Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Lễ mừng kỷ niệm 9 năm Giám mục Giáo phận Kontum, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh

(Nguồn : giaophankontum.com)

Lễ mừng kỷ niệm 9 năm Giám mục 
Giáo phận Kontum, 
Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh
(29:08:2012 |02:33 PM)
GpKt, 29.8.2012: Hôm qua, Thứ Ba ngày 28.08.2012, toàn thể Giáo Hội mừng 

kính Thánh Âu-tinh, giám mục. Trong giáo phận Kontum, toàn thể dân Chúa 
hiệp ý cầu nguyện cho Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục 
Giáo phận tròn 9 năm sứ vụ Giám mục.



* Thánh lễ bắt đầu lúc 5 giờ 00 sáng, mừng 9 năm 
Giám Mục (2003-2012) của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, 
tại Nhà Thờ Chánh Tòa. Đức Cha Micae chủ tế thánh lễ, cùng 
hơn 70 linh mục đồng tế, gần 1500 tu sĩ nam nữ và giáo dân 
kinh cũng như dân tộc  tham dự Thánh Lễ. Bắt đầu thánh lễ, 
Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông thay mặt linh mục 
đoàn và gia đình giáo phận nói lên nỗi ưu tư lo lắng của 
Vị cha chung sao cho giáo phận tiến bước trên con đường 
theo ý Chúa muốn. 






Video Clip: Lời chúc mừng của Cha Cha 
Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông

Trong bài  chia sẻ Lời Chúa, Cha  Đaminh Đinh Quang Vinh

nhấn mạnh đến TÌNH YÊU (xem video clip) 





* Sau khi điểm tâm sáng tại Tòa Giám Mục, Giám mục 
cùng các linh mục đi xe khoảng 40 phút  đến dâng 
Thánh Lễ làm phép Nhà Thờ mới Tea Long (Đak Lung), 
Hạt Đăk Mót, do Cha Bênêđictô Nguyễn Văn Bình phụ trách, 
thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ 00 sáng.Trong bài giảng, 
Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh chia sẻ như sau:
(Xin xem video clip)


Ban Truyền thông Giáo phận Kon Tum

Tình mẫu tử thiêng liêng qua bài thơ "Mây và Sóng" của R. Tagore



(GD&TĐ) - Rabindranat Tagore là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch lớn, một hoạ sĩ có tài, một nhạsĩ nổi tiếng, một nhà giáo, một nhà hoạt động xã hội, một vị hiền triết hiểu sâu biết rộng. Ông là thiên tài của Ấn Độ và thế giới. Ông đã để lại một sự nghiệp thơ ca đồ sộ bao gồm nhiều đề tài khác nhau. Đặc biệt, khi viết về trẻ thơ, Tagore luôn hướng trẻ thơ đến tình mẫu tử, hướng trẻ thơ đến thế giới của mẹ hiền với sự bao dung độ lượng đến khôn cùng.


Trong thế giới ấy, Tagore khẳng định chỉ có tình mẫu tử là bất tử, chỉ có tình mẹ mới là sức mạnh duy nhất cứu rỗi con người. Đọc các bài thơ như Trăng non, Cánh diều, Mùa hái quả và đặc biệt là bài thơMây và Sóng in trong tập thơ Trẻ thơ, người đọc sẽ cảm nhận được được sự thiêng liêng bất tử của tình mẹ.

Châm lửa “toàn thiêu” ngôi nhà nguyện





Châm lửa “toàn thiêu” ngôi nhà nguyện


VRNs (29.08.2012) – Kontum – Vào lúc 5giờ sáng, ngày 28.08.2012, khoảng 5.000 giáo dân hai miền Kontum và Pleiku đã qui tụ về nhà thờ chánh tòa để dự lễ kỷ niệm 9 năm ngày tấn phong giám mục của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục giáo phận Kontum (28.8.2003-28.8.2012).

Sau thánh lễ, Đức giám mục Kontum kêu gọi giáo dân hãy dành sự chúc mừng cho ngài bằng cách đến chia vui với anh chị em dân tộc Sê Đăng vừa có ngôi thánh đường mới tại giáo xứ Tea Long, giáo hạt Đak Mót, thuộc tỉnh Kontum do cha Benêđictô Nguyễn Văn Bình làm chánh xứ. Rất đông các linh mục, tu sỹ nam nữ cùng giáo dân đáp lại lời Đức cha, họ đã lũ lượt tháp tùng cùng ngài vượt đoạn dường trên 50 km để đến giáo xứ Tea Long dự lễ khánh thành ngôi giáo đường mới.



Thánh lễ làm phép nhà thờ mới được cử hành đúng 9 giờ sáng cùng ngày. Trong bài chia sẻ, Đức giám mục giáo phận Kontum đã gởi lời cám ơn cha cố Giuse Maria Đinh Cao Tùng, nguyên chánh xứ Tân Thái Sơn, hạt Tân Sơn Nhì, giáo phận Sài Gòn đã giúp cho giáo xứ Tea Long 500 triệu đồng. Vì sức khỏe của cha đang suy yếu nên cha nghĩa tử là cha Phêrô Nguyễn Quốc Tuý, đương kiêm chánh xứ Tân Thái Sơn đến tham dự lễ thay. Đức cha cũng cám ơn các ân nhân trong và ngoài gíao phận đã giúp đỡ để anh chị em người Sê Đăng có ngôi nhà thờ đẹp ngày hôm nay. Nếu chỉ với điều kiện kinh tế khó khăn anh chị em Sê Đăng, thì họ không có đủ khả năng xây dựng được nhà thờ.

Đức cha Micae nói: “Chúng ta đang hiện diện tại ngôi giáo đường này thì phải nhớ bao gian nan thử thách, bách hại mà anh chị em chịu đựng bao năm tháng qua, từ việc dâng thánh lễ chui ở nhà yáo phu cho đến cất căn nhà nguyện chui chỉ trong 3 ngày”.

Giáo xứ Tea Long được hình thành từ năm 1905 thuộc địa sở Đak Choi, vì biến cố lịch sử của đất nước, người cộng sản không công nhận người sắc tộc thiểu số có tôn giáo, nên đời sống của anh chị em Sê Đăng đã khó lại trở nên ngặt nghèo hơn. Mãi đến ngày 14.07.2009, giáo xứ mới được dựng chui ngôi nhà nguyện “chui” và ngày 21.02.2012, Đức giám mục giáo phận Kontum đã đến dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên và đặt Đức Mẹ Lộ Đức làm bổn mạnh giáo xứ. Hiện nay giáo xứ Tea Long có 1.700 giáo dân Sê Đăng.

Khi ngôi nhà nguyện bằng cây rừng và mái băng tre dựng lên, chính quyền đã nhiều lần buộc tháo dỡ. Sự giằng co kéo dài trên hai năm cho đến khi giáo phận tìm được đất xin phép xây dựng thì chính quyền buộc tháo nhà nguyện cũ mới cấp phép xây dựng. Đó là khuôn mẫu của một chính quyền hô to khẩu hiệu “của dân, do dân và vì dân”.


Cái lẽ đời sao ngang ngược, nhà mới chưa làm nhà cũ buộc phải phá? Cha sở và giáo dân dứt khoát không chịu, sau không làm được gì nữa chính quyền bắt cam kết khi hoàn thành nhà thờ mới, phải tháo dỡ nhà nguyện cũ. Anh chị em Sê Đăng nói nhà nguyện đã Thánh Hiến cho Thiên Chúa thì không được đập phá, nên họ xin Đức giám mục dùng ngọn lửa “toàn thiêu” (đốt), để ngôi nhà nguyện lên trời với Thiên Chúa. Sau thánh lễ làm phép thánh đường mới, Đức cha Micae cầu nguyện, rồi cầm bó đuốc châm ngọn lửa vào nhà nguyện cũ, giữa tiếng reo hò và tiếng cồng chiêng vang dậy của anh chị em Sê Đăng cũng như mọi người đến tham dự.

PV.VRNs
Tại Kontum
-- 

Ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu


Vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, là ngày lễ Vu Lan. Ngày này các chùa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ.

Vào ngày này các chùa Việt Nam và Trung Hoa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cùng là được nghe các thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành.
Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam.
Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”. Giải có nghĩa là gỡ ra cho khỏi vướng mắc, cởi trói buộc, giải mê lầm.
Ngài Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ nhưng bà không nhận được (ảnh Internet)
Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh, Bồ Tát Mục Kiền Liên muốn độ cho mẹ là bà Thanh Ðề, bèn dùng thần thông kiếm tìm mẫu thân, thì thấy bà đang ở cõi ngạ quỷ vô cùng đói khổ.
Ngài đem cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ ngài khi được cơm thì lòng tham nổi lên, sợ người khác trông thấy mà đến giành giựt hay xin bớt, cho nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên, nên cơm đưa vào miệng liền biến thành than hồng không ăn được.
Ngài vô cùng thương xót mà không biết làm sao cứu, bèn trở về thưa với Phật, xin ngài từ bi chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ. Phật dạy rằng vào ngày trăng tròn tháng bảy, tức là ngày lễ Tự Tứ của chư Tăng, sau ba tháng an cư kết hạ thanh tịnh, hãy sắm lễ vật và thỉnh chúng Tăng để cúng dường, nhờ sự chú nguyện của chúng Tăng thì mẹ Ngài sẽ được giải thoát. Ngài Mục Kiền Liên tuân theo lời Phật dạy, thỉnh chúng Tăng chú nguyện và nhờ đó mẹ ngài, bà Thanh Ðề đã được sanh về cõi trời.

Ngày xá tội vong nhân được dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn. Lễ cúng cô hồn được truyền từ Ấn Độ vào Trung Hoa vào thời Đường và được truyền sang nước Việt từ năm 1302, sau đó lễ này rất thịnh hành vào thời đại Phật Giáo nhà Trần qua việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” có nghĩa là những đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói.
Lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.
Dần dà về sau tại miền Nam Việt Nam, tập tục cúng cô hồn này biến thể từ hình thức đến nội dung, chuyển từ khuôn viên chùa ra ngoài dân gian và được lan rộng tổ chức tại các xí nghiệp thương mại và tại các công ty tư lập theo truyền tụng rằng, ngày này cửa địa ngục rộng mở, ngạ quỷ được phóng thích, nên cúng tế chúng để được buôn may bán đắt, tai qua nạn khỏi.
Ngày xưa cúng cháo hoa và vàng mã cho cô hồn, canh ốc nhồi nấu với chuối xanh cho người sống; ngày nay giết gà, mổ bò, mổ heo làm cỗ linh đình gọi là cúng cô hồn nhưng thực là cúng cho người sống. Là Phật tử chúng ta không nên đi theo vết mòn xưa cũ, chỉ nên cúng chay theo truyền thống mà không nên giết hại súc vật và nên phát tâm bố thí đến những người nghèo khổ cùng là phóng sinh để báo hiếu cho cha mẹ ông bà quá vãng.
Theo Tuvienhuequang

Ý nghĩa của bông hồng cài áo dịp lễ Vu Lan



Lễ cài bông hồng trong dịp Vu Lan được xem là một buổi lễ báo hiếu quan trọng đối với những người con Phật. Tuy nhiên buổi lễ này không phải chỉ dành cho Phật tử mà tất cả mọi người không theo đạo vẫn có thể tham dự.

Điều này có từ lúc nào? Tại sao lại là bông hoa hồng mà không phải là loại hoa khác? Để hiểu về điều này Sư cô Thích nữ Huệ Đức (tu học tại Quan Âm Tu Viện - TPHCM) đã chia sẻ với Kienthuc.net.vn.


Buổi lễ Bông hồng cài áo trong mùa Vu Lan báo hiếu được khởi xướng từ Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, tác giả của ấn phẩm Bông Hồng Cài Áo
Trong một lần sang Nhật Bản đúng ngày Mother Day (ngày của mẹ), Hòa thượng Thích Nhất Hạnh được một số thanh niên lại gần hỏi thầy còn mẹ không và cài lên áo 1 bông hồng rồi nói “Hôm nay là ngày tưởng nhớ đến mẹ”.
Hòa thượng nhận thấy truyền thống của Phật giáo cũng có lễ Vu Lan báo hiếu là dịp tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ với mỗi người, vậy tại sao chúng ta không phát huy truyền thống tốt đẹp này như những bạn trẻ nước Nhật làm trong ngày Mother Day. 
Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài người. Chính vì thế Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm 1962. 
Để làm mọi người hiểu hơn về điều này, chính bản thân Hòa thượng đã làm lễ cài Bông hồng đầu tiên cho Tăng Ni và Phật tử ở chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Từ đó các chùa và các tổ chức Gia đình Phật tử đã nhân rộng thành lễ cài Bông hồng trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu như hiện nay. 

Ý nghĩa của việc cài bông hoa hồng, đã được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh giải thích ngay trong ấn phẩm Bồng Hồng Cài Áo: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ.
Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhờ thương không quên mẹ, dù đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi sẽ khóc than cũng không còn kịp nữa”.
Cùng thời điểm đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác nhạc phẩm “Bồng Hồng Cài Áo”. Đến nay bài hát đó được coi như “bài hát chính trong các dịp lễ Bông hồng cái áo ở các chùa vào mùa Vu Lan báo hiếu”.
Cũng từ đó nghi thức cài bông hồng trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo.
Cho nên hằng năm, cứ đến mùa Vu Lan Báo Hiếu, hầu hết người Việt Nam là Phật tử, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều đến chùa tham dự lễ “Bông Hồng Cài Áo”, để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng song thân, dù còn hiện tiền hay không còn trên cõi đời này.
Hiện nay ở các chùa thường có quy định chung cho những người tham dự lễ cài hoa hồng, đó là người còn cha mẹ thì chọn hoa hồng lá xanh, còn nếu mẹ đã mất nhưng cha vẫn đang ở với con cháu thì hoa trắng cành xanh, ngược lại thì chọn hoa đỏ cành trắng. Riêng đối với các bậc Chư Tôn Đức Tăng/Ni thì được cài hoa màu vàng trong dịp lễ này.
Hoài Lương (ghi lại)

Viết cho những người không còn mẹ



Nhân ngày Vu Lan 2012

 

Viết cho những người không còn mẹ 

Ngọc Lan
(Người Việt online)
 
1
“Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời!
Lần đầu tiên tôi hiểu
Nỗi buồn kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.”

(Mất mẹ Xuân Tâm)

Lần đầu tiên tôi đọc bài thơ này là vào tháng đầu của năm nhất đại học, từ trong quyển sổ tay của HY, một cô bạn cùng lớp.
Tôi nhớ những buổi trưa tôi cùng HY lê lết ở những quán “cơm bụi” quanh trường Ðại học Sư Phạm, Ðại Học Tổng Hợp, rồi lên lớp nằm trên những băng ghế của giảng đường, khi thì ngủ trưa, khi thì nghêu ngao hát những bản “nhạc vàng,” lúc lại tán dóc chờ đến buổi học chiều. Thời gian ấy, cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe HY, đứa bạn cùng tuổi mình, kể về cái chết của mẹ nó, kể lại hình ảnh nó trong đám tang, kể lại chuyện nó gắng gượng như thế nào để cho qua kỳ thi tốt nghiệp, rồi thi đại học, nó kể về cái tát của anh trai nó khi mẹ nó vừa qua đời... Nó kể bằng giọng tỉnh rụi, trong khi tôi sụt sùi. Nó bảo, “Mày vô duyên quá! Chuyện tao, tao chưa khóc, mắc gì mày nghe thôi mà cũng khóc!” Nói vậy, nhưng tay nó quẹt ngang mắt.
Thì có ai bắt đâu, tự dưng thôi mà. Tôi cứ bị ám ảnh bởi câu, “Hoàng hôn phủ trên mộ/Chuông chùa nhẹ rơi rơi.” Tôi nghe ra điều gì trống trải, mênh mông, và lạnh lẽo lắm. Tôi lại hình dung hình ảnh đứa bạn bằng tuổi tôi, 17 khi đó, đóng chặt cửa phòng, khóc nỗi buồn mồ côi. Và nghe môi mình mặn ướt.
 
2
Cũng năm nhất đại học, lần thứ hai trong đời, tôi chứng kiến một người bạn mất mẹ.
Cũng một cảm giác chơi vơi lạ lùng, khi tôi nghe báo tin, “Má của H mới mất.”
Tôi theo đám bạn thân đi đưa tang má anh, về hướng lò thiêu Bình Hưng Hòa.
Thực sự tôi không hề thấy sợ, mà chỉ là một cảm xúc gì đó không thể diễn tả được khi nắp lò thiêu mở ra và chiếc quan tài rơi xuống...
Tôi nhìn trân trối vào gương mặt anh - một người vừa mất mẹ... Tôi không diễn tả được bởi tôi không rơi vào hoàn cảnh ấy, nhưng điều đó ám ảnh tôi.
Ngày đám tang má anh, anh không khóc nhiều. Nhưng sau khi mọi chuyện qua đi, khách khứa nhà quê đã về, má anh yên vị một chỗ trong tháp chùa, anh bắt đầu khóc. Tiếng khóc đứa con mồ côi, dù lớn, dù nhỏ, cũng có điều chi rất khác.
Anh bảo anh nhớ những lần ăn học ở Sài Gòn, có khi đang đi chơi cùng chúng bạn, tự dưng nhớ má. Vậy là anh lái Honda một mạch từ Sài Gòn về Cần Thơ trong đêm, chỉ để ùa vào nhà, ôm lấy má, ngủ một đêm với má. Sáng mai lại vòng xe quay trở lại Sài thành.
Giờ đang rong ruổi trong đêm, nhớ má, anh chạy về đâu...
 
3
Hơn 20 năm sau, tôi lại thêm một lần đối diện cuộc trò chuyện, “Mẹ mất rồi, chị L.”
Bạn nói, giọng như thinh không.
“Hả? Hồi nào?” - “Ðứa cháu vừa gọi. Nói mẹ mất lúc 4 giờ sáng ở Việt Nam, tức là 1 giờ trưa ở đây.”
“Tôi kêu ông về mà ông không nghe. Bây giờ tính sao? Có về không?” Tự dưng tôi nghe giọng mình nhỏ mà thật cáu.
“Th. đang chạy đi hỏi vé.”
Ở hai đầu điện thoại lại là một khoảng trống.
“Bực quá! Cái nhà bên đó đang đập ra dở dang. Hai tháng nữa là xong rồi. Phải chi mẹ ráng chờ thêm một tháng, thấy được hình dáng cái nhà sửa ra làm sao cũng được.” Bạn nói qua điện thoại. Tôi hình dung ra cái mím môi, cái tay chà chà lên đầu, đôi mắt đau đớn, và tiếng chửi thề không rõ tiếng.
Ðứa con cô đơn xa nhà, từng một lần chấp chới chạy về khi ba nhắm mắt, cách đây 4 năm. Nay thêm tin mẹ...
Nhớ giữa tháng 1, hay tin mẹ bạn được đưa vào bệnh viện. Ung thư dạ dày.
Ngồi trong quán Denny's hỏi nhỏ, “Về không?” - “Th. cũng chưa biết nữa.” - Tôi gắt, “Về thì về đại. Chờ cái gì.”
Bạn ôm đầu. Mắt như có nước. Mưa Huế buồn, chắc không hơn mắt bạn.
Nhớ những dòng bạn viết khi nhận được tin nhà, “Sau khi cúp phôn tôi ngồi thừ người ở trong xe. Tâm trạng bải hoải và chân tay mềm nhũn sau cái tin quá buồn và ác nghiệt đó. Ba tôi đột ngột mất đi đã khiến cho chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Nay nhận được tin về bệnh trạng của Mạ khiến cho lòng chúng tôi như tương bần. Vô cùng bối rối. Con biết phải làm gì cho Mạ đây? Mạ ơi!”
Bạn xa nhà cũng cùng thời gian như tôi, chênh nhau dăm ba tháng. Một mình bạn, bon chen đủ nghề kiếm sống. Số bạn khổ, trôi dạt từ miền này qua xứ khác. Cái gì bạn cũng làm, cái gì bạn cũng không ngại. Nhưng nỗi gì như cái gì bấp bênh cứ đeo bám.
Bạn tâm sự, “Th. hứa sẽ kiếm tiền gửi về sửa lại cái nhà cho mẹ trước khi mẹ nhắm mắt. Ðể cái nhà sửa xong thì Th. về. Mẹ ráng ráng chắc cũng qua.”
Bạn an ủi lòng. Tôi lầu bầu, “Có những thứ không chờ được.”
Càu nhàu bạn, nhưng tôi hiểu. Bạn xoay xở cho cuộc sống của mình đã là không dễ. Gánh nặng nỗi niềm phải làm gì trả hiếu cho mẹ, cho cha lại càng khiến bạn cảm thấy oằn vai, dù cha không đòi, dù mẹ không mong.
Tiếng bạn kéo tôi về thực tại. Giọng bạn đau đớn, “Bực quá chị L. ơi! Cái gì cũng dở dang. Cứ nghĩ mẹ ráng được thêm vài tháng.” Bạn nhắc lại. Tôi lại hình dung ra sự uất ức của đứa con cảm thấy mình chưa tròn bổn phận hiện trên mặt bạn.
Nhớ câu bạn viết:
“Cho dẫu, đường xa vạn dặm. Mẹ đừng bỏ con đi.”
Thôi, khuya nay bạn về. Muộn rồi.
 
4
Tôi không nhớ mình thoáng thấy lạnh người như thế nào khi trước giờ đi ngủ, chợt thấy message của bạn hiện lên, “Anh mồ côi mẹ rồi!” trong một đêm gần giữa tháng 4.
Tôi biết, có nói bao nhiêu lời, có hình dung bao nhiêu thứ, tôi chắc mình vẫn không mường tượng được nỗi tê tái của người vừa để câu nói ấy thoát ra khỏi miệng.
Tôi không mong chờ, cũng chưa bao giờ dám nghĩ, đến ngày, điều khủng khiếp ấy trôi qua đầu tôi.
Tôi hình dung bạn tôi từ nửa vòng trái đất, bay về, đứng bên ngôi mộ vừa đắp, lặng lẽ đốt bài Hồn Phở - như một cách nói “Con thương má lắm!” Rồi ngồi bệt xuống đất ngơ ngác nhìn quanh. “Chiều xuống rồi, mây trời ngẩn ngơ khăn tang trắng, tôi biết rằng mình cũng trắng khăn tang.” Thảng thốt.
Tôi lại nhớ tôi ngồi lặng lẽ đọc, để chia sẻ cùng một người bạn khác, nỗi đau mất mẹ, mà nó ví như “một nhát dao cứa thẳng tắp vô lòng. Nhát dao đâm từ trên đâm xuống. Một lần thôi. Biết bao giờ cho lành.”
“Hình như tôi khóc như chưa từng được khóc. Tôi khóc cho hả. Khóc hờn khóc mát cho cái ngày tôi bị mồ côi.
Chẳng có ai dạy chúng ta phải cư xử làm sao khi mồ côi. Chả trường chả lớp hay văn bằng cấp cho chúng ta cái cái chứng chỉ mồ côi.
Làm sao nguôi ngoai. Cái phận mồ côi sẽ theo suốt đời chúng ta. Làm sao nguôi ngoai. Tôi không biết. Chỉ biết ngày theo ngày, cái đau càng nặng nề hơn, trống tan hoang hơn và u ám hơn.”
 
5
Mùa Vu Lan về.
Tôi ngồi bên má tôi. Bình an. Ấm áp. Và hướng về bạn, với tất cả yêu thương.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Những từ thời thượng



Không gian tiếng Việt
Những từ thời thượng

SGTT.VN - Xã hội luôn luôn vận động, xuất hiện những khái niệm mới, nổi lên những vấn đề mới là trung tâm chú ý của dư luận. Theo đó, hàng loạt từ mới xuất hiện, có những từ mang hơi thở của thời cuộc.
Tâm lý chuộng lạ và khuynh hướng làm sang
Ngôn ngữ là một phương tiện thể hiện phẩm chất trí tuệ con người. Muốn khẳng định mình qua ngôn từ, không ít người thích dùng những từ mới lạ. Bởi vậy không tránh khỏi những khuynh hướng lạm dụng từ ngữ mới. Bắt đầu có từ được dùng theo cách rất lạ. Người khác thấy hay, thấy ngồ ngộ, mới lạ bèn đua nhau dùng theo, đua nhau “chưng diện” từ này trong lời nói và bài viết. Họ sử dụng chúng như là những “mốt” nói mới nhằm tô điểm cho trí tuệ.
Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, trên các phương tiện truyền thông ở Liên Xô đầy rẫy từ “perestrojka” (sự cải tổ). Tiếp đó danh từ “pljuralism” (chủ nghĩa đa nguyên), một danh từ mới nhập từ tiếng Anh (pluralism), tiếng Pháp (pluralisme) thời cải tổ, xuất hiện rất nhiều. Chứng cứ cho điều này là trong quyển Từ điển tiếng Nga nổi tiếng, bản in năm 1982, của S.I. Ozhegov hoặc trong Từ điển cấu tạo từ tiếng Nga, xuất bản năm 1978 của A.N. Tikhonov đều chưa có danh từ “pljuralism”.
Sau Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất hiện cụm từ “làm chủ tập thể”. Từng có lúc, trên các trang báo nhan nhản những “làm chủ tập thể”. Sau Đại hội VI, “làm chủ tập thể” được dùng ít dần đi; thay vào đó là “đổi mới tư duy” và “những việc cần làm ngay”. Ở thập kỷ 1970, nếu trong bài viết hoặc đăng đàn diễn giảng ai mà không nói “làm chủ tập thể” là “trình độ lý luận còn thấp”. Nửa cuối thập kỷ 1980, ở đâu cũng “đổi mới tư duy”. Không nhắc tới cụm từ này là người ta chưa yên tâm, chưa chứng tỏ mình nhạy bén và có năng lực.
Nhiều kết hợp lạ là những đặc sản xã hội, gây bất ngờ trong nhận thức và nhanh chóng thành cụm từ mới lạ. Chẳng hạn, từ “khiêm tốn” biểu thị thái độ con người. Có ai đó dùng nó để biểu thị thuộc tính. NQT viết trên báo PN: “Tôi là một người có chiều cao hơikhiêm tốn”. Thấy một kết hợp lạ hay hay, ấy thế là thành ra cái mốt “khiêm tốn”: “đồng lương khiêm tốn”, “bộ quần áo khiêm tốn”, “ngôi nhà khiêm tốn”… Trong chuyện thường ngày trên TT, ngày 24.9.1998 Bút Bi viết: “Nhớ hồi quận 3 bắt đầu dọn dẹp bia ôm, con đường kề bên uỷ ban quận này chỉ có một “nhà hàng đặc sản”. Bây giờ con đường này có vô số nhà hàng đặc sản karaoke máy lạnh, tha hồ cho các đấng mày râu đến dự thi… “bàn tay vàng”. Đọc đến đoạn này, sinh viên trường V cười nghiêng ngả. Tôi nghĩ đó là ngày sinh chính thức trên báo chí của “bàn tay vàng” (ai biết nó sinh sớm hơn xin chỉ giùm!)
Xã hội luôn luôn có khuynh hướng vay mượn từ nước ngoài, mặc dù vẫn có những từ ngữ đồng nghĩa. Vay mượn phần vì chuộng lạ, có yếu tố kích thích, bắt mắt, nhưng còn vì những từ ngữ vay mượn này phản ánh được những sắc thái mới. Trong tiếng Nga đã có từ “korennoj” (thuộc về gốc rễ, nền tảng) nhưng tiếng Nga vẫn nhập từ “radical” của tiếng Anh và Pháp để thành tính từ “radical’nyj” đồng nghĩa với “korennoj”. Và “radical’nyj” còn thêm nghĩa cấp tiến.
Người Việt cũng vậy. Báo chí TP.HCM thời nay dẫn đầu cả nước khuynh hướng “Anh hoá” nhiều từ vay mượn đã được phiên âm. Chúng ta đã từng phiên âm an-bom; chạy sô, sô diễn, sôlô; đăng-xinh; xì-tốp… nhưng hiện nay người ta thích dùng nguyên ngữalbum; solo, show, live show; stop; dancing. Thậm chí, “Anh hoá” cả các từ vay mượn đã được Việt hoá: Nói bán xôn, bán xon (mượn tiếng Pháp solde) xưa rồi, phải là sale, on sale, sale off mới sang và sành điệu!
Sáo ngữ: những lối mòn
Cái gì lạm dụng rồi cũng thành bình thường, nhiều quá hoá nhàm, và kết quả là lượng thông tin của từ bị giảm đi, nghĩa bị mòn đi. Những từ mới lạ trở thành sáo ngữ. Khi trung tâm chú ý của xã hội thay đổi thì sáo ngữ cũng nhanh chóng thay đổi. Rồi những từ ngữ mới khác lại xuất hiện.
Cùng thời với “đổi mới tư duy”, trong đường lối hoạch định chính sách rộ lên những từ kinh tế vĩ mô, vi mô; hộp đen; đầu vào, đầu ra… Không hiểu bản chất của một khái niệm nhưng thấy thiên hạ dùng nhiều thì cũng cố mà dùng cho có vẻ “trình độ”, “thức thời”. “Nói như lời ông Trần Đình Hoan là […] không còn quy hoạch cán bộ theo kiểu “chiếc hộp đen” như trước nữa mà thay bằng “sân chơi bình đẳng...” (TTCN, 1.6.2003). GS Hoàng Tuỵ đã phê phán sự lạm dụng từ ngữ này. Từ “hộp đen” trên báo chí ít hẳn đi, nó được trả lại đúng vị trí trong những bài viết về lý thuyết thông tin.
Bắt đầu có từ được dùng theo cách rất lạ. Người khác thấy hay, thấy ngồ ngộ, mới lạ bèn đua nhau dùng theo, đua nhau “chưng diện” từ này trong lời nói và bài viết. Họ sử dụng chúng như là những “mốt” nói mới nhằm tô điểm cho trí tuệ.
Lớp từ thời thượng sau Đại hội VII là kinh tế thị trường, kinh tế trang trại, cổ phần hoá… rồi những phần mềm, internet, thị trường chứng khoán, nền kinh tế tri thức… Những từ này nay trở thành bình thường. Mặc dầu từ “điện tử” đã xuất hiện từ lâu, nhưng từ năm 2002, mới nở rộ lên những “Chính phủ điện tử”, “bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn điện tử”, “công dân điện tử”, “cử triđiện tử” rồi “nghị viện điện tử cho toàn cầu”, “Quốc hội điện tử”...
Mấy từ thời thượng hiện thời
Hiện nay buôn bán phát triển nên “thương hiệu” trở thành mốt, bị lạm dụng, lan sang nhiều ngành mà ở đó không có chuyện kinh doanh buôn bán gì cả: “Bà đã giúp làm tăng thương hiệu Sarkozy”; ông đã làm nên một “thương hiệu Putin”. Những chính khách, những nguyên thủ quốc gia có buôn bán gì đâu mà thương hiệu? Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Người ta quyết tâm “xây dựngthương hiệu khoa báo chí và truyền thông”, “xây dựng thương hiệutrường chuyên X”... Nhà trường, sao phải xây dựng “thương hiệu” mà không là xây dựng “học hiệu”? Không rõ thiên hạ có dùngthương hiệu Harvard, Oxford, Cambridge không?
Gần đây nhất là những từ “tầm nhìn”, “tái cơ cấu”... Người ta hoạch định những đề án, những công trình, những chiến lược vớitầm nhìn 30 năm, 40 năm… Phải có tầm nhìn 50 năm để làm đường sắt cao tốc. Rồi sách “Việt Nam tầm nhìn 2050”. Tầm nhìnnào cho khu đô thị Trung Yên Hà Nội mới xây hiện đại kiểu Pháp, sau trận mưa lớn (2008) đã biến thành sông hồ? Tầm nhìn nào cho những công trình giao thông vừa bàn giao đã xuất hiện nhiều chục “hố tử thần”?
Chúng ta đang tái cơ cấu Vinashin. Nay mai liệu có “tái cơ cấu EVN” khi tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đứng ở “chân tường” (TT, 11.1.2011)? Và còn tái cơ cấu những gì nữa?
GS.TS Nguyễn Đức Dân
http://sgtt.vn/Khoa-giao/136191/Nhung-tu-thoi-thuong.html

Má, con và ...

Krongblah xin giới thiệu một truyện ngắn rất hay của Nguyễn Ngọc Tư:


Má, con và ...

Tôi nghĩ, đôi khi vô tình tôi làm má buồn.

Như chiều qua, tôi nói lúc này tóc con bị rụng quá trời, coi trên internet người ta dạy mua thuốc này thuốc này sẽ bớt. Hay hôm kia khi giỡn với nhóc con, phát hiện ra lưỡi nó bị nấm đóng dày, tôi mở máy tính, xong gật gù, trên mạng người ta kêu mua thuốc x thuốc y, hoặc hái lá a, lá b giã lấy nước rơ lưỡi, nhóc sẽ khỏi.

Có lần tôi khoe vài bí quyết nấu ăn, cách chọn gà ngon, má ngạc nhiên, mèn ơi trên mạng có đủ thứ hết trơn hả ? Tôi cười khoái chí, gì cũng có má à, trên trời dưới đất, muốn biết gì cứ gõ vài ba chữ là mạng cho mình biết tuốt. Má nói ngộ quá, cái mạng là cái gì mà hay dữ ta. Giọng má không một chút ngậm ngùi nhưng bỗng dưng tôi nghĩ má ngậm ngùi.

Là vì má đang ở bên tôi, nhưng khi bối rối và ngơ ngác tôi đã không hỏi má. Sống bảy chục năm dài, trải qua bao nhiêu biến cố, má vén khéo đảm đang, chèo chống gia đình nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn, phải nói là má biết nhiều, rất nhiều. Nhưng tôi không hỏi má, tôi chạy tới internet, gọi “vừng ơi…”, và đôi lúc khoe khoang những kiến thức mà má đã “rành sáu câu” rồi.

Một phần ý nghĩa của mối quan hệ già – trẻ (hay má - con) là cho – nhận, dạy – học… nhưng giá trị đó đang ít nhiều thay đổi. Sự mất mát rất từ tốn không nhận biết ngay được, cho đến khi đủ lớn và sâu, người ta mới giật mình, sực nhớ ra lúc này mình nói bằng ngón tay nhiều hơn bằng miệng, nhìn màn hình máy tính hay điện thoại nhiều hơn nhìn người. Sực nhớ có thể má đã buồn, má sống nhiều nhưng những trải nghiệm mà má đang gìn giữ, tôi không ngó ngàng tới.

Như thể tôi là tôi khác, không phải con bé đen nhẻm hồi lên bảy lên mười, đi vào cuộc đời bằng cánh cửa do má mở, suốt ngày lẽo đẽo theo chân má, để hỏi má ơi cái kia để làm gì, má ơi cái này tại sao... Ngày tôi về nhà chồng, má không dám đi đâu, suốt ngày chờ bên điện thoại, vì tôi hay gọi về hỏi, má ơi kho cá bằng muối hay nước mắm, nấu canh chua bằng me hay bằng giấm, con lỡ làm cơm khét rồi, giờ biết làm sao ?

Hồi đó má ở xa chỗ tôi chừng mười lăm cây số, nhưng má chỉ cách tôi một hồi chuông điện thoại. Băn khoăn chút chút, nghi ngại chút chút, lo lắng chút chút… tôi lại nghĩ tới má. Và má luôn có câu trả lời. Như bà ngoại luôn có câu trả lời cho má. Như bà cố luôn có câu trả lời cho ngoại. Người ta cứ sống vậy, già rót đầy cho trẻ, đi trước dẫn đường cho đi sau, tưởng đâu nối tiếp hoài hoài.

Nhưng khi nền tảng ứng xử giữa người và người lung lay bởi quá nhiều phương tiện hiện đại, tôi cũng buông lơi bàn tay má. Ngụp lặn trong biển thông tin mà tôi tin với chúng, tôi sẽ xử lý tốt mọi tình huống xảy ra với cuộc đời mình. Tôi quên, má không biết nơi lạnh nhất vũ trụ nhưng má có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con lớn mau. Má không biết cách diệt virus máy tính nhưng bẫy chuột là số một. Má không biết viết blog nhưng nấu ăn rất ngon. Nhưng tôi quên. Má, như những người già khác, đôi lúc nào buồn tênh trong ý nghĩ mình đang sống thừa, tàn lụi không tăm tích.

Tôi còn giữ hình ảnh những người già nước Hàn xa xôi mà tôi đã từng gặp mặt. Những ông bà già buồn rượi, lặng lẽ. Vật vờ như bóng, lắt lay như khói. Anh bạn của tôi nói đất nước anh càng phát triển càng hiện đại thì người già càng cô độc, hai thế hệ già – trẻ hầu như không còn chuyện gì chung để nói với nhau. Khi chụp ảnh những gương mặt sầu muộn đó, tôi luôn nhớ tới má, thầm so sánh và khoái chí vì má gọn gàng lanh lợi hơn họ, má tươi tắn vui vẻ hơn họ, dù má nghèo, thiếu thốn hơn họ.

Nhưng giờ tôi biết má cũng buồn, bởi nhiều lúc tôi bỏ bà một mình ở nơi cũ, thời gian cũ để một mình tôi đi vào thế giới ảo đầy quyến rũ. Không cần nỗi lực lớn nào, không cần với tay cao, cũng có thể hái được trái. Nó sẵn sàng xoa dịu, đưa ra những lời khuyên khi tôi than vãn đầu gối tôi mỏi, con mắt tôi bỗng nhiên mờ, vùng thắt lưng nghe nhói, cái đầu đau...

Riêng trái tim thường chẳng hết đau nếu chỉ nhận được những lời an ủi thao thao, bạn hãy quên bạn hãy vui, phải này phải kia... nên có lần đem trái tim đau lên mạng thở than, chớ hề nhận được cái khăn lau nước mắt. Những lúc đó nhớ má quá …

Không biết, khi tôi đi rất xa và quay lại, thời gian còn cho má bao dung đứng chờ ?
 

Nguyễn Ngọc Tư

trích từ "Yêu nguời ngóng núi" của Nguyễn Ngọc Tư--NXB  Trẻ TPHCM 

Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ





Trưng bày ảnh nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh 
 và các tờ báo do ông làm chủ bút

Sinh thời, học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng khẳng định: "chữ Việt còn thì nước ta còn”. Theo ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh: "Từ 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh đã lần mò theo con đường Báo chí nhằm làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên mạch lạc, khoa học, đủ sức sánh vai với bất kỳ một loại ngôn ngữ nào của các dân tộc trên thế giới”...

Năm 1907, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng cổ Tùng báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ. Ngay trong số báo đầu tiên của Đăng cổ Tùng báo (ra ngày 28-3-1907), Nguyễn Văn Vĩnh đã nói về giá trị của chữ Quốc ngữ: "Thường có kẻ bênh chữ Nho nói rằng: chữ Nho nghĩa lý sâu sắc, có thể làm ra văn bài hay. Ta tưởng cái sâu sắc bởi ở sự dùng chữ mà ra. Ví ta có được vài trăm truyện hay bằng truyện Kim Vân Kiều, thì xem tiếng ta có kém gì chữ Nho đâu”. Năm 1913, ông xuất bản tờ Đông Dương tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng chữ Quốc ngữ. 


Bộ tràng kỷ khảm trai bài thơ tóm tắt 
truyện ngụ ngôn La Fontaine "Con cáo và con cò” 

Hiện nay, tại nhà riêng ở ngõ Lương Sử C (Hà Nội), ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh vẫn còn lưu giữ rất nhiều những tư liệu, hiện vật liên quan đến sự nghiệp của ông nội mình, trong đó, đáng chú ý là bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp và đặc biệt là bộ ghế tràng kỷ có bút tích cùng chữ ký của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Theo TS. Nguyễn Đình Đăng: "Sự cố gắng và sức làm việc phi thường của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hóa phương Tây trong dân Việt, và đưa xã hội Việt Nam đi đến chỗ dần dần chấp nhận chữ Quốc ngữ. Ngày 18-9-1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy ở 3 năm đầu cấp tiểu học. Như vậy là, sau gần 3 thế kỷ kể từ khi cuốn từ điển Việt - La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ. Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng vai trò là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam... Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho biết: Tôi đã vẽ bức tranh "Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh”.
QUỐC VIÊT

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), quê gốc Hà Đông, là trí thức tân học, nhà báo, nhà văn tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Xung quanh sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh có nhiều nhận định khác nhau... Nhưng một quan điểm nổi lên và được sự đồng thuận từ nhiều phía đó là Nguyễn Văn Vĩnh đã có công rất lớn trong việc phát triển tiếng Việt hiện đại. Năm 1909, ông dịch toàn bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra Quốc ngữ (cùng Phan Kế Bính). Năm 1913, dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm ra Quốc ngữ. Năm 1917, ông là Chủ bút báo Trung Bắc tân văn - tờ nhật báo đầu tiên của Báo chí Việt Nam. Từ 1900 - 1920, dịch các tác phẩm văn học Pháp của La Fontaine, V.Hugo, Balzac... ra chữ Quốc ngữ. Năm 1920, là người Việt Nam đầu tiên dựng sân khấu kịch nói tại Nhà hát Lớn để trình diễn các vở hài kịch của Molière. Năm 1924, cùng người Pháp dựng bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam (phim câm)...

 http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=46104

Saddam Hussein từng là ân nhân của Việt Nam




... "Mấy tháng sau đó, tôi cùng anh Nguyễn Cơ Thạch và một số đồng chí đi thăm Mexico, Venezuela... để nghiên cứu khả năng khai thác dầu. Sau ngày giải phóng, mối lo thứ nhất là làm sao đủ gạo cho dân, mối lo thứ hai là dầu. Hợp tác giữa Việt Nam với Liên Xô về dầu bắt đầu từ đây. Nhưng trước mắt phải vay dầu để phục vụ cho hoạt động kinh tế, quân sự và đời sống của nhân dân.

Tháng 10/1975, tôi lại đi thăm một số nước Ả Rập với nhiệm vụ "vay dầu". Đoàn chỉ có ba người, tôi, đồng chí Trúc ở Văn phòng Chính phủ và đồng chí phiên dịch. Chúng tôi đi Algeria, Libi, Iraq. Kết quả là vay được một số dầu để sử dụng trước mắt với lãi xuất ưu đãi. Tuy các bạn đều rất nhiệt tình với Việt Nam, nhưng đi vào kinh tế thì chuyện không phải dễ.

Chuyến đi Iraq để lại cho tôi một kỷ niệm sâu sắc. Lúc đó, Saddam Hussein (1937-2006; Tổng thống Iraq từ 1979-2003) mới là Phó Tổng thống, nhưng được dư luận coi là "người hùng" ở Iraq. Khi nghe chúng tôi trình bày yêu cầu bức xúc của Việt Nam, ông trả lời ngay: "Chúng tôi đã quyết định tặng Việt Nam 400 ngàn tấn dầu và cho vay 1.5 triệu tấn với lãi xuất ưu đãi. Tôi nghe mà không tin ở tai mình, hỏi lại đồng chí phiên dịch mới chắc đó là sự thật. Chúng tôi rất xúc động trước tấm lòng của các bạn Iraq. Sau này khi Iraq bị cấm vận, phải đổi dầu để lấy lương thực, các bạn vẫn dành cho Việt Nam những hợp đồng trao đổi thương mại rất thuận lợi trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn về kinh tế.

Năm 2002, tôi đến Iraq lần cuối để giải quyết món nợ kéo dài hơn 20 năm ta còn chưa trả xong. Theo ý kiến của các đồng chí ở Chính phủ, chúng ta đề nghị chuyển số tiền nợ thành số vốn đầu tư vào một dự án kinh tế ở Việt Nam. Khi tôi gặp ông Saddam Hussein trình bày ý kiến này thì ông cười, nói ngay: "Các bạn Việt Nam không nên bận tâm. Tôi biết các bạn còn khó khăn, ta xem như số nợ này đã trả." Thật xúc động khi biết rằng trong thời điểm đó Iraq bị Mỹ cấm vận, khó khăn chồng chất về các mặt.

Tình hình Iraq đến nay diễn biến ra sao, chúng ta đều biết.Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush phát động chiến tranh đánh Iraq với lý do Saddam Hussein có quan hệ với lực lượng khủng bố Al-Queda và tàng trữ vũ khí hủy diệt. Thực tế đã chứng minh đó là những lời nói dối xấu xa, những cái cớ giả mạo Hoa Kỳ đã dựng lên để thực hiện mưu đồ ích kỷ của họ. Saddam Hussein có sai lầm gì trong đối nội, đối ngoại, có tội lỗi gì với nhân dân của ông, lịch sử của Iraq sẽ phán xét. Nhưng đối với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta biết ơn sự giúp đỡ quý báu của ông trong những năm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh".

Nguyễn Thị Bình
(Gia đình, bạn bè và đất nước , Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012, tr 195-196)


Bìa cuốn sách của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam VN tại hòa đàm Paris. Và, một vài hình ảnh tư liệu khác, về Iraq:




http://pleikucafe.com/ver2/tin-tuc-24h/cafe--/saddam-hussein-tung-la-an-nhan-cua-viet-nam.html

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Tại sao anh em nhà Tây Sơn 'nồi da xáo thịt'? (kỳ 1+2)


Ba anh em nhà Tây Sơn, từ nhỏ đến lớn, đối với nhau trọn niềm thương yêu. Vậy, nguyên nhân nào khiến Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ rạn nứt tình cảm?



Kỳ 1: Tây Sơn tam kiệt

"Tây Sơn tam kiệt" là tên gọi dành cho ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Theo sử sách, tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ (sách Hoàng Lê nhất thống chí cho rằng, nhà Tây Sơn thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly) ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tổ quán ở dưới chân hòn Thái Sơn, một hòn núi nhỏ đứng bên cạnh hòn Ðại Hải, một danh sơn tỉnh Nghệ An.
Tây Sơn tam kiệt tại Nhà Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. 
Ảnh: Báo Bình Định

PGS.TS sử học Đỗ Bang viết trong cuốn Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung: Đến đời ông Hồ Phi Phúc, người sinh thành ra anh em Tây Sơn vẫn là họ Hồ. Vậy, tại sao các con ông đều mang họ Nguyễn? Theo truyền miệng của người dân Bình Định, có một thuở, dân ở đây sinh con lấy họ mẹ là phổ biến để cắt nghĩa việc đổi thành họ Nguyễn của các anh em Tây Sơn cùng họ với thân mẫu là Nguyễn Thị Đồng. 

Tuy nhiên, cũng có nguồn tài liệu sưu tầm ở địa phương và đã có lần được biên chép cho rằng: Thuở nhỏ, anh em Tây Sơn có học với một thầy giáo xứ Huế là Giáo Hiến. Do bị Trương Thúc Loan trù dập, hăm diệt, Giáo Hiến trốn vào phủ Quy Nhơn, mở trường dạy học ở đất An Thái. Giáo Hiến mang hoài bão, ý chí của mình truyền lại cho lớp môn sinh. Ông đã khám phá ra tài năng khác thường của anh em Tây Sơn nên hết lòng đầu tư cho sự nghiệp lớn về sau.

Chưa kể, vì quá tin vào lời sấm truyền: Tây khởi nghĩa, Bắc thu công/ Phụ nguyên phục thống, Giáo Hiến đã nói với anh em Nguyễn Huệ: “Các con là người của đất Tây Sơn, Tây Sơn khởi nghĩa sẽ lập nên sự nghiệp lớn ở miền Bắc và hết lòng giúp chúa Nguyễn để phục hồi nền nhất thống.... Các con nên đổi thành họ Nguyễn để có danh nghĩa lập công”. Từ đó, anh em Tây Sơn từ họ Hồ đổi ra họ Nguyễn.

Cây Me cổ thụ đã gắn bó với cuộc sống của Tây Sơn Tam kiệt từ lúc sinh ra đến khi dấy binh khởi nghĩa lập nên triều Tây Sơn. Ngày 28/11, cay Me đã chính thức được công nhận là "Cây di sản VN".

Mọi tài liệu đều cho thấy, trong Tây Sơn tam kiệt, Nguyễn Nhạc là anh cả, nhưng Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ ai là anh thì các tài liệu không thống nhất với nhau. Các sử sách của nhà Nguyễn và biên chép dưới thời Nguyễn cũng khác nhau. Các sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Tây Sơn thuỷ mạt khảo... đều thống nhất ngôi thứ trong ba anh em Tây Sơn và khẳng định: “Con trưởng là Nhạc, kế là Lữ, kế nữa là Huệ”, trong khi đó Khâm Định việt sử thông giám cương mục thì xếp theo thứ tự Nhạc - Huệ - Lữ. 

Dân phủ Quy Nhơn xưa lưu truyền rằng, Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu nên gọi là anh Hai Trầu, Nguyễn Huệ gọi là chú Ba Thơm và Nguyễn Lữ gọi là thầy tư Lữ, vì có thuở Lữ đi tu theo đạo Hồi Bani (Islam Bani). Thế nhưng, trong sách Tây Sơn tiềm long lục, Nguyễn Bá Huân lại ghi: xét công trạng của Nguyễn Huệ ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa thì Huệ phải là em kế Nguyễn Nhạc.
 
Các giáo sĩ phương Tây đương thời có mặt trên đất nước ta như Labartette chép: Anh cả là Thoi Đức (tức Thái Đức - Nguyễn Nhạc), còn hai ông hoàng là Đức ông Bai (Đức ông Bảy - Nguyễn Huệ) và Đức ông Tám (Nguyễn Lữ).

Lê Trọng Hàm trong sách Minh đô sử lại cho rằng, Hồ Phi Phúc sinh "Nhạc, Lữ đến hai cô con gái, rồi mới tới Huệ". Củng cố minh chứng này, Đại Nam chính biên liệt truyện viết: Một trong hai chị gái của Nguyễn Huệ được sách sử tiết lộ vào năm 1792. Khi hay tin vua Quang Trung chết, một đoàn gia nhân và quan lại hơn 300 người do Nguyễn Nhạc cầm đầu từ Quy Nhơn ra Phú Xuân để dự lễ quốc tang, đều bị quan quân Cảnh Thịnh chặn lại trên đất Quảng Ngãi, chỉ trừ một mình cô em gái Nguyễn Nhạc được phép ra Phú Xuân.

Theo một tài liệu được công bố tại Hội thảo về Tây Sơn, gia đình Nguyễn Nhạc có ít nhất 4 anh em trai, anh đầu là Nguyễn Quang Hoa. Quang Hoa có thể do bị chết sớm hoặc vì lý do nào đó không tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, nên không được sử sách ghi lại. Trong những năm đầu tiên, Nguyễn Nhạc đóng vai trò quan trọng nhất. Ông phất cờ nổi dậy vào năm 1771, lấy danh nghĩa chống lại Quốc phó Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương - cháu đích tôn của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát...

Sách Võ nhân Bình Định nêu rõ, trong thời gian chuẩn bị cho đại sự, Nguyễn Nhạc đã tỏ ra là một nhà lãnh đạo tài ba, đã biết phát triển kinh tế làm cơ sở; đoàn kết các sắc tộc làm liên minh và nhất là đối với các đồng chí rất có tình có nghĩa. Ông luôn tỏ rõ thái độ nhưng hòa, xử sự có tình nhưng không bỏ lý, nên mọi người rất mực tôn kính. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, nhà Tây Sơn đã lập nên cơ sở vững chắc.


Tại sao anh em nhà Tây Sơn 'nồi da xáo thịt'? (kỳ 2)

Có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây ra xích mích giữa hai anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ. Thực hư chuyện này thế nào?
Kỳ 2: Huynh đệ tương tàn

Theo sách Nhà Tây Sơn, từ ngày cha tạ thế, Nguyễn Nhạc lo vẹn đạo làm anh. Ðối với hai em, chẳng những yêu thương vì ruột thịt, mà còn quý trọng đức tài. Còn Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ thì yêu kính anh như cha, nhất nhất đều tuân theo mệnh lệnh. 

Thế nhưng, "cha mẹ sinh con, trời sinh tính", Nguyễn Lữ lấy việc sửa mình thương người làm gốc, còn giàu sang, thua được là chuyện ngoài thân. Nguyễn Nhạc tuy thiệp thế đa mưu, song có phần bảo thủ, cầu an. Khi chưa có thì xông Nam đột Bắc, đến khi có rồi thì bao nhiêu bo bo giữ bấy nhiêu và chấp vào những gì mình đã có. Trong khi đó, Nguyễn Huệ tài trí vượt hẳn anh; khi còn ở dưới quyền anh thì triệt để phục tùng. Khi con chim đã nuôi đủ sức gió để quạt cánh lên chín tầng mây thì không còn ai có thể kiềm chế...

Tại sao anh em nhà Tây Sơn 'nồi da xáo thịt'?

Như vậy, sách Nhà Tây Sơn đã chỉ rõ, tính cách của Nguyễn Nhạc là "tĩnh", còn Nguyễn Huệ là "động". Và đó là nguyên nhân gây ra cảnh "huynh đệ tương tàn". Cụ thể, sự rạn nứt bắt đầu từ ngày Tây Sơn chiếm được Phú Xuân, rồi đánh ra Thăng Long. Vào thời điểm đó, sau khi dẹp yên Gia Ðịnh, Nguyễn Huệ đề nghị đem quân đánh Phú Xuân. Vì không rõ quân chúa Trịnh mạnh yếu thế nào, nên Nguyễn Nhạc không ứng thuận. Sau Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết rõ tình hình, Nguyễn Nhạc mới cho xuất chinh. Lấy được Phú Xuân, Nguyễn Huệ tự tiện đem quân ra đánh Bắc Hà. Nguyễn Nhạc không bằng lòng, song không lấy cớ gì để bắt tội em được, nên chỉ gọi em về. 

Lại nói Nguyễn Huệ, về Phú Xuân, ông cho chở tất cả chiến lợi phẩm thu được ở Bắc Hà tới Quy Nhơn, còn mình thì lấy cớ Thuận Hóa mới lấy được, cần củng cố nhân tâm và sửa sang chính sự, nên xin ở lại Phú Xuân. Nguyễn Nhạc đành phải chấp nhận, tuy không lấy làm vừa lòng. Ðến khi Nguyễn Huệ được phong Bắc Bình Vương, nắm quyền quản thủ đất Thuận Hóa, thì tự ý sửa sang thành quách, phong thưởng võ tướng văn quan, mà không tấu trình theo phép nước. Chưa kể, nhiều lần, Nguyễn Nhạc gọi Huệ vào Quy Nhơn, nhưng ông luôn luôn tìm cớ thoái thác.

Vì nhận thấy quyền làm anh đối với em, quyền làm vua đối với bề tôi đã bị xem khinh, Nguyễn Nhạc cử binh ra Phú Xuân hỏi tội. Nghe tin, ông Huệ vỗ án nói: "Tội gì mà hỏi? Ðánh Nam dẹp Bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à? Còn đất Thuận Hóa này là của ta lấy nơi tay Chúa Trịnh. Ta thọ phong chẳng qua vì tình anh em đó thôi. Chớ đâu phải anh ta cắt đất của mình phong cho ta, mà bắt ta nhất nhất phải tuân theo mệnh lệnh? Công có lại quên, tội không có lại buộc! Sao lại bất công thế. Ta không chịu nổi". Và rồi Nguyễn Huệ thân hành đem quân ra chống cự.

Nguyễn Nhạc thấy em ra mặt bất phục tùng, càng nổi giận thêm. Không một lời phân trần, hai bên giáp chiến. Ðánh nhau kịch liệt. Lần lần Nguyễn Nhạc đuối sức phải rút lui. Nguyễn Huệ truy kích. Nguyễn Nhạc rút quân vào thành Quy Nhơn, cố thủ. Nguyễn Huệ công vi cả tháng mà không hạ nổi thành, bèn đánh chiếm núi Long Cốt, rồi kê súng đại bác trên núi bắn vào thành. Những nơi hiểm yếu trong thành bị phá. Nguyễn Nhạc liệu không giữ mãi được, bèn lên mặt thành kêu Nguyễn Huệ mà khóc: "Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn". 

Nghe tiếng gọi của anh, Nguyễn Huệ òa lên khóc, rồi bãi binh. Nguyễn Huệ nhận chức Bắc Bình vương của vua anh phong. Hai anh em lấy Bản Tân làm ranh giới, từ Thăng Hoa, Điện Bàn ra Bắc thuộc Nguyễn Huệ, từ Quảng Ngãi trở vào thuộc vua Thái Đức. Còn Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định.
Bàn về nguyên nhân xích mích giữa hai anh em nhà Tây Sơn, nhiều nhà làm sử nói rằng: Nguyễn Nhạc thông gian với vợ của Nguyễn Huệ và giữ hết những của cải lấy được ở Thăng Long, nên Huệ giận... Song, sử liệu ghi rõ, Nguyễn Huệ có ba bà vợ chính thức: bà họ Phạm ở Phú Phong, mẹ ông Nguyễn Quang Thùy; bà họ Bùi ở Xuân Hòa, mẹ ông Nguyễn Quang Toản và bà Ngọc Hân công chúa con gái Vua Lê. Lúc ông Huệ trấn thủ Thuận Hóa thì bà họ Phạm qua đời đã lâu, bà họ Bùi theo chồng ra Phú Xuân, còn bà Ngọc Hân thì còn ở Thăng Long. Do đó, Nguyễn Nhạc thông gian với bà nào? Hơn nữa, của cải lấy được ở Thăng Long, thì có thấm vào đâu so với đất đai từ Phú Yên đến Hà Tiên Phú Quốc. Ðất kia còn để cho anh cho em không chút tiếc, nên giải thuyết trên là hoàn toàn sai.

Có người lại bảo: Nguyễn Phúc Ánh muốn chia rẽ hai anh em nhà Tây Sơn, bèn lập kế ly gián. Nguyễn Phúc Ánh dùng kế mỹ nhân, tìm một thiếu nữ châu Âu tuyệt đẹp đem dâng cho Nguyễn Huệ và tin cho Huệ biết trước, nhưng lại đem dâng cho Nguyễn Nhạc, rồi báo cho Huệ biết rằng đi ngang qua Quy Nhơn, bị Nhạc chận cướp. Huệ đã giận kéo quân vào đánh anh. Nhưng xét việc bất hòa của anh em nhà Tây Sơn xảy ra vào năm Ðinh Mùi (1787) và lúc ấy Nguyễn Phúc Ánh còn ở Xiêm La, đất Gia định nằm trong tay nhà Tây Sơn, do Nguyễn Lữ trấn thủ. Nguyễn Ánh về nước mùa thu năm Ðinh Mùi, bị tướng sĩ Nguyễn Lữ đánh liên tiếp mãi đến năm Kỷ Dậu (1789) mới lấy được Gia Ðịnh. Nguyễn Phúc Ánh lo chống cự với Nguyễn Lữ chưa xong thì làm gì còn tâm trí bày mưu ly gián Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ... Giả thuyết này cũng không thuyết phục.

Vậy, tại sao Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ "nồi da xáo thịt"? Các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng, không có gì khác hơn là lòng tự ái. Anh cậy quyền làm lớn, em cậy có công to. Vì nhất thời nóng nảy, nên mới sinh chuyện. Song, một giọt máu đào hơn ao nước lã, họ vốn tình nghĩa nên không thể chia cắt...

Vĩnh Khang
Đất Việt online