Tựa lưng vào biên giới Lào, Miên, hướng nhìn ra biển cả, một dãy Trường Sơn sừng sửng uy nghi từ hằng nghìn năm nay...
Một phần đất nước Việt Năm đấy. Nó trải dài trong tư thế bảo vệ đất nước và con người - con người thuộc nhiều thành phần dân tộc. Từ Quảng Bình đến Sông Bé, có nơi nó tiếp xúc ngay với biển cả, Trường Sơn là xương sống của Việt Nam, trãi ra thành một vùng cao nguyên rộng lớn đến khoảng 50 nghìn cây số vuông.
Tôi đi dọc Trường Sơn, ngắm nhìn vẻ đẹp của núi và cao nguyên phảng phất trong nhiều bài dân ca các dân tộc. Tôi gặp những buôn làng mà tôi từng mơ ước ao được tiếp cận từ hơn bốn mươi năm nay. Lòng tôi nao nức, tâm trí tôi theo dõi từng lối hoa văn, kiến trúc trên các nhà rông, nhà sàn, nhà dài cùng với đời sống và tâm hồn người dân Trường Sơn - Tây Nguyên. Nơi đây họ có thể đã có mặt từ thời đại đồ đá đến nay quy tụ khoảng 20 sắc dân. Quả tình đây là một số lượng đáng kể trên đất nước Việt Nam . Họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, tập trung trong hai hệ chính là Mã Lai Ða Ðảo (Malayo-Polynesian) và Môn-Miên (Moon-Khemer). Chính vì yếu tố ngữ hệ nầy mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trường Sơn là nơi nương tựa an toàn cho các sắc dân từ hải đảo hoặc đất liền đến. Họ đến và tạo dựng một nếp sống, một nền văn hóa và âm nhạc hết sức đặc thù mà lâu nay chúng ta thường quên lãng.
Ði qua những thung lũng sông Ba, sông Aun xinh đẹp khiến tôi nhớ đến những đêm chong đèn trên nhà sàn nghe nghệ nhân Y Yơn (dân tộc Jarai) hát về nó. Ði qua vùng cao nguyên Madrak trùng điệp, khiến tôi nhớ những bài hát của Y Moan (dân tộc Ê Ðê) trong lần gặp nhau ở Buôn Ma Thuộc. Vùng núi Ngọc Linh hùng vĩ (ngọn núi cao đến 2598 m) bao quanh là những thôn (buôn, bon hay plei) êm ả hòa theo bài hát (kdor) của các cụ già đối đáp dưới dạng đồng ca, xướng xô, gợi nhớ thời kỳ vài trăm năm trước đây dân tộc Triêng từ Quảng Nam di dân sang Lào rồi trở về lại đất nước mình. Từ những bài hát nồng nàn của cô Ajư Tươi (dân tộc Pakô) vùng A Sao - A Lưới cho đến các nghệ nhân Mnông ở Ðắc Nhau, huyện Bù Ðăng, tất cả làm chấn động các tế bào âm nhạc trong tôi.
Tuy nhiên, âm nhạc Trường Sơn - Tây Nguyên không chỉ có dân ca (dù có rất nhiều, không thể kể hết), cái hùng tráng và thấm thía nhất của nó còn là cồng chiêng và các nhạc cụ làm bằng tre nứa. Nó thể hiện trong các lễ hội kéo dài hằng ngày. Tiếng cồng chiêng không ngớt trong các lễ mời ông bà đi gieo hạt (samh jơmul), lễ được mùa ăn cơm mới (sa-mớt), lễ bỏ mả (pothi hay brư)... Những đêm quanh đống lửa nge cồng chiêng dân tộc Xtiêng ở Phước Long đến những sáng tinh sương ở E Hleo là nghe những nhịp đập nồng nàn của trái tim tôi hòa theo nó. Cồng chiêng không những của một vài dân tộc mà là của hầu hết các dân tộc cao nguyên và Trường Sơn. Từ những dàn cồng chiêng quy mô của dân tộc Jarai, Êđê, Banar, đến một dân tộc ít dân số nhất như Brâu, tỉnh Kontum. Dân tộc Brâu chỉ trọn vẹn có 253 người sống gần biên giới Lào. Tìm đến dân tộc Brâu tôi phải đi trên quốc lộ 14, ngang qua Ðắc Tô - Tân Cảnh, một địa danh máu lửa thời chiến tranh, làm tôi rùng mình nhớ những câu chuyện bom đạn tàn phá ác liệt. Xuống những thung lũng, lên những ngọn đồi tưởng chừng không thể vượt qua được vì đường xá bị vỡ chưa được tái thiết.
Tuy dân số ít oi, nhưng cồng chiêng không thể thiếu đối với đồng bào Brâu. Cách đánh chiêng (gọi là chiêng tha) cũng khác hơn tất cả các dân tộc khác ở Ðông Nam á. Hai nghệ nhân ngồi đối diện với nhau trên sàn nhà, hướng mặt về hai chiêng treo từ trần nhà xuống, một người cầm đôi dùi ngắn đánh vào mặt chính của chiêng, người kia cầm đôi dùi dài đến hơn 3 thước mang trên vai, chân đạp vào 2 chiêng khi đánh. Câu chuyện chiêng Brâu làm tôi nhớ mãi. Anh Thao Lăng, người đánh cồng chính, phải chạy bộ từ nhà anh đến nương rẫy bên kia núi trong hơn hai tiếng đồng hồ để mang chiêng về. Thông thường, đi bộ mất bốn tiếng. Theo thông lệ, cồng chiêng là của quí, thường được chôn dấu rất kỹ một nơi nào đó ở rẫy để khi nhàn rỗi, hứng thú mang ra đánh chơi. Lại nữa, thời gian ở rẫy thường kéo dài đến cả tháng, thì đây là phương tiện giải trí duy nhất.
Trong khi ấy, những dàn cồng chiêng quy mô của dân tộc Jarai, Êđê, Banar... có những chiếc cồng, chiêng mang tên gọi và bài bản khác nhau theo một quy định rõ rệt, chặt chẽ trong cách đánh theo từng hoàn cảnh ứng dụng. Có chiếc trị giá bằng 20 con trâu (theo cách mua bán thời xưa). Dân tộc Êđê đánh cồng chiêng cũng treo từ trần nhà xuống như dân tộc Brâu, nhưng ngồi trên bộ phảng hẹp, dầy, và dài làm từ một thân cây. Cồng (có núm) và chiêng (mặt phẳng) được tựa lên đùi mà đánh. Dân tộc Jarai hay Banar thì thường diễn ngoài trời mang cồng chiêng lên vai và đánh theo điệu nhảy múa có khi hình vòng tròn. Một buổi diễn trong lễ hội thường có rượu cần làm nghi lễ cúng yang (trời) và môi giới cho sự hứng thú tấu nhạc. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên được cấu trúc theo nhóm, từng bè (như dạng polyphony trong nhạc cổ điển Tây phương). Nơi đây cũng có cồng chiêng. Theo thống kê, có khi ở một thôn có đến hơn trăm chiếc. Tiếng cồng chiêng là hơi thở là da thịt của các dân tộc cao nguyên.
Các nhạc cụ khác hầu hết làm bằng tre nứa, nhưng khôn hạn chế bởi các nhạc cụ thổi (như sáo của dân tộc Kinh). Từ những ống nứa dài ngắn khác nhau trong dàn nhạc đinh tút (thổi vào đầu miệng ống) cho đến các ống klôngpút (vỗ bằng tay lùa hơi vào ống), đinh jơi (bè ống nứa tròn, thổi thẳng vào miệng ống), goong (đàn dây), hay T’rưng (nhạc gõ)... tất cả là những sáng tạo độc đáo, những âm thanh huyền diệu của âm nhạc Trường Sơn. Tôi tìm thấy quan hệ của nó đối với các dân tộc lục địa và hải đảo Ðông Nam á cũng như Ðại Dương Châu một cách hết sức ngẫu nhiên, tình cờ, và lý thú.Dọc đường Trường Sơn là những ngày tháng lặn lội với ý tưởng sưu tầm vốn quý của các dân tộc hiện sống trên mảnh đất Việt Nam, quê hương tôi. Gần bốn tháng viễn du, mùa mưa lại đến. Ðường xá đi lại khó khăn, trơn trợt, hiểm trở trong lúc vượt suối, lên đồi. Có khi tưởng chừng tai nạn xe cộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào hoặc khó có thể trở xuống miền xuôi. Mức độ ghi nhận điền dã có phần chậm lại. Nhưng cũng là dịp tốt để tôi quan sát thêm đồi sống đồng bào hằng ngày trong phạm vi gia đình. Những mẫu chuyện kể trong nhà -- và đặc biệt là nghe kể (khan) trường ca Ðansan và Ðandi - - nối liền quá khứ nghìn năm và hiện tại một cách hết sức sinh động.
Nhà sàn, nhà đất, nhà rông (mái dẹp và cao vút), nhà dài, rượu cần âm nhạc cồng chiêng, múa, phong tục nghi lễ... là những kinh nghiệm sống và tư duy của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nó hết sức quý báu cho riêng tâm hồn tôi và cho nghiên cứu Dân tộc nhạc thế giới. (*) Âm nhạc Trường Sơn - Tây Nguyên là một kho tàng lớn của đất nước Việt Nam mà mảnh ngày tháng của tôi trở nên quá nhỏ bé không thể sưu tầm hết.
GS. Nguyễn Thuyết Phong
Theo www.ivce.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét