Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

ALBUM THÁNH CA HÁT VỀ MẸ - CA ĐOÀN TÂN HƯƠNG, KON TUM


1. MẸ ĐẦY ƠN PHÚC - Thành Tâm
2.NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH - Hải Linh
3.MỪNG KHEN ĐỨC CHÚA - Thành Tâm
4. LINH HỒN TÔI - Kim Long
5. CUNG CHÚC TRINH VƯƠNG - Hoài Đức


"Lạy Mẹ Maria, tháng Mân Côi đang dần khép lại nhưng lòng chúng con yêu mến Mẹ lại mở ra với tha nhân, với gia đình và với chính bản thân chúng con…để cùng với Mẹ, chúng con biết củng cố đức tin, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới. Đồng thời, chúng con biết hăng say dấn thân loan báo Tin Mừng và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống.
Mẹ ơi,trong năm này và hiện giờ, dịch bệnh covid-19 đang làm cho chúng con chao đảo. Xin cho từng Giáo xứ, từng gia đình và từng người biết chạy đến cùng Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi, để cầu khẩn Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi ban ơn phù trợ và hướng dẫn mọi thành phần dân Chúa luôn sống đức tin kiên vững, tín thác vào Chúa.
Hòa theo nhịp sống của Giáo Hội, để tỏ lòng yêu mến Mẹ, chúng con cùng quây quần bên Mẹ, dâng lên Mẹ tiếng hát, tuy đơn sơ nhưng thấm đẫm Tin Mừng của Đức Giêsu, Con Mẹ. Chúng con cũng xin dâng cả những bông hoa hy sinh, những tâm tình yêu mến Mẹ. Xin Mẹ thương đoái nhận và chúc lành cho đoàn con".
AVE MARIA
kontumquehuongtoi
30.10.2021



Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

”Bờm ơi là bờm !”

 


”Bờm ơi là bờm !”
Bùi Công Thuấn

 

1.”Bờm ơi là bờm !”

 

Có lần, tôi hí hửng  đi chợ mua một miếng heo quay về ăn, gọi  mừng món mới ngày lĩnh lương. Những tưởng thế nào cũng được người bạn đời khen, “ trời ơi! sao hôm nay anh đảm đang thế!”, và tôi sẽ ưỡn tấm ngực ra đầy tự hào:”Xưa nay anh vẫn đảm đang, ấy chứ lị”. Ai ngờ, nàng cầm miếng thịt lên nhìn và lắc đầu, “bờm ơi làm bờmđàn ông đàn ang các anh đi chợ là dễ bị lừa lắm. Nó bán được cho anh chỗ này nó vừa mừng lại vừa cười vào mũi cho, bờm ạ!. Tôi ớ người ra, tôi bị nàng gọi là bờm, mà sao là bờm ? Tôi hỏi nàng, sao em bảo anh bờm? Nàng nói, chính câu hỏi của anh đã chỉ ra anh là thằng bờm thứ thiệt rồi chứ còn là sao nữa. “Bờm ơi là bờm! lại còn hỏi”. Tôi là thằng bờm, tôi là thắng bờm? thế nào là bờm ?

 

Tôi chợt nhớ đến bài ca dao.

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi một xâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười

 

Bài ca dao giúp tôi hiểu Bờm là thằng khờ, là thật thà quá đến mức không biết tính toán lợi lộc gì cả. Ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim không lấy, lại lấy nắm xôi! Vâng bờm là khờ, là quá thật thà, dưới mức trung bình của thói thường tình trong đời sống.

 

Tôi những tưởng rằng bài ca dao thằng bờm do nhân dân làm ra là để giải thích thuộc tính “bờm”  của một loại người chất phác, thật thà, không biết tính toán lợi lộc cho mình. Nhưng khi đọc bài viết của Nguyễn Trọng Bình, Lê Tiến Dũng, Đỗ Minh Tuấn thì các tác giả “giải mã” ý nghĩa bài ca dao   không phải là vậy. Nguyễn Trọng bình tổng kết ý kiến người đi trước và đưa ra các lý giải ý nghĩa bài ca dao như sau:

 

1.” Bài ca dao Thằng Bờm là tiếng cười châm biếm, đả kích những hạng người giàu có nhưng tham lam, ngu dốt và đặc biệt là rất hay khoe khoang, vênh váo, tự đắc, mình là số một trong thiên hạ – một dạng “trọc phú” hay “trưởng giả học làm sang” trong xã hội mà Đông Tây, kim, cổ đều có.

 

2. Bài ca dao Thằng Bờm  phản ánh sự bất công trong xã hội. ..Tiếng cười của thằng Bờm ở cuối bài ca dao là tiếng cười để tác giả dân gian qua đó bộc lộ những khát vọng, những ước mơ chính đáng về một cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ.

 

3 Bài ca dao thể hiện một triết lý nhân sinh có ý nghĩa muôn thuở của người xưa đó là: trong cuộc sống không phải anh có tiền, có của là anh muốn gì cũng được, mua gì cũng được, đổi gì cũng được, làm gì cũng được...

 

4 Bài ca dao Thằng Bờm  khẳng định chiều sâu của vẻ đẹp trí tuệ và tư duy dân gian sâu sắc và độc đáo của người xưa: những kẻ mà trong cuộc sống tuy giàu về tiền bạc, của cải nhưng chưa chắc đã “giàu” về trí tuệ, ngược lại những người nghèo khó về tiền bạc nhưng có khi họ rất “giàu” về trí tuệ “(Kiến thức ngày nay, số 740,ngày 01/03/2011.

 

2. Hạn chế của phương pháp phê bình.

 

Bây giờ thì tôi hoang mang thật sự, không còn biết ý nghĩa thực của bài ca dao là gì. Ý kiến của những nhà nghiên cứu trên có thật là chân lý của vấn đề hay không. Tôi mơ hồ rằng những kiến giải ấy nằm ngoài văn bản bài ca dao, điều này thúc giục tôi bước vào một cuộc truy tìm ý nghĩa khả tín mà nhân dân muốn gửi trong bài ca dao này.

ĐỌC BÀI THƠ BẮT NẠT


Bùi Công Thuấn

          ***
Văn bản thơ

BẮT NẠT

Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt

Tại sao không học hát
Nhảy hip hop cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt

Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?

Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn…?

Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn

Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây

Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay

Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!”
(Nguyễn Thế Hoàng Linh)
***

Khi một tác phẩm đã được công bố, nó thuộc về công chúng, và “Tác giả đã chết” (Roland Barthes). Vì thế tôi không nói gì về bài thơ và tác giả với tư cách một tác phẩm đứng riêng lẽ giữa trời.

Điều tôi quan tâm là việc Nhà xuất bản Giáo Dục chọn thơ đưa vào Sách Giáo khoa ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa (SGK) "Kết nối tri thức với cuộc sống".

Tiêu chí đánh giá bài thơ để đưa vào Sách giáo khoa là tính giáo dục, tính tư tưởng và nghệ thuật thơ.

1. Nội dung bài thơ rất đơn giản, khuyên học lớp 6 “đừng bắt nạt/ đừng bắt nạt/ đừng bắt nạt…”(tác giả lặp lại 7 lần), và nếu bị bắt nạt thì hãy bắt chước tác giả, cam chịu.

Trong những lời khuyên, thì lời khuyên “Đừng bắt nạt nước khác” là lời khuyên nhảm và lạc đề. Đang từ vấn đề đạo đức tác giả nhảy sang vấn đề chính trị. Học sinh lớp 6 sao có thể đi bắt nạt một quốc gia! Hay tác giả ngầm bảo Nhà Nước Việt Nam đừng bắt nạt nước khác? Điều này cũng không đúng vì Việt Nam có bắt nạt ai bao giờ! Tôi ngờ rằng tác giả muốn dạy chủ tịch Tập Cận Bình “đừng bắt nạt” các nước nhỏ? Nếu nội dung câu thơ hàm những ý nghĩa ấy thì hoàn toàn lạc đề và trở nên vớ vẩn. Bài thơ bị gẫy ngang xương sống, sụp đổ hoàn toàn.

Với lời khuyên học trò nên học nhảy Hip Hop, khuyên ăn mù tạt, tôi không hiểu thầy cô sẽ dạy học sinh thế nào, vì nó nằm ngoài giáo dục.

Khuyên cam chịu khi bị bắt nạt, trong giai đoạn hiện nay, sẽ gợi ra những ý nghĩa hết sức “nhạy cảm”. Hiện đang có tình trạng nước lớn “bắt nạt”(chữ của công luận thế giới) nước nhỏ ở Biển Đông. Bài thơ nhồi vào đầu óc non nớt của học sinh lớp 6 tư tưởng “cam chịu” khi bị bắt nạt thì còn đâu là tin thần bất khuất của một dân tộc anh hùng? Điều này hoàn toàn trái ngược với truyền thống giáo dục Việt Nam. Như vậy, xét về nội dung, bài thơ không đáp ứng yêu cầu giáo dục.

2.Về tư tưởng. Tôi đồng ý nên giáo dục học sinh về thói xấu bắt nạt bạn, nhưng cũng phải giáo dục các em tư tưởng tích cực khi bị bắt nạt, các em phải hành xử thế nào. Nhân vật “Tớ” trong bài như một kiểu đại ca giang hồ: “Bạn nào bắt nạt bạn…/ Thì đến gặp tớ ngay”. Tệ hại nhất là tư tưởng “cam chịu khi bị bắt nạt”(“Bị bắt nạt quen rồi”). Trong tình hình thực tế các nước nhỏ ở Biển Đông (trong đó có Việt Nam) đang bị nước lớn bắt nạt, mà tác giả khuyên cam chịu, để rồi mất nước, phải chăng đó là tuyên truyền “nối giáo cho giặc”? Kẻ thù của dân tộc rất thâm hiểm và nhiều thủ đoạn (xin cứ đọc truyện An Dương Vương và lời Khuyên của Trần Quốc Tuấn trong bài Hịch Tướng Sĩ). Đó là cách đọc theo “Cộng đồng diễn dịch” và “tầm đón đợi” của Thuyết người đọc. Nếu tác giả muốn tuyên truyền cho học sinh tư tưởng này, tôi nghĩ, việc đưa bài thơ này vào SGK không còn là một vấn đề nhỏ.

3.Về nghệ thuật. Bài thơ có vài nét nghệ thuật riêng. Thí dụ, giọng điệu thơ là giọng trẻ, có tính hài, có cập nhật đời sống hiện đại (Hip hop, mù tạt), và nếu lướt qua những chỗ vớ vẩn ngô nghê thì có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, “bài thơ” thiếu chất thơ. Đó là bài dạy đạo đức đơn thuần. Ngôn ngữ thơ là những lời giáo huấn trực tiếp: “Đừng bắt nạt/ Đừng bắt nạt…”. Ý tứ được diễn đạt theo kiểu câu văn nghị luận: nêu vấn đề rồi lý giải nguyên nhân (“Đừng bắt nạt ai cả/ Vì bắt nạt dễ lây…; Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi”). Thơ chỉ có nghĩa tường minh, không có nghĩa nghệ thuật. Một bài thơ mà lặp lại 17 lần chữ “bắt nạt”, chứng tỏ vốn từ làm thơ nghèo nàn thế nào. Dùng từ “thì là”(văn nói) làm hỏng ngôn ngữ thơ: “Những bạn nào nhút nhát/ Thì là giống thỏ non”. Có những câu, ý tứ rất ngô nghê. Chẳng hạn: “Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt”; hoặc câu trên là “Sao không ăn mù tạt”, câu dưới là “sao không trêu mù tạt”, cả hai câu cùng một kiểu cấu trúc, ý nghĩa vớ vẩn. Câu “bắt nạt là xấu lắm” có thể chấp nhận, nhưng câu “Vì bắt nạt rất hôi” thì thơ bốc mùi thật!..

Như vậy cả về dùng từ, dùng các kiểu câu, diễn ý, và cấu trúc bài thơ đều rất ít nghệ thuật, nếu không nói là nhiều yếu tố gây phản cảm. Vậy khi phân tích nghệ thuật của bài thơ, chẳng lẽ thầy cô lại dạy những điều tôi vừa phân tích?

Dạy thơ biến thành dạy đạo đức thô thiển, với những lời lẽ vớ vẩn và tư tưởng có nhiều hàm ý chính trị, điều này sẽ làm cho học sinh chán ngán môn Ngữ Văn. Ai sẽ chịu trách nhiệm này?

Tôi đề nghị Nhà xuất bản Giáo Dục không đưa bài thơ này vào Sách giáo khoa Ngữ văn Phổ thông.

Nguồn: http://buicongthuan.vn102.space/?p=6310967&more=1&c=1&tb=1&pb=1

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Công cuộc truyền giáo của hai Giám mục tiên khởi tại Giáo hội Việt Nam

 


CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
CỦA HAI GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI GIÁO HỘI VIỆT NAM

+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Gp. Phan Thiết

Mục lục

DẪN NHẬP

     1. Công Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam Dưới Chế Độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha

     2. Đường Hướng Của Toà Thánh

     3. Hai Giám Mục Tiên Khởi Tại Việt Nam

Phần I. HAI MẪU GƯƠNG QUẢ CẢM TRONG SỨ VỤ GIÁM MỤC

     I. ĐỨC CHA LAMBERT

          1. Các Cuộc Kinh Lý

          2. Tổ Chức Các Công Đồng Địa Phương

          3. Xây Dựng Chủng Viện và Đào Tạo Linh Mục Bản Xứ

          4. Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá

     II. ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU

          1. Hành Trình Á - Âu Lần Thứ Nhất (1665 – 1673)

          2. Hành Trình Á - Âu Lần Thứ Hai (1674 – 1681)

     III. HAI CÁI CHẾT LÀNH THÁNH

          1. Đức Cha Lambert

          2. Đức Cha François Pallu

     IV. TÓM LẠI

PHẦN II. HƯỚNG TỚI VIỆC PHONG THÁNH CHO HAI VỊ GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI VIỆT NAM

     I. “Chứng Từ Lịch Sử Trên Văn Bản”: do Nhóm chuyên viên phụ trách

     II. “Chứng Từ Lịch Sử Sống Động”

          1. Chứng Nhân Tử Đạo

          2. Một Giáo Hội Trên Đà Trưởng Thành

          3. Gia Đình Mến Thánh Giá

     III. Phúc Lành Của Thiên Chúa qua các phép lạ

KẾT LUẬN


DẪN NHẬP

“Phần các Giám mục, các ngài được Chúa Thánh Thần cắt cử để kế vị các Tông đồ làm mục tử chăn dắt các linh hồn, đồng thời, hợp nhất với Đức Giáo hoàng và dưới quyền ngài, các Giám mục được ủy thác sứ mạng duy trì luôn mãi công trình của Chúa Kitô, vị Mục tử vĩnh cửu” (Sắc lệnh Giám mục, Christus Dominus số 2 – 28/10/1965)

1. Công Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam Dưới Chế Độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha

Công cuộc truyền giáo ở Việt Nam thời kỳ đầu được thực hiện chủ yếu bởi Dòng Tên dưới quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Các nhà truyền giáo đã gặt hái được những thành công đáng kể: số tín hữu gia tăng với tinh thần sống đạo sốt sắng, Hội Thầy giảng được thành lập, khai mở nền văn chương Công giáo trên đất Việt, v.v…. Tuy nhiên, những cuộc bách hại Đạo và việc trục xuất các thừa sai ngoại quốc, cùng với những cản trở từ phía Chế độ Bảo trợ luôn là những thách đố lớn cho công việc truyền giáo tại đây.

Theo thỉnh nguyện của cha Đắc Lộ được đệ trình lên Toà thánh sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1645, ngài nhấn mạnh hai đề xuất chính:

- Do tình trạng thiếu linh mục để chăm sóc các tín hữu, nâng đỡ họ trong những cuộc bách hại, xin Toà thánh sớm gởi các Giám mục qua để thành lập hàng Giáo phẩm địa phương, đào tạo và phong chức các linh mục bản xứ;

- Ban đầu, ngài dự định xin Đức Thánh cha bổ nhiệm các Giám mục Chính tòa, nhưng khi hiểu được kế hoạch của Tòa thánh trong chương trình gửi các Giám mục Đại diện Tông tòa, để tránh rắc rối với Chế độ Bảo trợ, cha Đắc lộ đệ trình một bản ‘ghi nhớ’ xin gửi Giám mục in partibus (trong phần đất dân ngoại) và không cần cho Vua Bồ Đào Nha biết[1].

2. Đường Hướng Của Toà Thánh

Dù phải công nhận rằng Chế độ Bảo trợ có những đóng góp nhất định cho công cuộc truyền giáo chung, nhưng Toà thánh ngày càng nhận ra những bất cập, lạm dụng, thậm chí trở thành những khó khăn và nguy hại, nhất là khi các vua chúa đặt quyền lợi chính trị và kinh tế lên hàng đầu.

VỀ TẤM BIA CHỮ HÁN TRÊN MỘ ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU

 

Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS

WHĐ (21.10.2021) - Trong cuốn Tiểu sử Đức cha François Pallu & Đức cha Lambert de la Motte do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) ấn hành vào năm 2020, tấm hình ngôi mộ và tấm bia mộ[1], với những dòng chữ Hán, thu hút sự quan tâm đặc biệt của chúng tôi. Tuy nhiên, trong tấm hình, chỉ có dòng chữ ở chính giữa còn đủ rõ để đọc được, những dòng chữ còn lại quá nhỏ và quá mờ. Rất may, cũng từ dòng chữ đủ rõ ở chính giữa, chúng tôi tìm được một bài viết của linh mục Trần Khai Hoa về Đức cha François Pallu, với thông tin khá đầy đủ về những dòng chữ Hán trên bia mộ[2].

Những dòng chữ trên bia mộ được ghi lại trong bài viết của Trần Khai Hoa

Sau đó, chúng tôi tìm được một tấm hình khác của tấm bia, được in trong Tập san Hội Thừa sai Paris[3], với những hàng chữ còn tương đối rõ nét.


Hình ảnh tấm bia trong Tập san Hội Thừa sai Paris

Dựa vào tấm hình bia mộ và bài viết của linh mục P. G. Guéneau, cùng với những thông tin từ bài viết của Trần Khai Hoa và một số tài liệu khác, chúng tôi sẽ xem xét tấm bia mộ theo bốn điểm sau đây:

- Những khía cạnh văn bản

- Xem xét ý nghĩa

- Niên đại tấm bia

- Một vài thông tin

1. Những khía cạnh văn bản

Tấm bia gồm năm hàng chữ dọc, từ phải sang trái lần lượt như sau:

Hàng 1 gồm 20 chữ Hán;

Hàng 2 gồm 17 chữ Hán;

Hàng 3 gồm 9 chữ Hán;

Hàng 4 gồm 11 chữ Hán;

Hàng 5 gồm 18 chữ Hán.

Các hàng chữ có độ lớn không đều nhau. Chữ ở hàng thứ ba lớn nhất, ở hàng thứ tư nhỏ hơn, ở những hàng còn lại, chữ còn nhỏ hơn nữa.

François Pallu: vị Thừa sai nhiệt thành thánh thiện

 


FRANÇOIS PALLU: VỊ THỪA SAI NHIỆT THÀNH THÁNH THIỆN

WHĐ (20.10.2021) - Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam in đậm dấu ấn của các vị Thừa sai ngoại quốc. Các ngài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp. Nếu các ngài khác biệt về nguồn gốc thì lại duy nhất trong một lý tưởng, đó là làm sao để Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu đến với các dân tộc xa xôi. Lời của Đấng Phục sinh nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (x. Mt 28,16-30) đã thôi thúc các ngài lên đường. Lý tưởng ấy cũng giúp các ngài tìm được sức mạnh trên những bước đường truyền giáo đầy cam go thử thách. Quả thực là một điều không dễ, khi đến một xứ sở xa lạ hoàn toàn khác biệt văn hoá. Các ngài đã khởi đầu từ việc học ngôn ngữ, phong tục tập quán, và chỉ sau một thời gian, có thể giảng dạy cho người bản địa bằng ngôn ngữ của họ. Nhiều vị thừa sai đã can đảm hiến dâng chính mạng sống mình để làm chứng cho điều mình rao giảng. Sau Cha Alexandre de Rhodes, Dòng Tên, Đức Cha François Pallu và Đức Cha Lambert de la Motte là những thừa sai đầu tiên của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris (MEP) đến truyền giáo tại vùng Viễn Đông. Hai vị Giám mục này cũng là Đồng Sáng lập của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris. Các ngài là những người có công khai phá mở đường cho các thế hệ thừa sai sau này tiến bước. Tại Việt Nam, một số tín hữu, nhất là các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, có thể biết chút ít về Đức Cha Lambert de la Motte, nhưng về Đức Cha François Pallu, hầu như không mấy ai biết đến. Nhân dịp kỷ niệm 337 năm ngày người qua đời (29-10-1684/29-10-2021), chúng ta cùng phác hoạ chân dung của vị thừa sai đã nỗ lực cố gắng hết mình để thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Viễn Đông. Rất tiếc là vì nhiều lý do khác nhau, cuộc đời và sứ mạng của vị thừa sai nhiệt thành thánh thiện này đã bị lớp bụi thời gian che mờ. Ôn lại cuộc đời của ngài, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho tiến trình xin Toà Thánh phong Chân phước và phong Thánh cho hai vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Việt Nam sớm thành tựu.

François Pallu chào đời tại thành phố Tours, nước Pháp và lãnh bí tích Rửa tội vào ngày 31-8-1626. Sau khi học xong chương trình ở chủng viện, ngài thụ phong Linh mục ngày 24-9-1650 và tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ dân luật và Giáo luật. Với Đoản sắc Super Cathedram 1659, Đức Thánh cha Alexandre VII thiết lập hai Địa hạt Tông toà đầu tiên ở Viễn Đông là Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm hai Giám mục François Pallu (Đại diện Tông toà Đàng Ngoài) và Pierre Lambert de la Motte (Đại diện Tông toà Đàng Trong). Đức Cha Pallu được thụ phong Giám mục ngày 17-11-1658 tại Rôma với hiệu toà Héliopolis (nay thuộc Liban). Ngày 2-1-1662, ngài lên tàu tại cảng Marseille để đi Việt Nam, nhưng phải mất hai năm hai mươi bẩy ngày mới tới Thái Lan. Phái đoàn đi cùng ngài ban đầu có 7 linh mục và 2 giáo dân, nhưng khi đến nơi, chỉ còn 4 linh mục và 2 giáo dân.

Được trao sứ vụ Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, nhưng Đức Cha  François Pallu lại chưa bao giờ đặt chân đến nhiệm sở của mình, vì bối cảnh xã hội lúc đó phức tạp, nhất là do những cuộc bách hại đạo tàn khốc. Thực ra, Đức Cha François Pallu luôn lo lắng cho nhiệm sở được Toà Thánh trao phó. Ngài đã nhiều lần tìm cách vào Đàng Ngoài mà không được. Khoảng giữa năm 1674, Đức cha François Pallu lên thuyền đi Đàng Ngoài. Cơn bão ném ngài vào bờ biển Manila, và người Tây Ban Nha chặn bắt ngài lại, đối xử với ngài như kẻ thù. Họ đưa ngài trở về châu Âu bằng con đường ngang qua Mexico. Phải nhờ đến sự can thiệp của vua Louis XIV, ngài mới được trả tự do. Lòng nhiệt thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng thể hiện rõ trong đời sống và giáo huấn của Ngài, đồng thời cho thấy vị thừa sai của chúng ta luôn trong tâm thế sẵn sàng tử Đạo. Vào tháng 9-1663, sau khi được tin hai vị thừa sai là Cha Brunel Cha Périgaud qua đời vì bạo bệnh, Đức Cha François Pallu đã viết cho bà d’Aiguillon: “Kìa cây cầu đã được bắt đầu; thật quá hạnh phúc nếu xác và xương của chúng tôi, cũng như của những người con thân yêu của chúng tôi có thể được dùng làm cột trụ để củng cố nó và tạo ra một con đường trọn vẹn, rộng mở cho các thừa sai dũng cảm…”. Ngài cũng viết trong thư “gửi các Bạn” đề ngày 1-9-1663: “Chúng tôi thấy mình hạnh phúc vì có thể dùng thân xác của chúng tôi để xây dựng một cây cầu đưa các bạn đến Trung Hoa, hoặc đến Đàng Ngoài, để thi hành sứ vụ ở đó cách trung tín hơn. Cho nên, bất cứ điều gì xảy ra với chúng tôi, tôi xin các bạn luôn luôn xem công trình này như là một trong các công việc chính của chúng ta, và dường như đã được ủy nhiệm và giao phó cho chúng ta hơn là cho bất kỳ ai khác.”[1]

Ngày 17-1-1665, Đức Cha François Pallu trao quyền điều hành Đàng Ngoài cho Đức Cha Pierre Lambert de la Motte để lên đường về lại Châu Âu, với mục đích trực tiếp tường trình với Toà Thánh về những quyết định của Công đồng Ayutthaya được tổ chức năm 1664. Qua hai cuộc hành trình Âu – Á, lần thứ nhất (từ năm 1665 đến 1673) và lần thứ hai (từ năm 1674 đến năm 1681), vị thừa sai của chúng ta vừa tạo nhịp cầu thông tin thường xuyên để Toà Thánh hiểu rõ hơn nhu cầu truyền giáo và bối cảnh xã hội, văn hoá của các quốc gia Viễn Đông, vừa lĩnh hội sự chỉ dạy của Toà Thánh để giúp cộng đoàn Giáo Hội non trẻ ở miền truyền giáo này được vững vàng phát triển.

Tại Rôma, những đệ trình của Đức cha François Pallu được Thánh Bộ cứu xét cẩn thận. Kết quả là năm 1669, Toà thánh đã đưa ra những quyết định sau:

* Chấp thuận bản “Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai”,

* Tán thành việc lập chủng viện chung cho cả vùng truyền giáo Viễn Đông;

* Đặt Xiêm La dưới quyền cai quản của các Giám mục Pháp. Các ngài có thể tiếp nhận và huấn luyện các linh mục cho vùng Viễn Đông.

Trong những chuyến đi này, Đức cha Pallu nỗ lực tìm kiếm thêm nhân sự cũng như nguồn tài trợ cho công cuộc truyền giáo.

Năm 1670, sau khi từ Rôma trở lại châu Á và đang còn lưu lại tại Ấn Độ, qua những tin tức nhận được về chuyến đi Đàng Ngoài của Đức Cha Lambert de la Motte, Đức Cha François Pallu tiếp tục liên hệ qua thư từ với Toà Thánh để xin sự chuẩn nhận cho các quyết định của Công đồng Phố Hiến, Dòng nữ Mến Thánh Giá và Hiệp hội Các Tín Hữu nam nữ Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thành lập tại Đàng Ngoài.