Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

TƯỞNG NHỚ CHA CỐ TÔMA LÊ THÀNH ÁNH - GIỜ TẾ LỄ



Mời xem tường thuật của Văn phòng Tòa Giám Mục Kontum, ngày 27.9.2008:

Cuộc đời của mỗi một linh mục là cuộc đời dâng hiến, và tế lễ mỗi ngày qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Nơi đó diễn lại một cách sống động và hiện thực cuộc tế lễ của Chúa Giêsu.

“Hôm nay Cha Tôma Lê Thành Ánh cũng đi dâng lễ đúng giờ như mọi ngày trong đời Cha, không phải là hàng ngày nữa mà là lần cuối cùng và vĩnh viễn dâng cả tấm thân mình làm của lễ sống động cho Thiên Chúa.” Sở dĩ, nói như vậy là vì cuộc ra đi của ngài vào đúng giờ dâng lễ, giờ mà mọi nhà thờ đang cử hành thánh lễ.  Ngài ra đi trong thánh lễ của đời mình.

Xin đọc tiếp theo các đường link dưới đây:

GIỜ TẾ LỄ

CÁO PHÓ


TIỂU SỬ CHA CỐ TÔMA LÊ THÀNH ÁNH

TIỂU SỬ CỐ LM TÔMA LÊ THÀNH ÁNH (Trích ngang)

KỂ CHUYỆN TRUYỀN GIÁO NGÀY XƯA

Kontumquehuogtoi
Minh Sơn's Blog

TƯỞNG NHỚ CHA CỐ TÔMA LÊ THÀNH ÁNH - ĐÔI LỜI CỦA LINH MỤC NIÊN TRƯỞNG



NGÀY 27.09.2016 - TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN CHO LINH HỒN 
CỐ LINH MỤC TÔMA LÊ THÀNH ÁNH
NHÂN LỄ GIỖ 8 NĂM (27.09.2008-27.09.2016).
XIN CHÚA THƯƠNG CHO LINH HỒN CHA CỐ TÔMA ĐƯỢC SỚM HƯỞNG 
TÔN NHAN CHÚA.

Kết quả hình ảnh cho Cha Tôma Lê Thành Ánh
CỐ LINH MỤC TÔMA LÊ THÀNH ÁNH

·   *Sinh : 05/05/1919
*Tại : Giáo xứ Tân Hương, Kontum, Giáo phận: Kontum
     *Linh mục : 26/06/1949
     *Địa sở phục vụ/Chức vụ/Năm phục vụ:
-Hàmong-Tân Thành :     1949-1952
-Plei Jơdrập-Ngô Thạnh : 1952-1953
-Ple Kơbei :                    1953-1954
-Kon Hơngo Kơtu-Phương Quí :
                                     1954-1959
-Tuyên úy quân đội tại Kontum : 1959-1961
-Hiếu Đạo và TUQĐ tại Pleiku :    1961-1975
-Đi ‘học tập’ :                  1975-1988
-Tòa giám mục Kontum : 1988-1995
-An Mỹ (Pleiku) :             1995-2000
-Hưu tại TGM Kontum :    2000-2008 

·   *Qua đời : 27/09/2008 – Tại : TGM Kontum.
_______________________________________

Ngày 8 tháng 4 năm 1995, Tòa Thánh Vatican chính thức loan báo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chấp nhận đơn xin từ chức của Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc, Giám mục chính tòa Kontum, và Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, Giám mục Phó lên kế vị.
Lễ bàn giao giữa hai Đức Cha Cựu và Tân Giám mục Chính tòa Kontum được cử hành trong thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh ngày 13 tháng 4 năm 1995.
Từ 4 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 4 năm 1995 (Thánh lễ làm phép Dầu), đông đảo anh chị em tín hữu kinh cũng như dân tộc tụ họp trong khuôn viên nhà thờ Chính tòa Kontum trước lễ đài. 5 giờ 30, Hai Đức Cha Cựu và Tân Giám mục Giáo phận cùng linh mục đoàn tiến vào Lễ đài trong tiếng nhạc coòng chiêng với đội múa dân tộc. Sau khi hai Đức Cha an tọa, linh mục niên trưởng Tôma Lê Thành Ánh, đại diện linh mục đoàn, các cộng đoàn nữ tu, chủng sinh, ban chức việc, giáo phu và toàn thể giáo dân tiến đến trước Lễ đài có đôi lời tri ân thành kính với với Đức Cha Cựu cũng như nói lên lòng trung thành con thảo với Tân Giám mục Chính tòa Kontum.


ĐÔI LỜI CỦA LINH MỤC NIÊN TRƯỞNG

          Kính thưa hai Đức Cha.
          Cộng đoàn Linh mục giáo phận, các cộng đoàn tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tất cả anh chị em tín hữu thân mến trong giáo phận đã về đây.
          Hôm nay, anh chị em thấy bầu khí tưng bừng và náo nhiệt trong niềm vui chào mừng hai Đức Cha, trước nhà thờ chính tòa đang được tu sửa tốt đẹp. Sự hiện diện của hai Đức Cha đem lại sự vui mừng to lớn cho chúng ta. Tòa Thánh đã ban cho chúng ta Đức Cha chúng ta đây: Đức Cha Alexis trong 20 năm qua và nay Tòa Thánh trao lại quyền điều hành giáo phận cho Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung. Đây là lòng ưu ái mà Tòa Thánh đã lo lắng và ban cho giáo phận chúng ta. Chúng ta xin tạ ơn Chúa, và Đức Thánh Cha.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

THAO THỨC VỀ TRAU DỒI TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI TRẺ



"Thưa quý vị và các bạn,
Chúng tôi xin gửi kèm đây 2 file vận động Dân Chúa chăm lo trau dồi tiếng Việt cho lớp trẻ.  
Mấy năm qua, những anh chị em tác giả Công giáo về họp mặt nhân kỷ niệm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, đã chia sẻ nhiều thao thức về văn hóa Công giáo, trong đó nổi cộm là tình trạng người trẻ ngày càng mất khả năng viết đúng tiếng Việt. Đây là điều hệ trọng rất đáng ngại cho sứ mạng loan báo Tin mừng của người Kitô hữu. 
Từ sau cuộc họp mặt thứ tư tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đã phác thảo một bản kêu gọi vận động trau dồi tiếng Việt cho giới trẻ, gửi đến các cha đặc trách Văn hóa hoặc Truyền thông các giáo phận. Sau khi được các ngài góp ý sửa chữa và đồng thuận, bản văn đã được trình lên Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc HĐGMVN và đã được ngài chúc lành. Trong lễ trao giải Viết Văn Đường Trường 22/9 vừa qua, chúng tôi đã bắt đầu phát đi bản văn vận động này.
Kính mời quý vị và các bạn xem 2 file đính kèm đây và giúp giới thiệu đến bạn trẻ bốn phương.
Xin chân thành cám ơn."


Lm Trăng Thập Tự

1
THAO THỨC VỀ TRAU DỒI TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI TRẺ

Kính thưa toàn thể Công đồng Dân Chúa Việt Nam,
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (21/9/1912-2012), một số tác giả văn thơ Công giáo đã có dịp gặp gỡ và cùng nhau chia sẻ thao thức về nhu cầu khẩn cấp phải giúp các bạn trẻ Công giáo trau dồi tiếng Việt. Bản thao thức này cũng đã được các tác giả văn thơ góp ý thêm nhân dịp lễ trao giải cuộc thi lần thứ IV, 21-22/9/2016.
Ngày 13/01/2016, Hội thảo khoa học về Lịch sử chữ Quốc ngữ (mang tên “Bình Định với chữ Quốc ngữ”) tại Qui Nhơn đã ghi nhận công lao to lớn của các nhà truyền giáo và tiền nhân trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Đóng góp của cha ông xưa thúc giục con cháu ngày nay phải phát huy tiếng mẹ đẻ nhằm chu toàn trách vụ loan báo Tin mừng.
          Thế nhưng hoàn cảnh xã hội và văn hóa ngày nay đang đặt ra cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và các bạn trẻ Công giáo nói riêng nhiều thách đố trong việc diễn đạt ý tưởng bằng tiếng Việt, trong văn nói cũng như văn viết.
Thật ra, sự suy thoái văn hóa đọc và văn hóa viết không chỉ là điều quan ngại của chúng ta mà còn là vấn đề toàn cầu. Cả Tổ chức UNESCO cũng đã chọn ngày 21-2 hằng năm làm ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ. Do đó những thao thức, suy nghĩ và sáng kiến đóng góp này vừa hòa nhịp với cộng đồng nhân loại vừa mong tìm ra những giải đáp thực tế và hữu hiệu cho hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: “Ta không biết các ngươi, vì xưa Ta...bị ô nhiễm môi trường...các ngươi đã không lên tiếng”.


Thái Hà (22.09.2016) – Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum đã thăm Giáo xứ Thái Hà và dâng thánh lễ vào lúc 18 giờ 30, hôm nay 22.09.
Cùng đi với Đức cha Micae có cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh Tỉnh DCCT Việt Nam.
Được biết, Đức cha Micae thăm Thái Hà sau khi đã tham dự thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Đền Thánh Antôn Trại Gáo thuộc Giáo phận Vinh, và thăm Giáo xứ Đông Yên - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề trực tiếp từ thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Mời quý vị lắng nghe bài giảng của Đức cha Micae trong thánh lễ lúc 18 giờ 30 hôm nay tại Thái Hà.
Xin được mạn phép đặt tựa đề cho bài giảng của Đức cha:
“Xưa Ta bị đại họa Formosa, ngươi đã không đoái hoài tới”



Nguồn: Thái Hà

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Phỏng vấn Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh ngày 14-9-2016


Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin chuyển đến quí gia đình Giáo phận 02 Đoạn Video Clip cuộc “phỏng vấn Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh ngày 14-9-2016, phần 01 và phần 02.
Nội dung được Đức Cha Micae, Nguyên Giám mục Giáo phận nhà trình bày rất chân thành, chân thật và cụ thể. Chắc chắn có nhiều cảm nghĩ, phẩn ứng khác nhau, – đó là đương nhiên- : nói đúng quá, nói chưa đủ, sao không nói chuyện nầy, sao không đề cập chuyện kia. Nhưng chúng ta đã biết tâm tình của mục tử, nguyên Giám mục Giáo phận nhà. Chúng ta sống trong cuộc, đặc biệt tại Giáo phận, trong đất nước này, nên thiết nghĩ những cảm nghiệm cá nhân của mỗi người sẽ bổ túc nội dung của Đức Cha Micae vừa trình bày. Xin cầu nguyện cho Đức cha Micae mạnh khỏe, khôn ngoan để tiếp tục vai trò mục tử và ngôn sứ cho Giáo phận và cho Giáo hội hoàn vũ.
XIN KÍNH MỜI
I – Video phỏng vấn ĐC Micae Hoàng Đức Oanh ngày 14-9-2016, phần 01

II – Video phỏng vấn ĐC Micae Hoàng Đức Oanh ngày 14-9-2016, phần 02

NGUỒN: VietCatholic Net
GPKONTUM (20/09/2016) KONTUM

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

NGƯỜI BẠN CÙNG TÊN


Nguyễn Thị Thu Thủy
Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ
(Người dân gốc Kon Tum, Việt Nam)

 

Ngày chào đời, ai cũng có một tên riêng. Có những tên rất lạ, không trùng ai, nhưng cũng có những tên trùng với rất nhiều người. Tên của Tôi đi đâu, đến nơi nào cũng trùng với nhiều người khác. Có lẽ dễ nhớ, dễ gọi nên nhiều người thích đặt cho con.
Ngày vào tiểu học, tên Tôi trùng với 4 người bạn.
Lên cấp II, trùng tên với 4 người bạn khác.
Vào cấp III, Tôi trùng tên với 5 người, và tên Tôi lại được kèm theo mẫu tự “B” để phân biệt với một người bạn trùng họ, trùng tên. Ra phố nghe gọi tên có kèm “B” theo sau là biết “Made in 12b”...bẵng đi gần 30 năm sau vào FaceBook, có người hỏi thăm “ThủyB có nhận ra tui không” là biết ngay người từ lò “12B” rồi, “không chạy đâu khỏi nắng”.
Qua đến xứ người, đi làm giấy tờ nhập tịch, người quản lý phải thốt lên: “Ồ,Tên của cô trùng với quá nhiều người”. Tôi cười trả lời: “ Tên của tôi rất phổ biến ở Việt Nam”, phải rồi, tiếng Anh không dấu nên Thúy, Thủy, Thùy, Thụy...tất cả gom lại đều thành Thuy, cùng với cái họ qúa thịnh hành trong mọi thời đại nên không trùng mới là chuyện lạ.
Trong tất cả những người bạn trùng tên, Tôi nhớ nhất một người bạn thời Tiểu học cùng lớp, cùng bàn, cùng họ và cùng tên, chỉ khác tên lót của bạn là Thanh T., còn tôi là Thu T. Ngày thường đi học gặp nhau, cuối tuần đi lễ, sinh hoạt Thiếu Nhi lại gặp nhau nữa. Một tuần bảy ngày không ngày nào là không gặp. Chúng tôi thân thiết, gần gũi và hiểu tánh ý nhau. ThanhT hiền lành, dễ thương, giọng nói nhỏ nhẹ và nhất là tiếng cười giòn rất đặc biệt làm Tôi cứ nhớ mãi.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Thánh ca Chúa nhật XXV Thường niên C 2016


Tin Mừng Lc 16,1-13.           
"...Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.”



ĐƯỢC NGÀI  (Thy Yên)           
ĐK: Tôi còn coi mọi sự, mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả. Vì cái lợi tuyệt vời là (là) được biết Đức Kitô Giêsu Chúa tôi. Vì Ngài tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô.
1. Được Ngài là được tất cả, sự sống mãi mãi tuyệt vời, vì Ngài quyền năng tối cao, sự chết không thể hại được. Nơi Chúa khổ đau phai tàn, nơi Chúa khóc than không còn, suốt đời hạnh phúc êm đềm lạc hoan.
2. Vì Ngài, đời con xin gắng nhận lãnh mọi sự khó khăn, nghèo hèn, buồn đau tủi thương, và bao ganh ghét cười chê. Con chỉ ước mong luôn rằng: yêu Chúa thiết tha trọn đời, bên Ngài lòng con luôn được bình an.



XIN NGÀI TRANG ĐIỂM ĐỜI CON (Nguyễn Duy)
1. Thượng Đế hỡi, xin nghe lời con khẩn cầu. Thượng Đế hỡi, thương lắng nghe con nài xin thiết tha. Xin hãy tận diệt trong tim con, xin hãy tận diệt trong tim con mọi gian dối tầm thường. Xin hãy làm đẹp hồn con.
ĐK: Lòng trung tín như nắng ấm trong bình minh. Lòng yêu mến như hương ngát cánh hoa thơm dịu hiền. Để từ đây như tiếng suối reo vui trên ngàn, như những cánh chim bay rộn ràng, con vươn bay về bên Thiên Chúa tình thương.
2. Thượng Đế hỡi, xin cho đời con sức mạnh, Thượng Đế hỡi, đưa cánh tay che phủ thân xác con. Con sẽ chịu đựng mọi muộn phiền, con sẽ hiên ngang đem tin yêu để gánh vác việc đời. Xin sức mạnh ở cùng con.
3. Thượng Đế hỡi, xin cho đời con sức mạnh. Dù bảo tố con vẫn luôn luôn thản nhiên vững tâm. Cho dẫu ngạo mạn đang vây quanh, cho dẫu bạo tàn trên dương gian, con vững chí quật cường. Xin sức mạnh ở cùng con.

(Video: Mai Tự Cường)

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Trung Thu Kon Tum, nhớ mãi dẫu tuổi thơ đã qua...


Như đã thành truyền thống, cứ vào đêm 14 ÂL Rằm tháng 8 (Tết Trung Thu), chung quanh thành phố Kon Tum nhộn nhịp lên với bao nhiêu là màu sắc âm thanh. Nào tiếng trống múa lân, các đoàn lân (mà ngày nay thời hiện đại được chở bằng xe tải nhỏ) chạy rảo quanh thành phố, đến các ngả tư ngả năm..."biểu diễn" cho đông đảo quần chúng thưỡng lãm, không chỉ các em thiếu nhi mà cả người lớn nữa. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất và được mong đợi nhất là đoàn rước Trung Thu của các em học sinh tiểu học và trường Cấp 3 (PTTH) Kon Tum. Rất sáng tạo, độc đáo, nhiều màu sắc...đã góp một nét riêng mỗi độ trung thu về trên thành phố Tây Nguyên này.
Mà hình như chỉ có ở Kon Tum! Các em học sinh đổ ra các ngả đường, có khi giữa tiết trời mưa lất phất, thậm chí nặng hạt, do tháng 9 đang là mùa mưa bão, trời Kon Tum đang "liên khúc" mưa, nhưng cũng không cản ngăn được dòng người, cùng với âm thanh, màu sắc nối nhau cuộn chảy quanh phố phường. Các con phố ùn tắc, nghẹt xe...rồi lại thông đường đi đến con phố khác, ngã tư khác.
Nhiều người Kon Tum đi xa luôn nhớ về cái không khí Trung Thu "đặc trưng" quê mình. Còn người dân thành phố, thì dầu nhỏ dù lớn, đêm này nhất định đèo nhau đi một vòng phố nhỏ, hòa vào cái dòng vui chung, trước khi trở về nhà, bắc bàn ghế ra trước hè, cùng người thân bạn bè ngồi uống trà, nhấm nháp bánh trung thu, bánh pía...và theo dõi đoàn rước đèn, hay xem múa kỳ lân đường phố.
Ôi! Kon Tum Quê Hương Tôi! Thương nhớ mãi dẫu tuổi thơ đã qua...
MINH SƠN
Trung Thu 2016

Mời các bạn xem chùm ảnh và Clips "CÙNG VUI TRUNG THU", do bạn chủ trang facebook KON TUM TRONG TÔI thực hiện. Xin cám ơn bạn và xin phép chia sẻ cho đồng hương gần xa.

1/ ẢNH:


Lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến


Vài lời của người sưu tầm:
Bài báo dưới đây của Phan Khôi, tôi sưu tầm và lưu giữ riêng đã 6-7 năm nay; để đưa tới bạn đọc dưới dạng sách in, hẳn phải chờ dăm năm nữa. Nhận thấy bài này thuộc số những bài cần được biết rộng càng sớm càng hay, tôi rút nó từ bộ sưu tập đang chuẩn bị ra giới thiệu với những ai quan tâm.
(Lại Nguyên Ân)

Lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến

Kết quả hình ảnh cho phan khôiPhan Khôi

Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu - Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 268 (29 Novembre 1934)
Lâu nay thấy trên các báo chí có nhiều tác giả hay dùng đến hai chữ “phong kiến”. Đại khái như trong câu nầy: “Người mình chịu áp bách dưới chế độ phong kiến mấy ngàn năm”, hay như trong câu nầy: “Ngày nay chúng ta bắt đầu thoát ly khỏi chế độ phong kiến”.
Ấy là một sự lạ! Vì theo lịch sử nước ta, từ xưa đến nay chưa hề có chế độ phong kiến, thì người mình bởi đâu chịu nó áp bách, chúng ta ngày nay việc gì phải thoát ly?
Người mình có chịu áp bách, nhưng áp bách bởi cái gì kia; chúng ta rồi phải thoát ly, nhưng thoát ly cái gì kia, chớ đâu có phải cái chế độ phong kiến?
Vậy trước hết ta nên hỏi chế độ phong kiến là cái chế độ gì; rồi xét thử phải chăng nó từng nhiều lần hay lấy một lần còn có trên lịch sử chúng ta.
Đây tôi không rồi đâu nhắc lại các tầng thứ của sự tổ chức xã hội loài người theo như xã hội học; tôi chỉ cắt nghĩa cho biết thế nào gọi là phong kiến.
Trên lịch sử Á Đông vẫn có cái chế độ ấy. Đời xưa, cuộc phong kiến còn có trên lịch sử Trung Quốc đến hàng mấy ngàn năm.
Thuở trước, các bực bá giả khi chinh phục và thống nhứt được một nước rồi, lên ngôi vua, tự xưng là thiên tử, và phong cho các con, em, cháu, mỗi người một phần đất bởi trong nước ấy chia ra, cũng làm vua, mà gọi là chư hầu: ấy tức là cái chế độ phong kiến bắt đầu có.
Những vua chư hầu ấy chia ra đẳng cấp theo năm tước: công, hầu, bá, tử, nam; đất nước lớn hay nhỏ cũng tuỳ từng đẳng cấp mà có khác.
Lại không những con, em, cháu được phong mà cho đến các kẻ bề tôi có công cũng được phong: hạng trên kêu là những chư hầu đồng tánh (cùng họ), hạng dưới kêu là những chư hầu dị tánh (khác họ).
Hết thảy các nước chư hầu đều cai trị dân mình, hưởng huê lợi (tức là thuế) đất mình; nhưng mỗi năm phải theo lệ nạp cống phú cho thiên tử; và mọi việc lớn trong nước phải bẩm mạng cùng thiên tử; khi có giặc, chư hầu phải xuất binh giúp thiên tử mà đánh dẹp.
Nước ta có câu tục ngữ “Dùi đánh đục, đục đánh săng”, nếu mượn đem mà chú thích cho cái chế độ nầy thì đúng lắm: Theo chế độ phong kiến, thiên tử đè lên trên chư hầu, chư hầu đè lên trên bình dân, ấy là sự tự nhiên.
Cho nên trong sử hay ca tụng cái cảnh thái bình hồi đời phong kiến là phải lắm: Lúc bấy giờ bình dân bị cho đến hai cái sức mạnh đè lên, không cựa quậy nổi, không vùng vẫy nổi, thành ra trong xã hội được bình yên vô sự. Nhưng hạng bình dân thì thật khổ, khổ mà không ai biết cho.
Một số khu chợ nhỏ lẻ ở Hà Nội cuối thế kỷ 19
Trong sử Tàu, trước Giáng sanh [1] vài ba ngàn năm, trong thời kỳ đó hầu hết thiệt hành cái chế độ phong kiến.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

TRUNG THU XƯA - TRUNG THU NAY


Kết quả hình ảnh cho lồng đèn trung thu lon bia Kết quả hình ảnh cho lồng đèn trung thu lon bia

Sắp đến Tết Trung Thu. Trăng tháng tám ÂL nhô lên quá nửa. Trong xóm đã lác đác nghe tiếng trống của bọn trẻ, và ngoài phố thì đèn trung thu được bày bán muôn màu muôn vẻ...
Hai đứa con nhỏ của tôi bắt đầu giục:
-Ba mua lồng đèn cho con đi!
-Chưa tới Tết Trung Thu mà con.
Con em nhỏ nhanh nhảu:
-Chớ khi nào tới hả ba?
-Khi nào con thấy trăng trên trời kia tròn thật tròn. Bây giờ trăng mới hơn một nửa mà con.
Thằng anh có vẻ "lém" hơn:
-Thì ba mua trước đi cũng được.

Tôi rất hiểu cái náo nức của con trẻ. Nhớ ngày xưa khi còn bé, mỗi mùa trung thu là một khoảnh khắc ấm áp ngọt ngào, chan hòa tình thương. Bầu trời mây êm đềm trôi, vầng trăng tròn vành vạnh chiếu giãi ánh sáng diệu kỳ. Tuổi thơ hồn nhiên trong sáng, và đương nhiên không thể thiếu những chiếc lồng đèn. Ba tôi cặm cụi đi tìm những cọng tre về làm đèn ông sao cho mấy anh chị em chúng tôi. Mấy cha con ngồi làm lồng đèn vui lắm! Ba tôi chẻ, vót những cọng tre thật mềm mại, dùng dây chỉ cột chúng lại. Các chị tôi thì lấy giấy bóng màu đỏ, xanh dán lên.v.v.dùng hồ được khuấy bằng bột "mì ta" (bột củ mì , món này thời bao cấp có rất nhiều). Mà đâu phải chỉ làm 1,2 cái lồng đèn. Nhà tôi có đến 4 chị em "thiếu nhi" lận. Nhưng Ba thường chỉ làm 2 cái. Hai đứa em nhỏ nhất vội giật lấy 2 "ông sao" chạy lên nhà trước. Ba tôi uể oải đứng dậy vỗ vỗ tay vào lưng (có lẽ ba mỏi lắm vì tuổi tác). Tôi và chị tôi cụt hứng. Nhưng bỗng ba nhanh nhẹn vào bếp nhặt một số vỏ lon coca cola, vỏ lon bia dành sẵn, dùng dao cắt theo những đường dọc. Thế là 2 chị em tôi cuối cùng cũng có 2 "lồng đèn lon" kịp vui Tết Trung Thu. Số đèn lon còn lại, ba bảo để cho các bạn hàng xóm, bạn nào chưa có...

Tiếng đứa em ngồi phía trước xe Hon-đa lại vang lên nài nỉ, kéo tôi ra khỏi vùng hoài niệm.

THIẾU NHI GX TÂN HƯƠNG VUI TRUNG THU







Chúa nhật XXIV TN ngày 11/9/2016, thánh lễ dành cho thiếu nhi vào lúc 9g30 do cha Antôn Phan Tự Cường, OP chủ tế, vào cuối thánh lễ cha đã ưu ái chúc mừng Tết Trung Thu các em các cháu thiếu nhi giáo xứ Tân Hương. Cha nhắn nhủ, các em vui Trung Thu nhưng cũng hãy nhớ đến những bạn thiếu nhi có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, biết chia sẻ cho các bạn còn thiếu thốn chung quanh dù chỉ một cái bánh, một chiếc kẹo...đó làm việc làm rất tốt, đẹp lòng Chúa.

Ngay sau thánh lễ, các em nhận mỗi em một phần quà nhỏ do cha chính xứ Tân Hương và Ban Chức Việc trao tặng. Món quà nhỏ nhưng tạo cho các em thêm một chút niềm vui trong ngày tết dành cho thiếu nhi. Những phần quá do các anh chị giáo lý viên chuẩn bị và phân phát.
Trước đó cũng đã có 300 xuất quà dành tặng cho các em thiếu nhi Họ đạo Kon H'rachốt, kề cạnh giáo xứ Tân Hương, giúp các em dân tộc có niềm vui chung với các em người kinh.

Tiếp đến có múa lân góp tiết mục vui nhộn mừng trung thu. Tuy nhiên đoàn múa lân đến không đúng hẹn, bị khá trễ nên chỉ còn một phần các em ở lại, nhưng tất cả có vẻ hào hứng, vui thích.
Xin Chúa chúc phúc lành cho các em thiếu nhi trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu, cũng như trên khắp moi miền trên thế giới.

Mời xem một số hình ảnh theo link sau: 


Tin ảnh: MINH SƠN

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

THÁNH LỄ MỪNG SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA TẠI NHÀ THỜ TÂN HƯƠNG, KON TUM 8.9.2016



Video: Mai Tự Cường


           Nhân dịp này, cũng là lễ bổn mạng của Ca Đoàn Ave Maria, thuộc Giáo xứ Tân Hương, và mừng sinh nhật 4 năm phục vụ của ca đoàn. Đây là ca đoàn thứ 5 được thành lập trong giáo xứ. (Hiện Giáo xứ Tân Hương có các ca đoàn đang sinh hoạt là: CA ĐOÀN THÁNH TÂM (giới trẻ), CA ĐOÀN CÉCILIA (thiếu nhi), CA ĐOÀN MÔNICA (giới hiền mẫu), CA ĐOÀN LUCA (giới người cha), và CA ĐOÀN AVE MARIA (phụ trách lễ chiều CN).


CA ĐOÀN AVE MARIA GIÁO XỨ TÂN HƯƠNG

            Do nhu cầu của cộng đoàn giáo xứ, kể từ ngày có thêm thánh lễ thứ 3 vào Chúa nhật, một số anh chị em đã tình nguyện qui tụ lại để hát trong thánh lễ buổi chiều, lần đầu tiên vào CN 23 TN năm B, ngày 9/9/2012. Qua một thời gian kêu gọi, tập luyện, thanh lọc, sang năm 2013 có 20 anh chị em đang dấn thân phục vụ và cam kết duy trì sinh hoạt trong tư cách là ca viên.

            Theo đề nghị của các ca viên, và để tạo điều kiện phát triển trong tương lai, cha chính xứ Tân Hương Giuse Đỗ Hiệu đã chấp thuận thành lập thêm một ca đoàn nữa trong giáo xứ.

            Ngày 30/6/2013, vào thánh lễ sáng và thánh lễ chiều Chúa nhật XIII thường niên, cha sở đã tuyên bố thành lập ca đoàn và công bố danh sách ca viên gồm 20 thành viên.

            1/ Tên gọi ca đoàn : CA ĐOÀN AVE MARIA (Giáo xứ Tân Hương, Kontum).
            2/ Bổn mạng ca đoàn : ĐỨC TRINH NỮ MARIA
                 Lễ Bổn mạng :  Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria,
                                           mừng kính vào ngày 8/9 hàng năm.
           3/ Thành phần nhân sự : Vào lúc thành lập gồm 20 ca viên. Ban điều hành gồm một trưởng, một phó; 2 ca trưởng, một người phụ trách đờn, và một thủ quỹ.
             Ca đoàn sinh hoạt theo Nội Qui chung.

           Qua 4 năm phục vụ (2012-2016), ca đoàn hiện nay gồm 30 thành viên, phụ trách hát lễ mỗi chiều Chúa nhật (Thánh lễ 3, lúc 17g30). Anh chị em ca viên gồm nhiều thành phần nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau...nhưng tinh thần phục nhiệt tình, hăng say, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, và siêng năng tập hát với thần đạo đức, cầu tiến.

            Mừng lễ bổn mạng ca đoàn hôm nay, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, xin Chúa ban thêm cho các ca viên nhiệt huyết tông đồ, cho mỗi thành viên và gia đình được mọi sự bình an, dù điều kiện thuận lợi hay không thuận lợi cũng quyết tâm dấn thân ca ngợi Chúa bằng lời ca tiếng hát. 

VÀI HÌNH ẢNH THÁNH LỄ SÁNG NGÀY 9.8.2016 :


Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Khoá học hội của Bộ Truyền giáo dành cho các Giám mục mới



Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin đăng bản tin của HĐGMVN,
có  đính chính bản tin trước, xác nhận trong
Khoá học hội của Bộ Truyền giáo dành cho các Giám mục mới”,  
36 giám mục từ 9 quốc gia châu Á, trong đó có 6 giám mục Việt Nam (*) là quý Đức cha: Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Phú Cường; Giuse Trần Văn Toản, Giám mục phụ tá Long Xuyên;Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Kon Tum; Phêrô Nguyễn Văn Hai, Giám mục Vĩnh Long; Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục phó Bà Rịa; và Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Phụ tá TGP Tp.HCM.
Xin gia đình Gp. cầu nguyện cho quí Đức Cha mới nói chúng, cho Đức Cha Aloisiô chúng ta chuyên chăm học tập tốt và cầu nguyện liên lỉ để được nhiều Hồng Thiên Chúa, đặng phục vụ Giáo phận nhà.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Các Videos Về Lễ Tuyên Thánh Cho Mẹ Têrêsa Thành Calcutta



Nghi Thức Tuyên Thánh Cho Mẹ Têrêsa Thành Calcutta 
NGUỒN: VietCatholicNews

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ Tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa
Bản dịch của J.B. Đặng Minh An
NGUỒN: VietCatholicNews

Đêm Hòa Nhạc Bài Thánh Ca dâng Mẹ Têrêsa tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành
NGUỒN: VietCatholicNews

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

GIÁO XỨ TÂN HƯƠNG: KHAI GIẢNG NĂM HỌC GIÁO LÝ 2016-2017


Kết quả hình ảnh cho Nhà thờ Tân Hương Kon Tum
Nhà thờ Tân Hương

Sau hơn hai tháng nghỉ hè, sáng Chúa nhật hôm nay 04.09.2016, các em thiếu nhi giáo xứ Tân Hương khai giảng năm Giáo Lý mới 2016-2017. Vào lúc 8g15', tất cả các em và giáo lý viên tập trung trước Nhà Sinh Hoạt giáo xứ theo lớp của mình, ổn định hàng ngũ, tập băng reo...
Đúng 8g30, những tràng pháo tay ròn rã vang lên chào đón cha chính xứ Giuse Đỗ Hiệu và quí ông Câu, Biện, đại diện Hội Người Cha, đại diện Hội Bà Mẹ công giáo, một số quí vị phụ huynh đến dự.
Lễ khai giảng được bắt đầu với hát kinh Chúa Thánh Thần và phút cầu nguyện. MC giới thiệu thành phần tham dự và tiếp đến là tiết mục đồng diễn khai mạc do các em thiếu nhi thực hiện. 
Anh trưởng Ban giáo lý Phêrô Lê Minh Sơn phát biểu đôi lời khai mạc, nói lên tâm tình tạ ơn Chúa vì hồng ân được học hỏi Lời Chúa, cám ơn cha sở và Ban chức việc đã quan tâm tạo những điều kiện thuận lợi cho công việc thông truyền Lời Chúa trong giáo xứ, và chào mừng tất cả các em thiếu nhi cũng như quí phụ huynh, ước mong quí phụ huynh cộng tác chặt chẽ khắng khít hơn nữa trong tương lai, để công việc giáo lý trong giáo xứ ngày một mang lại kết quả, giúp các em đến gần với Chúa Giêsu hơn.
Trong huấn từ trước thềm Năm Huấn Giáo mới, cha sở Giuse đã có nhiều ưu tư, trăn trở. Cha nhắc lại cho các GLV và các em tiến trình của một giờ giáo lý sao cho chất lượng, hiệu quả, lấy cầu nguyện làm kim chỉ nam. Ngoài kinh nguyện và giáo lý, cần rèn luyện thêm về nhân bản giúp các em biết sống đạo cách tự lập tự chủ. Trước thực trạng xã hội buông lỏng việc đạo đức, chú trọng vào vật chất, cha nhắn nhủ Ban giáo lý cần có biện pháp, hình thức kiểm soát để đưa các em vào kỷ luật, phối hợp với các ông biện xóm để tháo gỡ những tồn tại vướng mắc. Cha tuyên bố khai mạc Năm Giáo Lý mới và ưu ái ban phép lành cho toàn thể GLV và các em thiếu nhi.

TRỰC TIẾP: Thánh Lễ Tuyên Phong Hiển Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta


Sáng chúa nhật 4-9 (3g30 chiều, giờ Việt Nam), Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và ban chiều các tín hữu có thể tôn kính thánh tích vị tân Hiển thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano.


Vatican-02.jpg

Mời đọc thêm:
.v.v..

Nguồn : onggiao.info/

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

THÁNH LỄ TẠ ƠN KỶ NIỆM 8 NĂM THÀNH LẬP KHU MỘ ĐỒNG NHI KON TUM (2008-2016)




Sáng ngày 3.9.2016, sau khi thăm viếng và cử hành nghi thức an táng cho 22 thai nhi mới tại Khu Mộ Đồng Nhi Kon Tum, vào lúc 9g00, Thánh lễ đồng tế kỷ niệm 8 năm thành lập Khu Mộ Đồng Nhi Kon Tum (5.9.2008-5.9.2016) và cầu nguyện cho 22 thai nhi mới được an táng, do cha Tổng đại diện Phêrô Nguyễn Vân Đông, Giám đốc Caritas Gp Kon Tum chủ tế, được cử hành tại Nhà thờ giáo xứ Tân Phát, xã Chư H'reng, Kon Tum. Cùng đồng tế với cha Tổng có quí cha Giacôbê Trần Tấn Việt, phó giám đốc Caritas; cha Phêrô Nguyễn Đình Lộc, đặc trách Giáo Phu; cha G.B Hồ Quang Huyên, chính xứ Phương Nghĩa và cha Phong (dòng Đa minh). Đông đảo bà con giáo dân cùng hiệp thông cầu nguyện gồm các anh chị em trong Ban Bảo Vệ Sự Sông Kon Tum, quí ân thân nhân, giáo dân đến từ các giáo xứ như Tân Phát, Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Hòa.v.v.
Theo cha Tổng đại diện GP Kon Tum kiêm Giám đốc Caritas, từ khi thành lập vào năm 2008 đến nay, Nhóm Bảo vệ Sự sống Kon Tum do cha hướng dẫn đã thu gom đưa về an táng tại Khu Mộ Đồng Nhi Chư H'reng này được 7.812 thai nhi, hầu hết các em đều bị cha mẹ bỏ rơi trong hoàn cảnh thật đáng thương! Còn có khoảng hơn 500 mộ thai nhi nữa trên Nghĩa trang Tp Kon Tum (Nghĩa trang Cây số 9).
Trong bài giảng lễ tại nhà thờ Tân Phát, cha TĐD đã nêu rõ đây là một công việc hết sức ý nghĩa, mang tính chất nhân đạo, nhưng là việc làm thể hiện đức tin: Theo tín điều trong Kinh Tin Kính "Tôi tin xác ngày sau sống lại", và theo kinh "Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối-mối thứ bảy "Chôn xác kẻ chết"...
Cha cũng chân thành cám ơn các ân thân nhân xa gần đã cách này cách khác góp công góp của để Nhóm BVSS có thể xây đắp cho các em những phần mộ, tuy khiêm tốn nhưng khá xinh xắn, đàng hoàng. Những nghĩa cử này chắc chắn sẽ được Chúa ban ơn đền đáp xứng đáng, nhờ phần cầu nguyện của tất cả các em cho các ân thân nhân của mình.

Cuối Thánh lễ, một đại diện của Ban BVSS Kon Tum nói lên tâm tình cám ơn Cha Tổng, quí cha đồng tế, quí ân thân nhân đã giúp sức đồng hành trong 8 năm vừa qua, và mong ước được thêm nhiều tấm lòng hảo tâm để chung tay lo cho công việc ý nghĩa và đạo đức này.

Xin mời xem một số hình ảnh an táng 22 thai nhi tại Khu nghĩa trang Đồng Nhi và Thánh lễ tại Nhà thờ giáo xứ Tân Phát. Xin bấm đường link bên dưới đây:


(Sẽ cập nhật Video Thánh lễ Tạ ơn cũng như các hoạt động tại Khu Mộ. 
Xin vui lòng chờ đón xem).

MINH SƠN

Video 

THĂM VIẾNG & CHÔN CẤT 22 THẠI NHI TẠI KHU MỘ ĐỒNG NHI KONTUM 3 9 2016 - Thực hiện: Mai Tự Cường.




THÁNH LỄ TẠI NHÀ THỜ TÂN PHÁT, CHƯ H'RENG 3 9 2016 - Thực hiện: Mai Tự Cường.

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh hiệp thông với Gp. Vinh trong vấn đề bảo vệ môi trường và cầu cho Quốc thái Dân an










Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh
- nguyên Giám mục giáo phận Kontum 
hiệp thông với Gp. Vinh trong vấn đề bảo vệ môi trường
http://giaophanvinh.net/

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Thư của HĐGMVN góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo



Kết quả hình ảnh cho hoi dong giam muc viet nam

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM    Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
72/12 Trần Quốc Toản P.8, Q.3            Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Tp. Hồ Chí Minh                                   --------------------------------------
Số: 06/2016/VT/ VP HĐGM VN                                  


Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 8 năm 2016

Kính gửi: Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng,
                Quốc Hội Khóa XIV

Chúng tôi đã nhận được Văn thư số 22 / UBVHGDTTN14 của quý Ủy Ban đề nghị góp ý cho Dự thảo 17.8.2016 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, với tinh thần xây dựng để ích nước lợi dân. Việc Quốc hội hỏi ý kiến các tổ chức tôn giáo về Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo là điều đáng trân trọng, bày tỏ thái độ tôn trọng, cầu thị, lắng nghe của những nhà làm luật đối với các tổ chức và cá nhân liên quan trực tiếp đến tác động của bộ luật trên đời sống và hoạt động của họ. Chúng tôi tán thành và hoan nghênh việc làm này của Quốc hội, chỉ tiếc rằng việc hỏi ý kiến bị giới hạn trong khung thời gian quá chật hẹp (18-31/8/2016), vì thế khó lòng có được những ý kiến rộng rãi và sâu sắc. Nhân danh Hội đồng giám mục Việt Nam, chúng tôi, Ban Thường vụ, kính gửi đến Quốc hội một số nhận định và góp ý.

I. NHỮNG ĐIỂM TÍCH CỰC

So với Dự thảo 4, chúng tôi nhận thấy Dự thảo lần này (17/8/2016) có những tiến bộ đáng khích lệ. Cụ thể là:

1. Công nhận tư cách “pháp nhân phi thương mại” của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 30).
2. Bớt đi từ “đăng ký” và thay bằng từ “thông báo” hoặc “đề nghị”, ví dụ tại điều 33A: “Tổ chức tôn giáo sau khi thực hiện việc phong chức, phong phẩm….thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước”. Vấn đề không chỉ là thay đổi từ ngữ nhưng còn là thay đổi cách nhìn và cách làm việc, thoát khỏi cơ chế xin-cho. Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người chứ không phải là ân huệ để xin và cho. Khi Nhà nước đã công nhận một tổ chức tôn giáo thì cũng phải tôn trọng họ và những sinh hoạt của họ.
3. So với Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo 21/2004, dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có nêu quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo về tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 62).
4. Các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53). Chúng tôi hiểu việc thành lập cơ sở giáo dục này là ở mọi cấp: mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học. Cũng thế, tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội” (Điều 54). Đây là những quy định đúng đắn, thoát ra khỏi thái độ phân biệt đối xử trong cộng đồng dân tộc, đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào lãnh vực giáo dục và y tế, vì lợi ích chung của toàn xã hội.

II. NHỮNG ĐỀ NGHỊ 

Bên cạnh những nhận xét tích cực trên, chúng tôi có một số đề nghị cụ thể:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Giải thích thêm những từ ngữ sau:
- Thông báo: đơn vị thông báo không phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Tuy nhiên nhà nước có quyền yêu cầu không thực hiện hoạt động trong thông báo, yêu cầu hủy bỏ kết quả đã thông báo bằng văn bản có nói rõ lý do.
- Đăng ký: đơn vị thông báo phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Nhà nước có quyền từ chối hoặc chấp thuận cấp đăng ký. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản có nói rõ lý do.
- Đề nghị : đơn vị đề nghị phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Nhà nước có quyền công nhận, từ chối. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản có nói rõ lý do.
Nhà nước có quyền yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải đề nghị, đăng ký, thông báo các hoạt động nhưng Nhà nước cũng có trách nhiệm phải trả lời đúng hạn bằng văn bản có nêu rõ lý do nếu không đồng ý. Việc phải nêu rõ lý do là để các tổ chức tôn giáo có thể khiếu nại, khởi kiện, tố cáo theo Điều 62 Dự thảo 17/8/2016. Để tránh việc cơ quan chức năng im lặng không trả lời làm thiệt hại cho các tổ chức tôn giáo thì đề nghị có thêm chi tiết sau: “các tổ chức tôn giáo phải đề nghị, đăng ký, thông báo các hoạt động theo đúng những qui định trong luật này nhưng nhà nước cũng có trách nhiệm phải trả lời đúng hạn bằng văn bản có nêu rõ lý do. Nếu quá thời hạn qui định mà cơ quan chức năng không trả lời thì người đề nghị, đăng ký, thông báo có quyền thực hiện theo nội dung đã đề nghị, đăng ký, thông báo”.
2. Sửa lại định nghĩa về sinh hoạt tôn giáo
Đ2, K10. Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo của cá nhân.
Đề nghị: Thêm từ cộng đồng cho đủ nghĩa: “Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo của cá nhân và cộng đồng.”