Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

HƯƠNG VỊ ĐẠI NGÀN

Hương vị đại ngàn, những món ăn miền núi Tây Nguyên bấy lâu đã thành văn hóa và tình cảm trong đời sống của người bản địa, ngay cả với những ai từ xa đến đã từng sống qua những tháng ngày đầy kỷ niệm với dân làng...

Lần đầu tiên đến Tây Nguyên, tôi gần như bị mê hoặc bởi dòng sông hiền hòa, hai bên bờ lưu vực đầy bóng cây xanh, rừng xanh nối tiếp rừng, rừng chen màu nương rẫy kề cạnh buôn làng gần bến nước trong xanh.

Dòng Krông Ana ấy chảy dài từ dãy núi lớn Chư Yang Sin, dọc theo đôi bờ xanh của từng cộng đồng làng dân tộc Êđê và M'Nông quanh năm sống yên lành. Những ai đã từng sống lâu ở miền núi Tây Nguyên, gần với làng - rừng, thân thiết với người dân bản địa qua từng mùa nương rẫy ăn uống chung vui bên nhau, thật khó lòng quên được.

Điều đáng nhớ không phải là mênh mông vùng cao núi rộng sông dài, mà cái chính là tình cảm chan hòa, chân thật chất chứa trong lòng người bản địa; bằng mắt nhìn đậm đầy yêu thương và bàn tay mời mọc trao gửi cho nhau hương vị thơm thảo của các món ăn có được từ nương rẫy sông suối núi rừng.

Món ăn đầu tiên tôi được biết mang đậm hương vị đại ngàn Tây Nguyên ấy, đơn giản thôi mà lòng vẫn nhớ. Những con hến của vùng sông nước bên rừng già nguyên sinh nấu canh chỉ với muối ớt mà thơm ngon ngọt lịm. Thêm một món nữa, ấy là măng le đầu mùa kho muối ớt; chỉ có măng chua, ớt cay, muối mặn với một ít dầu thực vật và đường mà ngon lạ lùng như cảm nhận cả hương vị của đất rừng ban cho.

Những năm ở Tây Nguyên, tôi đã có dịp đi về vùng đồi Đắk Nông, cao nguyên 
M'Nông mênh mông quê hương của anh hùng Nơ Trang Lơng nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại vùng đồi xã Đắk Buk So bên dòng suối thác cao Đắk Buk So gần biên giới Việt Nam - Campuchia, trong đêm trăng sáng cao nguyên lan tỏa mơ màng tận chân đồi bên suối, tôi đã được người dân bản địa M'Nông thân tình mời ăn món cơm lam gà nướng muối sả ớt, lại có thêm mấy quả bắp dẻo đầu mùa vừa hái về từ nương rẫy trên đồi, nướng trên bếp lửa củi than hồng trong căn nhà mái tranh vách nứa. Hương vị đại ngàn là lạ và ngon, có thêm cái tình chân thật với nhau lại càng thêm ngon. 


Đêm ấy, người bạn nhà báo đi cùng tôi đã ôm đàn guitar hát cho nam nữ thanh niên và đồng bào người M'Nông nghe. Trong cuộc vui có rượu cần chuyền tay nhau; rượu vùng đồi M'Nông nơi đây cũng thơm ngon đặc biệt không kém hương nồng ủ men lá rừng của người Êđê bên sông Krông Ana tôi đã được uống lần đầu. Đáng nhớ vẫn là món cơm lam được chế biến bằng gạo nếp đầu mùa vừa giã và de sạch xong, vuốt nước cho vào ống nứa tươi nướng trên lửa than hồng; nướng xoay tròn ống nứa trên lửa cho đến lúc nếp chín dẻo, ăn kèm với thịt gà nướng chấm muối sả ớt, tất nhiên là loại gà được nuôi trong vườn rẫy vùng đồi.

Lên tận cực bắc Tây Nguyên, quê hương của người bản địa dân tộc Xê Đăng, Ca Dong, Rơ Măm, Rơ Ngao, Jẻ-Triêng... tại các huyện Đắk Tô, Đắk Glei, Ngok Hồi, Sa Thầy... thuộc vùng núi cao Chư Môm Rây và Ngok Linh của tỉnh Kon Tum, tôi đã được thưởng thức rượu cần có gì như đậm đặc hơn, thơm mát hơn. Đáng nhớ là một lần uống rượu của đồng bào Jẻ-Triêng tại làng Đắk Nú Vai, xã Đắk Roong, huyện Đắk Glei.

Hương vị đại ngàn trong rượu được pha chế tinh lọc từ sản phẩm của nương rẫy, dòng nước suối và men thơm lá thuốc cây rừng. Mà đọng lại trong lòng, vẫn là những món ăn lạ miệng đậm đà chất dân dã của vùng cao sơn cước. Chúng ta không thấy ở đây sự bày biện màu mè kiểu cách và lời chào mời đẩy đưa khách sáo; tất cả chỉ là đơn giản thanh sạch như không gian làng - rừng mà in đậm nét ẩm thực hài hòa tình ý với thiên nhiên. Những món ăn không tô vẽ cầu kỳ ấy đã khiến một người vùng biển sống nhiều năm ở miền núi như tôi nặng tình với đồng bào Tây Nguyên.

Một ngày cách đây hơn 10 năm, giữa thành phố Pleiku, tôi và người bạn đồng nghiệp được một vị lãnh đạo tỉnh người dân tộc Jrai mời dùng cơm tại nhà riêng. Có nhiều món ăn mang hương vị Nam, Bắc, đặc biệt chúng tôi được mời dùng thử món ăn lạ đầu tiên: canh cà đắng, là món truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, do bàn tay vợ ông là người dân tộc Xê Đăng chế biến để mời khách.


Sau này tôi có dịp thưởng thức món canh cà đắng tại nhiều nơi khác nhưng vẫn nhớ hương vị của lần đầu tiên ấy. Chủ nhân cho biết: món ăn gồm cà đắng, ớt cay, củ nén thơm nồng có pha vị muối và bột ngọt; còn thịt thì có thể là thịt bò, thịt heo ba chỉ hoặc thịt gà. Và nguyên liệu chủ đạo làm nên hương vị món canh truyền thống đặc biệt này, vừa thơm ngon lại ngăn ngừa được bệnh sốt rét, trước sau vẫn là cà đắng, ớt cay. Những năm gần đây, trong thực đơn của một số nhà hàng đón khách du lịch đến Tây Nguyên đã có thêm món canh này và các món ăn lạ mang hương vị đại ngàn.

Nguyễn Hoàng Thu
Theo Thanh Niên Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét