Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Sách: HẠT GIỐNG KITÔ TRONG ĐẤT JRAI - Phần 1 _ Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT




Xin giới thiệu cuốn sách: “Hạt giống Kitô trong đất Jrai” của cha Giuse Trần Sĩ Tín CSsR, giáo phận Kon Tum.
Xin hãy đọc và cầu nguyện cho các linh mục truyền giáo, nhất là các linh muc trẻ đang dấn thân nơi vùng rừng sâu và biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào.
Sách đã được đăng trong trang web của Giáo phận Kon Tum: giaophankontum.com.



Hạt Giống Kitô Trong Đất Jrai
(Phần 1)

                                                                              Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT 

 Lời Giới Thiệu 

Hạt giống Kitô trong đất Jrai là một câu chuyện kể có thật suốt 40 năm vể Chúa Giê-su dưới dạng hồi ký giữa người Jrai ( 10.10.1969—10.10.2009 ) trên vùng đất Tây Nguyên Việt Nam . Phần lớn câu chuyện xảy ra trong những năm tháng bom đạn và tù đày , những năm tháng hoà bình với thiếu thốn và khó khăn . Tưởng chừng không có ai đón nhận Tin Mừng, ngoại trừ một số làng của thời mở đạo Tây Nguyên.. Nhưng , đặc biệt sau biến cố tôn phong 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam năm 1988, lại có nhiều người đã tìm đến với Đức Kitô trong Hội Thánh Công Giáo . Họ là những người Jrai nghèo khó nơi nông thôn , hoặc những tù nhân tại các trung tâm cải tạo . Họ đã lớn lên và được khắp nơi biết đến . Họ đã có những đóng góp quí báu và độc đáo cho bản thân những nhà thừa sai cũng như cho Giáo Hội .

Đọc câu chuyện nầy , bạn sẽ thấy chính Thiên Chúa đã gieo hạt giống trong mỗi sắc tộc và cũng chính Ngài làm cho hạt giống đơm bông kết trái , Ngài viết lên những trang sử thánh , chứ không phải con người . Ngài mới là chủ lịch sử .

“Hạt giống Kitô trong đất Jrai”  giúp bạn tiếp cận với nhiều vấn đề liên quan đến người thừa sai như : Loan Báo Tin Mừng và Hội Nhập Văn Hoá , đường hướng và phương pháp truyền giáo , Kinh Thánh và Phụng Vụ, vấn đề sắc tộc thiểu số và vấn đề phát triển…

Tôi xin ân cần giới thiệu cuốn “Hạt giống Kitô trong đất Jrai” với quý vị độc giả . Mong rằng , cuốn sách nầy cũng như cuốn “Dân Làng Hồ”  (Les Sauvages Bahnars)
 Của Lm P. Dourisboures , và cuốn “Thiên Chúa thương dân người” ( Dieu Aime Les Paiens ) của Lm Jacques Dournes, sẽ khơi dậy nơi quý vị ngọn lửa tông đồ của ngày Hiện xuống

 Kontum ngày 09 tháng 09 năm 2009 .
+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kontum                                               



Chương I : CHUYỆN NHÓM PLEIKLY

  Ra Đi

         Bầu khí chung của chúng tôi là Giáo Hội ngay sau Công Đồng Vatican II (1962-1965) , là Lumen Gentium ( Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân ), là Ad Gentes ( Sắc Lệnh Truyền Giáo ) , là Hội Thánh Giữa Lòng Thế Giới (Hiến Chế Gaudum et Spes : Vui Mừng và Hy Vọng ) , là Agiornamento ( Canh Tân ) …là đưa Giáo Hội ra khỏi Vatican…Có một cuốn sách tiêu biểu của thời đó : ĐẠO LÀ ĐƯỜNG HAY PHÁO ĐÀI của Thầy Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư học viện thời đó của chúng tôi, mà tài năng , tư tưởng và thái độ dấn thân không thể không ảnh hưởng trên chúng tôi. Nói tới các giáo sư học viện của chúng tôi thời đó cũng không thể không nhắc tới những vị như Cha Alphonse Tremblay , Cha Thomas Côté , Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn , Cha Phaolô Đinh Khắc Tiệu…vì sự uyên thâm của các ngài, nhưng nhất là vì thái độ dấn thân nghiêm túc của các Ngài, chúng tôi không chỉ coi các ngài là những giáo sư chuyên nghiệp đơn thuần đến lớp truyền đạt kiến thức , mà còn là những vị “THẦY” đã để lại dấu ấn sâu đậm và tích cực trên đời sống của chúng tôi …

          Những năm diễn ra Công Đồng Vatican II chính là những năm tôi thụ huấn tại học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đàlạt Việt Nam . Tinh thần CANH TÂN mà Công Đồng cổ võ trong mọi lãnh vực lại cũng là tinh thần TRỞ VỀ NGUỒN , trở về nguồn Tin Mừng và đối các tu sĩ là trở về nguồn đặc sủng của Đấng Sáng Lập Dòng. Dòng Chúa Cứu Thế có mục đích theo Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng cho những người cô thân tất bạt bị bỏ rơi nhất . Toàn thể công cuộc đào tạo là hướng về mục đích ấy. Các Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế Canada đã được kêu gọi thiết lập Dòng Chúa Cúư Thế tại Việt Nam từ năm 1925. Các ngài đã mở ra những sứ vụ ( missions-người Việt Nam quen gọi là các kỳ Đại Phúc ) chủ yếu cho các vùng nông thôn Việt Nam. Khi chuyển giao quyền điều hành Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cho các đồng huynh Việt Nam , các Cha Canada lại mở ra sứ vụ Tin Mừng cho đồng bào thiểu số Kơho tại vùng Phi Yang phía đông nam Đàlạt .Trong những năm ở học viện Dòng Chúa Cứu Thế ĐàLạt ,vào những kỳ hè,chúng tôi được gửi tới những môi trường hoạt động của Dòng. Tôi đã cùng anh em có mặt tại Sàigòn để phổ biến những tài liệu về Công Đồng. Và tôi đã nghĩ tới sống với giới phu bến tàu , hay những người Trung Hoa. Tôi đã trải qua một kỳ hè với Cha Alphonse Nguyễn Đức Điềm ( năm 1965 lúc đó ngài vẫn còn ở HV ) tại Thạch An , Châu Ổ , Quảng  Ngãi – một trung tâm truyền giáo cho người lương . Từ những năm 1967 trong các kỳ nghỉ , tôi đã đến sống với các cha Canada ở Dà Mpao (“ Suối Mơ “ một giáo điểm khác của Phi Yang)  Tôi làm quen với hai thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là Tu Huynh Léonard Quân và Lm Antôn Vương Đình Tài, vốn đã sống với người Kơho từ những năm 1959,1960 ở Phi Yang và Koya. Công việc của tôi trong thời gian ấy là quan sát và học tiếng. Kỷ niệm của thời này , tôi chỉ nhớ chuyện đi câu . Tôi thuộc một gia đình nông dân có truyền thống mê câu cá. Hôm đó tôi theo một thanh niên người Chil hay Bon Ya gì đó ( chi nhánh của nhóm ta quen gọi là Kơho ) , đi câu cá ở suối Dà Dờng ( thượng nguồn sông Đồng Nai ) Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên và thú vị là mổi khi câu đươc cá thì anh thanh niên đó rất tự nhiên bỏ cá vào túi áo hay túi quần . Điều mà người Kinh chúng tôi không bao giờ làm ! Tôi bắt đầu thấy người ta rất khác mình .

     Năm 1969 là năm học viện cuối cùng của tôi. Đầu năm ấy Cha Vương Đình Tài tới gặp chúng tôi ( Nguyễn Đức Mầu và Trần Sĩ Tín ) và bàn chuyện RA ĐI tới một nơi nào đó, bất cứ nơi nào, trong vùng đất của người thiểu số chưa theo Đạo. Tôi nhớ đó là thoả ước đầu tiên của nhóm chúng tôi: RA ĐI – SỐNG CÙNG NGƯỜI THIỂU SỐ - CHƯA THEO ĐẠO. Lời Chúa hướng dẫn chúng tôi là Rm 15,16-21: “Làm tư tế của Đức Giê-su Ki- tô nơi các dân ngoại, mà hành lễ là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để lễ phẩm là dân ngoại được Thiên Chúa vui lòng chiếu nhận bởi được tác thánh trong Thánh Thần…Quả tôi sẽ không dám nói đến điều gì Đức Ki-Tô đã không dùng tôi để thi thố ra, mà làm cho dân ngoại biết đàng vâng phục: Bằng lời nói và việc làm, bởi quyền năng, dấu lạ và điềm thiêng, bởi quyền năng của Thần Khí... Nhưng như một danh dự tôi chỉ rao giảng Tin Mừng ở đâu Danh Đức Ki-tô chưa dội đến để khỏi đi xây trên nền móng kẻ khác đã đặt. Song như đã viết:

       "Những kẻ không được loan báo về Người, sẽ thấy.
       Những kẻ không hề nghe nói về Người sẽ hiểu.” ( Rm 15, 16 - 21)

       Nhóm chúng tôi lúc ban đầu lấy tên là Nhóm RA ĐI. Chúng tôi bấy giờ đã có bốn người: Một Linh Mục là cha An-tôn Vương Tình Tài, một Tu huynh là thầy Léonard Quân, hai phó tế là Giu-se Trần Sĩ Tín và Phê-rô Nguyễn Đức Mầu ( cùng lớp). Theo luồn gió mới của Công Đồng, tất cả chúng tôi đều cảm thấy cần phải ra đi khỏi một cơ cấu nào đó của Hội Thánh, của Nhà Dòng đã trở nên quá chật hẹp, quá sơ cứng… Nhưng thực ra chúng tôi cũng không biết phải đi về đâu, làm thế nào, làm cái gì??? Từ đó nhóm chúng tôi trở thành nhóm tìm kiếm, về sau này chúng tôi gọi là Nhóm Tầm Đạo. Lối TU ĐẠO của chúng tôi là TẦM ĐẠO. Và lối TRUYỀN ĐẠO hay đúng hơn lối CHỨNG ĐẠO của chúng tôi vẫn là TẦM ĐẠO.

        Đó là dòng giõi những người tìm kiếm Gia-vê.
        Những kẻ tìm kiếm nhan Người, Thiên Chúa của Gia-cóp ( TV 23,6)
      

Nhưng tại sao lại rời giáo điểm Phi Yang của người Cơ Ho?
    
- Lý do thứ nhất là vì từ cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 của quân đội cộng sản Giải phóng miền Nam, cuộc chiến càng ngày càng trở nên khốc liệt. Dân bản làng ở những vùng sâu vùng xa bị dồn về những trung tâm tị nạn. Thực ra đây là một cuộc chiến lấn đất dành dân. Các thừa sai không còn có thể đi đến những làng xa. Và cả các thừa sai lẫn dân chúng đều bị dồn về giáo điểm Phi Yang, Dà Mpao, Rơlơm. Chính trong hoàn cảnh này, vào một ngày tĩnh tâm tháng của nhóm thừa sai dòng Chúa Cứu Thế Phi Yang ( hầu hết là các linh mục người Canada), cha Tài đã đề nghị với bề trên cho Ngài đi lập một giáo điểm mới. Đề nghị được chấp thuận, tuy chính cha Tài cũng chưa biết sẽ đi đâu.

- Lý do thứ hai ban đầu mù mờ, nhưng sau càng ngày càng rõ: chúng tôi muốn sống và làm một cái gì đó khác với những gì chúng tôi đã thấy và đã sống. Chúng tôi rất đồng tâm nhất trí với lời lẻ của vị tông đồ dân ngoại trong thư      Rm 15, 15b – 21, nhất là câu: “Vinh dự của tôi là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói tới danh Đức Ki-tô. Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt.”( Rm 15,20). Chúng tôi nhạy bén với ý tưởng này là vì ảnh hưởng của công đồng Vaticang II. Sau công đồng mọi cái bắt đầu thay đổi. Chúng tôi muốn đi tìm một lối tu khác, chúng tôi muốn đi tìm một khuôn mạo khác về Hội Thánh. Tên nhóm chúng tôi lúc ban đầu là “ NHÓM RA ĐI ”- ra đi khỏi một cơ cấu, một khuôn mẫu nào đó của đời tu, của Hội Thánh mà chúng tôi và mọi người thấy không còn phù hợp. Ra đi khỏi một thành đo nào đó. Thời đó người ta còn muốn ra đi khỏi cả một “ xã hội ” nào đó ( ý nghĩa cuộc nổi loạn của giới trẻ tượng trưng nơi cuộc nổi loạn của giới trẻ Pari 1968, của mùa xuân Praha…) Và còn phải ra đi khỏi chính mình, vì mình đã bị điều kiện hoá quá nhiều. Mình cũng đã trở thành sơ cứng dưới bao lớp vỏ bọc. Ra đi nhưng thực sự chưa biết ra đi vì đâu. Vậy là phải cùng nhau đi tìm. Ra đi tìm người. Ra đi tìm mình. Ra đi tìm Chúa. Tìm Chúa để tìm ra mình và tìm ra người. Theo Tin Mừng thì hình như có một địa chỉ, một đầu mối: người nghèo – người thiểu số.

      Kỳ nghỉ tết năm 1969, tôi theo cha Tài trên chiếc ô tô “ hai ngựa” ( Deux Chevaux) từ Đà Lạt xuống Nha Trang qua trung tâm Chàm của cha Moussay, lên Ban Mê Thuột. Chúng tôi vào toà giám mục Ban Mê Thuột gặp Đức Cha Mai và ở lại đêm. Cha Tài trình bày với Đức Cha mục đích chuyến đi của chúng tôi: chia sẻ cuộc sống với một nhóm người thượng nào đó xin Đức Cha chỉ bảo. Nhưng Đức Cha tỏ vẻ không mặn mà lắm với anh em dòng Chúa Cứu Thế mà ngài cho là quá “ cấp tiến”. Ngài nói nếu muốn, chúng tôi có thể đến ở một nơi nào đó tại Phước Long. Mà Phước Long lúc đó đã là vùng oanh kích tự do ( free fire zone) và kể như đã là vùng của mặt trận giải phóng ( CS). Không có con đường bộ nào tới được Phước Long. Tất cả đều vận chuyển bằng máy bay trực thăng quân đội. Cha Tài là người đã bao phen trải qua cảnh hãi hùng của chiến tranh, cùng với dân làng bị kẹt giữa hai lằn đạn, cận kề cái chết, chứng kiến cảnh nhà cửa. làng mạc bốc cháy dưới bom lửa… Nhưng ngài cũng không thể chọn ngõ cụt Phước Long. Sau khi thăm một số bà con họ hàng gốc Vinh, ngài lại tiếp tục lái xe “ con cóc” theo đường 14 về hướng Plieku, còn cách Plieku khoảng 40km thì rẽ qua Cheo Reo- Phú Bổn.

       Dường rất xấu, chỉ là đất đá, lồi lõm… và rất vắng vẻ. Vài chỗ phấp phới cờ của mặt trận giái phóng. Hồi hộp! Những kí ức chết chóc của cuộc tiến công tết Mậu Thân 1968 còn đó.

       Tại Cheo Reo – Phú Bổn, chúng tôi gặp linh mục Vũ Văn Thiện. Là bạn cùng trang lứa với cha Tài. Cha Thiện vốn là linh mục dòng Chúa Cứu Thế đã chuyển qua làm linh mục giáo phận về làm việc với Đức Cha Kim ( Paul Seitz) là dưỡng phụ. Chúng tôi coi nhau như anh em. Cha Thiện vẫn ở trong cái nhà sàn do Cha Jacques Dournes dựng nên ở Bon Ama Djơng, Cheo Reo. Cha Thiện tuy mới ở vài năm với bà con Jrai tại Cheo Reo, nhưng đã nắm bắt được ngôn ngữ và văn hoá Jrai. Âu cũng là nhờ nhà nghiên cứu vĩ đại là lm Jacques Dournes mở đường khai lối. Thật ra, tại học viện, cha Nguyễn Thế Thuấn đã cho đọc ở nhà cơm cuốn DIEU AIME LES PAIENS của Jacques Dournes. Lúc đó đã có anh em học viện hỏi cha Thuấn: “ Cheo Reo có phải ở Châu Phi không cha?”, dĩ nhiên câu trả lời của cha Thuấn như thường lệ vẫn là: “ Dốt! Cheo Reo ở cao nguyên Việt Nam chứ đâu có phải ở Châu Phi! Dốt!”. Kể ra để cho thấy một là thời ấy Tây Nguyên còn rất xa lạ với thế hệ chúng tôi, hai là tiếng “ dốt” thường xuất hiện nơi cửa miệng Cha giáo Thuấn vừa làm chúng tôi bực mình, lại vừa khiến chúng tôi lao vào đèn sách hết mình. Chắc là để trả thù một cách vô vọng!

        Tại Cheo Reo, khám phá lớn nhất của chúng tôi là Jacques Dournes, cửa ngõ cho chúng tôi bước vào rừng núi bao la bí hiểm và phong phú của Tây Nguyên. Học Jacques Dournes, dĩ nhiên không phải chỉ trong những ngày đầu ghé thăm Cheo Reo, nhưng còn thường xuyên trong suốt hơn 40 năm qua. Những ai đi truyền giáo thì không thể không đọc DIEU AIME LES PAIENS. Chính Ngài làm sáng tỏ điều mà gần nửa thế kỉ sau chúng ta gọi là rao giảng Tin Mừng có hội nhập văn hoá ( tuyên ngôn của Liên Hiệp Hội Đồng Á Châu 1999 – 2000). Trong cuốn sách nói trên, cha Jacques Dournes đã kể lại ngày đầu tiên cha đến Cheo Reo như thế nào.Giám Muc Paul Seitz đã chở cha bằng xe jeep tới làng Bon Ama Djơng vào một ngày trong năm 1955 , không nhà , không cửa , không người quen biết …Tới nhá nhem tối thì có một bà vị vọng trong làng ( Yă H’Lem, họ Rơcom) chịu cho Ngài vào nhà tạm trú qua đêm . Cái sự tạm trú ấy đã kéo dài cả chục năm. Ngay khi ngài làm một nhà sàn riêng như mọi nhà sàn Jrai thì nhà Yă H’Lem vẫn được coi là “ nhà “ của Ngài , và hai bên đã rất gắn bó với nhau , nhất là nhà Yă H’Lem lại là nhà phụ tá địa phương của “ Vua Lửa “ ( Pơtao Apui )- một cửa ngõ để ngài đi sâu hơn vào dân tộc Jrai . Tại nhà Yă H’Lem , Ngài đã bắt đầu học và tìm hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán Jrai . Ngài đã trồng thứ tương đối dể trồng là ớt . và cũng đóng khố , cởi trần ( Cheoreo rất nóng bức ) ngồi bán ớt ngoài chợ . Việc đóng khố không được Giám Mục tán thành lắm . Nhưng khi không có Giám mục ở đó thì Ngài vẩn đóng khố.Cho nên mới có một lần kia , đang khi thoải mái đóng khố , thì bổng anh đồ đệ Ama Sim hớt hải chạy vào báo động : “ Giám mục tới ! “Jacques Dournes vội xỏ quần , mặc áo ra đón Giám Mục.Ngài đi trước mời Giám mục lên thang vào nhà . Báo hại  Giám Mục đi đàng sau phát hiện ra cái đuôi khố vẩn lòi ra khỏi quần ! Giám mục bèn cầm lấy cái đuôi khố của Jacques Dournes giật giật mà rằng : “ cái gì thế nây ?”. Tuy tôn trọng Giám Mục, nhưng khi tranh luận thì không hề vị nể . Chính tôi đã nghe Giám Mục Paul Seitz nói :” Tôi đã bảo Jacques Dournes rằng : tớ thương cậu lắm, nhưng xin Chúa đừng để tớ phải sống với cậu quá ba ngày .!” Ấy là Giám mục Paul Seitz đã là người rất cởi mở và cập nhật . Nói thế để thấy rằng Jacques Dournes hoà đồng với dân như thế , nhưng lại là người khó quan hệ. Lý do chính theo tôi, đó là vì Jacques Dournes là người luôn luôn đặt lại mọi vấn đề, là người không để cho ai yên trong suy nghĩ cũng như trong nếp sống của mình. Chính Jacques Dournes đã luôn là vấn đề cho mọi người. Có một Giáo Hội nào đó , nhất là một Giáo Hội “ tiền Công Đồng “ nào đó , và cũng có một xã hội nào đó, đã trở thành “vấn đề” đối với Jacques Dournes. Chúng tôi nhận thấy Jacques Dournes cũng là con người muốn “thoát ly”,”ra đi” khỏi một” thành đô” nào đó, hay nói như Nguyễn Ngọc Lan, khỏi một pháo đài nào đó…Ở điểm nầy chúng tôi  cảm thấy Jacques Dournes là “đồng minh”, “đồng chí”, đồng loã…Dĩ nhiên chúng tôi tự cao, tự đại mà nói như thế , vì Jacques Dournes triệt để hơn chúng tôi rất nhiều. Đứng trước Jacques Dournes , cũng như đứng trước Nguyễn Thế Thuấn , chúng tôi chỉ là những học trò vừa “hèn” vừa “ngu”. Sở dĩ tôi ráp hai người lại với nhau ở đây là vì cả hai, về ngoại hình cũng như nội tâm, đều là những “dị nhân” !

   Chúng tôi đã được trực tiếp với Jacques Dournes vào năm 1970 , khi trên bước đường nghiên cứu , ông dừng lại tại nhà chúng tôi ở Pleikly chừng một tuần . Sách của ông luôn luôn là sách “gối đầu giường” của chúng tôi như :

         -Dieu aime les paiens ( Chúa yêu lương dân ): một loại Missiologie.
         - Offrande des peuples  ( Hiến tế muôn dân )
         - Bois bambou ,aspect végétal de l’univers Jơrai ( thảo mộc trong thế giới Jrai )
         - Le Jơrai sans complexe ( ngữ học Jrai ).
         - Coordonnées ( cơ cấu xã hội Jrai )
         - Pơtao , une théorie du pouvoir chez les indochinois Jơrai. ( Một chủ thuyết về quyền bính nơi người Jrai).
          -Forêt , Femme , Folie ( Một thử nghiệm phân tích xã hội theo phân khoa  tâm lý chiều sâu ) . . .

     Tới tháng 08/1969, chúng tôi trở lại Cheoreo, có đầy đủ bốn anh em : Tài, Quân , Tín , Mầu . Chúng tôi được anh chị em Jrai Cheoreo, Cha Vũ Văn Thiện giúp làm quen bước đầu với ngôn ngữ và môi trường Jrai . Chúng tôi thường xuyên ở trong các làng Bon Ama Djơng , Bon Rưng , Plơi Pa… Plơi Pa Ơi Briu hồi đó bên đồi Cư Mô ( Núi Vợ- trên đỉnh có di tích Tháp Chàm) còn nguyên trạng một làng Jrai truyền thống : những hàng nhà sàn dài sắp hàng bên nhau theo hướng Bắc Nam , cột nhà bằng gỗ , vách sàn bằng tre le, mái lợp tranh rất dày ; không hề có mộng khớp, không hề có một cây đinh, tất cả đều cột bằng giây rừng, khéo léo , đẹp mắt, bền chặt. Trong làng không có một ngọn cỏ.Cây cối , vườn tược đều ở ngoài làng. Các sản phẩm nông nghiệp cũng để trong những kho vựa dựng tại nương, tại rẩy, không cần khoá , chẳng cần canh, vì không ai lấy của ai cả . Tôi nhớ hồi đó nước nôi đều đựng trong những quả bầu nút kín . Ban đêm chúng tôi ngủ không cần nằm mùng mà cũng không thấy có muỗi . Chúng tôi bắt đầu mê nhạc cồng chiêng và những điệu múa”yun-suang”trong các lễ hội, những bài ca dân dã ,những buổi kể chuyện “akhan” bên bếp lửa,những tiếng đàn “tơrưng” rộn rã haynhững tiếng đàn” gong”réo rắt của những chàng trai, giọng ai oán của tiếng đàn “ kơni” của người già ,âm thanh thì thầm thao thức của bộ khèn “ ding-dêk”của các bà các cô ..

     Chúng tôi ở tại Cheoreo như thế từ thượng tuần tháng 08 đến tháng 10/1969. Chúng tôi liên hệ với Đức Cha Paul Seitz , Giám Mục Kontum. Đức Cha đón nhận chúng tôi ngay. Lúc đó chúng tôi không hề biết rằng từ năm 1953, Đức Cha đã viết thư kêu Dòng Chúa Cứu Thế lên làm việc tại Giáo Phận Kontum. Đến ngày 10/10/1969 , chính Đức Cha Seitz lái xe jeep đưa chúng tôi về Pleikly,cách Pleiku chừng 60km về phía Nam , theo đường 14. Cùng đi với chúng tôi có Cha Tôma Vũ Khắc Minh lúc đó là cha xứ La Sơn, kiêm Mỹ Thạch, Phú Quang , Phú Nhơn thuộc xã Pleikly hồi đó. Mỹ Thạch cách Phú Nhơn chừng 22km. Phú Quang cách Phú Nhơn chừng 7km. Ba nơi này có ba nhà thờ nhỏ cho giáo dân người kinh . Nhưng cả ba nhà thờ lúc đó đều bị chiến tranh tàn phá . Giáo dân phân tán còn khoảng 300 người tính cả ba nơi . Người Jrai chưa có ai theo đạo .
                                     
Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT 
( còn tiếp )
Xin đón đọc phần 2, …

(Nguồn: web giaophankontum)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét