Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Đức Cha Paul Seitz (Kim) Tại Công Đồng Chung Vatican 2

24-02-2024

Ngày 24.02.2024, Lễ Giỗ lần thứ 40 của Đức Cố Giám mục Paul Léon Seitz Kim (24.02.1984-24.02.2024), nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum 1952-1975.

Xin tưởng nhớ và hiệp ý cầu nguyện cho ngài.

 

ĐỨC CHA PAUL SEITZ (KIM) TẠI CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN 2

 

Lm J-B Itcaina, MEP

Trong phiên khoáng đại của kỳ họp thứ nhất, Đức Cha Paul Seitz (Kim), giám mục giáo phận Kontum, đã phát biểu ba lần. Các bài phát biểu này do cha Jacques Dournes, MEP, (1922-1993), biên soạn – ngài là thư ký và chuyên viên riêng về thần học của Đức Cha tại Công Đồng chung. Còn cha Joseph Pierron, MEP (1922-1999), dịch các bài phát biểu này sang tiếng La Tinh. Lúc đó ngài đang ở Roma để chuẩn bị lấy bằng Tiến Sĩ Kinh Thánh. Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày tóm tắt các lần phát biểu của Đức Cha.

1. Lần phát biểu đầu tiên là ngày 05 tháng 11 năm 1962, trong phiên họp về phụng vụ. Ngài nói trên hàng trăm ngàn người sắc tộc thiểu số ở Cao Nguyên Việt Nam, chỉ có 5% được rao giảng Tin Mừng. Trở ngại lớn nhất trong việc rao giảng Tin Mừng là cách diễn đạt đạo, nhất là nghi thức phụng vụ của chúng ta không hội nhập được với nền văn hoá của các sắc dân này.

Tôn giáo của các sắc tộc thiểu số này có tính cách cộng đồng, bắt nguồn từ các huyền thoại cổ xưa, có nghi lễ riêng và các vật tế thần. Tôn giáo của họ bao gồm một lễ vật duy nhất, ngoài ra không có sự cầu khẩn hay chúc phúc nào khác. Các lời kinh nguyện trong nghi lễ tế thần là những lời thánh, bất di bất dịch, được đọc bằng tiếng bản xứ. Khi tham dự vào việc cúng thần, mỗi người dâng cúng lễ vật rồi sau đó ăn vật cúng thần này.

Việc Giáo Hội dùng tiếng La Tinh trong phụng vụ tạo ra những suy nghĩ như sau : “Đạo của cha không thích hợp với chúng tôi”. Vì vậy, Đức cha xin Giáo Hội hãy có những thích nghi cần thiết để công việc truyền giáo được dễ dàng hơn nơi các nền văn hoá này.

2. Lần thứ hai ngài phát biểu là ngày 13 tháng 11 năm 1962, trong phiên họp về nghệ thuật thánh. Lần nảy ngài phát biểu nhân danh Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngài đề cập đặc biệt đến các điểm sau đây :

-Làm sao cho nghệ thuật thánh phục vụ cho phụng vụ.

-Làm sao cho chỉ Đức Kitô trên Thánh Giá được đặt cao trên bàn thờ. Nhưng cũng phải có chỗ cho ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa.

-Còn những ảnh tượng khác của Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài, đã được làm phép trọng thể, thì không chỉ được dùng như là để trang trí, mà phải có một vai trò trong phụng vụ, như sách Kinh Thánh.

– Làm sao cho công trình xây dựng dành cho việc phượng tự không xa lạ với người ngoại giáo, nó còn là dấu chỉ hiện diện của Chúa Kitô, và là ngôi nhà thờ của người nghèo, có đủ những đặc điểm như : tính đơn giản, chân lý và sự khó nghèo.

3. Lần phát biểu thứ ba của Đức Cha là ngày 19 tháng 11 năm 1962, về lược đồ tín lý các nguồn gốc Mạc Khải. Ngài đưa ra những ý kiến nghiêm khắc về lược đồ này. Ngài nói có nhìều đìều đã được khẳng định không làm thỏa mãn, chẳng hạn như những điều có liên quan đến sự không thể sai lầm và linh ứng trong Kinh Thánh. Cựu Ước và Tân Ước cũng chưa đủ nối kết lại với nhau. Lược đồ này còn tạo ra ngờ vực đối với những ai miệt mài trong công việc nghiên cứu. Tinh thần mà lược đồ này được cưu mang cho thấy có một sự giữ thế thủ, điều này không thích hợp với Công Đồng. Ngài nói không thể sửa đổi luợc đồ này. Trước khi chuyển qua nghiên cứu các đề mục, cần phải tiến hành việc bỏ phiếu.

Ngoài ba lần phát biểu trên, Đức Cha Paul Seitz còn có khoảng 12 bài tham luận tại Công Đồng về các lược đồ khác : nhất là lược đồ về Giáo Hội, rồi về Đại Kết, Tông Đồ Giáo Dân, Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục, về các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Tự Do Tôn Giáo, Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội. Ngài chủ yếu phê bình tất cả các lược đồ này là không đủ ăn khớp với Hiến Chế về Giáo Hội Lumen Gentium, là Hiến Chế tín lý chỉ đạo các lược đồ khác.

 

Trích: “Interventions des Pères conciliaires MEP au Concile Vatican II” – Lm J-B Itcaina, MEP.

Linh mục Phil. Nguyễn Hữu Tiến chuyển ngữ

Nguồn: giaophankontum.com


Đức Cha Paul Seitz Kim yết kiến ĐGH Gioan 23 tại Công Đồng Chung Vatican 2, Rôma ngày 18.11.1962

Các Đức Giám mục Việt Nam và ĐGH Gioan 23 tại Công Đồng Chung Vatican 2, Rôma ngày 18.11.1962

Công Đồng Chung Vatican 2 (1962-1965)

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

ÔNG CÂU TÂN




Ông Câu Tân sinh ngày 30/06/1939 tại làng Tân Hương. Gia đình nguyên gốc ở làng Tân Hương, vào Tân Điền, trước kia gọi là Ruộng Lào (nay xã Đoàn Kết, Tp. Kon Tum) lập nghiệp, làm ruộng. Theo các bậc lão thành ghi lại, các làng như Tân Thành, Tân Điền, Tân Phú, Tân Cảnh…được hình thành theo thời gian do chính người dân Tân Hương đứng đầu hoặc làm nồng cốt, nên lấy chữ “Tân” để nhớ đến làng gốc là Tân Hương.
Người viết được nghe kể lại, ông Câu Tân nguyên tên khai sinh là Ngô Đình Khôi, về sau có lẽ để tránh trùng tên với ông Ngô Đình Khôi trong gia đình Ngô Tổng thống, mà đổi tên thành Ngô Đình Tân, được sử dụng cho đến ngày nay. Ông Ngô Đình Tân gọi Cha Antôn Ngô Đình Thận (Lm xuất thân làng Tân Hương: s 1903 – lm 1933 – qđ 15/12/1982) bằng bác ruột. Nguyên gia đình Cha Thận ở dưới Bình Định lên lập nghiệp tại làng Gò Mít (Tân Hương). Ông nội của Cha Thận (ông cố ông Câu Tân) là cụ Của, thuộc lớp cư dân thời kỳ đầu theo bước chân của Cha Do lên Kon Tum vào hậu bán thế kỷ thứ 19…Chính vì vậy từ thời niên thiếu cậu Ngô Đình Tân gắn bó với địa sở Tân Hương, theo học, giúp lễ và sinh hoạt trong Nghĩa Binh Thánh Thể thời Cha Hutinet (Cố Nhì) làm chính xứ (1948-1952). Tiếp theo các Cha phụ trách Tân Hương: Cha Marcel Lantrade (Cố Lãng, 1952-1954), Cha Gioakim Chế Nguyên Khoa (1954-1955), Cha Alexis Phạm Văn Lộc (1955-1956), Cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường (1956-1963). Nghề nghiệp của ông là giáo viên dạy học trong thị xã Kon Tum. Thời cha sở Giuse Phạm Thiên Trường (1963-1972), ông tham gia sinh hoạt trong Đoàn Liên Minh Thánh Tâm. Cũng trong giai đoạn này, ông chuyển gia đình từ Tân Điền ra ở khu B15 cạnh quốc lộ 14 trên khoảnh đất ô thấp thuộc xóm giáo La Vang 1, giáo xứ Tân Hương.
Năm 1974, giáo xứ Tân Hương có các Xóm Giáo và quý Chức việc:
-Xóm Môi Khôi (Xóm trên), Xóm Mông Triệu (Xóm dưới), Xóm Vô Nhiễm, Xóm Trinh Thai, Xóm Bình An, Xóm Sao Mai, Xóm La Vang.
-Quý chức việc: Biện Đoán (quyền Câu), Biện Quý, Biện Đâu, Biện Cháu, Biện Hiền, Biện Thanh.
Vào năm 1976, Cha Luca Bùi Thủ củng cố các Xóm Giáo và ban chức việc, gồm:
+Ông Võ Văn Muồi (Câu Nhất)
+Ông Phạm Văn Thanh (Câu Nhì)
-Xóm Môi Khôi (ông biện Hồ Đình Hớn)
-Xóm Trinh Thai (ông biện Lê Ngọt [Hiếu])
-Xóm Vô Nhiễm (ông biện Nguyễn Văn Quý + Nguyễn Đình Phương)
-Xóm Mông Triệu (ông biện Nguyễn Phúc Phướng)
-Xóm Hòa Bình (ông biện Nguyễn Văn Tư + Lê Văn Ba)
-Xóm Bình An (ông biện Huỳnh Vân + Trịnh Trữ)
-Xóm La Vang 1 (ông biện Nguyễn Đâu)
-Xóm La Vang 2 (ông biện Hồ Minh Thông + Nguyễn Ngọt)
Ngoài ra có ông Nguyễn Thế Bửu (biện Huệ) công bố bổ nhiệm ngày 30.01.1977.
Năm 1978 ông Ngô Đình Tân được Cha Luca Thủ trạch bàu làm biện Xóm Giáo La Vang (thời gian này Xóm giáo La Vang từ cầu Đak Bla đến Đồi Đức Mẹ B15).
Tiếp sau ông Câu Võ Văn Muồi, các ông quyền Câu giáo xứ Tân Hương: Nguyễn Phúc Phướng và Trịnh Du.
Năm 1990, Cha Luca Thủ cho tổ chức bầu phiếu Ban chức việc (đại diện các hội đoàn, ban ngành trong giáo xứ), ông Phêrô Nguyễn Văn Thông được bầu làm Câu chánh và ông Philipphê Ngô Đình Tân được bầu làm Câu phó.
Ngày 08/11/2012, ông Câu Thông qua đời thì ông Câu Tân lãnh trách nhiệm Câu chánh cho đến nay.
Với thời gian 46 năm trong hàng chức việc, trong đó 34 năm trong trách vụ ông Câu (22 năm Câu phó, 12 năm Câu chánh), ông Câu Tân là người hiền lành, đạo đức, làm việc bền bỉ. Ông rất kính mến Đức Mẹ, chăm sóc đài Đức Mẹ La Vang và đọc kinh mỗi tối tại Hang đá Đức Mẹ Tân Hương. Ông thường xuyên xin lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời.
Ông cũng được biết đến là thầy thuốc đông y khá nổi tiếng, chữa khỏi bệnh cho nhiều người lương giáo.
Vài năm gần đây, tuổi cao, sức khỏe giảm sút. Trước Tết Giáp Thìn, ông bị tai nạn xe honda phải nhập viện. Những tưởng thời gian sống của ông còn kéo dài. Không ngờ ông được Chúa gọi về lúc 15h45 ngày 21/02/2024 ngay sau Tết.
Thời gian làm ông Câu Tân Hương của ông cũng không có gì đặc biệt hay nổi trội, nhưng quãng thời gian phục vụ trong hàng chức việc ngót gần 50 năm của ông chia sẻ buồn vui cùng giáo xứ, thật đáng kính nể!
Riêng tôi, vì ông Câu lớn tuổi, từng trải và hiểu biết nhiều, tôi thường lân la hỏi ông về những câu chuyện lịch sử giáo xứ, giáo phận, về Kon Tum. Ông kể bác ông là Cha Antôn Ngô Đình Thận (người say mê tìm hiểu lịch sử giáo phận), trước lúc qua đời tại Nhà hưu các Cha Kon Tum (đường Nguyễn Trãi bây giờ), có trao lại cho ông nhiều sách vở lịch sử truyền giáo, trong đó có 3 tập viết tay rất dày do chính ngài soạn thảo, bảo ông gìn giữ và chép lại. Nhưng trong thời kỳ bao cấp ông đã làm thất lạc. Tôi hết sức lấy làm tiếc! Mỗi lần gặp ông thì hay nói nửa đùa nửa thật: ông Câu tìm ra tài liệu của Cha Thận chưa? Ông Câu mỉm cười và tôi thì cứ còn hy vọng…
Đến nay thì hết hy vọng thật rồi!
Xin Chúa thương dẫn đưa ông Câu về đến nơi an nghỉ đời đời.
LMSon 22/02/2024










Kontumquehuongtoi 23.02.2024








Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Giáo Phận Kon Tum: Họp Mặt Gia Đình Phanxicô Xaviê Cổ Võ Ơn Gọi Và Đào Tạo Linh Mục 2024

19-02-2024

Họp mặt Gia đình Phanxicô Xaviê Vùng Gia Lai tại Nhà Sinh Hoạt Dũng Lạc, Giáo xứ Đức An, 17.02.2024

Gia đình Phanxicô Xaviê là một “gia đình thiêng liêng” được thiết lập từ lâu trong Giáo phận Kon Tum với mục đích nối kết những tấm lòng quảng đại trong và ngoài Giáo phận nhằm cổ võ, hỗ trợ cho ơn gọi chủng sinh và đào tạo linh mục triều, nhận Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục truyền giáo làm bổn mạng.

Sau một thời gian gián đoạn vì nhiều lý do, năm nay Gia đình Phanxicô Xaviê thuộc điều hành của Chủng viện Thừa sai Kon Tum, đã tổ chức qui tụ các thành viên cũ và mới để củng cố lại hoạt động. Đây cũng là dịp các thành viên trong Gia đình Phanxicô Xaviê và Gia đình Chủng viện có cơ hội gặp gỡ để hiểu biết nhau nhiều hơn; là dịp Ban Giám đốc Chủng viện cũng như các chủng sinh và ứng sinh bày tỏ lòng tri ân với các ân nhân, còn sống cũng như đã qua đời.

Để thuận tiện cho các tham dự viên, cuộc họp mặt được tổ chức tại hai địa điểm: Giáo xứ Đức An cho Vùng Gia Lai vào ngày 17/02/2024 (mồng 8 Tết Giáp Thìn), và Nhà Mục vụ Giáo phận cho Vùng Kon Tum vào ngày 18.02.2024 (mồng 9 Tết Giáp Thìn).

Các buổi họp mặt bắt đầu vào lúc 9h00 với việc đón tiếp các thành viên và ân nhân.

Hiện diện khai mạc buổi gặp gỡ có Cha Luy Nguyễn Quang Vinh, đại diện Giám mục, chánh xứ Đức An (tại Gia Lai); Cha Giám đốc và quý Cha trong Ban đào tạo Chủng viện Thừa sai Kon Tum; quý Cha đồng hành; các ứng sinh đại chủng viện (Nhà Bok Do Kon Tum); các em Nhà Nội Trú Ơn Gọi (Pleiku); quý nữ tu và các ân thân nhân thuộc Gia đình Phanxicô Xaviê.

Sau khi ổn định, vào lúc 9h30 buổi sinh hoạt chính thức bắt đầu. Ban tổ chức đã chiếu video clip giới thiệu tổng quát về Chủng viện Thừa sai Kon Tum.

Tiếp đến linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Cường, phụ trách Nhà Nội Trú Ơn Gọi (Pleiku) đã trình bày đôi nét về cơ sở này, vừa được Giáo phận thành lập kể từ niên khóa 2023-2024 để có thêm ơn gọi cho Chủng viện, hiện có 26 em nội trú.

Cha Giuse Giang Tử Dương, phụ trách các ứng sinh đang theo chương trình đại học (Nhà Bok Kiơm – Sài Gòn) trình bày về sinh hoạt của 38 sinh viên tại đây.

Cha Giám đốc Chủng viện Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã giới thiệu Ban đào tạo Chủng viện Thừa sai Kon Tum gồm 5 linh mục: Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giuse Giang Tử Dương, Phêrô Lê Văn Hùng, Phêrô Lê Văn Thắng (MEP) và Phêrô Nguyễn Hữu Cường. Cha cũng cho biết về tình hình tu học của 20 ứng sinh đại chủng viện (Nhà Bok Do Kon Tum); 22 thầy thực tập mục vụ tại các giáo xứ (trong đó có 7 thầy vừa được truyền chức Phó tế ngày 30/01/2023 vừa qua); và 37 Chủng sinh đang theo chương trình tu học tại Đại Chủng viện Huế. Cha Giám đốc Chủng viện kêu gọi các thành viên Gia đình Phanxicô Xaviê cũng như mọi thành phần dân Chúa góp phần tham gia đào tạo ơn gọi từ nơi gia đình, xứ đạo, biến gia đình và xứ đạo thành mô hình “tiền chủng viện”; thành lập và chăm sóc Gia-đình-ơn-gọi tại các giáo xứ; góp lời cầu nguyện, góp của (nếu được) tùy theo khả năng; nuôi dưỡng, hướng dẫn và dâng hiến con cháu trong gia đình, dòng tộc mình cho Chủng viện Thừa sai Kon Tum. Cha Giám đốc cũng thông báo thành lập Ban đại diện Gia đình Phanxicô Xaviê cho mỗi Vùng Kon Tum và Gia lai, mỗi Vùng 3 đại diện.

Quý Cha và các tham dự viên vui mừng chào đón Đức Cha Aloisiô, Giám mục Giáo phận đến gặp gỡ và ban huấn từ. Đức Cha đã chia sẻ về tình hình Giáo phận Kon Tum rộng lớn về diện tích: đứng thứ hai trong các Giáo phận Việt Nam, sau Giáo phận Hưng Hóa, riêng tỉnh Gia Lai thuộc Giáo phận Kon Tum có diện tích đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Nghệ An; là Giáo phận đông giáo dân: gần 400 ngàn giáo dân, trong đó: 2/3 giáo dân người sắc tộc (hơn 10 dân tộc khác nhau)…Vì vậy công việc đào tạo ơn gọi linh mục để truyền giáo trở nên cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt. Đức Cha nhìn nhận thẳng thắn: số đại chủng sinh Kon Tum theo học ở Đại Chủng viện Huế những năm gần đây giảm sút, vì vậy muốn có “đầu ra” dồi dào thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng “đầu vào”. Gia đình là môi trường đầu tiên để nảy nở ơn gọi, và cũng là nơi chọn lựa, hướng dẫn và nuôi dưỡng ơn gọi. Tiếp đến là vai trò của Giáo xứ, Giáo hạt và của Giáo phận mà Chủng viện Thừa sai Kon Tum với nỗ lực của mình giúp đào tạo những linh mục cho cánh đồng truyền giáo.

Họp mặt Gia đình Phanxicô Xaviê Vùng Kon Tum tại Nhà Mục Vụ GP. Kon Tum, 18.02.2024

Phần chia sẻ sâu sắc của Đức Cha Giáo phận đã gợi lên suy tư và mở ra đường hướng đầy khích lệ cho mọi thành phần dân Chúa, cách riêng cho Chủng viện Thừa sai Kon Tum trong việc đào tạo ơn gọi linh mục hiện tại và tương lai.

Sau ít phút giải lao, cộng đoàn bước vào Thánh lễ do Đức Cha Aloisiô chủ tế, Cha đại diện Giám mục (tại Gia Lai), quý Cha trong Ban đào tạo Chủng viện Thừa sai Kon Tum và quý Cha đồng tế.

Với Thánh lễ trong tuần mùa chay (17/02/2024 tại Đức An), đặc biệt Thánh lễ Chúa Nhật I Mùa Chay (18/02/2024 tại Nhà Mục Vụ), cộng đoàn được mời gọi thực hành những việc đạo đức truyền thống của Giáo Hội, như trong những bài đọc Sách Thánh đề cập: đó là sám hối, siêng năng cầu nguyện và làm việc bác ái. Đồng thời biết phấn đấu thắng vượt những cơn cám dỗ trong cuộc sống hằng ngày, để sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu mà mỗi người đã lãnh nhận qua bí tích Rửa tội.

Vào cuối Thánh lễ, Cha Giám đốc Chủng viện Phêrô Nguyễn Văn Hiền thay mặt cho Gia đình Phanxicô Xaviê và Gia đình Chủng viện cảm ơn Đức Cha Giáo phận, quý Cha, quý nam nữ tu sĩ, các chủng sinh, ứng sinh và mọi thành phần dân Chúa.

Thánh lễ tạ ơn tại Nhà thờ Đức An, Pleiku 10h30 ngày 17.02.2024
Thánh lễ tạ ơn tại Nhà Mục Vụ, Kon Tum 10h30 ngày 18.02.2024

Sau Thánh lễ, tất cả mọi người gặp nhau trong bữa cơm thân mật, thắm tình gia đình.

Ban MVTT GP. Kon Tum 

WGPKT(19/02/2024) KONTUM

A. VÀI HÌNH ẢNH NGÀY HỌP MẶT TẠI GIA LAI 17/02/2024:

Nhà Sinh Hoạt Dũng Lạc, Giáo xứ Đức An – Pleiku

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

Các Linh Mục Hưu Thăm Chúc Tết Đức Cha Micae

16-02-2024

Vào lúc 10h00 ngày 16/02/2024 (Mồng 7 Tết Giáp Thìn), các Cha nhà hưu Giáo phận Kon Tum đã đến thăm và chúc Tết Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum, hiện đang nghỉ dưỡng tại Cộng đoàn Naza Hàm Rồng (Tp. Pleiku, Gia Lai).

Tháp tùng với các Cha già hưu còn có một số quý Cha ở Tòa Giám mục cũng như tại các Giáo xứ, quý Sơ và một số giáo dân ở Kon Tum và Gia Lai.

Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông đã thay mặt quý Cha và tất cả mọi người hiện diện thăm hỏi và chúc Tết Đức Cha Micae, xin Chúa gìn giữ và ban cho Đức Cha những ơn cần thiết để ngài trung kiên theo Chúa đến giây phút cuối cùng, nên tấm gương sáng cho mọi thành phần trong Giáo phận.

Tuy Đức Cha Micae không thể nói lên lời đáp từ, nhưng sự im lặng đón nhận của ngài nói lên tình hiệp thông sâu xa với những người đang gặp gỡ ngài.

Trong bầu khí ấm cúng và dạt dào cảm xúc của ngày đầu xuân, quý Cha hưu và cộng đoàn hiệp ý với Đức Cha Micae trong phút đọc kinh chung và cất lên lời hát “Chúa là gia nghiệp đời con”. Sau đó mọi người đón nhận lộc xuân là Lời Chúa mà Đức Cha Micae đã cho chuẩn bị sẵn.

Mùa xuân với mong ước và lời nguyện chúc tốt đẹp đến với Đức Cha Micae và cả với các Cha già hưu, trong nghĩa cử thắm tình yêu thương và lòng biết ơn trong những ngày xuân về Tết đến.  

 

BMV TT Gp. Kon Tum

WGPKT(16/02/2024) KONTUM

Nhà Thờ Chính Tòa Kon Tum: Lễ Tro 14/02/2024

16-02-2024

Lễ Tro mở đầu Mùa Chay thánh đã được cử hành long trọng vào lúc 5h30 sáng ngày 14/02/2024 tại Nhà thờ Chính tòa Kon Tum, dưới sự chủ tế của Cha Giacôbê Trần Tấn Việt, linh mục chánh xứ. Ngoài ra còn có sự hiện diện của thầy Phó tế, quý tu sĩ và đông đảo cộng đoàn giáo xứ.

Thông điệp Lễ Tro và suốt cả Mùa Chay được Cha chánh xứ gợi ý cho cộng đoàn:

Hôm nay là dịp thuận tiện để mỗi người nhìn lại đời sống đức tin của mình hầu sửa đổi bản thân, và nhờ ơn Chúa giúp chúng ta được bổ sức để tránh xa những cám dỗ.

Trong Mùa Chay này, Đức Giám mục giáo phận mời gọi chúng ta sống cầu nguyện, hi sinh và làm việc bác ái để tỏ lòng sám hối và giúp đỡ những anh chị em cần sự quan tâm, chia sẻ của chúng ta.

Ước mong mỗi người biết trân trọng mùa hồng ân này và sống theo Tin Mừng Chúa Kitô.

Cuối thánh lễ, cha xứ Giacôbê Trần Tấn Việt đã trao những “bì thư Mùa Chay” gởi đến từng gia đình trong giáo xứ, kêu mời sự hy sinh như một thực hành cụ thể để giúp cho công việc bác ái của Giáo phận cũng như của Giáo xứ.

 

Theo: Văn phòng Giáo xứ Chính tòa

WGPKT(16/02/2024) KONTUM

 


Thánh Lễ Tro Khai Mạc Mùa Chay Tại Giáo Xứ Đức Hưng

16-02-2024

Thánh lễ Tro khai mạc Mùa Chay tại Giáo xứ Đức Hưng (Giáo hạt Chư Prông) do Cha xứ Antôn Hà Hiển Linh cử hành vào lúc 19h00, ngày 14/02/2024 với sự tham dự đông đảo của cộng đoàn.

Trong phần giảng lễ, dưới ánh sáng bài đọc Phúc Âm, Cha xứ nêu lên hai trường phái sống đạo đối lập: Pharisêu phô trương, hình thức và Chúa Giêsu kín đáo, nội tâm và chân thành trong sâu thẳm tâm hồn:

“Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 16, 3-5. 17-18).

Thái độ sống đạo nội tâm kín đáo và chân thành với Chúa còn được nêu rõ trong bài đọc 1 và thánh vịnh đáp ca (Tv 50):

“Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại” (Giô-en 2,12).

“Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương,

 vì chúng con đắc tội với Ngài” (Tv 50).

Trong bài đọc 2, ta được nghe thêm những lời thống thiết tận tâm can của thánh Phaolô:

“Thưa anh em, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,20).

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng.

Ước gì những lời kêu gọi, nài van thống thiết từ Lời Chúa hôm nay lay động và thức tỉnh tất cả mọi người hãy chân thành và gần gũi Chúa hơn bao giờ hết, để cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô không uổng công vô ích cho mỗi người; và nguyện ước đời sống đạo của Kitô hữu không chỉ dừng lại ở vài câu kinh hoặc những hình thức lễ nghi, nhưng đi sâu vào lòng Chúa, nhất là trong mỗi thánh lễ hằng ngày.

 

Tin/Ảnh: Giáo xứ Đức Hưng

WGPKT(16/02/2024) KONTUM

Giáo Xứ Thánh Tâm: Thánh Lễ Mồng 3 Tết Giáp Thìn 2024

 

Chiều Mồng 3 Tết Giáp Thìn 2024, Giáo xứ Thánh Tâm (Giáo hạt Pleiku) hân hoan chào đón Đức Cha Aloisiô, Giám mục Giáo phận về dâng Thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm.

Tất cả các thành phần trong giáo xứ quây quần bên vị cha chung và các Cha đồng tế cùng hiệp dâng thánh lễ sốt sắng.

Nhân dịp đặc biệt này, cha chánh xứ Phêrô Ngô Đức Trinh thay mặt cộng đoàn giáo xứ chúc Tết và cảm ơn Đức Cha, cũng như các Cha hiện diện.

Với thánh lễ này, cộng đoàn giáo xứ thành khẩn xin Chúa giúp cho mỗi người luôn cảm thấy hạnh phúc trong công việc, dù có phải vất vả, để việc làm đem lại đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Và xin cho mọi người biết mở rộng lòng, rộng tay chia sẻ thành quả công việc cho những nghèo, những người còn túng thiếu ở chung quanh mình.

Sau Thánh lễ mọi người gặp gỡ nhau với bữa liên hoan mừng xuân mới trong tình gia đình Giáo xứ đầy tràn tình thương và niềm vui.

 

Theo: Lm Phêrô Ngô Đức Trinh

Giáo xứ Thánh Tâm, Pleiku

WGPKT(15/02/2024) KONTUM

Ngày Mồng 2 Tết: Thánh Lễ Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ Tại Nghĩa Trang

11-02-2024

Ngày mồng 2 Tết Giáp Thìn (11/02/2024), vào lúc 7h30, Thánh lễ kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ, cầu nguyện cho các linh mục và tu sĩ trong Giáo phận đã qua đời được Cha Tađêô Võ Xuân Sơn, chánh xứ Võ Lâm cử hành tại nghĩa trang dành cho linh mục – tu sĩ của Giáo phận Kon Tum (Nghĩa trang Thành phố Kon Tum, Phường Ngô Mây, Tp Kon Tum).

Đông đảo giáo dân giáo xứ Võ Lâm và các giáo xứ khác hiệp dâng thánh lễ.

Trong thánh lễ, Cha chủ tế gợi nhắc và quảng diễn lời Kinh Thánh cũng như giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về việc tôn kính và hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như lúc đã qua đời.

Đặc biệt qua thánh lễ này cầu nguyện cho các linh mục và tu sĩ trong Giáo phận đã ra đi trước, ghi nhớ công đức và tri ân các ngài, đồng thời xin Chúa ban cho các ngài được sớm hưởng tôn nhan Chúa.

Sau Thánh lễ, Cha Tađêô và mọi người có mặt đã thắp hương kính viếng quý Cha, quý Sơ đang an nghỉ tại các phần mộ nơi đây.

Mong ước ngày đầu năm mới và trong suốt cả năm, các tín hữu luôn biết sống như lời nguyện nhập lễ trong thánh lễ hôm nay:

“Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài”.

 

 Hoa Hai Duong

WGPKT(11/02/2024) KONTUM

Nguồn: giaophankontum.com