Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

CƠM LAM TÂY NGUYÊN
















































































Đã bao giờ bạn được ăn cơm lam Tây Nguyên chưa? Xin được kể bạn nghe về cách mà người quê tôi làm thứ cơm này nhé!




















Một bà mẹ Tây Nguyên lưng trần địu con ra rừng chặt một gùi những ống nứa non, to bằng ngón chân cái, dài chừng 3,4 gang tay, bít mắt một đầu với dáng vẻ hồ hởi hay trầm tư đều có thể mang đến cho những người mới lên vùng đất đỏ bazan này những suy nghĩ khác nhau, ví như mẹ lấy chúng để chẻ lạt hay để làm một công việc gì đó tương tự. Còn với những người đã qua vài ba mùa rẫy ở nơi này, họ sẽ biết chắc chắn rằng, ngày mai, ngày kia gia đình mẹ sẽ phải đi làm xa hoặc chung vui trong một lễ hội nào đó.... 


Bây giờ Tây Nguyên đang là tháng mà mùa mưa bắt đầu lắc rắc đó đây để rồi đất rẫy thắm đẫm màu nâu, ong bay rộn ràng. Và cũng là lúc con người nơi đây bắt đầu vào mùa lễ hội mỗi năm một lần.... Mẹ mang gạo, thường là nếp-đã ngâm lẫn với lá thơm đã ngâm từ đêm qua ra, chắt thứ nước đùng đục đi, rồi vốc từng vốc một cho vào ống. Khi gạo đã đầy hai phần ba ống nứa non vạt bằng một nhát dao rất sắc ấy, mẹ quờ tay sang bên phải lấy nước suối mát lạnh đựng trong những cái bầu khô đen bóng dốc vào từng ống một. Không một giọt nước hay một hạt gạo nào vương vãi ra ngoài, mẹ quờ tay sang trái tước những thẻ lá chuối già hườm hườm vàng đã tai tái héo bởi hơi 
nóng lửa hơ và bắt đầu vê từng cái nút cho từng cái ống nứa trước khi dựng đứng chúng trở lại vào cái gùi hồi nãy. Nút lá chuối mẹ làm thật khéo, nếu em bé kia có nửa chừng thức giấc, quẫy đổ ống nứa xuống đất thì nước cũng không kịp chảy ra mà khi nóng lên, nước sôi, gạo nở thì nút vẫn có những khe hở vừa đủ cho hơi nóng ra ngoài mà không phá vỡ ống.






Những chiếc ống nứa sau khi đã nạp đủ gạo và nước, khom mình chui vào hồng hào than và tro bếp. Tiếng những hạt lửa nhỏ nổ, tiếng nước reo li ti trong ống nghe thật ấm áp. Những hạt gạo dẻo bắt đầu giữ rịt lấy nhau, nước từ thành ống nứa ngấm dần vào từng hạt gạo....Than củi cứ âm ỉ và bên trong thành cái "nồi" màu xanh đang chuyển dần thành lam ấy, cuộc biến đổi về chất của các sản phẩm lấy từ thiên nhiên nên hình hài từng bước một.

...Hôm nay làng mở hội. Tiếng chiêng, tiếng cồng đã lướt qua những ngọn cây cao nhất trên đỉnh núi để rủ con gái, con trai về tụ họp. Vòng xoang loang ra trên nền nhạc giữa buôn rừng.... Rượu ghè cột thành hàng, thịt nướng và muối ớt đã sẵn sàng. Những ống cơm lam cũng đã được bày ra. Sau những nghi lễ truyền thống, mỗi người một ống, bốn ngón tay nhẹ nhàng tách cái "nồi" lam ấy thành tư hoặc sáu vừa tầm cho một cái noãn cơm dẻo, đông kết nhô lên. Người ăn có thể nghe cả mùi nếp thơm lẫn hương rừng trong một miếng ngon ấy. Nó chắc mà lại dẻo, bùi mà không cứng, ăn không biết ngán. Nhiều khi không có thức ăn, người ta vẫn cảm thấy rất rỏ cái vị đậm đà của nó.

Chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng cơm lam (hay còn gọi là cơm ống, cơm nướng...) có từ khi nền văn minh đồng thau chưa ra đời! Thế mà ngày nay, dù đã có bếp gas, bếp điện....thì loại đặc sản được nướng trong than tro ấy vẫn cứ mãi còn tồn tại ở khắp các vùng miền núi, vùng cao của nước Việt. Bởi nó không chỉ gợi cho người ta nhớ về nét đẹp trong văn hóa ẩm thực truyền thống mà thực sự cơm lam còn là một món ăn tuy được chế biến đơn giản nhưng rất ngon miệng. Đến độ, nhiều người được ăn cơm lam lần đầu đã tự hỏi:"Đây là cơm hay là thức ăn, là quà bánh hay là lương thực dự trữ của đồng bào?".....

Sau Tết Nguyên Đán, Tây Nguyên bắt đầu bước vào mùa lễ hội; những ngày ấy tiếng chiêng tràn cả ra rừng xanh. Giá như vào những dịp vui như thế, bạn đến một buôn làng nào đó của quê tôi, chắc chắn sẽ được thưởng thức hương vị cơm lam trong một thứ âm thanh và cảnh sắc đẹp đẽ của núi rừng cao nguyên.....
(Theo amthucvietnam)
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét