Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT DÒNG ẢNH PHÉP LẠ, GIÁO PHẬN KON TUM


GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT DÒNG ẢNH PHÉP LẠ

GIÁO PHẬN KONTUM

 

  1. I.                  DẪN NHẬP
  2. II.               CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH
    1. 1.     Giáo phận Kontum và những bước chân tiên khởi.
    2. 2.     Giai đoạn chuẩn bị.
    3. 3.     Giai đoạn chính thức thiết lập hội dòng.
  3. III.           VƯƠN MẠNH VÀ TRƯỞNG THÀNH
I. DẪN NHẬP
Trong cuộc sống con người có rất nhiều chuyện xem ra tình cờ, nhưng một cách nào đó vẫn nằm trong chương trình huyền nhiệm của Thiên Chúa. Một dòng tu có một không hai ở Giáo hội Việt nam chỉ dành riêng cho những người nữ dân tộc đã chính thức ra đời, đó là hội dòng “Ảnh Phép Lạ” tại giáo phận Kontum. Bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và được tôi luyện qua nhiều biến cố gian nan và thử thách. Dòng Ảnh Phép Lạ được Toà thánh chuẩn y vào ngày 3.2.1947 và được Đức giám mục bản quyền giáo phận, Đức cha Jean Sion Khâm chính thức công bố thành lập vào ngày 6.4.1947. Trước sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa đối với các dân tộc trên miền cao nguyên, từ Giarai, Bahnar, Xê đăng, Rơngao, Jră, Jơlơng… Hạt giống Tin Mừng ngày càng được gieo vãi rộng khắp các buôn làng nhờ những bàn tay lành nghề của các sơ Ảnh Phép Lạ. Các sơ đã dùng chính ngôn ngữ và đời sống phục vụ của mình để “cảm hoá” chính những anh chị em mình. Cách riêng, hội dòng đặt mình dưới bóng che chở của Mẹ Maria và lấy lễ Đức Mẹ MARIA như Mẹ đã  hiện ra  vào ngày 27 tháng 11 năm 1830 với  Bà thánh Catarina  đờ Labourê  và đã  hứa cho những ai mang Ảnh Mẹ. Hội dòng cũng chọn ngày 27 tháng 11 hằng năm làm Lễ Quan Thầy của toàn hội dòng.
II. CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH
1.  Giáo phận Kontum và những bước chân tiên khởi.
Sau nhiều cố gắng xây dựng, ngày 18.1.1932, Tòa thánh đã công bố nghị định thư thiết lập đại diện tông tòa Kontum tách từ giáo phận mẹ Quy Nhơn. Và ngày 23.1.1932, cha Martial Jannin Phước được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi quản nhiệm giáo phận, hiệu tòa Gadara.
Công việc đầu tiên và ưu tiên của vị tân giám mục là cho xây dựng chủng viện Thừa Sai Kontum (1935-1938). Nhà hoàn toàn bằng gỗ cà chích, dài 100m, vách trần bằng rơm và bùn đất, mái lợp ngói. Đây là một kiệt tác ! Chính Đức cha Jannin thiết kế và trông coi cho tới khi hoàn thành. Ngài còn cho xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền, hệ thống thủy điện, nhà máy in, mở xưởng lao động, đào tạo tay nghề… công việc truyền giáo phát triển mạnh mẽ.
Ngày 22.4.1942, cha Jean Sion Khâm được tấn phong giám mục, kế vị Đức cha M. Jannin Phước (qua đời năm 1940). Đức cha Sion Khâm lên nắm quyền cai quản giáo phận đang lúc chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945), nên công cuộc truyền giáo hết sức khó khăn. Rồi thế chiến kết thúc, cuộc nội chiến lại xảy ra. Một giáo phận miềm núi càng gặp khó khăn trăm chiều. Đức cha Sion Khâm vẫn cố chống chèo vượt qua phong ba bão táp. Ý thức được công cuộc truyền giáo phải có sự cộng tác đắc lực của người địa phương. Nên năm 1946, ngài quyết định thành lập trường Lý Đoán (Đại chủng viện) để đào tạo linh mục người bản xứ cho giáo phận. Song song với việc đào tạo linh mục, ngài xin phép Tòa thánh cho thiết lập một hội dòng Ảnh Phép Lạ chỉ dành riêng cho các thiếu nữ người dân tộc. Lúc đầu, Tòa thánh không chấp thuận, vì trong Giáo hội đã có nhiều hội dòng rồi. Đức cha không bỏ cuộc, ngài tha thiết trình bày với lý lẽ vững chắc: muốn có những linh mục, tu sĩ bản địa lo cho người bản địa thì cũng cần có những bà mẹ công giáo bản địa được chuẩn bị đàng hoàng như vậy, vì thế việc thiết lập một hội dòng đào tạo các thiếu nữ dân tộc thật là chính đáng và thiết thực. Cuối cùng, Thánh Bộ đã chấp thuận. Hội dòng được chính thức thành lập ngày 6.4.1947. Qua dòng lịch sử, hội dòng Ảnh Phép Lạ đã giữ một vai trò độc đáo và quan trọng trong giáo phận.
2.  Giai đoạn chuẩn bị.
Việc hình thành Hội Dòng Ảnh Phép Lạ là kết quả của  một tiến trình lâu dài, tập thể và có tính tổng hợp trong việc nâng cao mọi mặt cho cả một vùng có nhiều sắc tộc. Sự nỗ lực không biệt mệt mọi của bao thế hệ, đặc biệt của các cha thừa sai đã phần nào sinh hoa kết trái. Kế nghiệp đức cha Jannin, Đức cha Sion Khâm đã quy tụ một số thiếu nữ  vào hội dòng cũng là con người của buôn làng rứt khỏi  sức hút của môi trường sống tự nhiên để vào  một khung sống mới là  một  biến hóa  “huyền nhiệm”  của nếp sống người dân tộc.
Vì cả một tiến trình lâu dài nên không thể kể rõ ràng chi tiết, tôi xin lướt qua những ảnh hưởng chính. Trước tiên là các Dì của tu viện Mến Thánh Giá từ hạt Tông Toà Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) lên phục vụ tại Kontum. Năm 1913, có Dì  Kiểng, Dì  Nghề, Dì  Lại và Dì Lưu phục vụ tại trường  Giáo Phu Cuênot. Nhờ sự hiện diện và phục vụ của các Dì , một số thiếu nữ kinh cũng như người dân tộc  xin “đi tu”, dần dà các em được hướng dẫn và khái niệm đi tu cũng không còn xa lạ nữa.
Đầu năm 1932, Tu Viện Mến Thánh Giá Gò Thị gởi một số nữ  tu  Mến Thánh Giá lên Kontum phụ trách trường Têrêxa thuộc địa sở Tân Hương. Trường dành cho cả trẻ em kinh lẫn người dân tộc: trong số các Dì được gởi lên để phục vụ trường mới này, lúc đó có 2 Dì người dân tộc là Dì Véronique và Dì  Ursule và sau này có Dì Anna.
Qua môi trường phục vụ: mở nội trú phần lớn cho người dân tộc như mở lớp may vá, với tinh thần tông đồ, nhiệt tâm và đầy tình thương, nên một số trẻ em nữ người dân tộc “xin đi tu” và trong số đó, có người đã trở thành nữ tu thực sự và đã trở về phục vụ ngay tại Kontum.
Đầu năm 1938,  Đức Cha Martial Jannin Phước đã  mời được các Nữ tử Dòng Bác Ái Thánh Vinh Sơn đến phục vụ trên vùng đất rừng thiêng nước độc này. Hai nữ tu Dòng Vinh Sơn đầu tiên người Pháp  đã đến phục vụ là sơ  Joseph Gérente và Sơ Généviève Daras. Sau Lễ Phục sinh năm đó, 3 em đầu tiên trong số các em đã xin đi tu, được gởi  đến ở  với hai Bà, gọi là tập sinh,  sống đời tu, vì danh từ “tu” đối với người dân tộc lúc đó còn rất xa lạ. Hai nữ tu Dòng Vinh Sơn đến phục vụ bằng đời sống khó nghèo : viếng người nghèo, săn sóc những người đau ốm v.v… Các em tập sự đời tu trì  cũng chia sẻ lối sống  đó bằng cách đi theo phụ giúp  các Bà phục vụ bệnh nhân, còn  một số khác ở nhà  lo việc nội trợ. Đến ngày 27 tháng 11 năm 1938, lễ trao cho các em  mang Ảnh Phép Lạ, nay gọi là đệ tử.
Rồi sau đó, 3 em mặc áo “thỉnh tu” cho đến năm 1943. Cha Jean Sion Khâm, lúc đó là Bề Trên  Dòng Thánh Giuse  Kim Châu ( Địa phận Quinhơn ) nhận chức Giám mục Kontum  vào ngày 22 tháng 4 năm 1942, được ít lâu  mới thấy  cần phải  có  những bước đầu tiến hành cho việc thành lập Hội Dòng ẢNH PHÉP LẠ. Khi đó  Bề trên các chị nữ tu Bác Ái Kontum là bà Marie Gilbert, được Bề Trên giao trọng trách  chuẩn bị  cho việc thành lập Dòng Anh Phép Lạ.
Ngày  27 tháng 11 năm 1943, hai trong 3 thỉnh tu  cấm phòng và  chuẩn bị vào nhà tập. Vị Giám mục  Đại Diện Tông Toà giáo phận làm Lễ  mặc áo  trọng thể, có  sự tham dự đông đảo  của bà con. Từ năm đó, các chị bắt đầu  cuộc sống theo luật mới. Sống trong nhà tập, các chị vẫn được phép làm việc ở ngoài, vì thiếu  nhân sự, chưa ai thay thế, như việc dạy học, phát thuốc, viếng thăm người nghèo và các bệnh nhân v.v.. Sau 3 tháng nhà tập nhặt, nghĩa là tới tháng 3 năm 1944, các chị được cho khấn tạm  vào ngày 25 tháng 4 nhằm  Lễ  Truyền Tin mà vẫn ở nhà tập cho đến cuối năm.
Sau thời gian chuẩn bị, nhiều  Bông Hoa của Dòng tương lai từ từ  được nở rộ, Đức cha Jean Sion Khâm tiến hành  xin Tòa Thánh  chuẩn y  việc thiết  lập Hội Dòng theo luật  hiện hành của Giáo hội.
3.  Giai đoạn chính thức thiết lập Hội Dòng.
Sau những năm tháng dài chuẩn bị, Đức Cha Jean Sion Khâm nhận thấy đã hội đủ điều kiện cơ bản để xin Tòa Thánh  phê chuẩn  việc thiết lập Hội Dòng Nữ người dân tộc cho vùng Truyền giáo, nhưng  Tòa Thánh không chấp thuận, đã trả lời :
“Thưa Đức Cha, tại Việt nam đã có nhiều Hội Dòng, các thiếu nữ này nên xin nhập vào  các Dòng  ấy”.
Khi Đức Cha biết rõ Tòa Thánh không  chấp thuận cho lập Dòng dân tộc riêng, Ngài liền đích thân qua Rôma gặp Đức Thánh Cha để trình bày vấn đề rõ ràng hơn. Sau  một thời gian kiên trì chờ đợi, Đức Cha đã được Toà Thánh chấp nhận cho Ngài  thành lập  Hội Dòng mới  gồm  các thiếu nữ dân tộc  nơi vùng Truyền giáo của Ngài.

 Sau  khi nhận được giấy chấp thuận của Tòa Thánh, Đức  Cha soạn một nghị định thư và công bố thiết lập Hội Dòng được mang tên “Ảnh Phép Lạ”, thuộc  vùng Giám Quản Kontum vào ngày 6 tháng 4 năm 1947.
 Ø TÊN  DÒNG.
 Giai đoạn đầu, Đức giám mục Jannin  Phước  chọn Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Quan Thầy Bổn Mạng  cho nhóm thanh nữ  “đi tu” và  cũng  có ý muốn đặt cho Hội Dòng tương lai là “Các con cái Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên  Tội”. Nhưng đến thời Đức Cha Jean Sion Khâm làm Giám mục, trong sắc chỉ thành lập Hội Dòng ngày 6.4.1947 của Đức cha Jean Sion Khâm, Giám Quản Vùng Truyền Giáo Kontum đã đặt tên Hội dòng là “ Filles de la Médaille Miraculeuse”, và được dịch là “CÁC CHỊ EM ẢNH PHÉP LẠ”. Vì những lý do sau đây:
        – Đức Mẹ hiện ra với bà thánh Catarina Labourê :
Hiện ra lần thứ  nhất vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng 7 năm 1830 tại Rue du Bac (Pháp) và lần thứ 2 vào ngày 27 -11- 1830. Trong lần hiện ra thứ 2 nầy, Mẹ Maria tỏ  ý với thánh nữ cần làm và phổ biến Ảnh Làm Phép Lạ, có hình Đức Trinh Nữ  Maria đứng xòe 2 tay ra , chung  quanh có  ghi hàng chữ : “LẠY ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI, XIN CẦU CHO CHÚNG CON LÀ KẺ CHẠY ĐẾN CÙNG MẸ”,  mặt bên kia có ghi chữ  M với trái tim. Phép lạ đầu tiên là sự trở lại, vào giờ hấp hối của Cựu Tổng Giám mục chống đối Giáo Hội: Đức Cha Pradk, Giám mục thành Malimes.
- Thánh Catarina Labourê thuộc Hội dòng Vincent De Paul.
- Mẹ Maria hiện ra tại  số nhà 140 Rue du Bac (Paris) gần Trụ Sở  của Hội Thừa Sai Paris (128 Rue du Bac Paris)
- Mẹ Maria là ĐẤNG VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Hai mươi  bốn năm sau  (1854), Giáo hội long trọng tuyên bố tín điều Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội . Năm 1858 Mẹ hiện ra với Bernadetta tại Lộ Đức (Pháp) như  xác nhận đặc ân Vô nhiễm này của Mẹ khi em hỏi danh tánh Mẹ.
 Nói đến “ẢNH PHÉP LẠ” là nói đến Đặc Ân Vô nhiễm Nguyên Tội, tuyên xưng Mẹ là Đấng  cứu giúp con cái loài người.
         Thông thường, dân chúng gọi Dòng Ảnh Phép Lạ bằng một danh xưng ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích và rất thích hợp với tầm nhận thức của người dân tộc bấy giờ  ‘Dòng Ảnh Vảy’. Nó nói lên  một cái gì vừa cụ thể thích hợp với tầm hiểu, vừa linh thiêng cao trọng như  lý tưởng đòi  buộc  cuộc sống họ cần vươn tới.  Đây cũng là ý nguyện của các Vị Bề Trên Giáo phận đặt Hội Dòng sắp thành lập trong bàn tay yêu thương, dẫn dắt của Mẹ Maria và noi gương Người. Thật vậy, số  thiếu nữ người dân tộc dự tu vào những năm đầu còn thưa thớt, nhưng cho đến ngày Đức  cha Jean Sion Khâm chính thức thiết lập Hội Dòng vào năm 1947 thì được coi là một việc “lạ  lùng”. Sự tồn tại của Hội Dòng  qua mọi biến cố đến ngày nay cũng  có thể nói  là  một  dấu lạ  hay “phép lạ” của Thiên Chúa thực hiện .
“ ẢNH PHÉP LẠ “ là danh xưng của Hội Dòng  Nữ Tu người dân tộc  phục vụ  cho anh em  dân tộc Tây nguyên còn là lời khẩn cầu của các Vị Chủ Chăn Giáo phận xin Mẹ Maria biến đổi cả một khối người cư dân còn mê tín dị đoan, lạc hậu  nầy được sống văn minh tiến bộ hơn và thành người con của Chúa trong yêu thương  biết phục vụ cho nhau. Với khả năng nhỏ bé của mình, các vị thừa sai xác tín chỉ có Mẹ Maria xin Chúa  Giêsu  làm “ phép lạ “ trên mảnh đất rừng núi nầy  mới có thể  chuyển hóa họ trở  thành những  người công giáo đích thực  bỏ  những mê tín dị đoan , sống  tình huynh đệ và giữ vững đời sống  đức tin như lòng Chúa mong ước mà thôi. Các Ngài xin trao trọn các chị  em  trong Hội Dòng và cả vùng dân tộc cho MẸ MARIA như Mẹ đã  hiện ra  vào ngày 27 tháng 11 năm 1830 với  Bà thánh Catarina  đờ Labourê  và đã  hứa cho những ai mang ẢNH MẸ. Hội Dòng “ ẢNH-PHÉP-LẠ” chọn Lễ ngày 27 tháng 11 hằng năm làm LỄ QUAN THẦY  của  toàn Hội Dòng.
  • Ø BẢN CHẤT CỦA HỘI DÒNG.
      “Các Chị Em Ảnh Phép Lạ” lập thành một Hội Dòng Truyền giáo, thuộc địa phận dưới quyền của Bề trên Tổng quyền là Đức Gám Mục Kontum. Họ tích cực tham gia  vào công việc và đời sống của Giáo Hội địa phương, cách riêng dạy giới trẻ, viếng thăm các bệnh nhân, phụ giúp các công việc của sứ vụ truyền giáo theo những chỉ đạo riêng biệt sẽ ấn định sau (số 12, Hiến Pháp Dòng).
“Các công tác bác ái và nói cách khái quát, việc phụ giúp các công việc truyền giáo là mục đích chuyên biệt của Hội Dòng” (số 18).
  • Ø HIẾN PHÁP – NỘI QUI
Hiến Pháp – Nội Quy gồm lời nói đầu  và 134 số.
-         Nói về ơn gọi của Hội dòng (từ số 1 đến số 12).
-         Đời sống thiêng liêng  (từ số 13 đến số 25).
-         Đời sống chung – Các lời khuyên Tin Mừng  (từ số 26 đến 38).
-         Hoạt động truyền giáo (từ số 39 đến 47).
-         Việc đào tạo – Những nhận định tổng quát (từ số 48 đến 68).
-         Điều hành – Nguyên tắc tổng quát (từ số 69 đến số  75).
-         Quyền hành cách tổng quát (từ số 76 đến số  85).
-         Bà bề trên cả  (từ số 86 đến 94).
-         Vị bề trên Tổng quyền (số 96).
-         Vị tổng giám đốc  (từ số 105 đến 106).
-         Cố vấn (từ số 107 đến  109).
-         Các bà cố vấn (từ số 110 đến 114).
-         Vị phụ tá tổng quyền (số 114 đến 116).
-         Quản lý chung  (từ số 117 đến số 120)
-         Tổng thư ký (từ số 121 đến số 122).
-         Các bà bề trên ngoài nhà Mẹ (từ số 123- 125).
-         Quản trị tài chính (từ số 126 đến số 132).
-         Đức Trinh Nữ Maria và  “Dòng Ảnh Phép Lạ” (từ số 133 đến số 134).
Trên đây là một số nét khái quát về Hiến Pháp và Nội Quy của  Hội Dòng “Ảnh Phép Lạ”. Ngoài ra, Hội Dòng theo phương hướng đào tạo các đệ tử, các tập viện cũng như các khấn sinh rất nghiêm túc và kiên trì để các chị em thánh hóa đời sống, nhất là thực thi chức năng truyền giáo trên vùng dân tộc này.
  • Ø VỊ THIẾT LẬP  HỘI DÒNG.
Vị sáng lập Hội Dòng Ảnh Phép Lạ chính là Đức Giám mục Đại Diện Tông Tòa tiên khởi, Đức cha Jannin Phước. Nhưng quá trình chuẩn bị cho tới lúc  Hội Dòng được chính thức thiết lập quá lâu cũng như quá phức tạp.
Đến Vị Đại Diện Tông Tòa thứ hai của vùng truyền giáo – Đức Cha Jean Sion Khâm – mới hình thành hướng đi cách rõ nét, và được khởi sự khi phần chuẩn bị trực tiếp trao cho Dòng Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn năm 1943 và được đổi tên  thành “Chị Em Ảnh Phép Lạ” từ  tháng 11 năm đó. Chính vì lý do đó, xin tóm lược một vài nét chính của Đức cha Jean Sion Khâm như sau: 
 Giám  Mục Đại Diện Tông Tòa, Giám Quản Giáo Phận  Kontum  (1942 – 1951)
v        Sinh ngày 10 tháng 6 năm 1890 tại Estaire ( Pháp ).
v        Gia nhập Hội Truyền giáo Hải Ngoại Paris:  ngày 11/09/908.
v        Thụ phong Linh mục: ngày 20 tháng  3 năm 1920.
v        Đến  địa phận Quy Nhơn: ngày 4 tháng 8 năm 1920.
v        Học tiếng tại Gò Dài, địa sở Gò Thị: cùng năm 1920.
v        Phụ  trách giáo xứ Phú Thượng ( Quảng Nam): tháng  1 năm 1921.
v        Giáo sư  Đại chủng viện Đại An:  tháng 9 năm 1923 .
v        Chánh xứ địa sở Nhà Đá: ngày 19 tháng 3 năm  1924 .
v        Phụ trách thành lập Dòng Thánh Giuse: ngày 5 tháng 7 năm 1926 .
v        Thụ phong Giám mục tại Nhà Thờ Chánh Tòa Quy Nhơn: ngày  22/04/942 .
v        Lên nhận chức tại Giáo phận Kontum: ngày 22 tháng 4 năm 1942 .
v        Đặt tên cho Hội Dòng tương lai: tháng  11 năm 1943 .
v        Tòa Thánh chuẩn y  cho phép thiết lập Hội Dòng: ngày 3 tháng 2 năm  1947.
v        Thiết lập Hội Dòng: ngày  6 tháng 4 năm 1947.
v        Lớp tập sinh đầu tiên của Hội Dòng: ngày 27 tháng 11 năm 1948.
v        Tạ thế tại MONTBETON (Pháp) ngày 19 tháng 8 năm 1951.

  • Ø CÁC NHIỆM KỲ BỀ TRÊN.
NĂM
CÁC  BỀ TRÊN PHỤ TRÁCH
1938  đến 1942
1 -  Mẹ Marie Géneviève DARAS            ( Dòng Nữ Tử Bác Ái )            Bà mẹ Bề trên đầu tiên
1938 đến 1946
2 -   Mẹ Marie GILBERT           ( Dòng Nữ Tử Bác Ái )            Bà mẹ Bề trên đầu tiên
1946 đến 1959
3-   Mẹ Marie Catherine ANGENIOL             (Dòng Nữ Tử Bác Ái )            Bà mẹ Bề trên thứ hai
1959 đến 1960
4 -   Mẹ Anne ESNOL           ( Dòng Nữ Tử Bác Ái )
1960 đến 1974
5 -   Mẹ Marie RÉNÉE Le Gal           ( Dòng Nữ Tử Bác Ái )
1974 đến  1995
6 – Nữ Tu Mẹ Marie Catherine DEO          (Dòng Ảnh Phép-Lạ)
1995 đến1998
7 – Chị Tổng Phụ Trách  Scholastique CHENH                   ( Dòng Ảnh Phép Lạ)
1998 đến 2001
8 – Chị Tổng Phụ Trách  Yă Michel NGÊT            ( Dòng Ảnh Phép Lạ)
2001 đến 2004
9 – Chị Tổng Phụ Trách  Yă Michel NGÊT           ( Dòng Ảnh Phép Lạ)
2004 đến 2007

10 – Chị Tổng Phụ Trách  Yă Marie Reine LANH           ( Dòng Ảnh Phép Lạ)
2007 đến 2010

11 – Chị Tổng Phụ Trách  Yă Marie Reine LANH           ( Dòng Ảnh Phép Lạ)
2010 -
12 – Chị Tổng Phụ Trách  Yă Michel NGÊT           ( Dòng Ảnh Phép Lạ)
 
  1. III.           VƯƠN MẠNH VÀ TRƯỞNG THÀNH 
Nếu Đức cha Sion Khâm có công đầu trong việc thiết lập dòng Ảnh Phép Lạ, thì các Đức cha kế nhiệm lại có công lớn đem lại sự phát triển như ngày nay. Giai đoạn của Đức Giám Giáo phận Paul Seitz Kim (1952-1975) như phần vun xới cho hạt giống Ơn Gọi Hội Dòng mọc lên mạnh mẽ. Ngài cho xây lại nhà dòng gồm hai dãy nhà hai tầng cùng với ngôi nhà nguyện rộng rãi và đẹp đẽ. Về cơ sở thì tương đối ổn định nhưng về nhân sự điều hành vẫn còn phải cậy dựa sự giúp đỡ của các Sơ dòng Bác Ái Vinh Sơn.

Biến cố 1975 làm thay đổi, Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc (1975 – 1995), kế nhiệm Đức cha Seitz, cùng đồng hành và nâng đỡ các chị em cách đặc biệt. Ngài đặc biệt quan tâm nâng cao về mặt trí thức cho các sơ, mỗi khi có mở lớp Thần Học Liên Tu Sĩ ở Đại Chủng Viện Thánh Giuse hay ở dòng Đa Minh, thì ngài đều gửi người đi học. Cũng kể từ đây, Bề trên Hội dòng không phải là các Sơ dòng Bác Ái Vinh Sơn nữa. Nữ tu Marie  Catherine  DEO được  giao trách nhiệm làm Yă Mẹ  phục vụ cho toàn  Hội dòng. Tuy bước chuyển biến khó khăn  mọi mặt trong giai đoạn này. Nhưng tất cả đều qua đi tốt đẹp trong lòng bàn tay che chở của Mẹ Maria, lòng trung tín, tình yêu thương vào Chúa và nơi Mẹ Maria vẫn không thay đổi đối với con cái của các Ngài. Nhờ đó, các chị cố vươn lên mãi trong đời sống thánh hiến  để trở nên công cụ Truyền giáo cho  anh em đồng bào mình.
Năm 1995, Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung lên kế vị. Ngài luôn quan tâm đến vấn đề đời sống thiêng liêng cho Hội dòng, nâng cao tinh thần ý thức tự giác và đời sống cầu nguyện. Đồng thời để chuẩn bị cho việc mừng 50 năm của Hội dòng vào năm 1997, ngài cho sửa sang lại nhà cửa. Và ngày lễ mừng Kim khánh của Hội dòng 27.11.1997 đã diễn ra tốt đẹp.
Năm 2003, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh lên kế vị. Ngài ưu tiên công việc đào tào nhân sự cho nhà dòng. Năm 2005, ngài đã tạo điều kiện và gửi các chị em tân khấn sinh của Hội dòng đi Sài Gòn học, một số theo lớp Thần Học Liên Tu Sĩ ở Đại Chủng Viện Thánh Giuse, một số theo lớp Thần Học Liên Dòng Mến Thánh Giá ở Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Cũng trong năm đó, để việc đào tạo được tốt hơn, Đức cha cho tách rời Nhà Tập ra khỏi Nhà Mẹ và đem lên làng Đăk Rơwa, bên kia cầu treo, cách nhà Mẹ khoảng 4 km. Để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho các em Nhà tập, mỗi ngày đều có Thánh lễ. Ngoài việc học tập như Kinh Thánh, Tu Đức, Nhân Bản… các Tập Sinh còn được học nhạc lý.

Nhìn lại hành trình từ năm 1947 đến 2011 của Hội dòng, trải qua một thời gian tương đối dài, là thời gian đầu đời chập chững của Hội Dòng với tất cả non yếu, bấp bênh với những thành quả  khiêm tốn. Nhưng tất cả những yếu đuối, khó khăn đó, Thiên Chúa  đã bao bọc, đã chở che và đã nâng đỡ.
Với đà phát triển như hiện nay, con số các chị em trong Hội dòng ngày càng thêm đông đảo. Số nữ tu đã khấn 117, dự khấn 15, tập sinh 14, thỉnh sinh 12, đệ tử 60, nhà tập một 5, nhà tập hai 8. Ngoài nhà Mẹ ra, Hội dòng có 26 cộng đoàn đang trải rộng trên khắp cánh đồng truyền giáo Kontum.
- Về mục vụ: Hội dòng có 5 cơ sở cô nhi viện để phục vụ và chăm sóc cho các em dân tộc bị mồ côi, bị tàn tật, bị hất hủi…. với khoảng trên 500 em nhỏ từ khi vừa sinh ra cho đến 18 tuổi. Còn các cộng đoàn ở giáo xứ thì các nữ tu Ảnh Phép Lạ giúp dạy giáo lý, sinh hoạt, tập hát, chia sẻ Lời Chúa, thăm viếng người bệnh tật…
- Về mặt xã hội: Các chị tham gia chăm sóc các bệnh nhân phong cùi tại các trại phong Đakkia, Kon Hơring, Dakring…, đồng hành với các em nội trú ở các làng xa để đi học văn hoá tại trường công lập, mở các lớp cắt may, dạy nhạc…
- Về y tế: Hội dòng có phòng khám chữa trị cho các bệnh nhân nghèo, có trạm xá cho những người ở các làng xa về chữa bệnh. Tất cả được các sơ giúp đỡ, phục vụ cách tận tình chu đáo.
- Về văn hoá: Hội dòng cố gắng gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết, nhạc cụ, các điệu múa xoang của người dân tộc, duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ bao đời nay.
 
Tóm lại, dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của các Vị  Bề Trên Tổng Quyền là các Giám Mục Giáo phận biết điều hành Hội Dòng trong từng giai đoạn, và của các chị em Phụ trách từng cộng đoàn trong các nhà, Hội Dòng đã gặt hái được nhiều thành quả trong đời sống  tận hiến cho Chúa và cho anh em theo Hiến Pháp và Nội qui của Hội Dòng ấn định.
Chính  từ  trái tim tận hiến cho Thiên Chúa và được thực hiện cụ thể  nơi anh em đồng bào nghèo cùng là năng lực làm cho các chị vượt qua muôn vàn khó khăn. Đời sống thanh bần của những con người tận hiến ấy là cả  một nguồn sức sống Truyền Giáo giữa anh em mình. Các chị đã và còn thực hiện đời chứng tá Tin Mừng  qua ba lời khấn: “Khó Nghèo, Khiết Tịnh và Vâng Lời” để đi khắp vùng Truyền giáo Tây nguyên đem Tin Mừng cho người nghèo khó và sống chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.



 Huế, ngày 19 tháng 3 năm 2011

Cùng cộng tác viết bài:
G.B. Nguyễn Minh Hoàng
Giuse Nguyễn Thanh Tùng
Bài viết này dựa trên hai nguồn tài liệu chính:
1.Lm. Nguyễn Hoàng Sơn, cha sở giáo xứ Phương Quý, Giáo phận Kontum, cung cấp.
2.Yă Terexa, Dòng Ảnh Phép Lạ, cung cấp.
 (Nguồn: antonnguyentruongthang' blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét