Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

1 VÀ 99: KHOẢNG CÁCH CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?


Tác giả: LAN ANH (TBKTSG)

Khi nhìn những hình ảnh này, tôi thường nhớ đến bài học chính trị năm lớp 10. Một thời chúng ta được dạy để tin vào sự bình đẳng trong xã hội, khi tất cả mọi người trong xã hội đều như nhau. Nhưng lịch sử dường như đã và đang diễn ra không theo bài học tôi được học. Việt Nam mở cửa với nền kinh tế thị trường, thay đổi chóng mặt trong vòng hơn 20 năm qua. Đi kèm với những đổi thay đó là khoảng cách ngày một lớn giữa các tầng lớp có thu nhập khác nhau trong xã hội. Điều đáng nói là, câu chuyện của Việt Nam cũng là câu chuyện chung của thế giới, của cả những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc. Liệu khoảng cách giàu nghèo có phải là một mối đe dọa đến an ninh xã hội, hay là một hiện tượng hiển nhiên?
Phong trào "Chiếm phố Wall" nở rộ ở các thành phố lớn của Mỹ kể từ hồi tháng 9-2011 được coi như là một "cuộc chiến giai cấp" đang nổ ra trong lòng xã hội Mỹ. "99% chúng ta" - tức là đa số dân cư trong xã hội, chống lại "1% chúng nó", những người có thu nhập cao nhất xã hội, được cho là nắm đa số tài sản xã hội trong khi phần đông còn lại không có gì. Những người biểu tình tự cho là đại diện cho 99% không có yêu sách gì cụ thể, nhưng thành công thấy rõ của họ là bày tỏ được nỗi bất bình đang ngày càng tăng lên trong xã hội Mỹ, vào thời điểm nền kinh tế sa sút, khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều gia đình nợ nần chồng chất.
Mặc dù vậy, 1 và 99 có thể là những con số mang tính ước lệ để gây ấn tượng hơn là chính xác. Không có những thống kê chính xác để chứng minh rằng 1% dân số là những người giàu nhất ở Mỹ đang nắm 99% của cải trong xã hội. Theo một kết quả điều tra về giới giàu có của nước Mỹ do Harrison Group và American Express Publishing công bố, những người giàu nhất ở Mỹ được xác định là có khoảng 668.000 hộ gia đình, chiếm 0,6% dân số, với thu nhập trung bình trên 950.000 đô la/năm và tài sản trung bình khoảng 4,5 triệu đô la. Còn theo danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn, người giàu nhất là Bill Gates với 59 tỉ đô la, và người "nghèo" nhất danh sách này có tài sản trên 1 tỉ đô la. Bốn trăm người giàu nhất Mỹ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ - 0,0000013% trong tổng dân số Mỹ.
Chưa biết chắc "1% chúng nó" có nắm hết 99% tài sản hay không, nhưng nhìn cách họ tiêu xài là "99% chúng mình" thấy bực mình rồi. Doanh số bán các loại xe đắt tiền như Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini, Porsche và Maybach trên toàn thế giới có giảm một chút vào năm 2007 nhưng từ đó đến nay liên tục tăng. Tình hình kinh tế tuy có khó khăn sa sút, nhưng chi tiêu của giới giàu có không hề sụt giảm. Theo một nghiên cứu thị trường của Bain & Company và hiệp hội hàng xa xỉ Ý Fondazione Altagamma, trong năm 2010, doanh số bán hàng xa xỉ ở Mỹ tăng 12%, ở châu Âu tăng 6%, châu Á tăng 22% và Trung Quốc tăng 30%.
Nói đến khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội, Trung Quốc có thể coi là một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn. Tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc ở quốc gia này trong thời gian qua đã đi kèm với sự trỗi dậy của giới tư bản tư nhân. Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc được cho là cao hơn cả Mỹ, với chỉ số bất bình đẳng ở mức 0,47 (mức 0 là hoàn toàn bình đẳng, và mức 1 là cực kỳ bất bình đẳng). Khoảng 50,3% dân số Trung Quốc (khoảng 674 triệu người) sống ở khu vực nông thôn, có thu nhập trung bình trong năm 2010 ở mức 898 đô la/người, chưa bằng một phần ba mức thu nhập trung bình của người sống ở khu vực thành thị (2.900 đô la/người).
Ảnh minh họa
Tổng số người thuộc diện chính sách nghèo đói ở Trung Quốc hiện vào khoảng 128 triệu người, tức là khoảng trên 13% dân số nước này. Cùng lúc, Trung Quốc là nơi có nhiều người giàu mới nhất thế giới. Tuy tổng số tỉ phú ở nước này ở mức 115 người năm 2011, còn thấp hơn nước Mỹ, nhưng Trung Quốc lại có nhiều tỉ phú mới nhất, 54 tỉ phú "mới ra lò" trong năm ngoái, theo danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Như đã dẫn các số liệu ở trên, Trung Quốc hiện là thị trường hấp dẫn nhất đối với các công ty hàng xa xỉ vì những nhà giàu mới nổi không ngại chi tiêu, hưởng thụ những gì được coi là tốt nhất, đắt nhất.
Ở Việt Nam, câu chuyện phổ biến nhất cho khoảng cách này có lẽ vẫn còn là chuyện về tô phở bò có giá gần 1 triệu đồng ở Hà Nội, gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2011. Một triệu đồng, hay 50 đô la, có thể không phải là một khoản chi tiêu lớn với nhiều người, nhưng đã bằng nửa tháng lương tối thiểu của một công nhân may ở Bình Dương. Câu chuyện được kể vào thời "bão giá" khi những người thu nhập thấp phải vật lộn với giá cả leo thang gây ra nhiều tâm trạng bất bình trong xã hội. Nhưng cùng lúc, báo chí "lá cải" với nhan nhản các tin tức về đại gia đi xe "khủng", người đẹp chân dài xài đồ hiệu... dường như đã giúp cho công chúng làm quen và chấp nhập cái khoảng cách đang ngày càng gia tăng ấy. Cô diễn viên Lý Nhã Kỳ không ngần ngại khoe chiếc váy Alexandra McQueen giá 40.000 đô la, một điều cũng trở nên bình thường như một người bán hàng rong đi qua cửa tiệm Louis Vuitton, biết hay không biết chiếc túi treo trong tiệm có thể trị giá bằng thu nhập cả sự nghiệp bán hàng rong của mình. Giàu nghèo là chuyện của muôn đời. Tại sao cái khoảng cách đang tăng lên ấy phải khiến chúng ta suy nghĩ?
Kinh tế thị trường đi kèm với cơ hội kinh tế cho mọi người, trong đó sẽ có người thành công và có người không. Sẽ có những người làm ông chủ, và có người làm nghề phục vụ. Điều đáng quan tâm, không phải là có một khoảng cách tồn tại giữa những tầng lớp thu nhập khác nhau, mà là khoảng cách ấy được tạo ra như thế nào, và liệu thể chế xã hội có đảm bảo được sự phát triển cân bằng không, khi sự bất bình đẳng trở nên quá lớn? Steve Jobs, khi còn sống, nằm trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ, và xứng đáng như vậy với tầm nhìn và những sản phẩm ông đã tạo ra cho thế giới. Thế nhưng có phải người giàu có nào ở Việt Nam cũng có thể tự nhận là xứng đáng với tài sản mà họ có được không? Rằng trong quá trình tích lũy tài sản, họ đã tạo ra được giá trị mới cho xã hội? Rằng họ đã chia sẻ lại cho xã hội một phần những gì họ giành được?
Ý tưởng về một xã hội hoàn toàn bình đẳng trong bài học lớp 10 dường như còn xa xôi. Nhưng khi chứng kiến đám đông những người biểu tình "Chiếm phố Wall" ở Mỹ, ít nhất người viết bài này thấy một mong muốn chung: mong muốn một xã hội mà ai cũng có cơ hội bình đẳng để vươn lên.
Theo TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét