Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

GIÀ LÀNG TÂY NGUYÊN

Thời trẻ, họ từng là những tay rựa sắc bén, tay ná cự phách. Về già, họ trở thành những già làng đầy quyền uy - cái quyền uy không mang dấu ấn của bạo lực, cường quyền mà xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng...

Mỗi buôn làng Tây Nguyên đều có một già làng, họ là kho báu về kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm ứng xử.

Có lẽ đã xa xưa lắm rồi, trên rẻo đất cao nguyên phía tây của Tổ Quốc, những ngôi làng nhỏ bé và lẩn khuất của bà con các dân tộc đều được hình thành nhờ kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên và bởi những bước chân thăng trầm dạn dày nắng mưa sương gió của các bậc cao niên trưởng lão mà ngày nay ta gọi một cách trân trọng và trìu mến là các già làng. 

Rừng sâu đầy bí hiểm, nhưng cũng là điểm tựa, là chốn nương thân, bởi cuộc đời người Tây Nguyên gắn bó với rừng. Ơ thần Núi, thần Sông, thần Mưa, thần Gió, thần Lửa! Ðó là câu mở đầu cho mọi bài cúng, là tiếng kêu gọi thiết tha của các nhân vật trong những bản trường ca hùng tráng dài bất tận được miệng người già kể, rồi sau đó lan truyền sang con cháu, các thành viên của cộng đồng, từ đời này qua đời khác, như là sự nhắc nhở rằng, cái Núi, cái Sông, cái Lửa, cái Gió, cái Mưa kia không phải tự nhiên mà có. Nó có được là nhờ sự kỳ diệu của Thần Linh (Yàng). Yàng vừa là trời, vừa là Thần Linh như người Việt vẫn thường gọi, nhưng có cái khác, ấy là ở nơi đây, mỗi vật dụng đều có Yàng của mình. Mỗi loài cây, loài con cũng có Yàng của mình. Ðối với người, Yàng vừa là Yàng, Yàng lại cũng là bạn, là một thành viên trong sinh hoạt cộng đồng, có ưu, có khuyết, có đúng, có sai. Ưu thì ta học, ta theo. Khuyết thì ta làm lễ "phê bình", nếu quá nữa ta làm lễ chia tay! Tất thảy, nhất nhất đều được hội đồng già làng xét xử và vị già làng có tín nhiệm nhất ra quyết định.

Các già làng không phải là thần linh, nhưng các già làng luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Buôn làng nào có nhiều người già, buôn làng đó ắt giàu sang hơn, hùng mạnh hơn. Một buôn làng có thể thiếu một vài chức danh với một vài vai trò, nhưng chức danh già làng, vai trò của già làng thì không thể thiếu một ngày, mặc dù chức năng ấy hình thành tự nhiên, không qua bất kỳ thủ tục bầu bán hành chính nào. Cũng giống như mỗi dàn ching chiêng đều phải có chiêng Cái, chiêng Con, chiêng Núm, chiêng Bằng, cái đi giai điệu, cái cầm nhịp. Những dàn cồng chiêng lớn thì trống Cái vừa giữ nhịp vừa tôn giai điệu, giữ cho sắc thái của giai điệu luôn luôn giàu sinh lực và đẹp về sắc điệu, cho nên người ta thường ví già làng như là trống Cái cầm trịch mọi sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của bà con buôn làng. Già làng có cái tai nghe được cả dàn ching chiêng, già biết cái nào đi đúng, cái nào để lỡ nhịp tách đàn; và bằng khả năng trực giác nhạy cảm, già so chiêng, điều chỉnh cả tiết tấu, nhịp điệu lẫn cái hồn từ bên trong từng cái chiêng một.

Khi con cháu dựng ngôi nhà rông cho buôn làng mình, vai trò của hội đồng già làng đặc biệt quan trọng. Sự điều hành của các già làng bên nghè rượu cần vừa rất chặt chẽ, chi tiết, tỉ mẩn, nhưng lại thoải mái và phóng túng, không gượng ép gò bó bất kỳ ai, bất kỳ cung đoạn nào của công việc. Tất cả vì vẻ đẹp truyền thống của buôn làng. Buôn làng Tây Nguyên không thể thiếu được ngôi nhà rông, nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Cũng như trong các ngày lễ hội nếu không có già làng thì liệu có thành lễ hội được không?

Tối tối, trong những ngôi nhà sàn bình yên, bên bếp lửa hồng, những người già thường tới nhà già làng trò chuyện. Già làng là trung tâm đoàn kết, là kho báu kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm ứng xử. Ứng xử với thiên nhiên khi sấm sét, lũ lụt, khi mưa to, bão lớn, khi núi lở, sông cạn, khi có thú dữ loạn rừng, khi hạn hán kéo dài... Già làng chính là pho tư liệu luật tục nghìn đời truyền lại. Là cuốn từ điển bách khoa, giúp cho con cháu biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng, cái sai để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên.

Bà cụ trăm tuổi của làng là niềm tự hào chung của cả cộng đồng. Già tồn tại như là một sự hiện diện của lòng kiêu hãnh của buôn làng trước vị thần thời gian linh thiêng và huyền bí. Trong các bản trường ca cổ của dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê Ðê, Mơ Nông, Xê Ðăng, Giẻ Triêng... thường xuất hiện các tù trưởng là nữ. Nhưng già làng thì vẫn là các vị đàn ông cao niên tài giỏi thời trai trẻ đã từng là những tay lao lừng danh, tay rựa sắc bén, tay ná cự phách. Già làng từ thời cổ xưa đã có nhiều quyền uy, cái quyền uy không mang chút xíu dấu ấn nào của bạo lực, của cường quyền mà là cái quyền uy linh thiêng được xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng vì đức trọng, tài cao, uy danh lừng lẫy.

Những điệu múa mà người Ba Na, Gia Rai đều gọi là xoang bước theo nhịp của cồng chiêng, theo sự dẫn dắt của cồng chiêng. Âm nhạc cồng chiêng là tiếng lòng của người Tây Nguyên, là niềm vui và cả nỗi buồn. Cồng chiêng ơi, ta đứng về phía các già làng, về phía rừng già và hãy ngân vang lên theo tiếng nước chảy bình yên của từng con suối, dòng sông. Hãy ngân vang lên theo tiếng hú bất tận của lớp lớp con cháu truyền đời thiêng liêng của các già làng.

Già làng có thể chỉ ra cho ta hiểu ý nghĩa mỗi chi tiết hoa văn, mỗi đường tơ, mũi chỉ lên xuống trập trùng trên những tấm thổ cẩm rực rỡ được dệt nên bởi những bàn tay chai sạn, cần cù. Ngay cả đến tầm dồ chàng Ðam San, tấm hà - bành nàng Hơ Bia, dây khố Kơ ten chàng Ðăm Noi cùng với tiếng rung vòng đồng, tiếng ngân vòng bạc ngày buôn làng rước mẹ lúa về kho, làm lễ hội Samăk (ăn cốm) dưới trăng rộn ràng tiếng hát ca cũng trở nên linh thiêng hơn khi có lời giải thích của già làng.

Tục truyền rằng thời cổ xưa người Gia Rai sống trên những triền núi cao nhiều thác nước, nên các già làng mới tự đặt cho mình cái tên Gia Rai, có nghĩa là Thác Nước đầy kiêu hãnh. Cũng như vậy, người anh em Ba Na theo sự chuyển dịch tự nhiên của điều kiện địa lý từ Ðông qua Tây nên được các già làng tự đặt cho mình cái tên gắn liền với quá trình hình thành lịch sử vinh quang của dân tộc mình là Ba Na (Bah Nar: Bah có nghĩa là ánh sáng; Nar có nghĩa là ban ngày).

Từ đỉnh Ngọc Linh đến núi Chơ Pơ Rông, từ dòng Sê San đến nước sông Ba, từ Biển Hồ đến vùng đất thiêng trù phú A Yun Pa, những nông trường cà phê, cao su ngút ngàn xanh, những đập nước thủy lợi A Yun Hạ, những đại công trình thủy điện Ya Ly, nơi đâu trên khắp các buôn làng từ xa xưa cho tới bây giờ đều ghi đậm dấu chân của các già làng.

(theo QH online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét