Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Đức Cha Phaolô Kim (Paul Léon Seitz), nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum (1906-1984)



TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CHA 
PAUL LÉON SEITZ (PHAOLÔ KIM)
NGUYÊN GIÁM MỤC CHÍNH TÒA THỨ 3 GP KON TUM
NHÂN LỄ GIỖ LẦN THỨ 35
(24.02.1984-24.02.2019)


Thánh lễ Giỗ do Đức Cha Aloisiô, Gm Gp Kontum chủ tế
Lúc 5g15' sáng Thứ Sáu ngày 22.02.2019
Tại Nhà thờ Chính tòa Kontum, 13 Nguyễn Huệ, Tp Kontum

Kontumquêhươngtôi xin đăng đôi dòng Tiểu sử của Đức Cha Phaolô Kim.

ĐỨC CHA PAUL LÉON SEITZ (KIM)
(1906-1984)


·        Sinh : 22/12/1906
       Tại : Le Havre (Seine-Maritime), Pháp
·        Giáo phận : Rouen
·        Linh mục : 04/07/1937
·        Lên đường truyền giáo
             Hà Nội – Kontum : 14/09/1937
·        Đến Kontum : 1952
·        Giám mục Đại diện tông tòa Kontum,
       Hiệu tòa Catula : 03/10/1952
·        Giám mục chính tòa Kontum :  24/11/1960
·        Tên Việt : Đức Cha Kim
     Tên Thượng :  Bok Xoi Tih Kim
·        Từ chức : 02/10/1975
·        Qua đời : 24/02/1984 – Tại : Paris, Pháp. 

Đức Cha Paul Seitz Kim sinh ngày 22 tháng 12 năm 1906 tại thành phố Le Havre (Seine-Maritime), giáo xứ Notre Dame, địa phận Rouen (hiện nay thuộc địa phận Le Havre), nước Pháp. Ngài là con út trong một gia đình ba người con. Tổ tiên bên nội của ngài rời bỏ vùng Alsace và đến lập cư ở Pháp sau năm 1871. Năm 1925 ngài vào chủng viện Fontgombault (Indre) dành cho những người tu muộn. Sau đó ngài đi Marốc để thi hành nghĩa vụ quân dịch.
Ngày 13 tháng 09 năm 1929, ngài vào chủng viện Thừa Sai Ba Lê (MEP). Vì sức khỏe yếu kém, ngài phải nghỉ học 2 lần để dưỡng sức. Thụ phong linh mục ngày 04 tháng 07 năm 1937, ngài nhận bài sai phuc vụ tại Hà Nội (lúc đó đang còn là Giáo hạt Tông tòa, Vicariat Apostolique).
Ngài bắt đầu học tiếng Việt tại Kẻ Sở, tháng 08 năm 1938 ngài được gửi tới giáo xứ Cô Liêu, cách xa Tiểu chủng viện 5-6 trăm mét để hoàn thành chương trình huấn luyện truyền giáo của ngài. Tháng 02 năm 1939, Đức cha Chaize đặt ngài làm cha phó giáo xứ Pháp-Việt của Hà Nội. Năm 1941, ngài được chỉ định làm tuyên úy cho trường trung học Albert-Sarraut; cũng năm đó, ngài xây dựng và tổ chức trại hè dành cho giới trẻ Pháp và Việt trên sườn núi Ba Vì. Trại này rất thành công nên ngày 09 tháng 08 năm 1941, các nhà lãnh đạo cao cấp nhất trong chính quyền đã tới thăm.

Tháng 12 năm 1943, trại biến thành Trung Tâm Đón Tiếp những trẻ em bị bỏ rơi, Viện Cô Nhi Thánh Têrêxa và đón nhận 80 em lang thang ăn xin trong thành phố Hà Nội. Năm 1945, vì mất an ninh, vì những biến chuyển chính trị và khó khăn chuyên chở, cha Seitz bắt buộc phải dời viện cô nhi về Sơn Tây và cuối năm 1946 về Hà Nội. Viện mồ côi di chuyển tới nhà Truyền Giáo, tới nhiều địa điểm tạm bợ khác nhau, và tiếp tục sinh hoạt tại trường Puginier, rồi tới nhà Lacordaire ở ngoại ô Hà Nội.
Tháng 08 năm 1951, sau khi kiếm được một miếng đất, và cùng với cha Vacher, ngài xây dựng “Thành Phố Kitô Vua”. Tháng 02 năm 1951 khi được đặt làm quản hạt Hà Nội, ngài trao giáo xứ người Pháp cho cha M. Pencole. Ngài vẫn tiếp tục điều khiển viện cô nhi Thánh Têrêxa. Ngày 26 tháng 02 năm 1952, ngài được đặt làm Bề trên Hội Thừa Sai vùng Bắc Đông Dương.
Ngày 19 tháng 06 năm 1952, Đức Thánh Cha đặt ngài làm Giám Quản Tông Tòa địa phận Kontum, và Giám Mục hiệu tòa Catula. Ngày 03 tháng 10 năm 1952, tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, ngài được tấn phong giám mục bởi tay Đức cha Dooley, Sứ thần Tòa Thánh; phụ phong do Đức cha Khuê, Giám quản Tông Tòa của Hà Nội và Đức cha Piquet, Giám quản Tông Toà của Qui Nhơn. Ngài đặt chân tới Kontum ngày 02 tháng 11 năm 1952 và lễ nhậm chức được cử hành tại nhà thờ Chính tòa. Chỉ 4 ngày sau, tức là mồng 06 tháng 11, ngài trình bày chương trình hoạt động của ngài.
Sau đó, không dành thời giờ để học tiếng Bahnar, ngài bắt đầu thăm viếng 24 địa sở thuộc giáo phận của ngài. Tháng giêng năm 1954, vì những vụ tấn công của Việt Minh, Kontum được lệnh giải tỏa và trong nhiều tháng, Đức cha Seitz dành thì giờ đi thăm viếng nhiều cộng đoàn khác nhau đã phải rời bỏ Kontum và tạm đổi về nhiều nơi ở Pleiku, Ban Mê Thuột, Sài gòn và Đà Lạt. Sau hiệp định Genève ngày 21 tháng 07 năm 1954 và lệnh ngừng bắn, ngài trở lại Kontum ngày 31 tháng 08 năm 1955 bằng xe đạp.
Cuộc đi cư từ miền Bắc bắt đầu. Một số đông dân tới định cư ở vùng Cao Nguyên. Đức cha Seitz thiết lập nhiều giáo xứ mới cho họ và kêu gọi các linh mục người Việt tình nguyện đến cai quản. Ngài cũng bắt đầu một chương trình rộng lớn về xây cất: một nhà thờ ở Pleiku, trường Cuénot để đào tạo giáo lý viên, khuếch trương nhà in để xuất bản sách giáo khoa và giáo lý bằng tiếng Bahnar, một nhà lưu trú cho các thiếu nữ Thuợng, những trường học vùng xa, v.v…
Đức cha Seitz mời một vài linh mục thừa sai đã phải rời miền Bắc, đến Kontum làm việc. Ngài kêu gọi các sư huynh dòng Lasan đến để mở trường trung học; các nữ tu phụ trách một vườn trẻ, một trường dạy nội trợ cho các thiếu nữ. Ngài gửi các đại chủng sinh đi học ở Huế hoặc Đà Lạt. Năm 1966, ngài gửi các chủng sinh lớp lớn ở Tiểu chủng viện Kontum lên Đà lạt và đi học ở trường Adran. Ngài đã mua bệnh viện tư Sohier để các chú trú ngụ. Năm 1972, vùng Kontum càng mất an ninh, ngài dời các chú nhỏ lên Đà Lạt và trú ngụ tại nhà dòng Chúa Cứu Thế. Năm 1974 ngài thành lập một “Trung Tâm Đại Học” ở Sài gòn cho các học sinh người Thượng và gửi một số đông học sinh nam cũng như nữ qua Pháp, tới những “gia đình đỡ đầu” để tiếp tục theo học những lớp cao hơn. Đức cha Seitz đã bỏ công rất nhiều để thăng tiến tình trạng sức khỏe của dân chúng. Ngài xây dựng 2 nhà thương nhỏ và một nhà phát thuốc (dispensaire) lớn. Khoảng năm 1957, ngài bắt đầu xây dựng ở Kontum nhà thương “Minh Quý”, do bác sĩ người Mỹ Patricia Smith điều khiển. Qua lời mời gọi của ngài, hàng trăm cộng tác viên, bác sĩ, y tá, thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, từ nhiều nước trên thế giới, đến chăm sóc những bệnh nhân và nạn nhân bị thương, với lòng tận tâm, có khi với can đảm phi thường. Một đội ngũ rất giỏi gồm những y tá người Thuợng cũng được huấn luyện.
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập, ngài trở thành Giám mục giáo phận Kontum. Năm 1967, giáo phận Kontum được chia đôi; giáo phận mới Ban Mê Thuột được giao phó cho Đức cha Nguyễn Huy Mai coi sóc. Năm 1971, nhân buổi triều yết riêng, Đức cha Seitz dâng lên Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bản tường trình về tình hình giáo phận Kontum. Ngài viết: “Giáo phận Kontum bị ảnh hưởng nặng bởi chiến tranh, đã hứng chịu 23 người chết vì bom đạn, 32 người bị thương hoặc bị cụt chân tay, 27 bị Việt Cộng bắt làm tù binh, 33 giáo xứ hoàn toàn bị phá hủy và giáo dân bị phân tán”. Một năm sau, 192 cộng đoàn dân Chúa hoàn toàn bị phá hủy và 45.000 người phải di tản. Năm 1968, thành phố Kontum bị bao vây và bỏ bom; năm 1972, một nửa thành phố bị chiếm; năm 1975, Kontum sụp đổ cùng với miền Nam Việt Nam. Thứ Năm Tuần Thánh năm 1975, Đức cha Seitz tấn phong giám mục một linh mục người Việt kế vị: Đức cha Alexis Phạm Văn Lộc. Ngày 12 tháng 08 năm 1975, ngài và các vị thừa sai được mời tới dự buổi họp tại Chu-Pao, một ngôi làng cách Kontum 12 cây số; và ở đó các ngài được lệnh phải rời Việt Nam trong vòng 74 tiếng đồng hồ. Ngày 15 tháng 08 năm 1975, tất các các linh mục thừa sai được hộ tống chặt chẽ tới Sàigòn và đáp máy bay về Pháp.
Từ chủng viện ở đường Rue du Bac (Pháp), Đức cha Seitz đã kể lại những thảm cảnh ngài đã sống qua trên báo chí, truyền hình và tại nhiều buổi thuyết trình. Có lúc ngài bị đối xử như một kẻ gây rối, và phải đối đầu với rất nhiều kẻ bài bác, phản đối ngài. Ngài nói chuyện với Hội đồng giám mục Đức và Ý. Ngài biên soạn các sách như “Những Con Nguời Đứng Thẳng”, “Thời Điểm Của Những Con Chó Câm”. Ngài luôn giữ liên lạc với giáo phận của ngài, ngài coi sóc những học sinh người Thượng đang học ở Pháp. Ngày 02 tháng 10 năm 1976, ngài nộp đơn từ chức Giám mục giáo phận Kontum. Ngày 26 tháng 06 năm 1982, ngài được hưởng một niềm vui lớn lần cuối đến với ngài. Đó là trong ngôi nhà nguyện của Chủng viện Thừa sai Paris, ngài phong chức linh mục cho hai chủng sinh thuộc giáo phận cũ của ngài: một cha người Việt và một cha người Bahnar. Ngài qua đời tại nhà thương Val-de-Grace ngày 24 tháng 2 năm 1984.

-----------------------------------
 Nguồn tiểu sử: Văn khố MEP
Trích từ tập: "Các Linh Mục Thừa Sai Hải Ngoại Paris
Đã Phục Vụ Giáo Phận Kon Tum (1850-1975),
Phêrô Lê Minh Sơn, Kon Tum 08/2017, trang 246-251. 


MỘT SỐ HÌNH ẢNH KỶ NIỆM

GIA ĐÌNH TÊRÊXA








 CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANO II







Minh Quy - Pat Roberts' Hospital - Kon Tum 1966/67
Nhà thương Minh Quý 1966/67

Minh Quy - Pat Roberts' Hospital - Kon Tum 1966/67 - Photo by Will Miller
Nhà thương Minh Quý 1966/67
Ảnh: Will Miller

Minh Quy - Pat Roberts' Hospital - Kon Tum 1966/67 - Photo by Will Miller
Nhà thương Minh Quý 1966/67
Ảnh: Will Miller

Minh Quy - Pat Roberts' Hospital - Kon Tum 1966/67 - Photo by Will Miller
Nhà thương Minh Quý 1966/67
Ảnh: Will Miller

Ảnh: Minh Sơn sưu tầm

-------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét