Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

NGƯỜI GIỮ HỒN THIÊNG CHO BUÔN LÀNG

Linh Tân (Báo Bạn Đường)

Người Ba Na (nhánh Rơ Ngao) bên bờ hồ thủy điện Plei Krông rất tự hào khi nói về gia đình A Thút – ngôi nhà có đến 3 thế hệ cùng nhau góp sức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời đưa cồng chiêng đến tận trời Âu...
 

Toàn cảnh làng Đăk Wơk

Từ Tỉnh lộ 675, chạy xe máy chừng nửa giờ men theo bờ hồ thuỷ điện Plei Krông, chúng tôi đến với xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Quả đúng với tên gọi “thành phố bên hồ”, từ trên cao nhìn xuống, làng Đăk Wơk như một bức tranh với màu đỏ mái ngói xen giữa màu xanh lá cây. Chính giữa khối màu đỏ ấy nhô lên mái Nhà Rông cao vút cùng cây đa trăm tuổi... phủ bóng xuống mặt nước hồ thuỷ điện Plei Krông xanh ngắt, mênh mông. Những người Ba Na (nhánh Rơ Ngao) chất phác hiền lành niềm nở chào hỏi chúng tôi. Họ nhiệt tình đưa chúng tôi đến nhà của già làng A Thút. Ngôi nhà rộng rãi thoáng đãng, trên mảng tường màu vàng đã dày đặc bằng khen, bằng chứng nhận.

A Thút rất vui khi có khách phương xa đến thăm nhà. Ông mời chúng tôi vào phòng khách, nơi bày biện những chồng sách sang trọng, đó chính là những sản phẩm Sử thi Tây Nguyên - báu vật quốc gia ngàn đời. A Thút kể lại: Cha ông - Già A Bek sinh năm 1930 là một trong số rất ít nghệ nhân dân gian của Kon Tum. Thuở nhỏ, ông theo cha từ làng này sang làng khác để nghe cha kể Sử thi, kể ròng từ đêm này qua đêm khác, ngày này qua tháng nọ. Các Sử thi như Đam Giông, Keh kol... đã ăn vào máu thịt. A Thút có một trí nhớ tuyệt vời và sớm ý thức được việc giữ gìn và truyền bá Sử thi Tây Nguyên. Năm 1998, ông đã tham gia dự án sưu tầm Sử thi Tây Nguyên và dịch lại toàn bộ Sử thi ra tiếng Việt.

Già A Bek với những bằng khen được các cấp tặng
Nói về việc UNESCO công nhận "không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" là di sản của thế giới, khuôn mặt A Thút rạng ngời: "Hồn thiêng của làng mình đã qua tận trời Tây đấy! Mình và dân làng rất tự hào". Đó là ngày 17/6/2007 đáng nhớ! Buôn làng Đăk Wơk mở hội ăn mừng sự kiện 16 người con của làng sang tận bên kia bán cầu, giữa Thủ đô Washington (Hoa Kỳ) để biểu diễn cồng chiêng, hát sử thi, đẽo thuyền độc mộc và đan gùi... tại lễ hội Smithsonian 2007 với chủ đề "Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa". Sau đó đoàn cồng chiêng được A Thút dẫn đi biểu diễn tại hơn 140 quốc gia khác.

Nói về bộ cồng chiêng 100 tuổi  - gia bảo của dòng họ, A Thút bảo: “Bộ cồng chiêng ấy có một số phận thăng trầm”. Những năm thực dân Pháp tràn lên Tây Nguyên để vơ vét của cải, ông ngoại A Thút trước lúc dời làng tránh Pháp đã đào hầm chôn bộ chiêng. Pháp rút đi, gia đình đào bộ chiêng lên. Rồi đế quốc Mỹ xâm chiếm nước ta, bộ cồng chiêng lại được đem giấu vào hang núi sâu. Đất nước giải phóng, gia đình trở về lấy bộ chiêng quý đánh lên ngân nga trong ngày ăn mừng chiến thắng 30/4/1975.
Nghệ nhân A Thút cùng 2 sơn nữ Y Gái và Y Gyai trong vũ điệu “Rủ nhau đi hái rau rừng”

Năm 1983, gia đình rơi vào tình cảnh túng bấn bởi cả làng bị mất mùa, bà ngoại A Thút qua đời, những người trong gia tộc đòi đem bộ chiêng bán. A Thút giận lắm, phản đối quyết liệt và quyết định đem bán 3 con bò (tài sản lớn nhất của gia đình lúc đó) để giữ lại bộ chiêng quý. Một thời gian sau, gia đình A Thút dần khấm khá trở lại, ông dành dụm tiền sang Lào tìm mua thêm hai bộ chiêng quý nữa. Bộ chiêng gia bảo của dòng tộc, ông cất kỹ, chỉ lúc có hội làng quan trọng mới đem ra sử dụng. Hai bộ chiêng mua từ Lào, ông thường dùng để truyền dạy cho lớp trẻ. Nhờ tâm huyết giữ gìn và truyền bá hồn văn hóa dân tộc của A Thút, đến nay ở làng Đăk Wơk, 100% trai trẻ đều biết đánh cồng chiêng.

Con trai ông là A Thảo, giữ vai trò đội trưởng đội cồng chiêng trong các dịp lễ hội, đã cùng cha tham gia truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ. A Thảo rất mê say văn hóa truyền thống nên được A Thút truyền đạt kỹ năng diễn xướng Sử thi. A Thảo đã hứa với cha sẽ tiếp tục giữ gìn và truyền tụng hồn thiêng của dân tộc mình thông qua cồng chiêng và Sử thi. Chẳng thế mà trong đợt làng Đăk Wơk mang cồng chiêng đi “đánh” ở trời Âu, nhà A Thút có đến 3 thế hệ đi cùng là A Bek, A Thút và cháu nội A Thảo.

A Thút được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2001. Ông đã được nhân dân xã Hơ Moong tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch UBND xã gần chục năm nay. Lúc nói về công việc chính quyền, ông cũng hăng say: "Dân làng bây giờ cái bụng no rồi. Nhưng mình chưa vui vì ở xã vẫn còn một số bà con nghe theo kẻ xấu, gây ra tình trạng mê tín... Mình cố gắng rất nhiều trong việc vận động dân làng, đến nay phần lớn dân trong xã đã nhận ra được đúng sai và cũng đã dần không còn mê tín nữa".

Chia tay A Thút. Chia tay buôn làng Đăk Wơk, trong tôi vẫn còn vang vọng mãi lời ca Sử thi hùng tráng.   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét