Nhà văn Nguyên Ngọc
Tôi không phải là nhà sử học, cũng không phải nhà dân tộc học. Tôi chỉ say đắm Tây Nguyên. Ngày xuân, muốn được nói cùng bạn một góc bí ẩn trong bao bí ẩn chắc còn bất tận của vùng đất và người lạ lùng ấy.
Người Gia Rai ở Tây Nguyên có câu hát
Ong jing grom
Kau jing kömla'...
(Anh làm sấm
Em làm sét ...)
Tình ca, hẳn rồi, đã Anh với Em, thắm thiết thế mà lại. Nhưng Anh Em, yêu đương, duyên nợ, vợ chồng ... sao lại có chuyện Sấm với Sét? Và chú ý nhé: không phải "là", mà "làm". Anh làm sấm, còn em làm sét, hoặc đúng hơn, theo một thứ tự khác, em làm sét, còn anh thì làm sấm. Thật ra cả hai đều đúng, như ta sẽ thấy.
Ở Tây Nguyên là vậy, chạm vào bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất, như câu hát thoảng qua kia thôi, chú ý một chút ta bổng có thể giật mình: sao vậy nhỉ? Sao lại sấm sét trong chuyện yêu đương? Dưới cái vẻ giản dị đến tầm thường kia có ẩn dấu một bí mật nào chăng? ... Có đấy, và không hề nhỏ.
Xã hội Gia rai, cũng như Ê Đê, Chu Ru, Pih, Rak Glay..., là xã hội mẫu hệ, hay mẫu quyền. Huyết thống chảy theo phía mẹ, con lấy họ mẹ chứ không phải họ cha. Người mẹ đứng ở bên trong sự truyền nối nòi giống, trong dòng chảy liên tục và bền chặt của sinh tồn. Người cha ở ngoài dòng chảy ấy, bên lề, có thể thỉnh thoảng chạm vào đó, như một cú hích đến từ bên ngoài góp phần thúc đẫy sự vận hành và tốc độ của dòng chảy thiết yếu nọ, là nhân tố phụ, thậm chí nói cho cùng có thể có cũng có thể không. Người đàn bà mới là chủ nhân, chi phối tất cả. Nên bà tất phải cầm quyền. Toàn bộ quyền lực nằm trong tay bà, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Bà là người chủ gia sản, là người phán quyết những việc hệ trọng nhất, từ quản lý và phân chia gia tài, hôn phối và liên minh giữa các gia đình và các thị tộc, cũng là người chủ đất đai, rừng núi, quyết định mọi điều liên quan đến tồn vong và phát triển của gia tộc và cộng đồng...
Thế nhưng vào một làng, một nhà Gia Rai hay Ê Đê, bạn sẽ không hề nhận ra được điều đó. Tiếp khách là đàn ông, chạy chỗ này chỗ nọ, chỉ huy việc này việc kia, cử hành các nghi lễ, cầu khấn thần linh, giao tiếp với bên ngoài, với các "lân bang", xét xử các xung đột, cả trong và ngoài làng, thậm chí tuyên chiến hay đình chiến ... cũng là người đàn ông. Không hề thấy dấu vết quyền lực của người đàn bà. Có lẽ ở đây, biết lắng nghe thật sâu, ta mới hiểu thật đúng thế nào là bên trong và bên ngoài, bên nội và bên ngoại.
Người đàn bà là bên "nội", theo nghĩa chính xác nhất của khái niệm ấy. Bà ở bên trong, phía sau, trong bóng tối. Ở đây có một triết lý hóa ra vậy mà phổ biến nhưng ta thường ít nhìn thấy được: cái chính thì bị che khuất, tự che khuất, cái nhìn thấy được, cái bộc lộ thường chỉ là cái phụ, cái vỏ. Trong một ngôi nhà Gia Rai, chỗ của người đàn bà là ở cái góc xa nhất, khuất nhất, thường tối tăm nhất. Trong bóng tối lờ mờ của căn nhà. Bà đi vào nhà không phải bằng cửa chính mà cửa phụ, phía sau. Tiếp khách, bà không có mặt, trong các nghi lễ, bà ngồi nép ở một góc buồng, chỉ ghé mắt nhìn ra, lặng lẽ theo dõi, hầu như không bao giờ lên tiếng... Đấy là vị "thủ lĩnh trong bóng tối", của gia đình và xã hội, là nữ Thái thượng hoàng buông rèm chấp chính, nấp sau ngôi vua, mà bà lại là vua đích thực của từng nhà và của làng, của toàn xã hội... Còn đàn ông là bên "ngoại", cũng theo đúng tất cả nghĩa chính xác nhất của khái niệm ấy.
Lên Tây Nguyên mà xem, tôi đã có lần nói người Tây Nguyên là những người lữ hành bất trị, họ rất thích đi lang thang, cứ chờ hết mùa rẫy là rong chơi, hàng tháng, mấy tháng liền, suốt mùa Ninh Nông tức mùa nông nhàn, thăm viếng bà con, kết bạn, gặp lễ hội nào đó lập tức sà vào, hút rượu cần cho đến say mèm, và ca hát, những bài hát có thể bất tận, suốt những đêm dài... Ngay đang giữa mùa rẫy cũng chẳng mấy khi chịu ở yên, hở ra được một chút đã liền biến mất, lang thang trong rừng, đuổi theo một con heo, một con nai, một con cheo, một con chồn, cũng có khi chỉ vài con chuột, con rắn, hay la cà tìm ăn mật ong rừng, la đà uống rượu đoác, một thứ "bia" trời cho, ngon đằm và say ngất... Những người lữ hành bẩm sinh. Nhưng tôi xin lỗi, tôi quên nói đấy chỉ là đàn ông... Nhưng vì sao họ lang thang? Cũng đơn giản thôi, họ là "ngoại" mà, ở ngoài đường, ở trong nhà, trong "nội" họ có là cái thá gì đâu, chẳng chút thực quyền nào. Nên chú ý: khi ly dị - may thay ở Tây Nguyên rất ít xảy ra - người đàn ông ra đi chỉ còn đúng nguyên mỗi ... cái khố. Họ lang thang là phải quá rồi, đúng không? Đàn bà thì không bao giờ. Bà là nội tướng, vị nữ vương phải luôn túc trực canh giữ vương quốc của mình. Trong xã hội Tây Nguyên, khi người đàn bà ra đi, ra "bên ngoài", ra khỏi nhà, khỏi làng, thì tất sẽ rối loạn, trật tự tự nhiên, gia tộc và xã hội chao đảo. Vị trí của bà là ở trong bếp, trái tim của nhà, và của làng. Bà ngồi đó, vững chãi và toàn quyền... Nhưng là toàn quyền, tối cao, ở phía sau, trong bóng tối, ngụy trang. Còn thực thi cái quyền ấy thì đã có đại diện, phụ tá, tay chân, phái viên của bà: đàn ông! Thường đấy là người anh hay em trai của bà, hoặc ông cậu, em hay anh trai của mẹ, anh ta là cái loa, là người phát ngôn, là kẻ chấp hành, thực thi cái quyền lực toàn năng dấu mình sau rèm kia.
Người Tây Nguyên chính xác mà hóm hỉnh: họ bảo đàn ông là sấm (mà đàn ông cũng biết thân phận của mình là thế, chẳng thể hơn). Sấm thì ồn ào, ầm ĩ, trợn trạo, hung hăng, nhưng... ai mà chẳng biết, sấm nào có đánh chết được ai bao giờ đâu, chỉ là tiếng vang thôi, to mà rổng, tiếng vang của một cái khác không nhìn thấy được nhưng ghê gớm, chết người, là sức mạnh thực sự: sét. Người đàn bà là sét, làm sét, phái kẻ đại diện hữu danh vô thực của mình là người đàn ông ra bên ngoài làm sấm, thực thi quyền lực thực mà bà nắm chặt trong tay, trong gia đình, và ngoài xã hội. Vậy đó, ơi những người đàn ông tội nghiệp chúng ta, cần biết để mà chẳng nên kiêu ngạo chút nào!...
Tôi có một anh bạn là nhà khoa học uyên bác, anh ấy bảo tất cả các xã hội ban đầu đều là mẫu hệ, về sau mới dần dần chuyển sang phụ hệ hay song hệ, và kỳ thực dấu vết cổ xưa ấy vẫn còn tiềm ẩn ngay trong xã hội hiện đại chúng ta. Không biết anh ấy nói thật hay đùa. Bạn thử coi lại kỹ trong chính nhà mình, và cả trong chính mình, cả ở bà xã của mình nữa xem, có còn dấu vết nào không?!...
George Condominas có một tuyệt tác viết về Tây Nguyên, cuốn "L'exotique est quotidien", có thể dịch là "Kỳ lạ mỗi ngày". Không có cách diễn đạt nào đúng hơn về hiện thực Tây Nguyên, một hiện thực huyền ảo như cách gọi của các nhà văn Nam Mỹ, mà lại là cái huyền ảo thường nhật, ngày nào cũng có thể gặp, và lần nào cũng vậy, thường ở chỗ không ngờ. Chẳng hạn điều này, bạn có ngờ được không: hóa ra câu chuyện anh em, trai gái, vợ chồng sấm sét vừa nói lại liên quan đến một nhân vật rất thật mà rất lạ lùng, có thể bạn đã từng nghe và hẳn tò mò muốn biết: Vua Lửa.
Tôi đã được gặp vị vua huyền thoại ấy năm 1997, ở làng Plöi Öi ven quốc lộ 25, bên kia đèo Chư Thai, vùng Ayun Pa, quê hương lâu đời của người Gia Rai. Lúc chúng tôi đến, ông đang đi làm rẫy, một người phụ tá của ông bảo cứ chờ. Một ngôi nhà sàn rất nhỏ, nghèo nhất làng, và theo đúng phong tục, nằm hơi tách ra khỏi làng, về phía tây, cũng theo phong tục thường được coi là hướng xấu, hướng "ma". Một lát thì ông về. Ngoài sự chờ đợi tò mò và hồi hộp của chúng tôi: một người đàn ông hết sức bình thường, như bất kỳ người Gia Rai nào ta gặp trên đường, đứng tuổi, tóc húi cua, áo pull đỏ, đóng khố, đeo gùi. Ông cho phép chúng tôi chụp ảnh, quay phim, cả ghi âm nữa khi ông làm lễ, và đến lúc đó chúng tôi mới nhận ra nét đặc biệt đầu tiên này: tất cả những can thiệp bên ngoài ấy không hề ảnh hưởng được chút nào đến ông, ông chẳng quan tâm, ông ngồi đấy, rất bình dị, nhưng là đang ở trong một không gian, một thế giới nào đó khác, của riêng ông, không gian Gia Rai, thế giới Tây Nguyên, mà mãi sau này, lâu lắm nữa tôi mới hiểu, chắc cũng mới lơ mơ thôi, rằng chúng ta, người ngoài, hầu như không thể thâm nhập vào được, tuy nó chẳng có sự kháng cự nào hết. Sự lạ Gia Rai, sự lạ Tây Nguyên đấy, dễ mà khó, thật mà hư, mềm mà cứng, tôi sẽ cố gắng thử nói ...
Vị Vua Lửa tôi được gặp hồi 1997 tên là Siu Nhót, nay đã mất; người kế vị ông hiện nay là Siu Luynh.
Người Gia Rai gọi Vua Lửa là Pötao Apui. Người Việt dịch Pötao làVua, người Pháp dịch là Roi, người Anh gọi là King, người Lào gọi làSadet, người Cămpuchia gọi là Samdech ... Rất lạ, đều không đúng, và lại đều đúng! Đấy là một cái "thuật" hết sức Gia Rai, hết sức Tây Nguyên, thậm chí có thể là cốt lõi của phong cách Tây Nguyên - phong cách theo nghĩa rộng nhất - đã giữ cho dân tộc Gia Rai, cho Tây Nguyên tồn tại được đến ngày nay trải bao trầm luân giữa thiên hạ, trong lịch sử, trên vùng đất và giữa khung cảnh vừa bao dung vừa khắc nghiệt, giản dị mà phức tạp này. Tôi sẽ cố gắng nói về điều lạ ấy, may ra rồi chúng ta sẽ hiểu được đôi chút chăng.
Ngày trước, cách đây khoảng nửa thế kỷ, còn có hai Pötao nữa, Nước và Gió, Pötao Ia và Pötao Angin nay đã mất, chỉ còn Pötao Apui, Lửa. Lại một điều lạ nữa: đối với người Gia Rai cũng chẳng sao cả. Về điều lạ này, có lẽ có thể nói ngay, tất nhiên một cách rất vắn tắt, cũng tất nhiên khá thô thiển. Chẳng sao, bởi vì ba vị ấy, theo một cách diễn đạt có thể quen thuộc hơn đối với chúng ta, là "tam vị nhất thể", là ba mặt của một thực thể, ba trong một, có ba thì càng tốt, nếu chỉ có một thì cũng chẳng sao vì trong mỗi một đã chứa cả ba. Hoặc nói theo nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes, ba vị và mỗi vị là "một trạng thái bộ ba".
Trạng thái bộ ba của gì? Của vũ trụ, của vật chất, của thế gian, của con người, của tất cả. Người Gia Rai có một vũ trụ quan sâu thẳm và thấu suốt. Theo họ, mọi sự, từ cái lớn nhất là vũ trụ không cùng kia đến cái nhỏ nhất, li ti như côn trùng nọ, từ cái vô hình như linh hồn đến cái hữu hình, thường nhật, chạm xát vào ta hằng ngày như gia đình, làng xóm, xã hội, từ cái tinh tế, mờ ảo như tình yêu, cả đau khổ, giận hờn ... đến cái cụ thể, thiết dụng như hạt lúa, cây ngô ..., tất cả, tất cả đều được cấu tạo bằng ba yếu tố: Nước (Chảy), Lửa (Nóng) và Gió (Khí). Cũng có một cách diễn đạt khác: mọi sự vật đều "ngậm" ba trạng thái, ba yếu tố đó trong mình. Và cả ba là một. Tháp Bayon ở Angkor có bốn mặt, nếu người Gia Rai xây tháp thì Bayon Gia Rai sẽ có ba mặt. Bốn mặt Bayon Angkor là một đấy chứ nào phải bốn người. Ba mặt Bayon Gia Rai cũng vậy. Và mọi sự sẽ yên ổn khi ba mặt ấy hài hòa, bằng không thì sẽ là tai họa: hạn hán, bão lũ, dịch bệnh, chiến tranh, rối loạn xã hội và gia tộc, bất an và đau khổ của con người...
Pötao là đại diện, là biểu hiện của ba trạng thái đó, chức năng duy nhất của ông là gìn giữ sự điều hòa của ba trạng thái đó, cho mọi sự được bình an. Nếu gọi là quyền lực, thì ông là đại diện cho quyền lực của sự bình an, và đối với người Gia Rai bình an là hài hòa, của vũ trụ, đất trời, xã hội và tâm hồn con người. Nói theo cách nào đó, có lẽ đúng hơn cả, ông là người cầu an. Ông giữ một thanh gươm thiêng, gấu kín trong một căn chòi bí mật trên ngọn núi nhỏ tên là núi Sé gần làng Plöi Öi, chỉ có ông, trong một nghi lễ hằng năm trên núi, là người duy nhất được mở tấm vải bọc gươm, mỗi năm một lần. Cũng mỗi năm một lần, ông đi tuần du qua các làng, cúng cầu mưa nắng ôn hòa, mùa màng tươi tốt, con người an nhuần. Vậy đó thôi. Còn thì ông đi làm rẫy, như mọi người, như tôi đã gặp ông hồi 1997 nọ ...
Điều vô cùng kỳ lạ và kỳ diệu là bằng một hệ thống Pötao chỉ có vậy, vừa như rất đơn giản vừa bí ẩn, người Gia Rai không biết tự bao giờ đã duy trì được một thiết chế xã hội ổn định, bền chặt, độc lập, trải qua mọi biến thiên tự nhiên và lịch sử, một kiểu nhà nước vững chãi không cần bất cứ bộ máy nào nữa, không quân đội, không cảnh sát, không tổ chức quyền uy nào khác ...
Và bây giờ lại trở lại đến chuyện sấm sét, đàn ông đàn bà, nội ngoại đây.
Đối với người Gia Rai như vậy Pötao chỉ là người giữ mối kết nối các yếu tố thiết yếu của tự nhiên, hoàn toàn chẳng có quyền lực trần thế nào khác. Đối nội là thế. Nhưng đối ngoại, với người bên ngoài, họ vui lòng để cho người Việt dịch, và không chỉ dịch mà coi, đối xử với Pötao như là Vuacủa người Gia Rai, người Pháp thì dịch và coi là Roi, người Anh là King, người Lào là Sadet, người Cămpuchia là Samdach ... Tha hồ cho các vị muốn hiểu như thế! Triều đình Huế ngày trước đã từng phong tước, ban đủ thứ mão áo, bài ngà cho Vua Nước, Vua Lửa... Các Vua Nước, Vua Lửa cũng từng định kỳ dâng cống vật ngà voi, sừng tê giác, sáp và mật ong lên triều đình Huế, và thế là triều đình yên trí đã chư hầu hóa được dân tộc Gia Rai. Cứ để cho triều đình hiểu thế, có sao đâu, càng hay, còn người Gia Rai chỉ cười... Với chính quyền Pháp, Cămpuchia, Lào... cũng vậy. Người Gia Rai làm tất cả những điều đó, nhận tất cả những thứ được ban phong đó... và cười! Cười diễu cái cạn cợt của người đời. Tất cả chỉ là Sấm ấy mà! Chỉ là mặt Sấm của Pötao.
Jacques Dournes, nhà Tây Nguyên học đã sống ở Tây Nguyên 25 năm và đã để 15 năm ròng tập trung nghiên cứu thiết chế Pötao, từng thấy Pötao Apui, bấy giờ là ông già Öi Ât, đeo cái bài ngà phong tước chư hầu của triều đình Huế, không phải trên ngực mà trên cổ, như một thứ đồ chơi! Mặt Ngoại của Pötao đấy. Còn mặt chính của ông, mặt Nội, thiết yếu đối với người Gia Rai, ông là nhân tố điều tiết sự hài hòa muôn thuở của vũ trụ và con người, ông là Sét. Như vậy người Gia Rai đã sáng tạo ra nhân vật Pötao tuyệt diệu, vừa là Nội vừa là Ngoại, vừa là Đàn Bà vừa là Đàn Ông, vừa là Sét vừa là Sấm, để sống với bên ngoài, người ngoài, nước ngoài, các thế lực ngoại lai, đồng thời duy trì nền độc lập độc đáo và vô cùng thực chất, sâu xa của mình. Anh tưởng anh đã "nắm" được họ rồi, chư hầu hóa họ rồi, chinh phục họ rồi, thực ra anh chỉ nắm lấy cái sấm, nghĩa là cái ... không gì hết. Còn họ vẫn là họ, là người đàn bà, là sét, là "nội", nguyên vẹn, độc lập, và họ cười khẩy anh ...
Không biết có nơi nào sáng tạo được một thiết chế xã hội và con người kỳ lạ và kỳ diệu đến thế nữa không? Chỉ xin chú ý một chi tiết: có nhà sử học đã bảo tôi vua Hùng của chúng ta ngày trước từng được gọi là Phù Đạo đấy! Phù Đạo, Phù Tạo, Pù Tạo, Pu Tao, Pötao ... có mối liên hệ nào chăng?
Tôi không phải là nhà sử học, cũng không phải nhà dân tộc học. Tôi chỉ say đắm Tây Nguyên. Ngày xuân, muốn được nói cùng bạn một góc bí ẩn trong bao bí ẩn chắc còn bất tận của vùng đất và người lạ lùng ấy. Nếu có làm bạn mệt, xin được thứ lỗi, ngày xuân mà...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét