NĂM 2012 - ĐẶC BIỆT KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THIẾT LẬP VÙNG ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA KONTUM (1932-2012) ;
HƠN NỮA, GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐÃ HIỆN DIỆN TRONG VÙNG ĐẤT TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN TRÒN 164 NĂM (1848-2012). KONTUMQUEHUONGTOI XIN GIỚI THIỆU BÀI VIẾT ĐỂ MỌI NGƯỜI CÙNG TÌM HIỂU THÊM VỀ LỊCH SỬ CỦA VÙNG KON TUM.
-----------------------------------------------------
THIẾT LẬP
VÙNG ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA KONTUM
& CÁC CƠ SỞ TÒA GIÁM MỤC
LINH MỤC GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN
I. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ TRUYỀN GIÁO KONTUM TỪ ĐẦU ĐẾN NĂM 1932
1. Miền Ðất Tây Nguyên
Vùng Truyền Giáo Kontum chiếm một phần lớn phía nam của Đàng Trong Pháp thuộc. Với diện tích khoảng 70.000 km2, nó dài 450 km từ phía bắc đến phía nam và từ 150 đến 200km chiều rộng. Nó gồm các tỉnh người thượng Kontum, Pleiku và Ban-mê-thuột, Attopeu và Hinterand tỉnh QUẢNG NAM. Ở phía đông, dãy Trường Sơn chia cắt, trên 500 km, Miền Truyền Giáo và địa phận Qui-nhơn, địa phận mà Kontum trực thuộc mãi đến năm 1933; ở phía bắc, Vùng Truyền Giáo giáp địa phận Huế; ở phía tây, giáp Lào và Campuchia; ở phía nam, giáp miền truyền giáo Sài-gòn. Nửa phía bắc của Vùng Truyền Giáo Kontum là đồi núi, nhưng bị chia cắt bởi rất nhiều thung lũng. Phần lớn các thung lũng này rất lớn, được bao phủ bởi một thảm thực vật um tùm. Nửa phía nam là một vùng của các cao nguyên, có rất nhiều con suối và có nguồn đất đỏ cực kỳ thích hợp với trồng trọt. Dãy trường sơn, khá dốc đứng về phía biển, có sườn dốc thoải trên sườn tây; các đỉnh của nó có độ cao từ 1000 đến 1500 mét; vài đỉnh vượt quá 2000 mét.
Phần lớn các dòng sông thuộc về lưu vực sông Mê-Kông, nơi chúng tập hợp thành một cửa sông duy nhất ở Strungtreng. Tuy nhiên vài nhánh sông khác mở một lối vào trong các núi và đổ ra biển. Tổng dân số của Vùng Truyền Giáo trong thập niên ba mươi của thế kỷ XX khoảng 700.000, trong số đó người ta tính được 30.000 đến 40.000 người Việt và có lẽ là 10.000 người Lào; tất cả phần còn lại, nghĩa là phần lớn dân cư đều thuộc tộc “mọi”. Từ “mọi” là một từ tiếng Việt có nghĩa là “hoang dã”.
2. Con Người Tây Nguyên
Người thượng sống kiểu truyền thống của người hoang dã, cách sống của người sống trong rừng và nhờ rừng. Họ canh tác đất đai, nhưng không đủ để ăn. Nhà cửa là những túp lều trên các trụ (nhà sàn), được dựng bằng gỗ, tre và rạ: chúng nằm quây quần trong các làng, ở các nơi trống trải; các làng độc lập với nhau và hồi xưa thường giao chiến với nhau.
Người thượng được chia thành rất nhiều bộ tộc, nói mọi phương ngữ khác nhau, tuy nhiên người ta có thể quy về hai phương ngữ, gốc của các ngôn ngữ khác: Bahnar và Chàm. Nhân tiện chúng ta hãy nói rằng đó là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các thừa sai, những người buộc phải học nhiều phương ngữ khác nhau.
Về thể hình, người thượng có nước da ngăm hơn người Kinh; họ có thể tạng cao hơn và vạm vỡ hơn. Nhưng sự phát triển trí tuệ của họ kém hơn nhiều so với người Kinh: họ không có chữ viết, không có nền văn học nào, không trường học, và không có nền giáo dục nào. Tuy nhiên họ yêu âm nhạc, được phú bẩm lỗ tai bén nhạy và chất giọng tuyệt vời.
Về mặt thực tiễn, mỗi người làm ra những cái cần thiết, và vì những nhu cầu của họ rất hạn chế, nên việc cung ứng cho họ thì dễ dàng. Trong mỗi túp lều đều có nghề dệt, khá nguyên thủy; trong mỗi làng, một lò rèn nhỏ làm con dao, cái rìu … Chiếu và gùi, là những cái không thể thiếu, được đan bằng những sợi và dây lạt hay dây sậy.
Về mặt tôn giáo, người thượng thờ kính các thần hay các vong hồn, thần lành có, thần dữ cũng có; họ biết ơn các thần lành, nhưng đúng hơn họ sợ các thần dữ, họ dâng cúng các con gà, dê, heo, thậm chí là trâu. Các thần này được xem như có các thông dịch viên là các phù thủy nam, nhất là phù thủy nữ, người thổ dân tin tưởng hoàn toàn vào họ, một sự vâng phục con trẻ. Nếu xuất hiện bệnh tật, nguy hiểm, hạn hán hay mưa lũ xâm hại mùa màng, người ta cầu cứu nữ phù thủy, và dù quyết định của bà ra sao: kiêng kỵ khắt khe, thực hành phiền toái, dâng cúng long trọng, không ai dám bất tuân lệnh bà.
Là những đứa con đích thực của rừng rú, người thượng hoan hưởng sự độc lập không gì quấy rầy, chỉ trừ trường hợp điều đó đi ngược lại với toàn thể thị tộc; họ không ngần ngại theo các khuynh hướng tự nhiên của con người sa đọa. Từ đó ta có thể rút ra các khó khăn mà công cuộc Phúc âm hóa nơi họ gặp phải.
3. Ðường Truyền Giáo Tây Nguyên
Ngay từ năm 1765, Giám Mục Guillaume Piguel (1704-1771) đã gửi thừa sai lên truyền giáo miền Kontum, nhưng không thành công.
Năm 1775, Giám Mục Pigneau de Béhaine (1771-1799) gửi một đoàn truyền giáo do linh mục Faulet hướng dẫn tiến vào vùng Tây Nguyên thuộc sắc tộc Xtiêng, người Cuy sống dọc theo sông Chlong, các ngài gặp 2 gia đình Công Giáo đã tới sinh sống tại đây từ trước. Sau khi mua một mảnh đất, các ngài cho dựng một căn nhà vừa làm nơi tạm trú vừa làm nhà nguyện. Vì ngã bệnh, các ngài phải trở về Prambey-Chlom, sau bình phục mới trở lại và rồi lại ngã bệnh một lần nữa. Công việc truyền giáo đành phải bỏ ngang vào mùa xuân 1776.
Nhưng có lẽ công cuộc truyền giáo Tây Nguyên đã thật sự sôi động và đạt thành quả vững chắc lại chính là vào thời kỳ Giám Mục Etienne Théodore Cuénot Thể, giám mục đại diện tông tòa Ðông Ðàng Trong. Chính ngài đã mở đường truyền giáo vùng phía Tây, tức vùng Tây Nguyên ngày nay. Lịch sử truyền giáo vùng này có thể chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: khai sáng.
- Giai đoạn 2: phát triển.
- Giai đoạn 3: xây dựng và kiện toàn
II. SƠ LƯỢC CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH CỦA HẠT ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA KONTUM
A – GIAI ĐOẠN KHAI SÁNG (1848 – 1888)
1. ĐỨC CHA STÊPHANÔ CUENOT THỂ, NGƯỜI KHAI SÁNG VÙNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN
Tình hình Việt Nam đã có nhiều thay đổi từ sau khi Giám Mục Pigneau de Béhaine (9-10-1779) và vua Gia Long qua đời (3-2-1820). Kể từ năm 1825, nhiều sắc lệnh cấm đạo đã được ban hành. Công việc truyền giáo cho đồng bào các sắc tộc từ hướng Tây Ðàng Trong hầu như bị chậm lại, thì từ hướng Bình Ðịnh, Phú Yên lại có phần sôi động hơn. Mặc dù phải chăm sóc đoàn chiên rải rác trên một lãnh thổ rộng lớn, chạy dài từ sông Gianh phân chia hai miền Bắc Nam tới mũi Cà Mau và biên giới Thái Lan, Giám Mục Cuénot Thể vẫn không quên những anh chị em thuộc nhiều sắc tộc khác trên vùng cao. Ðây luôn là ưu tiên trong các chương trình hoạt động của ngài.
Vừa lên kế vị Giám Mục J.L. Taberd năm 1841, Giám Mục Cuénot Thể đã triệu tập Công đồng Gò Thị để ổn định đời sống giáo phận sau nhiều năm cấm cách, đặc biệt, đưa ra hướng mục vụ cảm thông tha thứ và tạo điều kiện cho những anh chị em vì yếu đuối đã sa ngã trong thời cấm đạo. Nhưng chủ yếu vẫn là đào tạo hàng ngũ linh mục bản xứ để đẩy mạnh công việc truyền giáo.
Năm 1839, ngài đã cử hai phái đoàn truyền giáo: một do ông Cả Ninh dẫn đầu khởi hành từ Cam Lộ, Quảng Trị và một do ông Cả Quới lên đường từ Phú Yên. Cả hai đoàn đều thất bại.
Qua năm 1842, phái đoàn ông Cả Quới gồm Cố Duclos và Cố Miche, 11 thầy giảng và 3 giáo dân lại lên đường. Nhưng ai ngờ chỉ mới đi sâu vào vùng dân tộc, ngày 16-2-1842 tất cả đã bị bắt giải về Huế.
Năm 1846, Giám Mục Cuénot Thể gửi 2 linh mục người Việt là linh mục Vận và linh mục Hòa lên mở vùng Buôn Ðôn thuộc Ðăklăk. Tiếp sau là linh mục Fontaine Phẩm được chuyển từ Plei Chư xuống. Năm 1856, tất cả phải rút về Kontum.
Với một ý chí sắt đá, Giám Mục Cuénot không chùn bước, ngài hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Chúa Thánh Thần. Năm 1848, một năm có tính quyết định đã đến.
Vị mục tử này hướng tới thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, còn gọi là An, một chủng sinh vừa tốt nghiệp Ðại chủng viện Pinang về nước. Ngài thấy nơi con người thông minh, quả cảm và khiêm tốn này có khả năng mở đường tiến sâu vào thế giới các sắc dân miền núi phía Tây.
2. THẦY SÁU DO MỞ ĐƯỜNG (1848-1850)
Thầy Do đã khéo léo đóng vai một ngưới đầy tớ trung thành và cần mẫn gánh hàng cho một nhà buôn người Kinh. Sáu tháng đi từ làng này tới làng khác, thầy đã tiếp cận với dân Ba Na, nói được tiếng nói của họ, biết phần nào phong tục tập quán cùng thu thập được ít điều về địa hình địa vật của vùng cao. Thầy mau mắn về Gò Thị tường thuật lại cho vị chủ chăn ngày đêm ngóng chờ tin vui.
Ðược tin vui, Giám Mục cử ngay một đoàn thừa sai lên đường và cắt cử thầy Do làm trưởng đoàn, Một đoàn buôn chính hiệu, có 4 chủng sinh cùng đi. Chính “cái chính hiệu với đồ hàng cồng kềnh của nhà buôn” này đã làm lóa mắt những kẻ tham chặn đường cướp hết. Các vị thừa sai đành phải bỏ chạy lấy người.
Qua năm 1849, lại một đoàn truyền giáo khác lên đường. Ðoàn gồm có linh mục J.P. Combes Bê, 4 thầy giảng và một số chủng sinh. Ði từ Gò Thị, lên Bến, tới trạm Gò, đoàn gặp phải một đàn voi rượt đuổi. Tất cả bỏ chạy tán loạn, thoát được cơn giận của voi, về tới Bình Ðịnh, phái đoàn chạm phải cơn “thánh nộ” của Giám Mục Cuénot. Ðược nghỉ 15 ngày, phái đoàn lại lên đường, lúc đó là đầu năm 1850.
Lên đường lần này có thêm linh mục Fontaine Hoàn (sau gọi là Bok Phẩm) với 7 thầy. Ðến Trạm Gò, tiến vào làng Baham, đi qua làng Kon Bơlu, phái đoàn tiến sâu vào làng Kon Phar. Giám Mục đã ân cần dặn dò nhiều lần “nhớ” phải tránh đường mòn của các lái buôn người Kinh, phải tránh tù trưởng Bok Kiơm kiêm chức vị “quan triều đình Huế” có nhiệm vụ chặn đường xâm nhập của các thừa sai.
Ngày núp, đêm đi, vạch rừng, lội suối, leo đèo, với đủ thứ đe dọa của rừng thiêng nước độc, của khí hậu, của thú dữ. Lệnh “không được trở lại” vẫn văng vẳng bên tai. Nhưng “Ðất động! Trời sập! Ðoàn gặp đúng Bok Kiơm! Biết làm sao bây giờ? Hồn xiêu, phách lạc, hết đường “chạy trốn”, cả đoàn như chết đứng giữa trời! Chính lúc đang đứng đơ như những tượng gỗ, thì “con người hung dữ kia lại lên tiếng trước: “Sao? Quý vị là ai? Cứ nói thật đi, tôi sẽ giúp cho!”
Thế là lại thêm một bất ngờ nữa! Thay vì đi hạch họe, bắt nộp cho triều đình, Bok Kiơm lại tỏ ra thân thiện ngay. Có lẽ cũng chính cái vẻ mất hồn khiếp vía trên các khuôn mặt những con người không có một tham vọng nào khác ngoài tình thương mà liều mình đi đến với những anh chị em miền đất xa lạ, nên con người “đáng khiếp” kia bỗng trở thành “con người dễ thương”. Ông đã trở thành một Cyrus miền truyền giáo Tây Nguyên! Phái đoàn tiếp tục đi vào làng Kon Kơlang.
Ngày 11-11-1850, thầy Thám, em thầy Do, dẫn một nhóm truyền giáo khác lên Kontum. Cùng đi có linh mục P. Dourisboure Ân (25 tuổi), linh mục B. Desgouts Ðề (45 tuổi). Họ đi theo lộ trình Gò Thị – Bến – trạm Gò – Bơham – Bơlu – Kon Phar để tới Kon Kơlang. Tại đây, anh em gặp nhau mừng vui khôn xiết. Tất cả bắt tay dựng căn nhà 2 gian: một gian để ở, một gian làm nhà nguyện. Công việc truyền giáo Tây Nguyên bắt đầu một trang sử mới với nhiều hứa hẹn, nhưng cũng đầy khó khăn!
3. PHÂN ĐỊNH VÀ THÀNH LẬP CÁC TRUNG TÂM MIỀN TRUYỀN GIÁO (1851)
Sau một thời gian dò dẫm, tìm hiểu với sự giúp đỡ chân tình của Bok Kiơm, các vị thừa sai đã tới được miền Ðất Hứa năm 1850, chính là cánh đồng Ðăk Bla như Ðức giám mục hằng chờ mong. Năm sau, ngài quyết định thiết lập ngay 4 trung tâm truyền giáo và đặt linh mục Combes Bê làm bề trên miền.
- Trung tâm Plei Rơhai: do linh mục Bernard Desgouts và thầy Sáu Do phụ trách lo truyền giáo cho bộ tộc Bahnar. Ðịa điểm nằm ngay địa sở Tân Hương ngày nay. Sau ít tháng, thầy Sáu Do được gọi về Gò Thị chuẩn bị lãnh tác vụ linh mục. Năm 1853, linh mục Do trở lại trung tâm và tiến hành xây dựng nhà thờ Plei Rơhai. Ngài phát động mô hình nông trang trên miền đất này để cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc và để tự túc lương thực phòng đường tiếp tế từ vùng xuôi khi bị cắt đứt! Giám Mục còn chỉ thị cho linh mục Desgouts mở ngay Chủng viện thừa sai Miền Kontum trong khi miền xuôi đang bị cấm cách gắt gao. Nhưng vì khí hậu khắc nghiệt, chủng viện đã không trụ lâu được.
- Trung tâm Kon Trang: Nằm phía Bắc Kontum, được trao cho linh mục P. Dourisboure Ân phụ trách để truyền giáo cho bộ tộc Xơ Ðăng. Ngài hăng say học tiếng và La Tinh hóa chữ viết Xơ Ðăng làm phương tiện tiếp xúc và truyền giáo. Một năm sau, Giám Mục đã tăng cường cho trung tâm một vị thừa sai mới, linh mục Arnoux A. Ngày 1-1-1852, Linh mục Dourisboure Ân đã ban phép Thanh Tẩy cho một em bé sơ sinh. Ðây là hoa trái đầu mùa. Vào ngày 16-10-1853, hai thiếu niên Giuse Ngui, 12 tuổi (+ 1857) và Gioan Pat, 9 tuổi, được lãnh nhận phép Thanh Tẩy.
- Trung tâm Plei Chư: Nằm phía Tây Kontum. Linh mục Fontaine Hoàn (Bok Phẩm) phụ trách trung tâm lo loan báo Tin Mừng cho bộ tộc Gia Rai. Năm 1854, Giám Mục thuyên chuyển ngài xuống Pơnong (M’nông) – Trung tâm Buôn Ðôn – ở Ðăklăk – làm việc với linh mục Hòa và linh mục Vận. Nhưng chẳng được bao lâu ngài cũng phải rút về lại Kontum.
- Trung tâm Kon Kơxâm: được trao cho linh mục Bề trên đầu tiên Miền Truyền Giáo, linh mục J.P. Combes. Nằm về phía Ðông Kontum, trung tâm có nhiệm vụ giảng đạo cho anh chị em Bahnar JơLơng. Ngài chọn Ðức Bà Cứu Chữa làm bổn mạng trung tâm, ngài cũng bắt tay ngay vào công việc La Tinh hóa chữ viết. Năm sau, ngài soạn xong cuốn Giáo Lý và Sách Kinh bằng tiếng Bahnar. Qua năm 1853, cả làng Kon Kơxâm tòng giáo và ngày 28-12-1853, ngài đã ban phép Thanh Tẩy cho ông Giuse H’Mur. Ðây là người tín hữu Bahnar đầu tiên. Nhưng ngài đã qua đời 5 năm sau (1857), khi mới 32 tuổi. Trách nhiệm bề trên chuyển qua vai linh mục P. Dourisboure.
4. MÁU GIÁM MỤC CUENOT THỂ ĐÃ ĐỔ, TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN NỞ RỘ
Giám Mục Cuénot Thể đảm nhận giáo phận rộng lớn Ðàng Trong đúng vào thời điểm cấm đạo gắt gao nhất. Các phương thức cấm cách thật tinh vi, nhắm tiêu diệt từng đối tượng theo từng giai đoạn khác nhau. Ngài điều khiển giáo phận từ hầm trú ở Gò Thị, ngài làm việc ngày đêm để nắm vững tình hình giáo phận, nhưng không thể xuất hiện công khai hoặc đi lại tự do. Dù số nhân sự ít ỏi, ngài vẫn dành cho miền truyền giáo này nhiều vị thừa sai. Ngài cũng không ngừng cổ vũ và vun trồng ơn gọi linh mục bản xứ.
Ðể đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, ngài đã xin Tòa Thánh chia nhỏ địa phận.
- Ðợt 1: Năm 1844, chia địa phận Ðàng Trong thành Ðông Ðàng Trong và Tây Ðàng Trong.
- Ðợt 2: Năm 1850, chia địa phận Ðông Ðàng Trong thành Bắc Ðàng Trong và Ðông Ðàng Trong; chia Tây Ðàng Trong thành Tây Ðàng Trong và Nam Vang. Kontum vẫn thuộc Ðông Ðàng Trong, tức giáo phận Quy Nhơn sau này.
Trong khi miền xuôi còn bị cấm cách, thì trên cao nguyên các làng dân tộc “đua nhau” trở lại. Khởi đầu là làng Kon Klor (1886), tới Kon Hngo Kơtu (1887). Chỉ trong 21 năm, đã có tới 94 làng trở lại. Có năm tới 12 làng (1893), 14 làng (năm 1895) hoặc như năm 1897, ngoài 14 làng Bahnar, Xơ Ðăng xin theo đạo, còn có cả một số làng bộ tộc Ê Ðê cũng xin tòng giáo. Kết quả thật tốt đẹp. Sức người theo không kịp. Trước một tình hình sôi động như thế, các vị chủ chăn đã đẩy mạnh việc đào tạo nhân sự bản xứ. Ðây là giai đoạn hình thành trường đào tạo Yao Phu và hình thức Nhà Chung sau này. Ðúng như Tòa Thánh đã tiên liệu và chỉ đạo: “phải ưu tiên làm sao cho sớm có người bản xứ truyền đạo và phục vụ người bản xứ!”.
Ý thức tầm quan trọng của chỉ thị trên, linh mục J.L. Bonnard Hương quy tụ một số thanh niên dân tộc nhằm đào tạo họ thành các giáo lý viên cho các họ đạo. Công việc và chương trình này chỉ thật sự được tổ chức và đẩy mạnh nhờ sự được tổ chức và đầy mạnh nhờ quyết tâm cao của linh mục Martial Jannin Phước. Năm 1905, ngài xúc tiến xây dựng trường đào tạo các Yao Phu và khánh thành ngày 7-1-1908. Linh mục M. Jannin Phước là vị giám đốc đầu tiên. Chính ngài đã dám nghĩ dám thực hiện mẫu người Yao Phu. Ngài là linh hồn của công trình trọng điểm này. Năm 1911, tạp chí Hlabar Tơbang đã được phát hành để hỗ trợ cho công việc đào tạo.
Từ trường này, nhiều thanh niên dân tộc đã chọn đời sống tu trì. Cụ thể, ngày 29-6-1932, ba thanh niên Bahnar đầu tiên đã lãnh nhận tác vụ linh mục: đó là các linh mục Micae Hiâu (1900-1949), linh mục Giuse Châu (1900-1955), linh mục Antôn Ðen (1903-1987). Một trong 3 vị đã có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử giáo phận Kontum: linh mục Antôn Ðen, một nhà trí thức, một học giả Bahnar. Ngài đã dành suốt một đời dịch Thánh Kinh, dịch sách phụng vụ, viết hạnh các thánh và phụ trách tờ Hlabar Tơbang. Ngài âm thầm, chăm chỉ làm việc cho tới giờ phút cuối đời. Một kho tàng hiếm có của giáo phận! Giáo phận biết ơn ngài, biết ơn các bậc linh mục anh đã đào tạo được một người làm việc trí óc không biết mệt mỏi như thế!
B – GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1888 – 1905)
Vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên ngày càng phát triển. Nhiều người đã xin trở lại. Trong khi ở miền xuôi, cuộc bắt đạo vẫn đang diễn ra quyết liệt, thì các làng dân tộc dần dần đã tìm được hướng đi nhờ sức sống của Hạt Giống Tin Mừng và nhờ những hy sinh lớn lao của các Linh mục thừa sai và giáo dân.