Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ XXVII





Ngày Quốc Tế giới trẻ ngày mai, Chúa nhật Lễ Lá 1-4-2012, được cử hành ở cấp giáo phận. Hôm 27-3-2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày này.


”Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa!” (Pl 4,4)

Các bạn trẻ thân mến,

Tôi vui mừng vì lại được ngỏ lời với các bạn, nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ XXVII. Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ tại
Madrid, hồi tháng 8 năm ngoái, vẫn còn ghi đậm trong tâm hồn tôi. Đó là một thời điểm ân phúc đặc biệt, trong đó Chúa đã chúc lành cho các bạn trẻ hiện diện, đến từ các nơi trên toàn thế giới. Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu thành quả mà Ngài đã làm nảy sinh trong những ngày ấy, và trong tương lai những thành quả ấy sẽ tăng thêm nhiều cho các bạn trẻ và các cộng đoàn của họ. Hiện nay chúng ta đã hướng về cuộc hẹn sắp tới tại Rio de Janeiro vào năm 2013, với chủ đề ”Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ” (Xc Mt 28,19).

Năm nay, chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ rút từ lời nhắn nhủ trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Philiphê: ”Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa!”. Thực vậy, niềm vui là một yếu tố chủ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo. Trong mỗi Ngày Quốc Tế giới trẻ chúng ta đều cảm nghiệm niềm vui nồng nhiệt, niềm vui hiệp thông, niềm vui được làm Kitô hữu, niềm vui đức tin. Đó là một trong những đặc tính của các cuộc gặp gỡ ấy. Và chúng ta thấy sức mạnh thu hút lớn lao của niềm vui: trong một thế giới thường mang đậm buồn sầu và lo lắng, niềm vui thực là một chứng tá quan trọng về vẻ đẹp và sự đáng tín nhiệm của đức tin Kitô.

Giáo Hội được mời gọi mang niềm vui cho thế giới, niềm vui chân thực và lâu bền, niềm vui mà các thiên thần đã loan báo cho các mục tử tại Bethlehem trong đêm Chúa Giêsu giáng sinh (Xc Lc 2,10): Thiên Chúa không những nói, nhưng còn thực hiện những dấu hiệu lạ kỳ trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa gần gũi chúng ta đến độ trở thành một người trong chúng ta và trải qua những giai đoạn trong trọn cuộc đời con người. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bao nhiêu người trẻ quanh chúng ta đang có một nhu cầu rất lớn, họ cần được nghe sứ điệp Kitô, là một sứ điệp vui mừng và hy vọng! Vì thế, tôi muốn cùng các bạn suy tư về niềm vui ấy, về những phương thức tìm được niềm vui, để các bạn ngày càng có thể sống niềm vui ấy một cách sâu xa hơn và trở thành những sứ giả của niềm vui nơi những người xung quanh các bạn.

1. Tâm hồn chúng ta được dựng nên để sống vui mừng

Khát vọng vui mừng được ghi đậm trong tâm hồn con người. Đi xa hơn những thỏa mãn trước mắt và chóng qua, con tim chúng ta tìm kiếm niềm vui sâu xa, sung mãn và lâu bền, có thể mang lại ”hương vị” cho cuộc sống. Và điều này có giá trị đặc biệt đối với các bạn, vì tuổi trẻ là một thời kỳ liên tục khám phá cuộc sống, thế giới, tha nhân và bản thân. Tuổi trẻ là thời kỳ cởi mở hướng về tương lai, trong đó có biểu lộ những ước muốn to lớn được hạnh phúc, tình bạn, chia sẻ và chân thực, trong đó ta được những lý tưởng thúc đẩy và đề ra các dự phóng.

Và mỗi ngày có bao nhiêu niềm vui đơn sơ mà Chúa ban cho chúng ta: niềm vui sống, niềm vui đứng trước cảnh đẹp thiên nhiên, niềm vui vì công việc được hoàn thành tốt đẹp, niềm vui phục vụ, niềm vui vì tình yêu chân thành và thanh khiết. Và nếu chúng ta chú ý tự quan sát, thì cũng có bao nhiêu lý do khác để vui mừng: những lúc thật đẹp trong đời sống gia đình, tình bạn được chia sẻ, khám phá những khả năng của mình và đạt được những thành quả tốt, sự quí chuộng của người khác đối với chúng ta, khả năng diễn đạt và cảm thấy được cảm thông, cảm giác mình hữu ích cho tha nhân. Và rồi, việc thủ đắc các kiến thức mới nhờ học hành, khám phá những chiều kích mới qua các cuộc du hành và gặp gỡ, khả năng đề ra những dự phóng cho tương lai. Và cả kinh nghiệm khi đọc một tác phẩm văn chương, chiêm ngưỡng một kiệt tác nghệ thuật, nghe và chơi nhạc hoặc xem một phim cũng có thể tạo ra nơi chúng ta những niềm vui đích thực.

Nhưng mỗi ngày chúng ta cũng gặp phải bao nhiêu khó khăn và trong lòng có những âu lo về tương lai, đến độ chúng ta có thể tự hỏi không biết niềm vui trọn vẹn và lâu bền mà chúng ta mong ước có phải là một ảo tưởng và là một sự trốn chạy thực tại hay không. Có nhiều bạn trẻ tự hỏi: phải chăng niềm vui trọn vẹn có phải là điều thực sự có thể đạt được ngày nay hay không? Và sự tìm kiến ấy diễn ra qua nhiều con đường khác nhau, có những con đường sai lầm và có thể là nguy hiểm nữa. Nhưng làm sao phân biệt niềm vui thực sự lâu bền với những lạc thú trước mắt và lừa đảo? Làm sao tìm được niềm vui chân thực trong cuộc sống, niềm vui kéo dài và không rời bỏ chúng ta trong những lúc khó khăn?

2. Thiên Chúa là nguồn mạch niềm vui chân thực

Trong thực tế, những niềm vui đích thực, những niềm vui bé nhỏ hằng ngày hoặc những niềm vui lớn trong cuộc sống, tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, cả khi thoạt nhìn chúng không có vẻ như vậy, vì Thiên Chúa là sự hiệp thông yêu thương vĩnh cửu, là niềm vui vô tận không khép kín nơi chính mình, nhưng lan tỏa nơi những người Ngài yêu thương và họ yêu mến Ngài. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài vì yêu thương và để đổ tràn tình yêu của Ngài trên chúng ta, để làm cho chúng ta được tràn đầy sự hiện diện và ân sủng của Ngài. Thiên Chúa muốn cho chúng ta được tham dự niềm vui thần linh và vĩnh cửu của Ngài, cho chúng ta khám phá rằng giá trị và ý nghĩa sâu xa của cuộc đời chúng ta hệ tại được Chúa chấp nhận, đón tiếp và yêu thương, không phải bằng sự đón tiếp mong manh như sự đón tiếp của con người, nhưng là một sự đón tiếp vô điều kiện như sự đón tiếp của Thiên Chúa: tôi được Chúa mong muốn, tôi có một chỗ đứng trong thế giới và trong lịch sử, tôi được Thiên Chúa đích thân yêu thương. Và nếu Thiên Chúa nhận tôi, yêu thương tôi và tôi chắc chắn về điều ấy, thì tôi biết chắc chắn và rõ ràng rằng tôi hiện hữu, tôi sống, đó là một điều tốt lành.

Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta được biểu lộ trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô. Nơi Ngài có niềm vui mà chúng ta tìm kiếm. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy các biến cố đánh dấu khởi đầu cuộc đời của Chúa Giêsu đều mang đặc tính vui mừng. Khi báo tin cho Đức Trinh Nữ Maria Người sẽ là Mẹ Đấng Cứu Thế, Tổng lãnh thiên thần Gabriel bắt đầu bằng câu: ”Xin Trinh Nữ hãy vui lên!” (Lc 1,28). Khi Chúa Giêsu sinh ra, thiên thần Chúa nói với các mục tử: ”Này đây tôi loan báo cho anh em một vui mừng lớn, sẽ là niềm vui của toàn dân: hôm nay, tại thành của Vua Đavít, một vị Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta, Ngài là Chúa Kitô” (Lc 2,11). Và các Đạo Sĩ tìm kiếm hài nhi, ”khi thấy ngôi sao, họ cảm thấy một niềm vui rất lớn” (Mt 2,10). Vì vậy, động lực của niềm vui này là sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng trở nên một người trong chúng ta. Và đó là điều mà thánh Phaolô muốn nói khi viết cho các tín hữu Kitô ở thành Philiphê: ”Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa, tôi lập lại: anh chị em hãy vui mừng. Ước gì sự hòa nhã của anh chị em được mọi người biết đến. Chúa đang gần kề!” (Pl 4,4-5). Nguyên nhân đầu tiên của niềm vui chúng ta chính là sự gần gũi của Chúa, Đấng đón nhận và yêu mến ta.

Và thực vậy từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn nảy sinh một niềm vui lớn trong tâm hồn. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta có thể thấy điều đó trong nhiều giai thoại. Chúng ta hãy nhớ cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu tại nhà ông Giakêu, một người thu thuế bất lương, một người tội lỗi công khai, Chúa Giêsu nói với ông: ”Hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”. Và thánh Luca kể lại, ông Giakêu ”tràn đầy vui mừng đón tiếp Chúa” (Lc 19,5-6). Đó là niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa; là cảm thấy tình thương của Thiên Chúa có thể biến đổi toàn thể cuộc sống và mang lại ơn cứu độ. Và Giakêu quyết định thay đổi cuộc sống, phân phát một nửa gia tài của ông cho người nghèo.

Trong giờ khổ nạn của Chúa Giêsu, tình yêu ấy được biểu lộ với tất cả sức mạnh. Trong những giờ phút cuối của cuộc sống trần thế, khi dùng bữa tiệc ly với các bạn hữu, Chúa nói: ”Như Cha đã yêu thương Thầy, Thầy cũng yêu thương các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy... Thầy nói điều đó với các con để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Ga 15,9.11). Chúa Giêsu muốn dẫn đưa các môn để của Ngài và mỗi người chúng ta vào trong niềm vui trọn vẹn, niềm vui mà Ngài chia sẻ với Chúa Cha, để tình yêu của Chúa Cha đối với Ngài ở trong chúng ta (Xc Ga 17,26). Niềm vui Kitô là cởi mở đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và thuộc về Ngài.

Các sách Tin Mừng kể lại rằng Maria Magdala và các phụ nữ khác đến viếng mộ nơi Chúa Giêsu được an táng sau khi chết và họ được một thiên thần loan báo một tin lạ thường: Chúa đã sống lại. Thánh sử Phúc Âm kể lại: Bấy giờ các bà vội vã rời mộ, ”vừa sợ hãi vừa rất vui mừng”, họ chạy đi loan báo tin vui cho các môn đệ. Và Chúa Giêsu đến gặp họ, Ngài nói: ”Chào các bà!” (Mt 28,8-9). Đó là niềm vui ơn cứu độ được trao tặng cho họ: Chúa Kitô đang sống, Ngài là Đấng đã chiến thắng sự ác, tội lỗi và sự chết. Ngài hiện diện giữa chúng ta như Đấng Phục Sinh, cho đến tận thế (Xc Mt 28,20). Sự ác không có tiếng nói cuối cùng về cuộc sống chúng ta, nhưng niềm tin nơi Chúa Kitô Cứu Thế nói với chúng ta rằng tình thương của Thiên Chúa chiến thắng.

Niềm vui sâu xa ấy là thành quả của Chúa Thánh Linh, Đấng làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, có khả năng sống và niếm hưởng sự tốt lành của Chúa, và chúng ta có thể thưa với Ngài ”Abbà, Cha ơi” (Xc Rm 8,15). Niềm vui là dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của Chúa nơi chúng ta.

3. Bảo tồn niềm vui Kitô trong tâm hồn

Đến đây chúng ta tự hỏi: làm sao lãnh nhận và bảo tồn hồng ân niềm vui sâu xa, niềm vui tinh thần?

Một thánh vịnh nói với chúng ta rằng: ”Hãy tìm niềm vui trong Chúa: Ngài sẽ lắng nghe những ước vọng của tâm hồn bạn” (Tv 37,4). Và Chúa Giêsu giải thích rằng ”Nước trời giống như một kho tàng giấu trong ruộng: một người kia tìm được và giấu đi; rồi tràn đầy vui mừng, ông bán mọi tài sản và mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44). Tìm thấy và bảo tồn niềm vui tinh thần nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa, đòi phải theo Ngài, thực hiện một sự chọn lựa quyết định đặt trọn nơi Ngài. Các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng sợ dành trọn cuộc sống của mình khi dành chỗ cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài; đó là con đường để được an bình và hạnh phúc đích thực trong nội tâm sâu thẳm của chúng ta, là con đường để thực hiện chân thực cuộc sống của chúng ta như con cái Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh giống Ngài.

Tìm kiếm niềm vui trong Chúa: niềm vui là thành quả của đức tin, là mỗi ngày nhìn nhận sự hiện diện của Chúa, tình bạn 
chúng ta nơi Chúa, là tăng trưởng trong sự hiểu biết và yêu mến Chúa. ”Năm đức tin”, sắp bắt đầu trong vài tháng tới đây, sẽ nâng đỡ và khích lệ chúng ta. Các bạn thân mến, hãy học cách nhìn xem Thiên Chúa hành động thế nào trong cuộc sống chúng ta, các bạn hãy khám phá Chúa ẩn nấp giữa những biến cố trong cuộc sống hằng ngày của các bạn. Hãy tin rằng Chúa luôn trung tín với giao ước Ngài đã ký kết với các bạn trong ngày các bạn chịu phép Rửa Tội. Hãy biết rằng Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi các bạn. Hãy năng hướng nhìn lên Chúa. Trên thập giá, Chúa đã hiến mạng sống vì yêu thương các bạn. Sự chiêm ngắm một tình yêu lớn lao dường ấy mang lại cho tâm hồn chúng ta một niềm hy vọng và niềm vui mà không gì có thể phá đổ. Một Kitô hữu không bao giờ có thể buồn phiền và đã gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì họ.

Tìm kiếm Chúa, gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, cũng có nghĩa là đón nhận Lời Chúa, là niềm vui cho tâm hồn. Ngôn sứ Giêrêmia viết: ”Khi Lời Chúa đến gặp con, con ăn ngấu nghiến Lời Chúa; Lời Chúa là niềm vui và hoan lạc của tâm hồn con” (Gr 15,16). Các bạn hãy học cách đọc và suy niệm Kinh Thánh, các bạn sẽ tìm thấy trong đó câu trả lời cho mọi thắc mắc sâu xa nhất về sự thật ở trong tâm trí các bạn. Lời Chúa giúp khám phá những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử loài người, và thúc đẩy chúng ta chúc tụng và thờ lạy Chúa, lòng tràn đầy vui mừng: ”Các bạn hãy đến, chúng ta hát mừng Chúa.. Các bạn hãy phủ phục, chúng ta thờ lạy Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta” (Tv 95,1.6).

Tiếp đến, Phụng vụ là nơi tuyệt hảo trong đó có diễn tả niềm vui mà Giáo Hội kín múc từ Chúa và chuyển thông cho thế giới. Mỗi chúa nhật, trong Thánh Lễ, các cộng đoàn Kitô cử hành Mầu Nhiệm chủ yếu của ơn cứu độ: sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Đó chính là lúc căn bản đối với hành hành trình của mỗi môn đệ Chúa, trong đó Hy Tế tình thương của Chúa hiện diện; đó là ngày chúng ta gặp gỡ Chúa Phục Sinh, lắng nghe Lời Ngài, nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Ngài. Một thánh vịnh quả quyết: ”Đây là ngày Chúa đã dựng nên, chúng ta hãy vui mừng và hân hoan!” (Tv 118,24). Và trong đêm Phục Sinh, Giáo Hội hát bài ca Exultet (Mừng vui lên), diễn tả niềm vui vì chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô trên tội lỗi và sự chết: ”Mừng vui lên hỡi ca đoàn thiên thần... Hãy vui lên trái đất được tràn đầy huy hoàng lớn lao dường ấy... và đền thờ này vang dội những lời tung hô của dân chúng trong đại lễ vui mừng!”. Niềm vui Kitô nảy sinh từ sự ý thức mình được một vị Thiên Chúa làm người yêu thương, đã hiến mạng vì chúng ta và đã đánh bại sự ác và sự chết; và niềm vui ấy là sống bằng tình yêu đối với Chúa. Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, nữ đan sĩ trẻ dòng Cát Minh, đã viết: ”Lạy Chúa Giêsu, yêu mến Chúa thực là niềm vui của con!” (P. 45, 21-1-1897, Op. Compl., tr. 708).

4. Niềm vui yêu thương

Các bạn thân mến, niềm vui gắn liền với tình yêu: đó là hai thành quả không thể tách rời của Chúa Thánh Linh (Xc Gl 5,23). Tình yêu tạo ra vui mừng, và vui mừng là một hình thức yêu thương. Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta, khi vọng lại lời Chúa Giêsu ”cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận lãnh!” (Cv 20,35), đã nói: ”Niềm vui là một mạng lưới tình yêu để bắt các linh hồn. Thiên Chúa yêu thương người cho đi một cách vui vẻ. Ai vui vẻ cho đi thì cho nhiều hơn”. Và vị Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã viết: ”Trong chính Thiên Chúa tất cả đều là vui mừng vì tất cả đều là hồng ân” (Tông Huán Gaudete in Domino (Hãy vui mừng trong Chúa), 9-5-1975).

Khi nghĩ đến những lãnh vực khác nhau trong cuộc sống của các bạn, tôi muốn nói với các bạn rằng yêu thương có nghĩa là kiên trì, trung tín, chu toàn những gì đã cam kết. Và điều này trước tiên ở trong tình bạn: các bạn hữu chúng ta mong muốn chúng ta thành thực, giữ lời hứa, trung thành, vì tình yêu chân thực là kiên trì cả khi và nhất là trong những khó khăn. Điều này cũng có giá trị đối với công việc làm, học hành và việc phục vụ mà chúng ta thi hành. Trung thành và kiên trì trong điều thiện dẫn tới niềm vui, cho dù niềm vui ấy không luôn luôn là điều xảy ra ngay.

Để đi vào niềm vui của tình yêu, chúng ta cũng được mời gọi quảng đại, không phải chỉ cho đi điều tối thiểu, nhưng là dấn thân hết mình trong cuộc sống, đặc biệt quan tâm đến những người túng thiếu hơn. Thế giới đang cần những người nam nữ có khả năng và quảng đại, phục vụ công ích. Các bạn hãy dấn thân học hành nghiêm túc; hãy vun trồng những năng khiếu của các bạn và ngay từ bây giờ sử dụng chúng để phục vụ tha nhân. Hãy tìm phương thế để góp phần làm cho xã hội được công bằng và nhân đạo hơn, nơi các bạn sinh sống. Ước gì toàn thể cuộc sống của các bạn được tinh thần phục vụ hướng dẫn, chứ không phải do sự tìm kiếm quyền lực, thành công vật chất và tiền bạc.

Về lòng quảng đại, tôi không thể không nhắc đến niềm vui đặc biệt: đó là niềm vui ta cảm thấy khi đáp lại ơn gọi hiến dâng trọn cuộc sống của ta cho Chúa. Các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng sợ ơn Chúa gọi sống đời tu trì, đan tu, thừa sai hoặc linh mục. Hãy chắc chắn rằng Chúa đổ đầy vui mừng cho những người dâng hiến cuộc sống cho Ngài trong viễn tượng ấy, và đáp lại lời mời của Chúa từ bỏ mọi sự để ở với Ngài, và dâng hiến cho Ngài con tim không chia sẻ để phục vụ tha nhân. Cũng vậy, Chúa dành niềm vui lớn cho những người nam nữ hoàn toàn hiến thân cho nhau trong hôn nhân để thành lập gia đình và trở thành dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Ngài.
Tôi muốn nhắc đến yếu tố thứ ba để bước vào niềm vui của tình yêu, đó là làm cho tình hiệp thông huynh đệ được tăng trưởng trong cuộc sống của các bạn và của các cộng đoàn các bạn. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hiệp thông và vui mừng. Không phải tình cờ mà Thánh Phaolô viết lời nhắn nhủ ở số nhiều: Ngài không ngỏ lời với mỗi người riêng rẽ, nhưng quả quyết ”Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa” (Pl 4,4). Chỉ khi nào cùng nhau sống sự hiệp thông huynh đệ, chúng ta mới có thể cảm nghiệm niềm vui ấy. Sách Tông đồ Công vụ mô tả cộng đoàn Kitô đầu tiên thế này: ”Khi bẻ bánh trong các tư gia, họ dùng bữa với niềm vui và tâm hồn đơn sơ” (Cv 2,46). Cả các bạn cũng hãy dấn thân để các cộng đoàn Kitô có thể là nơi ưu tiên để chia sẻ, quan tâm và săn sóc lẫn nhau.

5. Niềm vui hoán cải
Các bạn than mến, để sống niềm vui đích thực cũng cần phải nhận rõ những cám dỗ làm mất niềm vui. Nền văn hóa ngày nay thường tìm kiếm những mục tiêu, những thành công và lạc thú trước mắt, ưu đãi sự bất nhất hơn là sự bền chí trong những cơ cực vất vả và trung thành với những điều cam kết. Những sứ điệp các bạn nhận được thường thúc đẩy đi theo tiêu chuẩn tiêu thụ, hướng đến những hạnh phúc giả tạo. Kinh nghiệm cho thấy rằng sở hữu của cải không đồng nghĩa với vui mừng; có bao nhiêu người đầy ứ của cải vật chất, nhưng thường bị thất vọng, sầu muộn và cảm thấy cuộc sống trống rỗng. Để ở lại trong niềm vui, chúng ta được mời gọi sống trong tình thương và trong chân lý, sống trong Thiên Chúa.
Và ý muốn của Thiên Chúa là chúng ta được hạnh phúc. Vì thế Ngài đã ban cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể để chúng ta tiến bước, đó là các Giới răn. Khi tuân giữ các Giới răn, chúng ta tìm thấy con đường sự sống và hạnh phúc. Tuy rằng thoạt nhìn các Giới răn có vẻ là một mớ những điều cấm đoán, như thể là một chướng ngại cản trở tự do, nhưng nếu chúng ta suy niệm các Giới răn kỹ lưỡng hơn, dưới ánh sáng Sứ điệp của Chúa Kitô, thì chúng là một toàn bộ những qui luật sống thiết yếu và quí giá, dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc, được thực hiện theo dự phóng của Thiên Chúa. Trái lại bao nhiêu lần chúng ta nhận thấy rằng công trình xây dựng không biết tới Chúa và ý của Ngài thì dẫn tới thất vọng, buồn sầu, cảm thấy bị chiến bại. Kinh nghiệm về tội lỗi như một sự từ khước theo Chúa, như một sự xúc phạm đến tình bạn của Chúa, tạo ra bóng tối trong tâm hồn chúng ta.

Nếu đôi khi hành trình Kitô gặp khó khăn và quyết tâm trung thành với tình yêu của Chúa gặp phải những chướng ngại hoặc sa ngã, thì Thiên Chúa, theo lượng từ bi của Ngài, không bỏ rơi chúng ta, trái lại Ngài tặng cho chúng ta cơ hội trở về với Ngài, hòa giải với Ngài, cảm nghiệm niềm vui của tình yêu tha thứ và tái đón nhận của Ngài.

Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy năng lãnh nhận bí tích Thống Hối và Hòa giải! Đây là bí tích về niềm vui được tìm lại. Các bạn hãy cầu xin Chúa Thánh Linh ban ánh sáng để biết nhận ra tội lỗi của mình và khả năng xin Chúa tha thứ qua việc kiên trì đến với Bí tích này với lòng thanh thản và tín thác. Chúa luôn mở rộng vòng tay đón nhận các bạn, thanh tẩy và đưa các bạn vào trong niềm vui của Ngài: ”trên trời sẽ được vui mừng dù chỉ có một tội nhân hoán cải (Xc Lc 15,7).

6. Niềm vui trong thử thách

Nhưng sau cùng, trong tâm hồn chúng ta có thể còn một thắc mắc: phải chăng ta có thể sống trong vui mừng ngay giữa những thử thách của cuộc đời, nhất là những thử thách đau thương và huyền nhiệm, phải chăng việc thực sự theo Chúa, tín thác nơi Chúa, luôn mang lại hạnh phúc?

Chúng ta có thể tìm được câu trả lời từ kinh nghiệm của một số người trẻ như các bạn, họ đã tìm thấy trong Chúa Kitô ánh sáng có khả năng mang lại sức mạnh và hy vọng, kể cả trong những tình cảnh khó khăn nhất. Chân phước Pier Giorgio Frassati (1901-1925) đã trải qua bao nhiêu thử thách trong cuộc sống ngắn ngủi, trong đó có thử thách về đời sống tình cảm, gây thương tổn sâu đậm cho anh. Chính trong tình thế ấy, anh viết cho chị: ”Chị hỏi em có vui không; và làm sao em không thể vui mừng? Bao lâu Đức Tin con mang lại cho em sức mạnh thì em luôn vui tươi! Mỗi tín hữu Công Giáo không thể không vui mừng.. Mục đích mà chúng ta được tạo thành chỉ cho chúng ta con đường tuy có nhiều gai góc, nhưng không phải là một con đường sầu muộn: con đường ấy là vui tươi cả trong những đau khổ” (Thư gửi chị Luciana, Torino, 14-2-1925). Và chân phước Gioan Phaolô II, khi trình bày chân phước Frassati như mẫu gương, đã nói về anh rằng: ”Frassati là một thanh niên có một niềm vui thu hút, một niềm vui vượt lên trên bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống” (Diễn văn cho giới trẻ, Torino, 13-4-1980).

Gần chúng ta hơn là cô Chiara Badano (1971-1990) mới được phong chân phước. Cô đã cảm nghiệm rằng đau khổ có thể được biến đổi nhờ tình yêu và hàm chứa niềm vui một cách huyền nhiệm. Năm lên 18 tuổi, trong lúc bị bệnh ung thư làm cho cô bị đau đớn dữ dội, Chiara đã cầu nguyện với Chúa Thánh Linh, chuyển cầu cho các bạn trẻ thuộc Phong trào của cô. Ngoài việc xin lành bệnh, Chiara còn xin Thiên Chúa dùng Thánh Linh soi sáng cho tất cả các bạn trẻ ấy, ban ơn khôn ngoan và ánh sáng cho họ: ”Đó thực là một giờ phút của Thiên Chúa: con chịu đau khổ về thể xác, nhưng tâm hồn con ca hát” (Thư gửi Chị Chiare Lubich, Sassello, 20-12-1989). Bí quyết an bình và vui tươi của Chiara Badano là hoàn toàn tín thác nơi Chúa và đón nhận cả bệnh tật như một sự biểu lộ huyền nhiệm Ý Chúa để mưu ích cho cô và tất cả mọi người. Cô thường lập lại: ”Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, thì con cũng muốn như vậy”.
Đó là hai chứng tá đơn sơ giữa bao nhiêu chứng tá khác cho thấy tín hữu Kitô chân chính không bao giờ tuyệt vọng và buồn rầu, cả khi đứng trước những thử thách cam go nhất, và chứng tá ấy cũng cho thấy rằng niềm vui Kitô không phải là một sự trốn chạy thực tại, nhưng là một sức mạnh siêu nhiên để đương đầu và sống những khó khăn thường nhật. Chúng ta biết rằng Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại đang ở với chúng ta, là người bạn luôn trung tín. Khi chúng ta tham phần vào những đau khổ của Ngài, chúng ta cũng tham dự vinh quang của Ngài. Với Ngài và trong Ngài, đau khổ được biến đổi thành tình yêu. Và tại nơi đó có vui mừng (Xc Cl 1,24).

7. Chứng nhân niềm vui

Các bạn thân mến, để kết thúc, tôi muốn nhắn nhủ các bạn hãy trở thành các thừa sai của niềm vui. Ta không thể hạnh phúc nếu những người khác không được hạnh phúc: vì thế, niềm vui phải được chia sẻ. Các bạn hãy ra đi kể lại cho các bạn trẻ khác về niềm vui của các bạn vì đã tìm được kho tàng quí giá là chính Chúa Kitô. Chúng ta không thể giữ riêng cho mình niềm vui đức tin: để niềm vui ấy có thể ở lại trong chúng ta, chúng ta phải thông truyền đi. Thánh Gioan quả quyết: ”Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi cũng loan báo cho anh em, để anh em cũng hiệp thông với chúng tôi.. Chúng tôi viết những điều này cho anh em, để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn” (1 Ga 1,3-4).



Đôi khi người ta mô tả Kitô giáo như một chương trình sống đè nén tự do của chúng ta, đi ngược với ước muốn hạnh phúc và vui mừng của chúng ta. Nhưng điều này không tương ứng với sự thật! Các tín hữu Kitô là những người nam nữ thực sự hạnh phúc vi họ biết mình không bao giờ lẻ loi, nhưng luôn luôn được bàn tay Thiên Chúa nâng đỡ! Hỡi các môn đệ trẻ của Chúa Kitô, các bạn có nhiệm vụ chứng tỏ cho thế giới thấy rằng đức tin mang lại hạnh phúc và một niềm vui chân thực, trọn vẹn và lâu bền. Và nếu lối sống của các tín hữu Kitô nhiều khi có vẻ mệt mỏi và buồn chán, các bạn hãy là những người đầu tiên chứng tỏ khuôn mặt vui tươi và hạnh phúc của đức tin. Phúc Âm là “tin vui” theo đó Thiên Chúa yêu thương chúng ta và mỗi người chúng ta đều là quan trọng đối với Ngài. Các bạn hãy chứng tỏ cho thế giới thấy sự thật là như thế!

Vì vậy, các bạn hãy trở thành những thừa sai hăng hái trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng! Hãy mang đến cho những người đau khổ, những người đang tìm kiếm, niềm vui mà Chúa Giêsu muốn cho họ. Hãy mang niềm vui ấy đến trong gia đình, trường học và đại học, trong những nơi làm việc, các nhóm bạn hữu của các bạn, nơi các bạn sinh sống. Các bạn sẽ thấy niềm vui ấy lan sang người khác. Và các bạn sẽ nhận được gấp trăm: niềm vui của ơn cứu độ cho chính các bạn, niềm vui được thấy Lòng Từ Bi Chúa tác động nơi các tâm hồn. Ngày mà các bạn gặp gỡ chung kết với Chúa, Ngài sẽ nói với các bạn: ”Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy dự phần vào niềm vui của chủ bạn!” (Mt 25,21).

Xin Đức Trinh Nữ Maria tháp tùng các bạn trên con đường đó. Mẹ đã đón nhận Chúa vào lòng và đã loan báo điều ấy qua bài ca chúc tụng và vui mừng, Magnificat: ”Linh hồn tôi tung hô Chúa và thần trí tôi mừng rỡ trong Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1,46-47). Mẹ Maria đã hoàn toàn đáp lại tình thương của Thiên Chúa qua việc tận hiến đời Mẹ cho Chúa trong việc phục vụ khiêm tốn và trọn vẹn. Mẹ được gọi là ”Nguyên nhân niềm vui của chúng ta” vì Mẹ đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu. Xin Mẹ dẫn đưa các bạn vào niềm vui ấy, niềm vui mà không ai có thể tước đoạt khỏi các bạn!
Vatican ngày 15 tháng 3 năm 2012
Biển Đức XVI, Giáo Hoàng

LM. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Video: ĐTC tại Santiago de Cuba: Khi Thiên Chúa bị gạt sang một bên, thế giới trở thành một nơi khắc nghiệt cho con người

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

'Còn bao nhiêu Luyện, Dưỡng trong mỗi chúng ta?'

Nhân phiên toà phúc thẩm xét xử Lê Văn Luyện 30/03/2012 tại Bắc Giang, mời đọc lại bài trên Vietnamexpress:


'Còn bao nhiêu Luyện, Dưỡng trong mỗi chúng ta?'



- 'Sau vài vụ thảm sát tiệm vàng liên tục xảy ra trong thời gian ngắn, người ta bắt đầu hoang mang rằng có bao nhiêu Luyện, bao nhiêu Dưỡng trong mỗi chúng ta và trong cộng đồng?' - bức xúc trước thực trạng tội phạm chưa thành niên gia tăng, chuyên gia Thu Quỳnh (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã gửi đến VietNamNet bài viết phân tích sâu về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu.



Nhiều người không khỏi giật mình trước công bố tại diễn đàn Quốc hội cho thấy tình hình tội phạm tuổi vị thành niên quá cao, chỉ sau 5 - 10 năm nữa cả nước sẽ có gần 1 triệu người có tiền án tiền sự, trong đó có đến 200.000 trường hợp dưới 30 tuổi.
Từ 2010, thống kê tội phạm của thành phố lớn nhất cả nước cho thấy có tới gần 20% tội phạm chưa thành niên phạm pháp hình sự bị bắt giữ, xử lý.

Có lẽ chưa khi nào liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường đẫm máu như thời điểm hiện nay, liên tiếp các clip đánh nhau được tung lên mạng. Nhiều bậc phụ huynh bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của con mình, thậm chí không ít người băn khoăn rằng có khi nào điều đó xảy ra – bao nhiêu phần trăm một đứa trẻ chưa trưởng sẽ thành nạn nhân hay tội nhân?
Dương Phương Thuấn, học sinh lớp 8 giết bạn để cướp chiếc xe đạp tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

Sau vài vụ thảm sát tiệm vàng liên tục xảy ra trong thời gian ngắn, người ta bắt đầu hoang mang rằng có bao nhiêu Luyện, bao nhiêu Dưỡng trong mỗi chúng ta và trong cộng đồng?

Hàng trăm, nghìn phản hồi trực tiếp (comment) ồ ạt trên các trang mạng đều đòi tăng nặng khung hình phạt đối với trẻ vị thành niên phạm tội, bởi không ai, dù là người hiền lành nhất có thể chịu được nụ cười nhếch mép lạnh lùng bình thản của kẻ thủ ác mất nhân tính.
Sự tức giận của xã hội như được đổ thêm một chảo dầu khi có nhiều học sinh tỏ ra thích thú với trò đùa 'thần tượng Lê Văn Luyện'.
Tăng nặng khung hình phạt cho những kẻ thủ ác dã man kể cả tuổi teen dường như là biện pháp hiệu quả nhất mà nhiều người nghĩ đến.
Phải chăng, khung phạt bây giờ không đủ tính răn đe? Có phải luật pháp nước ta còn quá nương tay? Sự bình luận này xôn xao tới mức có một vài ý kiến cho rằng chính người lớn cũng đang dần lạnh lùng hơn với những đứa trẻ hư và kêu gọi lòng từ bi hỉ xả trong mỗi con người.
Và quả thật, khung hình phạt cứng rắn có vẻ như chưa phải là câu trả lời phù hợp nhất, bởi chỉ một thời gian ngắn sau, cả nước lại rúng động khi có vụ cướp tiệm vàng giết người dã man tại Thường Tín được thực hiện bởi một người đàn ông thành niên.
Hiển nhiên anh ta biết hình phạt nào đợi mình nếu như bị sa lưới pháp luật. Vậy tại sao anh ta vẫn giết người khi biết chắc không thoát án tử cũng như khó lòng chạy trốn?

Như vậy dư luận, nhà giáo dục, người làm công tác xã hội trải qua biết bao cung bậc cảm xúc. Từ phẫn nộ, xót xa và đến lo lắng trước những câu hỏi còn đang treo lơ lửng đó và đi tìm lời giải.
Quả không sai nếu cho rằng có “gen côn đồ” theo một số nghiên cứu tội phạm học đã khẳng định - ở một số người, tỉ lệ gen MAO-A dẫn tới xu hướng bạo lực, tham gia vào các băng đảng tội phạm nhiều hơn.
Lê Văn Luyện, hung thủ trong vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (Ảnh: VietNamNet)

Tính côn đồ, hung hãn ở những đối tượng bạo lực trẻ hiện nay không chỉ là do tính cách, lối sống, môi trường sống quy định mà còn bị chi phối một phần không nhỏ bởi nhóm gen trên.

Vai trò, trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng được xem xét lại, vì hiếm khi cây con được nuôi dưỡng tử tế lại gầy guộc khẳng khiu.

Nhưng chừng đó có lẽ chưa đủ. Khung pháp lý chưa quan trọng bằng sợi dây đạo đức. Cần phải nhìn nhận lại toàn bộ cấu trúc xã hội mỗi chúng ta đang sống. Hiện tượng trẻ hóa tội phạm gia tăng, hành xử côn đồ, thách thức dư luận của trẻ vị thành niên cho thấy một sự lung lay các giá trị, mất thăng bằng của xã hội chứ không chỉ của các cá nhân.
Những biểu hiện ở các em chỉ là biểu hiện ở nhóm nhạy cảm nhất trong xã hội, mà hành vi mang tính lặp lại ở nhiều cá nhân phản ánh những vấn đề nội tại của toàn thể cộng đồng.

Nhà xã hội học Emile Durkheim đã cho rằng “Nếu coi tội phạm như một căn bệnh xã hội, thì như vậy đã thừa nhận rằng, bệnh tật không phải là một cái gì ngẫu nhiên, mà ngược lại trong một số trường hợp, nó bắt nguồn từ chính cấu tạo căn bản của sinh vật”.
Xem xét xã hội như một tổng thể, cần phải thấy mỗi bộ phận đều có chức năng nhất định góp phần đảm bảo sự tồn tại của chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững.

Theo đó, xã hội tồn tại và phát triển được nhờ các thành viên chia sẻ những giá trị, chuẩn mực chung trong xã hội mà dẫn tới thống nhất xã hội.
Trong xã hội đó, con người bị quy định bởi các giá trị chuẩn mực, khung đạo đức.
Khi một sự gia tăng đột biến tội phạm trẻ có tính nguy hiểm cao là một biểu hiện của việc các giá trị chuẩn mực, khung đạo đức đang lung lay.

Có lẽ, cũng không cần phải bàn nhiều về tiêu cực, khủng hoảng trong toàn bộ các tiểu hệ thống của cả cấu trúc xã hội. Hàng ngày người đọc đều liên tục cập nhật và trực tiếp trải nghiệm những điều đó.
Chừng nào những trục trặc trong vận hành của các tiểu hệ thống khác chưa được giải quyết thì cũng khó lòng tìm được câu trả lời xác đáng cho một giải pháp đối với tội phạm vị thành niên.
Nói như vậy cũng là để san bớt gánh nặng cho giáo dục nhà trường và cả trong các gia đình.

Giáo dục nhà trường là yếu tố chủ chốt trong việc bồi đắp kiến thức và hình thành nhân cách con người, điều đó thể hiện ra hành vi ứng xử của người được thụ hưởng nền giáo dục đó.
Gia đình luôn là hạt nhân của xã hội – chịu trách nhiệm chính với mỗi cá nhân. Nhưng cả gia đình và ngành giáo dục cũng chỉ là một tiểu thành phần của xã hội, nó cũng chịu tác động đầy đủ các tiêu cực xã hội, sự đổ vỡ của các giá trị đạo đức.
Do đó, khó đòi hỏi một cá thể phải phát triển tư cách đạo đức tốt đẹp trong một xã hội mà giá trị mới đang dần được xây dựng, vẫn còn bao khoảng trống cần được bồi lấp bởi một thời gian dài các chuẩn mực xã hội còn bị xáo trộn. 

Thu Quỳnh
(Viện Khoa học xã hội Việt Nam)

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

SÁNG TÁC MỚI NHẤT VỀ PLEI KU CỦA NGUYỄN CƯỜNG VÀ LÊ MINH SƠN





Thưa cả làng,
Hai nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Lê Minh Sơn (í...í...Chú ý: nhạc sĩ Lê Minh Sơn "thứ thiệt" chứ không phải Lê Minh Sơn "dỏm" dân Kon Tum chính hiệu này, là mình, đâu nhé!) vừa có chuyến sáng tác tại Plei Ku, Gia Lai. 
Ngày 22.03.2012 vừa qua, hai nhạc sĩ đã công bố các tác phẩm của mình tại Plei Ku. Xin trình cùng cả làng 2 bản photo bài hát dưới đây do N.Q.T (Plei Ku), người đã tháp tùng cùng 2 nhạc sĩ trong chuyến thực tế sáng tác này, giới thiệu trên pleikucafe.com.
Sao Kon Tum mình ít có bài hát của các nhạc sĩ lớn viết về Kon Tum nhỉ? Plei Ku có "Còn một chút gì để nhớ" của Phạm Duy...Buôn Ma Thuột cũng có nhiều bài hát nổi tiếng: "Ly cà phê Ban Mê".v.v. Nghe nói trước đây có bài Chiều Kon Tum của Ns Y Vân, nhưng mình tìm chưa ra, không biết nó như thế nào.
Hai nhạc sĩ Nguyễn Cường và Lê Minh Sơn ("thiệt") thử làm vài bài để đời về Kon Tum, mấy bài trước đây hình như chưa "nổi" lắm. Dù sao cũng cám ơn 2 nhạc sĩ.
                                                             L.M.S ("dỏm")



NS Lê Minh Sơn và NS Nguyễn Cường

SỨC SỐNG MỚI - KON TUM (Youtube)



(Nguồn: helpkontum.org hoặc giupkontum.org)

NHỮNG HOẠ SĨ ĐẠI TÀI VẼ HÌNH CHÚA GIÊSU (Youtube)



Mời xem những clip đặc sắc về những hoạ sĩ vẽ chân dung 
Chúa Giêsu thật tài tình!
Hãy vào Youtube xem thêm nhiều clip nữa thể loại này.
Kính chúc Tuần lễ chịu nạn (tuần V Mùa Chay trước Tuần 
Thánh) chuẩn bị thật sốt sắng để bước vào Tuần Thánh đón
nhận muôn hồng ân của Chúa Kitô Phục Sinh.













Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Phim: ĐỜI TÙ ĐẦY VỚI ĐỨC HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN



CHỨNG NHÂN CỦA HY VỌNG


“Đời Tù Đầy với ĐHY Nguyễn Văn Thuận”
(1928 - 2002)

Hồ sơ suy tôn Chân phước cho ĐHY Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận đã chính thức được khởi sự ngày 16-9-2007, tròn năm năm sau khi ngài qua đời.
ĐGH Bênêdictô 16 đã phát biểu trong dịp này như sau :
“... ÐHY Nguyễn Văn Thuận là một con người của Hy vọng, ngài sống bằng hy vọng, ngài phổ biến hy vọng cho tất cả những ai ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà ngài đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý. Hy vọng đã nâng đỡ ngài khi là Giám mục bị cô lập trong vòng 13 năm trời, xa cách khỏi cộng đoàn giáo phận của Ngài; hy vọng giúp đỡ ngài biết nhìn ra qua cái vô lý của các biến cố xẩy đến cho ngài - không bao giờ được xét xử - một kế đồ của sự quan phòng của Thiên Chúa.”
“…Tôi vui mừng đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị ngôn sứ đặc biệt của niềm Hy Vọng Kitô giáo, và trong khi chúng ta trao phó linh hồn ưu tuyển của Ngài cho Chúa, chúng ta cầu nguyện để gương của Ngài trở nên giáo huấn vững chắc cho chúng ta”.
Tập phim : “Đời Tù Đầy với ĐHY Nguyễn Văn Thuận” dựa trên cuốn sách dụ ngôn “Năm chiếc bánh và Hai con cá”, và lời tự thuật của chính Đức Hồng Y về 13 năm ngài bị giam tù và quản chế (1975-1988).
Phần 1 :
Phần 2 :
 Phần 3 :
Phần 4 :
Phần 5 :
(Nguồn: Giáo xứ Đa Minh Ba Chuông)

Kinh Xin Ơn với ĐHY Nguyễn Văn Thuận

(Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình)

(Nhân ngày Lễ Giỗ 7 năm ĐHY P.X Nguyễn Văn Thuận,
chúng ta hãy cùng nhau đọc Kinh Xin Ơn với Ngài)

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng có đời đời,
là Cha và Con và Thánh Thần,
con cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh
gương chứng tá anh dũng
của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Kinh nghiệm khổ đau trong ngục tù,
được Ngài sống liên kết với Chúa Kitô chịu đóng đinh,
dưới bóng che chở hiền mẫu của Mẹ Maria,
đã rèn luyện Ngài nên một chứng nhân sáng ngời
cho Hội Thánh và toàn thế giới,
về sự hiệp nhất và tha thứ,
cũng như về công lý và hòa bình.
Con người dễ thương mến
cùng với sứ vụ mục tử giám mục của Ngài
tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin,
nhiệt tâm của niềm hy vọng
và sức nồng ấm của đức ái.
giờ đây, nhờ lời bầu cử của Ngài và theo thánh ý Chúa,
xin Chúa ban cho con được ơn đang khẩn cầu,
với niềm hy vọng thấy Ngài
sớm được vinh hiển trên bàn thờ.
Amen.

Imprimatur
Vatican, 16.09.2007
+ Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký
Hội Đồng Giáo Hoàng Công lý và Hòa Bình.


Tất cả những ân huệ hay phép lạ nhận được qua lời cầu xin với Đức Hồng Y<
xin vui lòng gửi về Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên qua địa chỉ
Hồi Đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa Bình: Pontifical Council for Justice anh Peace, Piazza San Calisto, 16 – 00120 Vatican City.
(Nguồn: Vietcatholic)

BÀI CA CÔNG BỐ PHỤC SINH “EXSULTET”: CẤU TRÚC VÀ Ý NGHĨA





Gary D. Penkala

          Bài thánh ca Exsultet vẫn là một trong những bài thơ phụng vụ còn sót lại trong Lễ Nghi Roma. Charlton Walker viết: “Đây là ngôn ngữ phụng vụ vươn lên đến tận trời cao mà khó có thể tìm đâu ra một bài tương tự trong văn chương Kitô giáo. Chúng ta thoát ra ngoài những câu cú tín điều khô cứng để đi vào trong huyền nhiệm sâu thẳm, đến miền đất mà dưới ánh sáng của thiên đường thì ngay cả tội Adong cũng được xem như cần thiết và là tội hồng phúc”.
           Theo G. Thomas Ryan: “Mỗi năm một lần, chúng ta hân hoan nghe lại lời loan báo này, một trong những bài hát độc xướng hay nhất đã tồn tại trong lịch sử gần 2000 năm của thánh nhạc Kitô giáo”.
           Exsultet hay Lời công bố phục sinh (tiếng Latinh là Præconium Paschale) như được ghi trong sách Nghi thức Bí Tích, đúng ra là do một thầy phó tế hát, cũng như nghi thức thắp nến phục sinh trước đó. Sau khi thắp nến phục sinh từ ngọn lửa mới, thầy phó tế dẫn đầu đoàn rước tiến vào trong ngôi nhà thờ tăm tối, gợi lại cột lửa dẫn đưa dân Israel băng qua sa mạc. Thầy bắt giọng hát “Ánh sáng Chúa Kitô” ba lần, mỗi lần theo một cung giọng cao hơn; cộng đoàn đáp lại “Tạ ơn Chúa”. Đến cung thánh, phó tế đặt cây đèn trên giá cao, mang bình hương đến cho vị chủ tế để chuẩn bị và nhận chúc lành của ngài. Thầy phó tế xông hương sách có bản văn Exsultet và nến phục sinh. Rồi thầy bắt đầu hát bài Công bố Phục Sinh, một bài ca khen độc nhất vô nhị trong thánh ca phụng vụ. Nếu không có thầy phó tế, một linh mục hay giáo dân có thể thay thế với một vài sửa đổi cho phù hợp.

 
         
  Bài Exsultet gồm ba phần. Phần đầu như tiếng kèn lệnh bằng thơ với ba lời hô hào “Mừng vui lên” (Exsultet trong tiếng Latinh). Tiếp theo là một phần như kinh Tiền Tụng (Preface) tạo nên phần thân của bài thánh ca, so sánh giữa lễ Vượt Qua của Cựu Ước với sự Phục Sinh vui mừng của Đức Kitô. Bài Exsultetkết thúc với lời nguyện xin Chúa Cha toàn năng chấp nhận lễ dâng cây Nến Phục Sinh và “hy lễ dâng chiều hôm” của Giáo Hội.
           Xem kỹ lại phần dẫn nhập, chúng ta thấy cấu trúc gồm ba phần. Có ba nhóm được mời gọi “Mừng vui lên!”: các thiên thần cùng với các cơ binh trên trời; trái đất và muôn loài thụ tạo và cuối cùng là Giáo Hội, “Khắp nơi trong cung điện này vang lên. Ngàn muôn tiếng ca reo mừng của nhân trần” (theo bản “Exsultet” của Văn Chi). Chủ đề bóng tối bị ánh sáng vinh quang của Đức Kitô phá vỡ đã sớm xuất hiện trong bài thánh ca: “Ánh huy hoàng chiếu soi … ánh quang vinh Vua muôn đời chói ngời … được ơn thoát ly xa miền tối tăm u sầu … uy nghiêm trong muôn ngàn ánh quang”. Ngay phần nhạc cũng giúp phân biệt được ba phần rõ rệt vì các cung điệu được lập lại ở mỗi phần.
           Tiếp theo là kinh Tiền Tụng riêng. Trong Thánh Lễ, kinh Tiền Tụng luôn đi trước kinh Thánh Thánh Thánh lúc bắt đầu Kinh Nguyện Thánh Thể. Kinh Tiền Tụng thường liệt kê ra những ý hướng để chúng ta tạ ơn Chúa, thường là nối kết chúng với ngày lễ đang được cử hành. Trong Lời công bố phục sinh, các biến cố vĩ đại của Thiên Chúa đều được trình bày, bắt đầu bằng biến cố Xuất Ai Cập trong Cựu Ước rồi tiếp tục trải qua những hành động cứu rỗi kỳ diệu của Đức Giêsu, Con Chiên Vượt Qua. Có thể gọi đây là lời kinh cầu, bản văn được dẫn nhập với những khẳng định bắt đầu bằng câu “Đây là đêm…” (Hæc nox esttrong tiếng Latinh). Đây là những câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao có đêm đặc biệt này?”, và hiển nhiên câu hỏi này có liên hệ đặc biệt với câu hỏi của trẻ em Do Thái giáo trong bữa ăn Seder[1]. Và đây là những câu trả lời: “Tội lỗi được huỷ bỏ … Kitô hữu được tẩy xoá mọi tội khiên … xiềng xích sự chết bị bẻ tung … sự dữ bị xua tan … mọi vết nhơ được tẩy sạch … người vô tội được phục hồi … người ưu phiền được sướng vui hân hoan … phá tan mọi hận thù oan ghét … mang lại hoà bình yêu thương … khuất phục mọi quyền bính thế gian  
           Với thể loại thơ ca đặc sắc của Nghi lễ Roma, Lời công bố phục sinh khiến chúng ta suy nghĩ: “Vì chưng nếu không được cứu chuộc khỏi mọi tội khiên, chúng ta sinh ra nào có ích chi?” “Để cứu chuộc đầy tớ, Chúa Cha đã nộp chính con yêu”. “Ôi! Tội hồng phúc, đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang!” “Ôi! Đêm hồng phúc, này đêm nối kết trời đất, phối hợp Thiên Chúa với muôn người thế chúng tôi!”. 
           Bài Exsultet kết với lời nguyện dâng lễ: “Xin hãy nhận cây Nến Phục Sinh này, dù ngọn lửa phân chia nhưng không bao giờ mòn hao, cột lửa thiêng toả ánh vinh quang Thiên Chúa”.   Thầy phó tế cầu xin cho ngọn lửa của cây nến hoà hợp với muôn ngàn ánh sáng thiên cung, và ngôi Sao Mai (Đức Kitô) không bao giờ lặn nữa tìm thấy ngọn lửa này luôn cháy sáng. (Flammas eius lucifer matutinus inveniat: ille, inquam, Lucifer, qui nescit occasum).
          Nhạc điệu hùng tráng được lấy lại từ các bài thánh ca cổ dùng cho kinh Tiền Tụng. Bản văn tiếng Latinh (Exsultet iam angelica turba cælorum...) có thể được tìm thấy trong Sách Lễ Roma từ năm 1964. Hát bài Exsultet luôn là một kinh nghiệm hân hoan cho các thầy phó tế mới được truyền chức vì bản văn này thật sự dành cho họ. Chính thầy phó tế chứ không phải vị chủ tế, không phải linh mục hay giám mục, cũng không phải Giáo Hoàng được trao ban cơ hội loan báo trước tiên tin vui về sự phục sinh của Chúa. Chính thừa tác viên phục vụ này, bậc thấp nhất trong phẩm trật, đã được tôn vinh khi công bố rằng vũ trụ từ nay đã thay đổi hoàn toàn – Đức Kitô đã sống lại! Thật là một nghịch lý kỳ diệu! Thật là một sự vặn vẹo hồng phúc!


chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính



[1] Bữa ăn Seder là bữa ăn theo nghi thức của người Do Thái đánh dấu sự bắt đầu của ngày lễ Vượt Qua. Trong bữa ăn này, để khơi dậy sự tò mò của đám trẻ con và giữ chúng tỉnh thức suốt bữa ăn kéo dài cho đến tận đêm khuya, người lớn khuyến khích bọn trẻ đặt câu hỏi để nhân cơ hội kể lại cho chúng câu chuyện về Cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập (Exodus). Theo nghi thức thì bọn trẻ hỏi nhiều câu, nhưng câu hỏi quan trọng nhất là câu hỏi Mah Nishtanah – “Tại sao đêm nay khác với những đêm khác?”. Sau khi đặt câu hỏi, phần quan trọng trong bữa ăn Seder chính là phần trả lời Magid, một hình thức trả lời bằng cách kể lại các câu chuyện lịch sử: hành trình đi từ nô lệ tới tự do, tức là câu chuyện Vượt Qua. (chú thích của người dịch