Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

THẦY SÁU DO - CON NGƯỜI TIÊN PHONG MỞ ĐẠO THÀNH CÔNG VÙNG TÂY NGUYÊN (PHẦN 2)

Lm Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn
III.  CUỘC HÀNH TRÌNH THUYỀN GIÁO (1848-1852)
Thầy NGUYỄN DO lúc thơ ấu sống trong cảnh thiên nhiên với rừng núi hùng vĩ, tiếp xúc với những con người thiểu số nói loại tiếng xa lạ; sống trong giáo xứ có truyền thống tốt đẹp và đạo đức, được đào tạo trong chủng viện với nền tu đức của Công đồng Juthia, thầy trở nên một chủng sinh gương mẫu và một phụ tá giảng sư xuất sắc: hiền lành, vui vẻ, khiên tốn, nhịn nhục vâng lời, can đảm phó thác, luôn ca tụng Thiên Chúa trong mọi biến cố, phục vụ, sáng kiến. Thầy Sáu DO, con người được Thiên Chúa tiền định.
1. ĐỨC CHA STÊPHANÔ CUÉNOT THỂ TRAO TRÁCH NHIỆM  KHAI MỞ CON ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO NGẢ AN SƠN
Đức cha không ngã lòng sau những cố gắng tìm đường lên Tây Nguyên bị thất bại, nên một lần nữa ngài quyết định cho người khai mở đường lên vùng dân tộc qua ngả An Sơn, trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
a. Hoàn cảnh chính trị
An Sơn (An Khê) là nơi buôn bán giữa người Kinh và người dân tộc. Con buôn người Kinh cũng từ đó rảo khắp các buôn làng dân tộc để trao đổi hàng hoá.
Vả lại, An Sơn là một điểm trong con đường thượng đạo của các ngưòi dân tộc di chuyển từ Nghệ An đến vùng Bình Định; An Sơn cũng là con đường thượng đạo dẫn đến bộ lạc Hơdrung (Pleiku), từ đó hoặc lên Kontum, Đaktô đi sâu vào Hạ Lào, hoặc tiến vào phía nam đến các cư dân Jrai, Rađê, M’nong... rồi đến  vùng Gia Định. Cũng có những con đường thượng đạo Tây Trường Sơn, từ Thượng Lào đến hạ Lào tiến đến Bắc Campuchia, rồi tiến thẳng đến thành Gia Định, hoặc qua Thái Lan. Có thể nói đường thượng đạo Tây Trường Sơn là con đường nhân chủng đã hình thành rất xa xưa của cư dân cổ, thời đá cũ, ít nhất thời đá mới, vì nay người ta đã gặp rất nhiều rìu đá có quai rải rác khắp vùng Tây Nguyên, đặc biệt vùng Hạ Lào.
Nhưng từ khi An Sơn là cứ điểm của 3 anh em Nguyễn Nhạc khởi nghĩa, Triều đình Huế nghi kỵ và nghiêm cấm những người sống trên vùng này và người Thượng vượt quá An Sơn. Trong thời kỳ cấm đạo, việc canh phòng cẩn mật, chặn bắt các linh mục thừa sai và bản xứ càng triệt để hơn.
 Vua Minh Mạng ra tất cả 6 sắc chỉ cấm đạo. Một sắc chỉ cuối cùng của ông vào tháng 6/1839 truy lùng các giáo sĩ và điều tra tình hình giáo dân. Vua Thiệu Trị tháng 5/1847 ra chiếu chỉ cấm đạo nhân vụ tàu Pháp bắn phá cửa Đà Nẵng. Vua Tự Đức vừa lên ngôi, tháng 8/1848, ông liền ra chiếu chỉ lùng bắt hết các giáo sĩ cách dữ dội. Trong lúc đó, tại Bình Định, ông Quan Tổng đốc chống đạo đặt quân lính canh gác vùng An Sơn (An Khê) cẩn mật để bắt các linh mục đang tìm cách trốn lên vùng Bahnar. Đức Giám mục CUÉNOT Thể phải trốn tránh, nay ẩn chỗ này, mai phải đi nơi khác và đau lòng khi thấy các tín hữu, linh mục bị tù đày. Là chủ chăn, Đức cha quyết định cho người tìm đường lên vùng dân tộc xây dựng nơi an toàn cho đoàn chiên của mình.
b. Con người được tiền định
Thầy Sáu DO vừa từ Chủng viện Pinăng trở về, sau khi ở đó 9 năm: 7 năm học và 2 năm phụ giáo. Đức cha đã biết về Thầy qua nhận xét của ban giáo sư chủng viện gửi về địa phận cũng như bản thân ngài. Những đặc tính của con người được Chúa an bài để trao trách nhiệm nặng nề và trọng đại, được Đức cha lứu ý: lòng can trường, hăng say, đời sống phó thác. Đức cha đặt thẳng vấn đề với Thầy (5):
- “Thầy phải mở qua ngả An Sơn một con đường để đi truyền giáo cho các bộ lạc thượng. Thầy sẽ làm thế nào để hoàn thành việc đó?
- “Con sẽ làm lái buôn - thầy đáp lời - và trong khi giả làm người buôn bán, con sẽ tiến sâu vào bên kia ranh giới mà các lái buôn chưa từng vượt qua. Một khi khảo sát địa hình xong, con sẽ trở về và đưa một vị thừa sai đến vùng đó”.
- “Quá tốt - Đức cha nói. Ta mong đợi nhiều nơi thầy. Nhưng để thực hiện một việc quan trong như vậy, thầy cần đủ can đảm, ta ban cho thầy qua việc phong chức Phó tế. Thầy hãy dọn mình trong  việc tĩnh tâm và cầu nguyện để đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa sắp ban cho thầy”.
Thầy sốt sắng tĩnh tâm, cầu nguyện và lãnh nhận chức thánh phó tế để ra đi chu toàn trách nhiệm đầy gian nguy đang chờ đón thầy.
 Thầy dự định làm lái buôn, nhưng nghĩ lại vì không có môn bài do quan cấp, nên thầy thay đổi kế hoạch, thay vì làm chủ thì làm đầy tớ mà hay hơn. Tám ngày sau khi lãnh nhận chức phó tế, thầy Sáu Do vượt qua những dãy núi nằm giữa Bình Định và An Sơn (6) với bộ quần áo rách rưới tả tơi. Thầy đến xin giúp việc cho một ông lái buôn tên Quyền tại An Sơn (7). Thầy được chủ giao việc nuôi heo, gà trong gia đình chủ. Thời gian sau, ông chủ thấy người đầy tớ mới tới cần cù, thông minh và siêng năng nên đã nâng cấp “người chăn gia súc” lên làm đầu bếp mang nồi niêu, chén bát lếch thếch tháp tùng theo ông chủ lái buôn từ làng này đến làng nọ. Thầy có dịp tiếp xúc và theo dự định riêng của mình.
Thầy quan sát địa hình, cố gắng học tiếng dân tộc. Sau 6 tháng nay đây mai đó nơi các buôn làng dân tộc trong sứ mệnh được giao phó, thầy học tạm đủ thổ ngữ và biết được đường đi lối về để thực hiện sứ mệnh tạo lập cơ sở tại vùng Tây Nguyên. Thầy về báo cáo cho Đức cha là thầy muốn thử làm người lái buôn vượt qua những bộ lạc Thượng mà các con buôn người Kinh khác chưa bao giờ đi đến... Đức cha bằng lòng dự kiến đó và cho 4 chủng sinh cùng đi theo thầy.
Đức cha còn tiên liệu cơ sở giao liên giữa vùng cao với vùng Trung Châu cho các chuyến đi khai mở  lên vùng Tây Nguyên sau này. Hiểu rằng cần phải có một cơ sở có giáo dân cư ngụ làm điểm giao liên, Đức cha nhờ ông Cả AN (8)  thuộc họ MƯƠNG LỠ  (họ Gò Mục, thuộc địa sở Nhà Đá sau này) đem một số ít tín hữu đạo đức đến xây dựng và sống với người lương tại TRẠM GÒ (gần CỬU AN, An Khê ngày nay) để làm nơi trú chân cho các vị truyền giáo khi lên xuống vùng dân tộc Bahnar. Trong số người tín hữu ở địa điểm này có thầy lang Công giáo uy tín và được dân làng mến yêu.
TRẠM GÒ nằm một nơi hẻo lánh về phía tây bắc An Sơn (cách thị trấn An Khê ngày nay khoảng trên 10 cây số) là làng người Kinh cuối cùng theo hướng này. Đây cũng là cơ sở dự trữ lương thực, và là nơi tập luyện quân lính của anh em Nguyễn Nhạc trước kia.
Để đến TRẠM GÒ, một con đường khó khăn nhưng người Kinh cũng có thể dùng đến, miễn là  từ  BẾN (hữu ngạn sông CÔN  đối diện VĨNH THẠNH) vượt qua DÓC VÁN thẳng đứng giữa hai đỉnh núi: núi ông BÌNH và núi ông NHẠC. BẾN (sau này có họ đạo ĐỊNH QUANG) được Đức cha cho một số tín hữu đạo đức đến lập nghiệp và là nơi dừng chân tiếp đoàn truyền giáo lên xuống vùng Tây Nguyên qua ngả TRẠM GÒ, không qua An Sơn.
Trong khi xây dựng các sở này, thầy Sáu Do vận động mua một môn bài buôn bán tại các buôn làng dân tộc lân cận ranh giới Trung Châu trên đường dẫn đến xứ người Bahnar.
c. Năm 1849-1850: Con người hướng đạo bình tĩnh và can trường
Đoàn thương buôn giả danh này những ngày đầu di chuyển an toàn từ Gò Thị qua An Sơn đến bộ lạc Hơdrung (Pleiku) theo trục quốc lộ 19 ngày nay. Một số người dân tộc vùng Hơdrung tưởng đã gặp được đoàn con buôn giàu có, nên định bắt người cướp của. Giữa đêm khuya, thầy cùng các bạn đồng hành bỏ tất cả hàng hoá lại để tẩu tán thoát thân về Gò Thị, phải chịu đói nhịn khát vì không có gì đổi lấy miếng cơm cho đỡ đói.
Dầu thất bại lần này, thầy Sáu Nguyễn Do cũng thu lượm được nhiều kết quả quan trọng đã làm chuyển hướng việc truyền giáo sau này: biết thêm tiếng thổ dân và khám phá ra một con đường khác, tuy khó khăn hơn, nhưng an toàn hơn, theo hướng bắc, sau đó đi về hướng tây nam. Đức Cha chọn con đường này.
Cuối năm 1849 và đầu năm 1850: hướng dẫn Cha Phêrô COMBES (Cha BÊ)
Chuyến đi lần sau có cha COMBES (Cha BÊ đã đến Việt nam vào năm 1949) cùng 3, 4 thầy khác nữa được thầy Sáu DO dẫn đường. Đoàn thám hiểm có đổi hướng di chuyển so với chuyến đi lần trước, đi từ GÒ THỊ đến TRẠM GÒ mất 3 ngày: 2 ngày đi đường sông bằng ghe, ngược dòng sông CÔN đến địa điểm BẾN và từ đó mất một ngày đường leo núi qua DỐC VÁN mới tới TRẠM GÒ (9). Chuyến đi này chẳng may đoàn truyền giáo bị đàn voi rượt tại đèo Mang Giang, mọi người cố thoát thân, một thầy bị trọng thương. Sau cảnh trốn thoát đàn voi, đoàn truyền giáo lại đương đầu với cơn mưa như trút, khe suối đầy nước chảy cuồn cuộn, không sao tiến lên phía trước được. Cuối cùng, đoàn người bụng đói, lạnh buốt đến xương tuỷ, quần áo tả tơi cũng đã lần mò về được GÒ THỊ để trình kết quả tội nghiệp cho Đức cha. Khi nghĩ lại, Cha COMBES cũng ớn lạnh, nhưng tính vui vẻ, cha thường bảo: “Đó là cuộc viễn du của bọn thỏ đế”.
 Đức cha buồn và nói với họ:
“Vì thời tiết xấu còn kéo dài, cha cho các con 15 ngày nghỉ ngơi và sau đó các con lại lên đường. Và lần ny, đừng có vô phúc mà quay  về như  vậy nữa!”.
Đức cha lại cho Cha FONTAINE (tên Kinh là HOÀNG, tên dân tộc là Bok PHẨM) sửa soạn hành trang tháp tùng Cha COMBES lên đường.
d. Một kế hoạch mới táo bạo
Chuyến viễn du lần này, đoàn truyền giáo gồm 2 linh mục thừa sai: Cha Phêrô COMBES và Cha FONTAINE, 7 thầy: thầy BẢO (thầy tư), thầy TÀI, thầy CHÍNH, thầy BIỂU, thầy BƯỜNG, thầy TIẾN và thầy PHIÊN dưới sự hướng đạo sáng tạo đầy táo bạo của Thầy Sáu DO (10). Thầy vạch ra một kế hoạch thay vì di chuyển ban đêm sẽ đi ban ngày. Nhưng để che bớt làn da trắng có thể làm nguy hại bại lộ, mặt mày chân tay 2 vị thừa sai được bôi một lớp màu sậm, giống như màu da người Kinh. Nhờ vậy, đoàn vượt qua an toàn từ Bình Định đến Trạm Gò. Đoàn voi không rượt nữa, nhưng họ phải khó nhọc vất vả vượt đèo lội suối. Đương nhiên là vậy thôi!
ĐẾN LÀNG BAHAM
Không rẽ xuống An Sơn hoặc thẳng đến Hơdrung phái tây, nhưng từ TRẠM GÒ vượt qua sông BA rồi từ đó đến vùng dân BƠNÂM phía Bắc. Nơi dừng chân đầu tiên của đoàn là làng của một tên cướp, gọi là BAHAM (cha của thằng HAM). Mọi người dân tộc cũng như con buôn người Kinh ớn ông này lắm vì hắn tàn bạo, dữ tợn, háu của, lắm vợ; nhưng đoàn truyền giáo buộc lòng phải vào làng này, phó dâng mọi sự cho Chúa Quan phòng. Lạ thay! Trước mặt các vị thừa sai đầy râu ria rậm rạp, gương mặt khác thường, ông BAHAM xuống tinh thần, cho gì lấy đó không dám đòi hỏi, giữ đoàn lại làng 4-5 ngày, sau đó mới  chịu cho  đoàn ra đi đến làng BƠLU, cách đó một ngày đường. Ông chủ làng BƠLU là ông LẬP và cả dân làng khác hẳn với làng BAHAM: họ niềm nở, hiếu khác, trọng đãi đoàn. Ông LẬP kết nghĩa anh em với thầy Sáu DO.
e. Cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ với Bok KIƠM (ông KHIÊM) -
    Ông Khiêm và thấy Sáu Do kết nghĩa anh em
Nhờ ông LẬP dẫn lối đến làng KON-PHAR, cách BƠLU hai ngày đường. Đoàn truyền giáo lòng đầy hân hoan không còn sợ  lái buôn người Kinh bắt gặp. Nhưng không ngờ một biến cố định đoạt cả công cuộc truyền giáo miền Tây Nguyên đang chờ đón họ tại KON-PHAR: gặp ông KHIÊM, một lãnh tụ đại diện Triều đình HUẾ trên vùng này. Đức cha luôn căn dặn đoàn Truyền giáo phải xa lánh vùng ông KHIÊM hoạt động. Nhưng hiện ra trước mắt họ là một con người to lớn, nghiêm nghị. Sau giây phút lo sợ, các ngài bình tĩnh lại sau vài câu nói ôn tồn của ông. Thấy vẻ sợ của nhóm truyền giáo, ông nói:
“Các ông từ đâu đến? Các ông có vẻ là những nhân vật quan trọng. Vậy lý do nào khiến các ông đã làm một cuộc hành trình vất vả như thế này? Hai ông này có phải là người Kinh ở một tỉnh rất xa xôi không? Tôi chưa bao giờ thấy người nào có nước da trắng như thế này. Hãy thành thật nói cho tôi. Tôi cảm thấy mến các ông. Mặc dầu các ông có chuyện gì ở đồng bằng, ở đây xứ Bahnar, các ông không phải sợ gì cả. Tôi như một ông vua của vùng này, và những người Kinh cũng sẽ không làm gì được các ông, nếu tôi bảo vệ các ông”.
Thấy các vị thừa sai bối rối, ông KHIÊM đoan chắc lòng thành của mình, xin kết nghĩa anh em với thầy Sáu DO. Ông KHIÊM chỉ vào 2 vị thừa sai và nói: “Còn hai ông, tôi xin gọi là bố”. Sau khi hiểu nhau, ông dẫn đoàn lên nhà rông và kết nghĩa với thầy Sáu  DO với tất cả nghi thức theo phong tục của người Bahnar.
Ông KHIÊM đã chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối vào tình bạn, lo lắng vật chất cũng như giữ an toàn, không dẫn quan quân của Triều đình Huế đến lùng bắt các ngài. Đó là sự quan phòng của Chúa, nhờ vậy việc truyền giáo ngay từ đầu được xây dựng trên một nền tảng tình thân tự nhiên, chân thành giữa các chủ làng với thầy Sáu DO, và nhờ đó, tình cảm, lòng tin tưởng dần dần hội nhập vào cư dân vùng Bahnar dễ dàng hơn.
2. HƯỚNG VÀO KONTUM
Sau một vài ngày nghỉ ngơi tại KON-PHAR, ông KHIÊM trong tình kết nghĩa với thầy Sáu DO đã đưa bạn mình cùng toàn thể đoàn truyền giáo đến KON-KƠLANG về hướng tây nam, cách đó một ngày đường, tới nhà ông BLIU, chủ làng và là bạn của ông, và nhờ ông này tận tình giúp đỡ. Sau đó, vì sợ con buôn người Kinh, trong khi chờ đợi những làng xa hơn chịu nhận đoàn đến tá túc, ông BLIU đã đưa đoàn ra giữa cánh đồng âm u, hoang vắng dựng nhà. Đây là nhà nguyện đầu tiên trên vùng Tây Nguyên.
a.  Năm 1850-1851: ĐÓN ĐOÀN TRUYỀN GIÁO THỨ HAI -
    CUỘC GẶP MẶT CẢM ĐỘNG
Ngày 11/11/1850, thầy THÁM em thầy sáu DO dẫn đường cho 2 linh mục thừa sai lên vùng Tây Nguyên là Cha DOURISBOURE (Cha ÂN, 24 tuổi) và Cha DESGOUTS (Cha ĐỀ, 45 tuổi). Được tin, thầy Sáu DO vội vã từ KƠLANG đi đón. Đoàn khởi hành qua ngả TRẠM GÒ vào trung tuần tháng 11, vượt núi hướng về làng BAHAM. Với sự thận trọng, cuối cùng thầy Sáu đã gặp được các vị, tay bắt mặt mừng. Ở một vài ngày tại nhà ông BAHAM, sau đó đến làng BƠLU và được đón tiếp niềm nở. Cha Đề kiệt sức. Từ BƠLU đến KON-PHAR phải mất 2 ngày đường leo núi. Trời mưa dai dẵng trong tháng 11 tại Tây Nguyên đã làm cho các lối đi gần như không sử dụng được nữa. Nghỉ tại làng BƠLU một tuần lễ, mừng Giáng Sinh trên vùng Tây Nguyên lần đầu tiên. Trong những  ngày cuối cùng của năm cũ, đoàn vừa ra khỏi làng BƠLU, mưa tầm tả, bầu trời tối mịt, màn đêm buông xuống trong khi các ngài ở giữa rừng, được số anh em Thượng đi theo làm một cái chòi lá để qua đêm. Chúng ta nghe lời tự thuật của Cha ÂN về cảnh tượng này:
“Cha DESGOUTS Đề không còn hơi sức chuyện vãn được nữa. Ngài nói: ‘Tôi chịu hết nổi rồi’ và nằm dài dưới đất. Sáng hôm sau, để đánh thức ngài dậy, tôi mừng năm mới, đó là ngày 1/1/1851. Tôi nói với ngài: “Này Cha, can đảm lên, chỉ còn 2 ngày đàng nữa là chúng ta sẽ ôm nhau hôn các bạn thân hữu của chúng ta thôi”.
“Chúng tôi lại lên đường, nhưng vừa đi được độ trăm bước thì thầy sáu DO đang mở đường đi trước, bỗng hét lên một tiếng và nói to ‘Laudate Dominum omnes gentes (Hãy ngợi khen Thiên Chúa, hỡi các chư dân). Tôi đã đạp phải chông’, và thầy ngã, ngồi bệt xuống, một cây chông bằng lồ ô sắc nhọn đã xuyên thủng bàn chân của thầy”.
Máu chảy lai láng, đau nhức, dần dần bàn chân thầy sưng lên. Vì đầu chông còn nằm trong bàn chân, mặt mày thầy tái mét như xác chết. Cha ÂN nói tiếp:
“Nhưng chính trong trường hợp gay cấn như thế, ta mới thấy  đức tin của Thầy sáng chói một cách đặc biệt. Thầy Sáu không ngừng lắp bắp: ‘Chúc tụng Thiên Chúa. Tôi bắt  đầu năm mới tốt quá’”.
Người làng dân tộc cắm chông nghe tin đến xin lỗi và làm một cái cáng chuyển thầy về làng nghỉ ngơi và băng bó vết thương. Thầy Sáu cố làm cho họ yên tâm, an ủi họ và ráng sức bớt vẻ mặt đau đớn kẻo làm cho họ thêm buồn lòng.
Ngày hôm đó, đoàn cố gắng đến KON-PHAR. Do nằm trên chiếc cáng lắc lư làm đau nhói vết thương, nên Thầy Sáu Do đành nằm lại KON-PHAR một thời gian. Thầy không có mặt khi 4 vị thừa sai hội ngộ tại KƠLANG. Đó là ngày mồng 2/1/1851. Ít lâu sau, Thầy mới đến nơi, được một dân làng KON-PHAR cõng trên lưng đưa tới.
Mấy ngày sau, vết thương của Thầy bắt đầu lành và 3 tháng sau, phần đầu chông nằm lại bên trong mới tự mở đường trồi lên phía mu bàn chân.
b. NHỮNG NGÀY LƯU TẠI KƠLANG VÀ KHÁM PHÁ MIỀN ĐẤT HỨA
Nhờ tình bạn kết nghĩa anh em với thầy Sáu DO, ông KHIÊM có lần đến thăm đoàn truyền giáo đang ở tại KƠLANG. Thấy bữa ăn bên cạnh nồi cơm chỉ có một mớ hổ lốn lá cây, rễ cỏ ngoài rừng, ông ứa nước mắt. Hai ngày sau khi ông ra về, các đầy tớ của ông đã đem đến cho đoàn một phần tư con trâu, một con heo và năm ba con gà làm quà tặng bạn.
Ngày tháng trôi qua tại KƠLANG, thiếu thốn, bệnh tật, cô đơn, đau khổ, nhất là chưa đi đâu và chưa tìm ra mảnh đất Đức cha lưu ý:
“Khi các cha đến chỗ cách KƠLANG một vài ngày đàng về hướng tây, và nếu các cha gặp được con sông mà người ta đã cho tôi biết, thì chắc các cha sẽ tìm thấy vùng đồng bằng ở hai bên bờ sông, các cha hãy hạ trại lưu trú ở đó và hãy biết rằng các cha đang ở trong vườn nho được giao phó cho các cha chăm sóc vậy(11).
Chính nhờ tình anh em kết nghĩa giữa thầy Sáu DO và các  ông KHIÊM, ông LẬP, ông BLIU... cũng như nhờ biết được một số vốn tiếng dân tộc, với tính hiếu hoà, khôn ngoan, thận trọng và sáng kiến, linh động của Thầy, dần dần đoàn truyền giáo đến ở tại KON-KƠXÂM một thời gian. Sau đó, một số dân làng RƠBANG đến có việc tại KON-KƠXÂM, dần dần quen biết đoàn truyền giáo và có mời các ngài đến thăm làng mình, nhờ vậy các ngài có dịp khám phá ra được đất hứa.
Sau nhiều chuyến du ngoạn trên sông DAK-BLAH (sau này thường quen gọi sông Dak Bla) đến thăm KON-RƠBANG, các ngài tìm cách mua được một cái nhà ở RƠHAI (lúc đó chưa có RƠHAI, mới có làng BRENG) với giá 5 đồng phật lăng Pháp. Người chủ giao nhà cho đoàn và đi cất nhà chỗ khác. Lập tức đoàn cử thầy Sáu DO và một ít người Kinh nữa đến ở. Sau đó, các ngài đến ở tuỳ thích.
Khi đến ở RƠHAI được mấy hôm, thầy Sáu Do cùng 2 cha thừa sai: cha COMBES Bê và DOURISBUORE ÂN xuôi theo dòng sông DAK-BLAH, và sau 2 tiếng đồng hồ, các ngài gặp ông chủ làng TƠBAU (MANGLA ngày nay) là ông PIUNH, được ông này mời lên nhà ông. Các ngài được ông tiếp đãi tử tế. Sáng hôm sau, (trừ cha DOURISBOURE ÂN bị lên cơn sốt nằm tại làng TƠBAU, đêm đó có âm mưu giết ngài để cướp của), chính ông chủ làng tự nguyện chèo sõng dẫn các ngài tham quan đến tận làng PLEI KRONG, một làng lớn nằm tại ngã ba sông DAK-BLAH và sông PƠKÔ. Sau đó, thầy Sáu Do kết nghĩa anh em với ông PIUNH theo nghi lễ quen thuộc.
Nhờ tình thân thiết giữa thầy Sáu và các chủ làng, đời sống của đoàn dần dần hoà nhập vào các buôn làng và nối kết được tình giao hảo, tạo được một môi trường và những quan hệ tốt cho công cuộc truyền giáo sau này.
Sau khi xem xét địa hình, các dân cư, các ngài viết thư trình cho Đức cha. Người sung sướng viết thư và phân công - đó là năm 1852 - như sau:
1. Cha COMBES (Cha BÊ) tiếp tục làm Bề trên ở KON KƠXÂM, đảm nhận truyền giáo  cư dân Bahnar thuộc đông bắc.
2. Cha DESGOUTS (Cha ĐỀ) và Thầy Sáu DO ở lại làng BRENG  (sau là PLEI RƠHAI).
3. Cha DOURISBOURE (Cha ÂN) đảm nhiệm vùng SƠĐANG  ở tại KONTRANG.
4. Cha FONTAINE (Cha PHẨM) phụ trách cho người JRAI, ở tại PLEI CHƯ.
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét