Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Thánh Lễ An Táng Cha GIUSE PHẠM MINH CÔNG


Thánh Lễ An Táng Cha cố GIUSE PHẠM MINH CÔNG_8g00 ngày 29/01/2020 tại Nhà thờ Chính 

tòa - Gp Kon Tum



Nguồn video: Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo phận Kontum

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Cha Giuse Phạm Minh Công - Cha xứ của tôi (*)




NGOẠI XỨ!!!

“- Con mỏi chân quá trời luôn rồi!
Ô! Ta cũng vừa mới về tới đây!”
Con đường từ ngoài lộ vô nhà “ngoại” độ chừng hơn cây số. Con đường vành đai, nhỏ hẹp, đầy ổ gà, ổ voi bởi xe tải chạy qua lại thường ngày. Nó đến thăm “ngoại”. “Ngoại”, đó là cách nó gọi vị linh mục già chánh xứ nơi nó ở, cha Giuse Phạm Minh Công. Giáo xứ nó mới đón cha tân chánh xứ, còn ngài vừa nghỉ hưu, và ngài đã chọn nơi đây, một căn nhà nhỏ giữa đồng bào Jrai, để nghỉ ngơi lúc tuổi già bóng xế.
Hơn một tháng trôi qua, nhưng nó vẫn chưa thể quen được việc giáo xứ nó có cha mới. Mỗi lần đến nhà thờ, nó hay ngóng sau những em lễ sinh là ông, vị linh mục già mà nó hay gọi là ngoại. Nhưng đó chỉ là “hoang tưởng” nhất thời của nó. Cha xứ mới của nó giảng rất hay, dí dỏm, dễ thương chi lạ, nhưng thi thoảng nó vẫn thèm nghe cái giọng giảng khàn khàn của ngoại, mà có khi ngoại dừng lại thật lâu vì không nhớ hay không thấy chữ bởi đôi mắt kèm nhèm của tuổi già. “Ngoại” của nó đã 83 tuổi rồi còn gì!!
Hơn tám năm về trước, ngày 6.2.2009, giáo xứ An Khê đón cha tân chánh xứ. Lúc đó, nó còn đang mải miết bên trang sách trên giảng đường đại học. Nó nghe nói, linh mục chánh xứ đã 75 tuổi rồi. Bảy mươi lăm tuổi, cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi an dưỡng, hoặc chỉ trông coi một xứ nhỏ nhưng ở xứ sở truyền giáo Kontum này, 75 tuổi đi nhận xứ mới, nhận thêm trách nhiệm quản hạt thì vẫn còn trẻ lắm, bởi giáo phận nghèo, thiếu linh mục. Ngoại về, mang niềm hy vọng và sự ấm áp của mùa xuân cho giáo xứ An Khê vốn dĩ gần năm mươi năm thành lập.
Tám năm, khoảng thời gian không ngắn, cũng chẳng quá dài nhưng đủ để tình cảm của mọi người ở nơi đây và linh mục già trở nên đong đầy. Và cũng ngần ấy thời gian, ông là người cha, người ông hết mực yêu thương, tận tụy chăm lo cho gia đình lớn là giáo xứ An Khê của nó, rộng hơn là cả một hạt bao gồm một thị xã và ba huyện lân cận. Nhờ vậy mà giáo xứ nó ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn, đời sống đức tin của bà con cũng ngày càng vững mạnh.
Ngày ông về xứ, ngôi thánh đường đã cũ kĩ, mái trần dột, những bậc thang lên gác bị mục dần theo năm tháng, sân trước lổ chổ những vũng nước vào mùa mưa. Hơn thế nữa, ngôi nhà thờ đã trở nên quá nhỏ bé chật hẹp so với số giáo dân hiện tại của giáo xứ. Và ngoại đã thay đổi diện mạo cho nó. Ông lao vào xây nhà thờ và các công trình của giáo xứ. Điều mà cha xứ trước ao ước, muốn làm từ lâu nhưng chưa thể thực hiện được. Có người hỏi ông: tiền đâu để xây nhà thờ mà ông liều vậy. Ông đã cười bảo nhà Chúa cứ để Chúa lo. Và Chúa đã lo thật! Nhờ sự liều lĩnh của ngoại và ơn Chúa, mà giáo xứ nó có được một ngôi thánh đường khang trang như bây giờ. Làm xong nhà thờ, ngoại lại loay hoay với các công trình khác: đài Đức Mẹ, đồi Hy Vọng (nhà hài cốt)….Rồi thấy nguồn nước nơi đây không đảm bảo, ngoại lại làm hệ thống nước sạch, cung cấp nước uống cho bà con giáo dân, lương dân toàn thị xã với giá rẻ thật rẻ, chỉ bằng một phần ba giá thị trường. Thương ngoại thật nhiều, gặp ngoại là nó kèo nài “ngoại đi đâu cũng xây, xây miết thôi, già rồi mà hông chịu nghỉ”. Ngoại véo má nó, cười “Giuse thợ mà, xây chớ, con nhỏ vô duyên”. Ngoại là Giuse thợ, ông thợ chẳng chịu nghỉ ngơi.
Ngoại của nó đi đâu cũng xin nhưng chẳng bao giờ xin gì cho mình. Có lẽ nhiều người nghĩ, ông già xin về làm của riêng, nhưng không đúng. Có bao nhiêu ngoại đều dốc hết cho giáo xứ, cho người nghèo. Ông già ngót bát tuần,nói đi du lịch trời Tây, nhưng thực chất đi vận động xin giúp đỡ cho giáo xứ. Khi về, ngoại buồn so “Tôi đi ăn xin, nhưng gặp ông ăn mày, ổng lớn chức hơn tôi, nên….” Nó nghe ngoại nói, nghẹn đắng! Nó trách “Ngoại đừng xây nữa, để sau này có cha xứ mới, cha sẽ xây dựng tiếp, lo tiếp”. Ông lại cười móm mém bởi hàm răng chỉ còn một nửa “ không xây nhà thì lấy đâu chỗ cha xứ mới về ở? Vô duyên”. Thêm dãy phòng học giáo lý, hội trường, nhà xứ, được hoàn thành. Tất cả đều một mình ngài lo liệu. Cuối cùng là một hoa viên với muôn màu sắc được dựng nên: Hoa viên Anre Phú Yên.
Ngoại của nó chỉ thực sự dừng lại khi khuôn viên giáo xứ trở nên đẹp đẽ gần như hoàn hảo. Mọi người nghĩ, rồi ông sẽ ở đây an dưỡng tuổi già, vui vầy với đám cháu con, vốn dĩ không ruột thịt nhưng rất yêu thương kính trọng ông. Nhưng ngoại bất ngờ “biến mất”, cắt đứt mọi liên lạc với giáo xứ. Rồi có thông báo thuyên chuyển linh mục từ tòa giám mục, trong đó có giáo xứ nó. Ông về hưu! Mọi người sững sờ! Bởi ông nó từng nói “có chết tôi cũng ở An Khê này”, ông còn chọn phần đất làm huyệt mộ cho mình. Vậy mà…!
Ông chọn cách ra đi thầm lặng để nước mắt không phải rơi nhiều, dù đó là ai. Ông chọn cách ra đi để giáo xứ của nó trưởng thành hơn về mọi mặt. Ngoại là vậy, toàn làm cho người khác bất ngờ, đôi khi ứng phó chẳng kịp, níu kéo chẳng kịp.
Nắng tràn ngập khoảng sân nhỏ. Ngôi nhà nhỏ của ngoại rộn tiếng cười. Ông kể mỗi ngày ông dậy sớm đi bộ dâng lễ, mỗi ngày ông đạp xe đi làm vườn cách nhà một cây số. Nó hỏi, ông cười “làm để có cái ăn chớ, không làm lấy gì mà ăn, con nhỏ vô duyên”. Nó chỉ kịp ngăn giọt nước để không chảy trào ra khóe mắt. Nó ngậm cười, lòng thấy đắng ngắt. Ngoại, vị linh mục già, ông Giuse thợ, chẳng bao giờ chịu nghỉ ngơi, dù khi đương nhiệm hay nghỉ hưu, vẫn hăng say làm việc. Tám mươi ba tuổi, mang trong mình căn bệnh ung thư phổi,phải dùng thuốc theo định kì, ngoại chọn cách nghỉ hưu tại nhà riêng và làm việc để có lương thực hằng ngày, để chẳng phiền lụy ai. Đời linh mục là vậy! Tận tâm, tận tụy với giáo xứ, dốc hết sức lực lo việc nhà Chúa, để rồi, khi về hưu, gia sản là đôi bàn tay trắng và con tim đầy ắp yêu thương./.

Tâm Ngọc
fb : 17/10/2017

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Cha Giuse Phạm Minh Công

Kontumquehuongtoi giới thiệu
(*)Tựa đề mục Blog do Kontumquehuongtoi đặt

Cáo Phó: Linh Mục Giuse Phạm Minh Công



Cáo Phó: Linh Mục Giuse Phạm Minh Công (Cập nhật)

Giáo Phận Kon Tum và Tang Quyến
Trân trọng báo tin:
Linh mục GIUSE PHẠM MINH CÔNG
Sinh ngày 04 tháng 8 năm 1938, tại Hải Dương
Thụ phong linh mục ngày 29 tháng 4 năm 1965
Đã được Chúa gọi về lúc 12g00 Chúa Nhật, ngày 26 tháng 01 năm 2020.
Tại Nhà Thờ Phaolô. Phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Hưởng thọ 82 tuổi.
Với 55 năm linh mục.
Nghi thức tẫn liệm lúc 14g00 thứ BA, ngày 28.01.2020
tại Nhà Thờ Phaolô, Pleiku
Sau đó sẽ di quan về Nhà Thờ Chính Tòa Kon Tum
Thánh Lễ An táng lúc 08g00 thứ Tư, ngày 29.01.2020
Tại Nhà Thờ Chính Tòa Kon Tum.
An táng tại Nghĩa Trang dành cho linh mục, tu sĩ Giáo Phận Kon Tum
Xin hiệp thông cầu nguyện
 cho linh hồn Cha Cố GIUSE mau được hưởng tôn nhan Chúa.
R.I.P
TIỂU SỬ CHA CỐ GIUSE PHẠM MINH CÔNG
Sinh ngày: 04/08/1935
Nguyên quán: Hải Dương
Tên Cha: Giuse Phạm Văn Hóa (+)
Tên Mẹ: Anna Phạm Thị Huấn (+)
Học tập:
·        1958 – 1965: Học Piô X Đà Lạt và Xuân Bích
·        Thụ phong linh mục ngày 29/04/1965 tại Sài Gòn, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình
Những  chặng đường phục vụ:
–         1965 – 1968: Phục vụ tại CVTSKT      
–         1968 – 1971: Phục vụ xứ Phương Nghĩa, Kontum  
–         1971 – 1975: Tuyên úy Công Giáo
–         1975 – 1988: Đi tù
–         1988 – 2003: lưu vong
–         2003 – 2009: Chính xứ Phú Thọ, Pleiku
–         06.02.2009: Chính xứ An Khê
–      24.7.2017: Nghỉ hưu tại Giáo xứ Plei Chuet
WGPKT(27/01/2020) KONTUM
R.I.P

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Thánh Lễ Tạ Ơn Cuối Năm 2019 – Giáo Phận Kon Tum


 

Có thể nói, hôm nay, ngày 16/01/202 (nhằm ngày 22 âm lịch), một bầu không khí thật khác lạ đang hiện ra nơi khung viên Tòa Giám Mục Kon Tum.

Đây quả là niềm vui ngày hội ngộ của quý Linh mục, quý Tu sĩ, quý HĐMVGX khắp mọi miền trải dài trên 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tất cả đều hội về Tòa Giám Mục, bên vị Cha chung của Giáo phận, để hiệp dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn cuối năm và xin Chúa tiếp tục nâng đỡ, đồng hành cùng với những nhà thừa sai ra đi rao giảng Tin mừng trên vùng đất tây nguyên đại ngàn này.

Niềm vui được biểu lộ trên nét mặt, tươi nở nơi nụ cười, dẫu rằng nụ cười ấy đã trải qua nhiều sương gió, dẫu rằng nụ cười ấy chất chứa nhiều hoài bão cho vùng miền mà mình được sai đến trong sứ vụ Tông đồ.

Đứng lặng nhìn những cái bắt tay thắm thiết, những tiếng gọi í ơi thân mật, những lời chào thăm mặn mà, tôi chợt hiểu rằng cuộc đời thật đẹp và ý nghĩa, dù ở môi trường nào, mọi người rất dễ gần nhau, dễ cảm thông và dễ chia sẻ cho nhau. Hơn hết, nụ cười hồn nhiên của quý Cha, quý tu sĩ biểu lộ niềm vui và hạnh phúc. Mỗi một cuộc gặp gỡ lại là một sự san sẻ bình an cho nhau.

Tôi chạnh lòng với hình ảnh một vài anh em linh mục, một vài nữ tu đã lâu không gặp, nay đã hao mòn với năm tháng với vóc dáng gầy guộc, mái tóc ngã màu hoa tiêu, nét mặt phong trần. Nơi con người ấy đã “nếm mùi chiên” thực sự.

Hình ảnh vị Cha chung của Giáo phận hiện diện giữa đại gia đình luôn nở nụ cười, những cái tay bắt chặt tay, những lời thăm hỏi ân cần làm ấm lòng những nhà thừa sai từ các vùng miền trở về với gia đình.

Tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta một Giáo Phận Kon Tum thật ấm tình người, tạ ơn Chúa đã cho Giáo Phận Kon Tum những nhà thừa sai nhiệt tâm, tạ ơn Chúa đã nối kết mọi người trong đại gia đình Giáo Phận luôn biết yêu thương nhau.

Xin bình an của Thiên Chúa luôn ở mãi với Gia Đình Giáo Phận Kon Tum này.

Kính chúc Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ, quý HĐMVGX và toàn thể gia đình Giáo phận Kon Tum luôn mãi là một đại gia đình TRÀN ĐẦY TÌNH CHÚA VÀ ĐẦM ẤM TÌNH NGƯỜI.

Xin gửi nơi đây chút tâm tình trong ngày tạ ơn cuối năm của Giáo phận Kon Tum, và gửi lời chúc mừng năm mới, Xuân Canh Tý 2020.

Hoa Hải Đường đưa tin
WGPKT(17/01/2020) KONTUM

Phát Động Cuộc Thi Viết Văn Thơ Làng Hồ HOA NÚI RỪNG VI 2020.



 

                                               GIÁO PHẬN KONTUM
                                              BAN MỤC VỤ VĂN HÓA

                                                         THƯ NGỎ
                                     v/v Cuộc thi HOA NÚI RỪNG VI 2020
      Chủ đề: GIỚI TRẺ NGÀY NAY TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN TRONG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

Kính gởi:    Quý Đức Cha, Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, Các Giáo xứ trong toàn Giáo phận Kontum.
              Đồng kính gởi quý anh chị giáo lý viên, quý Thầy Cô Công giáo, các bạn sinh viên Công giáo cũng như các bạn trẻ trong Giáo Phận.
Mùa HOA NÚI RỪNG V 2019 đã đi qua vẫn còn phảng phất những hương thơm thanh khiết từ những ngòi bút trẻ, tài năng từ khắp các giáo xứ trong giáo phận KonTum. Mùa xuân mới của đất trời lại bắt đầu, hứa hẹn một Mùa Hoa đua nhau khoe sắc trên đại ngàn Tây Nguyên. Hòa trong dòng luân chuyển của đất trời, Ban Mục Vụ Văn Hóa của Giáo phận Kontum tiếp tục phát động cuộc thi HOA NÚI RỪNG VI 2020, để duy trì việc tìm kiếm, ươm trồng, cùng phát huy vẻ đẹp của những “bông hoa” từ khắp mọi miền núi rừng của giáo phận Kontum.
Năm nay, dựa trên định hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, theo Tông Huấn “Christus vivit” (Chúa Kitô đang sống): “Đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện”, Ban Mục Vụ Văn Hóa đã thông qua sự chuẩn y của Đức Giám Mục Giáo Phận để tổ chức cuộc thi HOA NÚI RỪNG VI 2020, với chủ đề:
GIỚI TRẺ NGÀY NAY TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN TRONG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO
Mục đích và ý nghĩa:
  • Nhằm đề cao vai trò Giáo Hội trong việc đồng hành, nâng đỡ người trẻ hướng tới sự phát triển toàn diện trước những thách đố của thời đại mới. Từ đó, người trẻ nhận ra Chúa Kitô vẫn luôn đang hiện diện sống động trong thế giới ngày nay.
  • Nhằm khơi dậy ý thức trân trọng, yêu mến và biết ơn đối với Tiếng Việt, đồng thời gìn giữ, phát huy vẻ đẹp trong sáng và phong phú của Tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay.
Kính mong quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ, các Giáo xứ, quý thầy cô, quý anh chị giáo lý viên, các bạn sinh viên và các bạn trẻ cũng như tất cả những ai yêu thích văn thơ, quan tâm, hưởng ứng, cầu nguyện cho Ban Muc Vụ Văn Hóa chúng con. Đặc biệt, ước mong quý Cha xứ tiếp sức cho chúng con qua việc cổ động cuộc thi, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và hướng dẫn các bạn trẻ tham gia cuộc thi này.
Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô chúc lành và ban tràn đầy ân sủng cho quý vị.           
                                                                                       Pleiku, ngày 16  tháng 01 năm 2020
TM. Ban Mục Vụ Văn Hóa
Lm. Gioakim Lương Đông Vỹ
                                                                                                            Trưởng Ban MVVH

GIÁO PHẬN KONTUM
BAN MỤC VỤ VĂN HÓA

THỂ LỆ CUỘC THI: Hoa Núi Rừng VI 2020
Chủ đề: GIỚI TRẺ NGÀY NAY TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN TRONG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO
I. Mục đích, ý nghĩa:
  • Nhằm đề cao vai trò Giáo Hội trong việc đồng hành, nâng đỡ người trẻ hướng tới sự phát triển toàn diện trước những thách đố của thời đại mới. Từ đó, người trẻ nhận ra Chúa Kitô vẫn luôn đang hiện diện sống động trong thế giới ngày nay.
  • Nhằm khơi dậy ý thức trân trọng, yêu mến và biết ơn đối với Tiếng Việt, đồng thời gìn giữ, phát huy vẻ đẹp trong sáng và phong phú của Tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay.
II. Thể Lệ Cuộc Thi:
  1. Đối tượng:
Cuộc thi dành cho các thí sinh từ độ tuổi 12 đến 40 (tính theo sổ rửa tội) thuộc mọi sắc tộc trong giáo phận Kontum.
  1. Hình thức:
  • Văn xuôi: truyện ngắn, tùy bút, tản văn.
  • Thơ, bao gồm các thể loại:
           – Thơ Đường luật: Thất ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt.
           – Thơ lục bát, song thất lục bát.
Thơ tự do (không quá 24 dòng)
  • Vẽ tranh:
  1. Nội dung yêu cầu:
  • Viết hoặc vẽ tranh về thực trạng lối sống của giới trẻ ngày nay trước những thách thức và cám dỗ của thời đại mới (những ảnh hưởng tiêu cực của thế giới kỹ thuật số, chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ, sự vô cảm, bạo lực và tệ nạn xã hội, . . .)
  • Viết lên cảm nhận của bạn về vai trò của người trẻ trong xã hội và Giáo Hội mà mình đang sống.
  • Những hiệu quả tích cực của những hoạt động mục vụ cho giới trẻ trong Giáo Hội qua đó, người trẻ nhận ra Chúa luôn đồng hành trong tiến trình phát triển toàn diện trong thời đại mới
  1. Điều kiện dự thi:
  • Văn xuôi: tối thiểu một bài
          a. Truyện ngắn: độ dài không quá 2.000 chữ
          b. Tùy bút, tản văn: độ dài không quá 1.200 chữ
  • Thơ: tối thiểu 2 bài. Các thể loại thơ Lục bát, song thất lục bát, thơ tự do không được dài quá 24 dòng.
  • Vẽ tranh: trên khổ giấy A4, vẽ bằng bút chì hoặc màu nước hoặc sơn, ……
  • Bài dự thi phải tự mình sáng tác, không được sao chép, sưu tầm hay nhờ người khác làm giúp. Phải là sáng tác mới, chưa từng đăng báo và chưa gửi bài dự thi ở bất cứ nơi nào.
  • Bài dự thi gửi qua điện thư email, sau khi được đánh máy, sửa lỗi chính tả và được định dạng file Word (.doc), Font: Times New Roman, theo quy cách mẫu dự thi của Ban Tổ Chức quy định (gửi kèm hình của thí sinh). Riêng bài dự thi vẽ tranh có thể gửi qua đường bưu điện về Tòa Giám mục Kontum.
  • Mỗi mẫu giấy dự thi chỉ được trình bày 1 bài dự thi (nếu thí sinh nào đăng ký dự thi nhiều bài).
  • Bài dự thi nào sao chép, hoặc nhờ người khác làm thay, sẽ bị loại và đình chỉ dự thi vào năm kế tiếp.
III. Cơ cấu giải thưởng
  1. Các thể loại:
          a. Văn xuôi:
             – Một giải nhất: 000.000VND (một triệu đồng)
             – Hai giải nhì: mỗi giải 800.000 VND (tám trăm nghìn đồng)
             – Ba giải ba: mỗi giải 500.000VND (năm trăm nghìn đồng)
             – Các giải triển vọng: mỗi giải 300.000VND (ba trăm nghìn đồng)
         b. Thơ:
             – Một giải nhất: 800.000VND (tám trăm nghìn đồng)
             – Hai giải nhì: mỗi giải 600.000VND (sáu trăm nghìn đồng)
             – Ba giải ba: mỗi giải 400.000VND (bốn trăm nghìn đồng)
             – Các giải triển vọng: mỗi giải 200.000VND (hai trăm nghìn đồng)
         c. Tranh:
             – Một giải nhất: 600.000VND (sáu trăm nghìn đồng)
             – Hai giải nhì: mỗi giải 400.000VND (bốn trăm nghìn đồng)
             – Ba giải ba: mỗi giải 200.000VND (hai trăm nghìn đồng)
  1. Giải Đồng Đội: dành cho đơn vị nào có số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất theo thứ tự:
             – Giải nhất: 1.000.000 VND (một triệu đồng)
             – Giải nhì: 800.000 VND (tám trăm nghìn đồng)
             – Giải ba: 500.000 VND (năm trăm nghìn đồng)
Ngoài ra, tất cả các thí sinh tham dự Cuộc Thi HOA NÚI RỪNG VI 2020 đều sẽ được trao tặng Chứng Nhận Tham Dự cùng với quà lưu niệm của ban tổ chức. 
IV. Thời hạn Cuộc Thi:
  • Thời gian phát động: từ ngày 16/01/2020
  • Thời gian nhận bài: kể từ 15/05/2020 đến ngày 01/07/2020
  • Thời gian dự kiến tổng kết và Trao giải thưởng: vào ngày 10/08/2020
V. Thông Tin Liên Lạc: Bài tham gia dự thi xin gửi về địa chỉ:
            – Email: vantholangho@gmail.com
            – Mọi thắc mắc cần giải đáp, xin liên hệ:
 Lm. Gioakim Lương Đông Vỹ. ĐT: 0935400352. (joachimy2002@gmail.com)
         Hoặc Lm. Gioakim Đỗ Sỹ Hùng. ĐT: 0915659545.
Pleiku, ngày 16  tháng 01 năm 2020
TM. Ban Mục Vụ Văn Hóa
Lm. Gioakim Lương Đông Vỹ
                                                                                                            Trưởng Ban MVVH

Mẫu Dự Thi 

WGPKT(17/01/2020) KONTUM

Giáo Phận Kon Tum Tạ Ơn Cuối Năm 2019 Tại Tòa Giám Mục




WGPKT(17/01/2020) KONTUM

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

CÁO PHÓ VÀ TIỂU SỬ CHA G.B NGUYỄN VĂN PHÁN, C.Ss.R




TIỂU SỬ CHA GB. NGUYỄN VĂN PHÁN, C.Ss.R
— *** —
 CHA GB. NGUYỄN VĂN PHÁN, C.Ss.R
  • Sinh ngày 07 tháng 04 năm 1936 ở Phú Vang, Thừa Thiên.
  • Ngày 15.08.1958: Khấn lần đầu ở Tu viện DCCT Đà Lạt.
  • Ngày 22.08.1961: Khấn trọn đời ở Tu viện DCCT Đà Lạt.
  • Ngày 21.12.1963: Lãnh thừa tác vụ linh mục ở DCCT Huế.
  • Từ năm 1964 đến năm 1965: Giúp các khoá giáo lý và giảng tĩnh tâm.
  • Từ năm 1965 đến năm 1971: Làm tuyên uý Thanh Lao Công.
  • Năm 1971: Gia nhập nhóm Truyền giáo cho sắc tộc J’rai tại Pleikly và sau đó làm Bề Trên Cộng Đoàn DCCT Pleiku trong 3 nhiệm kỳ.
  • Năm 1972: Về Cheoreo và cùng một nhóm anh em J’rai dịch Kinh Thánh Tân Ước sang tiếng J’rai.
  • Từ năm 1973: Trở lại phục vụ ở Pleikly.
  • Từ năm 1975: Về phục vụ ở Cheoreo.
  • Từ năm 2003: Làm thành viên Tu viện DCCT Sài Gòn.
  • Từ năm 2005: Làm thành viên Tu viện DCCT Mai Thôn.
  • Từ năm 2015 đến nay: Nghỉ hưu tại Nhà Hưu Dưỡng của Tỉnh Dòng.
Vào lúc 16g00, thứ Sáu, 10.01.2020, cha GB. Nguyễn Văn Phán đã được Chúa gọi về tại Nhà Hưu Dưỡng của Tỉnh Dòng, sau 84 năm làm con Chúa trên dương thế, 62 năm sống lời khấn Dòng và 57 năm thi hành sứ vụ linh mục.
Cuộc đời tận hiến của cha Gioan Baotixita trong DCCT đã được diễn tả trọn vẹn qua những năm tháng theo sát Chúa Kitô Cứu Thế để rao giảng Tin Mừng cho những người bị bỏ rơi hơn cả, cách riêng là anh chị em người sắc tộc J’rai, đúng theo trí ý của Thánh Anphongsô, Đấng sáng lập DCCT. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cha Gioan Baotixita đã lên đường truyền giáo và trở thành một trong những nhà thừa sai đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển của DCCT trên vùng Tây Nguyên như hiện nay. Dù đã làm được những công việc tông đồ quan trọng như thế, cha Gioan Baotixita vẫn luôn ý thức sự nhỏ bé của mình và dâng lời tạ ơn Chúa Cha là Đấng đã yêu thương và tuyển chọn ngài.
Ngày 10.01.2020, Chúa đã gọi cha Gioan Baotixita về với Người. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp, các Thánh trong Dòng, cùng với lời nguyện cầu của cộng đoàn Dân Chúa, nguyện xin Thiên Chúa ban cho cha Gioan Baotixita sớm hưởng vinh quang Nước Trời.

Ngợi khen Chúa Giêsu và Đức Bà Maria!
Văn Phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
 RIP
Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
http://chuacuuthe.com/



Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Vần Thơ Về Mẹ Măng Đen



 


Trãi qua 171 năm kể từ hạt giống Tin Mừng được gieo trồng trên vùng đất Tây nguyên (1948-2019), văn thơ chữ quốc ngữ cũng như trong ngôn ngữ bản địa âm ỉ nảy mầm từ những thế hệ  tiền hiền của Giáo phận Kon Tum. Những bài thơ, ca dao, tục ngữ, bài vè, câu đố… chứa đựng nhiều dấu ấn thơ tôn giáo và văn hóa bản địa, như nguyệt san Hlabar Tơbang (1911), Chức dịch thư tín (1933) và được trải rộng trong Tân Cựu ước Bahnar, Jrai, Xê đăng…
Gần đây Ban mục vụ Văn Hóa Giáo phận giới thiệu tập san HOA NÚI RỪNG V (2019) tiếp nối Hoa Núi Rừng I (2015); Hoa Núi Rừng II (2016); Hoa Núi Rừng III (2017); Hoa Núi Rừng IV (2018); Hoa Núi Rừng V (2019).
Trước đây vài năm, khi cải táng Ngôi Mộ của Cha Combes Bề Trên tiên khởi tại Kon Kơ Xâm, Đức Giám mục Alôisiô Nguyễn Hùng Vị cũng khởi xướng những vần thơ tôn vinh sự hy sinh trong công cuộc truyền giáo của các vị thừa sai.
Hôm nay, Đức Giám mục trong bước tiến đó đã sáng tác vần thơ về Đức Mẹ Măng Đen, bút hiệu khá lạ lẫm với chúng ta. Ngài còn làm một số bài đường luật, và sau đây là bài thơ tứ tuyệt (4 câu, 7 chữ) như làm đề tài khởi động tôn vinh Mẹ Măng Đen:
Ban Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận xin trân trong giới thiệu đến quý vị độc giả gần xa một vài vần thơ của ngài:
MẸ SẦU BI MĂNG ĐEN
Sầu bi Thánh Mẫu Mẹ Măng Đen,
Trẩy hội hằng năm theo thói quen,
Chiêm ngắm đôi tay tuy bị cụt,
Quyền năng cứu giúp phận con hèn.
Kontum,  28/12/2019
ALLÔ
Bài họa thơ của ALLÔ:
MẸ SẦU BI MĂNG ĐEN
Vượt đèo vượt núi  đến Măng Đen,
Kinh thượng trẻ già lạ lẫn quen,
Lũ lượt quây quần bên Thánh Mẫu,
Vững tin cậy mến dẫu phàm hèn.
Kontum, 28/12/2019
ALLÔ
Bài họa thơ của ALLÔ:
MẸ SẦU BI MĂNG ĐEN
Hoan ca Mẹ Cứu Chúa Măng Đen,
Tổ chức từng năm theo lệ quen,
Suy tưởng hai tay dù bị cụt,
Uy quyền trợ sức đến dân hèn.
Kontum, 28/12/2019
Nẫu Núi
Bài họa thơ của ALLÔ:
MẸ SẦU BI MĂNG ĐEN
Đức Mẹ Sầu bi Mẹ Măng Đen,
Hành hương theo lệ đã thành quen,
Đón nhận ơn lành từ tay cụt,
Nối dài tay giúp kẻ nghèo hèn.
Kontum,  28/12/2019
Tín hữu nhà quê
WGPKT(01/01/2020) KONTUM
Nguồn: giaophankontum.com
Lễ Đức Mẹ Măng Đen  hành hương về Măng Đen Kon Tum năm 2019
Lễ Đức Mẹ Măng Đen  hành hương về Măng Đen Kon Tum năm 2019
Lễ Đức Mẹ Măng Đen  hành hương về Măng Đen Kon Tum năm 2019
Lễ Đức Mẹ Măng Đen  hành hương về Măng Đen Kon Tum năm 2019
Nguồn Ảnh:  https://hinhanhkontum.maytinhhtl.com/