Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

NGƯỜI DÂN TỘC THEO ĐẠO PHẬT Ở KON TUM

Đồng bằng giữa phố núi Kon Tum là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau: Kinh, Xê Đăng, Giẻ Triêng, B’Râu, H’Re, R’Mâm...

Một điều thật lạ mà đến bây giờ vẫn chưa có lời giải thỏa đáng về lịch sử vùng đất này: Dù nằm trong địa hình hiểm trở, xa xôi với đồng bằng miền Trung nhưng Kon Tum là nơi người Kinh lập nghiệp và có quan hệ với các sắc dân bản địa lâu đời nhất trong tất cả các vùng đất của Tây Nguyên.

Theo tài liệu ghi lại, vào năm 1885, vua Đồng Khánh (triều Nguyễn) ra chỉ dụ thành lập đạo Kon Tum và cử Tôn Thất Toại làm quản đạo. Và cũng trong năm này, quản đạo Tôn Thất Toại lập ra làng Trung Lương chiêu mộ dân từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi... lập nghiệp. Trong khi đó, mãi tới năm 1921 làng Lạc Giao (thành phố Buôn Ma Thuột, Đak Lak) mới được thành lập, đánh dấu sự xuất hiện của người Việt tại đây. Tuy nhiên, trước đó  người Kinh đã biết đến Kon Tum và có quan hệ giao thương. Khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ khởi binh ở Tây Sơn, ông đã cho người liên lạc với các bộ tộc người Banar ở Kon Tum (vốn có quan hệ huyết thống với người Banar ở An Khê (Tây Sơn thượng đạo) kéo quân về xuôi...

Cái vốn quý từ bao đời nay của Kon Tum vẫn là những ngôi nhà rông của người Banar hay những di tích đền thờ, chùa tháp cổ xưa, đặc biệt là di tích nhà ngục Kon Tum (được xây dựng năm 1905 - nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với cuộc đấu tranh nổi tiếng vào ngày 12-12-1931) giờ đây chỉ còn hai ngôi mộ tập thể, đã được xếp hạng di tích lịch sử. Kon Tum còn tự hào là nơi có nhiều ngôi chùa đẹp và cổ kính. Có thể nói, chùa Bác Ái (số 2 Mạc Đĩnh Chi) là một ngôi chùa cổ sắc tứ đầu tiên tại Kon Tum.          

Nơi dòng sông chảy ngược

“Ai đã một lần đến với Kon Tum, vào buổi chiều tà, đứng trên cầu Đak Bla, nhìn dòng sông lững lờ trôi, đều có cảm giác: hình như nó chảy ngược về Tây! Nghe qua thấy lạ... Với người Banar ở Kon Tum, dòng sông Đak Bla như là “ông mặt trời, ông mặt trăng”. Hợp thành từ 3 con suối lớn: Đak Sút, Đak Nghé và Đak Tre, Đak Bla khởi nguồn từ dãy núi Kon Plong. Khi mùa mưa đến, Đak Bla được chia thành 2 màu nước rõ rệt: bờ Bắc nước đỏ ngầu, trong khi đó phía bờ Nam nước vẫn xanh. Từ nét đặc trưng ấy mà người Banar đã gọi nó là Đak Bla. Bên lở hướng Bắc, bên bồi hướng Nam mỗi ngày một rộng hơn chở che trong lòng cái thị xã nhỏ bé rồi chảy ngược về phía mặt trời lặn hòa vào dòng Sê San xuôi về biển Đông qua ngả Campuchia...” HT.Thích Quảng Xả, Trưởng BTS THPG Kon Tum nói về điều kỳ lạ của dòng sông như thế. Và, qua tìm hiểu chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện ẩn chứa về một thiên tình sử của người Banar với dòng Đak Bla mà người dân nơi đây thường nói rằng, những huyền thoại bi hùng của Đak Bla vẫn còn nhiều lắm, nếu kể “phải mấy lần ông mặt trời đi ngủ” mới hết.


Xứ sở cao nguyên Kon Tum là thế, con người Kon Tum là thế nên đặc tính tín ngưỡng tôn giáo cũng rất đa dạng. Đa số các vùng dân tộc thiểu số đều theo Công giáo hoặc không theo tôn giáo nào. Tuy nhiên, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum. Hiện trên toàn tỉnh Kon Tum có 18 cơ sở tự viện, trong đó có những ngôi chùa được xem là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của Phật giáo Kon Tum như: chùa Hồng Từ, chùa Bác Ái, chùa Trung Khánh, chùa Hoa Nghiêm… Theo thống kê của BTS THPG, hiện có khoảng 38 Tăng Ni đang sinh sống tu học. Đồng bào Phật tử hầu hết là người kinh, đa phần ở tại trung tâm thị xã. Gần đây, một số lớn đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Phật đã được gia tăng đáng kể. Tại các xã Yachim và xã Gia Phí, huyện ChưPăh có khoảng 4.015 người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Phật. HT.Thích Quảng Xả cho biết, vấn đề phát triển Phật giáo tại Kon Tum còn rất nhiều hạn chế từ nhân sự cho đến cơ sở vật chất, tuy nhiên với sự nỗ lực của BTS THPG và Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh đã tạo nên sự nối kết vững chắc, tạo niềm tin trong tín đồ Phật tử xa gần nên việc thuần hóa giáo lý Phật giáo vào đời sống các gia đình Phật tử, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số có nhiều thuận lợi đáng kể. Trong hướng tới, BTS sẽ kiến nghị lên các cơ quan chức năng hầu xin phép xây dựng các ngôi chùa tại các huyện, xã có hộ người dân tộc thiểu số theo đạo Phật…

Tạm biệt phố núi Kon Tum hiền hòa thơ mộng, tạm biệt dòng sông Đak Bla muôn đời chảy ngược, nơi những người con Phật thuộc đồng bào các dân tộc đã và đang chan hòa trong tình đời ý đạo như thể sự hòa quyện của con người và thiên nhiên nơi đây…


Bài, ảnh Như Hiển
Theo www.giacngo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét