Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

KONTUM QUÊ TÔI ( Lan man chuyện GIÀ LÀNG)


Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của Già Làng Y Chang. Già Làng Y Chang là bút danh của Nguyễn Vạn Sự, một người con gốc Kon Tum, hiện sống tại Mỹ.




GìÀ LANG Y CHANG
(thiếu tài dư tật)


KONTUM QUÊ TÔI
(Lan man chuyện Già Làng)

"Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay lo
Bình Định nằm co
Thừa Thiên ních hết"


Không biết mấy câu nói trên đây xuất xứ từ đâu nhưng chỗ nào Già Làng tui cũng nghe người ta nhắc đến rồi phân tách, nhận định, lật qua lật lại vấn đề, suy tư động não để cuối cùng đi đến việc nhất trí mỗi người một ý ! Có điều rõ ràng là bốn "sắc dân" chính này đã lần lượt đến Kontum lập phố chợ khiến người Thượng bung ra chung quanh để làm vòng đai an ninh và "tránh con voi không xấu cái mặt nào". Già Làng sẽ theo thứ tự của bốn câu "thai" này để đánh số đề theo "quan điểm" riêng của mình.

Người Quảng Nam đến Kontum để tiếp tục cuộc tranh cãi trường kỳ bất phân thắng bại giữa Tourane và... Đà Nẳng, giữa Phai Phô và... Hội An. Ngay cả việc "mì quảng" cũng chưa ngã ngũ nên đã đem theo đặc sản này của mình đến phổ biến và trưng cầu dân ý, nhưng không thấy ai mở tiệm cả, chỉ nấu tại gia rồi gánh đi bán vòng vòng kiểu hàng rong. Cũng không hề thấy cái xe đẩy, gõ lốc cốc như "mì gõ". Cho nên mì An Nam Quảng Nam không ăn khách bằng mì Tàu Quảng Châu kế bên tiệm bán gạo Thu Ba của nhà văn Tiểu Thu, tác giả "Tiếng Hót Vành Khuyên" mà Cậu Tư Chơi vừa mới hê lên diễn đàn của bà con mình hổm rày. Già Làng khoe riêng với Cậu Tư Chơi là tui đã có tác phẩm này với lời đề tặng của tác giả từ khuya. Nhân tiện hỏi thăm Quan Thuế Má ngày xưa có ký giấy phạt depot gạo Thu Ba về tội thiếu thuế lần nào chưa. Nếu có thi đừng có mà qua Canada khám bịnh, lỡ sa chân vào phòng mạch Bác Sĩ phu quân của Tiểu Thu thì lãnh viên "xi-a-nuya" là cái chắc. Bà hú luôn đó.


Người Quảng Ngãi không biết lo cái nỗi gì mà đưa kẹo gương, mạch nha di tản chiến lược đến Kontum quảng bá khiến dân Kontum rặt gốc Bà Na phải cà răng căng tai ráo trọi. Lại bị lây nhiễm cái bịnh "hay lo con bò trắng răng" nữa. Hồi đó chưa có nhà nước để mà no (lo.)

Dòng Dakbla gợi nhớ
Người Bình Định lên Kontum chưa quen với gió núi mưa rừng nên phải nằm co... ro vì không đem theo áo ấm mà chỉ đem bánh tráng lên để "đùm bọc" măng le chấm nước mắm é rồi nhai...đứt lưỡi luôn. Già Làng tui thuộc "chi tộc do thái" này. Trong bài viết về Bok Do vừa đăng trên ĐHKT, tác giả Lê Minh Sơn có nhắc đến tên đường Câu Tài (xin đừng lầm là Cầu Tài) tức là tên Nội Tổ của tui Câu Phủ Nguyễn Tài, người đã cùng Bok Do lên khai phá Kontum năm 1847. Bà Nội của Lê Minh Sơn (bà Câu Tin mẹ Cha Ánh) là em gái Ông Nội của Già Làng nên dù muốn dù không thì Lê Minh Sơn cũng là em họ của tui. Ngoài tình bà con ruột thịt ra, Già Làng còn rất thích "văn chương phú lục" của người em họ này.
Bánh tráng của "nẫu "
"Ai về Bình Định mà coi 
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền"

Bà Ngoại của Già Làng khá giỏi về môn này nhưng bà không dạy hai anh em tui mà lại dạy cho thằng em con ông chú là Nguyễn Sanh, sau này nó tiếp tục theo học Võ Sư Trịnh Thiếu Anh từ Bình Định lên dạy và bây giờ đã trở thành Võ Sư Thiết Trụ hiện ở Kontum, tuy già mà còn gân lắm. Lý do mà Bà Ngoại không dạy cho anh em tui vì hai đứa có cái tật khó trị là con gái nào có "má bầu nhìn lâu muốn nựng", còn con trai thì đứa mô có "mặt ngầu nhìn lâu muốn đục". Bệnh thì còn chữa trị được chớ tật thì thầy chạy luôn . Thằng em tui có tật mà có tài, còn Già Làng thì thiếu tài mà dư tật.


Người Thừa Thiên mang bún bò giò heo vào nhem thèm dân bản xứ. Nghe nói "tổ sư bà bà" của môn phái này là Mụ Rớt. Tui ghiền món này lắm. Già Làng có thể ăn ngày ba bữa, còn tắm rửa chẳng cần lần nào cũng được. Vậy mà có người còn ghiền hơn tui nữa. Như quan xe tăng Hồ Công đã thường trực đóng đô ngày đêm tại tiệm Đông Ba đường Phan Thanh Giản ngày xưa. Ngoài việc "rao giảng" bún bò giò heo hấp dẫn, người Huế còn gieo rắc giống ớt cay điếng hồn. Cay đến nỗi ớt mọi cũng bỏ chạy ngay "đuôi" luôn, chỉ có người gốc Huệ là coi như pha, cay cỡ nào cũng xơi tái hết. Có lẽ vì vậy mới có câu "Thừa Thiên ních hết".

Bún bò Huế

Trước khi nói về ớt thì Già Làng xin lạm bàn về cái "đuôi". Không phải như Cậu Ba Cẩn lúc nhỏ theo thân phụ đến Kontum lập nghiệp thấy người Thượng thắt cà vạt mà lầm tưởng là mọi có đuôi. Già Làng đã có lần giải bày trên trang web này rồi...

"Đầu trần chân đất tay cầm xà gạc
Dưới thắt cà vạt trên khoác vét tông"


Cũng giống như Kontum có nghĩa là Làng Hồ theo tiếng Bà Na vì Kon là Làng, Tum là Hồ. Tỉnh Pleiku theo tiếng Gia Rai có nghĩa là Làng Đuôi Trâu vì Plei là Làng, Ku là Đuôi Trâu. Tục truyền rằng thuở xa xưa khi tuyển lựa tộc trưởng, dân làng có lệ bắt các trai tráng lực lưỡng trong làng phải đấu võ với nhau để giành cái đuôi trâu, người nào lấy được thì dân làng cho làm tộc trưởng. Từ đó mới có tên Pleiku. Lúc ấy chưa có Già Làng này đâu. Nếu có thì Già Làng cũng không thèm giành giựt đuôi trâu làm gì. Tui chỉ thích tóc đuôi gà thôi.

"Cô kia búi tóc đuôi gà
Nắm đuôi giật lại hỏi nhà cô đâu
Nhà tôi ở trước đám dâu
Ở sau đám mía đầu cầu Dakbla"

Trở lại chuyện ớt, xin đừng nghĩ rằng chỉ có Cậu Ba Cẩn Xa Cừ (ớt Trung Lương), Cậu Tư Chơi Cầu Ba Cẳng (ớt Lương Khế) hay Cô Năm Phương Hướng (ớt Plateau GI) mà thôi nghe. Còn có những trái ớt hoa hậu Thanh, Trí, Tạo (Phương Nghĩa), Minh Hưng (Võ Lâm), Marie Lý (Tân Hương), Y La, Y Blung (Kon Hra), Hoa Mít Nghệ (Phương Hòa), Cà Ung (Ruộng Lào), Măng Rung (Plei Rơhai) v.v...Ngoài ra còn có một trái ớt hiểm cực kỳ cay ở đường Lê Thánh Tôn mà Già Làng quên tên. Hình như là "Trường" hay "Sơn" gì đó.


Ở Mỹ muốn biết về ớt thì nên tham khảo ý kiến với cặp bài trùng Tâm Hà ( Võ Sư Huỳnh Trọng Tâm và Võ Sư Thu Hà). Nghe thiên hạ đồn rằng nẫu trồng nhiều giống ớt lạ rất cay. Già Làng tui chưa có dịp thử nhưng tin chắc là cay lắm vì Thu Hà có tay trồng ớt. Cho dù... "Ớt nào là ớt chẳng cay - Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng" nhưng ớt của Thu Hà chắc phải cay hơn nhiều. Viết đến đây thì Già Lang tình cờ đọc được bài thơ "LẠNH" của Huỳnh Trong Tâm vừa gửi cho ai đó không biết. Gửi cho DNA Paris để thử nghiệm chăng ?

Giống ớt lạ của Ông Bà Huỳnh Trọng Tâm sẽ được gửi tặng bạn bè Kontum,nhưng bị ảnh hưởng thời tiết lạnh của xứ người
"Ớt chim" của Ô/Bà DS/BS/VS/CS/NS... Huỳnh Trọng Tâm

"Ớt giống đang ươm vàng
Chờ gởi sang cho bạn
Nào ngờ Đông vừa đến
Cơn gió lạnh phủ phàng
Thổi qua khu vườn nhỏ
Hoa, lá, quả tiêu tan
Nhưng bạn hiền yên chí
Hạt giống sẽ gởi sang"

Ớt Lạ

Sáng chiều tưới nước bón phân
Ớt, su hái được em dâng nhà thờ
Ai ơi xin chớ làm ngơ
Mua giùm gây quỹ nhà thờ biết ơn
Thu Hà

Bà con của Già Làng cũng có "người Việt gốc ớt" khá nhiều. Điển hình như Chú của Cha tui là Bok Phú lấy vợ người Huế họ Hà là chị của Hà Văn Lâu (Kontum), Cựu Đại Sứ Việt Nam tại Liên Hiêp Quốc đó. Đa số dòng họ của tui sống tại Làng Gò Mít (Tân Hương) có nhiếu ruộng đất ở Ruộng Lào (Tân Điền) cho nên người làng Tân Hương "ruộng" lắm chớ không "văn minh" bằng dân xóm ngoài. Dân xóm ngoài có nhà thơ Trang Y Hạ cộng tác thường xuyên với trang nhà ĐHKT, nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn, tác giả bài thơ sáng giá "Rừng Lá Thay Chưa" đã được phổ nhạc thì hầu như ai cũng mến mộ :"Anh đi rừng chưa thay lá. Anh về rừng lá thay chưa". Tác giả dùng đảo ngữ tài tình thiệt. Biết nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn đang ở Houston, TX nhưng Già Làng chưa bao giờ gặp. Mà có gặp cũng chưa chắc gì nhận ra nhau. Như hôm qua thằng Thay và thằng Vẹn có đưa Tâm ở gần Trường Lasan Kontum đến thăm mà Già Làng không tài nào nhận ra, cứ nghĩ là "con chim ngói" Cao Hoàng Định. Mấy tháng trước Lê Văn Sính (Phương Nghĩa) từ Arizona cũng về thăm. Lễ Tạ Ơn năm rồi nhà văn Ngãi Luyền (Nguyễn Lài} có ghé lại đây nhưng năm nay vắng mặt. Có lẽ người đẹp Phường Quí đã xiềng chân bằng sợi "xích thằng" chăng ? Những người Kontum mang tình đồng hương đến với nhau thiệt đáng trân quý.
Nhìn vào các trò chơi "bình dân học vụ" của xóm trong thì biết "trình độ" ngay. Lấy nhà thờ Tân Hương làm ranh giới thì hướng lên Phương Nghĩa là xóm trên, hướng xuống cầu Dakbla là xóm dưới. Chỉ vì câu "Xóm trên ăn...kên kên, xóm dưới ăn đám cưới" mà đám con gái luôn luôn rượt đuổi nhau khi vừa ra khỏi nhà thờ. Hôm nào xóm dưới mạnh thì rượt xóm trên chạy tới nhà ông Xã Ngọc mới thôi. Còn bữa nào xóm trên mạnh thì nạp xóm dưới tới nhà bà Phó Khá mới chịu tha tào. Đám con trai thì thô bạo hơn : "Phương Nghĩa là lỗ...của Tân Hương" được đáp lại là "Tân Hương gặm xương xác chết" rồi thì uýnh lộn. Mạnh rượt, yếu chạy. Mà chạy cũng không dễ gì thoát nạn đâu vì phe mạnh sẽ lấy cây đánh trống phang trúng ống quyển té lòi báng họng luôn.
Còn nhớ lúc Già Làng từ Trường TSQ Vũng Tàu về quê nghỉ hè, một buổi trưa đi ngang nhà thờ Tân Hương thấy một thiếu nữ đang vẽ, tui tò mò tới gần nhìn vào phát họa thì thấy ký tên Bé Ký. Tui ngưỡng mộ lên tiếng: "Chị vẽ nghề thiệt". Chị cười :"Ai tập vẽ cũng được mà". Tui bùi ngùi nhớ lại lớp vẽ ở trường do họa sĩ Đào Nghiệp phụ trách, Già Làng tui là người bị thầy dzớt ót nhiều nhứt. Thầy Nghiệp nóng tánh lắm, ai mà vẽ sai ý là ổng cầm cú nựng sau ót không nương tay, cho nên tui có nhiều cục "ngố" hơn ai hết. Số Già Làng có duyên với các người nỗi danh nên có dịp gặp họ như Họa Sĩ Bé Ký đã nói ở trên. Và một dịp rất tình cờ khác khi Cố Vấn Phòng TLC/BK24 rũ tui cùng ra phi trường Kontum để đón một VIP, khi tới nơi ông cố vấn giới thiệu tui với một người tui thấy quen quen mà không nhớ là ai. Cố vấn Mỹ hỏi tui có biết ai không, tui cười cười...thì ông ta bảo là "Rifle Man" đó. Quỷ thần thiên địa ôn hoàng hột vịt lộn ơi ! Tui đang đứng trước tài tử gạo cội của điệh ảnh Mỹ. Tui không còn nhớ tên ông là gì, chỉ biết là "Rifle Man" đang bắt tay tui. Cho dù những người này không biết tui là ai nhưng tui cũng thấy..."phê" lắm.
Một hình ảnh đẹp về nhà thờ Tân Hương khác nữa là giờ lễ dành cho người Thượng, họ ăn mặc giống y chang dân Chùa ngày xưa. Đó là hình ảnh mà bây giờ hồi tưởng lại mới thấy được chớ hồi đó Già Làng chỉ thích lễ Thượng vào mùa mưa. Biết tại sao không ? Vì mùa mưa thì dưới làng Kon Hra lầy lội nên họ phải đi "cà khêu" lên nhà thờ xem lễ. Họ để cà khêu ở ngoài nên bọn tui có dịp mượn đỡ. Già Làng đi cà khêu "chì" lắm. Tui có thể nhảy cò cò và đá lộn với anh em Hường, Đào con ông Hường say rượu ở gần Mả Thánh nữa. Không biết có phải vì vậy mà sau này thằng Đào đã trả thù đưa em Monica Thục dẫy dụa của tui vào hạ ?! Đúng là hận thù này phải chờ kiếp sau mới trả được chớ bây giờ Monica Thục cũng bèo mà Sự "Cà Lí Lơn" cũng teo ! Thôi cũng đành. Hai đứa mình cùng ca bài "Người Yêu Và Con Chim Sâu Nhỏ" của ngày nào.


Bên ngoài, khu phố nhỏ đã lên đèn. Già Làng bỗng nhớ đến bản "Phố Đêm" của Tâm Anh tui biết là hậu duệ của Chế Bồng Nga và là bạn của ca sĩ Lính Chê (Chế Linh). Tui thích nhạc phẩm này lắm.

"Phố đêm đèn mờ giăng giăng
Màu tím những vì sao gối đầu ngủ yên
Phố đêm nhiều lần suy tư chinh chiến từ lâu rồi với niềm riêng hay ước
Cho tôi mười ngón thiên thần
Cho tôi mười ngón thiên thần
Để tôi dìu người tôi yêu, dìu người không yêu và người chưa yêu..."



Cũng có người hát rằng :

"Báo đăng đàn bà Việt Nam
vì quá mê tiền đô nên bỏ chồng bỏ con
Báo đăng nhiều lần anh khuyên, anh bảo đừng đi làm bỏ bầy con nheo nhóc
Em la rằng quá cù lần
Em răn tiền ai cũng cần
Để em tìm tiền em tiêu, tìm tiền con tiêu, tìm tiền cho anh tiêu..."

Không biết Già Làng viết tầm phào như vậy đã đủ dài chưa để gửi người cầm càng trang mạng Đồng Hương Kontum đang bỏ công "kinh lý" lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp trên quê hương. Dù sao thì Già Làng cũng đành phải thất lễ vì còn hái lá é mà quết với cá khô rồi ăn với cơm nguội cũng đủ lãng quên đời.

GIÀ LÀNG Y CHANG


Nhạc phẩm :RỪNG LÁ THAY CHƯA
Thơ : Hoàng Ngọc Ẩn (Kontum)
Nhạc : Huỳnh Anh

(Nguồn: http://www.donghuongkontum.com/index.php?c=article&p=1771)

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Đức Giáo hoàng kêu gọi không nghe những lời tiên đoán về tận thế



Đức Giáo hoàng kêu gọi không nghe những lời tiên đoán về tận thế

Đức Giáo Hoàng Benedicto 16.
Đức Giáo Hoàng Benedicto 16.
RFI

Thụy My
Trong khi một số nhà tiên tri loan báo ngày tận thế là ngày 21/12/2012, Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16 trong thánh lễ hôm 18/11/2012 tại Vatican đã kêu gọi các tín đồ công giáo không nên dừng lại ở « sự tò mò về thời điểm và các lời dự báo ».

Từ cửa số bao lơn nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Benedicto 16 đã rao giảng bài Phúc âm trong ngày, trong đó Chúa Giêsu nói với các thánh tông đồ về ngày Ngài lại xuống thế gian vào lúc tận thế, khi « bầu trời trở nên âm u » và « các vì sao rơi rụng xuống từ trời ».
Theo Đức Giáo hoàng, thì Chúa Giêsu không hành động như một « nhà tiên tri » mô tả « ngày tận thế », mà ngược lại muốn giải thoát vĩnh viễn các môn đệ khỏi các lời tiên đoán về thời điểm thế giới sẽ bị tận diệt.
Đức Giáo hoàng Benedicto 16 giải thích, Chúa Giêsu “muốn mang lại cho các tín đồ chiếc chìa khóa cho sự suy ngẫm sâu sắc hơn, đúng bản chất hơn, và nhất là chỉ ra con đường phải đi hôm nay và ngày mai để bước vào cuộc sống vĩnh hằng”. Ngài nói tiếp : « Tất cả rồi sẽ trôi qua, nhưng lời của Chúa không hề thay đổi ».

Nguồn : http://www.viet.rfi.fr/xa-hoi/20121118-giao-hoang-keu-goi-khong-nghe-nhung-loi-tien-doan-ve-tan-the

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Ký Sự 03: Chuyến Viếng Thăm Mục Vụ Tại Giáo Phận Kon Tum Của Đức Tổng Giám Mục Léopoldo Girelli.



 Ngày Thăm Viếng Thứ Ba Tại Kon Tum:  Thứ Tư, 21/11/2012
 KÝ SỰ 03 – HA-MOONG, PLEI PƠKƯ Huyện Sa Thầy.

Đi Thăm và Dâng Thánh Lễ tại Nhà Thờ Họ Đạo Hà Moong Kơtu
           Sau một ngày đầy vất vả vì phải vượt qua hằng mấy trăm cây số để đến với 5 Giáo Xứ vừa ở vùng sâu, vừa ở vùng cao… Đức Tổng Giám Mục tuy rất vui , nhưng cũng hầu như cũng đã thấm mệt! Tuy nhiên, dầu chỉ qua mấy tiếng đồng hồ nghỉ đêm (vì ở Đăk Mot về đến nhà đã gần 11 giờ đêm),sáng hôm nay Ngài đã thức dậy rất sớm để tiếp tục đem niềm vui đến cho các Giáo Xứ vùng xa khác. Niềm thao thức Tông Đồ và Trách nhiệm của Một Chủ Chăn đã thúc đẩy, nên lúc nào Ngài cũng tỏ ra rất hân hoan và vui tươi!
          Khởi hành từ Tòa Giám Mục lúc 8h 15’ sáng, Đoàn đã đến Hà Moong Kơtu vào lúc 9h30’. Cha Xứ Giuse Hà Văn Hường đã tận tình đón tiếp và mời Đức Tổng Giám Mục cùng Đức Cha Micae và phái đoàn vào nghỉ trong Nhà Xứ.
Sau mấy phút nghỉ ngơi, Đức Tổng Giám Mục Léopoldo Girelli đã vui mừng đến gặp gỡ Giáo Dân của Ha Moong.
Giáo Dân đã quy tụ đầy cả sân, ai cũng tỏ nét vui mừng vì được thấy Người Đại Diện của Chúa! Ai cũng thích được Ngài cho bắt tay, và cách nào đó, ai cũng cố gắng chen vào cho được chạm vào Ngài.
Đoàn Rước tiến vào Nhà Thờ trong niềm hân hoan và chờ đợi của mọi con cái trong Giáo Xứ. Sau khi Đức Sứ Thần quỳ thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể; Cha chính xứ mời Ngài an tọa.
Cha thay mặt Giáo Dân dâng lời chào mừng Đức Đặc Sứ Tòa Thánh. Cha cũng trình bày về lịch sử và tình hình của Giáo Xứ. Sau phần Chào mùng  là phần dâng quà.
Đức Tổng Giám Mục chào thăm và cám ơn Cha Xứ và toàn Giáo Dân đã đón tiếp Ngài cách chân tình và dễ thương.
Thánh lễ được bắt đầu. Đức Tổng Giám Mục chia sẻ niềm vui được cùng với Giáo Dân Ha Moong dâng Thánh Lễ.
 Ngài mở đầu bằng câu chào tiếng Việt: “  Xin Chào tất cả anh chị em! Cha rất vui sướng được dâng Thánh Lễ với anh chị em trong Ngôi Thánh Đường ấm cúng này.
Hôm nay là ngày 21/11, Giáo Hội cử hành Lễ Đức Mẹ Dâng mình vào Đền thánh.
Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục đã đặc biệt chú ý đến Đời Sống Thánh Hiến, đặc biệt Đời Sống Tu Chiêm Niệm.
Ngài gửi lời chào thăm đến tất cả những ai đang sống Đời Tu Chiêm niệm. Ngài xác quyết Đời Tu Chiêm niệm rất cần thiết cho Giáo Hội; đồng thời Ngài cũng khuyến khích tất cả mọi Giáo Dân hãy ý thức để nâng đỡ vật chất cho các dòng Tu kín.
Và với các anh chị em đang hiện diện trước mặt Ngài, Ngài cũng gợi lên rằng, việc sống kết hiệp với Chúa là Ơn Gọi của mọi Kytô hữu. Ngài nói: “ Các con thân mến,rong tư cách là người công giáo, chúng ta cần lớn lên để đem Chúa đến cho mọi người trong mọi chiều kích… Đặc biệt cha khích lệ các anh chị em sống trong vùng đồi núi này; các con phải làm sao để luôn nhìn thấy Chúa trong thiên nhiên, trong công việc và trong mọi mối tương giao hằng ngày.
Lễ Giáng Sinh sắp tới, các con hãy nhìn thấy trong thiên nhiên, trong cuộc sống mầu Nhiệm Nhập Thể ấy.
 Vậy sống Mầu Nhiệm Nhập Thể như thế nào? Các con là những người chồng người vợ được kêu gọi trở nên mẫu gương cho con cái. Việc cầu nguyện và đời sống gương mẫu sẽ giúp chúng ta thể hiện được chứng từ vì sự trung thành cũng như sự nâng đỡ những ai đang gặp khó khăn.
Chúng ta phải mang Lời Chúa đến cho mọi người như Đức Maria đã mau mắn đến thăm bà Isave.
Trong dụ ngôn nén bạc của Tin Mừng hôm nay, người chủ đã giao cho các đầy tớ những nén bạc. khi trở về ông hài lòng với hai người và thất vọng về người thứ ba.
Chúng ta cần tỉnh thức, Chúa sẽ trở lại. Đức ái là điều lòng cốt để thể hiện tình yêu Chúa.
Xin Đức Nữ Đồng Trinh Dâng Hiến cầu bầu cho chúng ta.”

Và thánh lễ được tiếp tục.

Trước khi kết thúc thánh lễ, một lần nữa Đức Tổng Giám Mục lại cám ơn mọi người. Và lúc này ngài lại tiếp tục chia sẻ những suy nghĩ mà có lẽ Chúa Thánh Thần vừa soi sáng cho ngài: “các con thân mến, trước khi kết thúc thánh lễ, cha xin cám ơn các con đã đến tham dự. Cha đến đây thay mặt Đức Thánh Cha, cha cũng xin gởi đến các con lời chào thăm của Đức Thánh Cha và lời cám ơn vì chúng con đã trung thành với Giáo Hội.
Cha nhìn thấy trong khu vực này, ngôi nhà rông trước mặt nhà thờ. Cả hai ngôi nhà đều rất gần với nhau. Các con biết nhà thờ là nhà dành cho Chúa và nhà rông là nhà dành cho anh em. Sự gần gũi này là một niềm vui vì cả hai ngôi nhà này đều có mối tương quan với nhau: tương quan mến Chúa Yêu Người.
Ngôi nhà thờ ở Hà-moon này tuy đơn sơ nhưng cha thấy cuộc đón rước của cha xứ và chúng con rất ấm cúng và chân thành.
Nhà thờ là nơi để chúng con thể hiện niềm tin của mình; cũng vậy nhà rông là nơi thể hiện tình nhân loại. Nhưng ở đây chúng ta cần phải biết phân biệt giá trị nào thuộc về Thiên Chúa và giá trị nào thuộc về con người.
Chúng ta cần phải đặt giá trị của Thiên Chúa trên hết.
Chúng ta có ngôi nhà thờ là nhà của mọi người trong giáo xứ này. Đây là quyền lợi của chúng ta đến với Chúa không có nguyên tắc nào ngăn cản được.
Chúng ta cũng lại càng phải chú ý hơn rằng việc đến với Chúa không phải là quyền, nhưng nó là phương cách để nâng cao phẩm giá, nâng cao giá trị của con người khi đến với Chúa.
Chúng ta tin vào Chúa không phải vì người khác cho phép mà là sự trọn lựa của chúng ta.
Cha hy vọng nơi đây mau chóng được thành lập giáo xứ và cha rất mong hai ngôi nhà này sẽ luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Và giờ đây một lần nữa cha muốn nói với các con rằng Đức Thánh Cha đã cử cha đến đây để chuyển đến các con lời nhắn rằng Đức Thánh Cha yêu mến các con; và Đức Thánh Cha cám ơn về lòng trung thành với Giáo Hội của các con. Cha khẳng định là Đức Thánh Cha luôn cầu nguyện cho các con. Và cha, cha cũng cầu nguyện và yêu mến các con.
Tạm biệt các con. Hẹn gặp lại.
Chúc các con một năm đức tin sống động và mạnh mẽ trong Chúa Thánh Thần như Đức Trinh nữ Maria.”

          Sau giờ Thánh Lễ, Giáo Xứ Hà Moong đã được vinh dự mời Đức Đặc Sứ Tòa Thánh và Đoàn dùng bữa cơm trưa.

          Xin cám ơn Cha Xứ! Xin cám ơn anh chị em giáo dân!
          Xin chào và hẹn gặp lại!

          Đức Giám Mục lại tiếp tục đưa Đức Sứ Thần đi thăm Giáo Điểm Pơ-Đư. Trên đường đi, Ngài đã dẫn Vị Đại Diên của Đức Thánh Cha ghé thăm mấy điểm Truyền Giáo đang được hình thành nằm dọc trên đường đi đến Pơ-Đư.


Thăm Giáo Xứ Pơ-đư

Phần I :


Phần II :




Phần các Giáo Dân Pơ-Đư thì đã sẵn sàng từ trước buổi trưa!

Tay bồng, tay bế… từ người lớn đến trẻ nhỏ đã nô nức đứng kín, dọc theo hai bên đường dẫn vào Nhà Xứ dưới ánh  nắng chói ngời của buổi trưa.
Trước khi ĐGM đưa Đức Khâm Sứ tới thì Cha Tổng Đại Diện mời mọi người nghe dẫn giải. Ngài cắt rõ ràng về Tòa Thánh Vatican, về Đức Giáo Hoàng và về vị Đặc Sứ sẽ đến thăm.
Đức sứ Thần đến Giáo xứ Pơ dư vào lúc 13 giờ 59 phút trong tiếng chào mừng hân hoan của đoàn con cái.
Cha xứ Tadeo Võ Xuân Sơn đã mời Vị Đại Diện của Đức Thánh Cha vào viếng Thánh Thể trong ngôi nhà nguyện tạm thời, đơn sơ nhưng rộng và thoáng mát. Ở đây Cha Xứ đã cho chuẩn bị kỹ lưỡng 7 cây nến được thắp sáng giữa  những bông hoa tươi thắm như lời kinh khẩn cầu Thần Trí Chúa đổ xuống cho Đức Sứ Thần và cho Giáo Hội của Chúa.
Sau phần thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, cha Tađêô mời Ngài ra Nhà Xứ để cho mọi con cái chào đón.
Thật đặc biệt nhà xứ ở Pơ đư là một ngôi nhà sàn nhỏ bé, vì thế cha Tađêô đã khéo léo mời Đức Tổng Giám Mục Đặc Sứ và Đức Giám Mục Giáo Phận ngồi phía trước hàng hiên ngôi nhà sàn, kiểu như tiền sảnh vậy! Và như thế Ngài sẽ nhìn rõ được mọi con cái Pơ dư gồm hơn 3.500  người

Để mở đầu cho buổi tiếp đón, một bài múa diễn tả đời sống của dân Pơ-đư với những dụng cụ sinh hoạt đời thường như ná, như cung, như gùi, như rổ rá.. do giới trung niên của giáo xứ thể hiện.
Có điều không ai nghĩ là, để kết thúc bài múa một vũ công đã đem dâng lên Đức Sứ Thần chiếc ná và chiếc gùi đẹp nhất, thay lời nói bày tỏ tâm tình quý mến và lời kính mời Đức Tổng chia sẻ đời sống của dân làng!
 Sau bài múa mở đầu, cha Tađêô đã thay mặt Giáo xứ dâng lời chào mừng Đức Sứ Thần Tòa Thánh và đồng  lược         qua lịch sử của giáo xứ Pơ đừ. Liền ngay đó một nữ tu dòng Ảnh Phép Lạ đại diện Giáo Xứ dâng quà cho vị Đại diện của Chúa.
 Và để kính mời Đức Sứ Thần Tòa Thánh đi vào chiều sâu của nền văn hóa Tây Nguyên, Giáo Xứ đã chuẩn bị 5 em thiếu niên nam để đồng tấu năm nhạc cụ dân tộc mang sắc thái cồng chiêng.
 Sau phần trình diễn này cha Tađêô đã kính mời Đức Giám Mục giới thiệu địa bàn Giáo xứ Pơ đư và các vùng lân cận của vùng Sa Thầy. Và để Đức Sứ Thần ghi nhớ được địa bàn này trong tâm trí, Ngài đã kết luận một câu: “Thưa Đức Tổng Giám Mục huyện Sa Thầy rộng lớn hơn cả Giáo Phận Thái Bình…”  Tất cả những người tham dự buổi đón tiếp này đều giật mình, không ngờ Giáo Phận Kon Tum lại bao la, rộng lớn như thế!
 Đức Sứ Thần cũng có vẻ ngạc nhiên giống như thế. Ngài đứng dậy nói câu đầu tiên bằng tiếng Việt với nét mặt tươi vui và duyên dáng. Ngài ngỏ lời cám ơn Cha Xứ và Giáo Dân đã đón tiếp ngài với những lời lẽ thật dễ thương:
 Xin Chào tất cả anh chị em!” Cha cám ơn anh chị em đã đón tiếp Cha long trọng như thế này!Cha rất vui được đến Pơ-đư hôm nay, trong ngày lễ kính Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thánh.
Đức Mẹ là Mẹ của tấ cả chúng ta, đồng thời Mẹ cũng là Mẹ của Thiên Chúa.
Cha xin phó thác anh chị em vào trong tay Đức Mẹ, nhờ Mẹ dẫn anh chị em đến với Thiên Chúa.
Cha nhìn thấy ở đây anh em có một tượng Đức Mẹ thật đẹp, Đức Mẹ lại mặc sắc phục Dân Tộc Tây Nguyên; Mẹ lại còn mang chiếc gùi  sau lưng…
Nhìn tượng Đức Mẹ này, cha có cảm nghĩ là Mẹ muốn nói rất nhiều điều với chúng ta, Mẹ muốn chia sẻ nền văn hóa của anh chị em.
Chiếc gùi thường để chứa đựng các thứ cần thiết. Ở đây, Mẹ cũng dùng nó để chứa đựng lời cầu nguyện của anh chị em mà đem về cho Thiên Chúa.
Nơi chiếc gùi này, anh chị em có thể đặt vào mọi vui buồn sướng khổ của cuộc đời anh chị em… Và hôm nay, mừng Lễ Đức Mẹ, anh chị em hãy phó thác tất cả đời sống cho Mẹ. Vì là Mẹ, Mẹ sẽ lo lắng cho cuộc đời ủa từng người con cái… Mẹ sẽ đặt tất cả anh chị em vào lòng thương xót và bàn tay quyền năng của Thiên Chúa. Hãy thành tâm đến với Mẹ!
Vì thời giờ không có nhiều, Cha muốn nói ngay lời cảm ơn đến Cha xứ và chúng con. Cha xin cám ơn các con đã đến đây và nồng nhiệt đón tiếp Cha.
Cha cám ơn Cha Xuân Sơn đã tổ chức buổi tiếp đón long trọng với cả tâm tình này!
Cám ơn về Bài Múa!
Cám ơn về các làn điệu âm nhạc.
Hy vọng các làn điệu âm nhạc này sẽ là phương tiện dẫn chúng con đến với Chúa.Bài múa cũng nói lên được đời sống nông nghiệp của các con. Những nhạc cụ tuy bằng tre, nhưng qua đó có thể gõ lên thành tiếng nhạc…Thì cuộc sống của các con cũng có thể diễn đạt được như thế. Các con có thể gặp gỡ Chúa một cách dễ dàng… trong thiên nhiên, trong tự nhiên…
          Hãy nhận ra sự hiện diện của Chúa trong vũ trụ này, và dùng nó như những dụng cụ của Thiên Chúa gửi đến để hoàn thành đời mình.
Các con thân mến,
Cha đến đây nhân danh Đức Thánh Cha Bênêđictô. Cha muốn nói với các con rằng, Đức Thánh Cha yêu mến các con. Là người công giáo, chúng ta phải tin và hợp nhất với Giáo Hội. Sức mạnh của chúng ta sẽ thể hiện khi chúng ta hợp nhất với Giáo Hội và với nhau.
Giờ đây, Cha muốn ban phép lành cho các connhân danh Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha yêu mến các con! Và Cha cũng yêu mến các con!”
Đức Tổng Giám Mục đang định ban phép lành cho mọi người, thì Đức Giám Mục Giáo Phận lại xin dừng lại để Ngài làm một việc khác trước khi kết thúc. Đức Cha mời Cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu lên “ Lễ Đài ”, trước sự ngạc nhiên của Cha Hữu và của mọi người… Và đột nhiên Ngài công bố: Cha Phaolô từ nay sẽ là Cha hạt Trưởng Hạt Đăk Hà. Ngài xin tất cả hãy tích cức cộng tác với Cha và cầu nguyện cho Cha.
Mọi người vui mừng vỗ tay rất lớn.
          Cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu vốn từ lâu nay đã là “ Người Cha của các anh em dân tộc ” rồi mà!
           Đức Tổng Giám Mục Đặc Sứ Tòa Thánh đã ban phép lành kết thúc buổi gặp gỡ hôm nay, Ngài chào tạm biệt; và mọi người cứ còn mãi luyến tiếc, ngẩn ngơ…!
          Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Xứ Pơ-đừ Niềm Vui lớn lao này trong năm Đức Tin vừa mới khai mở. Chắc chắn cuộc thăm viếng của Vị Đại Diện Tòa Thánh sẽ làm cho Đức tin của Giáo Dân được vững mạnh và nẩy nở thêm hơn!
          Cha Xứ mời Đức Tổng và Phái Đoàn vào giải lao trong Nhà Xứ; nhưng mọi sự đều vội vã, vì còn tới 3 Điểm nữa, mà bây giờ đã là 15h30’.
          Tạm biệt Pơ đư, Hẹn gặp lại!