Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

LINH MỤC PIERRE DOURISBOURE ( CỐ ÂN) (1825-1890)


LINH MỤC PIERRE DOURISBOURE ( CỐ ÂN)

           (1825-1890)


Mảnh đất Tây Nguyên luôn tự hào là miền đất truyền giáo màu mỡ của biết bao thế hệ thừa sai. Những dấu chân của các vị thừa sai vẫn in đậm trong lòng người Tây Nguyên hôm nay như thánh Phao-lô đã nói: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm10,15). Một trong những bước chân tiên khởi còn in đậm dấu đó là Linh mục thừa sai Paris Pierre Dourisboure. Người Việt gọi ngài bằng tên An Nam rất thân thương là Cố Ân. Ngài là người sống lâu nhất (35 năm) trong số các thừa sai đầu tiên trên mảnh đất Tây Nguyên và ngài đã để lại cho chúng ta nhiều gia sản quý báu nhất là tập Hồi ký của ngài[1]. Nhờ đó, chúng ta biết rõ về tình hình của miền truyền giáo Kon Tum trong giai đoạn khai sáng cũng như con người thừa sai rất chân thực và nhiệt huyết: linh mục Pierre Dourisboure.
Linh mục Pierre Dourisboure sinh ngày 19.9.1825 tại Briscous, miền Tây Nam nước Pháp, gần biên giới Tây Ban Nha. Từ nhỏ, ngài đã theo học Tiểu chủng viện Laressore, thuộc giáo phận Bayonne. Tại đây, ơn gọi thừa sai của ngài đã được ươm trồng. Trong Hồi ký, ngài viết: “Tôi chỉ là một tiểu chủng sinh lớp đệ tam, nhưng trong giờ ăn, khi người ta đọc những lá thư của cha Miche viết từ trong tù ở Huế. Ôi! Tôi đã ngừng ăn miếng bánh mì đang cầm trên tay vì không thấy đói nữa. Tôi chỉ còn biết căng mắt mà xem, vểnh tai mà nghe người ta đọc, và tận đáy lòng, tôi đã nghe một giọng êm ái, ngọt ngào ngỏ lời với tôi: Và con nữa, con cũng sẽ là nhà truyền giáo! [2]”.
Ngày 19.10.1846 Pierre Dourisboure gia nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Paris.
Ngày 02.6.1849, Pierre Dourisboure được thụ phong linh mục tại Pháp. Vừa thụ phong linh mục xong, ngài liền được phái sang Địa phận Đông Đàng Trong, Trung Bộ Việt Nam để tham gia xây dựng một miền truyền giáo mới, nơi anh em dân tộc cư trú tại vùng rừng núi ở giữa sông Mêkông và Biển Đông. Vùng truyền giáo mới này do Đức Cha Cuénot Thể khởi xướng.
Ngày 06.10.1849, ngài rời Pháp đi Việt Nam nhận sứ mạng truyền giáo cho người dân tộc. Cuộc hành trình đầy gian nan khởi hành từ cảng Nantes. Ngày Lễ Giáng Sinh năm đó, ngài đón lễ trên biển khơi với bão táp dữ dội[3]. Ngày 23.6.1850, áp lễ thánh Gioan Tẩy Giả, ngài  đã đến Gò Thị, Quy Nhơn để chào vị Giám Mục mới của mình. Những lời đầu tiên mà Đức Cha Cuénot Thể nói với ngài là: “Mặc dù hiện giờ tôi có ý định đưa cha lên xứ người Ba Na, nhưng tôi không biết rồi ra có phải buộc lòng gọi cha về lại  xứ An Nam vì lý do bệnh tật hay vì lý do nào khác không. Vậy thì cha ở lại đây với tôi ít tuần và cố gắng học tiếng Kinh, y như cha được chỉ định ở đây luôn   vậy[4]. Ngài đã vâng lệnh, và sau ba tháng học tiếng Kinh, ngài có thể ngồi tòa giải tội.
Ngày 11.11.1850, cùng với linh mục Desgouts, thầy Thám và đoàn truyền giáo gồm mười lăm người, linh mục Pierre Dourisboure rời Gò Thị lên vùng truyền giáo Kon Tum. Hành trình đầy gian khổ: phần lớn thời gian phải di chuyển vào ban đêm vì sợ người Kinh phát hiện (vì thời gian này đang xảy ra bắt đạo rất gay gắt ở vùng Đồng Bằng), phần thì đường đi khó khăn, phương tiện thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, thú rừng rình rập và cả tại nạn do con người gây ra nữa. Ngày 01.01.1851, đoàn đã đến làng Kon Phar và trong sáng ngày đầu năm ấy thầy Sáu Do thốt lên: “Laudate Dominum omnes gentes (Hãy ngợi khen Chúa, hỡi muôn dân).” Vì thầy đã bị thương: một lưỡi chông bằng tre xuyên qua bàn chân của thầy [5].
Đã từ lâu, Đức Cha Thể nghe nói về một con sông chảy qua vùng dân tộc Ba Na và đổ vào con sông lớn bên Lào. Dựa theo những chỉ dẫn đó, thì kế hoạch rao giảng Tin Mừng của Đức Cha lúc đầu bao gồm một miền rộng lớn, trong đó có cả xứ Lào. Vì thế nhiệm vụ của linh mục Pierre Dourisboure và linh mục Fontaine là khi gặp con sông Dak Bla thì kiếm thuyền xuôi dòng đến tận Lào. Do đó, hai cha miệt mài học tiếng Lào.[6] Sau một thời gian, việc tìm ra đồng bằng trên cao nguyên do Đức Cha Thể chỉ định đã thành công. Cuối năm 1851,Đức Cha Cuénot Thể  phân bổ Vùng Truyền Giáo thành bốn trung tâm: Kon Kơxâm, Plei Rơhai, Kon Trang và Plei Chŭ. Đầu năm 1852, linh mục Pierre Dourisboure có mặt tại Kon Trang để phục vụ anh em dân tộc Xê Đăng. Tại đây, ngài bắt đầu học tiếng Xê Đăng một mình và dịch các kinh do linh mục P. Combes soạn bằng tiếng Ba Na sang tiếng Xê Đăng. Ngay khi ngài đặt chân lên Tây Nguyên, ngài đã cùng các cha học thổ ngữ Ba Na, nhưng bây giờ chỉ có mình ngài nên việc học thổ ngữ Xê Đăng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Niềm an ủi lớn lao nhất ngay khi ngài đến Kon Trang là ngài đã Rửa tội cho một em bé Xê Đăng đang hấp hối vào chiều ngày 01.01.1852.Tại đây, ngài cư ngụ trong nhà ông Lam. Ông Lam là một người Xê Đăng thông minh và tốt bụng. Ông có hai người con trai là Ngam và Ngui. Trong thời gian này, có lần ngài bị chứng kiết lỵ hành hạ khoảng bốn năm ngày suýt chết, sau một chuyến do thám trong rừng. Một thời gian sau, ngài có một sự khích lệ lớn là cha Arnoux quê ở Besançon, đã từng ở chung Chủng viện Hội Thừa Sai Paris được sai đến Kon Trang  với ngài. Từ đây, cả hai cùng đồng lao cộng khổ, nên mọi gánh nặng cũng vơi đi. Nhưng vì không thích nghi được với thổ nhưỡng và thức ăn của người bản xứ nên cha Arnoux ngã bệnh liên tục nên không chỉ  phải từ giã vùng truyền giáo Tây Nguyên mà còn phải vĩnh biệt cõi thế này. Vì vậy, linh mục Pierre Dourisboure một mình tiếp tục ở với người  Xê Đăng: học tiếng, dịch sách kinh, dạy giáo lý…. Và kết quả là vào ngày 16.10.1853, linh mục Pierre Dourisboure ban Bí Tích Thánh Tẩy cho hai em Giuse Ngui (+1856) và Gioan Pat. Hai em là người Xê Đăng ở Kon Trang. Trong năm 1855, linh mục Pierre Dourisboure cũng đã Rửa tội cho hai cha con ông Lam và Ngam cùng khoảng mười thanh niên khác nữa. Thế là đoàn chiên bé nhỏ gia tăng mỗi ngày một đông!
Ngày 14.9.1857, linh mục Combes qua đời tại Kon Kơ Xâm, nên linh mục Pierre Dourisboure buộc lòng phải rời Kon Trang để về Kon Kơ Xâm để thay thế. Tại đây, ngài phải đảm nhận luôn chức Bề Trên Vùng Truyền Giáo cho người dân tộc mà cha Combes để lại (1858). Mối bận tâm của linh mục Pierre Dourisboure ở Kon Kơ Xâm là tiếp tục giảng dạy cho những người dự tòng mà cha Combes đã cố chuẩn bị cho họ được rửa tội. Ngài phải học lại thổ ngữ Ba Na mà thời gian ở với người Xê Đăng đã làm ngài quên nhiều. Trong năm 1858, ngài đã ban phép Rửa Tội cho mười lăm dự tòng.
Năm1864, vì tình hình cấp bách, linh mục Pierre Dourisboure buộc phải rời Vùng Truyền Giáo vào Sài Gòn để liên lạc với các Bề Trên về các vấn đề của Miền Truyền Giáo. Vì ở Bình Định, tình hình bắt đạo đang diễn ra , nên ngài buộc phải ở lại Sài Gòn. Đức cha Lefèbre đã khẩn khoản xin ngài trông coi giáo xứ Xóm Chiếu. Và ngài đã ở lại giáo xứ này từ tháng 02 cho đến tháng 9 năm1864. Và khi tình hình tạm lắng, ngài lập tức lên đường về lại Tây Nguyên.
        Trở lại vùng Ba Na thân thương, ngài có thêm một người bạn đồng hành là cha Besombes. Các ngài cùng nhau cộng tác xây dựng Vùng Truyền Giáo. Một phương thức mới được đưa ra là lập làng mới toàn tòng công giáo. Tháng 12 năm 1866, ngài cùng bốn gia đình khác rời Kon Kơ Xâm để lập làng mới là Jơ Ri Krong. Kiểu thức mới này đã phát huy hiệu quả.[7]
        Năm 1869, Đức Cha Charbonnier yêu cầu ngài rời vùng truyền giáo để phục hồi sức khỏe. Nhưng vì bệnh tình nghiêm trọng cho nên đã buộc ngài trở về Pháp. Trong thời gian ở Pháp, ngài hoàn thành cuốn Hồi ký “Les Sauvages Bahnars” ngày 28.01.1870 tại Chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Tháng 7.1870, ngài rời Pháp và trở lại với anh em dân tộc vào tháng 11 năm đó để tiếp tục chăm sóc đàn chiên của mình.[8]                                  
           Dù rất gắn bó với vùng truyền giáo nhưng sức khỏe của ngài giảm sút nghiêm trọng, nên ngài phải vĩnh viễn rời vùng đất dấu yêu mà ngài đã gắn bó ba mươi lăm năm qua. Ngài  đã được gọi về Sài Gòn dưỡng bệnh bằng cách nhận chức Bề Trên Chủng Viện (1885). Cách dưỡng bệnh hy hữu này làm cho bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn. Nên ít lâu sau, ngài phải rời Việt Nam sang nhà điều dưỡng Béthanie ở Hồng Kông để chữa bệnh. Trong thời gian này, ngài hoàn thành một số sách liên quan đến ngôn ngữ Ba Na: “Alphabet Bahnar” (Mẫu tự Ba Na)  và “Catéchisme et prières” (Giáo lý và kinh bổn) vào năm 1888; “Dictionnaire Bahnar-Français” (Từ điển Ba Na – Pháp) năm 1889.
             Năm 1890, ngài rời Hồng Kông về Pháp. Vừa cập bến cảng Marseille được ít hôm, ngài đã qua đời tại nhà của Hội Thừa Sai vào ngày 08.9.1890, hưởng thọ 65 tuổi.
             Sống giữa rừng thiêng nước độc, chịu đủ mọi thứ hiểm nguy: thú dữ, bệnh tật, cô đơn, thiếu thốn cùng cực, linh mục Pierre Dourisboure đã đứng vững trên Miền Truyền Giáo dân tộc ba mươi lăm năm trong khi các  thừa sai đồng nghiệp của ngài không sống quá mười năm, thậm chí có vị sau vài ba tuần đặt chân lên Tây Nguyên đã phải vĩnh viễn rời cõi thế này[9]. Ngang qua đời sống của ngài, ta học được bao bài học quý giá. Trước hết, tinh thần thừa sai nơi ngài: được nung nấu từ thuở nhỏ, nên khi đặt chân đến Việt Nam ngài đã dấn thân hết mình. Với sự vâng lời Đấng Bản Quyền, ngài đã không ngừng học hỏi ngôn ngữ bản địa: Kinh, Lào, Ba Na, Xê Đăng; tìm hiểu và hội nhập với đời sống văn hóa địa phương, tìm mọi phương cách để rao giảng Tin Mừng. Đời sống tri thức của ngài cũng là mẫu gương cho chúng ta: tự học và kí tự ngôn ngữ Ba Na và Xê Đăng và sau đó làm từ điển, viết Hồi ký, dịch sách….Và quan trọng hơn là ngài luôn có một cái nhìn của nhà thừa sai: mọi biến cố đều quy hướng dưới sự quan phòng của Chúa. Ngài đặc biệt yêu thương người dân tộc bản xứ và đã nổ lực hết mình để truyền giảng Lời Chúa và thăng tiến đời sống văn hóa của họ. Linh mục Pierre Dourisboure quả là một gương mẫu sống động, thiết thực và quý giá cho thế hệ thừa sai hôm nay.
                                                                                        Giuse Nguyễn Minh Đức
------------------------------------
[1] Hồi ký “Les Sauvages Bahnars” (Dân làng hồ) được Lm Dourisboure khởi sự viết tại Kon Kơ Xâm, Kon Tum năm1865 và hoàn tất vào ngày 28.01.1870 tại Chủng Viện Thừa Sai Paris.
[2] P. Dourisboure, Dân làng hồ, Nxb Đà Nẵng 2008, trang 41.
[3] Sđd, trang 46.
[4] Sđd, trang 38.
[5] X. Sđd, trang 41-49
[6] X. Sđd, trang 58-59
[7] X. Sđd, trang 261-273.
[8] Trích lời dẫn vào thư của linh mục Pierre Dourisboure viết ngày 12.12.1871.
[9] Lời tựa  của sách Dân làng hồ, Nxb Đà Nẵng 2008, trang 8.

(Nguồn: antontruongthang' blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét