Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

RƯỢU GHÈ VÀ NGÀY TẾT Ở KON TUM


…Dọc tuyến đường Bắc Cạn ra cầu treo Kon Klo-cây cầu treo lớn nhất Kon Tum, có hàng loạt các cửa hiệu bán rượu cần Tây Nguyên của các “nghệ nhân” như Y Xuân, Y Trang, Y Khuê, Y Hanh, Y Thưk… Ở làng này, nấu rượu cần là nghề gia truyền của người dân Ba Na nơi đây. Rượu cần trước đây chỉ dùng trong các dịp lễ như lễ cúng Yàng (trời), lễ cưới, lễ tang, lễ mừng nhà Rông, mừng lúa mới… Ngày nay, rượu cần còn được dùng phổ biến trong cả lễ tết cổ truyền của mọi người, bất kể dân tộc nào. Đối với những người ở xa, đi du lịch hay những người làm việc ở trên mảnh đất thơm nồng mùi rượu cần này cũng không quên mua cho mình một ít ghè về làm quà mỗi dịp tết đến, xuân về. 

    
Hình minh hoạ từ internet

Theo kinh nghiệm thì rượu cần sẽ ngon nhất nếu được nấu bằng nếp than, sau đến hạt kê. “Chúng tôi nấu rượu bằng gạo nếp than là chủ yếu vì gạo này nấu rượu cần là ngon nhất. Nó có độ nồng ngọt, thơm và có màu đỏ óng mà càng để lâu càng ngon. Khách mua rượu cần ở đây toàn là những người quen, bởi những năm trước họ uống thấy ngon là năm sau cứ thế đến dịp gần về tết người ta đến tận nhà để đặt hàng, có hộ đặt tới hàng chục ghè liền” - chị Y Khuê cho biết. 

Thế nhưng, để có gạo nếp than để nấu thì các hộ ở làng Kon Klor này phải mua ở các huyện khác chứ đất ở xung quanh làng đã dần bị thu hẹp và bạc màu nên không thích hợp cho trồng lúa nếp than. Những năm trước, các hộ trong làng cũng đã trồng thử một vài vụ, lúa vẫn trổ bông nhưng không cho hạt hoặc có năng suất rất thấp. Vì vậy để có gạo nếp than nấu rượu cần bà con phải lên tận huyện Sa Thầy, huyện Kon Plong để mua lúa rồi mới về giã lấy gạo. 

“Rượu cần là thức uống truyền thống của bà con vì vậy có rất nhiều người làm được. Nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng mà ngày nay người làm và bán rượu cần nhiều lắm. Ở Kon Tum bây giờ hầu như làng nào cũng có người làm rượu cần để bán. Vì vậy họ cũng mua rải rác ở những nơi khác chứ không phải cứ hỏi rượu cần thì chạy ngay về làng Kon Klo này như ngày trước” - chị Y Khuê ở làng Kon Klo chia sẻ. 

…Theo tính toán của những người nấu rượu cần thì năm nay nếp than, hạt kê mất mùa nên mua giá rất cao từ 7-8 ngàn đồng/kg lên 10-12 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá các ghè đựng rượu cũng tăng cao. Cụ thể ghè 8 lít năm ngoái mua 45 ngàn đồng thì năm nay phải mua tới 70 ngàn đồng; ghè 12 lít thì tăng từ 70 ngàn lên 90 ngàn đồng... Ngoài ra, để có được một ghè rượu bán ra thị trường, người dân phải tốn rất nhiều công đoạn như làm men, xay lúa, giã gạo, nấu thành cơm, ủ một ngày sau đó lại trộn với men… Phải mất gần cả tháng trời thì sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng. 

Vất vả là vậy nhưng những người nấu rượu cần ở Kon Tum vẫn bám nghề. Với họ “còn nấu rượu cần là còn gìn giữ được nghề gia truyền của gia đình, dân tộc. Giá trị của việc sử dụng rượu cần không chỉ dừng lại ở uống để thoả mãn nhu cầu mà còn chứa đựng những giá trị văn hoá giao tiếp, ứng xử đầy tình người” - chị Y Khuê tâm sự. Cũng vì lý do trên, những ngày qua, dù còn gần cả trăm ghè chưa bán nhưng chị Y Khuê vẫn nấu thêm một ít để bán dịp gần tết. 

Tết đã gõ cửa tận làng, mặc cho sức tiêu thụ có chậm nhưng những người nấu rượu cần ở Kon Klo nói riêng và Kon Tum nói chung vẫn giữ niềm tin vào sự trường tồn của rượu cần trong đời sống văn hoá tinh thần của buôn làng.
Hoàng Cao Nguyên
(Theo Tin Tức)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét