Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

SEN GIỮA LẦY - CẢM NHẬN VÀ CHIA SẺ



CẢM NHẬN VÀ CHIA SẺ



LÝ TÂN

“Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

Nhị vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Đọc bài thơ “Sen giữa lầy” của linh mục Trăng Thập Tự, ta không khỏi liên tưởng tới bài ca dao ấy. Thế nhưng phải chăng nó lấy cảm hứng từ bài ca dao hay có chút gì khác?

Bùn lầy là nơi chốn dơ bẩn, nhầy nhụa. “Bùn” thường gợi mùi hôi tanh đặc trưng. “Lầy” chỉ trực giác, cái mình nhìn thấy lầy lội, nhớp nhúa, đầy cám dỗ (sa lầy). Cùng một đề tài xưa cũ “Sen trong đầm”, nhưng tác giả đã sáng tạo ra một cách tiếp cận khác, không theo lối mòn, mà vẫn giữ được nguyên nội dung muốn đề cập. Vì thế trong suốt bài thơ chúng ta không thấy nói đến “mùi”, ngay cả mùi hương thơm của hoa sen - một điều gần như bắt buộc trong thơ cũ khi nói về loài hoa này, mà chỉ thấy những hình ảnh trực giác: “thanh thoát”, “trong trắng”, “nở đua chen”… Cách tiếp cận đề tài cũ bằng con đường mới này khá độc đáo, cho thấy bản lĩnh, sự tìm tòi, trải nghiệm cũng như tinh tế của tác giả. Cũng như khi dùng lối thơ đường luật (thất ngôn bát cú) để nói về một thời sự nóng bỏng của thời hiện đại: sự khiết tịnh của bạn trẻ, hẳn tác giả cũng đã đặt niềm tin tưởng vào những đột phá giúp khai mở vấn đề một cách mạnh dạn mà vẫn không kém phần thú vị.

Mở đầu bài thơ, tác giả đưa chúng ta trở về vườn Địa Đàng của thời sáng thế trong Kinh Thánh. Chúng ta tưởng sẽ gặp A-đam E-và đang e thẹn đứng nấp trong một lùm cây nào đó, vì đã trót ăn thứ trái cây bị cấm. Nhưng không, chúng ta vô cùng ngạc nhiên đến phải thốt nên lời khi trước mắt chúng ta hiện ra một “đóa hoa sen” vô cùng thanh khiết, siêu thoát – là biểu tượng cho sự khiết tịnh vô song của một con người, đối lập với tội lỗi ô uế mà ông bà nguyên tổ đã gây nên, làm liên lụy đến cả nhân loại:

Về thăm vườn cũ thuở Ê-đen

Thanh thoát ô kìa một đóa sen.

Sự ngạc nhiên gợi mở cho chúng ta lần giở những trang Kinh Thánh thời sáng tạo. Chúng ta biết A-đam và E-và được Thiên Chúa tạo dựng, yêu thương, cho sống trong cảnh hoan lạc vườn Địa Đàng. Nhưng ông bà nguyên tổ loài người đã phản bội Thiên Chúa, nghe theo lời Con Rắn Già là Ma Quỉ, ăn trái cấm, trở nên sa đọa, mất phúc trường sinh. Khi cơn cám dỗ ập đến, A-đam Evà đã cố chối bỏ thân phận nhân tính đã được tặng ban, để khát mơ trở nên “như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5), được ngang bằng với Thiên Chúa.

Lời hứa ban Đấng Cứu Độ – Tin Mừng đầu tiên – đã lóe sáng ngay sau khi nguyên tổ bất trung với Thiên Chúa: Ngài đã đặt mối thù giữa người đàn bà và Con Rắn là ma quỉ, và cho biết dòng dõi con người sẽ đạp dập đầu Con Rắn (x. St 3,15). Người đàn bà sẽ chiến thắng – tức Đóa hoa sen trong bài thơ, chính là Đức Trinh Nữ Maria.

Giữa bóng đen của tội nguyên tổ, đóa hoa trinh khiết Maria vươn lên có sức lay động, mời gọi, vừa tha thiết, vừa cấp bách. Điệp từ “trong trắng” được lặp lại hai lần thể hiện sự thôi thúc, một sự thôi thúc chân thành:

Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi

Đức Maria mời gọi ta điều gì? Là một thiếu nữ bình thường, nết na, đức hạnh như bao thiếu nữ khác trong làng quê Nadarét, Maria đã quyết định giữ mình trinh khiết trọn đời. Khi Sứ thần truyền tin, cô đã thưa: “…tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Maria trở nên mẫu gương đời sống khiết tịnh.

Nhưng thật lạ lùng, Maria đã được Thiên Chúa sủng ái, trao cho một nhiệm vụ đặc biệt, được chọn làm Mẹ của Đấng Cứu Độ chính là vì, theo lời ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã muốn Con mình sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh (x. Is 7,14). Chúa Quan Phòng đã can thiệp cách kỳ diệu để liên kết hai linh hồn thánh thiện Maria và Giuse trong quan hệ hôn nhân, mặc dầu hai người đã quyết tâm giữ đức trinh khiết trọn đời. Và Mẹ đã sinh Chúa Giêsu là do quyền phép Đức Chúa Thánh Thần. Dù sống trong bậc nào, độc thân đồng trinh hay lập gia đình, Đức Maria cũng là khuôn mẫu sống khiết tịnh, Mẹ đón nhận ơn gọi của mình không mù quáng, cũng không theo cách khiên cưỡng, nhưng với ý thức sáng suốt về nhiệm vụ của mình và tự do quyết định đi theo ý muốn của Thiên Chúa (x.Lc 2,26-38).
Ngày nay, đứng trước những vấn nạn đang đặt ra quanh mình: vấn đề “sống thử”, “góp gạo thổi cơm chung”…, những hành vi như thủ dâm, khiêu dâm, mại dâm, các hành vi đồng tình luyến ái v.v., đòi hỏi các bạn trẻ phải sáng suốt không mù quáng. Họ tự do quyết định đi theo hoặc không đi theo những hành vi đó, những tội phạm đến đức khiết tịnh, vì đã đi ngược lại tự nhiên, mang lại những hậu quả đáng tiếc cho đời sống hiện tại của các bạn trẻ và ảnh hưởng đến tương lai lâu dài không lường hết về vật chất lẫn tinh thần, như dẫn đến hậu quả nạo phá thai, ngộ nhận về tình yêu, hôn nhân bất đắc dĩ v.v. Chúng ta hãy nghe Giáo Hội dạy về vấn đề này: “Khiết tịnh là sự điều hợp thành công tính dục trong con người. Tính dục thực sự nhân bản khi được hòa hợp cách đúng đắn trong liên hệ giữa người với người. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, một ơn lộc của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Chúa Thánh Thần” (Bản Toát yếu sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 488).

Tiếp tục với mạch thơ, cách đối từ đối ý khá chuẩn trong hai câu 3 và 4, cùng với các điệp từ “trong trắng”, “lặng thầm” tạo cho người đọc một chút lắng đọng, suy tư. Không biết trong chuyến hành hương đoan hứa khiết tịnh, các bạn trẻ có di chuyển bằng thuyền (sõng) trên đầm lầy hay không, nhưng hình ảnh những chiếc thuyền nhỏ đang “lặng thầm” rẽ lướt trên đầm lầy, và những người trên thuyền say sưa trầm trồ những đài sen đang khoe thanh sắc, thật sự là một hình ảnh thi vị:

Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen

Khi biết “lặng thầm” chiêm ngắm thì “sóng lòng” mới gợn lên những thao thức trăn trở, thay đổi bản thân. Chiêm ngắm ngợi khen Mẹ Maria để thôi thúc trong lòng mình lời gọi mời hãy sống tình yêu đích thực, trong sáng, thánh thiện, biết hy sinh và tôn trọng lẫn nhau, tránh những tệ trạng hiện tại như yêu sớm, yêu thử, tình yêu văn phòng và lối sống chung không lập gia đình, sống chung cùng phái tính… Khi tâm hồn lắng đọng, khi thường xuyên cầu nguyện, xét mình, rèn luyện để làm chủ bản thân, các bạn trẻ mới nhận chân giá trị của khiết tịnh: Khiết tịnh thật cao quý, “không phải là một thứ mốt hủ lậu, khiết tịnh không có hại cho sức khỏe, không làm mất người yêu; giữ gìn khiết tịnh sẽ giúp tôn trọng người yêu cách toàn diện, giúp kiên quyết nói không với mọi cám dỗ tình dục ngược ý Chúa” (x.Tuyên ngôn giữ gìn khiết tịnh trước hôn nhân của một nhóm bạn trẻ gởi đến Đại Hội Dân Chúa 2010).

Gọi mời ai giữ gìn cao quý
Muốn giữ cho được lối sống cao quý, lành mạnh quả thực với sức riêng mình không thể nào giữ nổi, mà cần phải có ơn của Chúa. Một cách thức tốt và hiệu nghiệm là qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu. Ngợi khen Mẹ và cầu xin Mẹ thương cầu bầu cho chúng ta là những kẻ mọn hèn biết noi gương trong sạch của Mẹ, biết tin tưởng phó thác hoàn toàn vào ân sủng của Thiên Chúa:

Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn

Chúng ta như đang đọc lại lời kinh “Magnificat” của Mẹ:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,…

…Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 46-48).

Chính Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ hồng phúc vô nhiễm nguyên tội. Chính Thiên Chúa mới là Đấng ban ơn cho chúng ta chống chọi lại cơn cám dỗ, hầu giữ mình được trong sạch. Hãy tạ ơn ngợi khen Chúa như Mẹ! Ý thơ chuyển hướng chúng ta nhìn lên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là cùng đích cuộc đời. Chính Người mới là Đấng ban ơn cho chúng ta sống cuộc đời có ý nghĩa và có ích.

Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt

Tạ ơn Trời với một niềm tin tưởng tuyệt đối, không bi quan, thối chí, dù trước mắt có thể đang lắm cảnh “bùn đen” và con đường phía trước còn đang “lầy lội”. Tác giả hoàn toàn tin tưởng vào các bạn trẻ, tuổi trẻ đầy nghị lực và hướng thiện. Nếu các bạn biết đặt trọn niềm tin vào Chúa, biết nhìn lên Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, biết sống chuyên cần cầu nguyện, năng lãnh nhận các Bí tích, thường xuyên xét mình, thực hành khổ chế tùy theo hoàn cảnh, biết sống tiết độ nhằm để lý trí hướng dẫn các đam mê, thì chẳng bao lâu các bạn cũng sẽ trở nên như những bông hoa đẹp đẽ, rực rỡ…Câu thơ kết đã thổi một luồng sinh khí lạc quan, giúp các bạn trẻ phấn khởi, tự tin hơn trên bước đường chinh phục lời đoan hứa sống khiết tịnh, với hy vọng “trăm hoa đua nở” cùng với “Đóa Hoa Sen Maria”, thành một vườn hoa trinh khiết dâng lên trước tòa Chúa:

Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen.

Dĩ nhiên, vượt lên chính bản thân, “đua chen” với cuộc đời để vươn lên sống tốt, sống đẹp, sống có lý tưởng cao cả, quả là một cuộc chiến đấu cam go. Như loài hoa sen vươn lên giữa chốn bùn lầy, đơm hoa trinh khiết giữa cõi đời ô nhiễm.

Một điều nữa, hoa sen là một bông hoa biểu tượng của Phật Giáo, nên khi dùng hoa sen để nói về lối sống khiết tịnh, bài thơ còn mang sứ điệp rộng mở hơn nhiều, không chỉ mời gọi các bạn trẻ Công giáo đoan hứa sống khiết tịnh, mà còn là lời mời gọi tất cả các bạn khác không cùng tôn giáo hãy cùng nắm tay nhau trong cuộc chiến đấu chống lại cuộc khủng hoảng tiền hôn nhân, mà căn nguyên được xác định là do “các thứ chủ nghĩa duy vật vô thần, chủ nghĩa duy tương đối, chủ nghĩa duy khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân” (x.Tuyên ngôn giữ gìn khiết tịnh trước hôn nhân). Đây là cơ hội để các bạn trẻ công giáo nói cho các bạn trẻ khác về đức khiết tịnh Kitô giáo, mà Đức Maria là khuôn mẫu trỗi vượt. Lời nói và thực hành gương sáng của các bạn sẽ góp phần truyền giáo nơi môi trường mình đang sinh sống và học tập.

Với thể thất ngôn bát cú khá chuẩn mực về niêm luật, dồi dào ý tưởng, giàu chất thơ, nhiều đột phá trong cách thể hiện, bài “Sen giữa lầy” đã ẩn chứa được khá nhiều điểm Giáo lý Kinh Thánh về Đức khiết tịnh, cũng như khá nhiều điểm về thực trạng xã hội của các bạn trẻ. Hơn thế nữa, khi làm dậy lên cả một phong trào xướng họa, bài “Sen giữa lầy” đã thực sự góp phần kêu gọi mọi thành phần dân Chúa nỗ lực hơn nữa để đưa thơ ca Công giáo vươn lên xứng tầm trong nền thi ca của dân tộc.

Kon Tum, ngày 12.03.2010
 Lý Tân <lmsonkt@yahoo.com
(Trích "SEN GIỮA LẦY", tuyển tập Thơ Văn, Trăng Thập Tự chủ biên. NXB Phương Đông, trang 155).
--------------------------------------------------------
Bài hoạ:
MẸ MĂNG ĐEN(1)


Chiều nay về với Mẹ Măng-đen

Giữa chốn rừng sâu, dâng đóa sen

Đôi bàn tay cụt, khuôn mặt “xấu”(2)

Nghìn phước tuôn dài, đáng ca khen.

Mẹ chịu thiệt thòi, toàn trinh khiết

Con nhận đầy dư, đủ đớn hèn.

Thân phận mỏng dòn, bao cám dỗ

Quyết giữ tinh tuyền giữa đua chen.


Lý Tân


(Sđd, trang 254)
-----------------------

(1) Tượng đài Đức Mẹ Măng đen thuộc x. Măng-đen,

huyện Kon Plông, Tỉnh Kon Tum.

(2) Tượng Đức Mẹ v. chiến tranh bị lãng quên, vùi lấp:

đôi tay bị gãy (cụt), khuôn mặt biến dạng…

* Để giới thiệu thêm về Đức Mẹ Măng-đen, xin gởi đính

kèm bài viết (từ Vietcatholic) về Thánh lễ kính Đức Mẹ

Măng-đen do ĐGM Kon Tum dâng tại tượng đài ngày

12.12.2009. Chân thành cám ơn.

-----------------------------

+VỀ CUỘC XƯỚNG HOẠ "SEN GIỮA LẦY", mời xem tại link sau:
http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=575&ict=8099


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét