Hà Ly
Tạp chí “Xưa & Nay”,
số 355, tháng 5/2010, tr. 20-21
số 355, tháng 5/2010, tr. 20-21
Nói đến lương tâm là nói đến đạo đức, nói đến đạo đức là nói đến lương tâm. Lương tâm là chuẩn mực đạo đức vốn có hay tự nhiên mà có ở trong tâm hồn của bất cứ ai sống trên đời. Cũng chẳng cần phải giáo dục hay đào tạo gì cả, ai cũng có thể nhận thức (lương tri) và hành động (lương năng) theo chuẩn mực đó. Như vậy, lương tâm là cơ sở của nhân cách, của bình đẳng xã hội.
Khái niệm “lương tâm” ở phương Tây, tiếng Anh gọi là conscience, tiếng Pháp là conscience, tiếng Đức là Gewissen. “Con” trong tiếng Pháp hay tiếng Anh, “Ge” trong tiếng Đức đều có nghĩa là “chung”, “giống nhau”. “Science” hay “Wissen” đều có nghĩa là “nhận thức”, “hiểu biết”. Như vậy, lương tâm là nhận thức mà ai cũng có. Nói cách khác, lương tâm là bình đẳng.
Khổng Tử cho rằng “tính mọi người gần giống nhau” (tính tương cận). Như vậy là từ Nghiêu, Thuấn đến người, từ vua quan đến dân chúng đều giống nhau, đều bình đẳng ở “tính” vốn có, hay “lương tâm” trời sinh. Bình đẳng trước lương tâm là bình đẳng trước chính mình, con người là chủ thể của bình đẳng. Mọi người đều “bình đẳng trước Chúa” cũng là bình đẳng, nhưng là “được” bình đẳng chứ không phải “tự” bình đẳng, là khách thể bình đẳng chứ không phải chủ thể bình đẳng.
Một nghìn năm trung thế kỷ ở phương Tây đã trôi qua nhưng tư duy chính thống của nhà thờ là thuyết duy thực (Realism) đặt Thượng Đế ở trung tâm vẫn còn đó. Thuyết “duy danh” (Nominalism) phi chính thống lại muốn khẳng định cái đặc thù, cái lương tâm của một con người chứ không phải cái tập trung, vĩnh cữu, phổ quát của Thượng Đế. Nói cách khác, một bên hướng về cái “phổ quát” (universal), một bên lại hướng về cái “đặc thù” (particular). Nói gần nói xa, chẳng qua thuyết duy danh muốn đòi quyền sở hữu chân lý hay chuẩn mực đạo đức về cho cá nhân. Mỗi cá nhân đều có đủ tư cách là một chủ thể về nhận thức đâu cần phải đợi chân lý hay chuẩn mực đạo đức phổ quát nào trên trời ban cho. “Lương tâm” là cái mà ai cũng có kia mà!
Chính vì vậy nên ở thời kỳ Phục Hưng, François Rabelais (1494-1553), rất đề cao giá trị của lương tâm:
“Tri thức mà không có lương tâm thì chỉ phá hoại tâm hồn mà thôi” (Science sans conscience n’est que ruine de l’âme)
Rabelais cho rằng chuẩn mực để hướng dẫn hành động không phải ở đâu cả mà là ở ngay chính lương tâm của mình:
“Hãy yêu thích và hãy làm những gì bạn muốn” (Aime et fais ce que tu voudras).
Trong khi Rabelais ở phương Tây tháo dây cương cho con ngựa tự do phi trên cánh đồng cỏ thì ở phương Đông lịch sử vẫn quay ngược chiều kim đồng hồ. Từ thời Tống, “lý” (đạo lý) được xem như là chân lý, là chuẩn mực đạo đức phổ quát (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) đã tồn tại từ khi chưa có trời đất và mãi mãi vĩnh hằng cùng với “thiên trường, địa cửu”. “Lý” giống như mặt trăng trên trời còn “lương tâm” chỉ là bóng trăng in đáy nước. Đó là hình ảnh hoá gọi là “nguyệt ấn vạn xuyên” (trăng in bóng ở các dòng sông) của tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến phương Đông. Vô vàn bóng trăng ở vô vàn con sông nhưng thực ra chỉ có một mặt trăng mà thôi. Như vậy là mọi bóng trăng đều “được” bình đẳng trước mặt trăng. “Lương tâm” đã bị đánh tráo bằng cái bên ngoài, cái trên trời.
Mác phê phán xã hội tư bản biến lương tâm thành hàng hoá. Có lẽ không riêng gì xã hội tư bản, bất cứ nơi nào mà “hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa” đều cần phê phán. Lương tâm trở thành hoàng hoá hay lương tâm bị đánh tráo cũng chẳng khác nhau là mấy.
Suy nghĩ và hành động của con người nên hướng về lương tâm bên trong hay bên ngoài, cái trên trời? Nhưng cho dù là hướng gì đi nữa, xã hội con người cũng không thể thiếu hướng chân thực. “Chân thực” trước hết là chân thực với chính mình. Chẳng có ai lừa dối bản thân mà lại chân thực với người khác cả. Lương tâm hoàn toàn có thể thẩm định được điều đó.
Đừng tưởng ở phương Tây người ta không quan tâm đến điều đó. Vaclav Havel, tổng thống Tiệp Khắc cuối thế kỷ XX, tổng thống cộng hoà Czech đầu thế kỷ XXI, trong tác phẩm “Sống chân thực” (Living in Truth, 1988), ông thừa nhận rằng sống không chân thực là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội suy thoái về đạo đức. Havel tình cờ trông thấy biểu ngữ “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” treo trên cửa hiệu của anh chàng bán hoa quả. Havel cho rằng biểu ngữ này chẳng liên quan gì đối với việc bán trái cây cả. Thực ra anh chàng bán trái cây kia cũng chẳng cần treo nó lên làm gì ở cửa hiệu của mình, nhưng nếu không như vậy thì “ảnh hưởng” đến việc làm ăn, cho nên anh ta phải làm cái việc mà anh ta chẳng muốn làm. Nếu mọi người trong xã hội đều sống gần giống như vậy thì có nghĩa xã hội đó chỉ là xã hội ảo không hơn không kém. Biết đâu đó là hoa hay là sâu, biết đâu đó là nụ cười hay là nước mắt?
Ai mà biết được đâu là nguyên nhân đâu là kết quả. Sống thiếu chân thật là nguyên nhân của suy thoái đạo đức hay là suy thoái đạo đức là nguyên nhân của sống thiếu chân thực?
Cho dù kinh tế phát triển, GDP đạt hoặc vượt chỉ tiêu, dân có giàu nước có mạnh đến đâu đi nữa thì vẫn có cái “thiếu” và cái “thừa”. Nhưng thừa gì thì thừa chứ đừng thừa cái giả dối, thiếu gì thì thiếu chứ đừng thiếu “lương tâm”! “Lương tâm” và “tâm linh” là thế giới không thể thiếu của dân tộc Việt Nam cho dù nó được đặt bên cạnh bất cứ thế giới nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét