Lê Tuấn Đạt
Giảng viên trường quân sự Hải Dương
Tạp chí “Nghiên cứu tôn giáo”, vol. 12, số 11, năm 2010
tr. 18-24
Dẫn nhập
Trước Công đổng Vatican II, đặc biệt, trong giai đoạn cấm đạo gay gắt dưới thời nhà Nguyễn, dư luận rất phổ biến: theo đạo bỏ ông bà, quay lưng lại với truyền thống dân tộc. Các nhà nho xưa cùng vua chúa lên án đạo một cách gay gắt. Công giáo bị ool là thứ tả đạo dị đoan mê hoặc lòng người'', người Công giáo bị coi là “dữu dân'', một thứ cỏ lồng vực hại lúa. Đọc Đại Nam thực lục - Quốc sử quán nhà Nguyễn, ta sẽ thấy rất nhiều những lời lẽ như vậy. Sự công kích tập trung vào vấn đề văn hóa, trong đó nhiều nhất là về đạo hiếu. Minh Mạng từng dụ bộ hình:
“Kể ra lương tri, lương năng người ta ai cũng có, thế mà không thờ cha mình là cha, lại coi người Tây dương làm cha, không đi thờ tổ mình làm tổ mà lại đi thờ đạo giáo Tây dương làm tổ, không biết cúng thờ thần minh, khi cúng tổ tiên nữa; như thường gọi là hiếu được ư?''(l).
Vua Tự Đức, một người được đánh giá là “uyên bác bậc nhất thời đó'', một môn đồ nồng nhiệt đối với Khổng giáo'' viết hẳn một tác phẩm có tên “Đạo biện” đề cao Nho giáo, bài bác các tôn giáo khác trong đó có đạo Thiên Chúa. Trong tác phẩm, Tự Đức có lúc lớn tiếng:
“Năm đời đế, ba đời vương của ta là bậc đại thánh sinh tri, nối đời dựng lên khuôn phép. Tất cả mọi việc đều theo ý trời để vạch ra đường lối trị dân. Còn như Gia tô là hạng người nào mà dám cho mình là Thiên Chúa?''(2).
Sự ác cảm và thiếu hiểu biết về Công giáo đối với vua chúa còn vậy, thì đối với người dân hiển nhiên còn đi xa hơn nữa. Sau này, có ý kiến trách vua quan nhà Nguyễn quá bảo thủ, tự tôn dẫn đến những sai lầm đáng tiếc trong cấm dạo. Cũng có ý kiến trách các giáo sĩ truyền giáo đã thiếu hội nhập văn hóa. Nhưng dù thế nào, thì sự thật là, cho đến những năm nửa dầu thế kỉ XX, vấn đề đạo hiếu của người Công giáo xem ra vẫn là vấn đề được nhắc tới trong đồng bào bên lương. Simon Chính (linh mục giáo phận Qui Nhơn), tác giả sách “Hiếu kính cha mẹ”, một cuốn sách có lẽ là duy nhất thời bấy giờ biện luận riêng về đạo hiếu của người Công giáo, trong phần tiểu dẫn đã viết:
“Nói theo đạo ông bà, ý là khoe bên lương có hiếu, chê bên giáo không có hiếu. Nên đây phải kể tắt việc hiếu bên giáo, việc hiếu bên lương, cho ai nấy coi xét, hầu so sánh với nhau cho biết đàng nào phải, đàng nào quấy''(3).
Với một thái độ khách quan hơn sau gần một thế kỉ nhìn lại, bài viết này góp phần tìm hiểu quan niệm của người Công giáo về đạo hiếu trên cơ sở các sách giáo lí đầu thế kỉ XX.
Vấn đề đạo hiếu trong sách giáo lí
Khác với suy nghĩ lâu nay cho rằng cha mẹ phải ở với con cái thế nào sách giáo lí Công giáo chủ yếu trình bày Về tín lí, bí tích, kinh bổn mà người Công giáo phải nắm bắt và tuân giữ nhằm đào luyện trở thành người Kitô hữu thuần khiết với cách sống đạo nhiệt thành trong vòng lễ nghi chặt chẽ, quy củ và dày đặc. Ngược lại, với tính chất của một tôn giáo luân lí nên trong các sách giáo lí vấn đề luân lí, đạo đức được bàn đến rất nhiều và cụ thể. Trong phần lớn các sách việc cắt nghĩa về luật nhân đức, l0 giới răn chiếm tỷ trọng quan trọng. Cuốn “Công giáo khoa tổng lược phụ trích Bắc Kỳ dân luật 1931” trong khi “quảng nghĩa” luân lí Công giáo đã kết hợp giải thích những điều khoản tương ứng trong bộ luật dân sự của Bắc Kỳ nhằm làm cho người Công giáo vừa hiểu luật đạo vừa thông luật đời.
Với riêng vấn đề đạo hiếu, được Thiên Chúa phán truyền trong giới răn thứ tư và đây cũng là giới răn đứng đầu trong 7 giới răn trong mối tương quan với tha nhân. Với người Công giáo đây là giới luật quan trọng vì, như “Hiếu kính cha mẹ” lí giải:
“Và luật hiếu kính là luật rất trọng, rất cần, vì trong lo điều răn Chúa truyền, đầu hết dạy việc thờ phượng Đức Chúa Trời, đoạn liền dạy việc thảo kính cha mẹ trước hết các việc khác; lại trong bổn phận làm người, thì trung hiếu là cần hơn hết. Vì hễ biết chương cha, kính mẹ, thì mới biết thờ Chúa phụ vua. Người chẳng có hai sự ấy thì ra như thú vật” (4).
Đi vào nội dung cụ thể giới răn này, các sách giáo lí “quảng nghĩa'' không dừng lại ở mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ. Tiêu biểu là cuốn “thánh giáo yếu lí tam giải” đưa ra 5 điều:
1. Kẻ làm con phải ở với cha mẹ, và cha mẹ phải ở với con cái thế nào
2. Kẻ bề trên cùng kẻ bề dưới phải ở với nhau ra làm sao
3. Thầy và trò phải ăn ở cùng nhau thế nào
4. Chủ nhà và đầy tớ
5. Vợ chồng phải ở với nhau làm sao? (5)
Một số cuốn khác, như cuốn “‘Công giáo luân lí khoa tổng lược’ phụ trích Bắc Kỳ dân luật 1931'' còn đưa vào đó mối quan hệ giữa “thầy cả cùng bổn đạo, và cha mẹ đỡ đầu cùng con thiêng liêng''. Sở dĩ như thế là vì, theo Công giáo, con người gồm có hai phần thể xác và linh hồn. Phần xác được cha mẹ chăm nom, vua, thầy quản lí, dạy dỗ thì phần hồn cũng cần người hướng dẫn.
“Quân, sư cũng là thay mặt Thiên Chúa mà làm chủ giữ trật tự hòa bình cho dân khỏi loạn. Nhưng người đời cần phải có một quân sư thiêng liêng nữa nghĩa là có kẻ làm chủ phần hồn, chỉ dẫn dạy bảo trọng việc lương tâm, đối với linh hồn mình, linh hồn kẻ khác, đối với Thiên Chúa, mà những việc ấy vua, thầy thế gian không rõ, không lo đến được”(6).
Như vậy, giới răn thứ tư được lí giải rất rộng, bao gồm các mối quan hệ, ứng xử bề bậc trong gia đình, xã hội, các mối quan hệ như chúng ta đều thấy có trong ngũ luân của Nho giáo.
Tại sao phải giữ đạo hiếu?
Mặc dù phạm vi giới răn thứ tư rất rộng, nhưng bài viết này chỉ bàn đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ, tức là đạo hiếu theo cách gọi thân thuộc xưa nay.
Sách giáo lí không giải thích một cách hệ thống lí do tại sao con cái phải có bổn phận với ông bà cha mẹ, phải giữ đạo hiếu, nhưng tựu trung lại thì thấy có mấy điểm sau đây:
1. Công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.
2. Là đức tính tự nhiên của con người
3. Thiên Chúa và các thánh phán truyền
4. “Cha mẹ là đấng bề trên Đức Chúa Trời đã đặt lên mà coi sóc sửa trị, dạy dỗ mình về đàng lành thay mặt Người''
Điều thứ nhất được cắt nghĩa phổ biến trong các sách giáo lí, nhưng sâu sắc, xúc động nhất lại là trong“Phép giảng 8 ngày” của giáo sĩ Alexandre de Rhodes thế kí XVII, một trong những cuốn giáo lí sớm nhất. Sách viết:
“Ví chúng ta có cha mẹ thì mới được thân xác thịt này sinh ra mà chớ. Song lẽ linh hồn ta chẳng phải cha mẹ mà ra đâu. Ta chịu ơn mẹ vì có chịu thai, mà ta ở trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ta, đoạn ba năm bú mớm: có khi thì mẹ cắt của mình ăn mà cho con ăn: cũng có khi mẹ ăn miếng đắng, mà miếng ngon mẹ để dành cho con: lại có khi mẹ nằm chốn ướt, mà chốn ráo để cho con nằm. Cha đẻ con đoạn thì lo việc nuôi nấng, vì vậy có khi cha thức sớm chẳng ngủ, mà làm nghề nọ nghề kia, chạy xuôi chạy ngược, kiếm mà nuôi con. Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng không vâng. phép cha mẹ, thật thì có tội trọng''.
Đoạn văn trên chúng ta không khó nhận ra những câu chữ, ý tứ mà vị giám mục này lấy từ ca dao tục ngữ, chẳng hạn câu thành ngữ ''Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn''. Và, thật ngạc nhiên khi chúng ta so sánh với l0 công đức của cha mẹ mà kinh “Đại báo phụ mẫu trọng ân'' của Phật giáo nhắc tới, thấy có sự giống nhau kì lạ:
1. Chín tháng cưu mang khó nhọc
2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh
3. Nuôi con đành cam cực khổ
4. Nuốt cay mớm ngọt cho con
5. Chịu ướt nhường ráo cho con
6. Súc nước, nhai cơm cho con
7. Giặt đồ dơ bẩn cho con
8. Nhớ con khi con xa nhà
9. Có thể tạo tội vì con
10. Nhịn đói cho con được no
Biểu hiện của đạo hiếu
Đạo hiếu là gì? Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam , con người có linh hồn và thể xác, cuộc đời tại thế và cuộc đời sau khi đã khuất núi. Việc làm thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, tình thương và lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ khi còn sống cũng như lúc đã qua đời đó chính là đạo hiếu. Với người Công giáo, quan niệm về chữ hiếu cũng không có điểm gì khác biệt, theo Simon Chính thì đó “là việc chung chỉ bổn phận riêng cho con cháu phải giữ với cha mẹ ông bà, khi còn sống và khi đã qua đời''.
Lúc cha mẹ còn sống, bổn phận của con cái được sách giáo lí chỉ ra như sau:
1. Phải thương yêu cha mẹ thật lòng
2. Phải có lòng cung kính
3. Phải vâng lời chịu lụy
4. Phải giúp đỡ cha mẹ
Bốn điều trên đểu gần với luân lí, đạo đức truyền thống của dân tộc. Khác chăng là với người Công giáo thì con cháu phải năng cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp cha mẹ sống lâu, mạnh khỏe, trong khi với người lương, việc cầu xin sức khỏe và tuổi thọ cũng là việc thường thấy, chỉ có điều họ cầu xin trước bàn thờ gia tiên, cầu thánh, Phật thay vì cầu Chúa như người Công giáo.
Lúc cha mẹ qua đời, theo cách nghĩ của người Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn''. Con cái đối với cha mẹ lúc sống thế nào thì lúc chết cũng vẫn phải như vậy. Hiếu với cha mẹ lúc sống là mới chỉ làm được một phần bổn phận. Điều này có mối liên quan trực tiếp đến quan niệm truyền thống về sự thiêng liêng bất tử của linh hồn, coi cuộc đời tại thế chỉ là tạm bợ, cuộc sống sau khi chết mới là mãi mãi (sống gửi thác về). Nhưng khi thể xác mất rồi thì linh hồn về đâu? Người Việt Nam không có quan niệm rõ ràng như trong Phật giáo, Công giáo, mà chỉ đại khái giải thích sau khi thể xác mất linh hổn “về” với tổ tiên và vẫn còn có thể phù hộ độ trì cho con cháu, dõi theo từng bước đi, việc làm của con cháu. Vì thế, ở Việt Nam, hầu hết các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên đặt tại nơi trang trọng nhất, những việc trọng đại trong gia dình đều “cáo” với tổ tiên và cầu xin sự giúp đỡ. Trong con cháu có ai đó làm việc gì trái với lương tâm, đạo lí khi “thác'' rồi sẽ không dám nhìn mặt tổ tiên.
Cũng vì lẽ đó, đối với người Việt Nam , việc tang ma, việc thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã qua đời là việc rất hệ trọng (sống vì mồ vì mả không ai sống vì cả bát cơm). Người Việt Nam gọi việc tang là việc hiếu.
Cũng theo phong tục Việt Nam, từ lúc cha mẹ mất đến lúc tang ma, giỗ chạp đều phải được tiến hành tuân thủ các bước như dã được ghi trong sách Thọ Mai gia lễ, phải cúng 3 ngày, cúng 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hằng năm,v.v...
Nếu không thực hiện hay thực hiện không đúng sẽ bị làng xã chê cười, dư luận lên án, người đó sẽ mất “chỗ đứng” trong cộng đồng mang tiếng xấu không chỉ suốt đời mình mà ngay cả khi đã chết con cháu còn phải gánh chịu.
Khi tiếp xúc với văn hóa Phương Đông và Việt Nam, là tôn giáo đạo thần, Công giáo không thể dung hòa vời các tôn giáo, tín ngưỡng và các hành vi có tính chất tôn giáo, tín ngưỡng của địa phương. Không phải các giáo sĩ không biết cần phải hội nhập, thích ứng; cũng không phải họ không biết bóc tách, phân biệt rạch ròi giữa hành vi mang tính tôn giáo với hành vi có tính chất xã hội. Tuy nhiên, sự bất đồng quan điểm truyền giáo trong các giáo đoàn, sự cực đoan của một số giáo sĩ và quan điểm cứng rắn của Tòa Thánh khiến vấn đề hội nhập văn hóa trở nên khó khăn. Nhưng cũng không phải vì thế mà Phương Đông không thể gặp Phương Tây, Công giáo và văn hóa Việt Nam không có những điểm đồng nhất, nhất là khi Công giáo đến và ở lại Việt Nam, hơn nữa lại muốn phát triển ở đây.
Theo Hiếu kính cha mẹ, khi cha mẹ qua đời người con chí hiếu phải chu toàn hai việc phần xác và phần hồn.
Về phần xác, “là những việc thuộc thân thể, danh tiếng, của cải của cha mẹ''.
l. Thân thể cha mẹ là cái gốc sinh ra mình, và ngày tận thế sẽ sống lại hợp với linh hồn đời đời. Cho nên con cái phải lo làm các việc có ích cho hài cốt cha mẹ; áo sống phải cho sạch sẽ, tốt mới, xưng theo chức phận; hòm vỏ cho chắo chăn hẳn hoi, tuỳ bực giàu nghèo; mồ mả cho cao ráo, sạch sẽ, cùng ân cần tu tạo...
2. Danh tiếng cha mẹ, thì con cái phải lo giữ khi chết rồi cũng như khi còn sống: phải ân cần sự nghiệp, chỉnh đốn tánh hạnh, vưng giữ phép đạo luật đời, yêu chuộng đàng ngay nẻo chính, cho thơm danh cha mẹ, nổi tiếng ông bà. Chớ khá ở kiêu, tham, dâm, loạn, kẻo mang tiếng con nhà vô phước, mà động đến tổ tiên. Chớ làm việc bất nhơn ác đức, kẻo mắc lời rủa nộp, mà hổ danh cha mẹ. Anh em phải hoà thuận thương yêu, khuyên răn, giúp đỡ nhau, cho nên cửa nhà danh phận: ấy là tiếng tốt cho cha mẹ, chớ khá giận hờn câu chấp, chích mát lẫy bỏ nhau, thân sơ thất sở ấy là xấu với tổ tiên...
3. Của cải cha mẹ, thì con cái phải gióng theo ý lành người mà tiêu dùng, cho người được nhờ trước, mình nương nhờ sau… Phải trả nợ nần cho cha mẹ, hoặc người làm thiệt hại ai, thì mình phải đền bồi cho kẻ ấy. Người đã hứa cúng thí bao nhiêu, thì mình phải làm bấy nhiêu …” (7)
Về phần hồn, “con cái phải lo cho cha mẹ mau được hưởng phước thiên đàng. Ấy là việc trọng con cái phải lo cho cha mẹ hơn các việc khác''. Muốn làm được việc đó, nhất là đối với những bậc là cha mẹ mà mắc tội lỗi nhỏ thì càng cần phải có sự giúp đỡ của con cái nhằm đỡ phần chịu phạt nơi luyện tội qua việc cầu nguyện,công đức việc lành, công linh chịu khó.
Cầu nguyện cho cha mẹ, Công giáo cho phép được đọc kinh trong mấy ngày tang lễ, trong lễ 7 tuần (7 tuần lễ kế tiếp theo trong nhà thờ), ngày giỗ, trong lễ mi sa, trong lễ các đẳng, tháng các đẳng, trong ngày lĩnh nhận ơn bí tích, ngày tết, ngày dãy mả, ngày có việc đại sự trong nhà, trong các kinh đọc trong ngày. Đạo cấm ngặt việc tổ chức tang ma theo kiểu bên lương như lạy xác chết, tập hổn bạch, tế lễ, khâm liệm, phúng viếng, đất vàng mã, chọn mả, cải mả,v.v... Việc khóc thương khi cha mẹ qua đời, việc dãy mả tuy được hội thánh cho phép nhưng cũng tránh khóc lóc như người bên lương hay dãy mả trùng ngày nhằm tránh việc hiểu lầm bên đạo cũng giống như bên đời. Trong sách luật Công đồng Kẻ Sở (năm 1912) phần phụ lục truyền dạy “về các việc dối trá hay có mùi dối trá'' mà công đồng “vâng theo ý Công đồng Kẻ Sặt'' tổng hợp soạn thảo có hệ thống và thống nhất, đưa ra tới 12 điều phải tránh, có nhiều phong tục tập quán và cả nhưng điều kiêng cữ mê tín vốn rất phổ biến trong dân gian như xem tướng số, chọn ngày tốt xấu, chữa bệnh bằng bùa phép. Điều 11, 12 dành để nói riêng “về sự táng xác chết'', “về sự giỗ chạp''. Sau đây xin ghi lại điều 12 để bạn đọc rõ hơn quan điểm hội thánh bấy giờ.
Thờ hay là thông công với sự dối trá
l. Sự làm giỗ là việc làm mà nhớ ngày ông bà cha mẹ dã qua đời cứ ngày tháng ấy, bên đời thì cúng bái, còn bên dạo có nơi phần thì khô khan, phần thì hỗn cư với bên đời, cho nên đến dịp giỗ thì nó cũng phải cỗ bàn như kẻ ngoại đạo vậy.
2. Khi kẻ có đạo phải quy lụy nhờ vả kẻ trên, như khi cáo quan có ngày kị, ngày giỗ, thì kẻ là tổng lí nha lệ phải đến phúng giúp, nhất là môn sinh, thày có giỗ thì hay mắc hoặc lễ lạt, hoặc đóng góp hoặc ăn uống, v.v...
3. Bổn đạo cũng có xuất tiền, hay là của gì mà góp với anh em họ hàng bên thích trong chính ngày giỗ, lại có kẻ giúp làng cỗ bàn nấu nướng cho người ta cúng và ăn của cúng ấy nữa.
4. Trong bổn đạo mới, khi anh em bỏ tiền để làm giỗ và cải táng cha mẹ, thì nó cũng đóng, vì sợ lôi thôi hay mất lòng anh em mình.
Không xứng
5. Có nơi ngày giỗ cũng làm mấy cỗ để trên giường cao, rồi mời anh em họ đương thân thích đến, hai bên nam nữ quỳ gối trông lên mâm cỗ, đọc kinh nguyện giỗ, rồi đem xuống ăn với nhau (8).
Những vấn đề nêu trên không phải đến Công đồng Kẻ Sở mới có, mà đã được nói tới rất nhiều trong các thư luân lưu trước đó khi thực hiện các sắc chỉ của Tòa Thánh về cấm nghi lễ Phương Đông, công đồng chỉ làm cái việc là nhắc lại cho bổn đạo phải giữ. Bối cảnh đó cũng dễ hiểu tại sao tình cảm lương giáo một giai đoạn dài trong lịch sử lại có sự xa cách đến vậy, và tại sao người bên lương lại coi theo đạo là bỏ ông bà.
Nhận xét
l. Có một thực tế là quá trình truyền giáo ở Việt Nam, để rao giảng tin mừng, các giáo sĩ ngoại quốc phải học ngôn ngữ Việt Nam, phải hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Nhiều vị có sự hiểu biết rất sâu sắc và thành thạo trong ngôn ngữ. Quá trình tiếp xúc đó chữ quốc ngữ ra đời và nhiều sách giáo lí được soạn bằng chữ quốc ngữ, đặc biệt càng về sau này sách giáo lí chữ hán chữ nôm được thay thế bằng chữ quốc nễư. Trong số Sách giáo lí chúng tôi tìm dọc, một tỉ trọng lớn là của tác giả là giáo sĩ ngoại quốc, lớn hơn số sách giáo lí do người Việt Nam soạn, cả về số lượng đầu sách và tầm vóc quy mô. Trong các sách đó, mặc dù còn có điểm này điểm khác trong cách soạn, trong cách đánh giá, nhìn nhận về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam, nhưng nhìn chung đều cho thấy sự cố gắng của họ trong việc chuyển tải tin mừng một cách đơn giản, dễ hiểu nhất cho đối tượng người Việt phần lớn ít học, mang tư duy đa thần hay nói như cách của họ là tin “cậy vào sự dị đoan''. Đặc biệt nhiều giáo sĩ có chủ trương, phương pháp phù hợp khi dùng ngay cách nghĩ, cách tư duy, sử dụng các hình thức diễn đạt truyền thống (ca dao, tục ngữ,. . ), những quan niệm có sẵn ở Việt Nam để chứng minh và giới thiệu về “đạo chính”, “phước thật''.
2. Người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc Của Nho, Phật, Đạo, đặc biệt khi Nho giáo trở thành học thuyết chính thống của giai cấp cầm quyền, đi vào thiết chế xã hội, tổ chức tông tộc với mối dây ràng buộc của tam cương ngũ thường. Vai trò của người gia trưởng trong xã hội Nho giáo được đề cao với hình ảnh đại diện là vua, thầy và cha, với đức trung, hiếu được đặt lên hàng đầu. Trong các sách của Nho giáo tấm gương trung hiếu được nhắc đến nhiều và trong ca dao tục ngữ cũng có không ít những lời răn dạy kiểu như: “Trai thời trung hiếu làm đầu...''.
Đến Việt Nam trong bối cảnh văn hóa đó, điều thuận lợi là đối với Công giáo, bên cạnh quan niệm về một Thiên Chúa siêu việt là một Thiên Chúa quan phòng như cha mẹ chăm sóc, sửa trị, thử thách con cái. Vì thế, các giáo sĩ có thể tìm thấy mối tương quan giữa tam cương ngũ thường với các giới răn và nhân đức trong đạo. Và Chúa Giêsu, bên cạnh hình ảnh cứu rỗi và sự xác tín là hình ảnh của người con chí hiếu, một tấm gương sáng về sự tin phục Đức Chúa Trời:
“Cả đời Đức Chúa Giêsu đã làm, hi sinh vì chữ hiếu. Làm theo thánh ý Đức Chúa Cha: cầu nguyện là cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha: làm trọn việc Đức Chúa Cha: vâng lời cho đến chết: tỏ Đức Chúa Cha cho thế gian biết” (9)
Trong khi giải thích sự tồn tại của Đức Chúa Trời, tác giả Simon Chính trong “Thiên Chúa luận” cũng vận dụng kiểu tư duy tông tộc để suy luận rồi khẳng định nguyên lí Thiên Chúa là “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất”. Tác giả viết:
“Giả sử không có đấng nào trước loài người ta, mà sinh ra ông nguyên tổ, thì không thể có ông nguyên tổ đặng; không có ông nguyên tổ thì cũng không ông bà cha mẹ ta; không cha mẹ ta thì cũng không có ta nữa. Mà đã có ta đây, ắt phải có đấng đã dựng nên ông nguyên tổ. Đấng dựng nên ông nguyên tổ thì ta kêu là Đức Chúa Trời” (10)
Với cách giải thích như thế người bình dân Việt Nam dễ tiếp thu và hẵn không thấy xa lạ với đạo Chúa.
3. Trong quan niệm về đạo hiếu, người Công giáo và không Công giáo đều chú trọng cả lúc cha mẹ oan sống và khi đã qua đời. Lúc cha mẹ đương sống, về bổn phận của con cái giữa hai bên cơ bản không có gì khác biệt, bởi vì xét cho cùng việc chịu ơn sinh dưỡng, trân trọng công lao của cha mẹ, ông bà, tổ tiên (thế hệ trước) là vấn đề đạo lí có tính phổ quát trong các nền văn hoá, nói như Công giáo thì đó là “bản tính tự nhiên'' của con người. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa cũng nhiều lần nói về chữ hiếu. Người dạy các bậc con cái: ''Hãy hết lòng tôn vinh cha con, và đừng quên những đau khổ của mẹ con. Hãy nhớ rằng, các ngài đã sinh ra con, con sẽ làm gì để đền ơn đáp nghĩa''(11).
Trong một bối cảnh cởi mở về văn hóa như hiện nay, những bức màn hồ nghi thần bí bao quanh người Công giáo đã được gỡ bỏ, cũng như chủ trương hội nhập văn hóa tạo cho diện mạo văn hóa Công giáo ngày càng gần gũi hơn với dân tộc, có bản sắc riêng cuốn hút những người anh em của mình vào các lễ hội, vào dịp Noel hằng năm.
Chú thích:
l. Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 2 l. Nxb. KHXH, Hà Nội, 1968, tr. l01.
2. Yoshihara Tsuboi. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và trung Hoa, Hội sử học Việt Nam xuất bản. H., 1993. tr. 198.
3. Dẫn theo Đỗ Lan Hiền. Quan điểm của Tự Đức về công giáo qua tác phẩm Đạo biện, Tạp chí Triết Học tháng 9/2001. tr. 31
4. Simon Chính. Hiếu kính cha mẹ, in lần thứ tư tại nhà in Qui Nhơn năm 1932, tr. 9, 10.
5. Linh mục Phao lô Quy, Thánh giáo yếu lí tam giải in tại Tân Định năm 1904.
6. J. M. T. Lời hằng sống, xuất bản tại Huế năm 1941, tr. 49.
7. Simon Chính. Sđd, tr. 41-43.
8. Công đồng miền Bắc Kỳ hội tại Kẻ Sở năm 1912, in lần thứ hai tại Kẻ Sở năm 1916.
9. J. M.T. Sđd, tr. 119.
10. Simon Chính. Thiên Chúa luận, in lần thứ tư tại nhà in Qui Nhơn năm 1934 tr.9
11. Giáo lí Giáo Hội Công giáo Vìệt Nam , Nxb.. Thuận Hóa, 1996, tr. 374.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét