Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

ĐTC Phanxicô: Bài giảng bế mạc Thượng HĐGM


ĐTC Phanxicô: Bài giảng bế mạc Thượng HĐGM

VATICAN – Lúc 10g sáng Chúa nhật 28/10/2018, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 15 với chủ đề “Người trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi”, cùng với các Nghị phụ, các tham dự viên khác và đông đảo tín hữu.
Khai triển nội dung bài Phúc âm của Thánh lễ Chúa nhật thứ 30 Thường niên thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa anh mù Bartimê, Đức Thánh Cha đã nêu lên ba bước căn bản trên hành trình đức tin là: lắng nghe, gần gũi, làm chứng.
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Câu chuyện chúng ta vừa nghe là câu chuyện cuối cùng mà thánh sử Marcô tường thuật về sứ vụ của Chúa Giêsu trên đường rao giảng, vì không lâu sau đó Người sẽ vào thành Giêrusalem để chịu chết và sống lại. Như vậy Bartimê là người cuối cùng đi theo Chúa Giêsu: từ một người hành khất ngồi bên con đường dẫn đến Giêricô, anh trở thành một môn đệ, cùng với những người khác đi Giêrusalem. Chúng ta cũng thế, chúng ta đã cùng đi với nhau (synod), và giờ đây câu chuyện Tin Mừng này ghi dấu ba bước căn bản trên hành trình đức tin.
Trước hết, chúng ta hãy xem Bartimê: tên của anh nghĩa là “con của Timê”. Phúc âm nói về anh: “Bartimê - con của Timê” (Mc 10, 46). Nhưng, thật kỳ lạ, Phúc âm lại chẳng nói gì đến cha của anh. Bartimê nằm đó, một mình bên vệ đường, ở xa nhà và không có cha bên cạnh. Anh không được yêu thương, nhưng bị bỏ rơi. Anh bị mù và chẳng có ai lắng nghe anh; và khi anh muốn nói, họ bảo anh im đi. Chúa Giêsu nghe tiếng van nài của anh. Khi Người đến với anh, Người bảo anh nói. Không khó để đoán được điều Bartimê mong muốn: rõ ràng một người mù thì muốn được nhìn thấy lại. Nhưng Chúa Giêsu không vội, Người dành thời gian để lắng nghe. Đây là bước đầu tiên giúp cho hành trình của đức tin:lắng nghe. Đó là sứ vụ tông đồ của đôi tai: lắng nghe trước khi nói.
Trái lại, nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu lại bắt Bartimê im lặng (x. câu 48). Đối với những môn đệ ấy, một người cần giúp đỡ là một người quấy rầy gặp trên đường, một cản trở không mong muốn và bất ngờ xảy đến. Họ đặt lịch thời gian của họ trên lịch thời gian của Thầy, ưu tiên cho việc nói hơn là lắng nghe người khác. Họ đi theo Chúa Giêsu, nhưng đã có kế hoạch của riêng mình trong đầu rồi. Đây là một nguy cơ chúng ta phải luôn cảnh giác. Nhưng, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của những người cầu xin giúp đỡ không phải là điều quấy rầy, mà là một thách đố. Lắng nghe cuộc sống thật là điều quan trọng biết bao đối với chúng ta! Con cái của Cha trên trời thì quan tâm đến anh chị em của mình, đến nhu cầu của người thân cận, chứ không phải đến những chuyện tầm phào vô ích. Họ kiên nhẫn lắng nghe trong yêu thương, như Thiên Chúa lắng nghe chúng ta, lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, dù cứ lặp đi lặp lại. Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi, Ngài luôn vui sướng khi chúng ta tìm kiếm Ngài. Chúng ta cũng hãy xin ơn có con tim biết lắng nghe. Tôi muốn thay mặt cho tất cả những người lớn chúng tôi để nói với những người trẻ rằng: xin hãy tha thứ cho chúng tôi nếu chúng tôi đã thường không lắng nghe các bạn; nếu, thay vì mở lòng mình ra, chúng tôi lại lấp đầy đôi tai của các bạn. Là Giáo hội của Chúa Kitô, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với lòng yêu thương, và chúng tôi tin chắc hai điều này: cuộc đời của các bạn rất quý giá trong mắt Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa thì trẻ trung và Ngài yêu thương người trẻ; và trong đôi mắt của chúng tôi cuộc đời của các bạn cũng rất đáng quý, đồng thời thực sự cần thiết để [cùng nhau] tiến bước.

Bế mạc Thượng HĐGM: Thư gửi giới trẻ



Bế mạc Thượng HĐGM: Thư gửi giới trẻ

VATICAN – Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 15 với chủ đề “Người trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi”, khai mạc từ ngày 3/10/2018 tại Roma, đã bế mạc vào sáng Chúa nhật 28/10. Sau Thánh lễ bế mạc tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, một bức thư ngắn của các nghị phụ gửi cho giới trẻ trên toàn thế giới đã được công bố.
Sau đây là toàn văn bức thư:
“Giờ đây các nghị phụ chúng tôi ngỏ lời với các bạn trẻ trên toàn thế giới, những lời hy vọng, tin tưởng và an ủi. Trong những ngày này, chúng tôi đã họp nhau để lắng nghe tiếng Chúa Giêsu, “Đức Kitô muôn đời trẻ trung” và để nhận ra nơi ngài nhiều tiếng nói của các bạn, những tiếng reo vui, những lời than trách và cả sự thinh lặng của các bạn nữa.
Chúng tôi biết những tìm kiếm trong tâm hồn các bạn, những niềm vui và hy vọng, nỗi đau và lo lắng khiến cho các bạn bất an. Giờ đây chúng tôi mong các bạn nghe chúng tôi nói: chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui của các bạn, để những mong đợi của các bạn trở thành lý tưởng. Chúng tôi tin chắc rằng với niềm hăng say vui sống, các bạn sẽ sẵn sàng dấn thân để những mơ ước của các bạn trở thành hiện thực nơi cuộc đời các bạn và trong lịch sử nhân loại.
Ước gì những yếu đuối của chúng tôi không làm cho các bạn nản lòng, những mong manh và tội lỗi của chúng tôi không trở thành rào cản cho lòng tin của các bạn. Giáo hội là Mẹ của các bạn, Giáo hội không bỏ rơi các bạn, mà sẵn sàng đồng hành với các bạn trên những con đường mới, trên những tầm cao mà ở đó ngọn gió của Chúa Thánh Thần thổi mạnh hơn, quét sạch những đám mây đen của dửng dưng, hời hợt và chán nản.
Khi thế giới mà Thiên Chúa đã yêu thương, đến nỗi ban cho chúng ta Người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu, đang nhắm đến vật chất, đến những thành công tức thời và những khoái lạc, và khi thế giới đè bẹp những người yếu thế nhất, thì các bạn phải giúp thế giới đứng lên và hướng nhìn về tình yêu, vẻ đẹp, sự thật và công lý.
Trong suốt một tháng, chúng tôi đã đồng hành với nhau, với một số bạn trẻ và với rất nhiều người khác hiệp thông với chúng tôi bằng kinh nguyện và tâm tình yêu mến. Giờ đây chúng tôi muốn tiếp tục cuộc hành trình ấy ở mọi mơi trên thế giới, những nơi mà Chúa Giêsu Kitô sai chúng tôi đến như các môn đệ thừa sai.
Giáo hội và thế giới đang rất cần đến niềm hăng say của các bạn. Các bạn hãy đồng hành với những người yếu đuối nhất, những người nghèo và những cuộc đời mang thương tích.
Các bạn là hiện tại, giờ đây các bạn hãy thắp sáng tương lai của chúng ta”.
(Vatican News, 28/10/2018)
Minh Đức
Nguồn: HĐGM VN

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Lễ hội thánh nhân và lễ hội ma quỷ



Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Theo báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số 30-10-2011), từ khoảng mươi năm nay, lễ hội Halloween được du nhập vào Việt Nam. Đây là lễ hội ở các nước phương Tây, được tổ chức hằng năm vào ngày 31-10. Sau đó, nhà báo giới thiệu những hình thức lễ hội Halloween ở một số địa điểm tại Sàigòn.
Nhắc đến ngày 31-10 là ngày hội Halloween, nhưng không nói gì đến ngày 1-11 vì không biết mối liên hệ giữa hai ngày này. Ở nguồn gốc, ngày này được gọi là All Hallows’ Eve, nghĩa là buổi chiều áp lễ Các Thánh. Kể từ thời Đức Grêgôriô III (năm 741), Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 1-11 hằng năm, là ngày ngài thánh hiến một nhà nguyện trong Đền Thánh Phêrô để tôn vinh toàn thể Các Thánh. Rồi sau đó, Đức Grêgôriô IV (năm 835) truyền lệnh cử hành lễ này trong toàn thể Giáo Hội. Nhưng thuở xa xưa, lễ này được cử hành vào Thứ Sáu sau lễ Phục sinh để làm nổi bật sự chiến thắng của Chúa Kitô trên tâm hồn của biết bao người, cụ thể là các thánh. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và Người cũng chiến thắng ma quỷ qua việc chinh phục các tâm hồn. Dù sau này, ngày cử hành lễ đã được thay đổi nhưng ý nghĩa chính yếu trên vẫn được giữ lại.
Các tín hữu thời xưa tin rằng vào ngày áp lễ Các Thánh 1-11, trái đất rung chuyển, đất đai nứt nẻ và ma quỷ từ địa ngục chui lên với nỗ lực cuối cùng nhằm lôi kéo các linh hồn về với nó. Thế nên vào buổi chiều áp lễ Các Thánh, họ túa ra ngoài đường, mặc những trang phục kinh dị như ma quỷ, đồng thời miệng hô vang Danh Chúa Giêsu và khua chiêng gõ mõ để xua đuổi ma quỷ, đuổi chúng về địa ngục. All Hallows’ Eve là thế.
Rất tiếc là ngày nay, ý nghĩa tôn giáo đó đã phai mờ, nếu không nói là biến mất, để chỉ còn là lễ hội Halloween mang tính giải trí thuần túy, tệ hơn nữa còn thành dịp ăn chơi đàng điếm. Thay vì xua đuổi ma quỷ đi thì lại rước nó vào nhà mình, vào linh hồn mình. Thế nên đã có những Giáo Hội phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng này, cụ thể là Hội Đồng Giám Mục Philippines mới đây lên tiếng cảnh giác các tín hữu và gọi lễ hội Halloween là lễ hội phản Kitô.
Nhắc lại nguồn gốc ngày lễ như thế để thấy rõ hơn xu hướng tục hóa trong thời hiện đại, tước đoạt nội dung tôn giáo và thay vào đó bằng nội dung phản tôn giáo. Đừng tưởng rằng xu hướng tục hóa chỉ diễn ra ở phương Tây! Tiến trình tục hóa cũng đang diễn ra ngay tại Việt Nam, nhất là khi cái hay thì ít học mà cái dở lại tiếp thu rất nhanh. Người ngoài công giáo không biết đã đành, nhưng đáng tiếc là cả người công giáo cũng không biết và cứ thế mà làm, người ta làm sao thì mình làm vậy, thay vì giúp người khác thấy được vẻ đẹp của Tin Mừng thì lại thành kẻ tiếp tay để giết chết Tin Mừng!
Nhắc lại nguồn gốc của ngày lễ như thế còn để nhắc nhở nhau sống tinh thần lễ Các Thánh, tinh thần có thể tóm gọn trong lời kêu gọi nổi tiếng của Đức Chân phước Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô”. Cách cụ thể, hãy mang trong lòng mình những tâm tư của Đức Kitô Giêsu: tâm tư hiền lành và khiêm nhường, thương xót và tha thứ, dấn thân và phục vụ. Chính vì thế, bài Tin Mừng được công bố trong ngày lễ Các Thánh là Tin Mừng về Tám Mối Phúc Thật :
“Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ” (5,3-11).
Mang lấy tâm tư của Đức Kitô Giêsu giữa lòng thời đại hôm nay quả là không dễ, vì thời đại này cổ võ lối nghĩ và lối sống hầu như hoàn toàn ngược lại Tin Mừng. Sách Khải Huyền (bài đọc II) diễn tả thực tế này bằng hình ảnh vừa bi hùng vừa sống động: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến? Tôi trả lời: Thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,13-14).
Áo chỉ được trắng sạch khi được giặt bằng máu! Thật lạ thường. Nhưng sự thật là thế. Phải chấp nhận cộng tác với tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, giặt tấm áo cuộc đời bằng máu của hi sinh từ bỏ, chiến đấu chống trả cám dỗ, gian nan tập luyện các nhân đức. Đó là tín thư mà lễ Các Thánh gửi đến tất cả chúng ta, những người cũng được gọi là “thánh” vì đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, nhưng còn phải thể hiện tiềm năng thánh thiện ấy bằng chính cuộc sống của mình. Để có thể hòa chung với Các Thánh trong lời chúc tụng:
“AMEN! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta
Lời chúc tụng và vinh quang,
Sự khôn ngoan và lời tạ ơn,
Danh dự, uy quyền và sức mạnh,
Đến muôn thuở muôn đời. AMEN!” (Kh 7,12)
Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Caritas Việt Nam: Hội nghị thường niên 2018 ngày 2



CARITAS VIỆT NAM: HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN 2018
KỶ NIỆM 10 NĂM HOẠT ĐỘNG CARITAS VIỆT NAM

Ngày 2: 24-10-2018
Ngay từ sáng sớm khuôn viên Toà Giám Mục (TGM) Xuân Lộc lại trở nên nhộn nhịp, mọi thành viên Caritas đã có mặt đông đủ để mừng ngày Khai Mạc Hội Nghị - Kỷ Niệm 10 Năm Caritas Việt Nam tái Thành Lập. Đây là cơ hội để các thành viên Caritas nhìn lại, tạ ơn và thăng tiến hơn trong tình liên đới. Tạ ơn Chúa đã luôn đồng hành và dẫn dắt Caritas Việt nam trong sự yêu thương và phục vụ người nghèo và người bên lề xã hội.
Đúng 7g45, bắt đầu chương trình Khai mạc Hội nghị. Tham dự ngày khai mạc hôm nay, Caritas Việt nam vinh dự có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục,Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam; Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM tổng giáo phận Huế, Chủ tịch HĐGMVN;Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Nguyên GM giáo phận Xuân Lộc, Nguyên Chủ tịch Caritas Việt Nam; Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo GM giáo phận Xuân Lộc và Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân GM phụ tá giáo phận Xuân Lộc; Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, GM giáo phận Bùi Chu, Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam; Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, GM giáo phận Kon Tum; Đức Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, GM phụ tá giáo phận Hưng Hoá, quý Cha Giám đốc, Phó Giám đốc, quý Cha TGM Xuân LộcHội Đồng Quản Trị Caritas Việt Nam; quý vị đại diện các Dòng tu; quý vị ân nhânanh chị em cựu nhân viên và cộng tác viên Caritas; quý đại biểu của 26 Caritas Giáo phận. Ngoài ra còn có các vị khách quốc tế: Ông Zar V. Gomez, Tổng Thư ký Caritas Á Châu;  Ông Marc D’Silva và Bà  Elizabeth R. Pfifer, tổ chức Catholic Relief ServicesBà Wegner-Schneider Christine và Ông Hubert Heindl, đại diện Caritas Đức.
Sau phần giới thiệu và chào mừng của Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, Đức cha Tôma - Chủ tịch Caritas Việt Nam, đã đọc diễn văn khai mạc Hội nghị Caritas Việt Nam 2018 với chủ đề: “LIÊN ĐỚI ĐỂ THĂNG TIẾN”.
Phần mở đầu Đức cha nói lên niềm tự hào về sự thăng tiến và liên đới trong 10 năm Caritas Việt Nam hoạt động. Tuy nhiên Đức cha mời gọi các thành viên Caritas không nên dừng lại với những thành quả mà Caritas Việt nam có được nhưng còn phải thăng tiến hơn nữa trong tình liên đới.  Đức cha nhấn mạnh: “Liên đới là chiều kích sâu thẳm của con người sống với nhau trong xã hội. Liên đới bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho nhân loại.” Theo quan điểm Công giáo, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi liên đới là một “nhân đức Kitô giáo”.
Sau đó Đức cha lần lượt triển khai Liên Đới để Thăng Tiến” dưới ba khía cạnh: (1) Liên đới trong cơ cấu văn phòng Caritas; (2) Liên đới trong mạng lưới Caritas; và (3) Liên đới với đối tác và các tổ chức trong và ngoài Giáo hội.
Trong phần kết, Đức cha mời gọi các thành viên Caritas tiếp tục dấn thân phục vụ cho những người nghèo khổ đang rất cần vòng tay quảng đại của mọi người. Ngài mời gọi mọi thành viên Caritas đồng lòng quyết tâm liên đới với nhau để cùng thăng tiến trong YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ.
Sau bài diễn văn của Đức cha, cha Giám Đốc Vinh Sơn đọc điện văn chúc mừng của các tổ chức quốc tế.
Tiếp đến, cha Giám Đốc báo cáo tóm lược các hoạt động của Caritas Việt Nam cũng như hoạt động của Caritas 26 giáo phận trong năm 2018 cũng như trong10 năm hình thành và phát triển của Caritas Việt Nam qua một đoạn phim phóng sự.
Đúng 9g30: Thánh lễ Khai mạc Hội nghị
Thánh lễ Khai mạc Hội nghị và tạ ơn mừng kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam tái thành lập do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế và Đức TGM Marek Zalewski giảng lễ. Trong bài giảng Đức TGM Marek nhấn mạnh hình ảnh “muối” và “ánh sáng” trong Tin Mừng (Mt 5, 13-16) để soi sáng cho các thành viên Caritas sống sứ mạng của mình. Ngài chia sẻ hình ảnh muối và ánh sáng. Bản chất của muối là mặn. Muối không thể tồn tại nếu không mặn. Ánh sáng không phải là ánh sáng nếu không toả sáng và ánh sáng luôn toả sáng cho người khác. Các thành viên Caritas cũng  được mời gọi sống sứ mạng của mình là muối và ánh sáng cho người khác. Đức TGM Marek mời gọi các thành viên Caritas sống sứ mạng môn đệ Đức Kitô là yêu thương và giúp đỡ người nghèo. Như lời nhắn nhủ của ĐTC Phanxicô, làm sao cộng đoàn Caritas luôn vươn cánh tay rộng ra khỏi Giáo phận đến với mọi người.
Sau Thánh lễ, chính quyền đến chúc mừng Hội nghị và Kỷ niệm 10 năm tái thành lập Caritas Việt Nam; phái đoàn gồm có Ông Dương Ngọc Tấn - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; Bà Đào Thị Đượm, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo; và các vị đại diện chính quyền địa phương.
Ông Dương Ngọc Tấn đại diện chính quyền bày tỏ niềm vui và trao lẵng hoa chúc mừng Caritas Việt Nam trong dịp kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam tái thành lập. Chính quyền đã khen ngợi về tinh thần phục vụ và đóng góp của Caritas Việt nam trong 10 năm qua trong việc từ thiện nhân đạo, giúp người nghèo khổ. Ông cũng ghi nhận sự quan tâm và hợp tác giữa chính quyền nhà nước và Toà Thánh Vatican. Đáp lời ông Phó Trưởng ban Ban Tôn  giáo Chính phủ, cha Vinh Sơn đã đại diện Hội nghị đáp từ và cảm ơn phái đoàn. Sau đó, Đức cha Chủ tịch Caritas Việt Nam đã trao tặng những món quà diễn tả những lời cám ơn chân thành. Toàn thể Hội nghị và quý khách đã cùng dùng bữa trưa tại TGM Xuân Lộc.
Buổi chiều: Các tham luận và chia sẻ
Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, GM Phụ tá GP Hưng Hóa, Chủ tịch UB. Loan Báo Tin Mừng đã có bài tham luận: “Liên Đới Để Thăng Tiến”.
Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng HĐGMVN, Thư ký UBMVDD đã khơi gợi lên về ý nghĩa của từ Liên Đới và Thăng Tiến, làm sao để sự liên đới giữa UBBAXH và Mục vụ Di dân ngày một liên đới với nhau để mỗi ngày được cùng nhau thăng tiến. Cha cũng chia sẻ sự trăn trở mục vụ cho những người di dân và ước mong UBMVDD được cộng tác với Caritas trong việc phục vụ cho người di dân.
Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch UBGDCG trình bày tham luận với chủ đề: “Chiều Kích Tâm Linh Của Công Việc Bác Ái”, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khía cạnh và yếu tố tâm linh trong công tác bác ái. Để có được cái tâm, người được sai đi (làm công việc bác ái) phải nghe được tiếng Chúa nói. Kế đến, người được sai đi phải biết chạnh lòng thương người nghèo như Chúa đã chạnh lòng thương. Sau một vài gợi ý từ Tin Mừng, Đức cha mong ước người làm bác ái cần chuyển mình ở ba chiều kích: (1) Nhìn việc mình làm: từ việc thực hiện công tác bác ái xã hội sang thi hành một sứ mệnh; (2) Nhìn người làm: từ người thực hiện công tác bác ái xã hội sang sứ giả của Thiên Chúa tình yêu và cứu độ; (3) Nhìn người lãnh nhận: từ một người đói sang hiện thân của Chúa Kitô và cần ơn cứu độ của Người.
Tiếp đến là phần chia sẻ về “Hỗ trợ người nghèo thuộc Caritass 26 Giáo phận” của gia đình ông bà Vinh - Tuyết.
Sau đó là phần chia sẻ thực tiễn: “Hỗ trợ các em khuyết tật” và “Viện Dưỡng Lão Suối Tiên” do Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể và Dòng Đa Minh Tam Hiệp đảm trách.
(Nguồn: Caritas Việt Nam)
B.B.T.

Nguồn: http://www.hdgmvietnam.com