Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

LÝ GIẢI VĂN HOÁ "HÀNG NHÁI" CỦA TRUNG QUỐC




Trung Quốc nổi tiếng với khả năng sao chép trong mọi lĩnh vực: từ túi xách, mỹ phẩm, các sản phẩm hàng hiệu, đồ điện tử và thậm chí các hệ thống cửa hàng như Ikea hay Apple. Nhưng việc nguyên cả một làng quê "được" người Trung Quốc sao chép thì quả là hiếm thấy. Điều này có cội rễ của nó.

Làng cổ Hallsatt tại Áo
Tuy nhiên đây là điều vừa diễn ra với một làng quê nước Áo vốn được UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Bản sao của nó vừa được khánh thành đầu tháng 6 tại tỉnh Quảng Đông. Cần phải nói thêm rằng sao chép và làm nhái có cội rễ sâu trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Hallsatt là một làng cổ nhỏ với 800 hộ dân, được Unesco công nhận di sản thế giới từ năm 1997 bởi giá trị kiến trúc đặc sắc cũng như những phát hiện khảo cổ thời đại đồ sắt vốn được các nhà khoa học thừa nhận từ hàng trăm năm nay. Ngôi làng này đã lo lắng khi biết tin làng bị người Trung Quốc copy giống như cách họ vẫn nhái một chiếc áo nhãn hiệu Nike tại Quảng Đông. 
Tập đoàn địa ốc Minmetals Land cho sao nguyên bản làng quê Áo cổ kính kia và bán cho những người lắm tiền nhiều của với giá 9.000 NDT cho mỗi mét vuông căn hộ (khoảng 30 triệu đồng).

Việc sao y bản chính toàn bộ ngôi làng ban đầu khiến người dân Áo ở làng Hallstatt nổi giận và kiếm tìm các biện pháp tư pháp để chống lại dự án của người Trung Quốc, nhưng cũng với thời gian họ từng bước chấp nhận và xem như đó là một hình thức quảng cáo hữu hiệu cho "bản gốc". Thậm chí Alexander Scheutz, thị trưởng của làng quê thơ mộng nhỏ bé thuộc vùng Salzhammergut này còn tới Quảng Đông tham gia lễ khánh thành làng "mới" và ký kết các văn kiện trao đổi văn hóa.
Năm 2005 chỉ có chừng 50 người Trung Quốc trong số hàng trăm nghìn du khách tới thăm Hallstatt hàng năm nhưng kể từ khi dự án "làng copy" được khởi công thì đã có thêm hàng nghìn du khách người Trung Quốc tới khám phá "làng nguyên tác" và đem lại thêm nguồn thu du lịch đáng kể cho làng quê này.

Tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) cho biết thêm là tại ngoại ô Thượng Hải có rất nhiều làng quê đặc trưng châu Âu được copy nguyên bản từ làng kiểu Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bắc Âu đến Pháp…. Tại thành phố Thiên Tân, người ta cho xây dựng hàng loạt công trình sao chép y nguyên các kiến trúc châu Âu cổ như cầu Alexandre III, đại lộ Libération với những tòa nhà y hệt Paris đầu thế kỷ 20, một dự án xây dựng sao chép nguyên bản lâu đài nổi tiếng Chambord của Pháp cũng đang được lên kết hoạch. Người Trung Quốc dường như rất ngưỡng mộ kến thúc châu Âu.

Một phái đoàn Áo vốn có mối quan hệ làm ăn với các thương gia Hồng Kong đã phát hiện ra làng "dỏm" này. Tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) nhắc lại rằng chẳng có gì khó khăn để có chụp ảnh một cách chi tiết kiến trúc của làng quê này dưới mọi góc độ khi hàng năm có tới 800.000 người tới thăm quan nơi này. Từ những ngôi bằng gỗ với kiến trúc đặc trưng cho tới những chậu hoa nhỏ treo trên ô cửa sổ và một khu hồ tuyệt đẹp với rừng cây nằm ngay cạnh làng.

Một ngôi làng di sản đó không chỉ đơn thuần là những đường nét kiến trúc mà chứa đựng cả tâm hồn bên trong, với những những câu chuyện của thời gian. Làng quê "dỏm" nằm cạnh một khu hồ nhân tạo ở tỉnh Quảng Đông dưới không khí nóng ẩm miền nhiệt đới không có điểm gì chung với làng quê cổ kính nằm trên triền núi ở nước Áo xa xôi., giống như chúng ta thăm quan bản sao của tháp Eiffel được tách rời khỏi khung cảnh Paris! Bởi vì sao chép nguyên cả một ngôi làng cổ kính tách rời khỏi khung cảnh văn hóa của nó cũng ngớ ngẩn như những đại gia mới nổi sẵn sàng bỏ ra đống tiền của để xây dựng các lâu đài tráng lệ sao chép y chang các lâu đài cổ ở Pháp.
Sao chép hay sáng chế là chủ đề ít được đặt ra khi nói chuyện với người Trung Quốc, dường như đa số người dân nước này không thấy sự khác biệt giữa hai khái niệm này.

"Chúng ta luôn tự tán tụng tứ đại phát minh của người Trung Hoa (La bàn, thuốc súng, nghề làm giấy và in ấn), nhưng với một nền văn minh lâu đời có lịch sử tới năm nghìn năm thì tôi chẳng thấy có gì để mà tự hào thái quá", Wang Fuzhong, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu tài chính của Đại học Hàng không và vũ trụ Bắc Kinh thẳng thắn nói trong một chương trình của đài truyền hình Phượng Hoàng. Rất tiếc là không nhiều người Trung Quốc có được cái nhìn tỉnh táo và thẳng thắn như ông này
Quan niệm về sao chép của người Trung Quốc

Huyền thoại về việc sáng tạo ra chữ viết được gắn liền với vua Phục Hy (cũng được tôn vinh là người sáng tạo ra mọi thứ khác như dạy dân nấu ăn, dùng lưới đánh cá, và săn bắn bằng vũ khí sắt), cũng có truyền thuyết xem đó là sáng tạo của đại quan Thương Hiệt (Cangjie) người có 2 đôi mắt (khoảng 2650 trước công nguyên).
Từ việc bắt chước các đường nét ký hiệu mà sản sinh ra hàng ngàn chữ Hán khác.

Trẻ em Trung Quốc học bắt chước đến mức thành thục các ký tự chữ Hàn bằng cách viết đi viết lại hàng ngàn lần. Nói cách khác, thư pháp dựa trên nền tảng "nghệ thuật bắt chước tài tình" những gì cha ông để lại.

Từ xa xưa các danh họa cổ điển Trung Quốc vẽ hàng chục bức tranh và sao chép một cách chi tiết bản gốc để bán kiếm tiền. Với quan niệm của người Trung Quốc thì sao chép giống bản gốc cũng là một tài năng được thừa nhận và ngợi ca. Nói cách khác, sao chép và bắt chước bén rễ sâu trong văn hóa cũng như tâm thức của người Trung Hoa.
Sáng chế làm gì?

Chuyên gia người Pháp về văn hóa Trung Hoa Cyril Javary đã lý giải tại sao ở Trung Quốc sáng tạo không phải là một cái gì đó đột phá mà chỉ là một sự xếp đặt một cách độc đáo các yếu tố có sẵn từ trước. Nghệ thuật, đặc biệt là hội họa và thơ ca là những ví dụ điển hình cho triết lý này.

Tại Trung Quốc tính "đích thực" của một đồ vật không mấy hệ trọng và việc sao chép được coi trọng không thua kém gì tìm tòi ra cái mới.

Thêm một lý giải về mặt văn hóa khác là người Trung Quốc không thấy có vấn đề gì đối với việc sao chép và bắt chước, trái lại sao chép và bắt chước được xem xem như một dạng chia sẻ (trí tuệ, công nghệ),  một kiểu tinh thần cộng đồng của Châu Á, khác hẳn với tinh thần đề cao cá nhân của người phương Tây.

Về kinh tế, quy luật thị trường đặt ra nguyên tắc muốn làm giàu cần phải sản xuất ra những thứ có thể bán chạy. Các sản phẩm của phương Tây bán rất chạy, cho nên đơn giản là người Trung Quốc cần phải sao chép chúng.

Ngoài ra cần phải thêm vào sức nặng của thứ bậc và tôn ti xã hội, một phần di sản của Khổng giáo: Tập thể luôn đứng trên cá nhân và không đánh giá cao các sáng kiến cá nhân trong hệ thống giáo dục và và chính trị.

Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng những cải cách để phát triển kinh tế đất nước, ông nhiệt liệt khuyến khích việc sao chép kỹ thuật phương Tây vốn đã được thực tế kiểm chứng. Tại các đặc khu kinh tế, các nhà máy bắt đầu sản suất các sản phẩm bán chạy mà không cần có một sáng chế cải tiến nào. Trái ngược với phương Tây, từ lâu TQ không ký kết các công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ cũng như không xây dựng hệ thống pháp luật bảo hộ trong lĩnh vực này.

TQ có được sự phát triển mạnh mẽ dựa trên việc sao chép các phương pháp sản xuất cũng như các sản phẩm phương tây. Ban đầu thì việc này không bị cấm đoán nếu không muốn nói còn được khuyến khích ngầm. Người ta sao chép các sản phẩm phương Tây mang lại thặng dư cho kinh tế quốc gia, từ những năm 1990 thế giới chứng kiến sự bùng nổ hàng nhái ở TQ.

Sản xuất hàng nhái là một lĩnh vực công nghiệp rất mạnh ở TQ, có tới 80% sản phẩm nhái tiêu thụ trên thế giới này có nguồn quốc TQ.

Theo số liệu ước tính của các nhà kinh tế, hàng nhái chiếm từ 15% đến 30% sản xuất công nghiệp quốc gia và đóng góp tới 8% GPD  và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu người lao động. Quả thực là chính phủ TQ không có nhiều lợi ích để cấm đoán việc sản xuất hàng giả.

Sao chép và bắt chước có cội rễ xa xưa trong văn hóa truyền thống cũng như tâm lý của người Trung Quốc. Việc sản xuất hàng giả hàng nhái tràn lan với sự khuyến khích ngầm của chính quyền chỉ là hình thức thể hiện hiện đại của thói quen lâu đời đó. Việc sao y bản chính cả một làng quê di sản được xếp hạng bởi UNESCO có lẽ cũng không làm nhiều người ngạc nhiên.
Nghịch lý nằm ở chỗ người Trung Quốc sẵn sàng sao chép và copy các di sản của các nước phương Tây nhưng lại không ngại ngần phá bỏ chính các di sản ngàn năm vốn rất đặc sắc của mình. Chúng ta hẳn chưa quên việc người ta đã san phẳng không thương tiếc nhiều di sản kiến trúc ở thủ đô Bắc Kinh để xây dựng các công trình phục vụ cho Thế vận hội 2008 bất chấp nhiều ý kiến phản đối của những người bảo vệ di sản văn hóa trong cũng như ngoài nước.
Nguyễn Quân (Toulouse)

Theo VietNamNet

BỞI VÌ ÁO LỤA




Một người chị chia sẻ với tôi: “Mừng quá em ạ, sinh nhật 17 tuổi, chị tặng con gái một chiếc áo lụa, có thế thôi mà con bé chỉ thích đồ jean bụi phủi ấy nữ tính hẳn ra, giống như chị có một cô con gái khác vậy”.
Áo lụa
Áo lụa
Tại sao lại không chứ? Bởi vì lụa không chỉ là một loại vải vóc đơn thuần, lụa chứa trong nó cả một trời nữ tính và huyền thoại mê hoặc. Lụa sinh ra như một quà tặng từ trời đất, từ thiên nhiên cây cỏ, từ bàn tay cần mẫn khéo léo của người dệt vải. Sẽ thiệt thòi biết bao nếu suốt cuộc đời người phụ nữ chưa từng được khoác lên mình một tấm áo lụa.
Cầm trên tay một vuông lụa, ta biết ơn con tằm, và phải học cái hạnh đẹp đẽ của con tằm. Từ “tằm kiến” đến “tằm ăn rỗi”, vòng đời ngắn ngủi trong một mùa trăng, sống nhờ chiếc lá dâu xanh, tích những mưa nắng dãi dầu của thế gian để nhả ra sợi tơ vàng óng. Dâng tặng cho đời một món quà quý giá, rồi lặng lẽ hoàn thiện một kiếp đời vẫn không quên cái nghĩa “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.
Mang trên mình một chiếc áo lụa mỏng manh, nhưng dầy và ấm làm sao công lao của những người đã làm nên vật phẩm nặng nghĩa tình ấy. Hái dâu, chăn tằm, quay tơ, dệt lụa, những công việc tảo tần theo suốt cuộc đời một người phụ nữ nông thôn Việt Nam xưa, như trong thơ Nguyễn Bính: “Hoa đỗ ván nở mùa xuân/Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm/ Em tôi là gái mười lăm/Quét sân chạy chợ chăn tằm sớm trưa”. 
Người con gái đáng yêu biết nhường nào vì “Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già/ Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ làng xa” mà khi cất bước sang ngang, vẫn nặng lòng thủ thỉ: “Em ơi, em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương”.
Phụ nữ Việt không phải ngẫu nhiên mà ví đời mình với lụa, “Thân em như tấm lụa đào/Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Nghe thương thương làm sao nỗi lòng của những hạt mưa sa khi mọi yêu ái, buồn khổ cứ phải nương theo tay người. Bao nhiêu thế kỷ đã qua, mà lời hát buồn của tấm lụa đào cứ còn vương vấn mãi. 
Người sành sỏi xem việc dùng lụa là một thú chơi, người tinh đời là người chạm tay vào mặt vải đã phải nhận ra đâu là tơ loại thượng, loại trung, loại hạ. Ở miền Bắc, tơ mùa lạnh được chuộng hơn tờ mùa nực, bởi tằm, bởi lá dâu theo thời khí ôn hòa mà mỡ màng hơn. Sợi tơ bóng bẩy, không sùi lông, trị số tơ phải đều mới cho sợi tốt. Lạc vào thế giới của lụa, phải biết nhìn ra đâu là lụa vân, lụa hoa, lụa trơn, gấm ngũ, gấm hồng, gấm vàng, đâu là the, sa, đoạn, lĩnh, vóc, đũi, sa tanh để mà tùy y chọn vải.
Áo lụa
Áo lụa
Thời xưa, thứ quý giá như lụa vân trơn mướt mát tay chuyên dùng để làm cho con gái nhà quyền quý áo xống thướt tha, còn vải đũi cho con gái nhà nghèo may chiếc váy đũi, chiếc yếm sồi, chiếc quần nái đen, thô dày một chút nhưng “ăn chắc mặc bền”.
Vì lụa mà tay tiên múa khúc họa đồ, viết nhạc, vì lụa mà nhà thơ Nguyên Sa phải thốt lên: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” và  “Guốc cao, gót nhỏ, mây vào gót/ Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ”. Hay trong thơ Nguyễn Tất Nhiên còn mãi một giấc mơ: “Đài các chân ngà ai bước khẽ/Quyện theo tà lụa cả phương Đông”.
Lụa mang theo mình bao nhiêu huyền bí, mang theo tích cổ về nàng công chúa Thiều Hoa con gái Hùng Vương, vì thương dân mà lặn lội vào rừng sâu tìm ngài kén trứng. Lụa khiến ta nhớ đến người con gái hái dâu ở Kinh Bắc, thấy xa giá nhà vua vẫn chỉ tựa gốc cỏ lan trông ra đã trở thành hoàng hậu rồi nhiếp chính của vương triều Lý. Người đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo bị bán do ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ, sưởi ấm bao nhiêu cõi lạnh lùng.
Công nghệ dệt may thời nay đem đến cho con người hàng ngàn loại vải, có cả loại vải tân tiến như vải tự làm mát, vải chống nhàu, chống cháy... Con gái thời nay có thể bị cuốn hút vì đồ jean khỏe mạnh từ một đất nước xa xôi nào đó, nhưng làm sao lại không dành một góc trong lòng mình để xuyến xao cùng lụa?
Vì lụa là hồn cốt ông bà mình, vì lụa chứa trong đó bao nhiêu những vân vi của vũ trụ không cùng. Lụa đưa mình về với thiên nhiên cỏ cây hoa lá, để mang ơn đất trời đã tặng cho con người một vật phẩm tinh túy biết nhường nào. Từng sợi tơ mong manh mà vĩnh cửu như lẽ sống, như tình đời, kéo muôn lần không đứt, vò muôn lần không tan.

Mi An  (Theo Phụ nữ Today)

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

BỨC THƯ TÌNH CỦA THIÊN CHÚA - Lm Luca BÙI VĂN THỦ



Lời tựa tập "Bức thư tình của Thiên Chúa:


"Được truyền bá Lời Chúa là một vinh dự rất cao quý!

Tập "Bức thư tình của Thiên Chúa" đến góp phần với những ai ưu tư gieo Lời Hằng Sống vào tâm hồn giới trẻ bằng điệu nhạc lờig ca.

Thực ra, đây là một số bài hát "cây nhà lá vườn" để đáp ứng nhu cầu của một xứ đạo miền rừng núi Kon Tum trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, nhưng không chịu để "Lời Chúa bị xiềng xích" (2Tm, 2,9).

Tập nhạc này đánh dấu một giai đoạn thử thách cam go về lòng tin và niềm băn khoăn phải tung gieo Lời Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nội dung gồm 4 phần:
1. Phương pháp mở Thánh Kinh.
2. Một số bài cảm hứng từ Thánh Kinh.
3. Ca sinh hoạt giáo lý: Xưng tội, Thêm sức.
4. Ca sinh hoạt giáo lý Khai tâm.

Trong quá trình biên soạn, chắc chắn không thể tránh được nhiều sai sót, mong sự thông cảm và góp ý của các bạn gần xa."

                                                   Tân Hương - Kon tum
                                                    Tháng Mân Côi 1993
                                              Linh mục Luca Bùi Văn Thủ

Xin mời nghe một số bài hát do Ca đoàn Tân Hương (5 ca đoàn) thực hiện: CĐ Thánh Tâm, CĐ Cêcilia, CĐ Mônica, CĐ Luca và CĐ Kon Harachót, vào tháng 6.2005, dịp lễ Giỗ mãn tang cha cố Luca:



(Tưởng nhớ và biết ơn cha cố Luca Bùi Văn Thủ -
L.M.S, ca đoàn giáo xứ Tân Hương-Kon Tum)

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

BIẾT ƠN VÀ NHỚ THƯƠNG CHA CỐ LUCA BÙI VĂN THỦ


BIẾT ƠN VÀ NHỚ THƯƠNG CHA CỐ LUCA BÙI VĂN THỦ
LỄ GIỖ 10 NĂM (30/06/2002 – 30/06/2012)


Linh mục Giáo phận Kon Tum
Nguyên chính xứ Tân Hương 30 năm (1972 - 2002)

Kính mời quý vị nghe một số nhạc phẩm trích trong tập “Bức thư tình của Thiên Chúa” của cố linh mục Luca Bùi Văn Thủ, được tập hợp lại vào tháng 10 năm 1993. Những nhạc phẩm này do các ca đoàn giáo xứ Tân Hương trình bày, trong đêm Ca Nguyện đêm 29/06/2005 tại Nhà thờ Tân Hương, tưởng nhớ và cầu nguyện cho cha cố Luca nhân dịp lễ giỗ Mãn Tang (giáp 03 năm) của Ngài. 

Cám ơn gia sản tinh thần Cha để lại.

(Xin lỗi quý vị, vì Zing mp3 không cho chọn giao diện khác, nên hiện tại có hình dạng "đầu lâu" không được đẹp. Tuy nhiên bấm vào đó vẫn nghe nhạc bình thường. Thật đáng tiếc! Khi có điều kiện thuận lợi sẽ trở lại với giao diện đẹp và ý nghĩa hơn. Chân thành cám ơn!)








(Còn tiếp)

(Biết ơn và nhớ thương Cha cố Luca - L.M.S giới thiệu)

TƯỞNG NHỚ CHA CỐ LUCA BÙI VĂN THỦ - LINH MỤC GIÁO PHẬN KON TUM



TƯỞNG NHỚ CHA CỐ LUCA BÙI VĂN THỦ
Linh mục Giáo phận Kon Tum
Nguyên chính xứ Tân Hương
LỄ GIỖ 10 NĂM (30/06/2002 – 30/06/2012)


"TẤT   CẢ   LÀ   ÂN   HUỆ"

Suốt 30 năm Cha Luca là Cha sở thứ 24 
của Giáo xứ Tân Hương
---***---***---***---

Thánh lễ Giỗ lần thứ 10 (2002-2012)
Cố linh mục Luca Bùi Văn Thủ
Được cử hành vào lúc 17g00 ngày 30.06.2012
 Tại Thánh đường Giáo xứ Tân Hương, Kon Tum
Do Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum chủ tế.

Xin giúp lời cầu nguyện cho cha cố Luca 
được hưởng Nhan thánh Chúa.

1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ :

Cố Linh mục Luca Bùi Văn Thủ
Sinh ngày 21.11.1930 tại thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, Huyện Phú Xuyên, Hà Đông (Hà Tây), nay thuộc Tp. Hà Nội.
Cha: Ông Mátthia Bùi Văn Sơn
Mẹ: Bà Mônica Vũ Thị Nhàn.
Năm 11 tuổi, ngài bắt đầu bước vào hành trình Ơn Gọi :
-1941 – 1944 :  Học Probatorium Tràng Tập, Hà Nội.
-1944 – 1951 : Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên (Hà Nội).
-1951 – 1954 :  Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội (Triết học).
-1954 – 1957 :  Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long (Thần học).
-1958 – 1959 :  Giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII Hà Nội tại Ngã Sáu (Sài Gòn).
-06/06/1959   :  Thụ phong linh mục do Đức Cha Simon Hoà Hiền, tại Sài Gòn.
-1959 – 1965 :  Giáo sư Triết học, Anh văn, La ngữ tại Tiểu Chủng Viện Piô XII.
-1965 – 1970 :  Học Triết học tại đại học Sorbonne , Paris (Pháp).
-1970 – 1971 :  Học Anh văn tại Luân Đôn (Anh Quốc).
-Tháng 08/1971 :  Trở về Kon Tum.
-1971 – 1972 :  Thư ký Toà Giám Mục Kon Tum.
-1972 – 2002 :  Cha xứ Tân Hương Kon Tum.
-Ngày 30/06/2002, sau khi dâng Thánh lễ chiều Chúa nhật, đến 21h25, Cha cố Luca bị một cơn đột quỵ, và ngài đã an nghỉ trong Chúa, trước sự ngỡ ngàng, thương tiếc của toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Cha cố Luca là một người cha đạo đức, mực thước, giản dị, hết mình vì đoàn chiên. Suốt cuộc đời mục tử, ngoài thời gian đầu làm cha giáo tại Chủng Viện, trọn  quãng đời 30 năm còn lại ngài dành phục vụ cộng đoàn Tân Hương.

Giai đoạn sau năm 1975 là giai đoạn khó khăn chung của Giáo phận, mọi sinh hoạt tôn giáo đều bị đình trệ. Để củng cố và giữ vững niềm tin trong cộng đoàn, Cha cố Luca đã hăng say cổ võ học hỏi Lời Chúa: “Thánh Kinh là bức thư tình của Thiên Chúa”. Ngài tổ chức những buổi tĩnh tâm, học Kinh Thánh vào Thứ Năm và Thứ Bảy hàng tuần, thu hút hầu hết mọi thành phần trong giáo xứ. Ngài ưu tư gieo Lời Hằng Sống vào tâm hồn giới trẻ bằng điệu nhạc lời ca, sáng tác một số bài hát “cây nhà lá vườn” để đáp ứng nhu cầu của một xứ đạo miền rừng núi Kon Tum trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, nhưng không chịu để “Lời Chúa bị xiềng xích” (2 Tm 2,9). Ngài cũng chăm lo xây dựng cơ sở vật chất tại giáo xứ đựơc khang trang, phục vụ nhu cầu của cộng đoàn. Những việc ngài làm đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm tình sống đạo nhiều thế hệ giáo dân Tân Hương, và lan toả đến các giáo xứ khác trong Giáo phận.

Với 72 năm tuổi đời, 43 năm linh mục, trong đó 30 năm chính xứ Tân Hương, Cha cố Luca đã để lại một tấm gương phục vụ yêu thương, khiêm nhường, tận tụy. 10 năm đã trôi qua kể từ ngày Cha cố ra đi về với Chúa, chúng ta cầu xin Chúa thương cho ngài được hưởng phúc Quê Trời. Tưởng nhớ và biết ơn ngài, cách thiết thực nhất là cố gắng sống đạo tốt hơn, gắn bó với giáo xứ và mở rộng tấm lòng, sẵn sàng đem Lời Chúa đến với mọi người, bằng đời sống bác ái, khiêm hạ, nhiệt thành tông đồ.

2. Những hình ảnh về cuộc đời mục vụ của Cha cố Luca.
Xin bấm Play xem Video:
a. Cuộc đời mục vụ
http://www.youtube.com/watch?v=rOmZ6RdvGGE



b. Hân hoan về Nhà Cha.
http://www.youtube.com/watch?v=BVBzDUjRsa0






[Ghi ơn và tưởng nhớ Cha cố Luca.
Lê Minh Sơn, gx Tân Hương - Kon Tum]


Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

THỜI GIAN QUA MAU, NĂM THÁNG CHỜ TA


Ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch hay Tết Đoan Ngọ mang một ý nghĩa tâm linh đối với người Việt Nam và một số nước thuộc Châu Á. Và hình như ở vùng quê Tết Đoan Ngọ được tổ chức "hoành tráng" hơn ở thành phố: người ta nghỉ ngơi không làm việc, lo sắm sửa cúng bái và chuẩn bị để "ăn" Tết cũng như tổ chức vui chơi trọn cả ngày.

Gia đình tôi từ trước đến giờ không có tổ chức "ăn" Tết Đoan Ngọ. Cứ mỗi dịp đến mồng 5 tháng 5, tôi lại chậc lưỡi: "Ồ, mới đó mà đã nửa năm rồi! Nhanh quá. Thoáng chốc mà đã nửa năm, rồi chẳng bao lâu nữa sẽ cuối năm, rồi Tết tây, Tết ta...Cứ vậy, năm nào cũng vậy và thời gian cứ đi qua, đi qua...Tết Đoan Ngọ gợi cho tôi suy tư về thời gian và cuộc sống.

Cách đây khá lâu, khi bóc một tờ lịch, tình cờ tôi đọc được trên đó câu danh ngôn, ghi tên tác giả là Dương Hổ. Câu danh ngôn ngắn gọn, đơn giản nhưng khi suy nghĩ thì thật sâu sắc, chứa đựng triết lý nhân sinh. Nội dung câu triết lý như sau:
"Thời gian qua mau,
Năm tháng chờ ta". (Dương Hổ)

Phải, thời gian qua mau thật! Thấm thoát...thấm thoát...là điệp từ mà đi kèm với nó luôn luôn là luyến tiếc, hối hận. Thời gian qua mau, đừng bỏ lỡ thời gian. Khi bạn giết thời giờ, nên nhớ rằng thời giờ không sống lại! Hãy nhanh chóng hành động, bắt tay vào việc ngay kẻo không kịp. Nhanh lên đừng bỏ lỡ cơ hội. Tương lai phụ thuộc hành động của hôm nay, ngay bây giờ.v.v.

Tuy nhiên, câu tiếp theo: Năm tháng chờ ta! Phải, không có gì và không bao giờ muộn cả. Dù bạn trót bỏ lỡ thì cơ hội vẫn còn cơ hội khác. Không có gì phải buông tay hay thất vọng. Thời gian chờ ta mà! Hết hy vọng ta vẫn hy vọng. 'Thua keo này bày keo khác', không nên ngã lòng thối chí. Đứng dậy thôi, dù bạn đã lầm lỗi cỡ nào. Không có gì mà không còn kịp, không có gì mà không thể hàn gắn.v.v.

Vậy thì đâu có gì mà phải vội quá! Hấp tấp là không tốt, dễ sa bẫy. Đâu cần phải đạt mục đích bằng bất cứ giá nào, dẫu đê hèn. Nhưng cũng không nên chậm chạp quá. Lề mề, đắn đo thì chẳng bao giờ thành công điều gì. "Thời gian qua mau, năm tháng chờ ta" là biết sống chừng mực, sống tiết độ. Thái độ bình tĩnh rất cần cho người đang đi trên đường. Có bị tác động cũng không xao lãng; nếu đường đi êm xuôi thoải mái cũng không buông thả, "xả láng".

"Thời gian qua mau, năm tháng chờ ta" hoá ra là một triết lý sống khó nhất: sống tiết độ, sống 'biết người biết ta', sống chừng mực; đó là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực. 

Vài suy tư nhân ngày Tết-giữa-năm. Nhanh thật! Chẳng mấy chốc một năm nữa sẽ trôi qua. Thời gian qua nhanh mà ta chẳng làm được gì nhiều cả, và thời gian vẫn chờ đợi ta hành động, không bao giờ muộn. Đừng vội quá! Cũng đừng chậm quá!

L.M.S, 
Mồng 5 tháng 5 năm Nhâm Thìn


Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

"ĐOAN NGỌ" LÀ TẾT TA HAY TẾT TÀU ?





Lê Thái Dũng 

Cần xóa bỏ quan niệm cho rằng Tết Đoan Ngọ của Việt Nam có nguồn gốc từ Tết Đoan Ngọ của Tàu.  

Ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch là ngày Tết Đoan Ngọ - còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Đoan Dương, Trùng Ngũ, Tết giết sâu bọ, Tết giữa năm, Tết mồng năm … Đây là một trong những ngày Tết truyền thống tại một số nước châu Á như Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc. Tuy nhiên nguồn gốc, ý nghĩa thực của ngày tết này không phải ai cũng rõ .  

Theo phong tục cổ truyền Việt Nam , tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 là một trong những ngày lễ tưởng nhớ tới tổ tiên do đó trong số các vật phẩm dâng cúng không thể thiếu bánh tổ (tổ tiên) và nhiều loại bánh trái khác làm bằng các thứ gạo nếp. Đặc biệt, đây còn là ngày lễ thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam , đó là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ.

Nếu như mồng 7 tháng Giêng là ngày tế mẫu với câu ca:  

“Mồng Bảy trong tiết tháng Giêng
Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời
Anh em Bách Việt ta ơi
Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường
Ấy ngày hội tế Mẫu Vương
Người sinh nòi giống Nam phương đó mà”  

thì cứ đến gần ngày mồng 5 tháng 5 dân gian lại nhắc nhau bằng câu ca dao:  

“Tháng Năm nhớ tết Đoan Dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.

Tết Đoan Ngọ còn là ngày lễ thể hiện tính nhân văn giữa người với người, sự biết ơn của con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo nên có tục học trò đi tết thày, con rể đi tết bố mẹ vợ… Trong dân gian có câu ca dao rằng:

“ Mồng 5 ngày Tết không đáo đến cửa nhà thờ
Còn hiếu trung chi nữa mà chờ rể, con”.

Dân gian còn cho rằng vào ngày này, các loài rắn đều lẩn trốn đi hết nên mới có câu thành ngữ “ 
len lét như rắn mồng 5”.

Vì sao Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết giết sâu bọ?

Với người Việt, tết Đoan Ngọ là thời điểm giữa năm, thời tiết chuyển mùa nên dễ sinh bệnh dịch, do đó có các nghi thức trừ tà, tránh bệnh như tắm nước lá mùi, treo cây ngải cứu trừ ma quỷ, đeo "bùa tui bùa túi", nhuộm móng tay, móng chân rồi uống các nước giải độc (nấu từ lá ích mẫu, vối, cối xay, gừng…), uống rượu xương bồ, ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết… Cho nên tết này còn gọi là Tết giết sâu bọ, là một nghi thức nhằm cân bằng âm dương.

Một số nghi thức trong tết Đoan Ngọ của người Việt cũng mang dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, có thể thấy qua một số tục lệ như tục khảo cây lấy quả được tiến hành đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa). Một người leo lên cây, một người đứng dưới gốc cầm dao tra hỏi tại sao cây ra ít quả (hoặc không ra quả), nếu cứ như vậy sẽ bị chặt hạ.Người trên cây giả giọng van xin, hứa trong mùa tới sẽ ra thật nhiều quả. Sau đó người ở dưới hỏi số lượng quả mà cây sẽ sinh trưởng, người phía trên đại diện cho cây trả lời nhiều hay ít tùy theo loại cây và ước vọng của người trồng…


Đoan Ngọ là tết Ta :
Cho đến nay nhiều người vẫn nhầm lẫn Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc và xuất phát từ việc tưởng nhớ đến cái chết của Khuất Nguyên, một vị quan của nước Sở cách đây hơn 2.000 năm. Chính vì thế mà nhà thơ trào phúng Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ) từng viết rằng:

Cái cụ Khuất bên Tàu
Chết từ hồi tam tổ
Có quan hệ gì ta
Mà sao phải ăn giỗ
Mồng 5 khỏe ăn càn
Mồng 6 ốm nhăn nhó
Có lỡ chết bỏ đời
Thì lại cho tại số”.

Ngay người Trung Quốc đến nay vẫn chưa thống nhất trong việc giải thích nguồn gốc của ngày tết này, có người cho rằng một số lễ tết của Trung Quốc như mồng 2/2 âm lịch (Lễ Đầu Rồng), mồng 5/5 (Tết Đoan Ngọ)… liên quan đến sự sùng bái thiên văn thời nguyên thủy. Cụ thể là chòm sao Thương long, vào ngày hạ chí mọc ở chính nam (thuộc dương vị) nên có tục tế Thương long, đây là phát khởi của Tết Đoan Ngọ. Theo sách “ 
Các ngày lễ tết và sự bắt nguồn của các ngày lễ tết ở Trung Quốc” cho biết, trước thời Tần, Hán thì ngày Tết Đoan Ngọ không cố định vào ngày mồng 5/5 mà vào ngày hạ chí, ngày dương khí cực thịnh nên còn được gọi là Tết Đoan Dương…  

Gọi là Tết Đoan Ngọ vì ngày hôm đấy chuôi sao Đẩu chỉ ngay vào phương Ngọ cho nên gọi là ngày Đoan Ngọ (chính Ngọ).

Thực ra Tết Đoan Ngọ có từ trước khi xảy ra câu chuyện của Khuất Nguyên, và xuất phát từ văn hóa của cộng đồng người Bách Việt cổ mà người Lạc Việt, tổ tiên của chúng ta là một bộ phận cấu thành của cộng đồng đó.Chúng ta có thể thấy được điều này từ chính tên gọi của Tết Đoan Ngọ. “Đoan” nghĩa là “nhất”, “Ngọ” được hiểu giữa trưa vì thế Tết Đoan Ngọ thường được cử hành vào giữa trưa. Nếu theo thuyết âm dương ngũ hành thì nước ta nằm ở phương Nam, vùng đất nóng nên “Ngọ” được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa và trong một ngày thì dương khí cao nhất là giờ Ngọ (thời điểm giữa ngày); trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong một năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng giữa năm, tức tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ, đây chính là thời điểm giữa năm vì thế trong dân gian nó còn được gọi là Tết giữa năm. 

Điều thú vị là nếu xét theo âm lịch mà Việt Nam, Trung Quốc… vẫn đang sử dụng như hiện nay thì giữa năm phải là một ngày của tháng 6 âm lịch chứ không thể ngày là ngày mồng 5 tháng 5 được. Vì vậy nguồn gốc của ngày giữa năm mồng 5 tháng 5 chính là theo một loại lịch cổ của người Bách Việt được xây dựng trên cơ sở văn hóa nông nghiệp. Điều này hiện vẫn để lại một số dấu tích như qua cách gọi tên tháng (Một, Chạp, Giêng, Hai…), hay những từ chỉ ngày đầu tháng là “mồng” (mồng một, mồng hai…), ngày giữa tháng là “rằm” (gần âm với ngôn ngữ một số dân tộc như “ranam” (tiếng Chăm), “sạc klam” (Khmer), “Klam” (Bana)… đều chỉ ngày có đêm trăng sáng nhất).

Lịch cổ của người Bách Việt còn thể hiện qua cách gọi bằng hệ đếm can chi. Trái với những suy nghĩ quen thuộc cho rằng hệ can chi có nguồn gốc từ Trung Quốc, nó lại có nguồn gốc từ phương nam nông nghiệp. Tên gọi các con vật (hệ chi) trong tiếng Hán chỉ là từ phiên âm của những từ trong nền văn hóa phương nam. Ví dụ trong tiếng Chứt, tiếng Mường (những ngôn ngữ gần với tiếng Việt nhất) “sửu” được gọi là “klưu”, “tlưu”… Nếu một ngày được bắt đầu từ giờ Tý (từ 23 đêm đến 1 giờ sáng) là thời điểm lạnh nhất và đến giờ Ngọ (giữa ngày) là thời điểm nóng nhất thì theo lịch cổ của người Bách Việt một năm bắt đầu từ tháng Tý (tháng lạnh nhất) và đến giữa năm là tháng Ngọ (tháng nóng nhất). Nóng là thuộc về dương nên Tết Đoan Ngọ được gọi là Đoan Dương (tết cực nóng).

Tháng Tý được nhắc đến ở trên là ứng vào tháng 11 theo âm lịch mà chúng ta hiện nay đang sử dụng. Nhưng nếu theo cách tính loại lịch của người Bách Việt thì tháng này gọi là tháng Một, tháng 12 âm lịch gọi là tháng Chạp, tháng 1 âm lịch gọi là tháng Giêng… Cách gọi này của người Việt cổ vẫn còn được sử dụng trong dân gian và theo cách tính của loại lịch này thì ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5/5 mới đúng là ngày giữa năm, ngày nóng nhất trong năm.

Nếu theo cách tính của âm lịch mà chúng ta và một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang dùng hiện nay thì tháng đầu năm là tháng Dần (tháng 1 âm lịch). Như vậy đến giữa năm phải là tháng Mùi (tháng 6 âm lịch) chứ không phải là tháng Ngọ như lịch của người Bách Việt. Do đó nói Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ văn minh Bách Việt mới chính xác.

Cách tính năm theo lịch cổ của người Bách Việt còn lưu lại dấu vết ít nhiều cho đến thời kỳ sau này. Ví dụ theo sách 
Đại Nam nhất thống chí thì đến đầu thế kỷ XIX người dân ở Bất Bạt (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội), Mỹ Lương (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội) “hàng năm lấy tháng 11 làm tháng đầu năm, hằng tháng lấy ngày mồng 2 làm ngày đầu tháng, gọi là tháng lui, ngày tiến”. Một số dân tộc ít người cũng theo cách tích lịch cổ xưa, như theo lịch của đồng bào Khơ Mú, năm mới bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, sớm hơn năm mới của người Việt 2 tháng… Đó chính là những dấu vết còn lại của hệ thống lịch của cộng đồng người Bách Việt. Có theo cách tính này thì mới có thể thấy rõ được nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ, Tết giữa năm, Tết nóng nhất…

Tết Đoan Ngọ Trung Quốc với truyền thuyết Khuất Nguyên :  

Ngày xưa, lúc ban đầu, ngày Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết hạ vì oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an. Về sau này, để thêm ý nghĩa, người ta lấy ngày đó làm ngày kỉ niệm Khuất Nguyên và các thầy thuốc cũng nhân ngày đó để kỉ niệm hai chàng Nguyễn Triệu và Lưu Thần vào núi Thiên Thai hái thuốc.

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả hai bài thơ Ly tao và Sở từ, nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước. Do can ngăn vua Hoài Vương không được,lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh,lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Tết Đoan Ngọ ngày nay, qua mọi biến đổi của thời cuộc vẫn tồn tại trong nhân dân với ý nghĩa thiết thực và thiêng liêng của nó. Ăn Tết Đoan Ngọ, chúng ta cần tìm hiểu giá trị và tinh thần của ngày Tết này...  
Tuy nhiên cần xóa bỏ quan niệm cho rằng Tết Đoan Ngọ của Việt Nam có nguồn gốc từ Tết Đoan Ngọ của Tàu.

(Theo bee.net)