Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

GUERLACH BỀ TRÊN MIỀN TRUYỀN GIÁO KONTUM (1858 -1912)


GUERLACH

BỀ TRÊN MIỀN TRUYỀN GIÁO KONTUM

(1858 -1912)

THÁNH ĐƯỜNG THÁNH STÊPHANÔ , METZ, QUÊ HƯƠNG NHÀ TRUYỀN GIÁO.
GIỚI THIỆU BÀI VIẾT :  TÂY NGUYÊN vào thế kỷ 19 còn hoang sơ và huyền bí. Nơi đây sinh sống nhiều bộ tộc hùng cứ một phương, mạnh được yếu thua. Nơi tranh giành quyền lực giữa các triều đình Việt, Thái,  thực dân Pháp. Nơi du hành khám phá của các tay phiêu lưu kiểu Nam tước Mayrena. Nơi giáo dân chạy lánh nạn trước sự  săn lùng tàn sát của các vua nhà Nguyễn và nhóm Cần vương Văn thân. Chính trong bối cảnh ấy xuất hiện  chàng trai  Jean-Baptiste-Marie GUERLACH, thuộc xứ đạo Thánh Martinô, thành phố METZ, tỉnh Moselle, Pháp. Quê hương chàng vùng Lorraine vưa trãi qua một cuộc chiến tranh Pháp-Phổ. Chàng có thể tiến thân theo con đường binh nghiệp hoặc y khoa nhưng Thiên Chúa đã gọi chàng đến một vùng đất còn nhiều tập tục kỳ lạ, còn “thiếu ánh sáng văn minh”… Vừa là nhà truyền giáo, vừa mang tâm trạng của một “người khai hóa’, một “hiệp sĩ của công lý”…kiểu “trong văn miếu ra tài lương đống, ngoài biên thùy rạch mũi can tương”… trong con người chàng trai là một sự tổng hợp phức tạp giữa các giá trị nhân bản và tôn giáo, đạo và đời, chiến tranh và hòa bình.
Thầy Vincentê Phaolô Nguyễn Đình Trọng, lớp Thần Học I niên khóa 20o9-2010, Đại Chủng Viện Huế, đã chịu khó sưu tầm tài liệu, phiên dịch và đúc kết bài viết nầy. Tuy chưa hoàn hảo nhưng cũng ghi lại những thông tin cần thiết để  giúp chúng ta hiếu thêm các biến cố lịch sử vùng Kontum thế kỷ 19, lồng vào tiểu sử của một nhân vật thực tế.
Riêng giáo phận Đà Nẵng cũng ghi ơn ngài vì trong tác phẩm Oeuvre nefaste ngài đã tấn công trực diện vào Tây thực dân ” ba chấm trên chữ  I” (Franc-Macon, Tam Điểm) Camille Paris , khi anh ta bôi  nhọ các nhà truyền giáo Á Châu. Qua đó, lịch sử Trà Kiệu, Phú Thượng cũng được tỏ bày trước bàn dân thiên hạ…. Trong khi người Việt kết án các ngài “cấu kết với thực dân” thì tại Đà Nẵng chính thực dân Pháp đã tống khứ  các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres  ra khỏi bệnh viện công vì luật 1905 và muốn xây dựng thành phố Tourane trên nền tảng “vô thần”, o ép giáo dân và các nhà truyền giáo đủ điều. Các ngài  không đầu hàng và quyết  nâng cao đời sống kinh tế, giáo dục  và y tế  tại các xứ  đạo đã được thành lập từ  thế kỷ 17,  khi các tên thực dân thế kỷ 19 còn ở “mô mô” trong ” khả thể”.
Khi các thứ  bung xung nhất thời qua đi, con người hôm nay đủ  bình tĩnh nhận xét ” đúng sai”. Riêng với các giáo phận Tây nguyên, khuôn mặt  và dấu ấn của linh mục J.B. Guerlach Mep không khi nào có thể phai mờ.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng  xin có đôi lời giới thiệu và cám ơn thầy Phao lô Trọng. Mong thầy tiếp tục hoàn chỉnh bài viết.

HÃY NHÌN KỸ  VỪNG TRÁN VÀ ĐÔI MẮT NẦY.
Thời Niên Thiếu
Jean-Baptiste Guerlach sinh ngày 14 tháng 7 năm 1858 tại Metz, thành đô cổ của Lorraine. Bố của Guerlach là một trong những ki-tô hữu không biết đến tính bất hợp lý cũng như xung khắc: đời sống đó như một đường thẳng. Con trai ông giống ông hoàn toàn ở điểm đó. Người mẹ, về phần mình, truyền cho ông tình yêu dịu ngọt và huyền bí đối với Thiên Chúa, một tình yêu liên kết khăng khít với đức tin nhiệt thành và dũng cảm.
METZ, CŨNG LÀ QUÊ HƯƠNG THI SĨ PAUL VERLAINE.
Vừa được 8 tuổi, đứa trẻ vào đội hát nhà thờ ở Metz. Chính ở đây cậu sốt sắng chuẩn bị rước lễ lần đầu ngày 24-06-1870, đêm trước cuộc chiến kinh hoàng. Để bảo vệ nước Pháp chống lại kẻ xâm lược, dù còn quá trẻ, cậu trình diện cách tin tưởng ở phòng tuyển quân. Dĩ nhiên bị gạt ra, cậu năn nỉ bằng một nụ cười. Viên sĩ quan nói với cậu “xem này, cậu nhóc, vẫn còn chảy sữa”, sau khi véo mũi cậu. Bị mếch lòng, cậu nhỏ phản kháng. Sự kiêu hãnh hiếm thấy này làm hài lòng người lính. Cuối cùng ông quyết định nhận cậu cho việc giúp đỡ các trạm cứu thương. Vậy là trong thời kỳ vây hãm, vào buổi tối các trận đánh, cậu lội trong bùn đẫm máu để đi tìm người bị thương, trong khi đằng xa canon vẫn nổ rên trời.
CHIẾN TRANH PHÁP- PHỔ 1870.
XUẤT HIỆN LẦN ĐẦU SÚNG ĐẠI LIÊN.
Trung thành với tổ quốc bị tàn phá, cậu di tản hơn là đầu hàng Đức. Chính ở trường thánh Pierre Fourrier, ở Lunéville mà cậu hoàn tất việc học hành bằng việc vượt qua vẻ vang các kỳ thi tú tài. Hoan hô chàng trai trẻ. Không cần giao tiếp với chàng lâu cũng đủ nhận ra trong chàng một tâm hồn nồng nhiệt, một trí thông minh sắc sảo, một óc tưởng tượng phong phú, và nhất là một quả tim tràn đầy yêu thương. Tương lai như mỉm cười với chàng và chào đón chàng từ muôn ngã. Thỉnh thoảng chàng do dự giữa hai nghề tâm huyết: binh nghiệp và nghề y.
Thậm chí dường như chàng chọn nghề y và ghi danh ở Phân khoa ở Paris. Chàng theo học đều đặn các cours học trong vòng một năm. Chính ở đó chàng khởi học nghệ thuật chăm sóc và an ủi bệnh nhân, nghệ thuật chàng đạt được về sau ở mức độ thượng thừa.
Ơn Gọi Đời Sống Tu Trì
Thiên Chúa, Đấng biết nhà vô địch như thế có lý tưởng trong mình, đã tỏ lộ cho chàng tính phù phiếm của sự đời và chẳng mấy chốc không còn gì ở thế gian có thể là nỗi cám dỗ cho chàng. Mọi mơ mộng đều phai đi trước sức hút thiên thượng, và người một thời muốn là chiến binh của Pháp quốc lại trở thành hiệp sĩ của Chúa, dù vẫn mang một tình yêu sâu đậm và tận tụy không bến bờ đối với tổ quốc mình, ngay trên núi rừng người Bahnar.
Sau khi trải qua hai năm ở Chủng viện Saint-Sulpice, Guerlach vào Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Ở đó, người biết rằng cuộc Chiến chống lại bản thân và sự hy sinh các sở thích là luật phổ quát của những điều trọng đại, do đó, người bắt đầu chống lại tính bồng bột của mình, bằng cách uốn mình theo những đòi buộc chi li của nội quy. Chàng cũng chuyên chăm phát triển các đức tính thông minh và dũng cảm bẩm sinh của mình, và siêu nhiên hóa đời sống bằng những suy niệm sâu nhiệm và nghiên cứu miệt mài các tác giả sách thánh. Những năm ở chủng viện thánh thiện và chăm chỉ đã in trong tâm hồn chàng dấu vết không phai về sự sốt mến và kỷ luật thép.
Hướng Về Đời Sống Tông Đồ
Sau khi chịu chức phó tế, người làm y tá cho Đức cha Galibert, Khâm Mạng Tòa Thánh ở Đàng Trong, được giữ lại ở Chủng viện vì bệnh tật. Vị Giám Mục tốt lành và dũng khí sau đó yêu thích vị phó tế, và giữa hai người hầu như tâm đầu ý hợp. Ngài thường nói với chàng về sở nguyện truyền giáo cho người thượng, nhưng như những vị tông đồ chính hiệu biết nói, ngài bày ra những nỗi đau người ta phải chịu đựng. Sau những cơn sốt dữ dội, vị chức sắc cao cấp nói với chàng: “Này, con có luôn vì người Bahnar không? Này như nếu con đau khổ ở đó và có thể còn hơn thế nữa, không quan trọng, thưa đức ngài! Người ta không vào hội Thừa Sai để sống lay lắt trong cái hộp vải. Đi sớm đi, hỡi người can đảm! Chúng ta sẽ biến con thành một người thượng! Nhưng chú ý nhé! Phải làm việc vất vả cho đến chết!”
Thụ phong linh mục ngày 04-03-1882, vị thừa sai trẻ của chúng ta vừa mới 24 tuổi. Đức Cha Galibert xin cha cho việc truyền giáo người Bahnar. Cha Guerlach rất thỏa nguyện: “Người Bahnar muôn năm. Cảm ơn! Cảm tạ Chúa… Lạy Chúa, con chấp nhận trước sứ mệnh tông đồ mà sự Quan Phòng của Ngài đã dành cho con với những công việc của nó, và có lẽ với những nhọc nhằn của nó! Nếu con thất bại trong cuộc chiến vĩnh cửu của sự thiện với sự ác này, đó không phải là không chịu chiến đấu, và không vận dụng tất cả những gì ngài đã ban cho con về trí thông minh, ý muốn, sức khỏe, sự sống… để cho đức tin hiển thắng.”
Là người nói chuyện dễ thương, với tài ăn nói hùng hồn và lưu loát, cha mặc sức kể về những kỷ niệm thuở trước. Ngài kể về chính mình rất thành thực và giản dị đến nỗi người ta thích ở ngài từ “tôi”, từ mà Pascal lại bảo “đáng ghét”.
Vì thế, để viết cuộc đời thừa sai của ngài, chúng ta chỉ cần làm sống lại các kỷ niệm của ngài, và đọc lại các câu chuyện ngài đã để lại cho chúng ta.
Đặt Chân Lên Đất Việt
“Khởi hành từ Pháp ngày 16 tháng 4 năm 1882, tôi kháng cự lại việc say sóng khá tốt trong suốt hành trình; nhưng cha Maillard, bạn tôi, người dũng cảm trong những người dũng cảm, đầu hàng ngay từ ngày đầu”. Ngày 4 tháng 6, hai người bạn đến Qui Nhơn. “Ở Đàng Trong, ngài viết thời đó, có hai loại nhiệm sở rất rõ rệt: nhiệm sở của người Việt và nhiệm sở của người Thượng. Ở trong các nhiệm sở đầu, công việc có rất nhiều, các tín hữu rất đông, người ta được những an ủi tinh thần, chức vụ rất năng động. Nhưng trong các cánh rừng người Bahnar, sự việc không phải như vậy. Chúng tôi ở đó, đề cao cao cảnh giác, ngăn không cho điều tốt đã thực hiện biến mất đi, và chúng tôi cố gắng xúc tiến một ít văn hóa của vùng rất nghèo môi trường đức tin này; nhưng sự việc tiến triển tốt cách chậm chạp như trong tất cả các miền truyền giáo được thiết lập. Vùng truyền giáo này có nhiều khổ giá và khó khăn hơn; đó là phần đã chọn của vị thừa sai: Calix meus inebrians quam proeclarus est!” (Ly rượu con đầy tràn chan chứa!).
Trong khi chờ đợi việc đến với người Thượng, cha Guerlach được phái đến giáo dân xứ Xoai, để học tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của cha Geffroy. “Về sau ngài viết: có được vị hướng dẫn tuyệt vời này, tôi không thể không cam kết trở nên thông giỏi, nếu tôi không quỵ ngã trước một cám dỗ dữ dội. Cha Dourisboure, bậc lão thành nơi người Bahnar, cũng ở đó với cuốn từ điển và văn phạm bằng tiếng Bahnar của mình. Việc truyền giáo cho người Thượng chưa hề có bất kỳ ấn phẩm nào. Tất cả đồng nghiệp đi lên đây đều phải chép lại một từ điển chép tay; cuốn của cha Dourisboure cất giữ là mới nhất, ấn bản mới nhất.
“Tôi tự nhủ tại sao thay vì học tiếng Việt, tôi lại không học tiếng dân tộc, để lợi dụng thời cơ? Thế là tôi trèo lên được những ngọn núi được vũ trang từ đầu tới chân! Tôi nói điều đó với Cha Dourisboure và tin chắc ở vụ này. Nhưng ông già Thượng bám lấy nguyên tắc; ông trả lời tôi cách ngắn gọn: “Anh ở đây để học tiếng Việt chớ không phải tiếng Bahnar: hãy học tiếng Việt, bởi vì đó là ý muốn của các Bề Trên của anh”. Ông Cha tốt lành nói chí phải; tôi không trả lời thế nào được; nhưng Sự Quan Phòng giúp đỡ tôi đánh cắp tài tình bản chép tay của Cha bằng cách copy một mạch mà Cha không phát hiện gì.
Tôi tự nhủ thế là tồi… Tôi đồng ý điều đó, và tác giả sẽ trách mắng thậm tệ tôi nếu ông biết được việc đạo văn này. Tuy nhiên, năm năm sau, cha gửi đến tôi những lời cảm ơn nồng nhiệt vì đã cứu tác phẩm của mình bằng cách làm tác phẩm copy không hỏi ý kiến cha. Quả thực, cái tác phẩm chép tay quý giá, mà ông già hiền lành coi như con ngươi của mình, đã bị mất trong cuộc cướp bóc và hỏa hoạn của trường Nươc-nhi năm 1885, bởi dân ngoại. Tác giả thật vui mừng khi tôi gửi cho ông bản chép lại hoàn hảo. Cha cho in ở Nazareth bên Hongkong, và trong thân tình thú nhận với tôi rằng tuổi trẻ đôi khi cũng có những ý tưởng tốt’”.
Sau chuyến lưu trú năm tháng ở Việt Nam, ngày 30 tháng 12 năm 1882, Ngài Guerlach rời An-khê, ngôi làng cuối cùng của biên giới Annam, và sau cuộc đi ngựa năm ngày băng rừng và các con đường mà “Cục quản lý Cầu cống và đường bộ, không đoán được chuyến đi của cha, đã không cho kiểm tra”, cha đến Touer chủ nhật kế tiếp. Hai Cha Vialleton và Roger, lúc đó là hai thừa sai duy nhất vùng Bahnar, đợi ngài ở đó. “Trời chập tối. Bạn đoán xem người ta ôm nhau thắm thiết thế nào! Sau bữa ăn chung thịnh soạn hơn bình thường mấy ngày trước, chúng tôi lần hạt và hát kinh cầu Đức Bà; tiếp theo là các bài thánh ca, và chúng tôi kết thúc bằng Magnificat. Ở đó chúng tôi có ba cha Châu âu xa tổ quốc, xa cha mẹ, đến trên đất Bahnar này để sống và chết chung. Ah! Chúng tôi ca tụng Chúa với tất cả tâm hồn; tất cả cùng chung một lòng”.
Ngày hôm sau, đoàn người đến địa sở Kon tum. Mười năm trước, Kon tum chỉ là một làng nhỏ, nhưng dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của nhà truyền giáo, nó rộng lớn hơn rất nhiều và trở thành một khu dân cư ki-tô giáo xinh đẹp.
Cha Chabas, thật đau buồn, vừa chết trong những hoàn cảnh rất bất thường, người ta tin là cha bị đầu độc; cha Guerlach hiển nhiên được chỉ định để thay thế ngài ở làng Jo’dreh.
Thế là ngài ở vào vị thế chiến đấu, luôn sẵn sàng cho cuộc chiến. Với thể tạng tốt, ngài như được khuôn đúc để cho cuộc đời khó khăn gian khổ này, cho những chuyến đi ngựa từ làng này qua làng khác, xuyên núi và thung lũng; cho những chuyến thám hiểm kỳ thú nhiều ngày, để rồi kiệt sức trở về; cho những sự thiếu thốn là cơm bánh thường nhật của vị thừa sai nơi xứ sở dân tộc, và thường xuyên trí tưởng tượng lấy làm hài lòng với việc tô điểm những màu sắc nên thơ. Đó là một trong những người có tính cách mạnh, giàu tiềm lực, sở đắc một nguồn năng lượng phi thường, một trái tim nóng bỏng, mà nét đặc trưng là sự nồng nhiệt của đức hy sinh; một trong những tâm hồn tinh tế, yêu thương và quảng đại, làm những điều kỳ điệu, một khi chúng chỉ có mục tiêu duy nhất: vinh quang Chúa và việc cứu độ anh em mình.
Lần này, vừa mới đến ngài đã hăng hái bắt đầu học tiếng. Ba tháng sau, ngài giảng, giải tội, và đặt hết tâm huyết cho sứ mệnh thánh.
Nhà Thừa Sai Đối Diện Với Thực Tế Khó Khăn
Đó là thời nguyên sơ của việc truyền giáo cho dân tộc. Bốn làng gồm gần 1200 giáo dân, 3 nhà truyền giáo và một linh mục Việt: miền truyền giáo quy lại là thế. Xung quanh nhóm nhỏ này, trải rộng chu vi của dân cư thờ ngẫu vật và cướp bóc. Các chuyến hàng cứu trợ và các vùng ki-tô hữu cũng không ngừng bị tấn công, khi thì bởi người Xê-đăng, khi bởi người Ja-rai, bọn cướp trong rừng. Thế là vào năm 1884, phái đoàn của Lãnh Sự Pháp, Ngài Navette, bị cướp dù được binh lính có vũ trang hộ tống.
Năm tồi tệ 1885 cũng đến nhanh chóng. Như ngọn lửa lan nhanh và nuốt chửng nơi hoang dã, như những ngọn thủy triều lên xâm chiếm bờ biển thế nào, thì việc bắt bớ lan rộng trên toàn cõi Annam cũng như thế, làm cho chỉ nguyên vùng Viễn Đông 24.000 tử đạo, phá hủy các nhà thờ và các vùng có đạo và chỉ để lại những mảnh hoang tàn, đổ nát.
Sự tử đạo, giấc mơ mà tất cả chủng sinh đã ôm ấp ở Chủng Viện Thừa Sai, sẽ trở thành hiện thực đối với Ngài Guerlach chăng, như đối với chín đồng nghiệp Annam của ngài?… Chết cho Chúa của mình là một hạnh phúc tối thượng đối với tâm hồn của vị tông đồ bất khuất, nhưng ngài nghĩ về công trình được khởi sự rất khó nhọc đó, lần này vừa mới được trồng lại trên đất Thượng; ngài sợ thấy đàn vật của Chúa Giê-su bị hủy diệt: ngài quyết định bảo vệ chúng. Những kẻ phiến loạn đã ở trên biên giới của xứ Thượng; chúng vừa đốt nhà thờ và thảm sát tín hữu An-Khê. Để thoát khỏi cuộc chém giết, nhiều người trong những kẻ đáng thương này, bị vây dồn như thú hoang, đã đến các núi rừng của người Thượng. Ở đây, họ rất dễ có nguy cơ bị chết vì đói và thiếu thốn. Cha Guerlach biết sự khốn cùng của họ: do đó giữa thời tiết kinh khủng và bằng những lối mòn gần như đi lại được, cha liên tiếp đến gặp họ cho đến khi cơn sốt hành hạ ngài buộc ngài phải ngồi trên đất ướt nhẹt, “trong khi một người Thượng che ngài bằng chiếc khiên của mình để bảo vệ ngài chút ít chống lại mưa đang rơi;” rồi ngài lại lên đường. Rốt cuộc khi khám phá ra những người lẩn trốn, ngài dẫn họ về địa sở của mình, cho những kẻ yếu nhất rượu lễ và chia sẻ quần áo cho mọi người. Một tuần sau, người của ngài còn dẫn về cho ngài một nhóm mới những kẻ nghèo khổ thoát chạy được: ngài chăm sóc họ với cùng lòng nhân ái dịu hiền.
Thiết Lập Hòa Bình
Nhưng này kìa tin tin tức loan đi rằng những tên phiến loạn đang trên đường phá hủy các xóm đạo của người thượng. Chỉ tin theo trái tim mình, ngay tức khắc ngài đến gặp chúng với vài đàn ông cương quyết để chận đường họ. Lần này thì vô ích, vì những tên phiến loạn này, bất kể ước muốn đang có, không tiến sâu trong rừng hoang. Trong những tháng tiếp theo, Cha rảo khắp vùng. Cao cả về tâm hồn lẫn vóc dáng, trên con ngựa chiến không biết mệt mỏi của mình, ngài tổ chức phòng thủ, ký kết liên minh, thậm chí thực hiện cuộc viễn chinh đến tận biên giới, nơi ngài đuổi một viên quan người Việt đang định tập hợp các bộ tộc Ja-rai chống lại Đoàn Truyền Giáo. Ngài làm tốt đến nỗi mà Đoàn truyền giáo Miền Thượng thoát ra cách an toàn cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được ba nhà thừa sai của thời kỳ đó phải chịu sự bao vây kéo dài 18 tháng trời. Đâu đâu người ta cũng tưởng các ngài chết; ở Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại và trong các Miền truyền giáo, người ta cầu nguyện cho sự yên nghỉ của linh hồn các ngài. Chúa đã cứu mạng sống các ngài; nhưng không liên lạc với Annam và với thế giới hiện đại, các ngài rất thiếu thốn. Các ngài thiếu thốn tất cả, ngay cả thuốc quinin (trị sốt rét), và phải chịu sự thiếu thốn lớn nhất, đó là hy tế thánh; vì thấy việc cung cấp bột và rượu cho thánh lễ cạn kiệt, các ngài chỉ cử hành ngày Chúa nhật.
Dưới sức ép của biết bao nhiêu công việc, thiếu thốn và lo lắng, cha Guerlach lâm bệnh nguy hiểm; cơn sốt và chứng kiết lỵ làm cho ngài tiều tụy cùng cực. Chỉ nhờ vào Đức Bà Lộ Đức, đấng mà ngài lúc nào cũng đặt niềm tin tưởng không thể chuyển dời, ngài mới thoát được cái chết.
Cuối cùng sự bao vây chấm dứt. Thừa lệnh Giám mục của mình, Cha xuất đi Hồng Kông để lấy lại sức khỏe đã bị lung lay tận căn rễ. Ngài ở đó chỉ vài tháng. Khi trở về, ngài dần dần cho các ki-tô hữu Việt ở Vùng truyền giáo của mình tản cư ở Sài Gòn trở về.
Về đến Qui Nhơn, khi ngài sắp lên lại với người thượng thì người ta xin ngài làm người dẫn đường cho trung úy Metz, trong chuyến đi đo vẽ địa hình trong những vùng này. Để không làm chậm tiến độ, ngài cho khởi hành trước đoàn tiếp tế cho Miền truyền giáo; nhưng người Ja-rai, “để tha ngài trở về với sự nghèo khó nhiệm nhặt tông đồ” đã cướp toàn bộ chuyến hàng.
Vì những hành động cướp phá này tái diễn quá thường xuyên, ngài đề nghị với chính quyền Pháp can thiệp để ngăn chặn những chuyện đó; chính quyền từ chối can thiệp vì quá bận ở những nơi khác.
Chỉ còn nguồn lực của riêng mình, cha Guerlach lập kế hoạch tốt để lập lại hòa bình cho xứ sở, cuối cùng đã làm ngừng những cuộc chiến từ làng này với làng nọ, bộ tộc này với bộ tộc kia. Ngài có trí thông minh và lòng dũng cảm cần thiết để thực hiện công việc cam go cũng như khó khăn này. Ngài được vinh dự giành thắng lợi hoàn toàn. Cuộc viễn chinh kép của ngài, chống lại người Ja-rai, đã thiết lập hòa bình trên miền núi.
Đời Sống Tương Giao
“Mọi người đã có thể thấy Cha trên ngựa đi đầu toán quân, chẳng lo lắng những mũi tên rơi xung quanh mình, dường như chúng nể ngài. Cho nên tin đồn loan đi rằng một “Iang” (Thần) đã chọn nơi ở trong thân thể ngài, và làm cho ngài đao thương bất nhập. Và sự việc còn khác thường hơn nữa trong con mắt người dân tộc, đó là ngài không sử dụng cho lợi ích riêng quyền năng có được, nhưng ngài được mọi người biết đến nhờ lòng nhân ái của mình”.
Quả thực ngài nhân từ; lòng tốt của ngài sánh ngang với lòng dũng cảm; đó là bạn hữu lý tưởng bởi sự độ lượng, trung thành và tính cương trực của ngài. Nhân từ đặc biệt đến độ hoang phí, ngài cũng nhân ái trước công chúng trong các cuộc hội thoại. Ngài có tài năng hiếm có là thu hút sự chú ý, và tạo sự vui đùa dễ thương chẳng nguy hại đến tính tự ái và thanh danh người thân cận, một điều rất khó làm được. Đàng khác, cha biết bảo vệ những người vắng mặt cách rất thông minh và trí tuệ, không thổi phồng, cũng như không bao giờ tự xưng là luật sư mặc nhiên.
Lòng nhân từ tuyệt vời này tỏa sáng hơn nữa trong sự liên hệ thư từ của ngài. Với sự chính xác hiếm thấy và sự dễ dàng trong việc suy tưởng, sự lịch lãm thật sự và viết lách nhanh chóng, ngài viết rất nhiều, người ta thậm chí phải nói ngài viết quá nhiều. Ngài có thể lấy một sự kiện đơn giản của đời sống thường nhật để làm nguyên cớ và thường làm chủ đề để gửi một lá thư, luôn dễ thương và lôi cuốn. Ngài đã có thể nói như Phan-xi-cô Sa-lê: “Tôi rất cảm động và hầu như bất động đối với những ai cho tôi hạnh phúc của tình bạn với họ”. “Điều đó gây thích thú cho các bạn bè”, ngài hài lòng trả lời cho những ai trách ngài viết quá nhiều, không biết mệt mỏi và mất thời gian. Dưới con mắt của ngài, sự giao thảo rộng lớn này là một hình thức và một sự khuếch rộng chức vụ tông đồ của ngài. Và, thực sự, tử tế với mọi đọc giả, ngay cả đối với các nữ tu Các-minh, các bức thư của ngài đối với nhiều người trên thế giới là tia nắng và niềm xúc động làm cho họ mạnh mẽ và đem họ về con đường cứu độ.
Sự hiểu biết sâu rộng của ngài về con người và sự vật, tài năng lớn của ngài, và khả năng lưu loát lạ lùng của ngài đã cho phép ngài xuất bản trên miền thượng những tác phẩm thượng hạng, hình thành tên tuổi của ngài giữa những người ngoại đạo. Vì khiêm tốn và bác ái, ngài thích chia sẻ những ghi chú đa dạng của mình cho các nhà thám hiểm đến hỏi ngài thông tin.
Bị Vu Oan
Chính thời điểm năm 1888 đánh dấu cuộc phiêu lưu của bá tước miền Mayréna, người chinh phục thế giới mới lừng danh, người cố trở nên nổi tiếng, dưới cái tên “Marie đệ nhất”, như thể vua của bộ tộc người Xê-đăng, thân cận với bộ tộc Bahnar, bộ tộc có ba làng đã là công giáo.
NAM TƯỚC MAYRENA… PHIÊU LƯU LÊN TÂY NGUYÊN THÀNH “VUA SEDANG”.
Bị đánh lừa bởi các lời giới thiệu chính thức, đàng khác đinh ninh về sự ủng hộ của các Bề Trên, ngài Guerlach chỉ nghe theo lòng yêu nước và góp phần cộng tác đầu tiên vào những chuyến viễn chinh của “kẻ trinh thám” này, được gửi đến để đẩy lùi cho Pháp quốc sự xâm chiếm của người Thái ở xứ Thượng và nước Lào. Nhưng khi tên bất lương gian xảo này, tưởng chắc chắn về thành công, tuyên bố chỉ đã hành động và đang hành động vì lợi riêng, vì thế khi bị nước Pháp phủ nhận, hắn đe dọa hiến thân cho nước Anh, thậm chí cho Đức, Cha Guerlach dừng ngay lập tức trợ giúp tên này. Dù sao cha cũng bị tố cáo phản bội tổ quốc. Bất chấp tất cả, cha đến Hà Nội, và các tài liệu trong tay, cha chứng minh cho Toàn Quyền thiện chí và lòng yêu nước của mình. Vụ kiện của cha nhanh chóng thắng lợi; cha rút lui trong danh dự, và kẻ tố cáo cha, công chức dính líu trong vụ việc, bị chuyển công sở.
Qui Nhơn ngày 19 tháng 9 -1888.
Công Sứ Pháp tại Qui Nhơn, gửi Ngài miền Mayréna.
Lang-Song
Thưa ngài,
Để trả lời cho bức điện ngày 17 tháng này, ngài Toàn Quyền biểu tôi gửi những lời chúc mừng của ông đến cho cha vì những kết quả mà cha đã đạt được. Bây giờ, dường như không vô ích khi cho gọi các thủ lãnh người Thượng về Sài gòn. Vì những khó khăn hiện tại, chúng tôi không thể nghĩ đến việc dàn trải lực lượng về phía người Bahnar.
Cho phép tôi gửi lời chúc mừng của ngài Toàn Quyền, và cách riêng những lời chúc mừng của tôi, vì sự trở lại may lành của cha và vì những thành công của công cuộc khó khăn là mở vùng người Thượng cho việc buôn bán.
Xin cha vui nhận lần nữa sự biểu lộ những tình cảm rất chân trọng của tôi.
Đã ký: LEMIRE.
Giúp Đỡ Phái Bộ Pavie
Về sau cũng về chính sự kiện này, khi người ta tấn công ngài trong một cuốn sách mỏng đê tiện, một cách tự hào ngài có thể trả lời rất thành thật: “Là nhà thừa sai Pháp, tôi đã giúp đỡ hết khả năng một nhà thám hiểm được Chính quyền Pháp gửi đến nơi người dân tộc: vai trò của tôi là ở chỗ đó.”
Vào tháng 8-1890, vì cha Vialleton buộc phải qua Pháp để phục hồi sức khỏe bệ rạc của mình, cha Guerlach được cắt đặt làm Bề Trên tạm quyền của vùng truyền giáo Bahnar. Thế là ngài đã đem hết tài năng cho hoạt động của mình. Ngay từ năm sau, một phái bộ chủ yếu gồm các sỹ quan và được ngài Pavie điều khiển, đảm trách việc giải quyết với Thái những vấn đề khác nhau liên hệ chủ yếu đến Lào, và nhận việc vẽ bản đồ toàn thể xứ sở này và các vùng phụ cận. Đội quân phải đo đạc địa hình của vùng thượng đã chọn Kontum như trung tâm hoạt động và tập hợp. Ngài Guerlach mở rộng lòng đón nhận tất cả những người yêu nước khí phách này, cho họ hưởng tầm ảnh hưởng và các phương tiện của mình, chính ngài giúp họ trong vai trò dẫn đường và thông dịch, chăm sóc họ khi bệnh tật và đón tiếp họ cách chu đáo trong nhiều tháng dài, nên ai ai cũng giữ lại kỷ niệm rất đẹp.
Đại úy Cupet trong khi tường thuật sứ mệnh này đã viết rằng “Đức Ki-tô không có tổ quốc, các thừa sai cũng thế. Chỉ riêng những ai không biết đến đời sống của những tông đồ hèn mọn của đức tin này mới có thể phổ biến các điều sai lạc tương tự. Nếu xem xét họ ở việc làm, họ sẽ hiểu sự sai trái và sự bất chính của việc tố cáo này, nhằm chống lại những người như thế. Thiên Chúa và tổ quốc, đó là khẩu hiệu đẹp đẽ của Thừa Sai Hải Ngoại”. Vài tháng sau, vì những người Thái vẫn còn cố thực hiện các cuộc đột nhập mới, những toán quân bảo an dân bản địa được phái di chống họ, Kontum vẫn luôn là trung tâm. Những sĩ quan điều khiển họ tìm thấy nơi Cha Guerlach và các đồng nghiệp của ngài sự tiếp đón nồng nhiệt, với cùng một sự tận tụy ái quốc. Các liên hệ hành trình cũng được chất đầy những chứng từ về lòng biết ơn và ngưỡng mộ của họ.
Xúc Tiến Hoạt Động Truyền Giáo, Bãi Bỏ Hủ Tục
Miền truyền giáo Bahnar từ lâu đã sống leo lắt trong một hiện trạng điêu tàn. Bề Trên mới của ngài lợi dụng tình thế để xúc tiến mạnh việc truyền giáo; Ngài có mặt khắp nơi và dốc toàn bộ sức lực. Là vị thừa sai mới, ngài đã đóng góp lớn vào việc hủy bỏ hơn một cách thực hành và định kiến nô dịch và độc hại cho tương lai của Sứ Vụ. Chỉ cần nhắc lại hai điều sau: sự bó buộc luân lý đối với các thừa sai phải tham gia vào một vài lễ hội và vui chơi cộng đồng bởi đông đảo người thượng, nơi phẩm giá của họ thường được bảo vệ kém; linh mục không được trải rộng quyền bính tôn giáo của mình trên hơn một làng có đạo, mỗi khu dân cư là một nền cộng hòa độc lập, luôn bị đe dọa phải lâm chiến với làng lân cận. Người ta thấy sự miễn giải quyền giám hộ thứ hai này có lợi cho sự văn minh cũng như việc truyền bá Phúc âm đến bao nhiêu.
Trở thành Bề Trên, tầm ảnh hưởng và thúc đẩy của ngài trực tiếp và hiệu quả hơn. Vì thế, các làng nhanh chóng cải đạo. Năm 1888, Kon Kơtu đã đốt các linh vật; trong những năm tiếp theo, là đến các làng Kon Xơlang, Kon Jo’dri, Kon Do’rei, Kon To’leh, Kon Ho’ring, Kon Xo’mluh, Kon Klo’nh, Kon To’neh, Kon Ko’xam. Bước tiến tuyệt vời này tiếp tục từ tây sang đông. Chỉ riêng năm 1893, đến lượt các làng Kon Po’nang, Kon Ko’mo, Kon Do’xin, Kon Bah, Kon Dop; rồi vào năm 1894, đến lượt các làng Kon O’ngleh, Kon Long Buk, Kon Chang. Trong vài năm vị tông đồ đầy dũng khí đã dạy dỗ và rửa tội hơn 1.200 tân tòng. Và Thiên Chúa biết cái giá của việc chuẩn bị một người thượng đến phép thanh tẩy là bao nhiêu! Trong những khu vực lân cận, thì cũng hơi tương tự như vậy. Ah! Đẹp thay thời kỳ đó! Đó là sự chiến thắng trên toàn diện. Và trưởng tràng, đó là cha Guerlach. Ngài muốn đức tin hiển thắng; và bởi vì sự tín thác của ngài vào Thiên Chúa là vô hạn; bởi vì Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Lộ Đức có liên hệ tới sự nghiệp của ngài; bởi vì trên trần gian người ta cầu nguyện trong các Đan viện ở Metz, ở Bruges, Sài gòn, người ta khổ chế theo ý chỉ của ngài, thế thì làm sao mà ngài lại không đạt thắng lợi? Ít vị thừa sai đã đẩy xa hơn ngài lòng nhiệt thành cho các linh hồn, sự quyết liệt trong chiến đấu và sự hăng say trong hành động. Vì thế không gì kháng cự được ngài. Tầm ảnh hưởng của ngài là quyết định; và cách nào đó ngài trở thành vị sáng lập thứ hai của Sứ vụ miền thượng, một loại thánh Phaolô của xứ Bahnar.
Sau khi trải qua hai năm ở Pháp, cha Vialleton trở lại nhiệm sở. Sung sướng được cất khỏi quyền chỉ huy, cha Guerlach trả lại cho ngài quyền Tối Cao, và trở lại hàng lính bình thường trong khu vực Đức Bà Lộ Đức của Polei Maria.
Công Tác Bác Ái
Năm sau, vào tháng hai 1893, theo lời mời của ngài Brière, Tổng Công Sứ Annam, ngài phải đến Huế để cung cấp thông tin về chủ đề sự thâm nhập nơi vùng thượng của các toán quân và ảnh hưởng của Thái, sự xâm phạm mà Pháp đối đầu như sự ăn cắp lãnh thổ của mình. Khi ngài trở về từ Annam, một thử thách to lớn đè nặng trên Miền truyền giáo. Một nạn dịch đậu mùa kinh khủng đã được mang từ Annam đến Kontum. Trong vòng một tháng cơn bệnh khủng khiếp đã làm 180 người chết chỉ trong một làng; thế rồi nó nhanh chóng lan rộng trong các làng lân cận, và nhanh chóng xâm chiếm toàn xứ sở. Cha Guerlach và các đồng nghiệp nỗ lực hết mình để có với bất kỳ giá nào vác-xin, phương thuốc cho đến lúc đó chưa được biết đến ở vùng Bahnar, (như căn bệnh ngài phải chữa). Ngót hai tháng nỗ lực và âu lo, khi ngài đem về 6 ống tuýp phân nửa, mỗi người vội vàng thực hiện những chuyến tiêm phòng trong tất các các làng mạc xung quanh. Người ta làm chủ được thảm họa; nhưng nó đã ngốn hơn ngàn nạn nhân. Về phần mình, cha Guerlach đã tiêm vác-xin cứu sống cho hơn sáu ngàn người. Sau sự phục vụ như thế, ngài dễ hiểu rằng người Thượng còn gắn chặt hơn nữa với các thừa sai, những người giải phóng họ. Vả lại, người ta thấy cha Guerlach luôn luôn sẵn lòng cho tất cả các công cuộc của lòng thương xót. Ngài viết: “Mỗi lần người Thượng đến nhà tôi, tôi ăn nói dễ thương hết sức có thể, tôi luôn cho họ những món quà nhỏ để được thiện cảm của họ. Nếu họ yêu nhà thừa sai, thì cuối cùng họ sẽ yêu đạo và Thiên Chúa nhân lành. Khi một người Việt nào đó đến tôi xin nơi ẩn náu, tất nhiên tôi không thể đuổi anh ta; tôi đón tiếp anh ta và cố gắng làm anh ta hồi sức cả về thể lý lẫn tinh thần. Sau đó khi anh ta bình phục, nếu anh ta kiếm một cơ sở tốt hơn, tôi sẽ cho cho anh ta giấy phép thông hành lâu dài”.
Bao nhiêu nô lệ nghèo hèn khốn khổ: tù nhân chiến tranh người thượng, người Việt bị bắt đi trong các cuộc càn cướp của những người Xê-đăng hung rợn, mắc nợ ngài sự tự do và ngay cả ơn cứu độ. “Hôm nay tôi đã chuộc một người Việt dễ thương, con trai một người dự tòng Việt, người đã biết Kinh Lạy Cha và dấu thánh giá. Nó hơi quên ngôn ngữ mẹ đẻ… tuy nhiên nó đọc kinh Lạy Cha như một thiên thần. Thật khó khăn cho tôi khi lìa xa nó. Nhưng làm sao không trả nó về cho mẹ nó được… !”
Một số nào đó trong những đứa trẻ được chuộc về này gắn bó với ngài. Về phần mình, ngài yêu chúng làm sao. “Thật ngốc nghếch khi tỏ ra tốt bụng… Tôi sẽ bị buộc phải rựt quả tim của tôi và đặt hòn đá vào đó. Tôi vừa trải qua một đêm trắng, vì người giữ ngựa của tôi bị nhiễm một cơn sốt dữ dội.”
Tình Yêu Phép Thánh Thể
Tuy nhiên cần phải nói rằng sự hào hiệp của ngài đôi khi đi hơi xa, ngài thấy tốt khi cho đi, và nhờ vào gia đình và những bạn bè đông đảo của mình, ngài có thể thực hiện rất dễ dàng! Nếu ngài có được lòng tốt ở mức độ rất cao, thì lòng kiên nhẫn không đạt được cùng một cấp độ; Ngài thường nói: “Chú ý! Tôi kiên nhẫn như một thiên thần, nhưng hơi lâu một chút thôi!” Ngài có khả năng lớn trong việc cảm nghiệm và đau khổ, vì thế ngài hầu như không bao giờ một sự suy nhược nào có thể đả thương cơ thể ngài, không một nỗi âu lo nào đóng đinh tâm hồn ngài. Trong những lúc khủng hoảng ghê rợn, trái tim ngài cách bản năng hướng về tượng Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, hiện diện ở Nhà Tạm. Chính ở đó ngài đi tìm ánh sáng, sức mạnh, an ủi, và sự kiên nhẫn.
Tình yêu Phép Thánh Thể quả thực là sự sùng mến đặc thù của ngài Guerlach. Chúng tôi tin rằng ít linh mục có lòng mộ mến đó mạnh mẽ và sâu đậm bằng ngài. Ngoài những giờ thuộc chức vụ, khi người ta không bắt gặp ngài ở văn phòng, họ chắc chắn tìm thấy ngài trước Nhà Tạm. Ngài trải qua một phần lớn thời gian ngày sống ở đó, và hầu như trong mọi giờ dài của chứng mất ngủ của mình. Bí tích Thánh Thể thực sự là sự sống của tâm hồn ngài. Trong việc tôn thờ mầu nhiệm cao cả này, ngài thực sự tinh tế, nghiêm khắc thuộc loại quân sự và có thể nói được là theo đúng nghi thức. Vết nhơ nhỏ nhoi trên các đồ trang trí thánh làm cho ngài đau khổ, sự hơi thiếu tôn kính làm cho ngài nổi giận. Cũng thường thì các đồng nghiệp của ngài, một lúc nào đó, được nhắc nhở không chút dè dặt về trật tự, thỉnh thoảng đối với một lời nói được thốt ra trong kho đồ thánh (trong nhà thờ).
Dưỡng Bệnh Ở Pháp
Sau nhiều năm hoạt động tông đồ, ngài có cám dỗ bỏ chiến đấu để hưởng các vui thú của một tu viện Chartreux. Thỉnh thoảng, đó là nỗi hoài hương trong sự đơn côi. Chỉ vài người thân tình mới biết được những điều ngài chịu này trong hai năm. Ngài viết “đời sống tu viện đối với tôi như là một nơi trú ẩn và chốn nghỉ ngơi, nơi tôi có thể nghĩ về linh hồn tôi sau khi đã quá dằn vặt về linh hồn những người khác… Nhưng Giám đốc của tôi viết cho tôi rằng đối với tôi con đường về trời phải qua người Bahnar, và không đâu khác. Tôi không thấy thuyết phục thế nào, nhưng tôi vâng lời và tôi ở lại…”
Tuy nhiên những công việc, lo lắng, cơn sốt, những sự thiếu thốn đã bào mòn dữ dội thể tạng mạnh mẽ của nhà thừa sai. Theo lệnh của các Bề Trên, ngài phải lên đường đi Pháp. Về tới quê mẹ để được chữa trị, ngài quên hoàn toàn bản thân và chỉ nghĩ đến những lợi ích của vùng truyền giáo của mình. Cha đi khắp Pháp, rao giảng và diễn thuyết khắp nơi, bằng hành động của mình cố gắng thu hút mọi tâm hồn hiến thân cho các công cuộc truyền giáo. Ngài có tài hùng biện bẩm sinh; ngài dễ dàng làm xúc động đám đông.
Vừa mới bình phục, ngài nghĩ đến các tân tòng của mình và nỗi nhớ các núi đồi chiếm lấy ngài. Ngài vừa biết rằng một phong trào trở lại đạo lớn lao đang được phát động trong vùng Bun-uin, cách Kon Tum bảy ngày đường về phía đông-nam; ngài dũng cảm hiến thân cho chức vụ lao nhọc này.
Từ Pháp cha viết cho ngài Vialleton: “Thật đáng thất vọng rằng ngài không gửi một thừa sai đến Bun-uin. Nếu điều đó làm cha hài lòng, có con đây: ecce ego milite me! Từ Pháp con sẽ ra đi, cha chỉ cần một lời, và con sẽ lên đường. Con không nói điều đó để xin cha điều gì, nhưng chỉ để đặt con vào đôi tay cha như một dụng cụ mà cha có thể sử dụng theo ý muốn. Con sẽ vui vẻ đi khắp nơi đâu cha gửi con tới. Da mihi animas, caetera tolle tibi! Sẽ rất khốn khó để lập cơ sở mới này: mặc kệ! Con biết đau khổ, và bây giờ, nhờ Chúa, con yêu nó…”
Quả thực, sứ vụ mới này được phó cho ngài; nhưng do những khó khăn chằng chịt, việc thiết lập đầy hứa hẹn này gặt ít kết quả. Cha Guerlach phải trở về với người Bahnar. Ngài đến một cơ sở khác mà ngài đã duy trì ít lâu sau đó, ở Polei Klub, giữa vùng Ja-rai.
Trở Về Vùng Ro’hai
Lại đảm nhận khu vực ngài điều khiển trước chuyến đi qua Pháp, vùng Ro’hai, cách Kon-tum mấy trăm mét, ngài hiến toàn thân cho công cuộc các linh hồn với những khó khăn và cũng với những điều an ủi. Ngài ở địa sở này ba năm, từ 1899 đến 1902. Ro’hai lúc đó chỉ có một nhà nguyện nhỏ của người Việt, rất chật hẹp cho 1500 tín hữu của ngài. Cha thực hiện việc xây dựng một công trình lớn hơn. Trước nhất ngài muốn nó chắc chắn, và vì thế ngài chuẩn bị vật liệu. Ngài đặt vào đó tất cả con tim và nguồn lực, nhưng ngài không thể tự mình thực hiện việc xây dựng, và phải chuyển niềm an ủi này cho người thừa kế trẻ của mình. Dần dần, Chính quyền Pháp đặt chân trên miền thượng; một đồn lính bảo an đã được thiết lập ở cửa sông Pxi, với mục đích bắt người Xê-đăng hung tợn phải nể sợ. Một người đàn ông dũng cảm thuộc gác chính, ngài Robert, chỉ huy dồn lính. Vì cái đồn này quấy nhiễu các băng cướp của vùng trong hoạt động của mình, nên bọn chúng quyết định phá hủy nó. Và do đó, một sáng tinh sương, chúng làm nó sụp đổ, tàn sát tất cả những gì chúng thấy. Ngài Robert tội nghiệp bị chém nhiều nhát và bị bỏ cho chết. Vị thừa sai gần nhất, vừa được báo, đã đến cứu, và chuyển được nạn nhân bất hạnh về tới Kon tum, nhà cha Vialleton. Cũng được báo tin, cha Guerlach đi gặp ngài, và làm những công việc cấp cứu đầu tiên, và ngày đêm chăm sóc ông ta với lòng mến không mỏi mệt trong tháng đau đớn ghê rợn, liền trước cái chết thật sự của tín hữu trong vòng tay của vị y tá thân yêu. Ngài kể “kẻ bị thương tội nghiệp, không thể xa rời tôi. Khi những bổn phận của chức vụ buộc tôi phải rời xa, ông chờ tôi với nỗi buồn, và cho đi tìm tôi để thúc tôi nhanh trở về. Khi tôi thấy cha gần bên giường con, ông nói với tôi, cơn đau có vẻ ít khó chịu hơn. Cha cho tôi thấy tổ quốc và gia đình”.
Rời Ro’hai, Định Cư Kon Xo’nglok
Ít lâu sau, cha Guerlach phải rời vùng Ro’hai và lung lũng xinh đẹp Bla để đến vùng có nhiều núi của Thánh Giu-se của Pokei. Ngài định cư ở Kon Xo’nglok, đồn tiền quân thật sự. Ở đó, các khó khăn và đau khổ, để khác với những nơi khác, không phải là không nhiều hơn và rõ rệt hơn… Bất chấp điều đó, trong nhiều tháng đầu ở trong vùng heo hút này, Thiên Chúa nhân lành ban tràn đầy niềm au ủi. Ngài thấy những tiến bộ thiêng liêng của các con chiên ngài và ngài rất vui mừng về điều đó. Ngài viết: “hôm qua là chuỗi đẹp đoàn người đi xưng tội. Trong bốn ngày, tôi sẽ hoàn thành với giới thiếu niên; tôi sẽ huấn luyện chúng lại cho Lễ Tuyên Tín và Rước Lễ lần đầu. Các thanh niên bắt đầu siêng năng lãnh nhận các bí tích; tôi cảm thấy hết sức vui mừng. Dần dần, người ta có thể làm điều gì đó không quá bần tiện để trang hoàng Giê-ru-sa-lem trên trời. Điều đó thật bất ngờ như tôi gắn bó với những người thô kệch này. Thật dại dột khi có lòng tốt! Hành động của Chúa Giê-su Thánh Thể, ngự trong nhà chầu là mạnh mẽ, dù tiềm ẩn. Tôi gắn kết cho sự hiện diện của Đấng cứu độ nhân lành này tất cả những gì tốt đẹp được dệt nên ở đây không ánh chớp. Tỏ ra thô lỗ cũng vô ích, khi người ta ở rất gần một lò sưởi đầy ánh sáng và hơi ấm, người ta cuối cũng cũng được chiếu sáng và sưởi ấm. Tôi than phiền làm sao các linh mục bị tước mạnh Chúa Giê-su Thánh Thể! Và biết bao những ai ở gần Ngài, không biết tỏ một chút tình yêu và để cho ngài cô đơn!”
Làm Cha Xứ Và Tuyên Úy Ở Đà Nẵng
Vào tháng 12-1902, Đức Cha Grangeon, vừa lên chức giám mục, đến “Miền truyền giáo Bahnar” của cha để thăm tất các địa điểm truyền giáo. Khắp nơi đều đua tranh để đón mừng cách xứng đáng vị chức sắc cao cấp, khắp nơi đều rất vui mừng hân hoan. Những dân dã miền núi của Po’kei không ở đẹt phía sau: họ cũng chuẩn bị một sự tiếp đón tuyệt vời đối với giám mục của mình. Nhưng hỡi ôi! Vị thừa sai tội nghiệp của họ không thể tham dự vào niềm vui chung, vì Đức cha đã thông báo cho ngài một tin rất xấu, cái chết của cha ngài ở Metz. Tính cực kỳ nhạy cảm của ngài đã bị đụng chạm mạnh mẽ và làm cho ngài đổ bệnh. Một chuyến đi Sài gòn khám bác sĩ không thể làm cho ngài lành bệnh. Sau đó, ngài phải đau khổ nữa vì nhiều nỗi buồn khác và phải chịu nhiều tân toan khác. Tất cả những nguyên do này cuối cùng hủy hoại sức khỏe của ngài, và thậm chí làm cho ngài dần mất đi sự thanh thản tâm trí. Một phản ứng mạnh chiếm ngự. Các Bề Trên hiểu ngài, và gọi ngài về Annam, nơi ngài được đặt làm cha xứ ở Đà Nẵng và tuyên úy của bệnh viện quân sự của thành phố này.
Tuy nhiên, ai biết dân du mục, ít hay nhiều thuộc dân tứ xứ của các thành phố thuộc địa, rất chú ý đến những sự vật dưới đất và rất ít quan tâm những sự trên trời, sẽ không ngạc nhiên rằng giáo dân ở Đà Nẵng chỉ đem lại những an ủi tầm thường cho cha xứ mình.
“Người dân tỏ ra dễ thương đối với tôi; nhưng thật đau đớn cho tôi vì sự thờ ơ tôn giáo của họ! Tôi giảng dạy họ nhiều, thậm chí cả ngoài nhà thờ; những cái đó sinh ích gì cho vĩnh cửu!” “Ngài thêm: chức vụ tôi ở bệnh viện cũng cho nhiều gai góc hơn là an ủi. Tuy nhiên tôi thăm các người bệnh mà tôi làm cho sự hiện diện của linh mục nên thân thuộc; nhưng khi người ta gọi tôi để ban phép thánh cho một người hấp hối không thể nói được nữa, người không xưng tội từ khi rước lễ lần đầu, và có niềm tin duy nhất là niềm tin mờ nhạt vào Hữu thể Tuyệt Đối, tôi run lên tự hỏi: ích gì cho linh hồn nó?” Những lời than phiền này lúc ban đầu còn nặng nề thêm bởi quy chế, được áp dụng sau đó, cái làm cho sự cứu trợ đến Cha tuyên úy không thể thực hiện được trong thực tiễn đối với ba phần tư những bệnh nhân tội nghiệp của các bệnh viện lương dân của chúng tôi. Một nỗi buồn não lòng mới khi bảy nữ tu bị “trục xuất” tàn bạo khỏi bệnh viện, vì óc bè phái nặc mùi và phi lý, đi ngược lại mọi quyền lợi của Chính phủ cũng như của bệnh nhân. Các nữ tu đã phục vụ cho bệnh viện từ ngày thành lập của nó (1887), bởi chính họ (bảy nữ tu trên) hay bởi các chị em trong dòng. Các xơ đã chiếm được lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ, sự nuối tiếc của mọi người, trong đó có bác sĩ trưởng, dù là tin lành, cũng bị xúc động. Lẽ dĩ nhiên Cha tuyên úy cũng có mặt ở đó, trước tiên để phản kháng, và thứ đến là để đón các bệnh nhân, và sắp đặt chỗ ở tàm tạm trong các nhà cũ kỹ, tài sản của Miền truyền giáo, đã được tu bổ lại tốt nhất, nơi họ tạo thành một trường học và xưởng thêu thùa, vẫn còn thịnh đạt.
Bút Chiến Để Bảo Vệ Danh Dự
Của Hoạt Động Truyền Giáo
Thêm vào những bận tâm đa dạng của mục tử của cha Guerlach, còn có sự lo lắng và công lao thu góp vật liệu và đặt các nền móng của một nhà thờ to lớn và chắc chắn, mà cũng như Ro’hai, ngài không có niềm vui xây cất. Chúa đã còn dành cho ngài một công việc chiến đấu: sự bảo vệ lý tưởng và danh dự của việc truyền giáo Viễn Đông trước dư luận. Bóng tối sợ ánh sáng, sự dữ là kẻ thù của sự thiện, sự hèn hạ ghét sự cao cả. Và ở Annam Pháp thuộc, có một người đàn ông, đồng đảng của Hội Tam Điểm, vu khống các miền truyền giáo nói chung, và cách riêng miền truyền giáo Bahnar và các tông đồ can đảm, mà ở vị trí đầu là cha Guerlach. Trước tiên đó là những bài báo, sau đó là một tuyển tập hèn hạ dưới cái tựa đề Missionnaire d’Asie (Nhà thừa sai của Châu Á), tác phẩm tai hại của họ.
Quá vĩ đại để chấp nhất sỉ nhục cá nhân, cha Guerlach không thể chịu đựng nhìn thấy chính Giáo hội bị tấn công trong việc truyền bá đức tin bên ngoài của mình. Để bảo vệ công lý và sự thật, ngài cầm viết, và trong một sách mỏng đong đầy đức tin, lòng yêu nước, sự chân thành, và đôi khi phẫn nộ, “L’oeuvre néfaste”, ngài quật ngã và làm cho im tiếng kẻ vu khống xấu xa, làm im tiếng những hoan hô ủng hộ của tất cả những người chân chính. Khi cuộc chiến kết thúc, ngài chỉ tay phía quân thù bại trận : “Các người đã tấn công chúng tôi cách bỉ ổi và gian dối: hôm nay tôi trả lời cách chân chính đối với những tấn công của các người, bởi vì công ích có liên quan đến. Nhưng ngày mai như đã nói nếu như tôi có thể phục vụ các người, tôi sẽ vui lòng làm, vì tôi là người Pháp và là nhà thừa sai: là người Pháp, tôi yêu cầu giúp đỡ các đồng bào của tôi; là thừa sai, tôi quên mọi sỉ nhục, và vẫn rất hết lòng với những ai bách hại tôi. Trái tim của linh mục chỉ biết đến một nỗi căm thù: đó là sự dữ”.
Trở Về Vùng Bahnar
Tuy nhiên, dù có những thành công tương đối và những tấn công khác nhau này, ngài Guerlach vẫn giữ trong tim nỗi niềm nhớ nhung xứ Thượng trên mảnh đất được khai sáng. Như một người lính được chữa lành các vết thương và buộc phải nghỉ ngơi, ngài tỏ ra mất kiên nhẫn trong việc lấy lại vai trò chiến đấu thực sự của mình. “Ngày cha nói với con: con hãy đi! Tạ ơn Chúa biết bao”. Ngài viết cho các đồng nghiệp của mình ở miền trên.
Sau bốn năm chờ đợi, Thiên Chúa cho phép các biến cố trở nên thuận lợi cho chuyến trở về xứ Bahnar của ngài, nơi ngài đã làm việc và chiến đấu rất nhiều, nơi ngài đã yêu mến với tất cả lòng nồng nhiệt của tâm hồn.
Ngày 7 tháng giêng 1908, ngài hộ tống Đức Cha Grangeon, đến lại với anh em người Thượng thân yêu của ngài để khánh thành theo nghi lễ lớn việc dựng trường Cuenot, một trong những công trình đẹp đẽ của sứ vụ.
Nếu cha Guerlach rất yêu người thượng của mình, thì những người này lấy tình cảm đáp lại tình cảm. Vừa gặp lại ngài, tất cả đồng loạt kêu: “cha phải ở lại với chúng con!” Và những người nài nỉ đi đến quỳ dưới chân giám mục của họ để được giữ lại cha Guerlach của họ. Rốt cuộc Bề Trên ưng thuận điều đó. Hai tháng sau, ngài dứt khoát được tái nhậm chức ở nhiệm sở cũ của mình ở Ro’hai. Đây là giai đoạn cuối của ngài.
Được Chọn Làm Bề Trên Vùng Truyền Giáo
Ngày 11 tháng 11 năm 1909, cha Vialleton, người từ 28 năm điều khiển miền truyền giáo Thượng với sự kiên trì và bền bỉ khéo léo, đã chết cái chết thánh thiện tại Kon Tum, để lại sự khuyết ngôi đối với chức Bề trên. Đức cha Grangeon tham khảo các thừa sai vùng thượng để chỉ định người thừa kế cho ngài, việc chọn lựa của mọi người nhằm vào cha Guerlach. Vài tuần sau, ngài nhận việc bổ nhiệm và các quyền hành của Khâm Mạng Toà Thánh.
Góp Sức Cho Tổ Quốc, Nhưng Lại Bị Tố Cáo…
Thời điểm đặc biệt khó khăn; Chính quyền Pháp ngày càng tiếp xúc với người Thượng; một phái đoàn chính phủ vừa được thành lập ở ngay Kon tum. Người Thượng, cho đến lúc đó là những đứa con tự do của rừng, không biết gì về nền văn minh và những gánh nặng ấn kèm, đã không thể hiểu sự đòi buộc phải uốn mình theo những đòi hỏi của chế độ mới. Sự làm phu, sự lao dịch không một chút thù lao, đối với họ như là sự bất công hiển nhiên. Họ không ngừng nói: “Vậy chúng tôi phải làm gì cho những ông Pháp này để họ trừng phạt chúng tôi như thế!…Tại sao họ bắt chúng tôi vạch con đường xuyên qua các cánh rừng nơi chúng tôi chẳng bao giờ đi qua!…” Sự bất mãn là chung cho hết. Các thừa sai, và nhất là cha Guerlach đã dùng hết sức mình thuyết phục để làm êm tâm trí và cho mọi người hiểu sự cần thiết thuận theo chính quyền đã được thiết lập. Các làng có đạo, dù được trưng dụng đầu tiên, thỉnh thoảng là những làng duy nhất không một chút phản kháng nào. Những làng này rõ ràng là hơn những làng không có đạo gần nơi làm việc.
Một lần nữa, các thừa sai đặt tầm ảnh hưởng tinh thần của mình để tạo thuận lợi cho sự mở rộng hòa bình của ảnh hưởng Pháp.
Người ta không biết biết ơn họ về điều đó. Họ thậm chí đi đế chỗ đổ lỗi cho họ sự khủng hoảng tồn tại một thời điểm ở trong dân chúng, và một bài báo, được gợi hứng rõ ràng bởi một quan chức địa phương, không sợ tố cáo các ngài như “những kẻ đổ dầu vào lửa”. Bản thân cha Guerlach chính thức bị tố cáo là “kẻ xúi giục làm loạn”. Người ta cho những kẻ tán dương Phúc âm này hiểu rằng những người Thượng từ học thuyết rất cao cả chỉ làm lao dịch, trong khi đợi nguồn thuế, đủ cho sự khai hoá của chính quyền, và rượu cho hạnh phúc con người.
Để cố gắng chứng minh những sự quy trách như vậy và gây sự ứng nghiệm nào đó đối với những giả thuyết này, người ta đẩy thổ dân đến bội giáo, bằng việc rời bỏ của họ hy vọng chứng thực sự bằng lòng của họ được phóng thích khỏi những kẻ “chén ép” của họ. Đó không phải là ý kiến của uỷ viên Oden’hal, người ba lần chính thức đi khắp Lào và xứ Thượng, nơi ông bị chết do thảm sát. Tuy nhiên tất cả tôn giáo của ông được tóm gồm trong một nền triết trung mờ nhạt.
“Trong bốn ngày, tôi lưu lại nhà các thừa sai (ở Kon Tum); tôi được sự hiếu khách hấp dẫn và nồng ấm mà tôi biết được trong gần một tháng. Việc truyền giáo đã phát triển từ chuyến đi của tôi, đã có nhiều cuộc trở lại… Phải lấy làm mừng vì kết quả này. Nếu tín hữu dân tộc vẫn còn xa việc thực hành các nhân đức Phúc âm, thì vẫn còn giá trị hơn rất nhiều người đồng loại của y vẫn còn phụ thuộc các phù thủy và các “yang,Giàng,thần linh). Ít nhất nơi họ, không còn các “dieng” (cấm kỵ). Việc loại bỏ phong tục này đã dẫn đến việc loại bỏ vô số các lạm dụng… “Không phải trong lương tâm, nếu nó hiện hữu (nơi người Thượng không có đạo) cũng không phải nơi tôn giáo của y, mà người ta sẽ tìm thấy các yếu tố của một ràng buộc luân lý nào đó; ràng buộc này, trái lại, có thể dùng vào việc biện minh cho tất cả các lạm dụng. Các thừa sai đón nhận từ các tân tòng của mình sự từ bỏ các phù thủy và các “Giàng” bởi vì họ thay thế tất cả bằng một tôn giáo… một uỷ viên không thể làm được như thế”.
Vài kẻ bướng bỉnh quả thực để cho người ta lèo lái, hầu như mọi dự tòng bình thường, nóng lòng được thoải mái ôm cái ghè ruợu và bóc lột các đồng bào thân yêu của mình; vài trăm tên vô lại theo phong trào bởi thói trốn tránh trách nhiệm… Tóm lại đó chỉ là một sự thanh lọc và còn lâu mới đạt được tầm vóc, mà do các hoàn cảnh, được những người này sợ, và những kẻ khác được hy vọng. Cha Guerlach lấy làm đau lòng về điều đó, nhất là khi nỗi đau về tình yêu phụ tử bị phản bội, thường thêm vào đó là nỗi đau do sự bất lực của mục tử trong việc bảo vệ tích cực đàn chiên của mình. Quyền tối ưu của ngài là một sự tử đạo lâu dài.
Lâm Bệnh Nặng: Giai Đoạn Cuối Đời
Vả lại các nỗi dằn vặt tinh thần này còn trầm trọng hơn bởi những nỗi đau thể lý rất dữ dội. Từ lâu ngài đã nhận thấy “sự phá hủy dần của cơ thể”. “Ba căn bệnh chết người của tôi, ngài nói vui đùa, giao chiến với nhau liên tục. Hãy coi chừng khi nào chúng chỉ còn lại một!”
Cuối năm 1910, các biến chứng trở nên đáng lo ngại hơn, các cơn đau thường dữ dội. Vì thế vào tháng giêng tiếp theo, theo sự khẩn nài của các đồng nghiệp, cuối cùng ngài quyết định đến Sài gòn lần nữa. Bác sĩ xuất sắc Angier liên tục nhận ra một sự viêm ruột thừa và kết luận cần thiết phải mổ. Dù cùng ý kiến, vì ngài có hiểu biết đôi chút về y khoa, nhưng ngài thích đến Hồng Kông. Cũng bị buộc mổ ở đó, ngài thuận phục; nhưng vì ngài rất yếu, ngài tin và mong ước hầu như không sống sót sau phẫu thuật, và chuẩn bị hết sức mình trình diện trước Thiên Chúa. Trái với những ao ước thầm kín của ngài, không có biến chứng nào xảy ra. Việc cắt bỏ được thực hiện rất bình thường; và do đó, mọi nguy hiểm biến mất. Nhưng mồ hôi nhễ nhại, những cơn đau bao tử dữ dội, sự vận hành không tốt của mọi cơ phận không phải là không kéo dài. Đó không phải là sự hồi phục sức khỏe trù liệu trước. Vì thế các bác sĩ, giám mục của ngài, các đồng nghiệp và mọi người đều thúc ngài đi nghỉ bệnh bên Pháp nơi người mẹ già tốt lành và các bạn chí thiết của ngài đang chờ ngài.
Tất cả đều vô ích. Ngài viết: “Tôi không tin vào tính hiệu quả của một chuyến đi Pháp. Nó sẽ tiêu tốn rất nhiều cho một kết quả khả nghi, đúng hơn là vô ích. Tôi tin tình trạng không thể chữa lành của tôi, bất chấp các khẳng định của các bác sĩ, dù các vị này không đồng ý về tính chất căn của bệnh tôi. Vì thế, dù sao đi nữa, tôi muốn lên lại Ro’hai sớm nhất có thể. Ở đó tôi sẽ không cố gắng gì nhiều, nhưng đau khổ nhiều, và tôi sẽ chết ở đó nếu khi điều đó làm hài lòng Chúa Lòng Lành. Tôi hy vọng Chúa chúng ta thương xót tôi, dù vô số tội lỗi của tôi, bởi vì tôi đã cố gắng yêu ngài một chút và làm cho người ta yêu ngài…” Và cha chỉ lặp lại điệp khúc của mình: “Mori lucrum…!” Vậy là chiến sĩ bất khuất của Chúa muốn chết tại chiến trường, và cho đến phút cuối nêu một mẫu gương sức mạnh và kiên tâm trong sự quên mình. Quả thực ngài trở lại núi rừng của mình. Chuyến đi này, khi thì bằng kiệu, khi bằng ngựa, đối với ngài vô cùng cực nhọc. Bị kiệt sức vì các đau đớn và mệt nhọc, ngài đến Touer ngày 20 tháng 8, ở thung lũng mà 29 năm trước, ngài còn rất trẻ, tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết. Ngài cảm nhận mạnh mẽ sự tương phản của hai thời kì trong đời ngài. Nên: “Tôi không trở lại để làm việc, nhưng để chết”, đó là lời đầu tiên ngài nói với các đồng nghiệp của mình. Và khi những người này vẫn còn cố cho ngài đi tìm điều trị ở Pháp: “Tại sao muốn xua đuổi tôi? Ngài vừa đáp lại vừa cười. Hãy để tôi yên nghỉ trên miền đất hoang dã này; tôi đã được cái quyền ngủ ở đây giấc ngủ cuối cùng của tôi. Khi thấy tôi đi chết ở giữa họ, người Thượng của chúng ta sẽ hiểu tôi yêu họ chừng nào”.
Đàng khác, để thanh tẩy hơn nữa quả tim của vị đầy tớ ngài, Chúa cho phép ngài nếm trải cơn hấp hối con tim đã khiến bản thân Chúa Giê-su thốt lên lời than phiền thánh này: “Lạy Chúa, sao Ngài bỏ con? Linh hồn con buồn sầu đến chết được”.
Vào những đêm mất ngủ, khi ngài nghe từ xa vang vọng tiếng trống, tiếng chiêng, và tiêng kêu của vài lễ hội lương dân, quả tim người tông đồ của ngài bị nghiền nát: “Ôi! Ngài thì thầm: Tôi hiểu nỗi đau đớn của Chúa Giê-su ở Giêt-sê-ma-ni làm sao: Quae utilas in sanguine meo!”
Những Ngày Cuối Cùng
Vào tháng 11, sự yếu đuối đã đến cùng cực. Với sự tĩnh lặng đáng kinh ngạc ngài nói về cái chết sắp đến của mình, quy định tất cả các nghi thức phải tuân thủ sau khi ngài chết, viết những lời từ biệt đến tất cả các bạn bè của ngài, cho làm cái quan tài và cây thánh giá của mộ ngài dưới sự chứng kiến của ngài.
Để tạo cho mình một quả tim mạnh mẽ hơn trước ngày hy sinh, ngài thử mồ và muốn nếm trước cái chết.
Từ khi tin vào tính chất báo động của nguy hiểm, ngài xin các bí tích cuối cùng, và nhận lãnh các bí tích trước các chức sắc của các giáo xứ người Việt, các già làng, các học sinh của Trường. Tất cả được triệu tập nhanh chóng. Ngồi trên một cái ghế, ngài nghe thánh lễ trong đó người ta cho ngài rước Của ăn đàng; buổi lễ kết thúc bằng việc xức dầu bênh nhân.
Tuy nhiên trong những ngày đầu của tháng giêng, ngài vẫn tìm thấy sức lực nói với các đồng nghiệp của ngài, tu tập để tĩnh tâm hàng năm, vài lời khích lệ này, được nuôi dưỡng bằng Sách Thánh, được đọc bởi một sự chân thành hiền từ, và nhất là được cháy bỏng bởi tình yêu Thiên Chúa và các linh hồn dày vò con tim ngài, mang lại trong tim các thính giả một niềm xúc động không thể xóa nhoà, một sự khích lệ hiệu nghiệm. “Các bạn thân của tôi, một ngày kia ngài nói với họ, giọng đầy nước mắt, và sau đó lại nói lời từ biệt đối với họ: Tôi đã thấy cái chết rất gần. Này, hãy tin tôi: khi tôi thoáng nhìn lại cuộc đời của tôi, mọi hoạt động của tôi đối với tôi dường như không là gì cả…Vậy các bạn hãy làm việc, các bạn đừng bao giờ tin đã quá hy sinh, vì sợ phải ngạc nhiên, các bạn cũng thế, khi các bạn dựng lên bản tổng kết cuả các bạn”. “Hãy cầu nguyện cho tôi, ngài còn viết vào ngày 23 tháng giêng, cầu nguyện cho tôi là kẻ ngày một yếu hơn và tiến những bước dài vào cõi vĩnh cửu. Lần này, tôi hy vọng không trễ chuyến tàu”.
Sáu ngày sau, quả thực, ngày 29 tháng giêng 1912, sau cơn hấp hối ngắn ngủi và an bình, sau khi đã nhận với đức tin mạnh mẽ các bí tích sau cùng, với sự hiện diện của 5 trong số các đồng nghiệp của ngài, lúc 5 giờ chiều, cha Khâm mạng Tòa thánh yên ngủ trong Chúa một cái chết rất thanh thản, không ngừng ấn lên tim mình cây thánh giá chuộc tội, kỷ niệm về mẹ ngài. Sau khi đã sống như thánh, cha Guerlach cũng chết cái chết của các vị thánh.
TÌNH TRẠNG CỦA VÙNG TRUYỀN GIÁO
(cách tỉnh Bình Định 150 km về phía tây)
Vùng truyền giáo được bảo đảm từ năm 1855 với cái giá là sự kiên trung anh hùng và những hy sinh to lớn, trong khi ở Annam mọi linh mục bị bắt bắt đều bị kết án tử. Được duy trì trong tình cảnh khó khăn như thế trong nhiều năm dài nên việc thành lập vùng truyền giáo Bahnar mang tính chất là công trình quan phòng. Tuy nhiên Vùng truyền giáo chỉ phát triển kể từ năm 1888, chỉ nhờ vào như chúng ta thấy, lòng nhiệt thành và nghị lực của Cha Guerlach.
NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX,
VÙNG TRUYỀN GIÁO CÓ:
21 thừa sai, 2 linh mục Việt.
120 giáo khu trong đó có 4 giáo khu của người việt
11645 tín hữu công giáo thực hành (tháng sáu 1911).
5000 dự tòng.
59 giáo lý viên.
120 học sinh lớp giáo lý (Trường Gm Cuénot)
6 trường huyện với 90 học sinh.
Một trường nữ sinh dân tộc, được một phụ nữ dân tộc điều khiển, ở Kontum, với 45 học sinh.
Một xưởng in bằng các ngôn ngữ địa phương.
Chính các nhà thừa sai đã cho người Thượng bảng chữ cái mà những người này không có ý niệm nhỏ nhoi nào.
Những điều tốt khác trong tình trạng tạm thời từ sự hiện diện của các thừa sai là:
Việc phá bỏ vô số các mê tín và tập tục vô luân, độc ác, nô dịch, gây tốn kém cho tài sản của công cũng như tư, làm cho nền văn minh thực sự không thực hiện được.
Việc bình định xứ sở 15 năm trước sự chiếm đóng của Pháp.
Việc du nhập các phương thức và dụng cụ trồng trọt và những công cụ khác ngoài cái cày, tiên tiến hơn công cụ của người dân tộc.
Việc tiêm phòng đều đặn từ khi xuất hiện bệnh đậu mùa năm 1893 ở mọi làng trong vùng, lương cũng như giáo.
Vincentê Phaolô Nguyễn Đình Trọng

Lớp Thần Học I niên khóa 20o9-2010.

Đại Chủng Viện Huế


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét