Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

KON TUM: KỶ NIỆM 100 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, PHÁ BỎ CHỨNG TÍCH 100 NĂM TUỔI !



Mấy tuần nay nhiều người dân Kon Tum buồn sâu sắc. Buồn cho Kon Tum mình, dần dần cái hồn quê hương dường như càng ngày càng bị sứt mẻ. Để chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (9/2/1913-9/2/2013), người ta đã chặt bỏ đi hàng chục cây cổ thụ phía đầu cầu Đăk Bla, cửa ngõ vào thành phố Kon Tum, gồm những cây dông, cây xà cừ, cây cầy (kơnia) lâu năm. Trong số đó có 2 cây Dông gần trăm tuổi, phía trước Khách sạn Đăk Bla, đã đứng đó nơi đầu ngõ thành phố, dãi dầu năm tháng làm chứng tích cho bao thăng trầm của phố núi nhỏ bé yên bình này.

Ngày xưa còn nhỏ, tôi nghe ông nội tôi (mất 1975 ở tuổi 96) kể rằng : những gốc Dông ấy được trồng từ khi người ta xây dựng nhà Quản Đạo. Vào năm 1928 (ngày 20/8), Nam Triều đã lập nên Đạo Kon Tum, trên cơ sở hợp nhất Phủ Kon Tum và Huyện Tân An (thuộc huyện An Khê), và đặt tri phủ lúc đó là ông Phùng Duy Cần làm quản đạo đầu tiên. Dinh Quản Đạo đã được xây dựng để làm nơi làm việc cho quan quyền. Người ta đã trồng một hàng dông trước Dinh, giống cây này sống lâu năm, tàn lá rộng, thân có gai nhỏ chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt. Sang năm 1929 (ngày 3/12), thị xã (centre urbain) Kon Tum được thành lập, hàng dông trở thành “cư dân” thành thị, và với hơn 80 năm tuổi, những “lão cây dông” này đáng tự hào về sức dẻo dai, so với bất kỳ “công trình” có tuổi nào trong thành phố Kon Tum hiện nay.

Thật vậy, qua thời gian, Dinh Quản Đạo đã không còn vết tích từ lâu, cầu Đăk Bla cũng thay đổi diện mạo hơn đôi lần, nhưng hàng dông thì vẫn còn đó, thách thức cùng năm tháng. Đến khi một tượng đài được xây dựng gần gốc Dông, thì chỉ còn lại 2 cây Dông lớn nhất, tàn đẹp nhất, vẫn phe phẩy cùng mưa nắng dòng đời.

Không có người Kon Tum nào mà không biết đến địa danh “Gốc Dông” ở thành phố Kon Tum. (Còn một địa điểm gốc dông nữa chỗ gần ngã tư Trần Hưng Đạo-Phan Đình Phùng, hàng dông chỗ đó là trước Tòa Khâm Sứ thời xưa).  Nhớ thời bao cấp, “Gốc Dông” trở nên quen thuộc biết bao! Ai có việc phải đi Gia Lai, Bình Định, hay ngược lên Đăk Tô, Tân Cảnh .v.v. thì ra “Gốc Dông” mà đón xe. Gốc Dông trở nên điểm hội tụ để người ra đi xuôi ngược…, rồi ai ai cũng nhớ về Kon Tum da diết, chính nơi điểm mình đã xuất phát. Hiện thực đó ngày nay vẫn còn. Và vì vậy mà Gốc Dông còn là nơi qui tụ của cánh “xe ôm” dừng nơi đây để đón khách, dưới bóng râm giữa trưa nắng gắt hay chiều mưa phùn…

“Gốc Dông” mang hồn quê hương, đằm thắm tình nghĩa như vậy, sao con người nỡ vô tình ? Sao lại vô cảm nỡ chặt phá một chứng tích lịch sử ? Theo tin tức, đại diện chính quyền thành phố Kon Tum cho biết (ngày 11-9),  lý do phải chặt bỏ hàng chục cây cổ thụ này, gồm cả 2 gốc Dông, là để xây  dựng “đảo giao thông”, phân luồng giao thông…, vì khi cầu Đăk Bla (cầu thứ 2!) hoàn thành, nút giao thông đầu cầu – nơi nhiều tuyến đường đổ về (Phạm Văn Đồng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Huệ, Bạch Đằng, Trương Quang Trọng)…gây ùn tắc, dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông. Hơn nữa, những cây xanh này không thể di thực được nên không còn cách nào khác là phải chặt hạ (?!) (Theo Tuổi trẻ online ; Pháp luật Tp HCM)

(Ảnh: Tuổi trẻ online)
Gốc Dông bị chặt hạ không thương tiếc !

Phim tài liệu: Đi tìm bản sắc văn hóa dân làng Hồ




Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Vài nét về nhà Rông dân tộc Ba Na ở Kon Tum


Kon Tum là vùng đất có di sản văn hoá rất phong phú, ngoài những điểm du lịch độc đáo ra còn có những mái nhà rông mang màu sắc huyển bí nằm hài hoà với từng bản làng mang đậm nét hoang sơ giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ở đây chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những nhà rông đã hiện hữu gần 100 năm tuổi, trải qua bao mưa nắng và sự khốc liệt của chiến tranh, mái nhà rông của người đồng bào thiểu số luôn là biểu tượng cho ý chí, niềm tin và sức mạnh trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Đối với tộc người Ba Na, nhà rông là sản phẩm văn hoá vô giá, là biểu tượng niềm tự hào của họ. Kon Tum được coi là quê hương của nhà rông vì ở đó hội tụ sức mạnh cộng đồng, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian.
Mừng nhà Rông mới - Ảnh: D.Nương.

Trở về quá khứ, theo phong tục cổ truyền của dân tộc Ba Na, lúc bắt đầu xây dựng, già làng thông báo quyết định làm nhà rông cho tất cả thành viên trong làng được biết trước một năm để tập trung dân làng và chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yàng như để xin phép cho làng thực hiện. Lễ cúng Yàng bắt buộc phải có máu của ba con vật để hiến tế đó là heo, gà, dê và được bỏ vào ống lồ ô để cúng tế, mục đích của công việc này có ý nghĩa rất linh thiêng: Máu dê để trừ tà, máu heo thể hiện cho sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, còn máu gà thể hiện cho sự thành công trong mọi việc xây dựng, nói chung tất cả đều muốn đem lại sự bình yên cho buôn làng. Trong quá trình tổ chức xây dựng nhà rông của làng được thực hiện theo tinh thần dân chủ, tự nguyện, không khiên cưỡng, áp đặt nhưng bắt buộc mọi thành viên trong làng phải đóng góp bằng nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng hộ trong làng, người khá hơn thì đóng góp của, người không có thì góp công trong mọi việc của già làng đưa ra, và dĩ nhiên già làng phải là người có uy tín, có trí nhớ tốt và phải am hiểu về nhà rông của dân tộc mình.
 
Công việc đầu tiên đó là chọn địa điểm (thường là trung tâm của làng), già làng đảm nhận việc “nghiên cứu mẫu” và đưa ra quyết định cuối cùng, già làng cũng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mĩ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và tiền của. Thanh niên trai tráng khỏe mạnh lo việc cắt, vận chuyển gỗ, chọn những cây gỗ cứng và có khả năng không bị mối mọt (thường là gỗ càchit), những thanh niên này được chia ra thành nhóm, phân công tìm tre nứa, song mây... Những người già hơn phụ trách từng mảng riêng như đục đẽo kết cấu, tạo thẩm mĩ,.. những người này thường phải có kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà. Một việc bắt buộc đó là mỗi gia đình trong làng phải đóng góp đủ 01 bó tranh lớn ngay cả hộ của già làng cũng không ngoại lệ, việc này thường giao cho những người phụ nữ đảm nhiệm. Khi vật liệu đã đầy đủ dân làng bắt tay vào việc xây dựng từ lúc mặt trời mọc, nhà rông có thể làm ròng rã nhiều tháng nhưng 8 trụ lớn chính phải được hoàn tất trong ngày đầu, điều này thể hiện sự thành công may mắn cho công đoạn tiếp theo. Sau đó là việc làm khung, lên đòn tay, dàn giáo, rui, mè, lợp tranh, hầu hết là được buộc bằng dây mây rất vững chắc... mọi công việc phải trôi chảy và thông suốt do những bàn tay vạm vỡ của trai tráng và sự điều hành sáng suốt, tài giỏi của già làng. Thông thường một nhà rông truyền thống (cụ thể là rông làng Kon Gung - xã Đăk Ma - Huyện Đăk Hà) thường mất trên 1.175 cây gỗ các loại, chu vi từ 89cm đến 110cm, cây dàn dọc dài từ 10 - 12m và đường kính từ 10 - 15cm, sử dụng hơn 1.120 sợi dây mây, 1.554 tấm tranh (theo số liệu trong cuốn “nhà rông Bắc Tây Nguyên năm 1999”), tùy thuộc vào điều kiện và nhân lực của mỗi làng có thể hoàn thành từ 5 - 8 tháng ròng. Điều rất đặc trưng của người dân Banar trong xây dựng nhà rông là họ luôn làm việc tập thể, công việc hết thảy phải chia đều dưới sự sắp xếp của già làng, tuy nhiên công việc lao động sản xuất của gia đình vẫn phải đảm bảo không bị ảnh hưởng, họ tập trung làm hai ngày thì một ngày nghỉ để lo việc nương rẫy. Lễ mừng nhà rông mới được tổ chức trong 3 ngày liền sau khi dựng xong, dân làng xem như là ngày hội lớn mà tất cả những thành viên làm ăn nơi khác cũng phải về dự để tận hưởng niềm vui của cộng đồng của mình, họ làm cây nêu tổ chức lễ đâm trâu, uống rượu cần, nhảy múa và tấu cồng chiêng để ăn mừng trong niềm vui khôn tả.
Mặt cắt nhà rông Ba Na - bản vẽ của người Pháp trước đây.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum tổng cộng có 625 làng đồng bào các dân tộc thiểu số đủ các nhóm khác nhau và có trên 505 mái nhà rông lớn nhỏ, dân tộc Ba Na ở Kon Tum có khoảng 43 nhà rông và kiểu dáng cũng khá riêng biệt, gồm các nhóm: Ba Na B’nâm (khu vực huyện Kon Plông) nhà rông có chiều ngang tương đối rộng, góc nhọn ở hai mái xiên dài tạo cảm giác hơi nặng nề, làm giảm đi thế vươn lên của nó. Nhà người Ba Na Jơlơng (phía Đông TP Kon Tum) trên mái hai cạnh xiên ở đầu hồi lại là đường thẳng cho nên mất đi vẻ hiên ngang, nhà rông Ba Na Rơngao (nằm quanh khu vực sông Đăk Bla) lại khác, đặc biệt nhóm dân tộc này có mái nhà rông hoành tráng hơn cả, thiết kế mái cao (rôông tơ-jung) độc đáo và rất đồ sộ, khung được kết cấu theo kỹ thuật rường-cột, chúng được liên kết 3 chiều giữa hàng cột đứng với xà ngang và xà dọc, không có liên kết kèo ở ngay đầu cột. Trong số nhà rông Ba Na Rơngao lâu đời ở Kon Tum, hiện nhà rông làng Konrơbàng (xã Vinh Quang - TP Kon Tum) thuộc diện cổ nhất tại Tây Nguyên, được xây dựng năm 1930, tuy nhiên cũng đã phải trải qua 6 lần tu sửa vì bị xuống cấp theo thời gian, năm 2003 ngôi nhà rông này được “nhân bản” dựng lại trong khuôn viên Bảo tàng dân tộc học Hà Nội do 29 nghệ nhân của làng trực tiếp dựng, nhà có chiều cao 19m, sàn nhà gần 3m với 8 cây cột gỗ có đường kính 60cm và những cây xà dài 14-15m gần như kích thước của nhà rông mẫu, đó là niềm tự hào của người Kon Tum nói chung và người Ba Na nói riêng.
Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố của xã hội, nhà rông Ba Na-Kon Tum luôn là biểu tượng đẹp về sự trường tồn của cộng đồng buôn làng vì ở đó tập hợp một bộ máy quản lý, là nơi đào tạo và giáo dục thế hệ kế thừa của dân làng đặc biệt là nơi phát huy truyền thống và tín ngưỡng dân gian của người dân bản địa.
Thế Phiệt

Tục kết nghĩa của người Ba Na ở Kon Tum


Tục kết nghĩa làm cha con, mẹ con hay anh em, chị em của người Ba Na ở Kon Tum là một tập tục đẹp, phổ biến, có ý nghĩa giáo dục tình đòan kết từ rất lâu đời, được người dân trân trọng giữ gìn và lưu truyền từ xưa đến nay. Tập tục này, không những được tổ chức trong phạm vi giữa tộc người Ba Na mà được kết nghĩa với bất cứ dân tộc anh em nào, miễn là họ thấy quý mến, tin tưởng… nên mong muốn được cùng nhau gắn kết sâu đậm hơn để có thể giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Ảnh minh họa
Phong tục cùng nhau kết nghĩa làm cha con, mẹ con hay anh em, chị em rất được phổ biến hầu khắp các buôn làng của người Ba Na. Lễ kết nghĩa làm cha con, mẹ con còn được gọi là Lễ bú vú hay là Lễ uống mừng trở thành cha con, mẹ con hay anh em, chị em. Tùy vào độ tuổi mà tự phân vai vế, xưng hô cho phải phép.
 
Việc để hai người dưng khác họ, khác làng, khác dân tộc quyết định kết nghĩa thành những người thân như ruột thịt, thường theo một số trường hợp sau: Người muốn kết nghĩa hàm ơn về người khác tộc đã giúp đỡ mình vượt qua hoạn nạn như ốm đau, nghèo khó; Người muốn kết nghĩa thấy ngưỡng mộ, tin tưởng, quý mến đối với người khác tộc và thường thấy người này xuất hiện trong giấc mơ của mình nhiều lần nên nghĩ đó là người thân của mình từ kiếp trước; Hai người cùng dân tộc trùng tên với nhau nên họ nghĩ họ vốn là anh em hay có duyên với nhau (Người Ba Na không bao giờ đặt tên trùng nhau trong một dòng tộc hay cộng đồng).
 
Để được người kia đồng ý kết nghĩa với mình, họ phải nhờ người có uy tín (Ông mai) dò hỏi ý kiến trước. Nếu người kia đồng ý thì họ sẽ tiến hành chuẩn bị làm Lễ uống mừng. Trong lễ này bắt buộc phải có heo, gà và rượu.
 
Đối với lễ nhận làm cha con, mẹ con thì người con sẽ mang lễ vật đến nhà cha, mẹ để làm lễ trong sự chứng kiến của người đã làm môi giới và bà con hai bên gia đình. Lễ vật thông thường là gà, rượu cần và một con heo (lớn nhỏ tùy kinh tế gia đình) để làm lễ ra mắt cha, mẹ.
 
Nghi lễ được diễn ra khá long trọng và mang ý nghĩa rất sâu sắc: Sau khi làm thịt heo, gà, người Ba Na lấy huyết pha với rượu cần. Người cha hay mẹ mình trần ra đứng ở một vị trí thuận lợi. Trước sự chứng kiến của hai bên gia đình, Ông mai sẽ cầm lấy nhánh lá rừng chấm vào rượu có pha huyết rồi vẩy nhẹ từ trên vai xuống ngực, vừa vẩy rượu vừa khấn các Yàng, ông bà tổ tiên về chứng giám và xin cho cha con hay mẹ con từ nay về sau ăn ở hòa thuận với nhau, ai sai lời sẽ bị các Yàng trừng phạt... Trong lúc ấy người con há miệng dưới vú của người mẹ hoặc cha hớp lấy dòng nước chảy xuống và người mẹ, cha lấy hai tay đỡ lấy cổ người con. Làm như vậy với ý nghĩa là người con đã bú sữa mẹ hoặc cha tức là đã như cha con, mẹ con ruột thịt.
 
Nghi thức kết thúc, họ cùng đưa nhau đến bên ghè rượu đã chuẩn bị sẵn, lấy gan gà, heo làm lễ và cùng khấn Thần sông, Thần sấm sét, Thần cây, Thần đá, Thần núi… xuống uống rượu, ăn gan gà, heo và nâng đỡ, coi ngó việc họ kết nghĩa làm cha con, mẹ con; Ban cho họ sức khỏe sống lâu và mối quan hệ này được lưu giữ đến đời con cháu của gia đình hai bên không được gây gổ, kiện cáo. Nếu hai bên gia đình có việc hệ trọng thì cùng chung tay vào giúp đỡ. Nếu có người nào xúc phạm hoặc bắt nạt người kết nghĩa của mình, có nghĩa là người đó cũng đang xúc phạm đến mình và ngược lại.
 
Sau khi ăn uống vui vẻ, người con trở về nhà và một thời gian sau cha, mẹ sẽ mang heo, gà, rượu… gần giống như lễ của người con hoặc hơn sang nhà con để ăn uống chứ không làm lễ nữa và lần này cha, mẹ sẽ có một phần quà tặng cho con mình làm kỉ niệm, thông thường là chiêng, ché hoặc vật nuôi.
 
Còn đối với Lễ kết nghĩa của anh em, chị em thì không làm nghi thức bú vú như trên mà sau khi chọn được ngày tốt, bên chủ động kết nghĩa sẽ mang gà và rượu đến nhà người được kết nghĩa và người được kết nghĩa cũng chuẩn bị một con gà. Ngày ăn thề này cũng phải có đủ mặt hai bên gia đình và người làm chứng là Ông mai đến chứng kiến. Khi lễ vật đã được sẵn sàng, Ông mai sẽ trao cho mỗi người một cần rượu và một đùi gà (đùi gà của người này thì giao lẫn cho người kia). Hai người cùng làm lễ và khấn Thần linh chứng giám tương tự như lời khấn làm cha con, mẹ con.
 
Từ sau buổi lễ đó, cha con, mẹ con hoặc anh em, chị em coi nhau như ruột thịt và hai bên đối đãi với ba mẹ, anh chị em… của người cùng mình kết nghĩa như cha mẹ, anh chị em… của mình vậy.
 
Tường Lam

Người Ba Na với Lễ tục mừng sinh


Kon Tum là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó có các dân tộc bản địa như Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Mâm đang tồn tại và sinh sống rất lâu đời trên vùng đất này và còn gìn giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây có thể coi là nét đặc trưng được thể hiện qua từng quan niệm và cách suy nghĩ của mỗi dân tộc được hình thành trong lao động có từ lâu và mỗi dân tộc đều có những sắc thái riêng. Cũng như các dân tộc khác trên địa bàn mỗi khi có trẻ con đuợc sinh ra thì các gia đình, thôn, làng người Ba Na tại Kon Tum lại tiến hành lễ tục mừng sinh cho em bé và gia đình.

Lấy nước
Lễ tục mừng sinh thường được chia làm 2 lệ tục nhỏ đó là: Tục lệ “xem por” (nuôi cơm) và Tục lệ “hlôm đon” (thổi tai).
Tục lệ xem por (nuôi cơm): Ngay sau khi đứa bé ra đời, người cha hoặc người mẹ đặt tên con. Việc đặt tên con rất quan trọng và phải khẩn trương chứ không chờ lâu, bởi họ quan niệm nếu để muộn có thể các thần quỷ quái sẽ tranh giành đặt tên con cho đứa trẻ trước thì sẽ nguy hiểm cho tính mạng của bé. Có khi nếu cha mẹ chưa tìm được tên thì bà mụ có thể tạm thời đặt tên rồi lấy sợi chỉ cột vào cổ chân, cổ tay đứa bé. người Ba Na ít muốn đặt tên con trùng tên người khác nhất là người trong họ, trong làng.
Để mừng sinh, một lễ tiệc nhỏ được tổ chức ngay hôm đó, gồm một ghè rượu cần với một con gà, đầu con gà luộc chín nhưng không bỏ muối. Lễ tục này được gọi là xem por. Bà mụ sẽ lấy vài hột cơm thấm chút rượu, quệt trên làn môi đứa trẻ và nói lời “cầu chúc cho mày chóng lớn và khoẻ mạnh”. Sau đó người cha đứa trẻ sẽ mời bà mụ uống cang rượu đầu tiên và trao cho bà mụ một đùi gà và đầu con gà. Bà mụ dùng tay tách đầu gà, rút riêng cái xương hàm dưới cảu mỏ gà, sẽ thấy có ba xương, hai xương ở hai mép lớn và dài hơn xương giữa, đoạn nối liền với lười. Người ta thường chú ý đến xương ở giữa nhiều hơn. Nếu xương cong về phía trước, hoặc xiên về bên này hay vểnh về phía kia thì chẳng sao. Tốt nhất xương giữa phải đâm thẳng lên trời hoặc hơi cuối về phía trước. Điều kiêng kỵ là xương giữa đâm ngược về phía sau, (hrăh tơ rong) có nghĩa là điềm xấu.
Tục lệ “hlôm đon” (thổi tai): Thường một tháng sau khi đứa trẻ chào đời, lễ thổi tai “hlôm đon” sẽ được tiến hành. Sở dĩ có sự chậm trễ này là vì phải đợi cho sức khoẻ người mẹ phục hồi, có thể ăn uống được và hoà nhập với cộng đồng. Hơn nữa, để chủ nhà cũng như bà con trong làng có thời gian chuẩn bị nấu rượu cho ngày lễ. Người tham dự càng đông vui càng tốt lành cho tương lai em bé.
Ngày tổ chức tiệc mừmg lần này tương đối lớn. dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn tới đâu cũng phải có được một con heo, bốn con gà và bốn ghè rượu. trong đó một ghè dành cho Yă Pơ Jâu (tức bà mụ), một ghè dành cho con cái bà mụ, một ghè dành cho thanh niên khiêng nước và một ghè cho tập thể dân làng tới dự. Dĩ nhiên mỗi ghè rượu sẽ kèm theo một con gà để làm mồi nhắm. Đồ nhắm thường đựơc trộn thịt với các loại rau quả như măng, rau dệu, lá mì, quả bí đao…Bà con dân làng mỗi hộ sẽ nhận được một gói nhỏ đựng thức ăn. Gói thức ăn này là tín hiệu thay cho lời mời hay giấy mời tới dự tiệc. Người được mời sẽ mang một ghè rượu nhỏ với món đồ nhắm tới dự. Các ghè rượu được cột dính vào nhau theo từng hàng dài. Các chủ ghè rượu sẽ ngồi về một phía, con phía kia dành cho khách được mời uống. Thức ăn đựng trong tô, đĩa hoặc những chiếc lá to, sạch. Khi mọi người đã sẵn sàng đâu vào đấy, người chủ nhà sẽ mời bà mụ ngồi cầm cần rượu, người mẹ và đứa bé con cũng ngồi kế bên. Bà mụ dùng tay nắm lỏng, kề sát bên tai đứa bé và thổi nhẹ “Này, mày đã khoẻ mạnh, lớn nhanh, lanh lẹ, tài giỏi để sau này giúp ích cho dân làng được nhờ”. Sau đó Bà mụ dùng tay tách đầu gà, rút riêng cái xương hàm dưới cảu mỏ gà, sẽ thấy có ba xương, hai xương ở hai mép lớn và dài hơn xương giữa, đoạn nối liền với lười. Người ta thường chú ý đến xương ở giữa nhiều hơn. Nếu xương cong về phía trước, hoặc xiên về bên này hay vểnh về phía kia thì chẳng sao. Tốt nhất xương giữa phải đâm thẳng lên trời hoặc hơi cuối về phía trước. Điều kiêng kỵ là xương giữa đâm ngược về phía sau, (hrăh tơ rong) có nghĩa là điềm xấu. sau đó bà mụ phải uống hết một cang rượu cần, tiếp theo là chủ nhà. Riêng người mẹ của đứa bé thì không bắt buộc phải uống hết cang. Thường bữa tiệc bắt đầu từ buổi trưa hoặc xế chiều và người ta tiếp tục ăn uống vui chơi cho đến khi tối mới ra về.
Tục lệ mừng sinh đối với người Ba Na khá quan trọng. Có mừng sinh thì người ta mới biết được tên của em bé. Vì thế, có thể gọi tiệc mừng sinh được coi như là lễ kết nạp thành viên của cộng đồng “Kon Plei”.
Duy Thanh






Et xa Bah Nao – Lễ ăn lúa mới của người Ba Na ở Kon Tum


Trước khi vào vụ thu hoạch đại trà trên khắp các rẫy, người Ba Na thường tổ chức một lễ thức quan trọng đó là Lễ ăn lúa mới (Et xa Bah Nao), nghi lễ này chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình nhưng là lễ thức quan trọng đánh dấu thời điểm bắt đầu cho vụ thu hoạch trong năm.

Khi thấy lúa chín đều trên rẫy là người Ba Na sẽ chuẩn bị lễ Et xa Bah Nao - đánh dấu thời điểm bắt đầu mùa thu hoạch trong năm.
 
Trước đây, theo phong tục người Ba Na trước ngày lễ, người chủ gia đình đi cùng người nhà lên rẫy, không quên mang theo một cuộn dây mây vì là vật quan trọng sẽ chỉ đường cho hồn lúa về đến kho thóc của gia đình. Họ bắt đầu căng dây từ rẫy thiêng, nơi chủ nhà đã trồng sẵn một cây tre vót tua cao khoảng 2m được quét máu gà, trên có giắt vài sợi lông gà và kéo sợi dây về thẳng kho thóc gia đình. Tùy vào khoảng cách từ rẫy về kho lúa xa hay gần mà mà sợi dây được chuẩn bị dài hay ngắn, nhưng đường trên rẫy về nhà thông thường là con đường ngoằn ngoèo lên việc giăng dây quả là vất vả. Thường là người vợ sẽ cầm cuộn dây đi sau còn chồng sẽ đi trước tìm những gốc cây lớn để buộc dây cố định để dây khỏi vướng và dễ bị đứt, cứ như vậy kéo về đến kho lúa của gia đình.

Ngày nay lễ thức đưa lúa về kho đã đơn giản hơn rất nhiều, người chủ gia đình không còn giăng dây từ rẫy về nhà nữa nhưng vẫn giữ phong tục làm lễ trên khoảng rẫy thiêng của nhà mình như cây sol (là tua hoa làm bằng tre - tượng trưng cho bông lúa) và lấy tiết gà quét lên cây sol để ngăn chặn những điều xấu, đồng thời gia chủ sẽ khấn xin Yàng Sri cho hồn lúa về nhà và mời thần về hưởng lễ chung vui.
 
Mặc dầu không còn tục lệ giăng dây từ rẫy về kho lúa nhưng người Ba Na ngày nay vẫn chú ý kiêng cữ cẩn thận. Sau khi làm lễ xong là họ đi thẳng về nhà mình, không ghé vào bất cứ nơi nào, nếu rẫy có những ngã rẽ, ngã ba đường, người chủ thường hái vài bông cỏ hay nhánh cây cắm xuống đấy để làm dấu chỉ đường cho hồn lúa đi không bị lạc. Nếu phải băng qua suối hoặc mương thì họ sẽ tìm một sợi dây hay một khúc cây nhỏ tượng trưng cho cây cầu bắt để hồn lúa đi qua dễ dàng hơn. Về đến kho lúa người chủ nhà lại dựng một cầu thang bằng tre để hồn lúa lên kho.
 
Kho lúa thường được làm ở nhà riêng hoặc trên nương rẫy - Ảnh minh họa
 
Như vậy, từ lúc đó hồn lúa đã về kho lúa của gia đình không còn trên rẫy thiêng nữa. Về đến nhà, người chủ gia đình lại bắt một con gà cắt tiết đựng trong ống lồ ô và lại làm một cây sol cắm vào của chính của nhà mình, đồng thời lấy dao khoét một lỗ nhỏ trên cửa chính, rồi cẩn thận lấy tiết gà quét lên xung quanh lỗ tròn đó để thần lúa vào nhà (theo người Ba Na đó là lối đi dành cho Yàng Sri vì thần không bao giờ đi vào cửa chính như người thường), ông cũng không quên lấy tiết gà quét lên cây tre và bông sol với dụng ý xua đuổi những cái xấu xa đến nhà và là từ nay Yàng Sri đã đến thăm, đến hưởng lễ với gia đình nên mọi thành viên trong gia đình cố gắng giữ gìn lời ăn tiếng nói và cách ứng xử cho phải phép vì đang có “khách quý” trong nhà.
 
Sáng sớm hôm sau, bà chủ nhà mang theo chiếc gùi nhỏ lên thẳng rẫy thiêng, nơi những bông lúa đã chín vàng, bà chọn những bông lúa sai trĩu hạt, tuốt từng bông lúa mọt cách cẩn thận cho đầy chiếc gùi rồi nhanh nhẩu trở về nhà.
 
Người chủ cẩn thận tuốt từng bông lúa nặng trĩu từ rẫy thiêng
mang vể làm Lễ ăn lúa mới. Ảnh minh họa.
 
Về đến nhà, cũng chính bà đảm nhiệm công việc xảy lúa cho sạch rồi đem lúa rang chín để những hạt lúa nổ thành bỏng trắng. Sau đó đem giã và sàng sảy cho sạch trấu, sản phẩm thu được là những hạt cốm thơm lừng hương lúa mới và được người Ba Na gọi là “Mok”
 
Trong khi đó, người đàn ông sẽ đảm nhiệm việc bắt một con gà đem cắt tiết đổ vào một ống lồ ô chuẩn bị sẵn, lấy gan gà bỏ vào chiếc giỏ thiêng rồi đem cả hai cột vào ghè rượu đã mở nắp được đặt sẵn sàng ở giữa nhà hoặc nơi cột thiêng. Sau khi công đoạn làm Mok đã xong, người vợ sẽ đem đến bỏ vào chiếc giỏ thiêng đã có sẵn gan gà và họ bắt đầu tiến hành làm lễ.
 
Lễ cúng Yàng Sri thường là trách nhiệm của người phụ nữ nên bà chủ nhà sau khi xem xét lại một lượt các lễ vật xong, với sự thành kính bà đọc lời khấn: “Ơ thần Lúa, người tạo ra lúa gạo và các loại cây trồng, hôm nay chúng tôi muốn tạ ơn thần đã ban cho chúng tôi lúa gạo để ăn, chúng tôi mời thần xuống chứng kiến những lễ vật chúng tôi đã chuẩn bị dâng cúng thần, mong thần nhận lấy…”
 
Người phụ nữ cẩn thận kiểm tra lại lễ vật dâng cúng Yàng. Ảnh minh họa, chụp lại tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
 
Sau khi cúng xong, số Mok còn lại được chia cho mỗi thành viên trong gia đình cùng ăn. Và bà chủ nhà sẽ uống cang rượu cần đầu tiên rồi kế đến là các thành viên trong gia đình theo thứ tự lớn nhỏ truyền tay nhau uống rượu thiêng đã cúng Yàng Sri.
 
Ngày hôm sau, cả gia đình sẽ bắt tay vào thu hoạch lúa, họ tập trung tuốt lúa trên mảnh rẫy lớn, sau đó mang về đổ vào kho, còn rẫy thiêng thường được để lại thu hoạch sau cùng.
 
Lúc mảnh rẫy lớn đã được tuốt xong, người phụ nữ gia đình mới bắt tay vào thu hoạch rẫy thiêng. Họ cẩn thận chọn những bông lúa dài, trĩu hạt, chắc mẩy để làm giống cho mùa sau và số lúa này cất riêng không để lẫn các gùi lúa khác. Phần còn lại trên rẫy thiêng sẽ được tuốt và làm sạch, nó được dùng trong dịp lễ mừng năm mới sẽ được tổ chức long trọng cho cả cộng đồng làng sau khi vụ mùa đã hoàn tất.
 
Khi lúa đã được đưa về kho, được phơi và cẩn thận cất vào kho. Việc thu hoạch mùa trên nương cũng đã xong, từng gia đình lại tổ chức một lễ riêng để cảm tạ thần Lúa, đó là lễ đóng cửa kho lúa (Et tet măng sum). Lễ vật dâng thần Sri bao giờ cũng có rượu, gà và những năm được mùa, nhiều gia đình giàu có còn hiến sinh cả lợn và trâu để cảm ơn thần Lúa đã cho một mùa bội thu và mong năm sau tiếp tục được mùa và mời cả làng đến tham dự.
 
Như vậy, một năm lao động vất vả đã kết thúc, mọi người nghỉ ngơi và đợi ngày đón mừng năm mới hay còn gọi là Lễ hội ăn lúa mới sẽ được tổ chức quy mô trong cộng đồng.
                                                                                                     
Tường Lam

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Hình ảnh sinh hoạt của Ca Đoàn Luca, gx Tân Hương, Gp Kon Tum


Một số hình ảnh sinh hoạt của Ca Đoàn Luca, (gx Tân Hương, Gp Kon Tum) dịp lễ bổn mạng & mừng 10 năm thành lập ca đoàn (2002-2012) :


CĐ Luca chụp hình lưu niệm với cha sở Giuse Đỗ Hiệu sau thánh lễ sáng 21/10/2012

CĐ Luca và CĐ Mônica (hát lễ chung) 21/10/2012

Hát kinh Lạy Cha...

Xem "Tập san" nội bộ phát hành dịp mừng 10 năm CĐ Luca

Cà phê sáng mừng lễ
















Xem thêm hình ảnh tại địa chỉ :





Ca Đoàn Luca mừng Lễ bổn mạng & kỷ niệm 10 năm thành lập

1. Thánh lễ CN XXIX Thường niên 21/10/2012-CN Truyền giáo-Mừng Lễ bổn mạng Ca Đoàn Luca (CĐ gia trưởng), gx Tân Hương, Kon Tum & kỷ niệm 10 năm thành lập Ca Đoàn Luca (2002-2012), do cha sở Tân  Hương, Giuse Đỗ Hiệu, hiệp dâng cùng toàn thể cộng đoàn giáo xứ. Nhân dịp trọng đại này, ca đoàn Hiền Mẫu (CĐ Mônica) tham gia hát chung với các Gia Trưởng :






Các bài ca Hiệp lễ và Tạ lễ
1. Xin chọn người yêu là Thượng Đế
2.Như viên đá xanh (tác giả: cố Lm Bùi Văn Thủ)
3.Tạ lễ: Thánh sử Luca (tác giả: Lê Minh Sơn)

2. Liên hoan sinh hoạt 18g30 chiều 21/10/2012, tại Nhà Sinh Hoạt gx Tân Hương:





(Nguồn: youtube, do anh Mai Tự Cường post)

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

CA ĐOÀN LUCA, Giáo xứ Tân Hương-Kon Tum KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP 18/10/2002 - 18/10/2012


CA ĐOÀN LUCA, Giáo xứ Tân Hương-Kon Tum



KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP



18/10/2002 - 18/10/2012




Ca đoàn Luca 18/10/2011
3. Viên-Tươi-Loan-Văn-Thừa-Vũ-Việt(Organist)-Cường(Bass)-Mỹ
2. Hùng-Hiệu-Thu-Hải-Hội-Cường-Minh-Hiến-MTCường
3. Được-Thọ-Hạnh-Thúy(tr.đ.hành)-Cha sở Jos Hiệu-Thi-Quang(thủquỹ)-Hiệp-Sơn(ca.tr)



Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Các Lễ hội liên quan đến vòng đời cây lúa của người Ba Na


Người Ba Na hay các dân tộc ít người khác trên Tây Nguyên tổ chức rất nhiều lễ hội. Tuy khác nhau về quy mô hay phương thức biểu hiện nhưng tất cả đều có cùng một tính chất xã hội chung và đối tượng được diễn tả trong lễ hội là tất cả những cái có ý nghĩa quan trọng mà theo họ sẽ mang lại lợi ích nhất định cho cả cộng đồng… Vì vậy, từ bao đời nay việc tổ chức các lễ hội truyền thống liên quan đến chu kỳ sản xuất lúa rẫy với mong ước mùa màng bội thu sẽ mang lại hạnh phúc là một phần việc quan trọng trong đời sống tâm linh luôn được cộng đồng làng giữ gìn và thực hiện nghiêm túc hằng năm.

Một lễ cúng Yàng - cầu mong được mùa màng bội thu, dân làng hạnh phúc - Ảnh minh họa, chụp lại tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
Sơmăh Kơcham (Lễ mở đầu cho một mùa sản xuất mới): Lễ hội này được người Ba Na tiến hành vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, khi cả làng sắp sửa bước vào một vụ sản xuất mới. Lễ vật là lợn, có khi là trâu. Lễ hội kéo dài một ngày một đêm. Trong lễ hội, dân làng thông báo cho các vị thần linh biết những công việc sẽ làm trong năm, khấn cầu các vị trợ giúp để mọi việc được tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, cây trồng lớn nhanh, tốt tươi, không gặp thiên tai sâu bệnh; con người khỏe mạnh; chăn nuôi phát triển; mùa màng bội thu. 
Sơmăh gọ (Cúng nồi): Sau khi sửa lại nhà cũ, và chuẩn bị đi cuốc nương trồng trỉa, người Ba Na lại làm lễ Sơmăh gọ. Lễ được tiến hành trong một ngày, làm tại nhà riêng của từng gia đình, với lễ vật là một con gà, một ghè rượu. Mục đích của lễ là cầu mong các vị thần như Yàng gọ (thần trú trong nồi), Yàng ti Kơnưng (thần trú trong cây cột buộc đồ lễ), Yàng te (thần đất) giúp cho con người có sức khỏe, bảo vệ cho gia đình cuộc sống được vẹn toàn, làm ăn khấm khá; Nhất là khấn cho thần lúa nhớ đường về nhà, lúa không bị lép, không bị dịch bệnh tàn lụi, khi thu hoạch sẽ để được chật nhà…
 
Một lễ cúng Yàng được tổ chức tại gia đình riêng.
Ảnh minh họa, chụp lại tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
 
Sơmăh dak măt atâu (khấn nước mắt của hồn người chết): Người Ba Na cho rằng hồn của những người mới chết vẫn còn quẩn quanh nơi nghĩa trang. Khi mùa trồng trỉa đến sẽ nhớ đến việc nương rẫy, hồn về nhà. Hồn thấy trong nhà có những thay đổi, nghi ngờ, hồn đếm lại ngón tay chỉ thấy có 4 ngón biết là mình không còn là người nữa nên sẽ cất tiếng khóc. Tiếng khóc hồn rất dữ dội sẽ đánh thức Bok Kơiđơi (thường ngày vốn ngủ li bì). Khi Bok Kơiđơi tỉnh dậy thì sấm chớp sẽ nổi lên và thần sẽ cho mưa xuống. Vậy nên khi cơn mưa đầu tiên vừa dứt, cả làng bắt đầu lễ Sơmăh dak măt atâu. Vị trí cúng lễ là ở cổng vào khu nhà mồ. Lễ tiến hành trong một ngày với mục đích là cảm ơn hồn ma, ông bà đã chết đã làm cho Bok KơiđơiDạ Kôrké tỉnh giấc và làm cho mưa xuống để kịp vụ gieo trồng, đồng thời họ cũng cầu mong vụ mùa năm đó được mưa thuận gió hòa. Lễ còn là dịp để cầu an cho hồn các loại cây lương thực, cây ăn quả, gia súc không bị hồn ma bắt đem theo về nghĩa địa.
 
Sơmăh Zmul ba (khấn trồng trỉa lúa): Lễ được làm vào tháng 3 theo lịch của người Ba Na, nếu mưa thì tổ chức tại nhà, nắng thì tổ chức ngay tại rẫy. Lễ được tiến hành theo từng hộ gia đình và trong một ngày, đúng vào ngày đầu tiên toàn làng đi trỉa lúa rẫy. Mục đích lễ là thông báo cho các hồn tổ tiên của gia đình mình và các vị thần như Yàng Kông (thần núi), Yàng Đak (thần nước) biết về việc trồng trỉa lúa, cầu mong các vị trợ giúp để trong suốt quá trình sinh sôi, phát triển hạt lúa sẽ: “Không bị thối nghẹn hỏng nát, lỗ không cũng ra, lỗ tự nhiên cũng mọc, con cu đất không moi, kiến không tha đi, muốn bụi lúa ban ngày bằng bụi sả, ban đêm bằng cây đa, đừng để con sâu ăn, muốn có toàn hạt chắc mẩy, đổ đầy nhà, còn có để trút vào chái nhà…”.
 
Với suy nghĩ cây lúa là mẹ lúa và cũng có linh hồn nên người Tây Nguyên chỉ dùng tay chứ không dùng vật sắc để cắt vì sợ “lúa đau” - Ảnh minh họa.
 
Ming agăm (lễ gội rửa): Hằng năm, thông thường các làng sẽ tổ chức lễ này vào tháng 5. Địa điểm là ở bờ con suối trong làng hoặc trên rẫy. Người Ba Na cho rằng nên làm lễ này vì lỡ trong làng có sự vi phạm phong tục tập quán về quan hệ nam nữ thì hồn lúa sẽ bắt chước mà “xấu xí” theo khiến lúa sẽ bị sâu bệnh, lụi dần. Vì vậy, làm lễ Ming agăm là “gội rửa” những sự vi phạm phong tục đó.
 
Sơmăh Kwai (khấn triệu về): Trong quãng thời gian lúa cao chừng gang tay đến lúc chuẩn bị làm đòng. Thường là tháng 7, tháng 8 là chuẩn bị làm lễ. Lễ kéo dài hai ngày. Địa điểm là tại cổng làng hoặc trên con đường chính ra rẫy. Người ta tiến hành lễ để gọi, triệu hồn lúa, ngô…đang thất lạc, bị các vị thần như Bok Kơiđơi, Yàng Kông, Yàng Đak đang bắt giữ nên cần triệu về để nhờ Yàng ti Kơnưng bảo quản, giữ gìn thì mới phát triển tốt được.
 
Samơk (ăn lúa mới): Đây là lễ hội lớn được tổ chức 2-3 ngày, trong nhà rông. Trong thời gian này, những vạt lúa sớm trên nương rẫy đã bắt đầu chín tới. Đây là lễ hội tổ chức để ăn mừng khi bắt đầu bước vào một vụ thu hoạch mới, với mong ước là lúa những năm đó và những năm tiếp theo sẽ luôn tươi tốt, năng suất cao. Chính vì vậy mà dân làng sẽ giết lợn gà hiến tế, cầu mong cho các Yàng Kông, Yàng Đak không làm cho hồn lúa kinh sợ, để hồn lúa - cùng với hồn lúa là sự no đủ về với dân làng.
 
SơmăhKeh (lễ suốt lúa): Sau lễ hội Samơk, mỗi gia đình làm SơmăhKeh tại nhà hay trên rẫy để bắt đầu suốt lúa đại trà.
 
Sơmăh Teng amăng (lễ đóng cửa kho): khi gùi lúa cuối cùng được đổ vào kho, mỗi gia đình làm lễ đóng cửa kho lúa. Họ lấy cải giỏ suốt lúa úp lên ngọn đống lúa trong kho với hàm ý là hồn lúa nằm lại với lúa cho đến vụ sau.
 
Và sau khi mọi công việc đồng áng đã gọn gàng, người Ba Na sẽ tổ chức ăn tết hay còn gọi là lễ mừng lúa mới cho cả cộng đồng và là báo hiệu cho một mùa Ning Nơng (mùa ăn năm uống tháng) bắt đầu. Sau 3 tháng với những lễ cất nhà, sửa nhà, dựng (sửa) nhà rông, cúng bến nước, làm lễ bỏ mả, đám cưới, lễ thổi tai, lễ cầu bình an… Và khi thấy những giọt mưa bắt đầu rơi xuống là họ lại bắt đầu cho một chu kì trồng trỉa mới cùng với những lễ cúng nhằm cầu mong các thần đáp ứng, thõa mãn ý nguyện của con người./.
 
Tường Lam

(CTTĐTTKT)

Câu cá giải trí - Loại hình du lịch sinh thái phổ biến tại Kon Tum


Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Kon Tum và các vùng ven như Ya Chim, Hòa bình, Đăk Cấm… ngày càng xuất hiện nhiều điểm du lịch sinh thái câu cá thư giãn hay câu cá thể thao đã thu hút khá đông khách nội tỉnh tham gia. Trong điều kiện không có nhiều điểm vui chơi, giải trí như hiện nay, thì loại hình dịch vụ này xem như một điểm đến thỏa mãn một phần nhu cầu giải trí cho người dân Kon Tum.

Một trong những điểm dịch vụ câu cá thư giãn thu hút khách ở Kon Tum.

Thay vì rủ nhau đến quán cà phê vào những ngày cuối tuần cùng bạn bè, người thân để tán gẫu thì những năm gần đây người Kon Tum lại thường chọn cho mình một loại hình thư giãn nhẹ nhàn, ít ồn ào đó là câu cá thư giãn, câu cá thể thao. Đến những điểm như thế này ta có cảm giác như được sống và hòa mình cùng phong cảnh thiên nhiên chốn làng quê mộc mạc... với không khí trong lành cùng cảnh vật hiền hòa tạo một cảm giác thư thái nhẹ nhàng.
 
Mặc dù loại hình du lịch này chưa được đặt trong hệ sinh thái tự nhiên hoang sơ được bảo tồn và khai thác để phục vụ nhu cầu giải trí cho con người theo đúng nghĩa du lịch sinh thái. Tuy nhiên với sự sáng tạo của những người kinh doanh vốn dĩ yêu thiên nhiên đã nắm bắt được nhu cầu tâm lý khách hàng là cần một không gian xanh hợp lý, không quá xa, mất nhiều thời gian chuẩn bị, đi lại mà vẫn có một không gian yên tĩnh, thỏa mái để có thể nghỉ ngơi, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống sau những ngày lao động thì dịch vụ này được xem như một loại hình du lịch sinh thái đáp ứng một phần nhu cầu của người dân Kon Tum hiện nay.
 
Quả vậy cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng 7-10 km, những khu du lịch sinh thái câu cá thư giãn hay câu cá thể thao ở Ya Chim, Hòa Bình, Đăk Cấm… được thiết kế trên những khu đất rộng, đẹp, trong một không gian hữu tình đã thu hút khá đông người dân Thành phố Kon Tum tham gia, đặc biệt là vào những ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ tết, số người tham gia tăng lên đột biến nếu không gọi điện đặt chỗ trước thì khó có một chỗ ngồi lý tưởng như mong muốn.
 
Khách đến đây chủ yếu là đi theo nhóm: gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp cùng cơ quan. Họ đến không vì lí do để câu cá mà chủ yếu là mượn một chỗ có không gian xanh, thoáng đãng, mát mẻ để cùng bạn bè, người thân tổ chức chuyện trò vui vẻ nhân một sự kiện hay một dịp kỷ niệm của nhóm.
 
Các bạn trẻ rất thích tham gia loại hình du lịch này
 
Không gian thư giãn ở những nơi này đều khá ấn tượng. Mỗi một điểm du lịch được chủ nhân thiết kế mang một nét riêng trên những vùng đất rộng, gần khu vực ruộng hay khe suối, điều này đã tạo nên một phong cảnh  đồng quê yên tĩnh, mát mẻ hay rừng núi hoang sơ gần gũi với con người.
 
Điểm đặc biệt là những điểm dịch vụ trên không áp dụng hình thức cho thuê cần hoặc tính giờ câu mà ai muốn câu bao nhiêu, bao lâu tùy thích...tất cả đều miễn phí chỉ lấy cá để chế biến hay mang về thì mới cân ký tính tiền. Giá cả, dịch vụ ăn uống phải chăng nên không những thu hút khá đông các bạn trẻ mà các gia đình có con nhỏ tìm đến xem như là dịp để các cháu khám phá thiên nhiên và tìm hiểu thêm cuộc sống đồng quê.
 
Song thú vị nhất là lúc thưởng thức “thành quả” được chế biến thành các món mang đặc trưng hương vị làng quê như: Cá nướng, cá chiên giòn, gà nướng muối ớt...vừa nhâm nhi vừa thả hồn dưới những tán cây xanh, bên hồ nước mát và cùng bạn bè, người thân tận hưởng phút giây sum vầy vui vẻ…
 
Du lịch câu cá thư giãn như trên ngày càng được phát triển rộng, bởi hình thức kinh doanh đơn giản, không phải đầu tư nhiều vốn mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so với nuôi cá hồ nên được rất nhiều người có ý định thực hiện xây dựng các điểm đến lý tưởng hơn nữa để có thể ngày càng đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của khách trong và ngoài tỉnh.
 
Với dân số ngày càng phát triển, nhu cầu vui chơi giải trí càng cao trong khi đó với điều kiện của nhiều người không thể đi xa thì những điểm du lịch sinh thái này là nơi lý tưởng để người dân Kon Tum tận hưởng không khí mát mẻ đồng quê và được trải lòng mình cùng với thiên nhiên cây cỏ. Và điểm nhấn của loại hình du lịch này không chỉ giúp mang lại cảm giác thư giãn cho con người mà quan trọng hơn là địa điểm kinh doanh lành mạnh góp phần rất lớn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường tự nhiên./.
 
Tường Lam

(Theo CTTĐTTKT)

Sắc màu những "đốm lửa" tháng mười


Tháng 10 ùa về vội vàng, thành phố trở mình se se lạnh, bầu trời xám xịt, và rồi những cơn bão đến, gió rít lên từng hồi, mưa ầng ậc đổ xuống,… Vài ngày sau cơn bão tan, bờ sông lóng lánh nước, cây cối nghiêng ngả, cảnh vật xơ xác, lá hoa rụng ngổn ngang, gợi lên chút đìu hìu...Thế nhưng, trên vài con phố quen vẫn bừng “đốm lửa” với sắc đỏ cam rực rỡ, điểm tô chút ánh sáng cho phố phường trong cái khung cảnh nhợt nhạt. Từng chùm hoa bung nở rục rỡ, sắc thắm nồng cháy, vươn cánh mạnh mẽ trên nền trời bao la...

 
Hoa không có vẻ yếu đuối như hoa Phượng, không gợi vẻ mong manh như hoa Bằng Lăng, cũng không rơi rụng tơi tả trên lối đi như hoa Muồng Hoàng Yến mà căng tràn sức sống như cô gái tuổi hai mươi. Người đi ngoài đường thỉnh thoảng thắc mắc, loài hoa nào mà đẹp thế nhỉ? Và nó xuất hiện ở phố núi Kon Tum tự bao giờ? Sau này tôi mới biết đó chính là cây Hồng Kỳ. Người ta gọi tên nó như thế vì nhìn hoa của nó lúc nào cũng thẳng đứng ngước lên bầu trời, những cánh hoa phất phơ trước gió như những lá cờ đỏ thắm tung bay kiêu hãnh. Hoa còn có tên khác là Sò Đo Cam, Chuông Đỏ, Hoàng Đế, Đỉnh Phượng Hoàng,… Mỗi cái tên đều gợi vẻ cao sang, kiêu hãnh như chính những cánh hoa này. Tôi thích cái tên hoa Chuông Đỏ, bởi ngắm từng bông hoa đang chúm chím nở, cũng giống như chiếc chuông tí hon, rất đáng yêu.
 
 
 
Hoa Chuông Đỏ có nguồn gốc ở rừng mưa ẩm nhiệt đới miền Tây Châu Phi, hoa dạng như hoa Tu-lip nên có tên tiếng Anh là African tulip-tree (cây hoa tu-lip Châu Phi), tràng hoa dạng chuông nên tên khoa học của nó là Spathodea campanulata (campanulata có nghĩa là dạng cái chuông). Tìm hiểu về hoa Chuông Đỏ, tôi biết loài hoa này đã được để ý và trồng làm cây cảnh từ đầu thế kỷ 20 ở phương Tây, sau đó phát triển dần ở nhiều nước Châu Á và Thái Bình Dương nhưng mãi đến năm 1998 mới được nhập về Việt Nam, và đầu tiên trồng là ở Đà Lạt. Mùa hoa kéo dài khá lâu, từ tháng 10 cho đến tháng 2, tháng 3 năm sau, hoa đẹp mà lại lâu tàn, và không dễ rụng. Ngoài việc tạo bóng, tôn tạo cảnh quan, nhiều bộ phận của cây còn có khả năng trị bệnh. Ở quê hương Tây Phi của mình, hoa Chuông Đỏ được sử dụng trong nền y học truyền thống từ lâu với tác dụng riêng biệt: vỏ cây chữa lành vết thương và vết bỏng, lá được xem là chất kháng khuẩn phổ rộng, kể cả chống bệnh sốt rét, gỗ của cây được dùng làm bột giấy.
 
 
 
Khi những bông hoa Chuông Đỏ đầu tiên xuất hiện trong thành phố, tôi không mấy thiện cảm. Có lẽ bởi tôi đã trót lòng yêu hoa Muồng Hoàng Yến kiêu sa, hoa Bằng Lăng dịu dàng, hoa Đỗ Mai duyên dáng và trong kí ức bé thơ của tôi, chỉ những màu hoa đấy mới tạo nên hình ảnh của phố núi mờ sương thơ mộng. Rồi những mùa thu đến và những mùa thu đi qua, hoa Chuông Đỏ thầm lặng cháy hết mình, tỏa ra cái sức sống bền bỉ dai dẳng qua nhiều tháng năm, đến lúc hoa Chuông đỏ lọt vào kí ức. Để rồi khi nhìn lại người ta nhận ra Chuông Đỏ đã nằm trong một phần kí ức đẹp tuyệt mỗi sớm mùa thu. Khi đông sang, cảnh vật xơ xác, người ta lại nhung nhớ luyến tiếc, thẫn thờ trước hàng cây nay đã phủ xanh lá cành. 
 
 
 
Ai đó đi ngang đường, cũng dễ bị cuốn hút mắt nhìn vào những chùm hoa Chuông đỏ rực rỡ, như muốn thiêu đốt cả một mùa thu ảm đạm, xanh xao, úa tàn. Và rồi từ đây, trong kí ức lớp học trò Kon Tum, ngoài sự rực rỡ của hoa Phượng, vẻ đáng yêu của Muồng Hoàng yến, vẻ mong manh của Bằng Lăng, còn có sự kiêu hãnh của Hồng Kỳ. Mỗi màu thu qua đi, những đốm lửa cam ấy lại cháy bùng lên, gợi bao kỉ niệm…
 
Hà Oanh

Tục kết nghĩa của người Ba Na ở Kon Tum


Tục kết nghĩa làm cha con, mẹ con hay anh em, chị em của người Ba Na ở Kon Tum là một tập tục đẹp, phổ biến, có ý nghĩa giáo dục tình đòan kết từ rất lâu đời, được người dân trân trọng giữ gìn và lưu truyền từ xưa đến nay. Tập tục này, không những được tổ chức trong phạm vi giữa tộc người Ba Na mà được kết nghĩa với bất cứ dân tộc anh em nào, miễn là họ thấy quý mến, tin tưởng… nên mong muốn được cùng nhau gắn kết sâu đậm hơn để có thể giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Ảnh minh họa
Phong tục cùng nhau kết nghĩa làm cha con, mẹ con hay anh em, chị em rất được phổ biến hầu khắp các buôn làng của người Ba Na. Lễ kết nghĩa làm cha con, mẹ con còn được gọi là Lễ bú vú hay là Lễ uống mừng trở thành cha con, mẹ con hay anh em, chị em. Tùy vào độ tuổi mà tự phân vai vế, xưng hô cho phải phép.
 
Việc để hai người dưng khác họ, khác làng, khác dân tộc quyết định kết nghĩa thành những người thân như ruột thịt, thường theo một số trường hợp sau: Người muốn kết nghĩa hàm ơn về người khác tộc đã giúp đỡ mình vượt qua hoạn nạn như ốm đau, nghèo khó; Người muốn kết nghĩa thấy ngưỡng mộ, tin tưởng, quý mến đối với người khác tộc và thường thấy người này xuất hiện trong giấc mơ của mình nhiều lần nên nghĩ đó là người thân của mình từ kiếp trước; Hai người cùng dân tộc trùng tên với nhau nên họ nghĩ họ vốn là anh em hay có duyên với nhau (Người Ba Na không bao giờ đặt tên trùng nhau trong một dòng tộc hay cộng đồng).
 
Để được người kia đồng ý kết nghĩa với mình, họ phải nhờ người có uy tín (Ông mai) dò hỏi ý kiến trước. Nếu người kia đồng ý thì họ sẽ tiến hành chuẩn bị làm Lễ uống mừng. Trong lễ này bắt buộc phải có heo, gà và rượu.
 
Đối với lễ nhận làm cha con, mẹ con thì người con sẽ mang lễ vật đến nhà cha, mẹ để làm lễ trong sự chứng kiến của người đã làm môi giới và bà con hai bên gia đình. Lễ vật thông thường là gà, rượu cần và một con heo (lớn nhỏ tùy kinh tế gia đình) để làm lễ ra mắt cha, mẹ.
 
Nghi lễ được diễn ra khá long trọng và mang ý nghĩa rất sâu sắc: Sau khi làm thịt heo, gà, người Ba Na lấy huyết pha với rượu cần. Người cha hay mẹ mình trần ra đứng ở một vị trí thuận lợi. Trước sự chứng kiến của hai bên gia đình, Ông mai sẽ cầm lấy nhánh lá rừng chấm vào rượu có pha huyết rồi vẩy nhẹ từ trên vai xuống ngực, vừa vẩy rượu vừa khấn các Yàng, ông bà tổ tiên về chứng giám và xin cho cha con hay mẹ con từ nay về sau ăn ở hòa thuận với nhau, ai sai lời sẽ bị các Yàng trừng phạt... Trong lúc ấy người con há miệng dưới vú của người mẹ hoặc cha hớp lấy dòng nước chảy xuống và người mẹ, cha lấy hai tay đỡ lấy cổ người con. Làm như vậy với ý nghĩa là người con đã bú sữa mẹ hoặc cha tức là đã như cha con, mẹ con ruột thịt.
 
Nghi thức kết thúc, họ cùng đưa nhau đến bên ghè rượu đã chuẩn bị sẵn, lấy gan gà, heo làm lễ và cùng khấn Thần sông, Thần sấm sét, Thần cây, Thần đá, Thần núi… xuống uống rượu, ăn gan gà, heo và nâng đỡ, coi ngó việc họ kết nghĩa làm cha con, mẹ con; Ban cho họ sức khỏe sống lâu và mối quan hệ này được lưu giữ đến đời con cháu của gia đình hai bên không được gây gổ, kiện cáo. Nếu hai bên gia đình có việc hệ trọng thì cùng chung tay vào giúp đỡ. Nếu có người nào xúc phạm hoặc bắt nạt người kết nghĩa của mình, có nghĩa là người đó cũng đang xúc phạm đến mình và ngược lại.
 
Sau khi ăn uống vui vẻ, người con trở về nhà và một thời gian sau cha, mẹ sẽ mang heo, gà, rượu… gần giống như lễ của người con hoặc hơn sang nhà con để ăn uống chứ không làm lễ nữa và lần này cha, mẹ sẽ có một phần quà tặng cho con mình làm kỉ niệm, thông thường là chiêng, ché hoặc vật nuôi.
 
Còn đối với Lễ kết nghĩa của anh em, chị em thì không làm nghi thức bú vú như trên mà sau khi chọn được ngày tốt, bên chủ động kết nghĩa sẽ mang gà và rượu đến nhà người được kết nghĩa và người được kết nghĩa cũng chuẩn bị một con gà. Ngày ăn thề này cũng phải có đủ mặt hai bên gia đình và người làm chứng là Ông mai đến chứng kiến. Khi lễ vật đã được sẵn sàng, Ông mai sẽ trao cho mỗi người một cần rượu và một đùi gà (đùi gà của người này thì giao lẫn cho người kia). Hai người cùng làm lễ và khấn Thần linh chứng giám tương tự như lời khấn làm cha con, mẹ con.
 
Từ sau buổi lễ đó, cha con, mẹ con hoặc anh em, chị em coi nhau như ruột thịt và hai bên đối đãi với ba mẹ, anh chị em… của người cùng mình kết nghĩa như cha mẹ, anh chị em… của mình vậy.
 
Tường Lam

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Vài nét về Công đồng Vatican II


Thông thường, Công đồng được tổ chức khi Giáo Hội đang đứng trước một khủng hoảng nào đó. Thế nhưng, vào năm 1959, người ta cảm tưởng Giáo Hội không phải bận tâm về một khó khăn nào. Tuy nhiên, một số người và đặc biệt là Đức Giáo hHoàng Gioan XXIII không nghĩ vậy. Đức cố GH Gioan XXIII nghĩ rằng Giáo Hội dường như đã quá già nua so với những thay đổi chóng mặt của thế giới và kết quả là Giáo Hội không thể mở cửa để nhìn ra thế giới. Ngoài ra, các Kitô hữu là những người thiểu số trên thế giới những lại bị chia năm xẻ bảy. Những thao thức này được diễn tả cụ thể qua lời của vị đứng đầu Giáo Hội: “Ngày nay, Giáo hội Chúa chưa dùng thuốc từ bi hơn dùng gươm chống đỡ, chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại bằng cách trình bày giáo lý sung mãn của mình hơn cách lên án các lạc thuyết”. Và vì thế, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã quyết định triệu tập Công đồng để Giáo Hội có thể đổi mới và nhìn ra thế giới: “Tôi muốn mở lớn các cửa sổ Giáo Hội để cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được.”

Ước mơ của ĐGH Gioan XXIII đã thành hiện thực. Cách đây đúng nửa thế kỷ, ngày 11-10-1962, Giáo hoàng Gioan XXIII đã long trọng khai mạc Công đồng. Sau hơn 3 năm làm việc, qua 2 đời Giáo hoàng, Công đồng Vatican II đã bế mạc vào ngày 8- 12-1965. Công đồng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, và đối với Hội Thánh thì Công đồng này được xem là một “Lễ Hiện Xuống Mới”, một biến cố giúp Giáo Hội trở về nguồn và mở ra với thế giới bên ngoài. Công đồng Vatican II đặc biệt đến nỗi có người nhận xét rằng Công đồng này khác biệt với tất cả các Công đồng khác. Điểm khác biệt dễ nhận thấy ở đây là quy mô, tính quốc tế và phạm vi bàn thảo. Tuy nhiên, có lẽ điều làm Công đồng này đặc biệt hơn hết là ảnh hưởng lớn lao của nó đối với Giáo hội Công giáo. Công đồng Vatican II có thể được xem là một bước ngoặt đổi mới để Giáo Hội trở về nguồn và mở ra đối với thế giới bên ngoài, về các mối liên hệ giữa Hội Thánh với trần gian, trên các địa hạt văn hoá, khoa học, xã hội và tôn giáo.

Công đồng Vatican II được đánh giá là đồ sộ nhất về số lượng các nNghị phụ tham dự, quy mô, thời gian, và nội dung làm việc. Đã có 3.058 nghị hụ trên toàn thế giới được triệu tập trong đó có 129 bề trên tổng quyền các dòng tu. Các nghị phụ đến từ 136 quốc gia. Ngoài các nghị phụ còn có tới 460 chuyên gia là các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Như vậy, đây là lần đầu tiên giáo dân được mời là dự thính viên của Công đồng. Ngoài ra, còn có đại diện của các tôn giáo bạn từ 46 vị trong kỳ họp đầu tiên tăng lên 90 vị trong kỳ họp cuối cùng. Sau 3 năm làm việc, Công đồng đã cho ra đời 16 văn kiện, gồm 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn. Ban Tổ chức đã phải in tới 46 triệu trang tài liệu cho các đại biểu.

Công đồng Vatican II là công đồng của tự do và đối thoại. Nhiều nhà thần học chủ trương rằng, sự bàn cãi một vài “chân lý” và một số quan điểm là không thể chấp nhận được. Và khi một văn bản đã được soạn thảo, thì xem như không còn gì phải bình luận nữa. Thế nhưng tại Công đồng này các nghị phụ đã bác bỏ chủ trương đó, vì đối với các ngài các vấn đề ấy cũng phải được bàn luận và xem xét lại. Thậm chí, các nghị phụ đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị sửa đổi của chính Đức Giáo hoàng và ngay cả một lược đồ mà Đức Giáo hoàng khuyến khích chấp nhận. Như vậy, các nghị phụ đã vượt qua sự e dè, sợ hãi để tranh luận thẳng thắn dù bất kể tác giả bản dự thảo là ai.


Công đồng Vatican II được xem là một công đồng của Giáo Hội nói về Giáo Hội. Nghĩa là Giáo Hội đi tìm định nghĩa về chính mình. Đức Gioan XXIII nghĩ rằng, để có thể dấn thân vào sứ mạng hiệp nhất, Giáo Hội, trước hết cần phải đổi mới bộ mặt của mình, làm tươi trẻ các cơ cấu và đem lại nhựa sống cho thân thể xem ra đã già nua của Giáo Hội. Giáo Hội do đó được định nghĩa dựa theo các hình ảnh khác nhau của Kinh Thánh. Giáo Hội trước hết là dân của Thiên Chúa, định nghĩa nghĩa này bao hàm các khía cạnh xã hội và lịch sử của Giáo Hội. “Dân Thiên Chúa” không chỉ là Israel, dân được Chúa chọn, nhưng đúng hơn là tất cả cư dân trên thế giới đã nhận Phép Rửa và Giáo Hội cũng không loại bỏ thể gian mà là tinh lọc nó. Giáo Hội cũng còn được định nghĩa là Thân Thể Thiên Chúa vì Giáo Hội muốn làm nổi bật chiều kích Kitô học và huyền nhiệm của mình. Ngoài ra, Giáo Hội còn được định nghĩa qua nhiều hình ảnh khác như đoàn chiên của Chúa Kitô, cánh đồng, gia đình của Thiên Chúa, Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

Khởi đi từ việc định nghĩa Giáo Hội mà vai trò của người giáo dân cũng được thay đổi. Lần đầu tiên khái niệm “tông đồ giáo dân” ra đời khẳng định vai trò của người giáo dân. Kể từ sau Công đồng, người giáo dân không những có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô trong nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả của mình. Vai trò của người giáo dân được đề cao đến mức nhiều người cho rằng “đây là thời đại của giáo dân”.

Công đồng Vatican II không chỉ nổi bật vì những đổi mới tận căn ngay trong lòng Giáo Hội mà còn được ghi dấu bởi qua Công đồng này Giáo Hội đã can đảm mở toang cánh cửa để nhìn ra thế giới bên ngoài. Trước Công đồng Vatican II, Giáo Hội đóng cửa với thế giới xung quanh. Giáo Hội sử dụng đặc quyền của mình để phán xét các tôn giáo khác theo quan điểm riêng của mình. Công đồng Vatican II là Công đồng đầu tiên trong lịch sử không đưa ra bất kỳ kết án nào. Thật vậy, một trong những truyền thống đã có từ xa xưa trong Giáo Hội là kết án những người Do thái vì đã gây ra cái chết của Chúa Kitô. Vì thế, lời Kinh cầu cho người Do Thái cũng là lời kết tội. Công đồng đã thay đổi lại lời kinh này. Thay vì sử dụng những từ ngữ tiêu cực như “bất tín” và “mù quáng”, Công đồng đã sử dụng những từ ngữ đầy yêu thương và hy vọng. Còn đối với tôn Giáo Hội đã bị kết án là ly giáo như Chính thống giáo, Anh giáo, Tin Lành, Công đồng Vatican II muốn lấp hố ngăn cách với một cái nhìn ôn hoà hơn. “Vậy ngày nay, những người sinh trưởng trong các cộng đoàn ấy và thấm nhuần đức tin nơi Chúa Kitô không thể bị kết tội chia rẽ và Giáo Hội phải kính trọng họ, yêu thương họ như anh em.” Đối với những tôn giáo ngoài Kitô, thay vì kết án là đạo rối, thì Công đồng Vatican II cũng nhìn nhận những giá trị tốt đẹp nơi các tôn giáo khác và mong ước mở ra để đối thoại với các tôn giáo này. Ngay với những quan điểm vô thần luôn đối lập với Giáo Hội, giờ đây với tinh thần của Công đồng Vatican II cũng được xem xét thận trong hơn trên tinh thần đối thoại hơn là loại trừ.


“Giáo Hội vẫn cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân chối bỏ Thiên Chúa tiềm ẩn trong tâm trí những người vô thần và ý thức được tầm quan trọng của những vấn đề do vô thần khơi lên và vì yêu thương mọi người, nên Giáo Hội thấy cần phải cứu xét những nguyên nhân ấy kỹ lưỡng và sâu xa hơn” (MV, 21).

Một thay đổi nữa của Giáo hội Công giáo đó là thái độ đối với khoa học. Trước đây, vào thời Trung Cổ, Giáo Hội đã lập ra “Toà án Dị giáo” để xét xử những nhà khoa học, các nhà tư tưởng có quan điểm trái với Kinh Thánh. Với Công đồng Vatican II, Giáo Hội đã thay đổi quan điểm đối với khoa học, và đã đưa ra một sự phân việt rõ ràng giữa hai lĩnh vực khác nhau: lĩnh vực đức tin và lĩnh vực lý trí.

50 năm đã qua, những ảnh hưởng của Công đồng Vatican II vẫn tiếp tục tồn tại một cách sống động; và người ta dường như chưa kín múc hết được nguồn mạch phong phú của Công đồng này. Trong bức Điện chúc mừng nhân dịp HĐGM Pháp họp tại Lộ Đức ngày 25-3-2012. ĐGH Bênêđictô XVI nói: “Công đồng Vatican II đã là và còn là một dấu hiệu đích thực của Chúa cho thời đại chúng ta. Nếu chúng ta biết đọc và đón nhận dấu hiệu ấy theo truyền thống của Hội Thánh và dưới sự hướng dẫn chắc chắn của Huấn Quyền thì Công đồng sẽ luôn luôn trở thành một sức mạnh lớn lao cho tương lai của Hội Thánh.”

 -----------------

Tài liệu tham khảo:

1. TS Vũ Huy Thông, Công đồng Vatican II: Nửa thế kỷ nhìn lại.
2. Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế, OP, 50 năm Công đồng Vatican II.
3. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, Một số điểm độc đáo của Công đồng Vatican II.

Nguyễn Minh Triệu, SJ
Nguồn: RV 

Đức tin là gì?




Mỗi một ngày, chúng ta luôn cần đến đức tin. Đức tin để tin tưởng và đón nhận Lời được viết; để nghe những Lời từ Thiên Chúa một cách riêng tư; để vâng phục và thi hành Lời Chúa; để tin rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta những thứ chúng ta cần; để sử dụng những vũ khí thần linh; để tin tưởng Thiên Chúa trong những lúc khó khăn; để phó dâng cuộc sống, kế hoạch của chúng ta và những người chúng ta yêu thương vào trong tay Chúa; để tin rằng những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp trả; để tin có những phép lạ chữa lành; để đối mặt với đủ mọi loại thử thách và ngay cả những hoàn cảnh không thể. Đức tin cho ta rất nhiều thứ!

Nếu chúng ta muốn hoàn thành những kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta, chắc chắn chúng ta phải cần đến đức tin! Đức tin của chúng ta phải mạnh mẽ - và chúng ta không thể đợi đến lúc khẩn thiết mới xây dựng và gia tăng đức tin. Chúng ta phải làm việc ấy ngay hôm nay! Chúng ta sẽ không có được đức tin để chuẩn bị cho tương lai nếu chúng ta không bắt đầu luyện tập và củng cố thêm đức tin của chúng ta ngay từ bây giờ.

Rất nhiều người trong số các bạn có lẽ không cảm thấy mình có được mức độ đức tin mà mình cần, và rất ít người trong chúng ta cảm thấy sẵn sàng “cầu xin lửa từ Trời” trong ngày hôm nay!

Đức tin là gì? Làm thế nào bạn biết được mình có đức tin hay có đủ đức tin? Điều gì gây cản trở đức tin? Làm thế nào bạn tăng cường đức tin của mình? Làm thế nào bạn chắc rằng bạn có được đức tin cho một việc cụ thể nào đó? Làm thế nào bạn củng cố đức tin của mình? Làm thế nào bạn rèn luyện đức tin?

Loạt bài về “Đức Tin” sẽ đưa ra câu trả lời.
Đức tin là gì?

Đức tin không phải là một vấn đề phức tạp. Những hoàn cảnh vốn phức tạp, nhưng bản thân đức tin lại rất đơn giản. Tin chính là biết - biết rằng Thiên Chúa là ai, biết rằng Ngài yêu thương chúng ta và muốn giúp đỡ chúng ta, biết rằng những lời hứa của Ngài là dành cho chính mỗi người chúng ta, biết rằng Ngài đáp trả lời cầu nguyện, biết rằng Ngài sẽ thực hiện cho dù sự hiểu biết ấy trái ngược với những hiểu biết thông thường của chúng ta. Đức tin chính là biết cho dù chúng ta có nhìn thấy gì hoặc nghĩ gì.


Những đứa trẻ có đức tin và chúng chính là mẫu gương tốt về lòng tin. Chúng có lòng tin vào bố mẹ của chúng. Chúng biết nếu chúng khóc, sẽ có ai đó đến; nếu chúng đói, chúng sẽ được cho ăn; nếu chúng cần giúp đỡ, chúng sẽ nhận được sự giúp đỡ. Vì thế, chúng ta nên giống như trẻ thơ, và lòng tin của chúng ta cũng nên giống như lòng tin của trẻ thơ. Chúa Giêsu thường lấy những đứa trẻ làm ví dụ khi giảng dạy, Ngài đã gọi những đứa trẻ đến bên Ngài và bảo những môn đệ của Ngài phải nên giống như chúng, rằng họ nên khiêm tốn và đón nhận tất cả giống như trẻ thơ - tin tưởng, biết chắc và có lòng tin (x. Lc 18,15-17; Mt 18,2-4).

Đức tin thì không giao động hoặc hoài nghi. Nó có thể bị cám dỗ làm như thế, và có thể nó có ý nghĩ làm như thế. Thiên Chúa biết chúng ta không hoàn hảo. Nhưng cuối cùng, đức tin sẽ đứng vững, vì nó tin tưởng vào Chúa, và nó tin chắc rằng Ngài có thể thực hiện những gì Ngài đã hứa (x. Rm 4,21). Đức tin giúp chúng ta tin rằng Thiên Chúa có thể làm những điều vượt hơn tất cả những gì chúng ta cầu xin hay nghĩ tới (x. Ep 3,20). Đức tin biết rằng không có gì là quá khó khăn đối với Chúa, và với Ngài, mọi sự đều có thể (x. Mc 10,27; Lc 1,37). Đức tin biết rằng Thiên Chúa trung tín trong Lời Ngài. Đức tin bảo đảm chắc chắc rằng Ngài sẽ thực hiện, bởi vì đức tin ấy biết rõ Ngài và ý định của Ngài.

Khi chúng ta có lòng tin, lòng chúng ta sẽ vững vàng, tin tưởng vào Ngài, và sẽ không bị lay động bởi những tin tức xấu hoặc những xu hướng xấu (x. Tv 112,7). Chúng ta sẽ không có một tâm trí nghi ngờ, nhưng luôn vững tin vào Chúa. Chúng ta không bao giờ mất đi sự tin tưởng và lòng tin của mình, cũng như không hề giao động như sóng biển bị gió đẩy lên giật xuống (x. Dt 10,35; Gc 1,6). Chúng ta biết Thiên Chúa có thể thực hiện, Ngài muốn thực hiện và Ngài sẽ thực hiện. Đó chính là lòng tin, và điều đó làm đẹp lòng Chúa, vì giờ đây chính là kỷ nguyên của lòng tin, của sự tin tưởng và biết rõ, ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa và không còn gì để cậy dựa vào ngoài Lời của Ngài.

Mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho (Rm 12,3), vì thế, chúng ta phải xây dựng đức tin và gia tăng đức tin. Có rất nhiều cách để làm việc đó. Chúng ta có thể cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin, một trong những món quà của Thần Khí, và Ngài sẽ ban cho (x. 1 Cr 12,9). Chúng ta có thể cầu xin Thiên Chúa gia tăng lòng tin của chúng ta (x. Lc 17,5). Ngài chính là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin của chúng ta (x. Dt 12,2).

Chúng ta cũng có thể gia tăng lòng tin của mình thông qua Lời của Chúa. Đức tin có được là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Kitô (x. Rm 10,17). Chúng ta càng đọc nhiều Lời Ngài trong Kinh Thánh, thì Lời Ngài sẽ càng linh hứng và nuôi dưỡng lòng tin của chúng ta. Lời của Ngài xây dựng lòng tin của chúng ta. Khi chúng ta nghe hoặc đọc những lời đáp trả việc cầu xin, những phép lạ chữa lành, ban ơn hoặc giải thoát hoặc nhiều điều khác nữa, đức tin của chúng ta sẽ được gia tăng. Thậm chí chúng ta sẽ càng tin chắc rằng những gì Thiên Chúa đã làm trong quá khứ, Ngài có thể làm lại và sẽ làm lại, bởi vì Ngài vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và mãi đến muôn đời (Dt 13,8).


Những điều gì gây cản trở cho lòng tin?

Tâm trí của chúng ta chính là một trong những rào cản chính đối với lòng tin. Việc này không có nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta không nên sử dụng tâm trí của mình, nhưng Ngài muốn chúng ta không nên để tâm trí và lý lẽ tự nhiên của chúng ta lừa gạt và gây trở ngại cho lòng tin của chúng ta.

Chúng ta bước đi bằng lòng tin, chứ không phải bởi được nhìn thấy, bởi những lập luận, bởi những phân tích, hoặc bởi những gì hiện diện rõ ràng. Đức tin chính là tin tưởng vào Thiên Chúa và không dựa vào những hiểu biết riêng. Đức tin biết rằng đường lối của chúng ta không phải là đường lối của Thiên Chúa, và tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta (x. Is 55,8-9). Đức tin tin tưởng vào quyền năng của Đức Chúa hơn là sự khôn ngoan của nhân loại. Đức tin thì đui mù trước những hoài nghi, những ngờ vực và những ý nghĩ rằng có thể Thiên Chúa không làm được việc ấy. Đức tin biết, và nếu bị cám dỗ bởi sự hoài nghi hay ngờ vực hay lập luận tự nhiên, nó sẽ gạt tất cả sang một bên và vẫn sẽ tin tưởng. Đức tin luôn tiếp tục tiến lên phía trước mặc cho bất cứ điều gì.

Chúng ta cũng có thể gây cản trở lòng tin nếu chúng ta sử dụng thuật ngữ lòng tin một cách hời hợt, không suy nghĩ hoặc không biết rằng Ngài sẽ thực hiện. Hãy nhớ rằng, đức tin không phải hy vọng, hoặc ao ước, hoặc khao khát. Đức tin là biết một cách chắc chắn và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa. Vì thế, nếu trong hoàn cảnh nào đó, chúng ta chỉ hơi tin tưởng, hoặc bị dẫn dắt nhiều bởi những khao khát của bản thân hơn là bởi ý định của Chúa, và tự nhủ rằng chúng ta có lòng tin cho điều gì đó hoặc tin rằng Ngài sẽ thực hiện, nhưng lại không có sự tin chắc chắn, như thế chúng ta sẽ có thể sắp té ngã.

Nếu chúng ta không biết điều gì đó xảy ra là ý định của Thiên Chúa, nếu chúng ta không biết liệu chúng ta có đang vâng lời hay không, nếu chúng ta không biết mình có đang dựa vào Lời Ngài và những lời hứa của Ngài hay không, thì chúng ta không nên nói rằng mình có lòng tin cho việc gì đó hoặc rằng chúng ta có lòng tin rằng Ngài sẽ thực hiện. Có lẽ chúng ta hy vọng Thiên Chúa sẽ thực hiện, hoặc nghĩ rằng Ngài sẽ thực hiện, và những gì xảy ra trong quá khứ cho chúng ta thấy rằng Chúa sẽ thực hiện, nhưng điều đó không giống với việc chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta tin Ngài sẽ thực hiện. Đức tin không phải là khao khát hay mong muốn hay hy vọng; đức tin chính là biết chắc.

Nếu chúng ta dùng cụm từ “tôi có lòng tin” một cách hời hợt, không chắc chắn, và khi niềm hy vọng hoặc điều ao ước hoặc khao khát của chúng ta không thành hiện thực, chúng ta sẽ dễ dàng hoài nghi và ngờ vực. Chúng ta có thể nghi ngờ liệu Thiên Chúa có thể thực hiện hay không, liệu Ngài có thể hoàn thành những lời hứa hay không. Đừng nao núng, hãy kiên tâm bền chí cho đến cùng dẫu có thế nào.  Hoặc chúng ta nên kiểm tra lại với Chúa xem liệu việc đáp ứng yêu cầu của chúng ta có phải là ý của Ngài không.

Nếu lòng khao khát của chúng ta không được đáp ứng, thì chúng ta không nên trách móc bản thân vì đã không có lòng tin cho việc ấy. Hành động ấy có thể làm sứt mẻ lòng tin của chúng ta. Có thể chúng ta không biết rằng sự việc nào đó không xảy ra chính là ý định của Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta đã luyện tập sự khao khát và ước muốn của bản thân nhiều hơn lòng tin của chúng ta. Vì thế, đừng để lòng tin của chúng ta phải nhận sự khiển trách khi ước muốn của chúng ta không thành hiện thực.

Vâng phục cũng là một thành phần quan trọng trong việc rèn luyện lòng tin, vì thế nếu chúng ta không vâng phục Thiên Chúa và Lời của Ngài, thì chúng ta không thể có được lòng tin mạnh mẽ. Hãy nhớ, đức tin và đức vâng phục phải có trước tiên, và rồi Thiên Chúa sẽ đáp trả lời cầu nguyện. Ví dụ, nếu chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta điều gì đó nhưng lại không làm tất cả những gì Ngài bảo chúng ta làm, hoặc thậm chí làm những điều Ngài bảo chúng ta đừng làm, như thế, chúng ta không thể cầu xin với một lòng tin mạnh mẽ hoặc không thể được bảo đảm sẽ có được câu trả lời từ Chúa. Thiên Chúa có lòng thương xót, và có quyền năng ban mọi ơn lành, nhưng Ngài sẽ không làm nếu chúng ta không vâng phục.

Đôi khi việc thiếu đức vâng lời sẽ dẫn đến kết quả là thiếu sự hoà hợp. Ví dụ, có thể Thiên Chúa hành động đàng sau hậu trường để thực hiện thông qua một người nào đó, hoặc theo một cách thức mới, và mở ra một cánh cửa để ban chúng ta điều gì đó chúng ta cần - nhưng chúng ta lại không bước vào. Có thể chúng ta đã bỏ qua việc kiểm tra với Ngài để nói chuyện với ai đó, hỏi ai đó và nhờ họ giúp đỡ…

Ngay cả khi ý định của Thiên Chúa muốn ban điều gì đó cho chúng ta, Ngài vẫn không thể làm được nếu chúng ta không chú ý đến tiếng nói của Ngài và không nhạy cảm với nó; hoặc chúng ta quyết định không thích cánh cửa được mở ra cho chúng ta; hoặc chúng ta cho rằng mình đã thử cách ấy trong quá khứ, và vì nó đã không có tác dụng, nên lần này nó cũng sẽ như thế. Điều này chính là mất đi sự hoà hợp chứ không hẳn là mất đi lòng tin, nhưng kết quả thì như nhau.

Sự kiêu ngạo của chúng ta sẽ ăn mòn dần lòng tin và làm chậm đi quá trình gia tăng của lòng tin, bởi vì chúng ta dựa vào sự tự tin của bản thân hơn là dựa vào Thiên Chúa và sức mạnh của Ngài. Vì thế, chúng ta kết luận rằng những kết quả cuối cùng của nỗ lực giải quyết vấn đề chẳng liên quan gì nhiều đến lòng tin vào Thiên Chúa, nhưng là do khả năng và sự khéo léo của bản thân. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của đức tin trong huyết mạch của chúng ta, bởi vì huyết mạch tinh thần của chúng ta bị tắc nghẽn bởi những việc làm của bản thân thay vì là được lưu thông bởi dòng chảy của Thần Khí bên trong chúng ta.

Việc thiếu đi sự quyết tâm đối với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện cũng cản trở việc phát triển lòng tin của chúng ta. Nếu chúng ta không cầu nguyện, Thiên Chúa bị giới hạn trong thế giới tâm linh, điều đó thường có nghĩa là những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt có thể kéo dài không biết đến bao giờ. Khi điều ấy xảy ra, với tâm trí trần tục, chúng ta kết luận rằng những lời hứa Thiên Chúa dành cho chúng ta thật sự không có tác dụng gì cả. Nhưng nếu 
chúng ta không cầu nguyện với lòng nhiệt thành và bằng lòng tin và sự tha thiết - những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lời cầu nguyện - thì làm sao chúng ta có thể trông đợi được nhìn thấy những kết quả có tác động mạnh mẽ.


Lời cầu nguyện đòi hỏi phải có lòng tin. Chúng ta phải tin tưởng rằng lời cầu nguyện thật sự có tác dụng, và đó không phải chỉ là một nghi thức trần tục để thể hiện việc sùng đạo. Chúng ta phải tin tưởng hết lòng rằng khi cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ thay mình hành động, cho dù là cần mất thời gian trước khi chúng ta nhìn thấy hết những kết quả. Lòng tin của chúng ta không được giao động chỉ bởi vì câu trả lời lâu đến. Và bởi vì lòng tin của chúng ta không hoài nghi, vẫn tin tưởng, nên khi Thiên Chúa ban câu trả lời, lòng tin của chúng ta sẽ được gia tăng và được củng cố. Nhưng nếu không có một mục đích mạnh mẽ và lòng tin trong lời cầu nguyện, đức tin của chúng ta sẽ bỏ qua một cơ hội được phát triển thông qua việc phó thác để Thiên Chúa thực hiện, và hoàn toàn tin tưởng và trông đợi rằng Ngài sẽ làm phép lạ theo cách mà Ngài biết là tốt nhất.

Việc thiếu lòng tin tạo ra mảnh đất màu mỡ để những hạt hoài nghi nảy mầm, việc thiếu lòng tin đối với những lời hứa của Thiên Chúa nếu không được chế ngự và nếu để cho việc này kéo dài, cuối cùng nó có thể dẫn đến việc không tin tưởng vào Ngài.

Phạm tội mà không xưng thú, hoặc phạm tội do không biết chế ngự, cũng có thể cản trở lòng tin của chúng ta. Trong những trường hợp như thế, rất khó để chúng ta có lòng tin vào Thiên Chúa và Lời của Ngài nếu chúng ta không biết mình đang sai và không hoàn toàn vâng lời Ngài. Việc ấy có thể sẽ ăn mòn lòng tin của chúng ta, bởi vì chúng ta không thể tự tin đến trước ngai Thiên Chúa để trông chờ câu trả lời (x. Dt 4,16). Thay vào đó, chúng ta lại vừa rón rén đến trước Ngài, hy vọng Ngài sẽ trả lời, nhưng lại vừa mang một cảm giác tội lỗi về lời cầu xin của mình khi chúng ta nhận ra rằng mình đã không tuân theo những yêu cầu đòi hỏi để có thể nhận được những ân sủng của Ngài và hoa trái của sự vâng phục.

Việc thiếu đức tin có những nguyên nhân khác nhau đối với từng cá nhân. Một số người do tất cả những nguyên nhân nêu ra ở trên, số khác thì do những nguyên nhân riêng tư, có thể là do những gánh nặng trong quá khứ đè nặng trên họ. Đó là lý do tại sao việc tìm kiếm Thiên Chúa thường xuyên để tìm ra nguyên nhân hoặc trở ngại trong việc gia tăng lòng tin là một việc rất quan trọng. Câu trả lời có thể không luôn luôn giống nhau - đó là lý do tại sao câu hỏi ấy là câu hỏi mà chúng ta phải hỏi Thiên Chúa một cách thường xuyên.

Thiên Ân dịch