IV- THẦY SÁU DO LÃNH CHỨC LINH MỤC - THI HÀNH MỤC VỤ TẠI PLEI RƠHAI Giữa năm 1852, Thầy Sáu Do được Đức cha gọi về chuẩn bị lãnh nhận chức linh mục để tiếp tục công cuộc truyền giáo vùng Tây Nguyên vì vai trò của ngài không thể thiếu được. Sau khi thụ phong linh mục, ngài trở lại xây dựng Trung tâm Truyền giáo PLEI RƠHAI với tư cách linh mục vào năm 1853. Trong thời gian ngài truyền giáo vùng Tây Nguyên, tình hình chính trị và tôn giáo biến đổi như thế nào tại Việt nam? Ngài truyền giáo tại vùng dân tộc làm sao? Ngài dùng phương thức và với tinh thần nào để thi hành mục vụ của ngài tại Trung taam Truyền giáo này? Đó là những điểm chúng tôi cố gắng trình bày phần nào sau đây. A. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM Từ giữa năm 1852 khi cha về Gò Thị chuẩn bị thụ phong linh mục cho hết đời ngài (cuối năm 1872) là thời kỳ bách hại đạo của Vua Tự Đức ngày càng dữ dội hơn cả và ảnh hưởng tai hại rất nhiều đến việc truyền giáo tại Tây Nguyên. 1. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM Ngày 30 tháng 3 năm 1851, Vua Tự Đức ra chiếu chỉ cấm đạo Công giáo: “Giáo lý của ông Giêsu có nguồn gốc từ những người Châu Âu. Nó ngăn cấm sự thờ cúng tổ tiên và thần linh. Để làm người ta lạc hướng và u mê, nó nói về trời và nước thánh. Biết rõ luật pháp của nước ta không dung thứ được giáo lý độc ác ấy, những kẻ sản sinh ra nó đã đưa ra hình ảnh một ông Giêsu bị hành hình, là Thầy của họ để dụ dỗ những kẻ ngu muội và làm cho họ đối đầu với cái chết mà không sợ hãi ăn năn. Thật là một ảo tưởng tai hại! Thật là một nỗi ám ảnh lạ kỳ! (...). “Đây là những điều các triều thần khuyên ta: “Các giáo sĩ Châu Âu sẽ phải ném xuống sông hoặc xuống biển sâu, vì vinh quang của đạo đích thực. Các giáo sĩ Việt nam dù có đồng ý bước qua hay không, đều bị chặt làm đôi, để mọi người đều biết sự nghiêm minh của luật pháp”. (Bản dịch của Đức cha Retord, biên niên sử về việc truyền bá đức tin, 1852, XXIV, tr. 11 ff) (12). Trong chiếu chỉ này có nói đến ân thưởng ai bắt được giáo sĩ Âu châu nộp sẽ được 8 lạng bạc và được nửa tài sản của những ai đã bảo vệ che giấu họ. Do đó, các quan quân hăng hái lục soát tìm mọi cách bắt các giáo sĩ để kiếm tiền thưởng. Chiếu chỉ này được thi hành quyết liệt tại tỉnh Bình Định vào năm 1854. Ông ra lệnh mọi cơ sở của người Công giáo phải bị triệt hạ, và đất đai thì được tuyên bố bỏ trống hoặc được xung vào công khố. Lệnh ông truyền tìm kiếm các linh mục ngoại quốc cùng những kẻ chấp chứa hay bao che các ngoại nhân đó. Cơ sở TRẠM GÒ, cơ sở BẾN và AN SƠN bị ghi vào sổ đen. Đức cha CUÉNOT đang ẩn náu tại GÒ THỊ và còn 2 cha thừa sai: cha ARNOUX đau nặng vừa từ cao nguyên xuống, cha VERDIER vừa từ Pháp tới. Đức cha biết nguy hiểm gần kề, nên quyết định đưa ngay Cha Verdier lên miền Thượng. Thầy Năm BẢO vâng lời Đức cha vừa đưa Cha Arnoux xuống Gò Thị, thì lại đưa ngay Cha Verdier lên vùng truyền giáo qua TRẠM GÒ. Đêm thứ hai, lúc gà gáy, đang tìm nơi ẩn núp và ngủ nghỉ thì được một giáo dân báo cho biết cơ sở BẾN nay sắp bị tàn phá. Các ngài vội vàng chạy trốn dưới một chiếc ghe nhỏ. Cuộc tàn phá cơ sở BẾN (nay thuộc họ ĐỊNH QUANG, xã Bình Quang, huyện Tây Sơn, Bình Định) diễn ra. Thầy Năm BẢO dẫn Cha Verdier lên TRẠM GÒ, và TRẠM GÒ vừa bị tàn phá, An Sơn cũng cùng một cảnh tượng: bị đạp phá, giáo dân bị lùng đuổi. Các ngài không còn cách nào nữa, ra mặt tìm thức ăn sẽ bị tóm cổ và bị kết án. Ba ngày trốn tránh, đói khát, sợ bị bắt và cuối cùng các ngài đành tìm lên vùng truyền giáo tới KON KƠXÂM với sức kiệt tận. 2. CON ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO BỊ BỊT KÍN Các cha tại vùng truyền giáo Tây Nguyên như bị nhốt, cô lập và bị lùng bắt. Các cha vùng Bahnar này dù an toàn nhờ sự bảo trợ của ông KHIÊM, nhưng đã trải qua những ngày tháng trốn tránh và lo sợ khổ cực: khổ cực vì thiếu thốn, khổ cực vì bệnh tật, khổ cực vì lo âu. 3. CÁC CHIẾU CHỈ BẮT ĐẠO Tháng 9 năm 1855, Vua Tự Đức ra chiếu chỉ bắt các giáo sĩ, đạo đồ phải bỏ đạo, triệt hạ nhà thờ, nhà chung. Tháng 6 năm 1867, nhà vua lại thêm chiếu chỉ mạt sát đạo Công giáo, gọi giáo sĩ là chó má, khắc “tả đạo“ ở má cho kẻ bất kham không chịu ‘quá khoá’ (đạp Thánh giá). Tháng 12 năm 1859, chính Vua Tự Đức ra chiếu chỉ buộc binh sĩ bỏ đạo, bước qua Thập giá. Tháng 1 năm 1860, để bao vây người Công giáo, vua ra chiếu chỉ kiểm soát gắt gao các làng Công giáo. Chưa đủ, còn có hạng người mà nhà vua cần lưu ý: nữ tu. Nên tháng 7 năm 1860 chiếu chỉ lùng bắt nữ tu đặc biệt Dòng Mến Thánh Giá. Ngày 4 tháng 11 năm 1860, nhà vua ra một chiếu chỉ nữa (13). Tháng 8 năm 1861, Vua Tự Đức ra chiếu chỉ phân sáp người Công giáo vào các làng ngoại giáo. Tháng 7 năm 1864, nhà vua ra chiếu chỉ về các tín hữu Kitô giáo dưới hình thức một lá thư tự sự giải bày nổi lòng tốt lành của nhà vua khuyên người Kitô hữu đừng oán hờn. Có những đoạn thật thiết tha như sau: “Có bao giờ ta lại có thể bỏ được tình cha con và để cho dân ta phải hư mất (…)”. “Có một số quan đang kêu gọi tàn sát tất cả các tín đồ Kitô và một số khác ngay từ đầu đã lập tức đòi phân tán và giam hãm họ trong các làng không theo Kitô giáo. Với tấm lòng của một người cha, ta không thể nhìn những biện pháp như thế diễn ra. Ta đã trì hoãn việc thi hành trong 3, 4 năm. Cuối cùng ta đã chọn con đường nhẹ nhất, phân tán họ ra. Các người thấy ta đã nhân từ biết bao! Sự kiện tự nó nói lên tiếng nói của nó. Nhưng ai sẽ tin vào điều ấy! Những kẻ thi hành lệnh ta làm quá trớn (...)” (14). Vị vua khi thấy áp lực phía thực dân đang lợi dụng tôn giáo chia rẽ, không còn cách nào khác buộc lòng ký hiệp ước PHÁP -VIỆT ngày 15 tháng 3 năm 1874. Trong bản Hiệp ước này, điều IX nói về tự do tôn giáo (15). Đó là tình hình chính trị biến động ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo tại Trung Châu và là giai đoạn thi hành mục vụ của Tân Linh mục PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN DO tại Trung taam Truyền giauo RƠHAI. B. TÌNH HÌNH TÔN GIÁO, XÃ HỘI TẠI VÙNG TÂY NGUYÊN NÓI CHUNG 1. TÌNH HÌNH TÔN GIÁO (1850-1888) Tân Linh mục PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN DO thi hành tác vụ truyền giáo và mục vụ tại Trung tâm Truyền giáo RƠHAI cho người Bahnar vào giai đoạn đầu (1850-1888) đầy dẫy khó khăn, nhưng anh hùng. Tình trạng chung được ghi lại như sau: “ Trong số 17 vị thừa sai và 5 linh mục Việt Nam thì 15 vị đã ngã gục trong thời gian này. Và mặc dầu cuộc đời của các vị thừa sai này đã hiến tế, đã hy sinh, con số người tòng giáo không hơn 1.000 người, hầu như đứng yên tại chỗ. Đó là nỗi đau khổ như làm thất vọng cho việc loan truyền Tin Mừng trong giai đoạn này» (16). 2. TÌNH HÌNH XÃ HỘI TẠI TÂY NGUYÊN Tình hình truyền giáo tại vùng Tây Nguyên ngoài nguyên nhân do biến động từ hoàn cảnh chính trị phức tạp của đất nước, còn phát xuất từ hoàn cảnh xã hội và đời sống luân lý của người dân tộc nữa. a. Về phương diện xã hội Không có một liên đới giữa các buôn làng với nhau, họ sống theo nguyên tắc mỗi buôn làng “biết riêng mình, mạnh được yếu thua» trừ một vài trường hợp hiếm hoi; không có một vị lãnh đạo duy nhất nào hành quyền áp đặt được mọi làng thành một bộ tộc cả. Nói tóm lại, một tình trạng gần như vô chính phủ. Các dân tộc khác nhau thường xuyên đánh phá cướp của, bắt đàn bà, con trẻ, buôn bán nô lệ cho làng khác hay cho Lào, hoặc cho Thái. Giết tất cả những ai chống cự lại. Một số người Jrai hay Sơđang chống các vo thừa sai không phải vì những động cơ đặc biệt oán hận báo thù, nhưng vì các ngài là thừa sai vùng người Bahnar, do đó dưới cặp mắt một số trong họ, các vị thừa sai liên đới với người Bahnar và phải chịu cùng một cách đối xử. b. Vấn đề giao thông hầu như không có hoặc đi theo đường món khó khăn; nguy hiểm vì thú dữ, nhất là vì trộm cướp, giết người do lớp người buôn bán nô lệ di chuyển. Tình trạng mất an ninh. Do đó, cần một tổ chức quy cũ các làng, tạo một an ninh chống với tệ đoan buôn bán nô lệ, cũng như tự vệ riêng cho bản thân và người của mình; chưa nói bệnh tật rất nhiều, cần đường giao thông thuận tiện để cứu giúp khi ngặt nghèo cũng như bệnh đậu mùa tái phát năm 1855. c. Đời sống luân lý Nhiều mê tín dị đoan, nhiều phong tục không am hợp với tinh thần Kitô giáo như những dịp ăn bỏ mả, chôn cất, bậnh tật, cúng tế, nạn phù thuỷ hoành hành làm suy sụp đời sống tinh thần, tiêu hao năng lực cầu tiến của dân tộc, chưa nói làm tốn hao tài sản, bần cùng dân chúng. d. Để chúng ta có cái nhìn tổng quát về tình hình xã hội tại miền truyền giáo, không gì hơn,chúng tôi xin ghi lại bản báo cáo thường niên của Đức cha GALLIBERT nhân dịp kinh lý vào đầu năm 1880 về vùng truyền giáo Bahnar gửi cho Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris như sau: “Muốn chính cá nhân tôi hiểu rõ kết quả đã thực hiện được tại vùng dân tộc và các phương tiện dùng để thực hiện, tôi bắt đầu đi thăm mục vụ nơi cư dân Bahnar. Cha VIALLETON được các linh mục gửi tới để giúp tôi như người đồng hành và hường dẫn tôi, đã tới Trung Châu cuối tháng 12 năm 1879». “Từ các ngày đầu tháng 1, chúng tôi lên đường và một tuần sau, chúng tôi đã đến ở với các tín hữu chúng tôi. Cuộc hành trình cực kỳ vất vả, suốt ngày phải theo những con đường ngoằng ngoèo qua rừng rậm và chiều tối, chúng tôi ngủ ngoài trời. Chúng tôi đốt quanh chúng tôi những đống lửa to phải giữ luôn suốt đêm để đuổi thú dữ quá nhiều trong các rừng núi này...”. Sau đó, Đức cha thuật lại cộng đoàn tín hữu đón tiếp và ngài sung sướng làm sao. Những nghi thức đón tiếp theo cách thức của người dân tộc vui nhộn như thế nào. Ngài cũng báo cáo lúc đó có 4 cộng đoàn và 1.500 tân tòng. Ngài đi thăm một số nơi, ngài viết tiếp: “Sau cuộc hành trình này, tôi hoàn toàn xác tín rằng còn và cần cấp bách thiết lập một vài trạm trung gian giữa Việt Nam và vùng cư dân Bahnar. Khi các trạm này xây dựng xong, con đường sẽ an toàn hơn. Các cha có thể chuyển đến tận miền rừng rú của họ những đồ dùng cần thiết nhất mà các ngài đến nay còn thiếu thốn, do đó tình trạng đường xá xấu và sợ vì mất an ninh”. “Tuy nhiên, nếu các khó khăn to lớn cũng không làm cho chúng tôi thất vọng. Chúng tôi tin chắc rằng với ơn Chúa, chúng tôi vượt qua các khó khăn đó được, khi Thầy Chí Thánh đã nói: “Docete omnes gentes» (các con hãy đi dạy dỗ muôn dân) rất rõ ràng là không loại trừ một đất nước nào lời giáo huấn của Chúa. Người muốn ơn cứu rỗi cho các dân tộc xấu số này, vì họ Người đã đổ máu mình ra» (17). C. TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO RƠHAI Chúng tôi vừa phác hoạ tình hình chính trị tại Việt Nam ảnh hưởng đến việc truyền giáo tại vùng Tây Nguyên cũng như nói đến tình trạng xã hội, phong tục tập quán trong giai đoạn thứ nhất của công cuộc truyền giáo tại đây như thế nào. Giờ đây, chúng tôi xin tóm lược công trình xây dựng Trung tâm Truyền giáo RƠHAI do Cha DO đảm nhận làm sao. Chúng tôi không vào chi tiết nhưng trình bày khái quát phương hướng ngài bắt đầu xây dựng Trung tâm này như thế nào? Đâu là kết quả khích lệ mà ngài thu hoạch được trong những năm ngài ở tại Điểm Truyền giáo này và ảnh hưởng làm sao cho thế hệ sau này. Từ năm 1851, sau khi khám phá đồng bằng KONTUM ngày nay, Cha DESGOUTS Đề và Thầy Sáu DO được giao trách nhiệm truyền giáo cho chi tộc RƠNGAO-BAHNAR ở cạnh làng dân tộc tên là BRÊNG (nay thuộc địa bàn TÂN HƯƠNG). Giữa năm 1852, Thầy Sáu DO được gọi về GÒ THỊ để sửa soạn thụ phong linh mục. Tháng 7 năm 1853, ngài chịu chức linh mục và trở lại Tây Nguyên, hướng dẫn việc xây dựng Trung tâm Truyền giáo vùng này. Cha DESGOUTS bắt đầu tổ chức chủng viện, nhưng vì chủng sinh bị bệnh quá nhiều, Đức cha chỉ thị đem chủng viện xuống vùng M’NÔNG (vùng DARLAC), tại cơ sở truyền giáo của Cha Hoà. Cha DESGOUTS ngã bệnh phải chạy chữa. Năm 1856, Trung tâm Truyền giáo tại M’NÔNG cũng gặp khó khăn, cha Hoà được chỉ định về phụ giúp Trung tâm Truyền giáo của Cha DO tại RƠHAI, và lo nông trường KONTUM mới thành hình. 1. THÀNH LẬP LÀNG RƠHAI (năm 1854) Dân làng BRÊNG (sinh sống vùng đất đối diện Tu viện PHAOLÔ TÊRÊXA và Trung học ngày nay) mê tín dị đoan, nhiều tật xấu, nên Cha DO thành lập một làng mới gần đó, gọi là RƠHAI. Khi nói đến Trung tâm Truyền giáo RƠHAI hiểu là làng nầy được Cha DO thu góp dân tứ chiếng gồm vài người Kinh, một vài người dân tộc, còn làng BRÊNG không còn nữa đã di chuyển vào những làng khác như nhập vào làng PLEI TƠNGIA. Lúc đầu, một mình Cha DO luôn ra sức thuyết phục dân làng BRÊNG tòng giáo, nhưng vô ích. Do đó, người chẳng ngại tốn công sức tài lực chuộc về những người Thượng bị bán làm nô lệ và ngài ra công dạy dỗ cho biết làm ăn, xây dựng nhà cửa cho họ ở riêng một nơi gần làng BRÊNG để dễ dàng giữ đạo và chuyên chú làm ăn sản xuất. Lúc đầu còn ít, dần dần thêm đông, lập làng riêng gọi là RƠHAI (1854); người đặt ông HMEN và ông MLEK làm chủ làng. Hai người dân tộc này sáng trí và có lòng đạo, siêng năng khuyên bảo kẻ khác; đến sau có hai ba nhà ở làng BRÊNG xin tòng giáo, xin nhập vào làng này, đồng thời có nhiều người thuộc làng khác chạy đến và xin tòng giáo nhập làng. Do đó, làng RƠHAI ngày càng đông người thêm. Cha DO có đức tính hiền hoà, thương người hay giúp đỡ người cùng khổ, bệnh tật, nên các dân các làng lân cận đến xin ngài giúp đỡ hay nhiều người bỏ làng mình đến xin nhập vào làng RƠHAI. Chẳng bao lâu, RƠHAI tăng thêm đông. 2. THÀNH LẬP NÔNG TRUỜNG RƠHAI - DAKKÂM Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra cho Cha là xây dựng nơi ăn chốn ở cho số dân mới đến. Vấn đề xây dựng nhà cửa không quan ngại lắm vì đất rộng, cây cối tranh nứa đầy rừng, công sức và tinh thần có sẵn theo tập tục người dân tộc góp công phụ làm nhà không cần mất nhiều ngày cũng có chỗ sống ấm cúng. Vấn đề nề nếp trong làng. Như đã trình bày Cha chọn một số người làm chủ làng là những người có khả năng và đạo đức. Số người nhà của cha gồm thanh niên người kinh khá đông và phần nhiều có khả năng vì xuất thân từ chủng viện Gò Thị lên như chú BẢO (tử đạo tại Phú Yên) hay chú HỮU (quê NHATRANG tử đạo có tiếng) hoặc từ Trường Đại Chủng viện PINĂNG được Đức cha gửi lên để tu luyện thành linh mục thừa sai sau này. Việc tổ chức chủng viện không thành, nhưng số chủng sinh hay người làm còn đó và được cha tổ chức và có nề nếp. Cuộc sống của họ không khác chi một chủng viện, một nhà dòng, có lý tưởng, có kỷ luật, trật tự: có giờ gẫm, giờ đọc kinh, dự lễ, nói chung việc thực hành được tổ chức chu đáo, và cũng có thời gian lao động để cung ứng lương thực, đồng thời vừa là lực lượng sản xuất nhân tố huấn luyện cho anh em dân tộc làng RƠHAI mới thành lập. Bên dòng sông DAK-BLAH, cha cho các người nhà ra công phát hoang, quy hoạch cánh đồng: chổ làm cánh đồng nước, chỗ đất cao làm vùng đất thổ trồng cây đậu cây bắp... Cha cho một số thanh niên quen canh tác về Trung Châu mua cày bừa, con trâu con bò, nói chung là nông cụ về tập cho anh em dân tộc làng RƠHAI cách thức làm ruộng nước. Lúc đầu họ không quen nhưng dần dần họ thao tác và làm thuần thục trâu bò, nhờ vậy thời họ cũng dễ dàng cày bừa làm ruộng nước theo kiểu người Kinh. Cha cũng lưu ý không được phá rừng bừa bãi để tránh lụt lội, đồng thời giữ được chất màu mỡ của đất. Cha đã cân nhắc cách thức làm ruộng nước và làm rẫy theo cung cách của người dân tộc. Người dân tộc nhìn qua đó thấy được con người thực sự của Cha không lợi dụng, không bóc lột, không phân biệt dân tộc, ngược lại ngài thương anh em dân tộc thật tình cùng ăn cùng làm với anh em. Ngài có một trái tim tốt lành vì thế người dân tôc gọi ngài là “Bok LÀNH”. Ngài nhận thấy vùng RƠHAI cũng không đủ đất canh tác, nên ngài cho người nhà đến phát hoang vùng đất DAK-KÂM cách RƠHAI 7 cây số. Ngài cho làm con đường từ RƠHAI đến Nông trường. Có thể nói đây là con đường đầu tiên được phóng trên vùng Truyền giáo Tây Nguyên. Vì xa RƠHAI đồng thời cần phải giữ rẫy đuổi thú rừng đến ăn phá, một số người nhà của Cha và một anh em dân tộc cũng ở đêm theo nếp sống như ở RƠHAI, đến Chúa Nhật thay phiên về dự lễ tại Trung tâm. Đến năm 1861, nông trại DAK-KÂM phồn thịnh, dân số lên 300 người, toàn tòng. Năm 1868, Cha Nguyên lên vùng Truyền giáo phụ giúp cha DO, được giao coi sóc tín hữu DAK-KÂM. NÔNG TRƯỜNG KONTUM Cha DO còn thành lập nông trường thứ 3 là KONTUM cách RƠHAI 1 cây số hướng đông, hữu ngạn sông DAK-BLAH. Nông trường KONTUM là tiền thân họ KONTUM sau này. Sau đó, lần lượt nhiều nông trại hình thành như DAK-KIA (1870), Cha Nguyên phụ trách; nông trường KON MƠNEI đều do Cha DO thành lập và chỉ đạo. Lm Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn |
Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011
THẦY SÁU DO - CON NGƯỜI TIÊN PHONG MỞ ĐẠO THÀNH CÔNG VÙNG TÂY NGUYÊN (PHẦN CUỐI)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét