Bàn tay già nua cẩn thận băng bó những vết thương đã bốc mùi hôi, gọt bỏ những mảng thịt rệu rã đầy máu mủ..., công việc chỉ dành cho ai có trái tim thật sự yêu thương người bệnh, tấm lòng rộng mở mới có thể làm được mà không... ghê tay. Công việc quá đỗi nặng nề ở làng phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mà xơ Y Phương đã đảm nhận, gắn bó hết cả cuộc đời. Một người nữ tu đã cống hiến hết sức lực của mình tựa như bóng cây Kơnia tỏa xuống làm dịu mát cuộc đời biết bao số phận hẩm hiu giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Cây Kơnia tỏa bóng mát ở làng phong
Xơ Y Phương người dân tộc Ba Na, năm nay đã bước sang tuổi 72 mà trông còn rất nhanh nhẹn, tháo vát. Mất mẹ từ khi 4 tuổi ở (làng Kon K'lo, phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mấy chị em thơ dại côi cút phải chống chọi cuộc sống đầy khổ cực, giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Xơ Y Phương tâm nguyện lớn lên phải làm được một việc gì đó để giúp đỡ những người bất hạnh. Những năm 1958, Y Phương được cử đi học lớp nữ hộ sinh tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ra trường về nhận công tác tại Bệnh viện Kon Tum, làm việc khoảng 3-4 năm rồi được phân công về công tác tại làng phong Đăk Kia. Đến nay đã ngót gần 40 năm Xơ đã gắn bó với làng phong này.
Dành gần trọn cuộc đời ở đây nên được chứng kiến đầy đủ những cảnh bệnh nhân đau xé lòng, bởi sự hoành hành của căn bệnh quái ác. Chứng kiến bao thân phận con người bị đẩy đến tột cùng sự đau khổ, khi từng phần cơ thể của bệnh nhân “ rơi rụng”, phần còn thì phải cắt bỏ. Rồi bị dân làng thị phi phân biệt đối xử, thậm chí nhiều người bị dân làng tẩy chay, xua đuổi ra khỏi làng phải vào những cánh rừng sâu làm một căn chòi nhỏ nương náu, ẩn dật. Những người mắc bệnh bị đuổi đã đành, thậm chí người trong gia đình bệnh nhân không mắc bệnh cũng phải cùng chung số phận. Già A Nhót, dân tộc Jơ Rai là một ví dụ, già quê ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai mắc căn bệnh phong năm 1965 khi đó già bị đuổi ra khỏi làng, dựng chiếc chòi nhỏ để... chờ chết. Từng đốt ngón chân, tay cứ... đứt dần lìa già mà đi khỏi thân thể. Một hôm người em trai tìm ra rừng đón ông về, nói “Cán bộ đã chỉ cho nơi chữa được bệnh này rồi, về thôi!”. Ông như được tái sinh, được chữa bệnh và chăm sóc chu đáo, rồi gắn bó với làng phong từ đó đến nay và nguyện đi hết cuộc đời. “Mình không có thầy thuốc của Bác Hồ, không có tấm lòng yêu thương của Xơ Phương thì chết lâu rồi, còn đâu nữa...”, ông A Nhót cho biết.
Xơ Y Phương dẫn tôi qua thăm khu nhà dành cho những người phụ nữ độc thân, gặp bà Y Ngleo, bà cho biết - quê bà ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum gia đình bà đã có mặt tại làng phong này đã vài chục năm nay. “Ngày nào Xơ Phương cũng qua đây thăm và chăm sóc, băng lại cho các vết thương. Xơ tốt với mình còn hơn cả người ruột thịt...”- bà Y Ngleo nói. Quay mặt ra phía khác Xơ Phương nói nhỏ với tôi: “Bà ấy cũng có 4-5 đứa con đều đã lập gia đình nhưng lạnh nhạt với người mẹ bệnh tật...”. Xơ Phương tâm sự: “Ngày mới bắt đầu công việc, thấy những vết lở loét khi băng bó cho họ, không hiểu sao tay cũng run lắm. Nhiều người vừa thấy vết thương cộng thêm mùi hôi thối bốc lên liền nôn mửa ngay tại chỗ, may Xơ không hề hấn gì và tiếp xúc họ riết thành quen”.
Có được tận mắt chứng kiến việc chăm sóc bệnh nhân phong cùi mới thấu hiểu tấm lòng, tình cảm xơ dành cho người bệnh lớn nhường nào. Chẳng như bệnh tình của ông A Brút thật là kinh khủng. Ổng bị “rụng” một chân, lại nằm liệt một chỗ suốt hơn 5 năm trời rồi mới “ra đi”. Vậy mà xơ Phương không nề hà ngày nào cũng đến tắm rửa, giặt mùng mền, quần áo, làm thuốc cho bệnh nhân uống...” - bà Y Miơi cho biết. Trường hợp A Kim ở huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) có mặt tại làng phong khi mới hai tuổi đầu, Xơ Phương nhận làm con nuôi để chăm bẵm từ đó đến bây giờ, nay A Kim đã trên 50 tuổi mà vẫn cần đến bàn tay chăm sóc của xơ.
Nhường cơm sẻ áo
Xơ Y Phương nghỉ hưu đã trên 10 năm, lương hưu của xơ được trên 1 triệu đồng/tháng, nhưng “Mình xơ cũng chẳng cần nó bao nhiêu, mà dành để giúp bệnh nhân thôi”- xơ cho biết. Lúc tôi đến làng phong Đăk Kia, xơ Y Phương đang chia bánh mì cho các bệnh nhân, những lúc khách đến ghé thăm biếu bà ít tiền, bà lại sử dụng mua mắm muối, bột ngọt, mì tôm... cho bệnh nhân. Hơn 200 đứa trẻ được sinh ra ở làng phong này đều được chính tay bà trợ đỡ ngay từ lúc chúng cất tiếng chào đời. Y Phương tâm sự: “Nay ai sinh nở đều được đưa đến Bệnh viện, với lại mình cũng già rồi nếu ca sinh khó e rằng mình không đủ sức xử lý kịp thời...”.
Xơ Y phương dẫn chúng tôi đi thăm những khu dệt thổ cẩm, họ cần mẫn từng mũi kim sợi chỉ, người lành lặn làm đã khó vì công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chi tiết. Vậy mà những cái túi xách bằng thổ cẩm xinh xắn được những người tay đã bị “rụng” hết ngón làm ra, thời gian cũng phải làm gấp đôi người thường, bán một sản phẩm được mười lăm ngàn đồng, mất khoảng hai ngày. Khi có sản phẩm rồi, Y Phương lại đôn đáo đi tìm nơi tiêu thụ. “Mỗi ngày kiếm không được mươi ngàn nhưng cái bụng của mình thì vui lắm. May có xơ Phương chứ không mình không làm được nữa rồi”, bà Y Kreo nói.
Chỉ về phía nghĩa địa dành cho những người bệnh nhân phong, trưởng làng phong A Nhíu cho hay “Nghĩa địa đó đã đón hàng trăm bệnh nhân từng ở khu tàn phế rồi ra yên nghỉ tại đó, tất cả họ đều đã qua bàn tay chăm sóc mỗi ngày của xơ Y Phương, trong đó nhiều người đã qua những năm tháng dài quằn quại một chỗ.”. Sống trọn cuộc đời với làng phong, bây giờ xơ Y Phương đang tá túc tại một căn phòng nhỏ nằm tít tận phía sau làng. Căn nhà xây dựng cách đây chừng 50 năm, nay khá tồi tàn và xuống cấp, trên tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc, không còn đảm bảo an toàn. “Mỗi khi trời mưa là phải chạy đi lánh chỗ khác vì mưa dột và sợ sập. Hôm trước mấy anh lãnh đạo nói với xơ qua khu nhà mới ở, nhưng xơ không đi vì ở đó cần dành làm nơi học tập, vui chơi cho tụi nhỏ hơn!”- trưởng làng phong cho biết.
Làm sao bớt được phần nào nỗi đau trên cơ thể bệnh nhân, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống cảm thấy hạnh phúc là tất cả tâm nguyện của người nữ tu đã gắn trọn đời với những con người bất hạnh ở đây.
(Theo báo Đại Đoàn Kết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét