Có kiêng có lành. Câu nói quen thuộc đó thường được nghe nhiều hơn cả vào dịp năm mới, với ý nghĩa mong mỏi điều tốt đến với gia đình và bản thân.
Về mặt văn hóa, kiêng cữ hợp lý chính là thái độ ứng xử với bản thân và môi trường chung quanh sao cho vừa phải, khoa học, cho nên mọi dân tộc quốc gia trên thế giới đều có những kiêng kỵ chứ không riêng gì Việt nam ta. Về kiến trúc và nội thất, khéo kiêng kỵ chính là biết cân nhắc bố trí sao cho hòa hợp để đẹp nhà, khỏe người.
Về mặt văn hóa, kiêng cữ hợp lý chính là thái độ ứng xử với bản thân và môi trường chung quanh sao cho vừa phải, khoa học, cho nên mọi dân tộc quốc gia trên thế giới đều có những kiêng kỵ chứ không riêng gì Việt nam ta. Về kiến trúc và nội thất, khéo kiêng kỵ chính là biết cân nhắc bố trí sao cho hòa hợp để đẹp nhà, khỏe người.
Từ những kiêng kỵ ba ngày Tết
Tục lệ kiêng kỵ trong nhà cửa dịp Tết khá phong phú và thay đổi theo lịch sử, vùng miền. Hiện nay kiêng kỵ đầu năm tập trung chủ yếu ở ba mảng chính: kiêng những va chạm trong quan hệ, kiêng sự thất thoát của cải tài lộc, và kiêng những hình ảnh- ký hiệu- ngôn ngữ không may mắn.
Mọi gia đình đến gần Tết đều dọn dẹp nhà cửa tinh tươm từ trong ra ngoài, từ bếp núc đến bàn thờ để đón một năm mới sáng sủa tươi mới, tránh âm khí nặng nề hoặc những điều xấu của năm cũ còn vướng bận dây dưa sang năm mới. Dọn nhà rồi đến dọn người, ai cũng cố gắng đầu năm khỏe khoắn, tươi mới, đẹp đẽ, nhà cửa trang hoàng ít nhiều cũng phải khác ngày thường, có hoa trái, đèn đuốc sáng sủa, lịch sự hơn.
Thứ tự kiêng kỵ có thể phân loại tương tự lộ trình xếp đặt Môn (cửa)- Táo (bếp)- Chủ (gia chủ) trong phong thủy. Bắt đầu với hệ thống cửa, đa số các gia đình đều cố gắng “mở cửa” chào đón một năm mới thật cởi mở nhưng có chọn lọc, mà tục lệ chọn tuổi xông đất là điển hình. Câu nói “môn đăng hộ đối” có ý nghĩa ban đầu về sự hài hòa là: ngoài cửa treo đèn- trong nhà có câu đối (về sau được hiểu theo nghĩa là 2 bên gia đình tương xứng nhau khi dựng vợ gả chồng cho con cái). Do vậy trong không gian đón Tết truyền thống luôn gặp hình ảnh trước cửa hoặc hai bên cửa, và trong không gian phòng khách đặt những chậu hoa tươi mới, treo câu đối hay thư pháp chúc bình an, tài lộc để cầu mong những điều an lành, tốt đẹp. Chính cách thức trang trí này là những nét đặc trưng văn hóa Việt Nam rất riêng biệt mà nếu thiếu thì ắt khó nhận thấy được “không khí Tết”.
Về bếp, từ ngày 23 tháng chạp cúng đưa tiễn ông Táo cho đến mồng 3 ngày Tết, mọi gia đình đều luôn muốn bếp nhà mình lửa đỏ hồng, hũ gạo đầy ắp, lu nước tràn trề…như tín hiệu tốt lành cho một năm mới sung túc. Đó cũng là những vị trí phải sửa soạn, xếp đặt cho xong trước giờ khắc giao thừa. Vì lẽ đó mà sinh ra quan niệm tránh làm nhà 2 năm bởi ngại bếp núc củi lửa dang dở bộn bề trước thềm năm mới.
Ngày Tết đa số mọi người tạm gác những ưu lo công việc bộn bề, nên những bài trí sắp đặt thiên về yếu tố quây quần ( bàn ăn, phòng khách, góc đàm đạo, giải trí …) nhiều hơn hẳn so với thường ngày. Gia chủ trong dịp Tết cũng quan tâm nhiều hơn đến bàn thờ gia tiên, đi tảo mộ tưởng nhớ người đã khuất, và dặn bảo nhau kiêng nhắc đến những điều âu lo, phiền muộn, kiêng nói to tiếng … đều là những kiêng kỵ có cơ sở văn hóa tốt đẹp và mang lại một không khí đầu năm an hòa hơn.
Việc chọn tuổi xông nhà, thời điểm xuất hành, ngày giờ khai trương …chính là sự liên kết chặt chẽ hai yếu tố Thời gian và Không gian cụ thể với bản thân gia chủ. Đây là một loạt các kinh nghiệm được đúc kết qua kịch sử, với cơ sở tính toán là Lịch Âm Dương tích lũy qua nghìn năm kinh nghiệm mùa màng lúa nước, phối hợp Ngũ hành theo từng tuổi từng giới.
Những kiêng kỵ đầu năm vì thế luôn mang đậm ý nghĩa Trạch Cát (chọn điều lành - tránh điều xấu) và gắn bó với từng địa phương, từng nếp sống. Ngay cả việc kiêng quét nhà cũng có mặt tích cực là mọi người cố gắng “tổng vệ sinh” trước Tết giúp nhà cửa và phố phường sạch sẽ hơn, đầu năm bớt vất vả bụi bặm hơn. Còn các lập luận theo kiểu đầu năm không nên quét nhà sợ “quét đi hết sạch của cải” thì đã được một số gia chủ giỏi “biến báo” xoay chuyển thành: nếu có quét thì nên quét hướng vô, đừng quét hướng ra ngoài là được!
Đến những lưu ý dài lâu về không gian sống
Nếu quan sát và phân tích đúng, ta sẽ thấy rất cần phải “kiêng” những bố trí không gian sai phong thủy dẫn đến thiếu hụt kết nối trong các thành viên gia đình.
Một số gia chủ than phiền về tình trạng gia đạo không yên ấm, thực ra chủ yếu đều xuất phát từ các giao tiếp nội bộ thiếu được đầu tư đúng mức về mặt bài trí nội thất hài hòa phong thủy. Có những cấu trúc nhà khi sử dụng dễ khiến các thành viên rơi vào tình trạng “gần mặt mà vẫn cách lòng” như một số trường hợp sau:
- Nhà ngăn chia phòng quá nhiều theo kiểu “nhà trọ”: dạng này khiến cho Trường Khí chung bị chia cắt. Mọi người về đến nhà là “trốn” ngay vào phòng riêng, cuộc sống công nghiệp vốn bận rộn càng thêm tách biệt các thành viên với nhau bởi kiểu ngăn chia quá biệt lập.
- Nhà mở thông thống từ trước ra sau: gây ra Tán Khí, mọi người cảm thấy thiếu sự riêng tư, sinh hoạt bị ảnh hưởng lẫn nhau. Dạng nhà phố có buôn bán, sản xuất mà không được ngăn cách khéo léo cũng làm cho người ở thấy ngột ngạt thấy nhà mình “lúc nào cũng như cái chợ”.
- Nhà bố trí quá nhiều thiết bị điện tử, nghe nhìn, máy móc… khiến ngôi nhà không còn là nơi trú ẩn hay nghỉ ngơi nữa mà trở thành một kiểu văn phòng làm việc, chơi games hay lướt net, máy móc có từ tính trong nhà rất nhiều. Hệ quả là các thành viên thiếu quan tâm đến nhau, chỉ lo tận hưởng các tiện nghi vật chất trong khu vực của riêng mình.
- Nhà bố trí không gian chung rất phô trương xa xỉ nhưng chỉ hữu dụng khi có khách, dịp lễ tết và tập trung ở phía trước, còn thường ngày thì mọi sinh hoạt co cụm bề bộn ở phía sau. Thế hệ lớn tuổi hay chuộng đồ cổ, gỗ quý, trong khi thế hệ trẻ hơn thì ưa vật dụng hiện đại, điều này cũng gây ra các xung đột ngấm ngầm trong sinh hoạt, lâu ngày thành ra không thể “ngồi lại bên nhau” có khi chỉ vì… một bộ ghế salon (!).
Tất cả các dạng “ trục trặc” nêu trên đều có thể khắc phục được nếu chủ động tính toán từ đầu, đặt ra các tình huống cụ thể, làm nhà cho chính mình chứ không bắt chước dạng thức của người khác.
Ví dụ, nhà phố có nhu cầu buôn bán (hoặc cho thuê kinh doanh) thì nên phân bố ngay từ đầu, nên đưa bếp ăn và phòng khách lên lầu để dành trệt cho buôn bán và xe cộ. Hay vợ chồng già ở nhà vườn thì nên làm nhà trệt và diện tích vừa phải, chừa sân rộng có chỗ cho cho con cháu khi về vui chơi, còn thường ngày thì “bà chăm ông” sẽ không đến nỗi quá vất vả vì ngôi nhà rộng loãng.
Chọn đồ dùng nội thất cũng cần tham khảo và dung hòa ý kiến các thành viên trong nhà, hoặc mỗi người nhường nhau một chút. Xu hướng chung tại các nước đã phát triển hiện nay như Nhật, Pháp, Canada …là giảm thiểu mang công việc về nhà, khuyến khích các ngày nghỉ, dịp lễ là cơ hội được đi về gần với thiên nhiên, có những ngày “không ti vi - không điện thoại - không máy tính” để mọi người quan tâm chăm sóc nhau nhiều hơn.
Thiết nghĩ với đất Việt ta , dịp tết chính là cơ hội để các kiêng kỵ an lành được phát huy đúng mức, để cư dân chăm chút gia đình, bản thân và tương tác với cộng đồng chân tình, nhu hòa hơn.
Thạc sĩ - Kiến trúc sư Hà Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét