Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

TÂY NGUYÊN, MÙA NHỊP ĐI

Tây Nguyên, những tháng gió. Những cơn gió trở mình không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây...

Những cơn gió không rít gầm như bão tố ở miền duyên hải. Gió thổi dài qua núi, qua đồi, qua sông, qua thác chỉ đủ lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm. Những cơn gió hoang dại và phóng túng. Tây Nguyên vào mùa gió.

Ðó là mùa mà từng đàn voi rùng rùng sải bước chân ào qua thung lũng. Mùa của những đàn chim ngược về rừng xanh bay rợp, che lấp một khoảng trời. Mùa mà từng đàn ong ríu rít rủ nhau đi làm mật. Mùa cây cối cội cằn trút lá như những chàng trai trẻ khoe cơ bắp, bộc lộ một sức sống mãnh liệt thách thức sự khắc nghiệt của không gian, thời gian...

Mùa của những con người trên núi đỏ rừng xanh thể hiện rõ nhất bản tính khoáng đạt của họ. Mùa gió là mùa đi. Mùa của những kẻ phiêu bồng trong những chuyến lữ hành vô định. Ðã bao nhiêu lần rong ruổi trên những nẻo đường gần xa của vùng đất hoang dã và bí ẩn này, tôi đã gặp họ. Người Ba Na, người Ja Rai vấn khố lội qua đầu nguồn sông Ba hùng vĩ.

Người Ê Ðê, người Mơ Nông ngập thân trong dòng K'Rông ANa, K'Rông ANô nghĩa tình rồi xuôi về thảo nguyên Madrăk. Người Châu Mạ, người Kơho ngược dòng Ðạ Dâng và thung thăng giữa cao nguyên Lang Bian, DJiring bát ngát dã quỳ vàng. Người ChuRu theo những lối mòn xuyên giữa rừng già tìm hướng về phía biển.

Có những đoàn người đi. Những người đàn bà lưng khoác gùi, mặt chúi về phía trước. Những người đàn ông đóng khố, vai trần, tay cầm xà gạc. Họ đi trong lặng thinh. Trong đầu họ là những tâm sự ẩn chìm và cũng có thể là những giấc mơ phóng túng. Những bước chân dạn dày, chắc nịch mà bay bổng. Những bước chân nhịp đều hơi thở phồn sinh của mùa. Tôi đã nhiều lần tự hỏi: Họ đi đâu? Và vẫn chưa tìm nổi câu trả lời. Làm sao có thể trả lời được câu hỏi của chính mình.

Thế rồi, tôi đã được lý giải. Vâng, thật may mắn cho tôi khi tìm được những dòng miêu tả của học giả nổi tiếng người Pháp Ðam Bo - tức Jacques Dournes, trong cuốn sách Miền đất huyền ảo, một trong hai công trình khảo cứu mà ông đã hiến tặng Tây Nguyên với tất cả tài năng và tâm huyết. Ðam Bo đặt tên cho những người đi ấy là "kẻ lữ hành". Trong tác phẩm nói trên, ông viết:

Anh ta hằng ngày sống thế nào thì cứ thế mà ra đi, hoặc gần như vậy. Buổi tối, anh quyết định mờ sáng hôm sau sẽ lên đường đi đến một làng xa nào đó, cách hai hay ba "đêm" đường...

Mặt trời vừa ló, anh đeo gùi lên lưng, chỉ mang theo đúng một nhúm gạo, và cũng có thể thêm một cái chăn. Anh cầm theo cái xà gạc, đôi khi là một ngọn giáo. Nhưng chủ yếu là phải có cái ống điếu. Bao giờ anh cũng có thể tìm được thuốc và thức ăn ở các làng hiếu khách mà anh sẽ đi qua. Ðối với anh không hề có chuyện phải dự tính trước này nọ, phải mang theo thức ăn, đồ dự phòng, quần áo để thay. Anh vốn là sao thì cứ thế mà ra đi, theo nhịp bước quen thuộc của mình, lúc nào đến thì đến.

Không bao giờ anh đi một mình. Ði cùng nhau hai hay ba người vẫn là dễ chịu hơn. Ðiều đó tạo nên sức mạnh và không phải bẽ mặt khi đến các làng xa lạ. Nhưng số người đi có đông đến đâu, họ vẫn đi theo hàng một, bước chân người đi sau dẫm đúng vết chân người đi trước; bề ngang con đường chẳng cho phép lối đi nào khác được. Một người trẻ tuổi đi trước, đàn bà đi giữa, già làng đi sau.

Khi sắp đến làng, người ta thay đổi vị trí: Già làng đi lên trước, để là người đầu tiên bước vào làng; những người khác theo sau. Kỷ luật đi đường rất nghiêm ngặt; những chặng đường dài đến hai ba mươi cây số mỗi ngày, rất ít khi dừng lại nghỉ: chỉ hai hay ba giờ một lần. Nếu người lữ hành chưa kịp đến một làng mà đêm đã đổ ập xuống, thì anh ta sẽ dừng lại nghỉ trên đường. Anh dọn một chỗ để ngả lưng, đốt lửa bốn bên, trừ chỗ gần đầu, "sợ làm óc chảy tan ra mất", cắm cây giáo sát tầm tay, đặt chiếc gùi cạnh đầu và nằm xuống. Suốt đêm, thỉnh thoảng anh trở dậy, để thổi lửa. Và sáng ra, lại sảng khoái, sẵn sàng đi tiếp một chặng đường mới.

Người ở rừng, dù Tây Nguyên hay phía bắc, đều có chung tính cách phóng khoáng và bay bổng. Những chuyến lữ hành không định trước, đi chỉ để thỏa khao khát được đi, cũng là một nét biểu hiện của bản tính đó. Ở những triền núi cao phía bắc, tôi đã từng được biết người Dao, người Hơ Mông với những chuyến xuống núi quên cả lối về. Họ nghèo, chỉ rượu ngô và mèn mén, thắng cố.

Nhưng tính cách lãng mạn và phóng túng của những người đàn ông "cõng trâu mộng qua rừng làm rẫy" thì chỉ có Phạ của họ mới hiểu nổi. Họ không chỉ say rượu, họ say tình, say chính mình, say thiên nhiên hoang dã với tất cả máu thịt và giác quan họ có. Ðẹp ngất ngây và cao hứng vô cùng là hình ảnh trên lưng chừng núi, người vợ thong thả dắt ngựa thồ chồng về ngôi nhà của mình trên dốc đá cao. Không biết trong cơn say trên lưng ngựa, những người đàn ông của núi có mơ thấy những giấc mơ thần linh khi hồn bồng bềnh qua triền đá tai mèo?...

Ở vùng quê rừng nơi đầu nguồn dòng Nậm Mộ, Nậm Nơn, tôi cũng đã gặp những người bạn Thái mà ròng rã hàng chục năm rồi không thể nào quên tấm tình của họ. Có việc qua bản, từ trên bậc cầu thang người đàn ông núi gọi: "Tày buôn ơ, pay dù hươn kin nậm chè mơ!" (Anh bạn người Kinh ơi, vào nhà ta uống nước chè mới). Chỉ có thế thôi, trước lạ sau quen, thế rồi thân tình, thế rồi kết giao, thế rồi coi nhà bạn như chính nhà mình, muốn ở đến bao lâu, muốn đi ngày nào tùy khách. Ðến bản khác, chỉ một lát sau đó, ta lại gặp ngay một người bạn mới. Chỉ một lời mời, họ sẵn sàng bỏ công, bỏ việc, bỏ nhà, bỏ bản để theo bạn về miền đồng bằng chơi ròng chơi rã cả hằng tháng trời.

Mỗi lần có dịp lang thang trên những nẻo đường Tây Nguyên, tôi lại lâng lâng trong cảm xúc về những người bạn núi. Họ như những cánh chim Tia Chôm, chim Phí bay về nguồn cội, như ngọn gió phiêu bồng tìm về bến nước thiêng. Có lẽ vì vậy, khi về nơi những buôn làng heo hút, tít tắp mờ xa dưới chân dãy Trường Sơn, tâm hồn tôi lại ám ảnh với những ca từ huyễn hoặc và giai điệu khắc khoải của của nhạc sĩ Yphôn K'sor trong ca khúc "Ði tìm lời ru mặt trời":

Một mình lang thang trên đất này,
theo dấu chân cha ông từng ngày.
Một mình qua sông, qua núi đồi,
tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời...


Những đứa con của đại ngàn yêu biết bao những ngôi nhà dài, những bến nước xưa, những bức tượng nhà mồ đầy ma lực, tiếng chiêng trầm hùng hay những đêm khan. Họ khao khát được đắm chìm trong ngôn ngữ tộc người, trong dòng chảy văn hóa của xứ sở mình.

Trong thời hiện đại, những "người lữ hành" Tây Nguyên đã có những chuyến đi dài vượt qua những cánh rừng. Họ đi ra với thị thành, với rộng dài đất nước, tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau. Họ tìm đến cái mới và thích nghi dần với đời sống hiện đại. Nhưng, nơi họ trở về với chính tâm thức của mình vẫn là làng buôn, nương rẫy, núi rừng, với thiên nhiên bí ẩn mà gần gũi.

Ðêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn giữa những người đồng tộc, khi cần rượu trên chiếc chóe cổ ngấm men lúa mẹ nồng nàn vít xuống là lúc tiếng chiêng ngân lên những giai điệu thiết tha. Vồng ngực căng buông thả tự nhiên, lưng trần đóng khố, họ hiện thân tràn căng sức sống giữa vũ trụ phồn sinh. Những chàng trai, cô gái của rừng lớn lên bằng nguồn sữa trào dâng từ dòng nước nguồn của những dòng sông Mẹ, sông Cha...

Trong những câu hát lãng du nồng nàn và da diết nỗi buồn trong lành của họ, tôi thấy những đôi mắt mầu nâu ánh lên giấc mơ trở về với những mùa suốt lúa thơ mộng ngày xưa.

Ðó là mùa cao nguyên trùng trùng những trận gió hoang dại. Miệng ngậm đọt lúa làm khèn Ðinh Puốt, mắt nhìn rẫy lúa đầy những chiếc chong chóng mầu đang quay. Vòng quay chầm chậm, tiếng quay buồn buồn. Tiếng lục lạc giục trâu thong thả về buôn. Tiếng đàn tre đẩy nước ngoài bến sông như kéo dài thêm dòng chảy của thời gian vĩnh cửu. Tiếng con chim bay về núi xa. Tiếng con nai, con hươu gọi bầy tha thiết. Lúa suốt xong, khi bàn chân đạp lên cuống rạ lòng bỗng nao nao buồn vì thiên nhiên đã mang hồn lúa đi về phía rừng Yàng...

Mùa gió, mùa đi. Những chuyến lữ hành không hẹn trước. Nhưng những người bạn núi đang đi trong tâm thức trở về.
                                                                                                                                                                 
Uông Thái Biểu
Nguồn : BÁO NHÂN DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét