Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Tìm hiểu về lễ hội Đing ca mo (lễ hội ăn lúa mới) của dân tộc Xơ Đăng nhóm Tơ Đrá ở Kon Tum


Tiếng Xơ Đăng Tơ Đrá : Đing (lễ hội); Ca (ăn); Mo (lúa). Nếu gọi đầy đủ về lễ hội này phải thêm từ niao (mới) nữa. Đing ca mo niao (lễ hội ăn lúa mới). Nhưng trong quá trình tiếp cận để khảo sát, hầu hết người ta chỉ gọi là Đing ca mo, thậm chí có người chỉ dùng Camo (ăn lúa).
Bên ché rượu cần ngày lễ hội - Ảnh: N.Đang.
 
Vì vậy, để tôn trọng thói quen của người dân và cũng nêu ra cho đủ sẽ là như thế. Theo chúng tôi thì Ca mo,Đing ca mo hoặc Đing ca mo niao cũng chỉ là một, hàm chứa nội dung như nhau, đều mang ý nghĩa là ăn lúa mới . Vấn đề ở chỗ: Đã là Đing (lễ hội) thì buộc phải có hai phần (Lễ và Hội). Trong đó, bản sắc văn hoá nằm ở tín ngưỡng dân gian, ở môi trường hành lễ và hệ thống lễ thức. Xin được giới thiệu Đing ca mo với 3 phần: Hệ thống lễ hội thuần nông; Tiến trình và lễ thức; Nghệ thuật trình diễn Phôn-clo.
 
I. Hệ thống lễ hội thuần nông :
 
1Lễ hội dân gian:
 
Cũng như các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, lễ hội dân gian của người Xơ Đăng Tơ Đrá có các loại:
 
+ Định kỳ và không định kỳ.
 
+ Qui mô ở gia đình, nhóm gia đình ( có thể là dòng họ) và cộng đồng (Plei).
 
+ Diễn ra tại nhà riêng hoặc nhà Rông.
 
+ Liên quan tới chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy.
 
+ Liên quan tới vận mệnh của cộng đồng làng ( Plei).
 
Bất cứ lễ hội nào cũng đều có ý nguyện của chủ lễ, hệ thống lễ thức, vật hiến sinh, hình thức tạ ơn và sinh hoạt hội hè thông qua các loại hình nghệ thuật trình diễn. Nếu nhìn dưới góc độ văn hoá thì lễ hội dân gian tổng hoà cả hình thái văn hoá vật chất, văn hoá nghệ thuật và văn hoá tâm linh. Ngoài ra, trong văn hoá ứng xử được đan xen, len lỏi ở toàn bộ tiến trình lễ hội.
 
Trừ các loại lễ hội không định kỳ (bất thường) khi người ta không thể chủ động, chẳng hạn: sinh đẻ, chết, cháy nhà, thiên tai... còn hầu hết đều tập trung vào mùa khô. Lâu nay, mùa khô được gọi là mùa lễ hội, kéo dài từ tháng 10 Dương lịch của năm này sang tới tháng 3 Dương lịch của năm sau.
 
Lúa rẫy - Ảnh: N.Đang.
Theo phương thức canh tác cổ truyền với cây lúa là phát- đốt- chọc- trỉa thì mùa khô đồng thời với công việc thu hoạch lúa xong, sản phẩm và đời sống lúc này là đầy đủ nhất. Khép lại một năm ( thực ra chỉ là một vụ) lao động vất vả, vui chơi, giải trí. Hầu hết ngôn ngữ dân tộc gọi nghỉ ngơi là ning nơng cho nên cũng có người gọi mùa lễ hội là mùa ning nơng. Trong lễ hội, con người được ăn uống thoả thích nên cũng có người gọi là mùa ăn năm, uống tháng. Ngoài ra ở các dịp lễ hội, trai gái còn tìm hiểu nhau, tỏ tình hứa hẹn về chung sống cho nên cũng có người gọi đó là mùa của tình yêu.
 
Về làm ăn, mùa lễ hội là lúc con người rảnh rang hoàn toàn với công việc trồng lúa, chỉ còn lại hoa màu như mì, bắp, rau. Đây cũng là thời gian để con người thể hiện bản năng trở lại với thói quen săn bắt, hái lượm, chiếm đoạt thiên nhiên. Thông qua các hoạt động đó, người ta lại đẩy sức sáng tạo về trình diễn dân gian lên một đỉnh cao mới. Cho nên cũng có thể xem mùa lễ hội cũng như mùa bội thu của nghệ thuật cồng chiêng, nghệ thuật trình diễn, mùa của tài năng, sáng tạo.
Vậy là mùa khô ở Tây Nguyên, thực chất là mùa lễ hội, ning nơng, tình yêu, nghệ thuật trình diễn. Nó là môi trường bất tận nuôi dưỡng và giữ gìn những bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc.
 
2. Lễ hội thuần nông (nông nghiệp lúa rẫy):
 
Bỏ qua những thủ tục để kiếm chọn rẫy thường gắn với những hoạt động mang ý nghĩa may rủi. Rẫy được chọn để trỉa lúa phải đạt hai yếu tố bắt buộc đó là đón được ánh nắng mặt trời và độ ẩm của đất. Riêng về độ ẩm, con người phụ thuộc phần lớn vào thời tiết, nắng mưa. Nguồn nước tự nhiên có trong sông, suối không ảnh hưởng mấy đến độ ẩm nương rẫy.
 
Các lễ hội tương ứng với thời kỳ sinh trưởng của cây lúa ở dân tộc Xơ Đăng Tơ Đrá có:
 
- Cọ muôi                  : Phát rẫy
 
Chươi                      : Trỉa lúa (gieo hạt)
 
- Pọ lỉ nha                 : Làm cỏ (đợt 1, đợt 2)
 
Ca doong (toòng) : Ăn lúa giống
 
Pọ truông jek         : Làm (dọn) đường ra rẫy
 
- Ca mo                     : Ăn lúa mới
 
- Tơngan - Tơne     : Tổng kết thu hoạch
 
Trong các lễ (Đing) này thì Đing chươi (trỉa lúa), Ca doong (ăn lúa giống) và Tơngan - Tơne (tổng kết thu hoạch) là lễ hội mang tính cộng đồng, qui mô cả làng (plei). Riêng Tơngan - Tơne được coi như Tết cổ truyền của người Xơ Đăng Tơ Đrá, diễn ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 Dương lịch.
 
Thực chất Đing ca mo chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, qui mô là gia đình. Nhưng hiện nay do phương thức canh tác, lúa đã chín đều vì quá trình sinh trưởng, chăm sóc giống nhau nên nhà nào cũng có ăn lúa mới cùng thời điểm tương đối thống nhất. Nói là tương đối vì nó vẫn diễn ra trong vài ba ngày, nên có nhà ăn sớm hoặc muộn hơn một vài ngày. Trong một ngày, có thể nhiều gia đình, thậm chí nửa làng cùng tổ chức Đing ca mo. Vì vậy, lễ hội này lớn hơn qui mô gia đình nhưng nhỏ hơn các lễ hội cộng đồng. Riêng về phần hội có thể lan tỏa và đẩy lên qui mô cộng đồng, nhất là trong những ngày lễ hội lại có khách.
 
Đing ca mo kéo dài, rải rác trong khoảng 2 tuần, từ 01 đến 15 tháng 11 Dương lịch.
 
II. Tiến trình và lễ thức :
 
1. Ý nghĩa, thời gian và thủ tục:
 
a. Ý nghĩa:
 
Giã lúa mới - Ảnh: N.Đang.
Ăn lúa mới
 là sinh hoạt có hầu hết cư dân sản xuát nông nghiệp trồng lúa. Ngay ở đồng bằng gieo trồng lúa nước của người Việt, người ta cũng ăn lúa mới, ăn cốm. Lúa mới là sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, dự báo một kết quả sau một giai đoạn lao động cụ thể. Dự báo đó còn ảnh hưởng đến tương lai cuộc sống của chính họ, sẽ chỉ ra rằng với sản lượng như thế, cuộc sống có no đủ hay không hoặc ngược lại. Và cũng chính từ sản lượng ấy phải tính việc luân canh, tìm đất, tìm rẫy mới (nếu sản lượng thấp). Hơn nữa với tín ngưỡng đa thần, sản lượng cao hay thấp buộc con người phải nghĩ tới sự hỗ trợ từ các thế lực siêu nhiên. Tín ngưỡng này gần như thường trực trong tư duy của con người. Nếu tốt và may mắn để lúa tốt thì đó là do đã được Giàng (trời) phù hộ, phải tạ ơn. Nếu chẳng may lúa xấu, khi trổ bông bị gió lớn, nắng hạn kéo dài... dẫn đến sản lượng thấp thì đó là do Giàng (trời ) chưa thương, chưa thuận, chưa phù hộ... phải cầu xin. Tạ ơn hay cầu xin cũng giống nhau ở tâm trạng và hành vi trước lực lượng “ bề trên vô hình”. Lúa tốt hay xấu thì những sản phẩm ban đầu ( lúa mới) cũng là sự trả ơn của đất đối với con người. Vì thế, ăn lúa mới có nghĩa rất thiêng liêng, việc ăn ở đây chỉ mang tính tượng trưng nhưng rất sâu sắc.
 
Ngoài ý nghĩa đó ra, trong cộng đồng còn nuôi giữ những tình cảm ứng xử với nhau rất gắn bó. Nó không còn là việc riêng của mỗi gia đình nữa mà là việc của cả làng.
 
b. Thời gian và thủ tục:
 
Như đã khái quát, thời gian Đing ca mo diễn ra trong khoảng hai tuần từ 01 đến 15 tháng 11 Dương lịch. Cụ thể là trước đó, khi mà người ta đã tổ chức Ca doong ( ăn lúa giống) có nghĩa là đã yên tâm về sự sinh trưởng của cây lúa trên rẫy. Sau Ca doong là phong tục Pọ truông jrk ( dọn đường ra rẫy ) thì có nghĩa là họ đang chờ đợi lúa chín.
 
Vì thế, thời điểm của Đing ca mo phụ thuộc hoàn toàn vào lúa chín, khi mảnh xanh trên rẫy ngả sang màu vàng. Lúa có thể chín không đều nên bắt đầu có màu vàng (lúa chín) thì màu vàng đó cứ loang rộng ra. Nhìn vào rẫy, biết lúa nhà nào chính trước, thu hoạch sẽ ra sao. Đó là công việc của già làng.
 
Cách thu hoạch truyền thống của người Xơ Đăng Tơ Đrá là suốt bằng tay, vò vào gùi. Suốt lúa gọi là xoá mo.
 
Già làng đánh vào một trong những chiếc trống ở dàn trống thiêng ( Toa sgơr) làm hiệu lệnh tập trung các chủ hộ về nhà Rông để bàn bạc. Nội dung là kế hoạch tiến hành Đing ca mo để rồi thu hoạch đại trà; làm sao giữ được thành quả lao động một cách tốt nhất; phải chăm sóc rẫy, tăng cường bẫy chuột ( kết hợp làm thực phẩm, thịt chuột rất ngon), đuổi chim; thu hoạch tránh để lúa rụng nhiều, ; làm lại chòi, kho trên rẫy để đựng lúa. Già làng sẽ đề xuất việc giúp đỡ tương trợ lẫn nhau về lực lượng tham gia suốt lúa . Mục đích cao nhất của việc họp bàn là thu hoạch nhanh, gọn, năng suất. Nội dung nữa là điểm lại sự chuẩn bị theo phong tục để tiến hành Đing ca mo. Theo phong tục, Đing ca mo chia thành 3 giai đoạn, tương ứng với 3 ngày.
 
2. Ngày thứ nhất: (trước lễ)
 
Gồm những công việc mang ý nghĩa chuẩn bị. Có chuẩn bị xa và chuẩn bị gần. Chuẩn bị xa là làm rượu cần, chăm sóc và lựa chọn gia súc, gia cầm ( heo, gà,dê) để phục vụ khi có lễ và chặt gỗ, tre nứa, lồ ô, dây rừng, rau rừng.
 
Công việc tập trung nhất của ngày đầu tiên là sửa nhà . Khu vực được chú ý sửa chữa là vách nhà ở, hiên và cầu thang. Nguyên vật liệu đã dự trữ từ trước, họ dậy sớm và dỡ tung các vách ( dạng phên ) cũ để thay vách mới. Hiên nhà của người Xơ Đăng TơĐrá có từ 2 đến 3 chiếc, được dựng liền với cửa ra vào. Thông thường có 2 đến 3 cửa: hướng Đông dành cho khách, hướng Tây cho chủ nhà (thường bước ngay lên kho, bếp...) và có thể có thêm cửa ở giữa trổ ra phía vườn. Cửa hướng Đông và cửa giữa thường có để cối giã gạo và các dụng cụ liên quan đến thóc gạo như chày, nong nia...
 
Khi sửa, họ thay mới những cây gỗ lát mặt diện tích hiên và đặc biệt là làm lại cầu thang . Khoảng 9 giờ sáng, nếu đi lướt qua các gia đình trong làng, nhìn vào vách và cầu thang là nhận ra ngay nhà nào có Đing ca mo.
 
Kết thúc việc sửa sang nhà cửa, những nhà có điều kiện sẽ dựng cây nêu (luông gâng). Tất nhiên muốn dựng cây nêu vào ngày này thì trước đó họ đã chuẩn bị kỹ, bởi trang trí cây nêu rất cầu kỳ. Phải lựa  được cây lồ ô cao, thẳng (cao 15m đến 20m hoặc hơn nữa), cây nêu bao giờ cũng phân thành ba tầng: gốc, thân vàngọn. Phân biệt các tầng này chủ yếu dựa vào hoa văn trang trí và phụ tiết. Cây nêu được trồng ở vị trí đẹp nhất sân nhà ở, nét vuốt cong trên ngọn nêu hướng về mặt trời mọc. Có được cây nêu, lễ hội long trọng lên rất nhiều , bởi vì ngay việc dựng nêu cũng cần phải có người giúp đỡ, có ăn uống vui vẻ. Trong Đing ca mo, dựng cây nêu không bắt buộc, mặc dù đó là thực tâm của ý nguyện nhưng nếu không có cũng không sao.
 
Một việc cũng rất quan trọng là dọn dẹp ở nhà Rông (nam jiuông). Đây là việc của tập thể, trước kia do già làng cắt cử, ngày nay thường giao cho lớp trẻ
(tổ chức thanh niên hoặc tự vệ làng) thực hiện. Bởi vì ngày thường, đêm đến thanh niên ngủ ở nhà Rông. Nhà Rông cũng là nơi đón tiếp, làm việc của đại diện làng với khách tới thăm, nhiều khi khách cũng nghỉ lại tại nhà Rông. Trong Đing ca mo cũng chuẩn bị cả lương thực, thực phẩm sẵn sàng đón khách .
 
Việc lớn tiến hành xong: Sửa nhà, dựng nêu, dọn dẹp nhà Rông. Tiếp theo là những việc xem xét vật dụng phục vụ suốt lúa như gùi ( chiâng), teo (ýa), chiếu (si cuô), cót (k’tré).
 
Để rước thần lúa (Giàng xơri) từ rẫy về làng, về nhà mình người ta chuẩn bị dây chỉ (pré) hoặc dây rừng (xe truông) giăng qua nguồn nước mang ý nghĩa bắc cầu.
 
Nấu cơm mới - Ảnh: N.Đang.
Có một loại nồi đất (goh dé né - go te né) chỉ dành riêng để nấu cơm gạo mới, ngày nay cũng phải chuẩn bị cối, chày, nong nia... cũng được lau chùi sẵn sàng, sạch sẽ. Toàn bộ những công việc này kết thúc trong buổi sáng, sau đấy là các lễ thức ăn uống. Rượu cần thường có 3 ghè ở mỗi gia đình. Một ghè cho chủ nhà, một ghè cúng rẫy và ghè kia cho khách. Thực phẩm phổ biến là gà. Họ đập chết gà, lấy máu (tiết) ở đầu gà vừa khấn vừa bôi (quẹt) lên cột nhà, vật dụng trán người... rồi thui con gà đó, chế biến làm đồ nhắm uống rượu ghè.
 
Bắt đầu ăn uống ở nhà mình, rồi khách đến (từ các gia đình khác), bản thân chủ nhà cũng đến thăm gia đình khác, không khí vui chơi ăn uống kéo dài...Người ta có nhu cầu vui chơi nên họ chế tác các loại nhạc cụ như: Brầng, Talía, chuẩn bị cồng chiêng. Trình diễn nghệ thuật dân gian thường xuất hiện vào cuối buổi chiều cho đến đêm. Trước đây, có điều kiện họ thường làm đàn nước ở khúc suối gần rẫy nhất. Đàn nước có tên gọi khing khung được cấu tạo âm thanh như đàn t’rưng nhưng thường chế tác từ cây gỗ tròn (thay những ống nứa), vận động bằng sức nước và hệ thống dây giằng, tạo sự va đập mà phát ra âm thanh. Chúng ta biết đến đàn nước qua cách gọi quen thuộc là suối đàn.
 
3. Ngày thứ hai (chính lễ) :
 
Tờ mờ sáng là lễ hiến sinh. Vật hiến sinh phổ biến là heo (lợn) loại không to lắm, chừng 20kg đến 30kg, không phân biệt màu da, màu lông, đực cái. 
 
Cơm ống - Ảnh: N.Đang.
Người con gái là lao động chính của gia đình sẽ là người thực hiện lễ thức này. Gia đình nào không có con gái thì chuyển cho bà vợ. Chính họ cũng là người trỉa (gieo) những hạt giống đầu tiên ở rẫy và họ trực tiếp suốt những bông lúa chín đầu tiên để rồi nấu cơm mới.
 
Ở lễ thức này con heo được cột (trói) bốn chân, đặt trước cửa chính (phía Đông) trên sàn nhà, người cha giữ. Nếu người cha chết, thay vào đó là người anh hoặc em trai. Người mẹ ngồi bên cạnh. Dưới đầu heo là những lá chuối được nướng qua lửa, rất dai. Người giữ heo khấn, nội dung: “Lúa đã chín mong mẹ lúa (Giàng xơri, ya pôm) hãy về với nhà chúng tôi, rủ nhau về càng nhiều, càng tốt, không nên ở trên rẫy nữa, nếu ở trên rẫy thì phải vào kho...”
 
Người con gái hoặc bà mẹ lấy gùi (chiâng) để bên cạnh. Trong gùi đựng sẵn những cuộn chỉ trắng hoặc dây rừng đã được lấy ra bên cạnh. Tay phải hoặc tay thuận cầm một khúc gỗ tròn dài, chừng 50cm giống như cái chày, cái dùi đục sẵn sàng. Khi lời khấn vừa dứt, dùng nó đập thật mạnh vào gáy con heo. Có thể chỉ sau một nhát đập là heo đã chết, nhưng do đập yếu và con heo quá khoẻ nó chưa chết ngay. Dụng cụ đập được chuyển qua tay đàn ông (cha hoặc anh, em trai) đập tiếp cho đến chết. Sẽ có một nhát đập vào mũi, máu phun ra, chảy thành vũng ở phía lá chuối nướng lót ở dưới. Người con gái thận trọng lấy chỉ trắng hoặc dây thừng nhuộm máu heo, trở qua lật lại nhiều lần cho máu thấm đều, đỏ tươi. Cũng thận trọng như thế, gói chỉ lại bằng chính lá chuối đó và bỏ vào trong gùi. Tùy rẫy xa hay gần mà phải hiến sinh sớm hay trễ. Lấy thời điểm làm lễ trên rẫy khi mặt trời lên độ một con sào (khoảng 8 giờ sáng).
 
Trên rẫy, lễ thức được tiến hành ngay nơi cửa vào rẫy, đối diện với nhà chòi. Ở rẫy thường có chòi để ngủ được 3 đến 5 người, cũng có bếp ở gầm. Cùng với chòi là các kho chứa thóc khi thu hoạch đại trà. Sau mùa thu hoạch, thóc được chuyển dần về nhà kho ở làng để sử dụng. Khi gieo hạt; người XơĐăng TơĐrá thường làm lễ cúng thần rẫy, có dựng một cây nêu nhỏ để trời chứng kiến và ở đó người ta trồng một cây pa- geng (họ nghệ). Vì vậy, khi lúa chín người ta cũng làm lễ xin với thần lúa (Giàng xơri) để được phép suốt lúa (xoá mo). Người ta đào củ pa – geng, cắt thành những miếng nhỏ, thường là số lẻ 3 hoặc 5 miếng, xâu vào đầu những thẻ lồ ô vót nhọn, rồi cắm vào nơi thường để đồ cúng và hai bên cửa rẫy. Sau đó là khấn, xin, nội dung cũng không ngoài ý nguyện là bội thu, may mắn, no đủ. Khi thủ tục này tiến hành xong, người con gái sẽ lấy máu heo (được gói trong lá chuối nướng bỏ trong gùi) ra và bôi lên bông lúa gần đấy. Lựa bông lúa trĩu hạt, mẩy đều, uốn cong để thực hiện. Bôi máu heo xong, cô gái sẽ suốt lúa ở bông lúa ấy bỏ vào gùi và suốt tiếp chừng một vài cân là được. Lúa thiêng nên chỉ suốt tượng trưng như vậy, và họ về nhà.
 
Trên đường về, những người con trai tay cầm rựa đi trước, cô gái gùi lúa thiêng đi sau. Ở tất cả các lối rẽ, người ta chặt cây le non cắm xuống đất đánh dấu đường. Những khúc suối lớn, le được chặt, vót xơ tạo thành những bông trang trí đẹp mắt. Như thế, đường cho thần lúa sẽ liền mạch, thẳng từ rẫy về làng không rẽ ngang, lối tắt cho đến khi tới nhà.
 
Những lễ thức hiến sinh, cúng rẫy, rước lúa thiêng đã xong. Tiếp theo là những lễ thức gia đình. Lúa về còn non và tươi nên cần được rang rồi mới đem giã. Rang bằng nồi đất, loại nồi chỉ dành riêng trong lễ Đing ca mo. Trong khi đoàn người đi rẫy thì ở nhà có người mổ thịt heo ( con heo hiến sinh ) và các gia cầm khác như dê, gà, đổ nước vào các ghè rượu chờ lúa mới về. Khi có gạo mới, nồi cơm mới được nấu tượng trưng vì lượng gạo không nhiều. Nước trong nồi đất sôi , người ta nhúng vào đó một xâu thịt, lát sau vớt thịt ra rồi mới đổ gạo vào. Nấu lẫn với gạo mới là gan heo và gan được bằm nhuyễn, khi chín có cả cơm và gan.
 
Khi cơm chín, lễ cúng được tiến hành bên ghè rượu, mở đầu bằng lời khấn của chủ lễ ( là chủ các gia đình) cầu mong mùa màng bội thu, lúa nhiều, cuộc sống no đủ, mọi người khoẻ mạnh. Khấn xong, chủ nhà ăn cơm trước, lần lượt đến thành viên trong gia đình và khách. Riêng về uống rượu, khách có ghè riêng không uống chung ghè với chủ nhà.
 
Trong khi ăn uống, chủ nhà lấy một ít gan bỏ vào ghè rượu của chủ, lấy cơm mới bỏ lên đầu nhau, chúc may mắn. Người được mời cũng làm như vậy đối với chủ nhà. Ăn cơm mới chỉ mang tính hình thức, ăn phép vì lượng gạo mới không đủ để ăn no. Đến đây, việc suốt lúa mới, nấu cơm mới, ăn cơm mới cơ bản là xong. Lúc này người ta ăn bữa cơm bình thường bằng gạo cũ, ăn no, uống rượu vui chơi thoải mái.
 
Bắt đầu việc thăm viếng nhau, mời nhau về nhà mình ăn uống. Không khí này lan toả khắp làng. Nếu có khách chung, sẽ được mời lên nhà Rông, ở đó cũng có rượu cần, đồ ăn, thức nhắm và người đón tiếp. Những gia đình Đing ca mo cử đại diện lên nhà Rông cùng tiếp khách. Ăn uống, vui chơi kéo dài hết ngày đêm, không thiếu cồng chiêng, đàn hát, vui chơi, nhảy múa. Đing ca mo đến đây cơ bản là xong.
 
4. Ngày thứ ba (sau lễ) :
 
Dư âm của ngày lễ chính khiến mọi người mệt mỏi. Đồ ăn thức uống còn dư thừa, người ta tiếp tục tổ chức ăn uống. Trong khi đó, những gia đình chưa làm Đing ca mo lại mở đầu một lễ mới. Nhà nào làm rồi vẫn có người lên rẫy xoá mo, suốt một lượng nhiều hơn ngày đầu. Công việc này tiếp diễn một vài ngày nữa, chỉ kết thúc bằng một cuộc suốt đại trà tượng trưng, mở ra những ngày thu hoạch cật lực.
 
Trung bình, nhà làm ăn tương đối cũng phải mất một tuần mới thu hoạch xong. Suốt đại trà là mang theo chiếu cót, tập trung người suốt và để lúa ở các kho trên rẫy. Vì vậy, sau khi suốt đại trà tượng trưng, cần phải nghỉ ngơi một vài ngày xem lại việc chuẩn bị, rồi mới tập trung thu hoạch. Đing ca mo, suốt đại trà xong là chuẩn bị ngay cho một lễ trọng khác, lễ hội cuối cùng của mùa vụ, mang ý nghĩa như lễ Tết, đó là Tơngăn- Tơné.
 
Múa hát trước nhà Rông - Ảnh: N.Đang.
 
III. Phần hội của Đing ca mo :
 
1. Nghệ thuật trang trí, trang phục, trang sức dân gian :
 
Trang trí chủ yếu ở nhà Rông, sửa sang nhà ở, làm lại nhà kho, chòi rẫy. Có điều kiện thì làm Khing khung ( đàn nước). Đặc biệt là dựng loong gâng ( cây nêu). Nghệ thuật trang trí cây nêu khá công phu và là một trong những nét bản sắc văn hoá dân tộc rất đậm đà.
 
Trang phục truyền thống trong lễ hội của đàn ông, gồm: khố (kpen), tấm dồ (dgôh) màu nền trắng đục , có pha trộn các đường trắng nổi hơn và màu đỏ, khăn bịt đầu cũng màu đỏ; của đàn bà, phụ nữ là váy (atăk) và áo (eao), vòng cổ (pnieang) có nhiều loại, kim loại nhẹ có, chuỗi hạt có, màu sắc khá sặc sỡ nhưng không rối mắt. Một người có thể mang nhiều vòng, từ nhỏ nhất ôm lấy cổ và lớn dần, trễ ngực. Ngoài ra còn có các loại vòng tay, vòng đơn, vòng xoắn liền.
 
2. Nghệ thuật trình diễn dân gian:
 
*Cồng chiêng: Người Xơ Đăng TơĐrá sử dụng 3 loại: goong, guông và bùar. Chiêng bùar là chiêng thiêng, chỉ sử dụng trong các lễ hội đặc biệt cùng với dàn trống lớn (Toa sgơr). Goong và guông được sử dụng thoải mái trong Đing ca mo, đặc biệt là guông (chỉ có 4 chiếc/bộ, không có núm) đi cùng với một trống nhỏ, dễ diễn tấu và gần như nhà nào cũng có. Thanh niên trẻ tuổi yêu thích goong hơn vì cấu tạo của nó cả phần đệm, phần giai điệu, tiết tấu đa dạng, lôi cuốn người ta nhảy múa. Guông là chiêng truyền thống của người Xơ Đăng TơĐrá.
 
Acheo (hát giao duyên): Giãi bày tâm sự, ứng tác, là lối hát rất phổ biến trên nền nhạc chiêng guông. Hình thức đối đáp này rất phù hợp với mọi lứa tuổi. Ngoài Acheo, người Xơ Đăng Tơ Đrá cũng rất hay ngẫu hứng hát các loại dân ca khác rất hay.
 
Các loại nhạc khí dân gian: tham gia trong phần Hội (vui chơi) của Đing ca mo thường có đàn brầng, brọ, sáo talía, đàn t’rưng (chủ yếu đánh trên rẫy, đuổi chim, mừng lúa chín .v.v.)
 
* Nghệ thuật nhảy múa cũng có nhiều nét đặc biệt, ngoài những vòng xoang uyển chuyển theo nhạc chiêng, họ còn có phong cách Táp sgơr đánh vào tang trống rất độc đáo, những người đi sau cũng kiếm mỗi người hai thanh tre đánh nối vào người đó. Nhiều khi có năm, bảy người cùng đánh vào lưng vào vai nhau. Niềm vui lên tới đỉnh điểm, chan hoà tiếng cười sảng khoái.
                                                                                          
Phạm Cao Đạt (St)
(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét