Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

NHÀN ĐÀM VỀ CHUYỆN ÔNG ĐỒ


                                                                                                                                                    Mặc Sinh – Lê Huy Hoàng   

Nói tóm lại, việc “bày mực tàu giấy đỏ” ngày xưa không phải là việc làm của bậc túc nho, danh sĩ, mà là việc của những thầy khóa thất thế...

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua… 


(trích “Ông Đồ” – Vũ Đình Liên)

Mỗi năm Tết đến, đọc lại mấy câu thơ trên của thầy Liên, chắc hẳn nhiều người cảm thấy ngậm ngùi tiếng nuối cho “một thời vang bóng” của Hán học và của cái thú xin chữ. Tôi chỉ xin mượn mấy câu thơ trên để mở đầu bài viết, chứ tuyệt nhiên không muốn bình luận thêm về giá trị nghệ thuật của bài thơ ấy nữa – đó là một bài thơ hay nổi tiếng mà đã được rất nhiều bạn yêu thơ bình luận. Tôi muốn nhàn đàm đôi câu về cái hình tượng ông đồ xưa nay, đúng sai mặc lòng, nhân Tết sắp đến thời “mua vui cũng được một vài trống canh”.




Ông đồ xưaNgười cho chữ đầu xuân, phải nói luôn, không trùng với khái niệm “ông đồ”. “Đồ” là “sinh đồ”, là học trò, là anh khóa, là người thi đỗ cấp thấp. “Ông đồ” nói cách khác là anh khóa đã về già, thường thì đi dạy chữ trong làng. Đó là định nghĩa có phần không được khoa học lắm, tôi cứ tạm nêu ra vậy cho bạn đọc dễ hình dung, chứ chưa có điều kiện khảo cứu chi tiết.

Còn người cho chữ đầu xuân, thì đầu tiên là người biết chữ, biết viết. Biết chữ, biết viết, tôi cứ tạm gọi là các nhà nho, các nhà nho cũng chia làm 2 loại: một loại gọi là “túc nho”, tức là những người hiểu biết uyên bác về Hán học, văn hóa, thậm chí thư pháp (tôi nói “thậm chí” vì nhà thư pháp cũng khác với túc nho); còn loại nữa là “hủ nho” tức là những kẻ chỉ tầm chương trích cú. Nặng nề hơn thì ta xếp thêm một loại gọi là “khuyển nho” (sau này “khuyển nho” có nghĩa là một trường phái triết học phương Tây – cái này không bàn), là những kẻ tới tài tầm chương trích cú cũng không có, chỉ biết dăm ba chữ đủ viết cái sớ.

Giờ ta bàn thử đến chuyện xin chữ ngày xưa. Người xin chữ cũng có dăm bảy loại, đại để chia ra thành phần trí thức và thành phần khác. Đầu năm người ta muốn có chữ treo trong nhà, âu cũng là chuyện thường. Người biết thì đến thỉnh chữ của một bậc trí giả túc nho nào đó, như chúng ta cũng nghe nhiều chuyện người ta đến xin chữ của Nguyễn Khuyến hay Tú Xương, hoặc Cao Bá Quát. Những bậc trí giả ấy, không bao giờ làm cái chuyện “bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua” cả, họ cho rằng như vậy là thấp kém và coi thường chữ thánh hiền. Tất nhiên không phải ai đến thỉnh chữ mà họ cũng cho, và mỗi khi cho chữ thường họ phải suy nghĩ về nội dung một cách kỷ lưỡng. Người đi xin cũng thường không hay nói luôn là “nhà con xin chữ này chữ này”, mà tùy “thầy” thấy chữ nào hợp, câu nào hợp sẽ cho. Các bậc túc nho nếu có giao tình thì cũng hay tặng chữ cho nhau.

Cũng có những lúc các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương cho chữ những người lao động bình thường, ấy là khi các cụ cảm mến cái tính cách tâm hồn của họ mà không từ chối, tuy nhiên viết cái gì, viết Nôm hay chữ cũng phải hợp lý.

... và đồ nayCòn những người suy vi hơn, Tết đến nhà nghèo khổ, không có tiền, cũng lại không phải có tài năng xuất chúng chi lắm để người ta mộ tiếng mà tìm đến, thì mới phải trải chiếu bày giấy ở đường, trước cổng đình chùa để bán chữ – lúc này thực sự là mua bán chứ không còn là tặng chữ, thỉnh chữ nữa, mặc dù người mua cũng rất trân trọng. Thành phần những người mua chữ cũng rất tạp, có bà con nông dân, có thương nhân, lính tráng… duy không có những bậc túc nho mà thôi! Mà ít khi những “ông đồ” bán chữ có thể từ chối người đến xin, vì lý do đồng tiền bát gạo; nếu thực sự từ chối, họ đã không đi bán chữ. Nói tóm lại, việc “bày mực tàu giấy đỏ” ngày xưa không phải là việc làm của bậc túc nho, danh sĩ, mà là việc của những thầy khóa thất thế, cho dù họ biết việc làm đó không còn giữ được chút thanh cao của người đọc sách, nhưng vì miếng cơm manh áo mà đành phải làm.

Cuối cùng, phải nói thêm một điều nữa, đó là bài này hoàn toàn không nói gì đến chuyện “thư pháp”, vì cho chữ không đồng nghĩa với thư pháp, người cho chữ cũng không hẳn đã là nhà thư pháp. Chuyện thư pháp, tôi xin đành không dám bàn tiếng nào ở bài này.

Ngày nay, Tết đến người ta lại đi xin chữ, hay nói thẳng ra là mua bán chữ, nhan nhản ngoài vỉa hè Văn Miếu. Việc xin chữ cho chữ đầu xuân là phong tục lâu đời, xin chữ cho chữ thế nào là thanh, thế nào là tục, cứ ngẫm là thấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét