Không biết từ bao đời rồi, người Tây Nguyên phát minh ra các bến nước, "giọt nước" vừa thuận tiện, vừa lãng mạn, vừa hùng vĩ, vừa trữ tình... kết tinh từ bao trí tuệ công sức của biết bao thế hệ ông cha.
Lịch sử loài người thường gắn với các nguồn nước. Các nền văn minh từ xa xưa của nhân loại cũng đều xuất xứ từ các dòng sông. Cư dân Việt đương nhiên gắn với các châu thổ, các lưu vực từ sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Chu... cho đến các con sông Gianh, Hương, Thu Bồn, Trà Khúc, Ðà Rằng... Cửu Long... Người Tây Nguyên cũng thế.
Dù lang thang du cư ngày xưa hay định cư bây giờ, họ luôn luôn tìm nơi lập làng bên các con sông con suối, dù sông suối ở Tây Nguyên không mênh mông như sông ở đồng bằng. Và cũng không biết từ bao đời rồi, người Tây Nguyên phát minh ra các bến nước, "giọt nước" vừa thuận tiện, vừa lãng mạn, vừa hùng vĩ, vừa trữ tình... kết tinh từ bao trí tuệ công sức của biết bao thế hệ ông cha.
Người Xê Ðăng ở Kon Tum thường xuyên ở trên các vùng núi cao chênh vênh, hiểm trở, mỗi làng được thiết kế xây dựng như một pháo đài. Họ dùng hệ thống lồ ô nối vào nhau dài hàng cây số, thậm chí vài cây số dẫn nước từ suối về một địa điểm thuận lợi nào đó trong làng, có đường thoát nước, được lát đá hoặc gỗ để chống lầy làm bến nước, giọt nước. Ði đâu về, người ta đều ghé vào đấy rửa chân tay rồi mới bước lên sàn nhà.
Người Ba Na hiền hòa hay ở dưới các thung lũng thì đắp đập ngăn các con suối nhỏ lại rồi đặt các ống lồ ô lớn xuyên qua thân đập cho chảy suốt ngày đêm. Các bến nước, giọt nước thường ở đầu làng, dưới tán cổ thụ, là nơi sinh hoạt của cả làng mỗi khi đi rẫy về.
Cái làng Plây Bông ở xã A Yun, huyện Mang Yang, Gia Lai, quê hương ông họa sĩ Xu Man có mấy cái giọt nước tuyệt đẹp đã tốn bao phim ảnh giấy vẽ của các nghệ sĩ nhiếp ảnh và họa sĩ. Thường người con gái Tây Nguyên khi ngủ dậy thì việc trước tiên là xếp các quả bầu vào gùi xuống bến nước, giọt nước lấy nước, sau đấy mới về giã gạo nấu cơm phục vụ buổi sáng cho cả nhà. Chiều về cũng thế. Mỗi người khi đi tắm giặt đều có một chiếc gùi đựng các quả bầu để lấy nước. Mỗi khi chiều buông thì nơi vui nhất trong làng chính là các giọt nước.
Tại một giọt nước ở ngôi làng Ba Na thuộc xã Vinh Quang của thị xã Kon Tum, trong một buổi chiều vàng rực đẹp đến mê hồn, nhà văn Nguyên Ngọc và đạo diễn Lê Ðức Tiến đã bắt gặp cô bé Y Panh đang hồn nhiên tắm, và sau này cô đã trở thành nhân vật Hơ Liêu trong bộ phim "Ðất nước đứng lên" và tham gia đóng vài phim khác. Bây giờ có nhiều chương trình nước phục vụ đồng bào nông thôn, nhưng giọt nước vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ, bởi nó không còn mang ý nghĩa vật chất, mà nó chính là một phần của hồn làng, giống như cây đa bến nước đối với người Việt. Nó chính là kỷ niệm, là hồi ức, là tình yêu đầu đời, là những gì dịu ngọt thanh bình nhất mà chỉ có ở làng ta mới có được. Và vì thế mà bến nước, giọt nước rất thiêng liêng đối với từng làng, từng người trong cộng đồng.
Buôn Tring là một buôn lớn của người Ê Ðê ở huyện Krông Buk, Ðác Lắc, có hai dòng họ Mlô và Niê. Trong buôn có gia đình ông Ama Djách có thế lực, giàu có và thật sự tài giỏi, được dân làng tín nhiệm. Chính ông này là người đã đứng ra sáp nhập năm buôn nhỏ gần kề nhau thành một buôn Tring bây giờ. "Tring" có nghĩa là cúng. Chỉ riêng cái tên cũng thấy dân làng ở đây coi trọng việc cúng như thế nào. Vì là người có uy tín, ông Ama Djách được dân làng bầu làm Khoa buôn (Trưởng buôn), Pô lăn (chủ đất) và Khoa Pin ea (đứng đầu bến nước).
Hằng năm, sau khi thu hoạch lúa xong, những cánh én đã bắt đầu chao liệng, những cây pơ lang đầu làng xanh biếc chuẩn bị cho mùa trổ bông, hoa dã quỳ vàng rực bồng bềnh lắt lay trên các sườn đồi, Khoa buôn nhắc nhở dân làng làm vệ sinh trong buôn, dọn sạch các con đường trong buôn, đường xuống bến nước và đặc biệt là bến nước, giọt nước để làm lễ cúng Ngă Yang tại đấy. Khoa buôn và Khoa Pin ea là hai người có thế lực nhất ở buôn làng Ê Ðê. Ở buôn Tring hai chức danh này đều do một người nắm nên thế lực càng lớn.
Như đã nói, trước khi cúng bến nước, dân làng tập trung dọn vệ sinh, phát cây chung quanh khu vực bến nước, dọn sạch đường đi xuống bến nước và làm thịt một con heo. Tại điểm cúng ở phía trên đầu giọt nước, người ta mang đến rượu pha tiết heo, các bộ phận của heo mỗi thứ một tý, tất cả bày trên một chiếc mâm gỗ để trên một phiến đá, một khiên, một giáo, rất đông các thiếu nữ xinh đẹp mặc áo váy mới để vai trần khoe những cánh tay tròn lẳn, đeo gùi đựng đầy các quả bầu đen bóng đứng dưới vòi nước. Khoa Pin ea làm lễ phía trên đầu nguồn. Ông khấn đại ý: Thưa Giàng, hôm nay làng cúng bến nước, có tý rượu, tý thịt mong Giàng nhận để luôn luôn có nước trong mát chảy ra cho dân làng dùng. Vẫn biết có trời là có nước, có đất là có nước, nhưng phải có Giàng đồng ý thì nước mới chảy, mới mát, mới trong, dân làng sẽ không ai dám xúc phạm, làm ô uế nguồn nước...
Sau đó Khoa Pin ea cùng trợ tế cầm khiên giáo và trịnh trọng bưng đồ lễ về nhà Khoa Pin ea, các thiếu nữ đồng loạt lấy nước đầy bầu xếp vào gùi theo hàng một đi sau, cùng về nhà Khoa Pin ea. Tại đây một lễ tương tự được diễn ra, có đông đủ dân làng dự, sau đó mọi người ăn thịt, uống rượu, vui chơi đánh chiêng múa hát.
Ngày nay ở buôn Tring cũng như ở Tây Nguyên, nhiều nhà đã dùng nước giếng (đào hoặc khoan), thậm chí nước máy, nhưng tục cúng bến nước vẫn được coi trọng như một nghi lễ thiêng liêng trong cộng đồng. Chính vì thế mà tình làng nghĩa xóm được thắt chặt và ý thức của từng cá nhân trong việc bảo vệ và phục tùng cộng đồng luôn được đề cao, lưu giữ. Ngoài yếu tố tín ngưỡng, các già làng coi đây như một cách giáo dục thanh thiếu niên hữu hiệu nhất. Người viết bài này đã dự lễ cúng bến nước như thế vào những ngày giáp Tết Dương lịch vừa qua tại buôn Tring và càng thấy vai trò của nó trong việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bên cạnh dòng chảy của nền văn hóa mới hôm nay. Tất nhiên chúng ta không khuyến khích việc cúng bái mang tính chất mê tín dị đoan, nhưng rõ ràng việc duy trì một số phong tục đẹp trong dân gian, mang yếu tố văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia phong, khuôn phép cộng đồng, cách ứng xử lễ phép với thiên nhiên, với môi trường, với họ hàng xóm mạc... là vô cùng cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, lưu giữ nền văn hóa truyền thống và giàu ý nghĩa nhân văn.
Mà đầu xuân, những phong tục đẹp như thế lại càng có ý nghĩa. Cứ nhìn những chàng trai, cô gái đang say sưa đánh chiêng và múa kia là biết, dù người Tây Nguyên không ăn Tết Âm lịch như người Kinh. Họ có hệ thống lễ Tết riêng của mình, và may mắn thay, tục cúng bến nước, giọt nước tốt đẹp ấy lại diễn ra vào những ngày đầu xuân...
Văn Công Hùng (binhthuan.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét