Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Cáo phó của Tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng - Nhớ ơn Sơ Francois Daniel Phạm Thị Mầu





Từ 1962-1965, Sơ Francois Daniel Phạm Thị Mầu lên phục vụ tại Kon Tum, ở cộng đoàn Têrêxa, dạy học Trường Trung Tiểu học Thánh Têrêxa Kon Tum. 
Trường Têrêxa thành lập năm 1958 do các soeurs Dòng Phaolô quản trị, điều hành. Thời gian đầu trường chỉ dành cho học sinh nữ, không phân biệt lương giáo. Học trò của Sơ rất nhiều, như cô Hồ Thị Kim Ngọc, Chị Bé, Thanh Hải, Vân, Nga, Thọ, Lộc, Loan.v.v. "Sơ Francois Daniel ngày xưa đẹp lắm, giỏi Pháp văn, múa hay, đàn cũng giỏi ,học sinh đứa nào cũng thương Sơ hết" (Theo lời chị Kim Ngọc, một cựu học sinh).
Hồng Liên (cựu HS) : "Hồng Liên thich Sơ lắm vì Sơ là người đẹp nhất trong các Sơ trẻ lúc bấy giờ, hình ảnh Sơ vẫn còn mãi trong tâm trí ..."
Eliza Thu Loan (cựu HS): Năm lớp đệ thất trường Thánh TEREXA , Sơ là người đào tạo mình trong ban văn nghệ của trường để trình diễn các buổi văn nghệ của trường.Cầu xin Chúa ban nhiều hồng an đến với Sơ".
Phạm Bạch Yến (cựu HS): "Năm 2008 Khi gặp mặt tại trường Teresa mình đã được gặp lại Sr...và Sr Marie Paul... Sr Francoise Daniel tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn còn đẹp lắm nhất là đôi mắt đẹp của ngày xưa..."
(trích từ các comments trên Facebook)
...v.v...
Nay Sơ vừa được Chúa gọi về. Các thế hệ học sinh Têrêxa đã học với Sơ nhớ ơn Sơ và cầu cho linh hồn Sơ sớm hưởng tôn nhan Chúa.


VÀI HÌNH ẢNH KỶ NIỆM


Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng
Sr.  Francois Daniel Mầu trước trường trung tiểu học Têrêxa Kontum 
thập niên 1960

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, kính mắt, cận cảnh và ngoài trời
Dịp Sơ về Kontum ngày kỷ niệm 50 năm Trường Têrêxa (1958-2008)



Vài hình ảnh các lớp học Trường Têrêxa trước 1975





Minh Sơn
24/02/2017


Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Cuộc Thi Viết Văn Thơ Đạo và Thể Lệ Cuộc Thi Hoa Núi Rừng III




GIÁO PHẬN KONTUM
BAN MUC VỤ VĂN HÓA
THƯ NGỎ
v/v Cuộc thi viết Văn Thơ Đạo
Chủ đề: ƠN CHA NGHĨA MẸ TRONG TÌNH CHÚA
Kính gởi:     Quý Đức Cha, Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, Các Giáo xứ trong toàn Giáo phận Kontum
                      Đồng kính gởi quý anh chị giáo lý viên, quý Thầy Cô Công giáo, các bạn sinh viên công giáo cũng như các bạn trẻ trong Giáo Phận.
Để tiếp nối dòng Văn Thơ Làng Hồ trong Giáo phận, nhằm mục đích tìm kiếm và cổ võ các tài năng trẻ trong việc phát triển văn thơ Làng Hồ, giải Văn Thơ Đạo: Hoa Núi Rừng, được Ban Mục Vụ Văn Hóa giáo phận tổ chức hằng năm dành cho các tâm hồn say mê các thể loại Văn Thơ Đạo.
Năm nay, theo tinh thần “thư chung gửi Cộng Đồng dân Chúa” ngày 07/10/2016 của Hội Đồng Giám Mục Việt nam, theo chủ đề: Mục Vụ Gia Đình và được sự cho phép của Đức Cha Aloysio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kontum, Con là linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn, thay mặt Ban Mục Vụ văn Hóa Giáo phận, gửi đến quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, các Giáo xứ trong toàn Giáo phận cũng như toàn thể anh chị em yêu mến văn thơ đạo chút tâm tình về cuộc thi viết Văn Thơ Đạo: HOA NÚI RỪNG III, với chủ đề: ƠN CHA NGHĨA MẸ TRONG TÌNH CHÚA.
Mục đích và ý nghĩa của chủ đề năm nay:
  • Nhằm cổ võ cho truyền thống Đạo Hiếu trong gia đình. Khuyến khích người làm con bày tỏ lòng tri ân và đáp đền ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
  • Ghi lại những cảm xúc buồn vui và kỳ vọng của con cái đối với cha mẹ của mình.
  • Phát huy lòng quý trọng và yêu mến tiếng Việt, góp phần làm trong sáng tiếng Việt, trong giai đoạn mà việc dạy, học và viết văn của nhiều bạn trẻ còn hạn chế.
Chúng con tha thiết kính mong quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ, các Giáo xứ, quý thầy cô, quý anh chị giáo lý viên, các bạn sinh viên và các bạn trẻ cũng như tất cả những ai yêu thích văn chương, quan tâm, ủng hộ, cầu nguyện và tiếp sức cho chúng con qua việc cổ động cuộc thi, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và hướng dẫn các bạn trẻ tham gia cuộc thi này.
Chúng con xin đính kèm mọi chi tiết về  thể lệ cuộc thi. Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban bình an và ân sủng cho quý vị.
                                                                              Kontum ngày 16 Tháng 02 năm 2017
                                                                                          Tm/ Ban tổ chức cuộc thi
                                                                                          Lm. Tađêô Võ Xuân Sơn
—————— 0000 ——————-



GIÁO PHẬN KONTUM
BAN MỤC VỤ VĂN HÓA
THỂ LỆ CUỘC THI : Hoa Núi Rừng III
Chủ đề: ƠN CHA NGHĨA MẸ TRONG TÌNH CHÚA

1/ Thể loại: Văn – Thơ
2/ Mục đích, ý nghĩa:
  • Nhằm cổ võ cho truyền thống Đạo Hiếu trong gia đình. Khuyến khích người làm con bày tỏ lòng tri ân và đáp đền ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
  • Ghi lại những cảm xúc buồn vui và kỳ vọng của con cái đối với cha mẹ của mình.
  • Phát huy lòng quý trọng và yêu mến tiếng Việt, góp phần làm trong sáng tiếng Việt, trong giai đoạn mà việc dạy, học và viết văn của nhiều bạn trẻ còn hạn chế.
3/ Hình thức:
            -Văn xuôi: truyện ngắn ( độ dài không quá 2000 chữ), tùy bút, tản văn (độ dài không quá 1200 chữ).
            -Thơ: tất cả các thể loại :
                             a/ Thơ Đường Luật: Thất ngôn bát cú
                             b/ Thơ lục bát, song thất lục bát, và thơ tự do ( không quá 24 câu)
Nội dung dự thi yêu cầu: Viết về một kỷ niệm ấn tượng, có thật hoặc cảm nhận, dựa trên những chứng cứ người thật việc thật về những tấm gương sáng của những người Cha, người Mẹ. Có thể viết riêng về người Cha, riêng về người Mẹ, hoặc viết cả hai trong một tác phẩm.
4/ Đối tượng dự thi: cuộc thi dành cho các bạn trẻ không quá 35 tuổi (tính theo sổ rửa tội) thuộc Giáo phận Kontum.
5/ Điều kiện:
            -Văn xuôi: tối thiểu một bài.
            -Thơ: tối thiểu hai bài.
            -Bài dự thi phải do mình sáng tác, không được sao chép, sưu tầm hay nhờ người khác làm giúp. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo và chưa gửi dự thi bất cứ nơi nào.
            -Bài dự thi gửi qua điện thư email, file với định dạng .doc (word), không nhận bài gửi qua bưu điện.
            -Nếu phát hiện sao chép, hay người khác làm thay, ban tổ chức đình chỉ thi vào năm kế tiếp.
6/ Cơ cấu giải thưởng:
            -Văn xuôi:
                        +Một giả nhất: 1.500.000VND (một triệu năm trăm nghìn đồng)
                        +Hai giải nhì: mỗi giải 1000.000VND (một triệu đồng)
                        +Hai giải ba: mỗi giải 700.000VND (bảy trăm nghìn đồng)
                        +Hai giải triển vọng: mỗi giải 500.000VND (năm trăm nghìn đồng)
            -Thơ:
                        +Một giả nhất: 1000.000VND (một triệu đồng)
                        +Hai giải nhì: mỗi giải 700.000VND (bảy trăm nghìn đồng)
                        +Hai giải ba: mỗi giải 500.000VND (năm trăm nghìn đồng)
                        +Hai giải triển vọng: mỗi giải 300.000VND (ba trăm nghìn đồng)
7/ Thời gian phát động- kết thúc:
            -Thời gian nhận bài: Bắt đầu từ ngày 01.03.2017 đến ngày 01.07.2017.
            -Thời gian công bố giải thưởng cuối tháng 07.2017.
           -Thời gian trao giải: Dự kiến vào cuối tháng 8.2017.
8/ Bài tham gia dự thi xin gửi về địa chỉ:
          – Email: thadxuanson@yahoo.com
         
          – Mọi liên lạc xin liên hệ: Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn
                                      75 Đào duy Từ – Tân Sơn – Pleiku – Gia lai
          – Điện thoại: 0907 146 832 hoặc 016 4422 5777
                                                                             Tiên Sơn, ngày 16/02/2017
                                                                             Tm/ Ban Mục Vụ văn Hóa
                                                                             Linh mục Ta đêô Võ Xuân Sơn
Nguồn: giaophankontum.com
18/02/2017

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA TẠI NHÀ THỜ CHÁNH TÒA NHA TRANG


Hôm nay, 18.02.2017, với tâm tình tiếc thương và chia sẻ, giáo dân khắp nơi trong và ngoài Giáo phận đã tề tựu về Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang để kính viếng lần cuối và hiệp dâng lời cầu nguyện cho Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Nguyên Giám mục giáo phận Nha Trang, trong Thánh Lễ An Táng vào lúc 9g00. Giáo phận Nha Trang mừng kỉ niệm 60 năm Thành lập và phát triển (1957-2017) thì đã có đến 42 năm in đậm dấu ấn của người mục tử Phaolô.

LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA

 
 Đức Cha Phaolô được Chúa gọi về lúc 20g00 ngày 14.2.2017. Linh cữu của ngài được quàn tại Tòa Giám Mục 3 ngày để các tín hữu kính viếng và cầu nguyện. Vào lúc 5g00 sáng nay, Cha GB. Ngô Đình Tiến đã chủ sự Thánh lễ đồng tế và nghi thức nhập quan cho Đức Cha. 8g30, di quan linh cữu Đức Cha từ Tòa Giám Mục về Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang. Đức Cha Phaolô được an táng trong mộ phần nằm trước tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức bên phía quảng trường Ave Maria.
 
Nhà  Thờ Chánh Tòa Nha Trang hôm nay trầm mặc u buồn với những băng – rôn hoa tím, trắng đan xen với cờ tang hàng rào danh dự của các nữ tu và chủng sinh;  nhưng đồng thời lại thật ấm cúng vì tình huynh đệ yêu thương nơi Đức Hồng Y, các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ, chủng sinh, Ân – Thân nhân của Đức Cha Phaolô cùng với cộng đoàn dân Chúa quây quần cùng dâng thánh lễ lần cuối và tiễn biệt Đức Cha kính yêu yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Tại cung thánh Nhà thờ Chính Tòa này, bao nhiêu lần Đức Cha Phaolô đã chủ sự dâng thánh lễ, hôm nay ngài hiện diện giữa cộng đoàn như một của lễ tốt lành dâng lên Chúa. Nhạc khúc “Trăm triệu lời ca” do chính Đức Cha sáng tác vang lên tựa như ca đoàn các thiên thần cùng với Đức Cha Phaolô và cộng đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

Hiện diện trong Thánh lễ an táng ước lượng có trên 5.000 tín hữu, trong lòng Nhà thờ, khuôn viên Nhà thờ và ngay tại quảng trường Ave Maria. Quan tài của Đức cha Phaolô được đặt trang trọng ở cung thánh, bên cạnh cây nến Phục sinh. Thật xúc động khi thấy khoảng 500 Linh mục phẩm phục tím ở tại các hàng ghế trong Nhà thờ như bao quanh Đức cha Phaolô; đoàn rước các Đức Giám mục Chủ chăn của 26 Giáo phận trong Giáo hội Việt Nam tiến vào Nhà thờ giữa bản thánh ca trầm hùng ‘’ Trăm triệu lời ca ‘’. Hiện diện trong dịp lễ an táng nầy có 30 vị Giám mục, trong đó, ngoài Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện của Tòa thánh tại Việt Nam, có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà nội, nguyên chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Phaolô Bùi văn Đọc, Tổng giám mục Saigon, nguyên chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Huế, đương kim Chủ tịch HĐGMVN.

 
 
Mở đầu thánh lễ an táng, một linh mục tuyên đọc tiểu sử và di chúc của Đức Cha Phaolô. Tiếp theo một linh mục đọc các điện văn phân ưu của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Hội Đồng Tòa Thánh . Đức Hồng Y thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ niềm thương nhớ đến Đức Cha Phaolô: một người cha, một người thầy và là một người bạn trong hàng Giám Mục. Đức Cha ra đi là một mất mát lớn đối với Giáo Hội Công giáo Việt Nam và nhất là với Giáo Phận Nha Trang. Nhưng trong niềm tin vào Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta tin chắc linh hồn của Ngài sớm được hưởng tôn nhan Chúa.

Trong bài giảng Đức Hồng y đã  liên hệ các bài đọc trong sách Khôn Ngoan, thư Thánh Phaolô và Tin Mừng theo vào cuộc đời của Đức Cha Phaolô.

“Kính thưa cộng đoàn, chúng ta đang sống trong một biến cố có thể coi là biến cố duy nhất trong cuộc đời chúng ta. Và biến cố này, cách này hay cách khác sẽ ảnh hưởng đến hướng đi trong cuộc đời chúng ta. Thế nên tôi đề nghị với cộng đoàn hãy để cho Chúa nói với chúng ta. Chúng ta đã nghe lời nói của thế gian quá nhiều thì ít nhất cũng có một giây phút nào ta hãy dành riêng cho Chúa. Xin Ngài hãy ban Thánh Thần cho chúng ta. 

Khởi đầu chúng ta nghe sách Khôn Ngoan đã khẳng định một điều không dễ gì khẳng định được. Vào cái thời thế kỉ thứ II, thứ I trước Chúa Giáng Sinh là thời mà người ta cũng như ngày nay rất ưu tư khắc khoải tự hỏi rằng: Tại sao lại có đau khổ? Tại sao lại có sự chết? Và chết rồi thì đi đâu? Tác giả của đoạn sách Khôn Ngoan này là một người Do Thái nhưng sống ở trong nền văn hóa của Ai cập và dĩ nhiên nếu không có ơn của Chúa thì không thể khẳng định điều chúng ta vừa nghe “linh hồn người công chính ở trong tay Chúa”. Và nếu chúng ta xác định được điều đó, thưa anh chị em, cuộc sống của chúng ta đã có câu trả lời. Tại sao lại có đau khổ? Tại sao lại có sự chết? Và chết rồi thì chúng ta đi đâu? Bởi vì đối với Thiên Chúa thì chúng ta vẫn sống, chúng ta vẫn sống mãi và hưởng bình an trong Chúa. Vậy làm thế nào để có thể có bình an trong Chúa? Thưa hãy đọc tiếp thư Thứ 2 của thánh Phaolô Tông đồ gởi Timothêo cũng là sự lý giải về đau khổ của những ai nghe Chúa, theo Chúa và nói chung ta có thể gọi đó là các Tông đồ của Chúa. Về điều này, tôi nghĩ rằng anh chị em còn nhiều hơn tôi nữa tìm được câu trả lời trong cuộc sống của Đức Cha Phaolô. Tôi thấy, câu mà chúng ta vừa nghe: “Tôi cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được hưởng vinh quang muôn đời”. Thánh Phaolô ngài đã khẳng định thập giá ngài phải vác chịu. Thập giá do Thiên Chúa nhưng còn có thập giá do anh em của ngài đã đặt ra. Thập giá do miệng lưỡi chống đối ngài đã đè lên trên vai ngài. Ngài biết những điều đó và ngài đã cam chịu. 

Thưa anh chị em, từ năm 1978, Đức Cha Phaolô đã có sáng kiến cho cả giáo phận mỗi Chúa Chật công bố Lời Chúa, học và sống Lời Chúa mà chúng ta gọi là Bài ca Ý Lực. Mà cho tới ngày hôm nay, lời Chúa được tuyển chọn trong ngày Chúa Nhật và được lập đi lập lại trong cả tuần như thế để nuôi dưỡng dân Chúa. Tôi nghĩ phải có một niềm tin và một cái sự cảm nghiệm sâu xa chứ không phải chỉ là một nhạc sĩ. Mà là nhạc sĩ này đã bị hớp hồn, đã được gợi ý từ  Lời Chúa để có thể kiên trì trong mấy năm trời để làm các bài ca Ý Lực Sống để nuôi dưỡng cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận. Và cũng vì chính ngài cũng hiểu được rằng ngài cũng phải theo gương của Chúa nên ngài đã cần mẫn, ngài đã nhịn nhục, chịu khó để nuôi dưỡng dân chúa. Không phải chỉ là một cộng đoàn nhưng là tất cả những ai mà ngài đã được sai đến để phục vụ. 

Và có thể nói như tiểu sử của ngài đã minh chứng, từ trước đến giờ chưa một Giám mục nào đã nhận lãnh nhiều trách nhiệm trong HĐGM như Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa. Và nhất là khi nhận trách nhiệm nào thì ngài cũng trung thành, ngài cũng kiên trì, ngài rất khiêm tốn để thực hiện những nhiệm vụ đó. Ví dụ, có lần ngài đưa tôi đến gặp Bộ Tu sĩ vì lúc bấy giờ ở GHVN có một vấn đề đó là sự kiện các Hội Dòng từ miền bắc vào miền Nam. Rồi thì trở thành cộng đoàn tu sĩ của miền Nam. Rồi thì cũng có những tu sĩ của hội dòng đó ở lại miền Bắc. Thế thì làm sao để xử lý hai hội dòng. Và nhiều lắm anh chị em thấy, tôi nghĩ rằng Thánh hóa với Đà Lạt, hay là Phát Diệm đối với Thánh Tâm, nhiều lắm vấn đề của 2 hội dòng. Nhưng giây phút đó Đức Cha Phaolô đã đưa tôi đến gặp Bộ Tu sĩ và từ đó một ánh sáng lóe ra  biết để làm thế nào để các hội dòng nữ và nam có thể hiện diện với tất cả ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi và bản chất của mình khi thực hiện. Và qua việc đó cho tôi thấy được ngài là một người mục tử hoàn toàn kiên nhẫn, khiêm tốn vì lợi ích của giáo hội. 

Tôi cũng được 2 lần ngài đưa đi để đối thoại với anh em Tin Lành và Phật giáo. Có thể nói rằng có nhiều sự xung khắc và khó để tìm ra một tư tưởng chung. Nhưng chính bằng sự khiêm tốn, hòa giải mà ngài đã thực hiện được điều đó nhưng ngài vẫn giữ vững về chân lý, về niềm tin và con đường đi của mình. Chúng ta thấy, đó là lúc ngài để cho Chúa thánh Thần hướng dẫn trong sự thật như châm ngôn của ngài. 

Rồi thì không phải là dễ để sống và thi hành nhiệm vụ đó. Phúc Âm Thánh Gioan nói với chúng ta, “Nếu hạt lúa mì chết đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt. Còn nếu nó cứ trơ trơ thì nó chẳng sinh lợi được cái gì”. Chính tinh thần đó, linh đạo đó đã giúp cho cuộc đời 42 năm giám mục của ngài liên tục. Chúng ta thấy không có giây phút nào, kể cả khi ngài được nghỉ hưu thì ngài về ở đại chủng viện và ngài vẫn tiếp tục tinh thần phục vụ đó. Ngài đã chọn châm ngôn “Trong tinh thần và chân lý”, châm ngôn này có thể nói được trích ra từ cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria và cuộc đối thoại dẫn đưa chúng ta đến cuộc thờ phượng mới cho những ai đã lãnh nhận Thần khí giúp họ trở nên con Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng đó chính là cái mầm mống, chính là cái căn bản để giúp ngài có những bài hát bất hủ. Dường như ngày nay nơi nào hát “Trăm triệu lới ca” thì dứt khoát nghĩ đến Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa. Và có thể nói cả Giáo hội Việt Nam mang ơn ngài mỗi lần hát bộ lễ Seraphim. Bộ lễ đơn giản cảm hứng từ bình ca nhưng xuất phát từ lòng yêu mến Giáo Hội. Khi đón nhận bản văn mới, ngài là người đầu tiên, ngài trung thành và sửa chữa ngay cả bộ lễ đó và đặc biệt trong Kinh Tin Kính. Tôi thấy rằng một tâm hồn như vậy thì phải là một tâm hồn rất là khiêm tốn, rất là tin tưởng bằng không thì khẳng định tôi đã viết như thế là như thế. Cũng may là ngài đã thích ứng tất cả những điều đó để khi chúng ta hát thì chúng ta tin rằng chúng ta vừa diễn tả vẻ đẹp đồng thời chúng ta cũng trung thành với những giáo huấn của Hội thánh. 

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Thánh lễ Tạ ơn Hồng ân Tử đạo của Chân phước Gioan Baotixita Malo tại giáo xứ Vĩnh Hội (8h ngày 16/02/2017)


Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Gm Gp Vinh chủ tế,
Đức cha Phêrô Nguyễn văn Viên, Gm phụ tá Gp Vinh,
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Gm Gp Kontum giảng lễ.


Cha Gioan Baotixita Malo sinh ngày 02 tháng 06 năm 1899 tại Grigonnais (Loire – Atlantique, Pháp); Ngài được rửa tội cùng ngày tại nhà thờ giáo xứ thuộc giáo phận Nantes. Sau khi học cấp 1 tại Puceul, ngài đã học cấp 2 tại trường Các thánh Tông đồ Saint-Lô (Manche). Ơn gọi linh mục của ngài khá trễ, vì những lí do gia đình: ngài vào chủng viện Hội Truyền Giáo ngày 15 tháng 9 năm 1928, lúc ngài 29 tuổi. Ngài được thụ phong linh mục ngày 01 tháng 07 năm 1934 và ngày 16 tháng 9, ngài khởi hành bước đường truyền giáo ở Lonlong (Anlong, Guizhou), Trung Quốc.

Cha Gioan Baotixita Malo qua đời vào ngày Chúa nhật, ngày 28 tháng 3 năm 1954 trên một chiếc thuyền tại sông Ngàn Sâu thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Thi hài của ngài hiện được an táng tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Vĩnh Hội, hạt Ngàn Sâu, giáo phận Vinh.

Cha Gioan Baotixita Malo được tôn phong lên hàng Chân phước vào ngày Chúa nhật 11-12-2016 tại nhà thờ Chính toà Viêng Chăn, Lào.

Thánh lễ Tạ ơn sẽ được cử hành vào lúc 9h30' tại nhà thờ giáo xứ Vĩnh Hội, giáo hạt Ngàn Sâu, giáo phận Vinh.
CHƯƠNG TRÌNH

Ngày 16/02/2017:

- 8h00': Diễn Nguyện
- 9h30': Thánh Lễ Tạ Ơn





BTT Gp. Vinh
Nguồn: http://giaophanvinh.net


Đọc thêm:

-Lời phát biểu của vị Đại diện Sứ Quán nước Pháp tại Thánh Lễ tạ ơn chân phước Gioanbaotixita Malo

Bài Chia Sẻ Của Đức TGM Leopoldo Girelli Lễ Chân Phước Gioan Baotixita Malo, Tử Đạo, Gx Vĩnh Hội, Gp Vinh



Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli Đại Diện Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Việt Nam bị ngăn cấm tham dự Lễ Tạ ơn mừng Hồng ân Tử đạo của Chân phước GB. Malo tại Gx. Vĩnh Hội, Gp. Vinh.
#GNsP - Ngày 16.02.2017, Giáo phận Vinh Long trọng tổ chức thánh lễ tạ ơn mừng Hồng ân tử đạo của chân phước GB. Malô tại giáo xứ Vĩnh Hội. Mặc dù đang hiện diện ở giáo phận Vinh nhưng Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cấm đến tham dự thánh lễ.
Trong lá thư gửi cộng đoàn dân Chúa tham dự thánh lễ, ngài viết: Hôm nay thật là dịp rất đặc biệt, rất quan trọng và tôi rất muốn hiện diện nơi đây để cầu nguyện cùng anh chị em. Tiếc rằng, tôi bị ngăn cấm tới Vĩnh Hội, mặc dù hiện tại tôi đang ở Vinh."
Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của Đức TGM Leopoldo Gireli:
Bài Chia Sẻ Của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli

Đại Diện Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Việt Nam

Lễ Chân Phước Gioan Baotixita Malo, Tử Đạo
Xứ Vĩnh Hội, Giáo Phận Vinh
Ngày 16 tháng 2 năm 2017
Kính thưa tất cả mọi người đang qui tụ tại Vĩnh Hội,
Hôm nay thật là dịp rất đặc biệt, rất quan trọng và tôi rất muốn hiện diện nơi đây để cầu nguyện cùng anh chị em. Tiếc rằng, tôi bị ngăn cấm tới Vĩnh Hội, mặc dù hiện tại tôi đang ở Vinh.
Anh chị em qui tụ nơi đây để tưởng nhớ cha thánh Gioan Baotixita Malo, một trong những vị thánh tử đạo của Lào được Giáo Hội tuyên phong vừa qua.
Anh chị em qui tụ ở Vĩnh Hội, vì nơi đây có mộ của ngài, biểu tượng sống động của cuộc tử đạo.
Cha thánh Malo là nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa Sai Paris, công dân của nước Pháp cao quí, người con yêu dấu của Giáo Hội Công Giáo Pháp.
Tôi muốn gửi lời chào tới ngài Rémi Lambert, đại diện Đại Sứ Pháp tại Việt Nam, ngài tỏ lòng trân quí đối với chúng ta bằng sự hiện diện trong thánh lễ này.
Tôi xin cảm ơn Đức Cha Phaolô về việc tổ chức biến cố này. Tôi xin gửi lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Quí Đức Cha, Quí Cha thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), Quí Cha, Quí Thầy, Quí Sơ trong và ngoài nước Việt Nam cũng như tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây và những ai đang thành tâm dõi theo biến cố này qua các phương tiện truyền thông.
Đâu là sứ điệp chúng ta có được từ cha thánh Malo và cuộc tử đạo của ngài?
Chúng ta có thể nhận thấy ở đây 3 chiều kích của sứ điệp. Trước hết, cha Malo yêu mến Châu Á. Cha đã rời đất nước thân yêu của mình đến Trung Quốc và trải qua 18 năm ở đó để loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô và giúp đỡ những người nghèo khổ.
Khi cha bị trục xuất khỏi Trung Quốc, cha đã không rời bỏ đại lục Châu Á này. Cha đã tới Lào và sống ở đó 16 tháng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Cha Malo yêu Châu Á và yêu miền đất Đông Dương này. Cha đã trở nên người Trung Quốc với những người Trung Quốc, trở nên người Lào với những người Lào. Quả thật, một vị tử đạo không chỉ chết cho Thiên Chúa mà còn chết cho những người mà mình hằng yêu mến.
Cha Malo là nhà truyền giáo. Cha là sứ giả của Đức Giê-su Ki-tô, như bao sứ giả khác, cha luôn nay đây mai đó trong toàn bộ cuộc sống loan báo Tin Mừng của mình.
Thật ‎ý nghĩa rằng cha đã chết trên đường đi, do kiệt sức trong hành trình dài và thảm khốc tới Giáo Phận Vinh.
Cha Malo chết vì thân xác tiều tụy. Sự chết của cha không do một hành động tàn bạo. Cha không đổ máu như các vị tử đạo khác, bởi vì, một cách biểu trưng, cha không còn máu trong hệ thống tuần hoàn nữa; do đó, chúng ta có thể nói rằng đây là cuộc tử đạo không đổ máu.
Cha Malo được mai táng bên bờ Sông Ngàn Sâu thuộc tỉnh Hà Tĩnh này. Quả thật, biến cố tử đạo của cha tương tự biến cố thả lưới nhiệm mầu chỗ nước sâu, được thể hiện trong ý nghĩa của cái tên ‘Ngàn Sâu’.
Từ bờ Sông Ngàn Sâu, sự chết của cha trở nên nguồn mạch dồi dào nảy sinh nhiều Ki-tô hữu, như dòng sông tưới nước lên miền đất màu mỡ của tỉnh Hà Tĩnh này.
Tình yêu Châu Á, hành trình truyền giáo và hoa trái tử đạo của Cha Malo để lại cho chúng ta mẫu gương theo thánh ‎ý Thiên Chúa, và sức mạnh để làm chứng cho Đức Giê-su Ki-tô và các giá trị Ki-tô giáo trong hoàn cảnh khó khăn.
Thiên Chúa có chương trình của Người cho Giáo Hội tại Việt Nam, nhưng Người cần anh chị em cộng tác thực hiện. Tương lai của Giáo Hội lệ thuộc vào anh chị em và đức tin của anh chị em.
Tôi cũng nhận thức được những thách đố mà anh chị em đang gặp phải. Sự trung tín của anh chị em đối với các nguyên l‎ý Ki-tô giáo bị thử thách trên nhiều phương diện, trong đó có tiến trình tục hóa và sự giới hạn tự do khi anh chị em thực hành đức tin của mình.
Xét cho cùng, tình yêu luôn đem đến vinh thắng, tình yêu không bao giờ bị đánh bại: Hãy yêu Thiên Chúa, yêu Châu Á, yêu tổ quốc của anh chị em.
Tình yêu này là thực tại mà cha thánh hiển vinh Gioan Baotixita Malo thông truyền cho chúng ta. Tình yêu là thực tại mà Việt Nam và Lào cần xây dựng tương lai của mình trong bầu khí hòa bình.
Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả anh chị em!
Leopoldo Girelli

Chiến tranh biên giới 02/1979 không thể nào quên


Nhớ mãi không thể nào quên: Tháng 2/1979 tụi mình đang học lớp 6 THCS Lý Tự Trọng Kontum (niên khóa 1978-1979), Hiệu trưởng là thầy Lê Văn Côn; sang lớp 7 (niên khóa 1979-1980) hiệu trưởng là thầy Nguyễn Hà Quế. Mình là lớp phó văn thể mỹ (6A&7A...). Đến bây giờ vẫn còn nhớ không khí sôi sục chống bọn bành trướng bá quyyền TQ, những buổi meeting diễu hành quanh thị xã Kontum do các thầy cô hướng dẫn, Lúc đó mình và các bạn hô to: "Đả đảo bọn bành trướng bá quyền TQ!" - "Đả đảo, đả đảo!", "VN tự do độc lập muôn năm!" - "Muôn năm, muôn năm!"...Rồi những bài hát vang lên trong sân trường, trong lớp học, trên loa phát thanh: [- Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới - Tuổi trẻ Lê Đình Chinh - Từng đôi mắt mang hình viên đạn - Chiều dài biên giới - Chiều biên giới - Hát về Anh người chiến sĩ biên cương...] Bây giờ nghe lại những bài ấy vẫn thấy tâm hồn xốn xang...



MỜI ĐỌC THÊM :


Kontumquehuongtoi 17/02/2017

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

KHAI SINH BỘ LỄ SERAPHIM, BÀI THƯƠNG KHÓ VÀ EXSULTET tại nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt


Đức cha Phao Lô Nguyễn Văn Hòa

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Cuối năm 1963, sau khi đi họp Công đồng Vaticanô II (kỳ II/5) về, Đức cha Hiền, giám mục Đàlạt, kêu tôi tới Tòa giám Mục để Ngài vừa thông tin vừa ra lệnh: “ Hiến chế phụng vụ là văn kiện đầu tiên của Công đồng vừa được công bố, trong đó Giáo Hội cải tổ phụng vụ sao cho có thể giúp giáo dân tham dự tích cực vào các lễ nghi phụng vụ. Cho nên sắp tới, giáo hội sẽ cho hát lễ bằng tiếng Việt, cha liệu đặt nhạc cho tôi Kinh Thương xót, Vinh danh…”. “Dạ thưa Đức cha, vâng, con sẽ cố gắng hết sức”. Trở về nhà xứ Đàlạt tôi thấy lo lắng, băn khoăn. Nhưng Ngài ra lệnh rồi, không làm cũng không xong. Nhưng lấy bản văn nào mà đặt nhạc đây, vì bản dịch trong sách lễ của nhà xuất bản Hiện Tại, tái bản tại Sàigòn năm 1962 không phải là bản dịch chính thức. Rất may chỉ một tháng sau (1/1964) là có cuộc Hội nghị thường niên của các giám mục Việt Nam tại trung tâm Công giáo Sàigòn. Chiếu theo Hiến Chế Phụng Vụ số 22,2 nói về trách nhiệm của Hội đồng giám mục trong việc điều hành phụng vụ, các giám mục đã kiện toàn tổ chức Hội đồng giám mục bằng việc bầu ra một Chủ tịch và hai Tổng thư ký. Công việc tiếp theo của Hội nghị là “ủy nhiệm cho các cha giáo sư Đại chủng việc Sàigòn tổ chức và điều hành Ủy ban Phụng vụ toàn quốc”. Các vị này đã mau chóng bắt tay vào việc. Sau một thời gian ngắn, từ Sàigòn người ta đã gửi cho tôi bản dịch phần thường lễ. Giáo hội Việt Nam hưởng ứng các quyết định của Công đồng mau mắn như vậy đó.

Khi bắt đầu soạn nhạc thì không thấy khó như mình tưởng. Tôi viết một mạch từ đầu tới cuối, hầu như không có sửa chữa. Viết xong thì lại nhận được bản dịch mới từ Sàigòn gửi ra Đàlạt, có sửa lại vài chữ. Không sao cả, tôi điều chỉnh lại bản nhạc rất nhanh, và bản nhạc mới còn khá hơn bản trước nữa. Tôi nhờ mấy người trong ca đoàn Seraphim lo giúp thu âm vào băng nhựa (cassette): anh Sơn, anh Minh lo máy ghi âm, còn cô Thủy thì lo hát. Tiếng hát thật tốt và đúng tâm tình cầu nguyện. Do gợi ý của mấy anh chị ca đoàn, tôi đặt tên tác phẩm này là Bộ lễ Séraphim. Tôi đem cuốn băng cassette báo cáo cho Đức cha Hiền. Đức cha cho nhiều cha nghe để đánh giá và góp ý: cha Lập viện trưởng Đại học Đàlạt, các cha trong ban giám đốc Giáo Hoàng học viện, cha Dulucq dòng Lazariste và một số các cha khác, không thấy ai góp ý gì, tất cả đều đồng ý cho sử dụng. Thế là cha Ngà cho hát tại nhà thờ Chánh tòa Đàlạt. Dân chúng nghe rất mau thuộc.

Bộ lễ này vẫn được hát như thế từ năm 1964 cho đến nay (2011), trừ một vài thay đổi nhỏ thể theo bản dịch năm 2005 của Hội đồng giám mục Việt Nam.
Thế rồi việc phải đến sẽ đến. Vào mùa chay năm 1965, Đức cha Hiền lại kêu tôi sang Tòa giám mục: “Lần trước cha viết bộ lễ được lắm đấy, vừa trang trọng, đơn giản như một bài bình ca, lại vừa rất tự nhiên trong giọng điệu tiếng Việt. Lần này cha viết cho tôi các bài thương khó, để lễ Lá tới đây ta hát cho giáo dân tham dự sốt sắng”. Tôi chậm rãi: “ Thưa Đức cha, bộ lễ thì tương đối dễ, chứ Bài Thương Khó thì khó lắm”
Tôi trở về nhà xứ Đàlạt, băn khoăn hơn lần trước. Vì dù sao thì bộ lễ cũng có bản dịch chính thức của Ủy Ban Phụng tự, chứ Bài Thương Khó thì Ủy Ban vừa mới thành lập đâu đã dịch kịp được, Ủy Ban còn biết bao nhiêu việc khác cần hơn. Thôi, tôi cứ bằng lòng với bản dịch Bài Thương Khó trong sách lễ Hiện Tại vậy. Thế là tôi lại dấn thân vào một cuộc mạo hiểm thứ 2.

Tôi lên Giáo Hoàng học viện mượn cuốn Bài Thương Khó bằng tiếng Latinh về nghiên cứu. Tôi nhận ra rằng các nhân vật trong cuộc thương khó có thể xếp thành ba vai: 1/ Người kể chuyện, 2/ Chúa Giêsu, 3/ Tất cả các người khác như: Phêrô, Giuđa, Philato, Thượng tế… cả 3 vai đều dùng quãng ba thứ: Người kể dùng La-Do, Chúa Giêsu dùng Re-Fa thấp, còn các người khác dùng Re-Fa cao. Quãng ba thứ lại rất thích hợp với cung đọc kinh mùa thương khó của giáo dân Việt Nam. Giọng kể hay nói của mỗi vai cứ lượn lên lượn xuống theo quãng ba như trên một cái xà ngang, một trục ngang. Cả ba vai đều không dùng công thức khởi đầu, nhưng mỗi vai đều có công thức kết thúc khác nhau. Thế là tôi đã tìm được cái chìa khóa để mở vào căn nhà Thương khó. Không ngờ giải pháp đó đã bước đầu đáp ứng nhu cầu. Ngày lễ Lá năm 1965, lần đầu tiên một Bài Thương Khó tiếng Việt được hát lên trong nhà thờ Chánh tòa Đàlạt, mà vai Chúa Giêsu lại chính là Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Giọng Ngài trầm ấm rất thích hợp với vai này. Giáo dân ai cũng phấn khởi vì cũng được tham gia hát thoải mái trong vai cộng đồng.

Sau lễ Lá, Đức cha Hiền lại gọi tôi: “Cứ theo kiểu này, cha soạn tiếp cho tôi bài Exsultet (Mừng vui lên) tức bài công bố tin mừng Phục Sinh, hát vào đêm thứ bảy Tuần Thánh.
Quả đây là một bài toán hóc búa. Vì bản bình ca tiếng Latinh có nét nhạc rất trang trọng, rất hay, nhưng cũng rất phức tạp. Nó vừa có giọng kể chuyện, công thức khởi đầu, công thức giữa câu, công thức kết. Đối với tiếng ngoại quốc (Latinh, Ý, Anh hay Pháp) thì công thức gì cũng không thành vấn đề, nhưng đối với tiếng Việt thì… Lạy Chúa tôi! Tôi cũng vẫn phải dùng bản dịch của sách lễ Hiện Tại, là bản dịch duy nhất có vào thời điểm này. Vì chưa tìm ra được một lối hát tương đương theo cung cách dân tộc, nên tôi vẫn phải dùng giọng kể chuyện theo quãng ba thứ và thích ứng các công thức nương theo lối hát bình ca của tiếng Latinh, là lối hát đã trải qua trên cả ngàn năm kinh nghiệm. Tôi sợ rằng nhiều linh mục và phó tế sẽ vất vả lắm khi phải hát bài này. Và quả thật, các cha phó ở nhà thờ Chánh tòa đều ái ngại khi nhìn thấy bản hát.
Cuối cùng chính tôi cũng phải đảm nhận hát bài này lần đầu tiên tại nhà thờ xứ Thánh Nicola Đàlạt trong nghi thức vọng Phục Sinh năm 1965.

Ghi lại ngày 01/09/2011, tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang
Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Nguyên phó xứ Chánh tòa Đàlạt
Nguyên giám mục Nha Trang

(Trích tập san NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG SERAPHIM)
Seraphim Dalat

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt
________________________________

Bộ lễ Sêraphim

Bài Thương khó (Passio) 
(Đức Tổng Stêphanô Nguyễn Như Thể hát)

Công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet)
(Cha Kim Long hát)

Kontumquehuongtoi 16/02/2017

Cáo phó Giáo phận Nha Trang


Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang, đã được về cùng Chúa lúc 20g00, thứ Ba ngày 14 tháng 2 năm 2017, tại Tòa Giám Mục Nha Trang, Hưởng thọ 86 tuổi, 58 năm Linh mục, 42 năm Giám mục.



CÁO PHÓ

TRONG NIỀM TIN YÊU VÀO ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

GIÁO PHẬN NHA TRANG TRÂN TRỌNG KÍNH BÁO
ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA




nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang đã được về cùng Chúa
Lúc 20g00, thứ Ba ngày 14 tháng 2 năm 2017
tại Tòa Giám Mục Nha Trang
Hưởng thọ 86 tuổi,
58 năm Linh mục, 42 năm Giám mục

Thánh lễ an táng vào lúc 9g00 sáng thứ Bảy, ngày 18 tháng 2 năm 2017
Tại Tòa Giám Mục Nha Trang
22 Trần Phú, Nha Trang

=============

TIỂU SỬ ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA

Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa
sinh ngày 20.07.1931, tại Bối Kênh, Bình Lục, Hà Nam.
1945-1954: học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Đông và Tiểu Chủng viện Piô XII, Hà Nội.
1955- 1956: học Đại Chủng viện Xuân Bích, Vĩnh Long.
1956 –1960: Du học tại Đại Chủng viện Propaganda Fide, Roma – Italia.
1958 : Nhập tịch Giáo phận Đà Lạt .
20.12.1959: Thụ phong Linh mục tại Roma do Đức Hồng y Pietro Agagianian, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo.
1960-1963: học Thần học tại Đại học Urbaniana và Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc, Roma – Italia
tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học và Cử nhân Thánh nhạc.
1963 : về Việt Nam, được Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đalat, bổ nhiệm làm linh mục phó xứ Chánh Tòa Đà Lạt , kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Trí Đức, Đalat.
1968 : gia nhập Giáo phận Ban Mê Thuột, được Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai bổ nhiệm làm Thư ký Toà Giám mục, đồng thời kiêm nhiệm  Linh hướng Dòng Nữ Vương Hoà Bình, Ban Mê Thuột.
30.01.1975: được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phan Thiết.
Ngài chọn khẩu hiệu ‘’ Trong Tinh thần và Chân lý ‘’ làm châm ngôn mục vụ.
05.04.1975: được Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, tấn phong Giám mục  tại Tòa giám mục Ban Mê Thuột; hiện diện trong lễ tấn phong, có Linh mục Giuse Trịnh Chính Trực.
24.04.1975: được Đức Thánh Cha Phaolô VI thuyên chuyển làm Giám mục Giáo phận Nha Trang.
25.05.1975: nhận Tòa Tông đồ tại nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang.
17.05.2006 -21.02.2009: Giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột
04.12.2009: Toà thánh chấp nhận nghỉ hưu vì lý do tuổi tác.
2009- nay: Nghỉ dưỡng tại Đại chủng viện Sao Biển và Nhà Nghỉ Dưỡng Linh Mục Giáo phận.
20g00 ngày 14.02.2017 an nghỉ trong Chúa tại Tòa Giám Mục Nha Trang.

Trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

1989 – 1995: Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh vào nhiệm kỳ IV và V.
1995 – 2001: Phó Chủ tịch II của HĐGMVN vào nhiệm kỳ VI và VII.
1998 - 2001 và 2007-2010: Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Thánh nhạc vào nhiệm kỳ VII và X
2001-2007: Chủ tịch HĐGMVN vào nhiệm kỳ VIII và IX.
1998 – 2009: thành viên Ủy ban về Á châu của Toà Thánh hậu Thượng Hội đồng Giám mục về Á châu.

======

  1. CHƯƠNG TRÌNH DÂNG LỄ VÀ CẦU NGUYỆN
  • Thánh lễ tẩm liệm và phát tang:   Đức Cha Giuse chủ lễ, lúc 09g00  Cv Lâm Bích hát lễ

 THÁNH LỄ TRONG CÁC NGÀY KÍNH VIẾNG
 
 
Thứ ngàyGiờPhụ trách Thánh lễ
 Thứ 4 (15/2/2017)05g00Chủng viện Lâm Bích
 09g00 Chủng viện Lâm Bích
 10g00Hạt Ninh Hải
 15g00 Hạt Vạn Ninh
 17g00 Hạt Nha Trang
   
Thứ 5 (16/2/2017)05g00 Tòa Giám Mục
 08g00Hạt Cam Ranh
 10g00Hạt Ninh Sơn
 15g00 Hạt Ninh Phước
 17g00Hạt Diên Khánh
   
 Thứ 6 (17/2/2017)05g00Chủng viện Lâm Bích
 08g00Các dòng tu giáo sĩ
 10g00 Hạt Phan Rang
 15g00Hạt Cam Lâm
 17g00Quí linh mục thân tộc và linh tông
   
 Thứ 7 (18/2/2017)05g00Chủng viện Lâm Bích

***        THÁNH LỄ AN TÁNG
                Chủ lễ và giảng lễ : Đức Hồng Y PHÊRÔ, TGM Hà Nội
                Giúp lễ và hát lễ:      ĐCV Sao Biển
                Giờ lễ: 09g00
                Nơi cử hành: Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang

  • Hàng ngày, sau các giờ thánh lễ, nếu không có các đoàn kính viếng,  sẽ có các giờ cầu nguyện cho đến 21g00 – Các Giáo xứ, các Hội Dòng và đoàn thể có thể đăng ký để xếp phiên.

Tác giả bài viết: Vp. TGM
http://giaophannhatrang.org