Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

THAY MÁI NGÓI VÀ DUY TU TÒA NHÀ CHỦNG VIỆN THỪA SAI KON TUM

Ngày 10.02.2022, khởi công duy tu, thay mái ngói Chủng viện Thừa sai Kon Tum, bao gồm các công việc:

-Thay mái ngói và sơn phủ mái ngói

-Sơn lại toàn bộ tòa nhà: tường, cửa…

- rui mè gia cố lại phần gỗ xuống cấp, bảo dưỡng lại toàn bộ tòa nhà.

____________________________________


NGUYỆN CHUNG SỨC
Thật đáng mừng thay giáo phận ta !
Tinh thần truyền giáo thật sâu xa
Đi đầu : Cựu chủng sinh, Linh mục
Nhiệt thành đóng góp sửa Mái Nhà.
Chủ chăn kêu gọi, lời nhẹ nhàng
Suy tính trước sau, ý khôn ngoan.
Biết rằng đâu chỉ “thay mái ngói”
Kèm theo biết bao việc lo toan.
Nhà xưa mối đã xông nhiều chỗ
Cây mục, gỗ hư hẳn đã nhiều
Dỡ ra chắc đẻ thêm trăm thứ
Thay cột, trám tường…biết bao nhiêu.
Này đây di cốt các thừa sai
Ngày đêm chầu Chúa nhà nguyện này
Chắc rồi cũng sẽ lo “mồ mả”
“Nhà Bình An” nơi nghỉ các ngài.
Nào là sắp xếp “rừng” thư viện
(Nhà in Kuênot để riêng ra
Bao là tinh túy gồm trong đó)
Tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Bahnar…
Đây Phòng truyền thống đà thu nhỏ
Dăm ba kỷ vật giữ truyền gia
Khiêm nhu, ít ỏi càng trân quý
Dọn nhà rồi cũng phải lo mà.
Nhưng nhất là lo cho chủng sinh
Chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ học hành,
Sân chơi, những nhu cầu tối thiểu…
Điện, nước…cần thay để an toàn.
Thật là nhiều sự phải đắn đo
Không biết như vậy đã đủ chưa ?
Giáo dân Kinh, Thượng nguyện chung sức
Có gì Chủ Chăn…cứ “hô to”.
Tín hữu nhà quê
24.02.2022

Anh Em Hãy Ra Đi…

S/t & trình bày: MINH SƠN

















Kontumquehuongtoi
24.02.2022





























Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Vài Suy Nghĩ Xung Quanh Cái Chết Bí Ẩn Của Một Thanh Niên 19 Tuổi

 

(Hình mang tính minh họa)

Mấy ngày qua, cơ quan truyền thông báo đài và mạng xã hội trong nước quan tâm rất đặc biệt tới cái chết bí ẩn của một thanh niên mới chỉ mới 19 tuổi từ quê ở tỉnh Bình Định lên TPHCM nhập học Đại học. Tờ Thanh Niên online (TNO) ngày 17-2 vừa qua đã tường thuật chi tiết như sau: [1]

Ngày 12-2-2022, nạn nhân tên NVN 19 tuổi từ Bình Định vào bến xe miền Đông để đến trường nhập học. Khi đến bến xe miền Đông, nạn nhân không liên lạc với người nhà, mà đi xe ôm đến một trường đại học tại đường D2 (Q.Bình Thạnh), rồi đón xe khác để đến một địa điểm khác trên đường D2. Tại địa điểm này, nạn nhân đi bộ đến một khách sạn trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) thuê phòng. Đến 03 giờ 55 sáng ngày hôm sau 13-2, nạn nhân ra khỏi khách sạn, trên người mang theo ba lô, đi về phía Tân Cảng, rồi rẽ vào hẻm 293 Ung Văn Khiêm. Camera gần nhất thể hiện lúc 04 giờ 03 phút sáng ngày 13-2, nạn nhân leo qua hàng rào đi ra hướng bờ sông để tự tử.

Tờ báo TNO trích dẫn trên cho cho biết tiếp: Qua khám nghiệm tử thi, nạn nhân chết do ngạt nước. Khám nghiệm hiện trường trong ba lô của nạn nhân đeo sau lưng có một cục đá xi măng khoảng trên 10 kg, phù hợp với hiện trường nơi nạn nhân tự tử. Phòng PC02 TPHCM đang phối hợp với Công an Q.Bình Thạnh điều tra làm rõ nguyên nhân nạn nhân tự tử. Theo diễn biến vụ việc, sáng 15.2, người dân phát hiện một thi thể nam thanh niên trôi trên sông Sài Gòn (P.13, Q. Bình Thạnh). Công an Q. Bình Thạnh sau đó phong tỏa khám nghiệm hiện trường, xác định thi thể được phát hiện là nam sinh viên NVN (cư trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được gia đình, người thân trình báo là mất tích trước đó.

Được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên em N. ở nhà học online. Ngày 11-2, em N. vào TPHCM để làm thủ tục nhập học tập trung tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM thì xảy ra sự cố trên. Gia đình N. thuộc diện làm nông, nghèo và em N. là một đứa con ngoan, hiền lành, một học sinh chăm chỉ và học lực khá. Đặc biệt đây là lần đầu tiên em vào TPHCM để nhập học. Khi vào TPHCM, em N. mang theo 1 túi xách, 1 vali, áo khoác, nón…tất cả màu đen. Ngoài ra em cũng mang theo một số tiền là 2 triệu đồng để trả phí xe cộ và tiền nhập học.

Cuối cùng, nguyên nhân cái chết bí ẩn của em N. được cho là do tự tử.

Như vậy, bước đầu nguyên nhân cái chết của em N. đã được giải mã. Đó là em N. đã nhẩy xuống sông tự tử. Nhưng còn vấn nạn lớn hơn mà nhiều người đang rất quan tâm, đó là nguyên nhân vì sao em N. lại chọn cái chết cho mình một cách đáng thương như vậy trong khi tương lai của em đang rộng mở.

Một số người có trách nhiệm như nhà giáo, nhà báo, phụ huynh và cả linh mục đang cố gắng tìm câu trả lời vấn nạn “Tại sao em N. tự tử?” và đặt ra cho chúng ta một số vấn đề cần suy nghĩ và chia sẻ.

        1.- Vấn nạn nêu ra từ phía gia đình và xã hội

Sau khi tin tức về nguyên nhân cái chết của em N. được báo chí và cơ quan chức năng loan báo, nhà báo nổi tiếng Trần Thu Hà (TPHCM) trên trang facebook (FB) cá nhân của mình ngày 17-2 đã đưa ra nhận định như sau:

Nam sinh N. vào Saigon nhập học và mất tích là một học sinh ngoan hiền học giỏi, 12 năm là học sinh giỏi, đậu đại học hệ chất lượng cao, học kỳ I  học online điểm trung bình loại giỏi 8,6. Ai cũng tưởng em bị kẻ xấu sát hại. Công an, mạng xã hội đã cất công tìm kiếm, rồi đau đớn nhận tin em đã tử vong. Công an đã kết luận em tự tử, trong ba lô có cục đá ximăng nặng hơn 10 kg, camera cho thấy 04h03 sáng em đã leo qua hàng rào bờ sông để xuống sông. Rất nhiều người không muốn tin với kết luận này, nó thật khó chấp nhận. Nhưng thực tế theo thống kê thì khả năng chúng ta chết vì chính mình cao hơn là khả năng ta chết bởi bàn tay của người khác. [2]

Như vậy nguyên do cái chết của em N. là do em bị trầm cảm, từ đó dẫn đến quyết định tự vẫn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện nay trên thế giới đã có hơn 350 triệu người đang mắc bệnh trầm cảm và mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự tử (trung bình mỗi ngày có 2900 người tự tử). Trầm cảm được ví như phần nổi của một tảng băng, chỉ 1/3 trường hợp được chẩn đoán và điều trị tử tế. Thạc sĩ bác sĩ Lê Đình Phương chuyên gia về các lĩnh vực rối loạn chuyển hóa, tim mạch, rối loạn trầm cảm, bệnh gan (Bv Pháp Việt TPHCM) đã cho biết như sau: 15% dân số có trầm cảm nặng, tuổi từ 16-35; 25,4% người dân có ý định tự tử; 15,6% có kế hoạch tự tử; 4.2% thực hiện hành vi tự tử (3.78 triệu người VN) (Nguồn: Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP). Ngoài ra, bác sĩ Lê Đình Phương cũng cho biết thêm tự sát thường là do trầm cảm. Lưu ý: 2/3 trường hợp tự sát có nguồn gốc từ trầm cảm.  

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Ước tính trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, số người tự tử hàng năm lên tới 36.000-40.000 người, cao gấp 3-4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Trầm cảm chịu trách nhiệm cho 75% các vụ tự tử kể trên, còn lại 22% là do nghiện rượu, ma túy, cờ bạc và chỉ có 3% do tâm thần phân liệt, động kinh.

Theo thống kê, đến 80% dân số sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống của mình. Một số đối tượng sau có thể dễ gặp phải trầm cảm hơn:

Trầm cảm ở phụ nữ: tỉ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới, thường gặp nhất là trầm cảm sau sinh. Trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên: do áp lực học tập, hoàn cảnh gia đình thay đổi (bố mẹ ly hôn, bị bỏ rơi, thay đổi nơi ở), thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì vv…Trầm cảm ở những người làm các công việc có cường độ làm việc và áp lực lớn như y bác sỹ, người làm công việc quản lý, công nhân mỏ than…Trầm cảm ở người già: người già có tỉ lệ mắc trầm cảm cao (~16%) do một số yếu tố như bệnh lý mạn tính, do cảm giác cô đơn, mất người bạn đời,…Trầm cảm ở những người mắc bệnh nội khoa như: bệnh lý tim mạch, nội tiết, thần kinh, ung thư, bệnh truyền nhiễm…Bệnh cảnh dễ làm nảy sinh trầm cảm và ngược lại, trầm cảm có thể làm cho bệnh có xu hướng nặng thêm và tăng nguy cơ tử vong.

Như vậy có thể thấy trầm cảm là một căn bệnh rất phổ biến, ai cũng có thể mắc trầm cảm. Tuy nhiên, trên thực tế có tới 80% người mắc trầm cảm không được phát hiện. Điều đó có nghĩa là trong 10 người mắc trầm cảm thì chỉ có 2 người là được phát hiện và điều trị. Ngoài những lý do về mặt nhận thức, tâm lý xấu hổ, sợ bị kỳ thị đối với bệnh trầm cảm thì một nguyên nhân quan trọng không kém khiến cho bệnh trầm cảm không được phát hiện sớm đó là những triệu chứng bệnh rất dễ nhầm lẫn vào các bệnh lý khác[3]

Nhắc lại, ngày 20-2-2021 trên trang mạng vnexpress.net đăng bài viết có tựa đề: “Ba kiểu gia đình dễ khiến trẻ trầm cảm”, theo đó tác giả liệt kê các kiểu gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em như: a- Có bố mẹ luôn phủ nhận cố gắng của con cái và đánh giá thấp chúng; b- Gia đình thờ ơ với tình cảm của con; và c- Gia đình quá kỳ vọng vào con cái khiến chúng dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Tóm Lược Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum

 

WGPKT(21/02/2022) KONTUM

Nguồn: Giáo Phận Kon Tum

TRƯỜNG THỪA SAI

Ơn trên nuôi dạy rất cao dày,
Đồ sộ gầy nên một chỗ này.
Hai dãy lầu son cao vòi vọi,
Tư bề tường phấn chắc trày trày.
Trên an nệm chiếu khi trưa tối,
Dưới sẵn bút nghiêng việc tháng ngày.
Sĩ tử bốn phương vầy một cửa,
Trau dồi đợi thuở bước thang mây.

Tác giả: Nhà đá
(Trích Tạp chí "Chức Dịch Thơ Tín", Giáo phận Kon Tum,
số 63 - Tháng 08/1938).
(Kontumquehuongtoi sưu tầm & giới thiệu)

Phong Trào Hướng Đạo Tại Kon Tum


Phong trào Hướng đạo tại tỉnh Kon Tum kể từ khi phục hoạt vào năm 2014 đến nay, đang ngày một phát triển và thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên học sinh, thanh thiếu nhi không kể tôn giáo, vào hàng ngũ Hướng đạo sinh. Chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về Hướng đạo Kon Tum.  

WGPKT(21/02/2022) KONTUM

Nguồn: Giáo Phận Kon Tum

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Lược Sử Giáo Xứ Kon Mahar

Giáo xứ Kon Mahar ngày nay nằm trên địa bàn xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, thuộc Giáo hạt Mang Yang, Giáo phận Kon Tum.



WGPKT(18/02/2022) KONTUM

Nguồn: Giáo Phận Kon Tum

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

Đức Giám Mục Giáo Phận Kon Tum Đến Thăm Giáo Họ Sa Loong

 

Sáng ngày 07/2/2022, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum, cùng với Cha GB Hồ Quang Huyên, quản lý giáo phận, đến thăm Cộng đoàn các Cha Đa Minh và giáo Họ Sa Loong. Buổi gặp gỡ có mặt Cha Giuse Hà Đăng Hội, Bề trên Tu Xá Đa Minh Kon Tum, Cha Antôn Phạm Minh Châu, Phụ trách Cộng đoàn Đa Minh Đăk Mot, Cha GB Đỗ Thanh Tùng, Chính xứ Giáo xứ Đăk Mot, đồng thời có bà Sự, vợ của ông trùm Trung, trong giáo họ Sa Loong.

Cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP không còn nữa. Giáo phận vô cùng đau buồn và tiếc nuối về sự mất mát quá lớn này. Mỗi một chúng ta hẳn sẽ nghẹn ngào, nhói lòng khi nghĩ về sự ra đi của người anh em của chúng ta; chúng ta tin tưởng, phó thác nơi Đức Giêsu Kitô, ánh sáng của sự thật: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Sau khi đến nơi sự việc xảy ra, tiếp xúc thực tế những người có mặt tại hiện trường, hỏi thăm và trao đổi với những người có mối liên hệ với người gây án, là anh Nguyễn Văn Kiên.

Qua trao đổi thì được biết thêm anh Kiên là người mê số đề đi đến chỗ nợ nần nghiêm trọng và bị “thất tình” vì không có cô gái nào muốn làm bạn với anh. Nhưng cũng chưa biết động lực nào đã đưa anh đến chỗ sát hại Cha Giuse.

Sau cuộc gặp gỡ trên, Đức Cha và các Cha đến nhà nguyện Giang Lố 2- Sa Loonggặp mặt bà con giáo dân, chia buồn, nói lời an ủi, trấn an bà con, và cùng thắp hương (nhang), đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Cha Giuse Trần Ngọc Thanh. Tiếp đến, Đức Cha lắng nghe những ý kiến của những người trực tiếp có mặt trong buổi chiều cha Thanh bị sát hại. Sau đó Đức Cha ghé thăm nhà thờ Đăk Mot và về Toà Giám Mục.

Theo lời kể của Thầy Giáo, thuộc dòng Đa Minh, đang giúp tại Giáo họ Sa Loong, khi thấy sự việc xảy ra, thầy đến để ngăn anh Kiên lại, anh Kiên vung dao chém gãy luôn cái ghế trên tay thầy, lúc đó thầy chạy lánh đi, nhưng khi nhìn lại ở đó còn nhiều em nhỏ, thầy sợ anh ta sẽ thảm sát các em nên đã quay lại, phó thác cho Chúa, thầy đã vật anh ta xuống. Khi đó có một số bà con chạy vào, thấy tình cảnh như vậy đã đánh anh Kiên, nhưng thầy Giáo đã can ngăn và nhắc mọi người không được đánh, chỉ giữ anh ta lại mà thôi.

Sự ra đi của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là một mất mát lớn cho Giáo Phận, cho Dòng Đa Minh và cho những người thân yêu của Cha. Từ đây, Giáo Phận mất đi một cánh tay đắc lực cho việc phục vụ giáo dân và cho việc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên Kon Tum này.

Xét về mặt xã hội và luật pháp, đây là một vụ án, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ và có kết luận. Chúng ta chỉ tìm hiểu sự việc và đưa ra thông tin về những diễn biến thực tế tại hiện trường, cũng như lời kể của những người chứng kiến và người thân quen biết với đối tượng gây án thuật lại.

Về mặt tôn giáo, chúng ta nhất quyết lên án những hành động bạo lực, xấu xa. Chúng ta mạnh mẽ bác bỏ sự dữ. Còn con người, chúng ta phó thác cho Lòng Thương Xót của Chúa. Chắc chắn Chúa phân xử trong ngày phán xét, “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16, 27). Vâng, chúng ta được mời gọi sống yêu thương, tha thứ, gạt bỏ những bất đồng, thù hận và hãy cầu xin cho người phạm tội biết ăn năn sám hối.

Trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Cha trên trời, cộng đoàn chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Linh mục Giuse về hưởng nhan thánh Chúa.  Cũng cầu xin Chúa nâng đỡ tất cả Quý Cha, Quý Soeurs trong toàn Giáo phận, cho những người con của Đăk Mot, cũng như cho mỗi người chúng ta luôn sống mạnh mẽ trong Đức Tin và vững vàng nơi lý trí như Đức Gioan Phaolô II viết Trong thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và Lý trí): “Đức tin và Lý trí như đôi cánh giúp con người vươn cao trong chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm con người ước vọng tìm kiếm chân lý, để rồi cuối cùng con người nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu thấu đạt sự thật về mình một cách đầy đủ”.

Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn
WGPKT(08/02/2022) KONTUM

Nguồn: Giáo Phận Kon Tum

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Đức Cha Aloisiô Dâng Lễ Đầu Năm Tại TTHH Đức Mẹ Măng Đen

 

Ngày Mồng 6 Tết Nhâm Dần (06.02.2022), nhằm Chúa Nhật V Thường Niên, vào lúc 10 giờ, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum đã đến dâng thánh lễ tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen.

Nhiều bà con tín hữu Công giáo từ khắp nơi quây quần về bên Mẹ trong những ngày đầu xuân mới; cũng có những anh chị em bên lương đến thắp hương, dâng hoa Đức Mẹ với lòng thành kính.

Cùng đồng tế với Đức Cha có Cha Gioan Nguyễn Đức Hòa (CM), phụ tá TTHH Đức Mẹ Măng Đen; Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn và Cha Giuse Nguyễn Đức Thoại (CM).

Nhân dịp đầu năm, Đức Cha mời gọi cộng đoàn đang tụ họp nhau bên Đức Mẹ hãy cùng với Đức Mẹ dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện tha thiết chân thành. Hôm nay cũng là Chúa Nhật V mùa thường niên, qua các bài đọc Kinh Thánh, Chúa mời gọi chúng ta đi theo Chúa cũng như Chúa đã gọi ngôn sứ Isaia trong Cựu ước; như là Chúa đã kêu gọi các tông đồ, nhất là Phêrô, anh em Giacôbê và Gioan, các ngài là những môn đệ đầu tiên; rồi thánh Phaolô…Chúng ta cũng được mời gọi theo Chúa trên con đường đức tin của chúng ta.

Hôm nay Đức Cha cũng dâng thánh lễ cầu nguyện theo ý của tất cả anh chị em hiện diện. Chắc chắn khi đến đây mỗi người ai cũng có những tâm tư, ước nguyện để cầu xin Chúa ban cho bản thân, cho gia đình mình và những người thân yêu những ơn cần thiết.

Cuối thánh lễ, một vị đại diện cộng đoàn Giáo họ Măng Đen nói lên tâm tình tri ân Đức Cha Giáo phận, chúc Tết Đức Cha và quý Cha đồng tế, gói trọn tâm tình trong bó hoa tươi thắm kính tặng Đức Cha ngày đầu năm mới.

Sau thánh lễ Đức Cha và quý Cha tiến đến Đài Đức Mẹ, tất cả cộng đoàn cùng hướng lòng về Đức Mẹ. Đức Cha làm phép nước và ảnh tượng của mọi tín hữu đang thành tâm nguyện cầu.

Tại TTHH Đức Mẹ Măng Đen, theo thông lệ, suốt từ ngày cuối năm (Tất Niên) qua Mồng 1 cho đến Mồng 10 Tết, mỗi ngày đều có thánh lễ đặc biệt vào lúc 10 giờ hằng ngày, để cộng đoàn Giáo họ Măng Đen và khách hành hương xa gần trong và ngoài Giáo phận về dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện khi bắt đầu một năm mới.

Minh Sơn
WGPKT(07/02/2022) KONTUM

Bài Giảng của Đức Cha Alôisiô Nguyễn Hùng Vị trong Thánh Lễ Mồng 6 tết tại TTHH Đức Mẹ Măng Đen

Nguồn: Giáo Phận Kon Tum

BỘ SƯU TẬP HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1632-2032)

 


THƯ ĐỨC GIÁM MỤC QUI NHƠN

GỬI CÁC TÁC GIẢ BỘ SƯU TẬP
HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM
VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Kính thưa quý tác giả,

Hầu hết các tôn giáo lớn tại Việt Nam đều du nhập từ nước ngoài, nhưng qua thời gian đã từng bước hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam và làm cho nó trở nên ngày càng thêm phong phú. Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng là tôn giáo lớn đã được du nhập vào Việt Nam chậm hơn so với các tôn giáo khác, nhưng ít ra cũng đã hơn 400 năm nếu tính mốc từ ngày các thừa sai dòng Tên cập bến Cửa Hàn năm 1615 và bắt đầu một công cuộc truyền giáo chính thức và có tổ chức.

Gần một nửa của thiên niên kỷ thứ II trôi qua kéo theo biết bao biến cố chính trị xã hội trên đất nước chúng ta, đã làm cho nền văn hóa Việt Nam có một bộ mặt như chúng ta thấy ngày hôm nay, trong đó có sự đóng góp không thể phủ nhận của đạo Công giáo. Mặc dù cụm từ “hội nhập văn hóa” là một thuật ngữ tương đối mới, nhưng ý nghĩa của nó luôn gắn liền với công cuộc truyền giáo qua mọi thời, nhằm mục đích làm cho Tin mừng thấm nhập vào nền văn hóa của mỗi dân tộc, đến độ đức tin Kitô giáo trở thành một phần không thể tách rời của nền văn hóa ấy. Công cuộc này được thực hiện qua việc những người loan báo Tin mừng chủ động tiếp cận, tìm hiểu, đón nhận, thanh lọc và hoàn thiện các hình thái văn hóa khác nhau theo tiêu chuẩn Tin mừng, để rồi sau đó sử dụng chúng như những phương tiện hữu hiệu làm cho Tin mừng dễ đi sâu vào lòng người, vào cuộc sống con người và xã hội.

Văn hóa là một thực thể bao trùm và chi phối toàn bộ cuộc sống của con người và xã hội. Theo định nghĩa về văn hóa của UNESCO được thông qua trong bản tuyên bố về những chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 06 tháng 8 năm 1982 tại Mêhicô, thì văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội. Như vậy, văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục, tín ngưỡng và tôn giáo.

Với tính bao trùm như thế, văn hóa không tồn tại cách cụ thể như một thực thể độc lập, nhưng chỉ có thể hiện diện và được nhận diện qua những thực thể mà nó bao gồm trên đây, trong đó có các tác phẩm văn học. Giữa văn hóa và văn học có sự gắn bó mật thiết và tương quan biện chứng: có thể nói văn học vừa là tấm gương phản ánh văn hóa, vừa làm cho văn hóa trở nên phong phú qua những tác phẩm của nó. Văn học là một thành tố của văn hóa, nhưng là một thành tố cơ bản, bởi lẽ các tác phẩm văn học phản ánh nền văn hóa trên nhiều bình diện, từ phong tục tập quán, lối sống, đến các lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo,... 

Đặc biệt, giữa văn học và tôn giáo có mối tương quan gần gũi, không những vì cả hai đều là những thành tố của văn hóa, mà còn vì giữa hai thực thể này có mối quan hệ hỗ tương. Một trong những diễn ngôn kinh điển nhất phát xuất từ tư tưởng Nho học là «văn dĩ tải đạo», nhấn mạnh đến chức năng giáo dục của văn học. Văn học được ví như một «xa khoa», tức một cỗ xe tinh thần có nhiệm vụ chuyên chở và chuyển tải các giá trị đạo đức đến cho con người, trong số đó phải kể đến các giá trị tâm linh của các tôn giáo. Về phần mình, các tôn giáo cũng cung cấp cho văn học không những các giá trị tâm linh, siêu việt, để làm chất liệu sáng tác và tạo nên những tác phẩm, mà còn cung cấp cho văn học những nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. Trong ý nghĩa ấy, bộ Thánh Kinh của Kitô giáo vừa là một tác phẩm văn học, vừa là một tác phẩm tôn giáo, trong đó các tác giả vừa là những nhà văn và nhà thơ, vừa là những sứ giả của Thiên Chúa với một sứ mệnh rõ ràng mang tính tôn giáo.

Cũng như Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, sau khi du nhập vào Việt Nam đã để lại những dấu vết trong nền văn học nước nhà, Công giáo mặc dù đến sau nhưng qua hàng mấy trăm năm chắc chắn cũng đã để lại những dấu vết riêng của mình. Phải chăng đã đến lúc cần phải suy tư, tìm kiếm và tổng hợp những dấu vết ấy để vẽ nên một bức tranh về một nền văn học Công giáo Việt Nam? Và phải bắt đầu từ đâu? Thao thức trước vấn đề này, linh mục Võ Tá Khánh, bút danh Trăng Thập Tự, trưởng ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn, đã có sáng kiến mời gọi quý tác giả cùng tham gia nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, từ đó hình thành quyển sách có tựa đề HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1632-2032).

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

ĐẸP THAY NHỮNG TẤM GƯƠNG MỤC TỬ HY SINH MẠNG SỐNG VÌ CHIÊN

 



Từ trước Tết Nguyên Đán 2022 đến nay, rất nhiều tín hữu Công giáo trong và ngoài nước đã tỏ ra hết sức bàng hoàng, đau xót khi hay tin một linh mục đang ngồi tòa để giải tội cho giáo dân tại nhà nguyện một giáo họ vùng sâu vùng xa thuộc giáo phận Kontum thì bị sát hại một cách dã man bởi hai nhát dao của một thanh niên ngoài 30 tuổi. Sự việc xảy ra lúc chập tối ngày thứ bảy 29 tháng 01 năm 2022 và đến khuya cùng ngày thì vị linh mục đó đã vĩnh viễn ra đi về Nhà Cha vì vết thương quá nặng. Từ đó đến nay, rất nhiều nguồn tin khác nhau đưa tin về biến cố đau thương này. Và cho đến sáng thứ sáu 4-2-2022, qua trang web của giáo phận Kontum, “Lá thư chung Tết Nhâm Dần” đã được phổ biến để thông tin chính thức và chi tiết vụ việc này, theo đó chúng ta được biết như sau:

Sự việc đáng tiếc đã xảy ra vào chiều thử bảy, 29/1/2022: anh Nguyễn Văn Kiên đã ra tay sát hại Cha Giuse Thanh, lúc Cha đang ngồi tòa giải tội sau thánh lễ. Vì vết thương trên đầu quá nặng, nên Cha Giuse Thanh đã không qua khỏi. Cha mất tại bệnh viện vào lúc 23g30 thứ bảy, ngày 29 tháng 01 năm 2022.” [1]

Cũng theo lá thư chung trên, giáo phận Kontum vừa trải qua những ngày đau buồn vì sự ra đi quá đột ngột và đau thương của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, tu sĩ Dòng Đa Minh, người vừa được bổ nhiệm đặc trách giáo họ Sa Loong, thuộc giáo xứ Đăk Mót. Giáo họ Sa Loong lâu nay vốn thuộc giáo xứ Đăk Mót. Thời gian gần đây, giáo họ đang có những bước chuẩn bị để thành lập giáo xứ mới. Trong đó, có chương trình kêu gọi giúp đỡ để có thể xây dựng cho anh chị em nơi đây ngôi nhà thờ. Và để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, Cha Giuse Thanh được bổ nhiệm về đây, thay thế cho người anh em cùng Dòng. Là một linh mục còn rất trẻ, Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến.

Riêng về bản thân người sát nhân tên Kiên, lá thư chung của TGM Kontum cũng cho biết như sau: Anh Nguyễn Văn Kiên thuộc gia đình Công giáo. Cha mẹ anh hiền lành, ngoan đạo. Anh có hai em trai và một em gái. Em gái học nội trú nhà các Soeurs. Tuy nhiên, bản thân anh Kiên thì lơ mơ, không sống đạo. Qua những thông tin có được từ cha mẹ anh Kiên, anh Kiên không phải là người điên khùng theo cách hiểu thông thường. Anh vẫn biết làm ruộng, làm rẫy, sửa xe,... Tuy nhiên, thỉnh thoảng, anh có thể nổi điên quậy phá, chửi bới, đập tivi, đánh đập ngay cả người nhà, thậm chí đập phá bàn thờ gia đình... Anh còn hoang tưởng bị người ta ức hiếp, ngăn cản không cho lấy vợ. Anh quát mắng mẹ anh khi bà phủ nhận lời anh nói như thế.

Được biết trước đó, ngày 30 tháng 1 năm 2022, ĐGM giáo phận Kontum cũng có thư phân ưu gửi tới Cha Giám Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và gia đình Cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP, phần đầu có đoạn viết như sau:

Thật bất ngờ và đau xót khi biết tin Cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP đã đột ngột ra đi vĩnh viễn về với Chúa. Cái chết là một mầu nhiệm không ai biết xảy ra khi nào và ở đâu. Đối với Cha Giuse, ngài đón nhận cái chết trong hoàn cảnh có thể nói là rất đẹp, khi đang thi hành nhiệm vụ của một chủ chăn trao ban Bí tích in persona Christi.

Chúng ta mất đi một người anh em trẻ trung, hăng say và dễ mến. Sự ra đi của Cha Giuse chắc chắn để lại niềm thương tiếc lớn lao cho gia đình, cho Nhà Dòng, cho giáo phận Kontum và cho giáo họ Sa Loong, Dak Mot. Chúng ta xin phó dâng Cha Giuse cho Chúa…” [2]

Qua vụ việc trên, dựa theo nhãn giới của đức tin và lòng mến Kitô giáo, chúng ta thấy rằng cái chết của Cha Giuse là một mầu nhiệm và do đó chúng ta không thể suy nghĩ và nhận định theo cái nhìn của thế gian. Đối với Cha Giuse đó là một biến cố quá bất ngờ, quá khủng khiếp nhưng không ngoài thánh ý Chúa và chắc chắn bây giờ ở trên trời ngài muốn gửi thông điệp rằng tình yêu chiến thắng tất cả và Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình (Ga 15, 13). Nghe nói, trước khi nhắm mắt ngài đã thốt lên câu “Hãy tha thứ cho họ!”.

Cái chết của Cha Giuse quả là một cái chết “đẹp”, một cái chết đáng tôn vinh như một vị anh hùng tử đạo vì ngài ngã gục khi đang thi hành nhiệm vụ của mục tử nhân danh Chúa Kitô. Nhân dịp này, chúng ta sẽ suy tư về ba nét đẹp của người mục tử dám hy sinh mạng sống mình vì chiên. Đó là: 1- Con người linh mục: ơn gọi nên giống Chúa Ki-tô Mục Tử; 2- Đời sống linh mục: làm chứng cho tình yêu hiến tế; 3- Sứ vụ linh mục: một chọn lựa đầy hy sinh, thử thách.

1.- Con người linh mục: ơn gọi nên giống Chúa Kitô Mục Tử

Linh mục được kêu gọi theo Chúa và nên giống Chúa mọi đàng. Giống tức là người môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy mình. Người ta vẫn thường ca ngợi linh mục là Alter Christus, điều đó có nghĩa là linh mục là hiện thân của Đức Kitô ở trần gian. Mà môn đệ thì không hơn Thầy. Nếu Thầy nêu gương khó nghèo, từ bỏ thì môn đệ phải buông bỏ tất cả để theo Chúa. Nếu Thầy nêu gương hiền lành, khiêm nhường thì môn đệ cũng phải sống và phục vụ một cách khiêm nhu, hiền hòa. Nếu Thầy can đảm chịu thống khổ, chịu chết vì phần rỗi của nhân loại thì môn đệ cũng dám hy sinh và hiến mạng sống vì chiên.

Cố linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh là một linh mục trẻ, tài giỏi, năng động, ngài đã tình nguyện đến phục vụ tại giáo họ Sa-Loong chủ yếu là người dân tộc Sê-đăng. Ngài đến đây với tư cách là một nhà truyền giáo, ngài muốn đem Tin Mừng Đức Kitô đến cho những người nghèo, đói, thất học. Tự trong thâm tâm mình, chắc chắn Cha Giuse luôn nuôi hoài bão sẽ loan báo Tin Mừng và rao giảng Đức Kitô chết-sống lại. Và bản thân ngài đã làm gương điều đó. Ngài chính là tin mừng ở giữa cộng đoàn Sa Loong.  

Trong bài viết có tựa đề Linh đạo tử đạo cho đời sống linh mục hôm nay - Từ Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (PDV) đến ba yếu tố then chốt của linh đạo tử đạo cho đời sống linh mục hôm nay, LM Tôma Aquinô Nguyễn Đức Khôi đã viết như sau:

“Thật vậy, PDV đưa ra gợi ý thiết thực cho đời sống của linh mục là cắm rễ sâu đời mình vào Chúa Kitô, nghĩa là giữa Chúa Giêsu Kitô và linh mục là mối liên kết hữu thể qua việc linh mục được thánh hiến mang tính bí tích bởi Chúa Thánh Thần, để nhờ đó linh mục nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Trong đó, linh mục mang tâm tư và hành động như Chúa Kitô, Đấng là Mục Tử đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Vì thế, linh mục được mời gọi mặc lấy đức ái mục tử của Chúa Kitô bằng việc trao hiến hoàn toàn chính mình cho Hội Thánh, nó biểu lộ tình yêu của Chúa Kitô dành cho chiên của Người.” [3]

2.- Đời sống linh mục: làm chứng cho tình yêu hiến tế

Khi nghe tin linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh ngã xuống bởi hai nhát dao thấu sọ, máu tuôn lênh láng, nhiều người đã không kìm nén cảm xúc đau đớn và tỏ ra phẫn nộ trước cái chết oan ức của vị mục tử trẻ trung, hiền lành. Dường như có người muốn ra tay trừng phạt kẻ thủ ác và đòi hỏi công lý phải thực thi ngay lập tức.

Nhưng thiết nghĩ, chúng ta cũng hãy bình tĩnh đọc lại đoạn viết trong lá thư chung (đã dẫn) của ĐGM GP Kontum ngày 3-2-2022, như sau: “Nói gì thì nói, máu người vô tội đã đổ! Trước nỗi mất mát này, là những người có niềm tin, ngoài những lời cầu nguyện dành cho Cha Giuse Thanh, ngoài những chia sẻ, ủi an và nâng đỡ dành cho gia đình Cha, cho Dòng Đa Minh, cách riêng cho các anh em Đa Minh đang phục vụ trên cánh đồng truyền giáo Kon Tum chúng ta, cho bà con giáo dân giáo họ Sa Loong, chúng ta được mời gọi sống chứng tá tình yêu và tha thứ. Mong sao hận thù và bạo lực lui xa, để yêu thương và hiệp nhất thêm tròn đầy, ngõ hầu “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85,11).

Đây mới thực sự là ngôn ngữ của Tin Mừng Kitô giáo. Bởi đời sống của mục tử là những chuỗi ngày làm chứng cho tình yêu hiến tế. Ngài không còn sống cho mình hay chết cho mình nữa, như thánh Phaolô đã khẳng định: Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14, 7-8).

Trong bài giảng lễ cầu nguyện cho linh mục nhân dịp ngày năm thánh Lòng Thương Xót dành cho các linh mục ngày thứ sáu 3-6-2016, ĐTC Phanxicô đã giúp các linh mục chiêm ngắm trái tim đầy thương xót của Mục Tử Nhân Lành và mời gọi các ngài để cho con tim mục tử của mình được nung nấu bởi tình yêu mục tử của Chúa Kitô.

Ngài nhấn mạnh: Con tim của các mục tử là con tim bị xuyên thấu bởi tình yêu Thiên Chúa. Chính vì thế, các mục tử không còn đăm đăm vào bản thân mình nữa, nhưng hướng về Thiên Chúa và đoàn chiên của mình. Đó không còn là một “con tim bị dao động” hay bị cuốn hút bởi những ý tưởng nhất thời hoặc bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen. Trái lại, đó là một con tim được bám rễ sâu vào Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần đốt nóng, để luôn sẵn sàng rộng mở giúp đỡ tha nhân.

Ngài cũng lưu ý các linh mục điểm quan trọng này: Chúa Kitô yêu thương và biết các con chiên của Ngài, Ngài hiến mạng sống vì chúng và không ai là người xa lạ với Ngài (Ga 10,11-14). Đàn chiên chính là gia đình và cuộc sống của Ngài. Ngài không phải là những ông chủ để rồi đàn chiên phải khiếp sợ, nhưng Ngài là Mục Tử đồng hành với đàn chiên và gọi đích danh từng con (Ga 10,3-4). Ngài muốn tập họp những chiên còn chưa trở về chuồng của Ngài (Ga 10,16). Đối với các linh mục của Chúa Kitô cũng vậy. Linh mục được xức dầu để phục vụ dân Thiên Chúa, chứ không phải được chọn để làm theo ý riêng của mình, nhưng là gần gũi với đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó. Không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim của các mục tử, cũng không ai bị loại trừ ra khỏi lời cầu nguyện và nụ cười của các linh mục. Với cái nhìn đầy yêu thương và với trái tim của người cha, các linh mục đón nhận, hòa nhập và những khi cần phải sửa dạy ai đó, các linh mục phải gần gũi với con chiên của mình hơn. Họ không bao giờ được phép khinh thường một ai, nhưng phải sẵn sàng để bị ‘vấy bẩn’ đôi bàn tay của mình.

Cách đây gần hai năm (Tháng 3-2020), báo chí Công giáo cũng nói nhiều đến trường hợp một linh mục khoác lại áo bác sĩ, đến bệnh viện giúp điều trị cho những người nhiễm virus corona. Ngài đã tuyên bố: “Bàn thờ của tôi lúc này chính là giường của người bệnh”.

Trước tình trạng khẩn cấp của đại dịch virus corona và nước Ý đang thiếu các nhân viên y tế, linh mục bác sĩ Alberto Debbi đã mặc lại chiếc áo trắng thầy thuốc, trở lại bệnh viện để giúp đỡ những người đang đau khổ trong phòng bệnh. Báo Gazzeta di Reggio Emilia và các báo địa phương khác đã tường thuật quyết định của cha Alberto Debbi, 44 tuổi, cha sở giáo xứ Correggio thuộc tỉnh Modena của Ý. Ngày 18-3-2020, cha Debbi trở lại phòng bệnh của bệnh viện ở Sassuolo để trợ giúp y tế tại khoa phổi, trung tâm Covid-19 ở khu vực Modena, cho đến cuối tháng tư. Cha tạm cất chiếc áo dòng đen của linh mục vào tủ để mặc chiếc áo choàng của bác sĩ và phụ giúp điều trị cho những người bị nhiễm virus corona.

Cha Debbi đã gửi một tin trên Facebook để giải thích với các tín hữu về chọn lựa của mình: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Từ thứ Tư (18-03) tôi sẽ lại bắt đầu (tạm thời) nghề bác sĩ tại bệnh viện Sassuolo, ở khoa phổi, trung tâm Covid-19. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn khó khăn và đau khổ này, đây cũng là một cách để ‘bẻ chính mình ra’ và sẵn sàng phục vụ với mọi thứ chúng ta có. Nó đã là một phần của tôi, vẫn còn sống động, và bây giờ hơn bao giờ hết, nó thúc đẩy tôi phải dấn thân. Tôi cảm ơn Đức cha và cha Sergio đã cho tôi cơ hội để làm điều đó. Ngay cả khi ‘xa cách hơn một chút’ tôi vẫn có thể tiếp xúc bằng điện thoại di động và những cách khác ...Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện và cử hành thánh lễ cho tất cả anh chị em. Bây giờ, như một người bạn đã nói với tôi, bàn thờ của tôi lúc này chính là giường của người bệnh. Tôi chào tất cả mọi người! Can đảm lên!”. (Theo Avvenire 17-3-2020)

Vậy có thể nói, cuộc đời của linh mục là Hy Lễ Thập Giá nối dài và con người của ngài là chính là lễ vật dâng lên Thiên Chúa với bao niềm vui, nước mắt, nỗi thống khổ cơ cực. Tất cả là vì lòng mến. Như thánh Phaolô đã nói:

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 35-39)

3.- Sứ vụ linh mục: một chọn lựa đầy hy sinh, thử thách

Có thể nói, sứ vụ của linh mục là đem lòng mến Tin Mừng đến muôn người. Sứ vụ ấy luôn là một chọn lựa đầy hy sinh, thử thách, gian lao, cực khổ.

Cố linh mục Giuse mà chúng ta đang nói tới đã chọn lựa thi hành sứ vụ mục tử tại một nơi truyền giáo ở vùng sâu chốn xa. Chắc chắn ngài đã biết rằng đời sống sẽ thiếu thốn trăm bề và sẽ phải đương đầu với muôn ngàn khó khăn, vất vả, cực khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngài được bề trên giao phó chăm sóc một giáo họ đang có những bước chuẩn bị để thành lập giáo xứ mới. Trong đó, có chương trình kêu gọi giúp đỡ để có thể xây dựng cho anh chị em nơi đây ngôi nhà thờ. Bên cạnh đó, một người quen của ngài cũng cho biết ngài rất quan tâm tới thiếu nhi nên đang có dự án sẽ thành lập tủ sách cho các em và đang vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ dự định này.

Chúng ta biết rằng, tại VN, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều linh mục, tu sĩ đã tình nguyện dấn thân phục vụ các bệnh nhân Covid trong bệnh viện và những cá nhân, gia đình rơi tình cảnh cơ cực do nhiễm virus corona. Từng đoàn tình nguyện viên từ các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, cộng đoàn…khăn gói lên đường đi vào vùng dịch mà không chút quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Thực tế đã có nhiều tu sĩ nam nữ bị nhiễm virus do việc sống chung với bệnh nhân covid và một số không nhỏ trong các ngài đã tử vong.  

Cũng có nhiều trường hợp khác, các linh mục chính xứ phó xứ cùng với giáo dân đã lăn xả vào các khu vực nguy hiểm để trợ giúp các gia đình gặp khó khăn vì bị cách ly. Có linh mục hằng ngày phải vượt cả mấy chục cây số để chuyên chở lương thực, thực phẩm về cho dân. Cũng có linh mục đứng ra điều hành các nhóm tự nguyện bất chấp ngày đêm, mưa nắng, đem các nhu yếu phẩm giúp đỡ cá nhân, gia đình đang trong tình cảnh thiếu thốn, khổ sở vì dịch.

Chính lòng mến Chúa và tình thương cộng đoàn đã thúc đẩy các ngài ra đi, lên đường phục vụ. Việc các linh mục, tu sĩ bị đe dọa mạng sống hay bị sát hại khi đang thi hành mục vụ không phải là chuyện hiếm xảy ra tại VN cũng như tại nhiều nước trên thế giới. Trong những hoàn cảnh như vậy, Lời Chúa luôn là sức mạnh giúp các ngài vững tâm và sống bình an. “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10, 28); Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! (Mc 6, 50) ./.

________________
[1]https://giaophankontum.com/van-kien/van-thu-giao-phan/thu-chung-mung-3-tet-nham-dan-cua-duc-cha-aloisio-giam-muc-giao-phan
[2]https://giaophankontum.com/van-kien/van-thu-giao-phan/thu-phan-uu-cua-duc-giam-muc-giao-phan
[3]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/linh-dao-tu-dao-cho-doi-song-linh-muc-hom-nay-40049