Đặng Mai Lan
«Sœur Sourire» là tên của một đĩa nhạc nổi tiếng khắp thế giới vào khỏang giữa thập niên sáu mươi và cũng là tựa đề một cuốn phim Pháp-Bỉ của đạo diễn Stijn Coninx. Đây là cuốn phim thứ nhì sau « The singing Nun », một phim Mỹ của Henry Koster.
Đĩa nhạc tung ra thị trường năm 1963. Trên bìa bọc đĩa, ngòai trung tâm thu thanh, phát hành không hề có ghi tên tuổi, không cả hình ảnh của tác giả. Chỉ duy nhất hai chữ Sœur Sourire. Vì thế, SS đã trở thành biệt hiệu của nữ tu Luc-Gabriel, người sáng tác và trình bày bài hát mang tên Dominique trong đĩa nhạc này.
Sœur Sourire sinh tại thành phố Bruxelles, Bỉ quốc, ngày 17 tháng 10 năm 1933. Tên khai sinh của bà là Jeanne-Paule Marie Deckers.
Phim “The Singing Nun” ra đời năm 1966, với diễn viên Debbie Reynolds trong vai người nữ tu, hẳn chỉ tôn vinh về tâm hồn nghệ sĩ, cái lạ lùng độc đáo của một Dì phước nhạc sĩ kiêm ca sĩ như tựa đề của cuốn phim. Nhưng phim Soeur Sourire đã vẽ lại cả một cuộc đời. Từ thời niên thiếu tối ám buồn bã cho đến ngày nhắm mắt với những thảm cảnh oan ức của người nữ tu này. Do Cécile De France, nữ diễn viên gốc Bỉ sống tại Pháp thủ diễn vai chính.
Theo phim bản thì Jeannine Deckers lớn lên trong một gia đình sống bằng nghề buôn bán. Cô đã từng theo học trường mỹ thuật và ngòai mơ ước trở thành một giáo sư hội họa. Cô gái với một ngoại hình khô khan, tính tình ngang bướng như một đứa con trai, lại có nhiều thuộc tính nghệ sĩ đã ôm ấp trong lòng nhiều mơ ước khác. Nhưng dưới sự áp đặt của một người mẹ khó khăn độc đóan. Những ước muốn ấy không thể thành đạt. Jeannine lại không muốn sống bình thường, lập gia đình, nối nghiệp song thân với cửa tiệm bán bánh mì, nguồn lợi tức nuôi sống cả gia đình bốn người. Cha, mẹ và đứa em gái. Jeannine đã thóat ly bằng cách xin vào tu ở tu viện Fichermont, tỉnh Waterloo , một tu viện thuộc dòng Dominicaines. Thuở nhỏ, được học hành dậy dỗ trong một trường Công giáo. Ý thức, niềm tin được rèn luyện hay có một tiếng gọi thiêng liêng thầm kín nào trong tâm hồn của cô « garçon manqué » này hay không, khi cô quyết định khóac trên người chiếc áo chòang trắng và ẩn mình trong những bức tường che khuất đời sống huyên náo bên ngòai? Nhưng chắc chắn đấy cũng là một điều hợp lý để Jeannine thay đổi cuộc đời. Trốn chạy những xung đột xảy ra hàng ngày với người mẹ nghiêm khắc, cổ hủ. Cho dù cuộc sống và những kỷ luật nghiêm nhặt ở tu viện không hơn gì nơi cô đã từ bỏ. Jeannine không có một lối đi nào khác.
Cô Jeannine vào tu viện nhưng không quên mang theo cây đàn guitare, một thứ đồ vật không thể thiếu trong đời sống của cô. Và âm nhạc là những liều thuốc bổ, là niềm vui cho cô nhiều sinh lực để sống, vượt qua mọi thử thách cực khổ trong giai đoạn đầu khấn nguyện. Ngòai những giờ cầu nguyện có thể coi như là khỏang khắc được ngơi nghỉ. Các sinh họat của nhà dòng đã chiếm hết thời gian nhưng Jeannine vẫn cố gắng, âm thầm sáng tác những ca khúc và đôi khi còn lẩm nhẩm hát ngay trong những buổi đọc kinh cầu nguyện chung. Dominique là bản nhạc mà Dì phước Luc-Gabriel sọan ra như một tặng phẩm ca ngợi Dominique De Guzmán, người sáng lập dòng Dominicains. Tuy lén lút nhưng rồi bài hát cũng được phổ biến nhân dịp Jeannine phụ trách hướng dẫn những thanh thiếu niên viếng thăm nhà dòng. Trong sinh họat văn nghệ chung với họ, cô đã hát lên bài ca đó. Ngòai những tràng pháo tay ca ngợi của đám trẻ. Bài hát, những lời lẽ và giọng ca mạnh mẽ truyền đạt sự vui tươi. Tiếng hát không những đã được một Linh mục thường vào làm lễ cho nhà dòng lưu tâm vì ông cũng có mặt trong ngày này, Jeannine còn thuyết phục được những vị nữ tu lạnh lùng nghiêm nghị thưởng thức và cùng hát chung với mình. Vị Linh mục có ý muốn phổ biến giọng ca và những bài nhạc thánh ca đặc biệt đó đến đời sống bên ngòai. Cũng là một cách giúp thêm ngân quỹ cho nhà dòng. Ông đã trình bày với bề trên. Qua bao phản đối, nhưng cuối cùng cũng được Công Đồng Vatican 2 chấp nhận cho phòng thu thanh Philip, một trung tâm tên tuổi ở Bruxelles thời đó thu vào đĩa nhựa. Tuy bài hát mang chủ đề tôn giáo nhưng nhạc điệu sống động vui tươi đã gây một tiếng vang trong giới thưởng thức âm nhạc. Một sự thành công đáng kể với số đĩa bán ra cả gần 3000.000 bản. (Dominique, nique, nique…Chữ nique của những năm tháng đó không mang ý nghĩa gì, chỉ là cách lập láy lại của khúc ca, nhưng vào thời điểm này nó lại là một tục từ). Sự ngưỡng mộ không chỉ dành cho những ngừời có đạo. Bài ca đã đi qua biên giới của mọi tôn giáo. Đi khắp năm châu và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhạc phẩm Dominique đã đưa người nữ tu lên đỉnh cao danh vọng nhưng cũng lại là cái nấc thang đầu tiên đẩy cô xuống vực sâu địa ngục ngay khi cô đặt bút ký giao kèo về bản quyền với trung tâm Philip. Là một phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, cương quyết, ít chịu khuất phục trước những bất đồng đối nghịch nhưng lại rất ngây thơ hời hợt trong chuyện ký kết làm ăn này. Jeannine Deckers đã thỏa thuận giao hết những lợi nhuận thu thập từ đĩa nhạc « Soeur Sourire » cho nhà dòng Fichermont và trung tâm sản xuất Philip. Phải chăng ánh sáng danh vọng, ngọn lửa ao ước âm ỉ đã được cháy sáng rực rỡ, thiêu đốt hết ý thức, làm mù lòa lý trí của Jeannine ? Hay với cương vị của một nữ tu, chỉ có đức tin Thiên Chúa là ánh sáng cứu rỗi, cứu rỗi hết mọi thứ trên trần gian. Và cùng với đức vâng lời, khi đã khấn hứa phụng sự, hiến đời vào nước Chúa cùng những khổ hạnh, Dì phước Luc-Gabriel đâu còn để tâm tới tiền tài lợi lộc?
Danh tiếng của Jeannine lại càng vang xa hơn khi Ed Sullivan, người điều khiển một chương trình trên đài truyền hình Hoa kỳ đã đích thân tìm tới tu viện Fichermont mời Jeannine thu hình cho chương trình của ông, được thành lập năm 1948. Vào thời điểm ấy, ngành truyền thông bằng hình ảnh hãy còn mới mẻ nên những chương trình văn nghệ của đài truyền hình rất hiếm hoi. « Show » của Ed Sullivan lại là một show nổi tiếng, đã chinh phục vô số khán giả vì chỉ tìm kiếm, giới thiệu những ngôi sao tên tuổi như Elvis Presley, Les Beatles, les Stones…v…v…
Trong valise hành lý mang vào tu viện, cô Jeannine có cất giấu một tấm hình của danh ca Elvis Presley. Hẳn đây là thần tượng của cô nên có thể nói rằng khỏang thời gian này là thời gian đẹp nhất trong đời của người nữ tu trẻ vì bản nhạc của cô đã đứng hàng đầu, liên tục 4 tuần lể trong chương trình nhạc « Hit-Parade ». Soeur Sourire đã đánh bật nhiều tên tuổi trong đó có cả ông vua nhạc rock này.
Cùng với năng khiếu, trình độ hội họa sẵn có, Jeannine đã đưa ra nhiều sáng kiến, làm ra nhiều tác phẩm mỹ thuật cho tu viện trong những dịp tổ chức lễ lạc. Nên vào thời gian đó, người nữ tu đã được phép ghi danh học lại môn hội họa ở một trường đại học Công giáo tại Louvain . Kể như cô đang ngược bước, nhích từng bước gần lại với cuộc sống đời thường. Và dường như những câu hỏi tra vấn về Đạo và Đời đã được đặt ra trong lúc này. Những câu hỏi chín chắn hơn lúc Jeannine rời bỏ gia đình. « Aimer Dieu et fais ce que tu veux », yêu Chúa và làm những gì con muốn. Một câu nói của Thánh Augustin, cũng là một lời khuyên cho Jeannine.
Jeannine lại rời bỏ tu viện giữa năm 1966.
Người nữ tu đã cởi áo dòng và tiếp tục viết nhạc, thỏai mái hơn, tự do hơn. Nhưng sau Dominique thì những bài ca khác chừng như không còn thuyết phục được người nghe nữa. Jeannine lại cho ra mắt một album khác với danh xưng là « Luc Dominique » vì cô không còn được phép dùng lại tên SS danh tiếng mà hãng đĩa Philip đã thực hiện. Một trong những bài hát của album mới có một ca khúc mang tên « La Pilule D’Or », cũng gây một chấn động lớn, nhưng là một scandale bởi những lời lẽ trong ca khúc này gần như một sự cổ vỏ về phương thức ngừa thai, sự văn minh của khoa học mà tự nó đã như một mũi kéo nhọn làm rách tọac tấm lụa óng ánh đầy những đường thêu nhân bản, đạo đức mà Giáo hội đã đề ra. Bài hát lại được sáng tác từ một vị tu xuất thì có khác nào một sự nhạo báng.
Vì lý do đó hay còn nhiều lý do khác nữa… Kể như Jeannine đã thực sự lăn xuống bờ địa ngục sau khi cởi trả áo tu. Sự ái mộ của khán thính giả không còn nữa. Tiếng vang của Dominique dường như cũng chìm vào quá khứ. Ngôi sao « Sœur Sourire » đã tắt. Dì phước Sourire đã chết rồi. Elle est morte Sœur Sourie, có một bài hát Jeannine đã viết ra với những lời thú nhận như thế.
Đời sống thực sự khó khăn. Cùng với những đồng tiền ít ỏi thưa thớt kiếm được từ các đĩa nhạc, cô dạy thêm đàn guitare và nhiều việc lặt vặt khác để sống. Jeannine đã tìm gặp lại người bạn gái thân thiết từ thời đi học và sống chung như một đôi tình nhân đồng tính. Cuộc đời của Jeannine, có thể nói rằng người bạn gái mang tên Annie Pécher này là một điểm tựa an tòan êm ả nhất. Họ cũng có thể sống yên lành bên nhau với lợi tức thu nhập của cả hai nếu như Jeannine không bị Sở thuế vụ truy tìm, kêu gọi phải thanh tóan một số tiền kếch xù, thuế lợi tức đã được tính trên số lượng đĩa nhạc « Sœur Sourire » bán ra thị trường từ năm 1963. Trung tâm phát hành Philip phủi tay dù đã hưởng lợi lộc nhiều hơn nhà dòng Fichermont rất nhiều. Sở thuế vụ bịt mắt làm ngơ trước những phản kháng, trần tình của Jeannine. Ban quản trị nhà dòng Fichermont có dẫn chứng những điều tốt lành mà họ đã giúp đỡ Jeannine khi cô rời tu viện. Cô Jeannine hoàn tòan thua cuộc.
Hai người phụ nữ hàng ngày đã chống chọi đương đầu với vấn nạn bằng những viên thuốc hòa rượu. Họ đã sắp xếp một cái chết chung và từ giã cuộc đời vào năm 1985. Họ được Giáo xứ địa phận Wavre chấp nhận an táng chung trong một nấm mồ.
Những ngày cuối cùng của cuộc sống thật ngòai đời, đôi bạn ấy đã sống như thế nào?
Trong phim « Sœur Sourire », nhân vật Jeannine Deckers và Annie Pécher do Cécile De France và Sandrine Blancke diễn xuất. Đạo diễn Stijn Coninx không cho khán giả nhìn thấy niềm tuyệt vọng nơi họ. Cũng không có nhiều cảnh quay luyến ái. Hai người đàn bà quấn quýt bên nhau như hai chị em. Họ mừng vui khi nghe tiếng chuông cửa và nhìn thấy bóng dáng người đưa thư. Họ dành nhau giằng lấy phong bì có con dấu của tòa án. Một văn thư, một trác lệnh. Một thời hạn cuối cùng cho số nợ thuế khổng lồ mà Jeannine phải giải quyết bằng cách nào đó. Đồng nghĩa với sự quyết định mà họ đang chờ đợi. Chờ lên đường, chờ chết. Cảnh đẹp nhất là họ bình thản đốt hết từng lá thư nợ nần oan nghiệt. Họ viết thư tuyệt mệnh. Xếp gọn ghẽ những đồ vật để lại cho người thân. Nắn nót ghi tên từng người trên các gói quà đặt trước lò sưởi như thể đang chuẩn bị quà tặng cho đêm lễ Giáng sinh. Và cả hai chậm rãi kéo kín những tấm mành cửa sổ cho tòan thể bên trong căn nhà lẫn vào bóng tối. Một lên đường bình thản.
Trong những gói quà, thư từ để lại dường như Jeannine chỉ viết thư cho người em gái. Cô Jeannine cứng đầu, dễ nổi lọan không hề nghĩ đến mẹ trong những giờ phút cuối của cuộc đời. Người mẹ, mà suốt cuốn phim không một cử chỉ, một lời nói nào nhẹ nhàng dành cho cô con gái. Trừ lúc bà tìm đến tu viện thăm Jeannine, mang theo những đĩa nhạc Sœur Sourire của những người quen nhờ bà mang đến xin chữ ký tác giả. Cô không thể tiếp tục ăn hết chiếc bánh ngọt có chữ Dominique bằng kem mà cha cô đã làm mang cho con gái khi Jeannine biết rõ mục đích của cuộc viếng thăm.
Jeannine cần tình cảm, cần sự thương yêu. Cô muốn có một đời sống bình thường như bao người. Cô đã nổi giận và xô đẩy Annie khi người bạn gái tiến gần, tỏ cử chỉ muốn hôn cô. Khi quyết định vào dòng tu, lúc đến chia tay người bạn trai cùng lớp, Jeannine lại cuồng bạo cưỡng hôn anh bạn này. Và với những thất bại, trước khi quyết định quay lại tìm lại Annie, sống chung với nhau như tình nhân, công khai sự đồng tính từ lâu chôn dấu. Jeannine cũng thử trút bỏ hết quần áo, cưỡng dâm người đàn ông có vai trò như một ông bầu show đưa cô đi hát đó đây. Như thể cô biết mình đã chết, sẽ chết sau những thử thách đó nên phải nếm hết những mùi vị của đời sống chưa từng.
Nhưng đó chỉ là phim, những hình ảnh đầy nghệ thuật được dàn dựng, thêu dệt thêm cho một cuộc đời.
Trước ngày những thước phim Sœur Sourire được mang vào các rạp ciné. Cuộc đời Jeannine Deckers lại được hồi sinh trên các tạp chí và trên các trang báo điện tử. Những nguồn tin cho biết, bà thực sự rớt xuống đáy địa ngục kể từ ngày 12 tháng 3 năm 1974, khi sở thuế vụ Wavre đã lệnh đòi Jeannine phải đóng một số tiền là 900.000 francs Belges (22.500 euros) mà bà không thể nào trả được, số tiền lại cứ thế tăng theo mỗi năm. Ngòai sở thuế, bà đã gửi cả đơn lên bộ tài chính xin giúp đỡ nhưng không một hồi đáp nào cho sự yêu cầu của bà. Suốt những năm dài, tinh thần khủng hỏang trầm trọng. Sức khỏe bà hòan tòan kiệt quệ vì đã dùng quá nhiều rượu cùng với những lọai thuốc an thần, phương cách duy nhất để bà tìm quên. Hai người bạn chẳng còn thiết tha gì đến đời sống, đã cùng tự hủy mình bằng 150 viên thuốc Temesta và Depronal vào ngày 29/3/1985.
Nhiều năm trước đó, ngoài phim ảnh, đã có vài cuốn sách viết về thân thế của bà. Nhưng hai tác phẩm mới nhất vừa cho ra mắt độc giả trong tháng 4 năm nay là cuốn « Sœur Sourire » của Catherine Sauvat và «Sister Sourire, une pure tragédie» của Claire Guezengar. Trong tạp chí Nouvel Observateur số 2305-8/1/2009 Sophie Delassein có viết bài giới thiệu tác phẩm «Sister Sourire, une pure tragédie».
Nhà văn Claire Guezengar đã viết cuốn sách này với dạng tự truyện. Cuốn sách được giới thiệu trên nhiều tạp chí tên tuổi ở Pháp và được đón nhận với đầy đủ khen chê của độc giả trên nhiều web site.
Claire.G cho rằng «Nếu như Jeannine Deckers được sinh ra đời chậm hơn mười lăm năm, hẳn sẽ trở thành một cô Hippie hơn là một nữ tu.»
Nếu trở thành một Yé Yé của phong trào Hippie thì cuộc đời, định mệnh của Jeannine có tốt hơn hay không? Nhưng chắc chắn một điều là cũng phải có một đức tin, lòng yêu mến Chúa bà mới sáng tác được những khúc ca mang màu sắc tôn giáo như thế.
Jeannine Deckers từ giã cõi đời tính đến nay đã được... Một tài danh âm nhạc có tiếng mà không có miếng. Đã bức tử vì sự thành công, tài năng của chính mình.
(Nguồn: TTVNQN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét