải mà chúng tôi đã mua lại với giá rẻ để dùng. Họ ném bộc phá vào ổ máy. Chiếc xe bốc cháy. Họ còn dắt cái xe Honda của chúng tôi, cho dựa vào chiếc xe Jeep, rồi bỏ đi. Chắc họ không muốn có ai dùng những chiếc xe đó để chở cái bọc đạn kia cho Mỹ. Thật là của nợ, rơi đâu không rơi, lại rơi đúng vào nhà chúng tôi!


Đêm xuống. Lại đánh nhau. Súng lớn, súng nhỏ chát chúa, hỏa châu chập chờn, trực thăng gào thét, lồng lộn và khạc đạn… Đạn nhỏ rít, đạn lớn rú trên đầu chúng tôi, không biết nó bay đi đâu, nó rơi chỗ nào. Chúng tôi xuống chen chúc ngồi bó gối trong căn hầm chặt chội. Nắp hầm ngay trên sàn nhà: chỉ lật mấy tấm ván là nhào xuống hầm. Từ sàn nhà tới mặt đất chất hai ba lớp bao cát chung quanh miệng hố. Từ mặt đất đào xuống độ 1m50 nữa. Chúng tôi sáu người chen chúc nhau trong một diện tích khoảng 1m x 1m50 đó. Thỉnh thoảng lại có những toán bộ đội chạy qua, chạy lại. Hai ba lần có người nói: “Thủ trưởng, có hầm! B40 nhá?” Mỗi lần như vậy, tim chúng tôi lại thót lại! Chờ đợi… nhưng rồi, không thấy gì. Thật là hồi hộp. Chắc thủ trưởng của họ bảo thôi: trong làng dân tộc mà! Nhưng tới nửa đêm thì có hai chiếc trực thăng (dĩ nhiên là của Mỹ) hình như không hề biết đây là làng dân tộc! Hay nó biết, nhưng nó cũng biết trong làng có Việt Cộng nó bắt đầu xả rockets xuống làng. Bắt đầu từ dẫy nhà từ ngoài đường cái trước. Mỗi vòng là những loạt rockets lại nổ như sấm sét gần chúng tôi hơn. Chúng tôi phó thác linh hồn trong tay Chúa! Rồi tới dẫy có căn “nhà Rông” (Nhà Nguyện) của chúng tôi. Nó nổ tung trong ánh chớp lòa. Đất rung lên. Chúng tôi đinh tai nhức óc. Ván, tôn, đất cát văng lên, hắt tung tóe vào nhà chúng tôi đang trú ẩn. Căn Nhà Rông đó chỉ cách chỗ chúng tôi khoảng 4m. Chúng tôi còn sống và không ai hề hấn gì. Nhưng chúng tôi đợi loạt rockets tiếp theo! Và lần này nữa thì chúng tôi biết chúng tôi sẽ tan tành như căn Nhà Rông! Hai chiếc trực thăng lượn lại một vòng… không bắn! Chúng lượn lại một vòng nữa… cũng không bắn! Sau đó chúng bay đi về hướng Pleiku. Chúng tôi thở phào. Sau đó mọi sự trở lại im lặng khác thường. Chỉ còn tiếng gió rít trên mái Nhà Rông toang hoác làm cho những tấm tôn còn dính trên đó đập phành phành từng hồi nghe thê thảm! Chúng tôi vẫn còn ngồi trong hầm một hồi lâu, mình phủ đầy bụi đất. Sau đó, cuộc chiến như lắng xuống. Chỉ còn lác đác vài tiếng súng từ phía quận. Thường là như thế: những cuộc tàn sát chỉ diễn ra ban đêm. Chúng tôi leo lên sàn nhà, ai nấy tìm một chỗ để ngủ. Tất cả chúng tôi rất buồn ngủ. . .
. . . Có lẽ là tới sau trưa, bỗng chúng tôi nghe một giọng đanh thép ra lệnh: “Tất cả những người trong nhà ra ngoài ngay”! Ra ngoài, chúng tôi thấy một tiểu đội bộ đội chĩa súng vào chúng tôi. Họ ra lệnh cho chúng tôi từ trên nhà sàn xuống đất. Một người trong bọn họ nói: “Các anh có máy điện đài gọi địch bắn pháo vào dân làng!” Chúng tôi nói chúng tôi không có loại máy nào như vậy cả. Họ nói: “Nếu lục soát thấy, các anh sẽ phải đền tội!” Và một số họ vào nhà lục soát. Một lúc sau họ tìm được một cái “radio” (mà phía bắc gọi là cái “đài”) và hai cái “cassettes” thời 60-70 chúng tôi mua để thu băng học tiếng Jrai, nhưng họ nói: “Đây là máy các anh dùng để gọi pháo địch bắn vào làng!” Họ nhất định coi mấy cái “micro” của máy “cassette” là những bộ phận để liên lạc với “địch”. Chúng tôi giải thích mấy họ cũng không chịu. Sau cùng họ chỉ vào Thầy Marcô: “Tên già ra đền tội”! Họ làm như bắn Thầy tới nơi! Nhưng lúc đó không biết từ đâu, đạn trọng pháo bắn tới. Tiếng hú và tiếng nổ rất gần chúng tôi. Đất hắt cả lên người chúng tôi. Có người bộ đội nói: “Thủ trưởng, ta đi thôi, ở đây không tiện!” Thế là tất cả bọn họ rút lui, mang theo radio và cassettes, và cả mấy thùng bánh mì khô của chúng tôi nữa. Chỉ còn lại anh em chúng tôi. Lúc đó Thầy Lêônard Q. hô: “Chạy”! Và với cả áo dòng, Thầy chạy biến luôn. Còn lại Thầy Marcô, Thầy Sáu Tín, Mầu, ông Năm, cô Chín bảo nhau đi về phía Plei Djrêk tránh xa quận là điểm giao tranh. Nhưng mới đi tới rìa phía đông làng Pleikly đã bị một tổ ba bộ đội canh giữ ở đó vẫy lại hỏi “Đi đâu?” Chúng tôi nói ý định của chúng tôi. Họ kéo chúng tôi vào căn hầm của họ và bảo: “Để đi hỏi ý kiến thủ trưởng đã”. Một lúc sau, người đi liên lạc trở về và nói: “Yêu cầu các anh đi gặp thủ trưởng”. Và anh ta dẫn chúng tôi trở lại vườn chuối của ông Phó ở rìa phía Tây làng, nơi chúng tôi đã gặp bộ đội ngày đầu tiên. Vừa tới nơi là họ trói giật cánh tay chúng tôi lại và nói: “Các anh gọi địch bắn vào dân làng, vào bộ đội, bây giờ định chạy trốn hả?” Họ lại đưa mấy cái “cassettes” ra. Lại giải thích một cách vô vọng. Chúng tôi bị trói như thế suốt cả buổi chiều. Nhưng chúng tôi không thấy hoàn toàn thất vọng, vì có lúc người cứ tạm gọi là thủ trưởng lại nói với mấy chú bộ đội: “Nếu có pháo hay máy bay địch tấn công, các đồng chí cho mấy người này trú vào hầm nghe”. Và vào khoảng bốn, năm giờ chiều họ cởi trói cho chúng tôi, và cho chúng tôi mỗi người ăn một khúc bánh tét. Khi trời đã tối hẳn bỗng có tiếng cảnh báo vừa đủ nghe, nhưng rõ ràng, dứt khoát: “Báo động! Xe tăng! B40 sẵn sàng!” Chúng tôi nghe có tiếng xe tăng rù rù ngoài đường cái. Hình như nó muốn bò vào làng Pleikly. Lúc đó họ lại trói tay chúng tôi ra sau lưng. Người chỉ huy rút súng ngắn cầm lăm le nơi tay. Tiếng xe tăng gần hơn. Ba loạt “aka” đanh thép vang lên, mỗi loạt ba viên thôi. Hình như đó là hiệu lệnh sẵn sàng. Anh Mầu ghé vào tai Thầy Sáu Tín nói nhỏ: “Nếu xe tăng tấn công, họ sẽ bắn tụi mình trước khi rút lui. Nếu họ bắn mà mình bị thương thì cũng giả đò chết nghe!” Thầy Sáu Tín mau mắn gật đầu. Nhưng sau đó nghĩ thầm: Bị trói giật cánh khuỷu, người cầm súng ngắn kia kê nòng súng vào thái dương của mình mà lảy cò, thì hỏi rằng còn bị thương ở chỗ nào được cơ chứ! Lại một lần nữa xin phó thác linh hồn trong tay Chúa!
Hình như cảm thấy nguy hiểm, chiếc xe tăng rút lui. Hay nó chỉ dò đường? Người chỉ huy nhét súng ngắn vào bao. Chúng tôi vẫn bị trói. Dẫu sao chúng tôi cũng nhẹ nhõm hơn: điều anh Mầu nói chưa tới. Chúng tôi ngủ gà ngủ gật cho đến khoảng gần nửa đêm, người ta đến nói: “Bây giờ chúng tôi đưa các anh đi khỏi đây, tới chỗ an toàn hơn”. Họ choàng vào cổ Thầy Sáu Tín, anh Mầu, mỗi anh một khẩu “aka”. Họ không lo ngại gì, vì tay chúng tôi bị trói rất kỹ ra đằng sau lưng. Dù sao chúng tôi cũng biết được là hai khẩu súng này không có chủ. Chúng tôi thấy hai bộ đội khiêng võng xác một đồng đội quấn kín trong vải. Chắc còn một người nữa họ đã đưa đi rồi.
Chúng tôi thinh lặng lần đi trong đêm tối. Đằng trước một vài người du kích dân tộc dẫn đường. Chỉ có họ mới biết con đường an toàn và chính xác. Đằng sau chúng tôi là vài anh bộ đội. Họ là người miền bắc và miền xuôi, không thể rành đường rừng bằng du kích dân tộc. Dần dần chúng tôi nghe tiếng súng ở lại phía sau lưng chúng tôi. Như vậy là chúng tôi đang đi về phía tây Pleikly – Phú Nhơn. Có lúc chúng tôi lại nghe tiếng súng xa xa phía tay trái chúng tôi. Như vậy là chúng tôi đang đi chếch theo hướng tây nam. Chúng tôi phải lội qua một con suối, chắc đây là suối Ia Hlôp, con suối lớn đầu tiên cách Pleikly chừng 5km. Mọi người làm theo bộ đội và du kích cởi dép cầm ở tay. Riêng Thầy Sáu Tín không chịu cởi dép nên tới chỗ nước sâu hơn đầu gối, bị nước cuốn đi một chiếc. Sau đó anh mới thấy chân có đi dép với chân không đi dép nó khác nhau thế nào nhất là ở chỗ đất sỏi đá. Cứ  đi 50 phút thì được nghỉ 10 phút. Mấy đêm mất ngủ, bây giờ chúng rất buồn ngủ. Khi được lệnh dừng chân nghỉ, ngồi xuống là chúng tôi ngủ liền. Gần sáng thì chúng tôi tới điểm tập kết. Đó là một con suối cạn, một căn hầm lộ thiên lý tưởng của tự nhiên, sâu tầm ngực, có chỗ sâu hơn, cũng quanh co qua lại, có tre le, cây cao bóng cả từ hai bên bờ bao phủ. Tại đây đã có nhiều người tới trước chúng tôi. Đa số là “tù binh người” dân tộc. Trong bọn  họ đa số có lẽ chỉ là “tình nghi” hay “lỡ” gặp Quân Giải Phóng mà bị giữ lại để bảo toàn cuộc hành quân. Chúng tôi nhận ra mấy người dân làng Pleikly và làng khác nữa. Tù binh thực thụ có lẽ chỉ có Nay-Jú Phó Quận Trưởng Phú Nhơn, hai người lính xe tăng, một phi công (do máy bay bị bắn hạ). Mấy người này mau chóng bị đem vào sâu hơn về phía tây (phía biên giới Cambod). Cũng tại nơi đây, chúng tôi gặp lại ông Năm, người nấu bếp cho chúng tôi. Từ lúc chúng tôi bị bắt, chúng tôi không thấy ông nữa, chúng tôi nghĩ là ông đã chạy trốn. Đúng là ông đã chạy trốn nhưng không thoát. Ông đã bị bắt và dẫn đến chỗ này trước chúng tôi. Tội nghiệp, ông đã già, lại có bệnh run tay run chân. Gặp chúng tôi, ông chỉ than phiền là khi lội qua con suối, nước cuốn trôi mất của ông một chiếc dép, bây giờ đi đau chân quá! Thầy Sáu Tín biếu luôn cho ông chiếc dép còn lại của mình vì anh nghĩ anh quen đi chân không rồi. Sau đó ông Năm không còn được gặp lại chúng tôi nữa. Ông đã được thả về lúc nào chúng tôi cũng không được rõ. Người ta giữ ông tới lúc này, chắc cũng để khai thác xem ông có thể cung cấp những điều gì đó liên quan đến chúng tôi.
Tại con suối cạn này chúng tôi trải qua mỗi người một cuộc thẩm vấn riêng lẻ: Tên? Tuổi? Nghề nghiệp?... Bị bắt vì tội gì? Khi chúng tôi nói chúng tôi không có tội thì được trả lời: Đã bị bắt thì nhất định phải có tội, phải thành khẩn khai tội. Tại đây lần đầu tiên chúng tôi làm quen với việc khai “lý lịch”, một từ chúng tôi chưa hề nghe tới. Phải khai ra “tiểu sử” và những mối quan hệ của mình từ hồi nhỏ. Công việc này chúng tôi phải lập lại rất nhiều lần, không những trong những ngày tháng bị bắt giữ mà cả những năm tháng sau ngày “giải phóng”. Đây là chế độ lý lịch. Người ta dựa trên lý lịch mà phân loại bạn: ngụy quân, ngụy quyền, tôn giáo, dân tộc, tư bản, tư sản, có nợ máu hay không có nợ máu, giàu hay nghèo, bần nông hay phú nông, trí thức hay công nhân, có công hay có tội với Cách mạng… v.v và v.v… Mỗi loại lại còn phân ra nhiều thành phần. Và người ta cứ dựa vào loại và thành phần mà đối xử với bạn: được đi học hay không được đi học, được làm công nhân viên chức hay không được làm công nhân viên chức, được dạy học hay không được dạy học… Tính cách khắc nghiệt của việc phân biệt đối xử theo lý lịch với năm tháng có giảm, nhưng đó là vì tình thế bắt buộc chứ không có thay đổi theo não trạng hay nguyên tắc. Đến thời điểm cuối năm 2002, số phận của các giáo viên Công Giáo hay Tin Lành là rất bấp bênh, và chắc chắn là họ không được phép vừa đi dạy học vừa tham gia hướng dẫn các lớp giáo lý. Tuyệt đại đa số những người tham gia chế độ cũ hay thuộc thành phần tôn giáo (trừ khi họ không khai ra trong lý lịch) không bao giờ được giữ một chức vụ gì ở bất cứ cơ quan ban ngành nào. Ưu tiên số một vẫn dành cho đảng viên, bất chấp trình độ.
ĐI BƯNG HỌC TẬP CẢI TẠO
Qua một buổi sáng và một buổi chiều, đêm về chúng tôi ngủ như chết. Gần sáng nghe xôn xao: trong đêm có một người bỏ trốn. Đó là một người Bahnar thuộc làng Pleikly. Du kích, bộ đội, cán bộ tỏ vẻ tức giận ra mặt. Sau đó mọi người được lệnh chia thành những nhóm nhỏ và sẵn sàng lên đường! Bao giờ cũng vậy, khi có nguy cơ bị lộ là di chuyển. Không biết đi về đâu?! Riêng nhóm chúng tôi gồm Thầy Marcô, Cha Mầu, Thầy Sáu Tín, cô Chín và ông Cự (một chủ xưởng cưa ở Phú Nhơn) cùng với anh Tư và hai người nữa đều là công nhân của ông Cự, những người này bị bắt giữa rừng vì lỡ gặp bộ đội trên đường hành quân, cũng có thể để khai thác thêm thông tin. Chúng tôi vẫn cứ dò hỏi xem chúng tôi sẽ bị đưa đi đâu? Phía cán bộ người Kinh, không ai trả lời cho chúng tôi cả. Chỉ có một anh du kích Jrai cho biết: “Nao hrăm” – đi học. Đi học? Thế thì tốt quá! Có dịp đi học Chủ Nghĩa Xã Hội, Chủ Nghĩa Cộng Sản do chính những người cộng sản hướng dẫn, còn gì bằng! Trước lúc lên đường, riêng phía tu sĩ chúng tôi nhận được thêm một mảnh giấy: “Tạm giữ  để bảo vệ an ninh cho bộ đội Mặt Trận Giải Phóng đường 14”. Tạm giữ? Như vậy là sẽ có ngày được tha! Chỉ là tạm giữ để đi học! Nói theo kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa: Phấn khởi quá! Sau này chúng tôi mới hiểu: học đây là “học tập cải tạo”! Miền nam thường gọi là đi tù. Nhưng trong Xã Hội Chủ Nghĩa không có nhà tù, chỉ có học tập cải tạo thôi! Sau này, hết tháng ba rồi qua tháng tư, hết tháng tư qua tháng năm mà cũng chẳng thấy được “học” lớp nào cả, hỏi anh cán bộ coi trại cải tạo (anh Hưởng) thì được anh giải thích: lao động là học đấy, lao động là cải tạo; cứ lao động đi là học tập cải tạo rồi đấy! Nghe thấy cũng có lý!
Đến lượt nhóm chúng tôi xuất phát. Nhóm chúng tôi gồm tám tù nhân như trên đã nói. Có ba chú du kích Jrai dẫn đường và canh chừng. Dĩ nhiên là chúng tôi bước đi trong tư thế bị trói, vừa khổ vừa nhục. Nhưng làm sao họ có thể tin tưởng cho chân tay chúng tôi thong dong được! Chúng tôi đi suốt ngày như thế băng qua những cánh rừng lúc rậm lúc thưa của Tây Nguyên. Chân bước lúc trên đất, lúc trên sỏi đá, lúc trên những mũi nhọn cỏ “chông”. Tháng ba mùa khô Tây Nguyên, mọi cái đều khô cháy, mọi thứ  cỏ đều trở thành chông gai: phần thân ngọn bị lửa thiêu, chỉ còn trơ cái gốc tua tủa như bàn chông. Thầy Sáu Tín đi chân trần! Đi được một nửa ngày trong cái nắng như thiêu như đốt, bàn chân rát bỏng không sao đi được nữa! May quá còn cái đai lưng áo dòng. Anh lấy đai lưng áo dòng của anh, mượn thêm đai lưng áo dòng của cha Mầu, tìm vài sợi giây leo nhỏ mà chắc, cột thành đôi dép êm ái vô cùng trong lúc đó! Cám ơn Thánh Alphonso “thiết kế” cái kiểu áo dòng như thế: ngày xưa kiểu áo này cưỡi ngựa thoải mái, ngày nay ban ngày làm áo, ban đêm làm chăn, đai lưng làm dép được nữa! “Dép đai áo dòng nâng niu bàn chân… tù-sĩ”! Đi trong mùa khô Tây Nguyên còn có nạn khát nước. Mười một người chỉ trông vào có ba bi đông nước của ba anh du kích! Rất hạn chế và cũng rất là ngại không dám xin! Nhưng khi đến một điểm có nước hay gặp một con suối, thứ nhất phải qua suối đã, thứ hai phải chờ năm phút cho bớt mệt, ráo mồ hôi, thứ ba cởi trói, mới được uống nước. Vẫn biết như thế là khôn ngoan, nhưng năm phút ấy cũng vẫn dài như vô tận. Vẫn kiểu đi 50 phút nghỉ 10 phút. Không cởi  trói. Đến trưa các anh du kích phân phát cho mỗi người một nắm cơm vắt và một ít muối. Đó là tiêu chuẩn chung. Mấy anh du kích Jrai còn có tiêu chuẩn riêng, nói theo ngôn ngữ Xã Hội Chủ Nghĩa, do họ “cải thiện”. Đó là thịt nai khô. Họ cũng chia cho chúng tôi. Nhẩn nha nhai miếng cơm, đệm thêm miếng thịt khô nướng, chêm thêm hạt muối: thật là “đậm đà khó quên” – khó quên cả những con người chia sẻ cho chúng tôi những miếng khi đói đó, thật là bằng mấy gói khi no. Nói thế chứ, Thầy Marcô vẫn nuốt không trôi. Thầy chưa bao giờ đi những quãng đường dài như thế, lại đi trong đói khát, đi dưới mặt trời đổ lửa. Dẫu sao thì chúng tôi mới ba mươi và dưới ba mươi tuổi. Còn thầy đã quá năm mươi, lại không tập thể thao, lao động như tụi tôi. Chính vì sức khoẻ yếu mà hồi trẻ thầy không thể tiếp tục học lên cao được. Có điều thầy không một chút kêu ca. May mà hôm đó chúng tôi chỉ phải đi có một ngày. Chiều đến, chúng tôi tới trạm thứ nhất. Ở đây thấy có hai ba anh bộ đội người bắc và ba bốn du kích Jrai. Ba anh du kích đưa chúng tôi tới đây, ngày hôm sau chúng tôi không gặp lại họ nữa. Có lẽ phạm vi hoạt động của họ là tới chỗ này thôi. Nhóm bộ đội và du kích ở một chỗ trống, cây cối tự nhiên. Còn có hai chỗ khác vây kín bốn mặt bằng cây rừng to bằng bắp đùi, cao ba thước, chôn chặt sâu xuống đất, sát với nhau. Có thể tạm gọi đó là những cái “chuồng”. Một cái thấy nhốt tù Jrai. Cái còn lại nhốt nhóm chúng tôi. Mỗi cái “chuồng” như thế ngang rộng khoảng hai thước, dài khoảng bốn thước, lộ thiên. Vào trong “chuồng” rồi, chúng tôi được cởi trói. Tiếng Jrai gọi mấy cái chuồng như thế là “war”. Khi họ được thả về hay trốn về, họ đã cho Cha Tài biết là có gặp chúng bị nhốt trong “war”. Cha Tài lại hiểu rằng chúng tôi bị nhốt trong “cũi”, nên càng đau xót cho chúng tôi hơn. “War” cũng có nghĩa là cũi, là chuồng, mà cũng có nghĩa là “hàng rào”.
Nghỉ một lúc, người ta cho chúng tôi đi cắt cỏ để trải nằm cho sạch hơn, êm hơn, ít trực tiếp với đất hơn. Họ cho chúng tôi tạm mượn mấy con dao hay lưỡi lê để cắt cỏ. Khi đi cắt cỏ, chúng tôi thấy chúng tôi ở gần một cái đìa khá rộng. Chúng tôi xin và được phép tắm. Thật là thoải mái. Thầy Marcô và cô Chín không tắm, chỉ rửa mặt và chân tay. Khi tắm, chúng tôi thấy trong đìa có rất nhiều cá, nhất là cá lóc. Chúng tôi nói với mấy anh du kích canh gác chúng tôi: tại sao không câu cá mà ăn? Họ bảo không có lưỡi câu. Chúng tôi bảo lấy kim băng mà uốn thành lưỡi câu. Có lẽ họ đã làm theo chúng tôi, vì hôm sau chúng tôi được ăn cháo cá lóc tươi. Chung quanh đìa chúng tôi thấy dầy đặc những dấu chân thú rừng: hươu nai, mang, hoẵng, heo, thỏ, hùm beo… Vì có hơi người nhiều nên bốn đêm chúng tôi ở tại đó, không thấy con thú nào bén mảng tới. Chúng tôi phải ở chỗ đó bốn đêm ba ngày vì mấy anh bộ đội đi lấy gạo ở một nơi nào đó bị lạc đường. Cả ngày thứ ba chúng tôi phải ăn cháo loãng, mỗi người chỉ có một bát. Cũng may là tối mịt hôm đó họ về được tới nơi. Và ngay sáng hôm sau, chúng tôi được lệnh lên đường đi tiếp. Trước khi lên đường có một chi tiết cần kể lại: anh bộ đội người Kinh trả lại cho Cha Mầu cây bút bi mà một anh du kích Jrai hỏi xin hôm trước. Anh bộ đội hỏi cặn kẽ có phải anh du kích kia đã tước đoạt của Cha Mầu không. Cha Mầu trả lời: “Không, anh ấy thích và ngỏ ý xin thì tôi cho.” – “Không được, cho không lấy, thấy không xin”. Đó là nét đẹp của bộ đội… cho đến ngày đất nước hoàn toàn “giải phóng”, thì cái nét đẹp ấy cũng bị “giải phóng” luôn.


Khi lên đường, chúng tôi lại bị trói tay ra đằng sau! Lần này thì phải đi ba ngày liền. Đêm nghỉ. Không thoải mái chút nào. Và vì muốn thoải mái nên đêm đầu tiên suýt nữa Cha Mầu bị bắn. Đêm nằm đất, nằm bụi, mà hai tay vẫn bị trói ra đằng sau (trói ở khuỷu tay và ở cổ tay) thì rất khó chịu, ê ẩm, tê buốt. Đi mệt cả ngày, đêm lại không ngủ được! Cha Mầu vốn là một tay hướng đạo, nút hay gút gì cũng thuộc. Lại tưởng rằng ban đêm người ta không đi kiểm tra. Và có ý ngay lành là ban đêm cần được ngủ thoải mái, lấy sức ngày mai đi tiếp. Vì thế cho nên, táy máy, lần mò, gỡ hết giây trói và ngủ giấc ngủ của người công chính! Nửa đêm, một anh du kích Jrai rọi đèn pin đi kiểm tra từng người. Tới chỗ Cha Mầu, anh ta lẩm bẩm: “Quái hồi tối mình đã kiểm tra cột chặt, mà sao giờ bung ra hết thế này?!” Cha Mầu chắc cũng biết tình hình rồi, nhưng vẫn giả đò ngủ say. Anh du kích đá cho Cha Mầu một cái hỏi tại sao mà lại cởi trói ra hết vậy, bộ muốn trốn hả? Cha Mầu giọng ngái ngủ trả lòi bằng tiếng Jrai: “Tôi không biết, tôi có biết đường nào mà trốn. Có lẽ ban đêm tôi cựa quậy sao đó mà nó tuột ra đó.” Anh du kích nói: “Vô lý, làm sao mà tuột được! Mày có ý trốn, tao bắn bỏ!” Đó không phải là lời đe dọa suông, vì sau này chính mấy cán bộ người Kinh cho biết: “Các anh sống được là may vì các anh có thể chết vì bệnh, vì đạn của địch, hay vì mấy ông du kích dân tộc. Họ nói bắn là bắn. Có khi họ ngại đường xa mệt nhọc lại nguy hiểm, nên khi phải giải tù binh, họ bắn bỏ, rồi về báo cáo tù binh chạy trốn”. Đúng là may, đêm hôm đó, Cha Mầu không bị bắn bỏ! Rất có thể vì ông ấy nói tiếng Jrai, vì cái tiếng Kinh trong lỗ tai người Jrai thường là không dễ thương chút nào! Đơn giản là cứ không hiểu nhau là đã khó thương nhau rồi.
Đến chiều ngày thứ hai của cuộc hành trình, khi ăn bữa tối, Thầy Marcô không chịu ăn nữa. Nói mấy, Thầy cũng không ăn. Cơm nóng. Nhưng chỉ ăn với muối. Mỗi người một bát đổ ra lá vì chúng tôi không có bát. Chỉ có mấy chú du kích có bát. Thầy đã quá mệt, khô cổ không nuốt nổi. Mấy chú du kích Jrai cũng thúc dục Thầy: “Ăn đi! Không ăn là chết đó!” Thầy vẫn lắc đầu. Có lẽ đã lâu lắm Thầy không đi bộ hai ngày liền giữa nắng nóng như mùa khô Tây Nguyên. Trong suốt cuộc hành trình, hầu như Thầy không nói, chỉ cố gắng đi cho kịp mọi người.
TRONG CÙM
Đến chiều ngày thứ ba, chúng tôi đi vào những khu rừng rậm rạp và có dân: đàn ông, đàn bà, trẻ em Jrai. Nhà của họ vẫn là nhà sàn nhỏ bé, núp dưới những lùm cây dầy đặc. Thấy những phụ nữ và trẻ em, không mang súng, tự nhiên thấy thanh bình, lòng người muốn ở lại. Nhưng chúng tôi không được ở lại, cũng không được nói với họ nữa. Gần tối, chúng tôi tới nơi chúng tôi phải tới: ba túp nhà tranh dưới vòm le cao dầy bên cạnh con suối cạn – một nơi ẩn núp tự nhiên. Sau khi làm thủ tục ghi tên tuổi… người ta đưa chúng tôi vào trong nhà, cởi trói, nhưng lại cùm chân chúng tôi lại! Cùm là hai thanh gỗ dài đẽo dẹp, dầy chừng 10cmx20cm mỗi thanh. Ở mỗi thanh lại có đục những nửa vòng tròn vừa cổ chân. Khi tù nhân đã đặt cổ chân vào thanh gỗ dưới, cố định, người ta khép thanh gỗ phía trên xuống, cũng có những nửa vòng tròn, chốt hai đầu: thế là hai chân tù nhân bị cùm lại, hết cựa quậy, chỉ ngồi lên hay ngả lưng trên một dàn tre le. Bữa tối đó có thay đổi. Vẫn mỗi người một bát cơm ăn với muối hột, nhưng là cơm độn củ sắn mì. Chúng tôi gặp lại anh Nay Jú, phó quận trưởng bị bắt ngay đêm lễ hội nhà mồ. Anh trúng đạn bị thương ở bàn tay trái. Anh chia cho chúng tôi ít lá mì luộc. Thầy Marcô vẫn không ăn. Chúng tôi xin người ta lấy phần cơm của Thầy nấu thành cháo, Thầy cũng không nuốt được. Giọng Thầy thều thào. Mệt vì đường xa, anh em rơi nhanh vào giấc ngủ. Quên Thầy Marcô. Mặc dù hai chân bị cùm. Thì cũng như những đêm trước ngủ trói!
Sáng hôm sau thức dậy, thấy Thầy Marcô vẫn còn sống! Trong ngày Thầy đã nhấm nháp vài hạt cơm. Chúng tôi được ăn hai bữa một ngày. Vẫn là một bát cơm đầy trộn củ mì ăn với muối hột. Mỗi người nhận được phần muối của mình: mỗi người một tháng một lon muối hột. Đối với chúng tôi như vậy là dư. Nhưng đối với anh em Jrai lại là thiếu. Sau này chúng tôi quan sát thấy anh em Jrai không những ăn mặn hơn chúng tôi, mà họ còn ăn nhiều hơn chúng tôi. Mỗi khi rảnh rỗi họ đều có cái để ăn. Nhờ họ mà chúng tôi biết trong rừng có tới 12 thứ rau ăn được. Họ lại có tài làm bẫy. Mỗi khúc cây khô, mỗi tấm đá phẳng đều có thể biến thành bẫy bắt chuột hay sóc, thậm chí cả thỏ, cả chồn. Họ nâng khúc cây hay tấm đá lên, cài đặt thế nào đó, gài một miếng mồi (vài hạt gạo, vài hạt bắp, vài miếng củ mì nhỏ, một con dế hay một con cào cào châu chấu…) Thế nào cũng có một con chuột, một con sóc…  chui vào sập bẫy (bị cây gỗ hay phiến đá đè bẹp dí!) Thế là họ làm mắm hay làm khô để ăn dần. Mắm đây là mắm “bồ hóc” (tiếng Jrai gọi là “a[am phok”). Bây giờ thì tôi hiểu tại sao thứ mắm này lại có mùi hôi thối đến thế: thiếu muối. Từ xưa người Tây Nguyên đã thiếu muối. Muối theo tiêu chuẩn tù cũng không đủ. Cho nên “a[am phok” vẫn hôi thối kinh khủng. Ấy thế mà anh Mầu vẫn xin anh em chia cho thứ mắm ấy để nêm nếm với món lá mì hay món lá gì đó lượm được sau này. Thật là “đậm đà khó quên”! Tuy nhiên Thầy Marcô thì không tài nào thưởng thức nổi cái món “a[am phok” đó. Có một món khác đặc sản Tây Nguyên mà Thầy Marcô chưa quen. Đó là món lòng của các con vật ăn lá hay ăn cỏ. Không chỉ đơn thuần là lòng ruột mà còn là những “chất” ở trong lòng ruột. Anh em Jrai gọi thẳng là “eh” (phân).
Số là những người canh tù (du kích hay bộ đội) họ có súng. Khi dẫn tù đi lao động hay khi băng rừng, thỉnh thoảng họ cũng bắn được khi thì heo rừng, khi thì bò rừng, khi thì vượn. Vượn bắn được nhiều hơn. Theo phong tục Tây Nguyên từ ngàn xưa thì những thứ săn được phải chia ít nhiều cho mọi người. Ăn một mình áy náy và mang tiếng lắm. Thế là tụi tôi bị cùm ở nhà vẫn được chia. Anh em Jrai hỏi tụi tôi: “Gih =ong eh [u mơh?” (các anh có ăn phân nó không?). Anh Mầu nhanh nhẩu trả lời liền: “+ong mơn” (ăn chứ). Thế là họ trộn các chất lỏng trong ruột non, thứ nước vắt được trong dạ dầy của con vượn, vào với xương thịt, làm thành một món hổ lốn loạn xà ngầu với mùi vị “đặc biệt” của lòng với ruột. Thầy Sáu Tín và Mầu thì hồ hởi phấn khởi lắm. Nhưng nhìn lại Thầy Marcô và Cô Chín thì không đụng đũa! Tội nghiệp, lâu lâu mới có thịt sống mà lại ăn không được! Những lần sau, chúng tôi phải “còm-măng” xin để món lòng ruột riêng ra (cho Thầy Sáu Tín, Mầu thưởng thức), xương thịt riêng ra (cho Thầy Marcô và cô Chín có thể ăn được). Trong trường hợp này chúng tôi phải tự nấu lấy. Người ta cũng hay cho chúng tôi một bàn tay của con vượn vì bàn tay có nhiều gân, xương, da lại dai, khó làm nên ít người muốn nhận. Vả lại nó rất giống bàn tay người. Nên nếu cứ phải loay hoay mân mê mãi cái bàn tay ấy, tới lúc nào đó cũng thấy ớn.
Cuối tháng tư có những cơn mưa đầu mùa. Đó dịp đi bắt ếch nhái. Những người tù lâu năm không bị cùm ban ngày được theo du kích đi bắt ếch. Chúng tôi bị cùm ở nhà vẫn được ăn theo. Qua tháng năm sẽ có dịp đi hái nấm mối mọc rất nhiều trong rừng. Nhưng nấm mối chỉ mọc vào một thời điểm nào đó thôi. Khi đã mọc thì chỉ sau một ngày là nó thối. Ngoài nấm mối còn có nhiều thứ nấm khác ăn cũng rất ngon. Nhưng không nên hái nấm rừng nếu không biết rõ đó là nấm gì. Có lần Trần Sĩ Tín khi lượm về một mớ nấm nâu nâu nho nhỏ, cứ tưởng là loại nấm mà người Jrai gọi là “tơmâo phok”. Vì ham tìm nấm nên vắng mặt hơi lâu, vừa về là bị cán bộ kêu lên hỏi. Bỏ nấm đó lên trả lời chất vấn. Có mấy anh em tù nhân Kinh lấy nấm ấy ăn, thế là bị say mửa mật xanh mật vàng luôn. May mà không chết!
TRẠI CẢI TẠO
Thành phần trại bên người Kinh gồm bốn người Công Giáo chúng tôi, bốn người thợ rừng, hai người lính thiết giáp, có hai cậu trai khoảng 15-16 tuổi bị bắt chắc cũng để giữ bí mật cho Quân Đội Giải Phóng, vì các cậu nói bị bắt khi đang chăn bò. Bên phía anh em dân tộc có khoảng ba mươi người gồm những người có dính líu tới “ngụy quân ngụy quyền”, có cả những người làm việc cho Cách Mạng nhưng bị “kỷ luật” vì sai lỗi gì đó. Như trên đã nói: gọi là học tập chứ chỉ có lao động. Công việc chủ yếu là trồng sắn mì. Hằng rừng mì, đi tới đâu là trồng mì tới đó. Thứ cây dễ trồng. Cứ chặt khúc ra, vùi xuống đất là sống và cho củ, năm này qua năm khác. Lá non cũng ăn được. Nấu thật chín là hết độc, lại còn nhiều đạm hơn củ. Một thứ cây chiến lược. Một hậu cần bất tận cho Quân Giải Phóng.
Trại cải tạo không cố định một chỗ. Chúng tôi có khi ở dưới chân núi. Có khi di chuyển lên núi hay bất cư địa điểm nào. Có báo động biệt kích là di chuyển. Biệt kích là những nhóm ba người do Mỹ thả dù (thường là ban đêm) vào những vùng nghi là có quân Giải Phóng. Những toán này được trang bị đầy đủ súng ống, máy móc, quần áo và lương thực: đều là những thứ tốt. Chính vì thế mà họ trở thành những con mồi mà du kích dân tộc rất thích săn lùng. Du kích dân tộc thuộc nằm lòng mọi ngõ ngách những cánh rừng quê hương. Chỉ cần một tổ ba người phục sẵn ở một gốc cây, hốc đá nào đó chờ dăm ba tên biệt kích trang bị mọi thứ máy móc, nhưng rừng núi đâu có phải quê hương của họ. Trước khi kịp phản ứng thì họ đã gục ngã. Tránh được bao cạm bẫy của người rừng thì đã gặp những lằn đạn của những tay súng thiện xạ… Có kịp gọi máy bay, thì máy bay cũng tới oanh kích một cánh rừng hoang không người. Bọn tù như chúng tôi cũng đã di tản rồi.
Vậy biệt kích không nguy hiểm. Nguy hiểm hơn đó là máy bay oanh kích trộm ban đêm. Nó bỗng xuất hiện từ đâu đó, hễ thấy đốm lửa là thả ào xuống một quả bom. Nhưng mọi người đã cảnh giác. Ban đêm toàn dân, toàn quân chẳng chỗ nào đốt lửa. Vả lại, ai cũng thuộc lòng mấy câu: Đi không dấu, nấu không khói, nói không nghe. “Không” đây là không để lọt ra cho người ngoài. Nguy hiểm là máy bay trinh sát. Mấy “bà già” này, ban ngày cứ lượn như diều hâu. Phát hiện có người, ít thì nó bắn rocket, đông là nó gọi trực thăng hay oanh tạc cơ skyraiders. Nhưng chúng tôi được hướng dẫn: khi nghe nó đến từ xa, kịp ngồi xuống thì ngồi; lỡ đứng thì cứ đứng bất động. Trên nhìn xuống, “nó” không phân biệt được người với cây. Có lần, có anh du kích dẫn mấy người chúng đang đi ở chỗ không có cây to. Không hiểu sao, có một máy bay trinh sát bay tới mà không ai phát hiện tiếng động cơ từ xa. Nó bay qua chỗ chúng tôi. Rồi bỗng nhiên nó vòng lại. Anh du kích quát: Đứng im! Bản thân anh đã ngồi xuống. Anh tháo khẩu aka khỏi vai, lên đạn, chờ… Nó bay qua chúng tôi. Vòng lại. Rồi đi luôn. Hú hồn! Có một lần, chúng đi di tản về, cách địa điểm địa điểm quen ở khoảng vài trăm mét, bỗng có hai oanh tạc cơ tới bay lượn rồi oanh kích. Trước đó cán bộ đi theo chúng tôi đã bảo chúng tôi tìm chổ nằm xuống bên những cây đổ. Bom nổ rất gần. Anh cán bộ nói với Thầy Sáu Tín: “Nằm nghiêng, đừng nằm sấp, tức ngực chết đó!” Thả hết bom, chúng xả đạn. Sau đó chúng rút. Cứ từ 5 giờ chiều là các thứ máy bay trinh sát, trực thăng hay oanh tạc đều không hoạt động nữa. Có sĩ quan bộ đội còn nói, cứ 5 giờ chiều, bộ binh Mỹ cũng nghỉ hành quân, trừ khi họ bị tấn công. Mấy anh cán bộ cho biết nguy hiểm nhất vẫn là những thả bom trải thảm của máy bay B52. May trong mấy tháng ở tù, chúng tôi không phải gặp B52. Nhưng nghe nói lúc đó, cho dù có B52, các đơn vị vẫn được báo trước ít là 30 phút.
TRA HỎI    
Đã bị bắt, không sao tránh khỏi bị tra hỏi. Trong chiến tranh, ranh giới phân vùng chưa rõ ràng, vì vậy chúng tôi bị cả an ninh Đak Lak lẫn Gia Lai thẩm vấn. Trong thời gian thẩm vấn, chúng tôi bị cùm riêng ra mỗi người một nơi để không liên lạc bàn bạc hay thông báo được với nhau những gì mình đã nói. Trong thời gian này Thầy Sáu Tín bắt đầu có những biểu hiệu sốt rét. Cơm do một chú bé khoảng 14-15 tuổi cứ bữa đem đến. Thấy Trần Sĩ Tín ăn không được, chú bé lại lấy cơm ấy nấu thành cháo: nuốt cũng không nổi. Chú bé lại nấu cháo với mấy con nhái bắt được, càng khó nuốt vì tanh quá! Chú bé khuyên: phải ăn, không ăn là chết đó! Vì yếu mệt nên Trần Sĩ Tín trả lời thẩm vấn cách uể oải. Nội dung thẩm vấn bao giờ bắt đầu cũng là “lý lịch”. Trần Sĩ Tín sinh năm 1941, tại thôn Quang Xán, Huyện Mỹ Lộc, Tỉnh Nam Định. Từ 1941 đến 1951 sống với cha mẹ làm nông. Từ 1951 đến 1954, vào học ở Đệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Từ 1954 đến 1956, học tại Đệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Từ 1956 đến 1961 học tại Đệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế Vũng Tàu. Từ 1961 đến 1962, tu tập tại Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang. Từ 1962 đến 1969, học tại Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, với các Lm Giáo Sư Nguyễn Thế Thuấn, Bùi Quang Diệm, Đinh Khắc Tiệu, Nguyễn Ngọc Lan… Từ 1969 sống tại Pleikly cho đến nay (1971). Bản thân là thế, còn gia đình? Bố làm gì? Làm nông, chết năm 1950 vì bom đạn. Mẹ và anh chị em hiện làm gì, ở đâu? Mẹ (Trần Thị Kế sinh 1919) và hai em gái (Trần Thị Mến sinh 1947 và Trần Thị Quý sinh 1950) hiện đang ở Sài Gòn đi làm thuê nấu bếp cho người ta. Và họ gán cho chúng tôi vào “thành phần dân nghèo thành phố”. Chúng tôi cũng bắt đầu hiểu rằng lý lịch cũng có mục đích phân biệt “thành phần”, phân biệt giai cấp. Sự phân biệt này còn rất gay gắt vào thời đó.
Sau phần bản thân và gia đình, chúng tôi được hỏi về Nhà Dòng: Nguồn gốc? Tổ chức? Chủ trương đường lối? Sau đó là về Giáo Hội Công Giáo Miền Nam Việt Nam. Về phần này, Thầy Sáu Tín có vẻ không thuộc bài, vì không nhớ Miền Nam lúc đó có bao nhiêu Giáo Phận, tên các Giám Mục. Chỉ nhớ chủ trương của Giáo Hội Công Giáo Miền Nam Việt Nam theo tuyên ngôn Đại Hội các Giám Mục Á Châu họp tại Manila là: Giáo Hội là Giáo Hội của người nghèo. Còn về cái gọi là Nhóm Pleikly. Tại sao lại chọn Pleikly? Thưa vì Pleikly là một làng cố định lâu đời, không phải là một làng di cư như một số làng khác trong lúc chiến tranh và vì vậy cũng sẽ không di chuyển khi hòa bình; Pleikly là tên một làng, nhưng cũng là tên của một vùng gồm nhiều làng; Pleikly lại gần đường quốc lộ, tiện giao thông và cũng tương đối yên ổn trong thời chiến… Trừ nhà trong làng, các anh còn làm cái nhà gì ngoài đường quốc lộ? Câu hỏi này cho thấy họ biết khá rõ những hoạt động của chúng tôi. Ở gần đường quốc lộcó một mảnh đất dân cho chúng tôi.Cuối năm 1970, Cha Tài xin tiền Caritas của Giáo Phận làm một căn nhà gỗ lợp tôn rộng 6m dài 36m, tính làm nhà dạy nghề mộc, nghề may cho lớp trẻ Jrai, nhưng chưa hoàn thành. (Căn nhà đó từ năm 1973 sẽ được sửa lại làm nhà ở và nhà dự tòng cho tới ngày nay). Ai chủ trương cho các anh về Pleikly và sống tam cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân? Thầy Sáu Tín đã trả lời: Chúa Yêsu! Mấy anh cán bộ đã cười và không hỏi thêm.
Đối với anh em trong nhóm, ai cũng thấy chính Chúa dẫn đưa chúng tôi vào nơi hoang vắng để ăn chay cầu nguyện, để được Ngài chất vấn trước khi đưa vào Sứ vụ. Thực ra cuối tháng ba, đầu tháng tư năm ấy, chúng tôi sống Tuần Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa trong cùm. Trong cùm Thầy Sáu Tín và Mầu cùng nhau hát những bài Tuần Thánh và những bài Phục Sinh còn nhớ được. Thầy Đàn và cô Chín không biết hát, chỉ nghe, trong cùm. Khi chúng tôi mới tới Pleikly, Chúa đã cho chúng tôi được ở trong chuồng dê, như Ngài đã ở trong chuồng bò. Bây giờ Ngài dẫn đưa chúng tôi vào cuộc tử nạn với Ngài. Nhưng người đáng được qua cái chết thực sự chỉ có Thầy Đàn.
CHẾT TRONG TÙ
Vào cuối tháng tư, Cha Mầu là người đầu tiên trong chúng tôi nếm mùi sốt rét “ác  tính”. Nó bắt đầu bằng một cơn “sốt”, nóng vô cùng, rồi tiếp đến cơn “rét”, lạnh vô cùng, lạnh từ trong lạnh ra, đắp mấy chăn cũng vô ích. Người ta bảo: vi trùng đột nhập vào hồng huyết cầu, rồi phá vỡ hồng huyết cầu. Bởi đó cho nên nước tiểu của bệnh nhân đỏ màu máu. Cơn sốt đầu tiên thường làm cho bệnh nhân mê man hai ba ngày. Sau đó dậy được hay không còn tùy từng người. Thầy Sáu Tín đã khóc vì tưởng Mầu chắc sẽ chết. Hai ba ngày mê man, không ăn không uống. Đại tiện tiểu tiện không biết luôn. Có lần thấy Mầu có biểu hiện muốn đi tiểu, Thầy Sáu Tín bế ra khỏi sập nằm, cởi quần, cho đi tiểu… Mầu mắt lờ đờ, chẳng nói chẳng rằng, chẳng đi tiểu gì cả, mặc dù Thầy Sáu Tín thúc giục. Thầy Sáu Tín mặc quần lại cho, rồi bế vào chỗ nằm. Mầu lại tì tì tiểu ra quần! Thế là lại phải thay quần và đem đi giặt. May mà trong những ngày Mầu hôn mê, cán bộ cho Mầu với Thầy Sáu Tín không bị cùm, ban ngày thôi, để có thể chăm sóc cho nhau. Cán bộ cũng cho mời y tá quân đội từ một địa điểm nào đó tới cho Mầu uống thuốc và chích thuốc. Anh y tá này đã tham gia trận Điện Biên Phủ. Đầu anh có một vết hõm: dấu vết bom đạn Điện Biên. Từ chỗ anh đóng quân đến trại cải tạo của chúng tôi, một mình anh đi mất ba ngày, vì lạc đường! Anh lấy phần tiêu chuẩn của anh mà cho anh Mầu một chút đường, và hai quả bứa mà anh hái được trên đường đi. Anh nói: “Sốt rét mà có chút chua, chút ngọt là đỡ lắm.” Anh có hỏi thêm về bệnh tình của anh Mầu. Nhưng anh Mầu không trả lời được. Thầy Sáu Tín xin mượn chiếc bút và cuốn sổ của anh và đưa cho anh Mầu rồi bảo: “Anh đau làm sao? Đau chỗ nào?... thì viết ra đây.” Thầy Sáu Tín nhét cây bút vào tay Mầu, nhưng Mầu không cầm nổi, và bút rớt khỏi tay. Người như mất hồn. Anh y tá rời chúng tôi.
Chính lúc đó, Thầy Đàn ra đi. Thầy bị cùm ở một căn láng khác, cũng gần Thầy Sáu Tín với Mầu. Có lần nghe Thầy nói: nước tiểu của tôi đỏ quá! Như vậy là Thầy đã bị sốt rét ác tính. Thầy có vẻ càng ngày càng yếu đi. Hồi này không thấy Thầy đi châm cứu cho cán bộ. Khi khám xét những vật dụng của Thầy lúc vào trại, biết Thầy có nghề châm cứu, các cán bộ đã cho Thầy giữ lại hộp kim châm cứu và thường nhờ Thầy châm cứu khi gặp bệnh tật. 99% cán bộ, bộ đội ở trong rừng đều bị sốt rét. Thầy cũng châm cứu cho tù nhân nữa. Tù nhân Jrai không biết đến châm cứu. Nhưng có một anh tù Jrai, đêm nằm mơ thấy mình đang ở giữa một giòng suối nước sâu, có nguy cơ bị nước cuốn trôi, thì Thầy Đàn tới, giúp anh vượt qua đến bờ bên kia. Chính anh Jrai đó, mấy ngày sau, bị táo bón, đau đớn quằn quại tưởng chết luôn. Anh ta lại nằm ngay cạnh Thầy Đàn. Thầy Đàn nói: “không sao.” Rồi Thầy lấy kim châm cứu cho anh ta. Thầy nói: “Lấy lá để sẵn dưới chỗ anh nằm, vạch phên sàn ra, chỉ năm phút là anh sẽ đại tiện và khỏi.” Đúng như lời Thầy nói: anh được khỏi. Anh Jrai nói: “Nếu được về tới làng, anh sẽ giết heo làm lễ nhận Thầy làm bố ngay. Việc này đã được báo mộng rồi.” Nhưng anh chẳng có dịp nào để làm cái lễ kết nghĩa cha con ấy vì Thầy Đàn đã vĩnh viễn ra đi vào 00giờ 05 phút ngày 12/05/1971. Giữa đêm tối, có tiếng của người Jrai cùng bị cùm với Thầy Đàn hô to: “Ơi tha djai laih!” Ông già chết rồi! Người ta tháo cùm cho Thầy Sáu Tín được sang với Thầy. Thầy chỉ có chiếc áo dòng, Thầy Sáu Tín mặc vào cho Thầy. Thầy cũng khéo làm sao mà xin được một anh du kích Jrai một tấm chiếu đan băng lá dứa dại. Những anh du kích của các làng gần đó thường thay phiên nhau đến canh gác bọn tù chúng tôi. Trần Sĩ Tín cuốn xác Thầy vào chiếc chiếu ấy, rồi bức giây rừng cột chặt Thầy lại. Tới sáng, người ta phân công cho một số anh em Jrai cùng Thầy Sáu Tín đào hố chôn Thầy, rất gần với trại cải tạo, trên triền đồi. Thầy Sáu Tín nói với mấy anh em Jrai: “Vất vả anh em quá! Nhưng xin anh em thương giúp chúng tôi. Xin anh em đào hố cho sâu một chút.” Tôi nói thế vì thường Jrai đào mộ rất nông: quan tài của họ là cả một thân cây được đẽo, khoét và đậy nắp rất kỹ. Người ta kể có một người vào trong quan tài và bảo đậy nắp lại xem có kín hay không. Lúc đó có một con mang đi qua gần đó. Thế là mọi người ùa rượt đuổi con mang, lúc trở lại, mở nắp quan tài ra, thì người trong quan tài đã chết ngạt. Chứng tỏ quan tài được đậy nắp kín chừng nào.
Khi chúng tôi đang đào huyệt tới quãng đầu gối thì cán bộ cho người tới gọi Thầy Sáu Tín. Anh em Jrai tiếp tục đào. Các cán bộ muốn găïp Thầy Sáu Tín để ký vào biên bản về cái chết của Thầy Đàn. Họ nói: “Anh đã thấy rõ ông Đàn chết vì bệnh sốt rét. Sau này khi về vùng địch, anh có nói: Ông Đàn chết vì bị chúng tôi ngược đãi là tùy anh…” Thầy Sáu Tín ký vào biên bản xác nhận Thầy Đàn chết vì sốt rét ác tính và nói: “Dĩ nhiên là tôi thấy sao thì nói vậy. Chúng tôi không hề bị tra tấn đánh đập. Chỉ có môi trường rừng là khắc nghiệt đối với mọi người: cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân…” Sau khi trao đổi chuyện trò khoảng nửa tiếng đồng hồ, Thầy Sáu Tín ra phía mộ Thầy Đàn thì thấy rằng anh em Jrai đã chôn Thầy rồi. Thầy Sáu Tín e rằng, anh em đào huyệt quá nông. Nhưng anh em thì cứ quả quyết rằng đã đào sâu. Lúc đó Thầy Sáu Tín chỉ còn biết cám ơn anh em đào huyệt, rồi lấy hai, ba cục đá to đặt lên mộ Thầy Đàn làm dấu cho mai sau.  Tuy nhiên đến năm 2000, chúng tôi nhờ anh em Jrai bốc được hài cốt Thầy Đàn về nguyên vẹn, nghĩa là không bị con vật nào (như nhím chẳng hạn) đào bới và hủy hoại, chứng tỏ huyệt đã được đào sâu.
Đến tháng sáu, tới lượt Thầy Sáu Tín nếm mùi sốt rét ác tính. Lúc đó nhóm phạm nhân trại cải tạo đã được di chuyển xuống phía chân núi. Một hôm trong khi đang đi lao động trồng sắn mì, Thầy Sáu Tín lên cơn sốt rét, nằm phơi nắng trên một thân cây đổ, mong cho bớt rét. Sau đó Thầy Sáu Tín hoàn toàn đi vào hôn mê. Chiều đến anh em đã đưa Thầy về láng trại như thế nào, Thầy hoàn toàn không biết. Cho đến ba ngày sau, khi thấy đau nhói trên đầu ngón tay, Thầy mới tỉnh. Tỉnh rồi lại hôn mê. Lại thấy đau nhói ở đầu ngón tay. Hóa ra Cha Mầu đang châm “thập tuyền” cho Thầy Sáu Tín tỉnh lại. Khi đã tương đối tỉnh, Thầy Sáu Tín bắt đầu nói: “Thôi!” Nhưng Cha Mầu vẫn tiếp tục châm, đến nỗi Thầy Sáu Tín, đau quá, chửi thề luôn! Sau khi Thầy Marcô Đàn qua đời, Cha Mầu thừa hưởng gia tài là hộp kim châm cứu, và thường đi châm cứu cho các cán bộ. Các cán bộ có thuốc hút. Trong khi châm cứu, Cha Mầu cứ tự nhiên  lấy thuốc của cán bộ phì phà. Lúc ra về còn xin một điếu, và còn xin thêm một điếu cho “anh Tín”. Cha Mầu còn xin được cả chuối chín nữa. Nhưng về tới láng trại Cha Mầu lại nói: “Tín đừng ăn: người còn yếu, ăn bội thực…” Nhưng Tín thèm quá, cứ ăn, có mỗi một trái, bội thực gì mà bội thực! Nhưng mà bội thực thiệt: sình bụng, khó chịu lắm! Cha Mầu lại phải rang muối, pha nước cho uống. Uống mấy bát, vẫn không nôn mửa được! Lấy ngón tay móc họng, cũng không nôn mửa được! Thật là tham thực cực thân! Tín còn nằm mấy ngày nữa, không đứng dậy được. Người chỉ còn da bọc xương. Các cán bộ nói: “Anh phải tập đi nếu không sẽ bại luôn!” Thế là Tín tập bước đi. Ban đầu lần theo vách trong nhà mà bước. Sau đó ra ngoài, cứ từ cây này lần tới cây khác. Được một hai cây là đã phải nghỉ. Nhưng rồi cũng dần dần đi được khá xa. Ra tận đến bên bờ suối gần láng trại. Mùa nắng suối khô cạn là thế. Bây giờ giữa mùa mưa, tháng sáu, suối đầy nước và cũng đầy cá! Tín xin cán bộ cho giây cước và lưỡi câu. Chặt một cây le sẵn đó. Thế là hằng ngày cứ ra suối câu cá. Mỗi ngày được cả xâu! Cá lăn, cá trê, cá tràu, cá trắng… Ban đầu, Tín cũng đem biếu cán bộ, g?i là trả ơn cho cho cước và lưỡi câu. Nhưng cán bộ không nhận. Họ nói: họ cũng giăng lưới và cũng có cá ăn, anh cứ giữ lấy mà “cải thiện” trong lúc ốm đau. Và cứ như thế: canh cá lá “giang” cho tới khi được thả về. Nhưng trước khi ra về (khoảng giữa tháng 7), Cô Chín cũng còn phải trả nợ sốt rét cái đã. Nhờ Cha Mầu đi châm cứu cho cán bộ, nên xin được vài viên quinin cho Cô Chín. Cô Chín còn rên rỉ: “Con không uống được thuốc!”  Trời ơi! lúc này có thuốc là quí rồi, còn bày đặt không uống! Chúng tôi nói: “Nếu cô không uống, lúc người ta cho về, chúng tôi bỏ cô ở  đây luôn.” Sau đó cô uống lúc nào không hay.
ĐƯỜNG VỀ
Thượng tuần tháng 07/1971, người ta thông báo chính thức phóng thích chúng tôi. Người ta đã muốn phóng thích chúng tôi từ tháng 05, nhưng vì tình hình chiến sự và tình trạng sức khoẻ của chúng tôi nên phải đợi tới lúc này. Lúc này sức khoẻ của chúng tôi cũng không có gì khả quan lắm. Tất cả chúng tôi đã trở thành thân tàn ma dại, chỉ còn da bọc xương, sau những cơn sốt rét ác tính. Nếu khoẻ hơn, Trần Sĩ Tín đã có ý định ở lại, vẫn với cái ao ước ngây ngô là người ta sẽ cho mình làm công tác bình dân học vụ, vì trong bưng vẫn có những làng thượng ẩn núp dưới cây cao bóng cả. Nhưng thôi, xin từ giã anh chị em Jrai trong bưng, xin từ giã Thầy Đàn đã vĩnh viễn ở lại, chúng tôi hết sức rồi, chúng tôi xin ra về.
Bữa tối trước ngày lên đường về, cán bộ đãi chúng tôi một bữa thịt chó, có rượu đế đàng hoàng (không biết các ông ấy tìm đâu ra). Các ông ấy từ giã chúng tôi, hẹn gặp lại trong ngày “đất nước hoàn toàn giải phóng. Việc phóng thích này chứng tỏ Cách Mạng muốn đoàn kết toàn dân chống Mỹ cứu nước, không phân biệt tôn giáo”. Các ông ấy khuyên chúng tôi không nên ở lại Pleikly-Phú Nhơn, hãy về Tòa Giám Mục hay về Nhà Dòng mà ở, vì sẽ có đánh lớn. “Chúng tôi hỏi: Thế dân ở đâu?” Họ trả lời: “Dân ở đâu, ở đó.” Và chúng tôi nói rằng: “Dân có cả ngàn người. Chúng tôi chỉ có vài mạng. Vậy dân ở đâu, chúng tôi cũng ở đó.” Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bắt tay từ giã mọi người. Vẫn còn có anh em Jrai bị cầm giữ lại, có lẽ để làm phu trồng mì nhiều hơn. Bắt tay từ giã ông Nay Jú, phó quận trưởng Phú Nhơn, cũng trong tư thế ra đi, không phải đi về nhà như chúng tôi vì khi chúng tôi về được ít lâu thì nghe tin ông đã bị hành quyết. Có người nói vì ông chạy trốn nên bị bắn. Nhưng chúng tôi không tin như thế. Còn chúng tôi, người ta cho chúng tôi mỗi người một “ruột tượng” gạo, ít muối và chúng tôi lên đường. Chúng tôi gồm có nhóm Tín, Mầu, Cô Chín và nhóm anh Tư, ông Cự và hai người thợ rừng làm cho xưởng cưa ông Cự, và nhóm bộ đội 6 người, ba người đi trước, ba người đi sau chúng tôi. Họ căn dặn chúng tôi rất kỹ: đi mỗi người cách nhau bốn năm thước; khi gặp “địch”, cứ nằm im, không chạy lung tung, để bộ đội đối phó. Chiều ngày thứ nhất, chúng tôi dừng chân tìm chỗ nghỉ đêm gần một giòng suối. Ba anh bộ đội đi thăm dò chỗ qua suối xem động tĩnh ra sao. Sáng hôm sau, họ còn đi thăm dò một lần nữa rồi mới cho chúng tôi lên đường. Giòng suối khá rộng, khoảng 20m. Ba bộ đội, từng người một, qua suối trước, tìm chỗ phục. Khi có hiệu lệnh của người qua trước, người sau mới qua. Qua suối vẫn theo cách gói tất cả đồ đạc trong một tấm ni lông, túm lại, túi ni lông sẽ nổi, ta bám theo và bơi qua. Đến lượt chúng tôi cũng thế. Khi qua suối rồi, Trần Sĩ Tín mới thấy một bên chân như bị đau gân, không bước đi bình thường được, phải tìm một cành cây làm gậy chống. Chúng tôi cứ đi bằng rừng như thế trong ba ngày: leo đồi, lội suối, mệt mỏi, nhưng bình an vô sự. Có một chú bộ đội đến gần Trần Sĩ Tín, nói nhỏ: “Em cũng có Đạo. Trước khi vào Nam, Cha Xứ có cho em một mẫu ảnh.” Phần lớn các chú bộ đội còn rất trẻ. Chúng tôi đi mà không được trò chuyện. Đó là câu duy nhất mà bộ đội trao đổi. Đến trưa ngày thứ tư, nhóm anh Tư nói với mấy bộ đội: “Tới khu vực này là khu vực thợ rừng chúng tôi quen biết. Vậy xin các anh để chúng tôi đi một mình, các anh cứ đi theo công tác của các anh.” Chúng tôi không biết đường nên không đồng tình với ý kiến đó, muốn bộ đội đưa chúng tôi tới nơi luôn. Nhưng nhóm anh Tư nhéo tay chúng tôi, không cho chúng tôi nói. Bộ đội đồng ý với nhóm anh Tư. Họ trao giấy phóng thích cho chúng tôi, phòng khi gặp “cách mạng”. Bao nhiêu gạo còn lại, anh Tư bảo trao hết cho bộ đội, vì bộ đội mới cần, còn chúng tôi không cần nữa. Khi bộ đội đã rời xa chúng tôi, anh Tư mới giải thích rõ cho chúng tôi: “Chúng ta tới rất gần Plei Poê’. Không nên ở gần mấy ông bộ đội. Lỡ gặp lính quốc gia, hai bên mà đụng độ nhau là mình lãnh đủ!”
Gọi là gần làng Plei Poế mà cả buổi chiều hôm đó, chúng tôi lết không tới nơi. Đêm đó chúng tôi phải ngủ lại trong rừng. Cũng hồi hộp, chỉ sợ có hành quân đêm. Sáng dậy chúng thở phào. Một lần nữa chúng tôi bỏ lại những gì có thể làm cho lính Quốc Gia nghi ngờ chúng tôi là Việt Cộng: mấy cái bát gò bằng xác máy bay, kể cả mấy đôi đũa… Mầu với Tín lại mặc áo dòng vào, để người ta có thể nhìn thấy từ xa. Vì biết rằng lính Quốc Gia hay gài mìn ở những lối đi gần làng nên chúng tôi đợi mặt trời lên khá cao, lúc người ta đã gỡ mìn rồi, chúng tôi mới dám lần theo con đường mòn dẫn ra đường cái (đường 14) gần làng Plei Poế. Chúng tôi ngồi chờ bên cạnh đường cái. Một lúc sau, có chiếc xe lam, thường vận chuyển giữa Phú Nhơn và nhóm làng chung quanh Plei Poế, đưa chúng tôi tới nhà ông bà Tạo bán quán ngay cạnh chợ Phú Nhơn. Ông bà Tạo vốn là gia đình phục vụ giáo xứ Phú Nhơn, ông bà vui mừng muốn “bồi dưỡng” cho chúng tôi, bù lại những ngày đói khát. Nhưng vì sợ bội thực, chúng tôi chỉ ở với họ một lúc và xin về nhà chúng tôi tại làng Pleikly. Nhóm Ông Cự, anh Tư cũng vội vàng về với gia đình. Cha Tài, Cha Phán đến đón chúng đưa về Pleikly. Dân làng bu lại đông đen thăm hỏi, làm cho chúng tôi phải lâu lắm mới đi tắm rửa được, vì chúng tôi đã hơn bốn tháng không biết đến xà bông. Quần áo của chúng tôi, chúng tôi căn dặn anh Oánh, một giáo dân thừa sai: “Xin anh nấu nước sôi luộc đã rồi hãy giặt, vì đầy rận trong đó đó!” Xin nói là một trong những cái thú giải trí trong trại cải tạo là bắt rận. Sau này hỏi lại anh Oánh: “Quần áo của chúng tôi đâu?” Anh Oánh bảo đốt sạch rồi!
Chúng tôi ở lại Pleikly hai ba ngày. Sau đó anh em đưa chúng tôi lên Pleiku, đi máy bay về Sài Gòn. Về tới Nhà Dòng Sài Gòn, anh em cho chúng tôi lên xe đi ngay tới bệnh viện Thánh Tâm Hố Nai để khám nghiệm và điều trị bệnh sốt rét. Sở dĩ các Bề Trên cho chúng tôi điều trị gần như bí mật tại một nhà thương ngoài Sài Gòn là để ít người thân tới thăm, nhất là để cánh nhà báo khỏi quấy rầy. Các Thầy bệnh viện (dòng Gioan Thiên Chúa) cho chúng tôi uống chloroquine. Sau một tuần, người chúng tôi bồng bềnh như bay trên mây. Sau 10 ngày, xét nghiệm máu, không còn vi trùng sốt rét. Ngày 01/08/1971, lễ thánh Alphonso, chúng tôi hẹn nhau trở lại Pleikly bàn chuyện tương lai. Họp mặt kỳ này có Cha Tài, Thầy Quân, Cha Mầu, Phó Tế Trần Sĩ Tín. Có Cha Nguyễn Ngọc Lan đại diện Tỉnh Dòng. Anh em quyết định ở lại Pleikly tiếp tục sứ vụ.
TẠM CHUYỂN QUA CHEOREO

Ở Pleikly được vài ngày, Trần Sĩ Tín lại sốt rét. Về Sài Gòn xét nghiệm máu, phát hiện vi trùng sốt rét, Trần Sĩ Tín lại đi nằm nhà thương Hố Nai. Đến khoảng giữa tháng tám, tình cờ mở radio Sài Gòn, gặp tin: Khoảng 60km, phía nam Pleiku, có hai linh mục bị Viẹât Cộng bắt… Tìm đài VOA, BBC: cũng loan tin như thế. Nam Pleiku chỉ có Cha Tài và Cha Phán. Mở đài Giải Phóng: Họ nói đó là tin thất thiệt. Như vậy có nghĩa là Việt Cộng có bắt Cha Tài, nhưng họ không giam giữ. Và đúng như vậy, Việt Cộng đã bắt Cha Tài, Cha Phán đem đi một tuần rồi trả lại. Việt Cộng cũng ném bộc phá vào căn Nhà Nguyện nhỏ bé ghép bằng những gì còn lại từ cuộc chiến tháng 03/1971. Lúc đó có Chị Thân (Thanh Lao Công) trong Nhà Nguyện. Không biết làm sao mà chị chỉ bị thương ở bàn tay. Anh Oánh trong lúc lộn xộn đã lẻn qua nhà bên cạnh và không bị bắt. Từ biến cố này, không còn ai ở lại Pleikly. Anh chị em giáo dân thừa sai, ai về nhà nấy. Nhóm Dòng Chúa Cứu Thế Pleikly tạm chuyển qua Cheoreo.
(Còn tiếp …)
 Mời đón xem phần 3.

Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT

(Nguồn: web giaophankontum.com)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét