Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

"MẮC KẸT" TẠI DAK TRÔI


2012-02-07
Có những số phận lẻ loi và hẩm hiu đến nỗi ngoài núi rừng ra tưởng như không còn ai biết đến sự tồn tại của họ.
Photo courtesy of dantri
Những người phụ nữ bị bệnh phong ở Gialai.
Từ TP. Pleiku đi khoảng hơn 50 km thì đến trung tâm xã Khon Thụp, huyện Mang Yang. Từ đây, đi khoảng 20 km đường đất đỏ nữa là đến một xã đặc biệt khó khăn nằm phía đông dòng sông Ayun. Đó là cách đến xã Dak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Nhưng việc đến được làng Dak Trôi không dễ như cách người ta nói. 

Không thể nghèo hơn   

Dẫn vào Dak Trôi là con đường độc đạo 17 km ngoằn nghèo lủi thủi ôm lấy Tây nguyên. Mùa nắng, cái nóng vùng cao chói xuống con đường đất đỏ bazan như hắt từng đợt lửa lên đường và tưởng như có thể thiêu rụi đám cỏ dại nằm khô khốc. Mùa mưa, con đường trơn như đổ mỡ, có đoạn đất đá kết hợp với nước mưa tạo thành một chất sền sệt thi nhau quệt vào bánh xe. Càng đi sâu vào xã, con đường đất đỏ lúc hút sâu, khi dốc đứng. Đoạn đường này có thể mất cả ngày đường để chinh phục mà có lúc phải bỏ cuộc giữa chừng.
Sự khó khăn của con đường độc đạo phần nào nói lên sự cô lập của cái xã nghèo nhất huyện Mang Yang. Nhưng nhiều người dân ở xã Dak Trôi bị cô lập cũng vì một ký do nữa. Ông Chung, một người thường xuyên mang đồ cứu trợ cho khu vực này cho biết:
“Cả làng có 10 người cùi. Có bốn người cùi nặng quá nên đã bị dân làng cách ly, đưa ra ngoài rừng vì sợ bị lây nhiễm. Nhận thức y tế và điều kiện về y tế của dân làng còn thấp quá cho nên hễ ai bị nặng là cách ly vào rừng sâu. Khi nào có lương thực thì dân làng đưa ra tiếp tế”. 
Tuy nhiên, chưa một người bị bệnh hủi nào bị cách ly mà hy vọng được tiếp tế. Lý do đơn giản chỉ vì họ hiểu rằng đối với ngôi làng nghèo xác xơ thì ngay cả những ai tay chân lành lặn còn phải chật vật nuôi sống bản thân mình. Ông Chung nói về hoàn cảnh của đồng bào nơi đây:
“Mùa đông thì họ không đủ ấm. Đến mùa giáp hạt thì họ phải mượn tiền ăn trước. Thiếu trước hụt sau. Thức ăn của họ thì muối là chủ yếu. Cá khô thì thi thoảng mới có. Nói ăn cho no thì không có rồi. Tôi có nghe nói lại là đến mùa giáp vụ không có lương thực, họ phải dùng đọt cao su non giã với gạo và quết thành hồ mà ăn. Đọt mì và đọt cây cao su non hầu như là thức ăn chủ lực trong mùa giáp vụ”.
Tôi có nghe nói lại là đến mùa giáp vụ không có lương thực, họ phải dùng đọt cao su non giã với gạo và quết thành hồ mà ăn. 
Ông Chung
Nếu tính cả năm xã vùng sâu nằm ở phía đông dòng sông Ayun của huyện, có đến trên 30 người bị bệnh cùi, những ai bị cách ly khỏi làng là người chẳng may bị lở loét hay bị cùi trên nhiều bộ phận trên cơ thể. Chính vì thế mà tại Dak Trôi, đi sâu về hướng sông Ayun có nhiều ngôi nhà sàn nhỏ đìu hiu, rệu rã, nằm chênh vênh bên sườn đồi giữa muôn ngàn bạch đàn và bời lời. 
Qua năm tháng, những ngôi nhà sàn này cũng siêu vẹo theo từng cơn gió. Trước cửa, những bệnh nhân hủi cũng ngả nghiêng trên nền đất với những ngón tay ngắn và ánh mắt tủi thân ngóng người qua lại. Ông Bơi, người dân tộc Gia Rai, sống tại đây cho biết:
“Nhiều người cùi lắm, ở các xã lân cận cũng có, nằm rải rác khắp nơi. Hàng tháng tôi đem đồ ăn cho họ. Trong đó có gạo, cá khô, dầu kho. Đó là thức ăn do nhà thờ hỗ trợ. Cần nhất là gạo hai là bột ngọt để nấu lá rau ngoài rừng mà ăn. Và ba là quần áo vì bà con khổ lắm. Bà con ăn những loại lá cây rừng mà dân làng đã ăn được từ xưa đến giờ. Họ cũng thường ăn với muối thôi, lâu lâu mới có vài chục ngàn mua bột ngọt. Thấy người ta khổ, tôi cũng rơi nước mắt”.
Đồng bào ở đây nếu không có gạo thì chỉ biết ăn lá khoai mì chấm muối. Nhưng đối với người cùi bị cách ly thì đến thứ lá ấy cũng không có để ăn.

Bị dân làng cách ly

images587262_1_a_giac_giam_sat_benh_nhan-250.jpg
Giám sát bệnh nhân phong ở xã Kon Thụp, huyện Mang Yang. Photo courtesy of baogialai.vn
Những người bị bệnh cùi ở đây có nhiều lứa tuổi, già nhất là 60, trẻ nhất là 18 và những người bị cách ly là những người kém may mắn nhất. Có người vì bị dân làng cách ly phải vào rừng sâu mà dứt ruột bỏ con cái; có người mỗi tay chỉ còn một ngón không nguyên vẹn nhưng phải đi mò ốc ăn tạm qua ngày… và có người bị chồng con ruồng bỏ, chết cô đơn trên ngôi nhà sàn hoang vắng. Nhưng có lẽ người kém may mắn nhất là chị Hoa, người dân tộc Gia Rai. Ông Bơi nói tiếp:
"Ngày hôm trước tôi có vô rừng và gặp một người cùi bị khoá chân vào gốc cây. Tôi thấy tội quá nên tôi cho 20 kg gạo, một chai xì dầu, một kg cá khô và quần áo. Tôi thấy họ khổ quá, không có gì ăn cũng không có quần aó mặc, coi như là trần truồng. Cô ấy ở một mình. Cha mẹ cô gái ấy cũng ở cùng nhà nhưng cách ly. Nếu mà tôi không đến đó thì cô gái ấy đâu có gì để ăn. Nước cũng không có để uống. Chân cô gái ấy bị khóa vì dân làng không muốn cô lây người khác”. 
Chị Hoa vốn là người xã Dak Trôi, nhưng đã bị làng đưa đến một nơi xa nhà cũ cả nửa ngày đường đi. Nơi mà chị Hoa bị xích chân là một thung lũng vắng ở tận xã Tà Lâm, huyện Chư Sê. Chị bị dân làng đuổi đi khoảng 4 năm nay. Cũng từ đó, chồng chị bỏ đi và mang theo hai đứa con, để lại một đứa. Thương con bệnh tật và biết con nhớ cháu, cha mẹ chị mang đứa con còn lại vào thung lũng sống với chị đã hai năm nay. Nhưng cũng từ đó, chị Hoa bị người trong làng xích chân vào cái cột trong nhà để chị khỏi lây bệnh hủi cho người khác. 
Cái mà chị Hoa gọi là nhà, thực chất là một cái chòi tạm bợ. Ơ ̉giữa có một cái cột để xích chị, trên nóc có mái che nhưng không có vách. Trong nhà không có gì ngoài ngoài ba cục gạch và vài cây củi khô. Bên cạnh là vài bình nước suối dơ bẩn đã qua sử dụng nằm chỏng chơ. Bằng giọng dân tộc, chị tâm sự vào những đêm mưa, khi những cơn gió cắt da táp vào hiên nhà, chị như cây chuối non ướt sũng nằm co ro rũ rượi. Ba mẹ chị thương nhưng có biết làm gì hơn khi ngôi nhà không vách cũng mang những cơn gió cắt da vào tận xương tủy già nua của họ.
Ngày hôm trước tôi có vô rừng và gặp một người cùi bị khoá chân vào gốc cây. Không có gì ăn cũng không có quần áo mặc. Chân cô gái ấy bị khóa vì dân làng không muốn cô lây người khác. 
Ông Bơi, người dân tộc Gia Rai
Cả gia đình từ ông bố đến bà mẹ, đến chị Hoa và thằng con vừa lên 9 không ai mặc nổi một bộ đồ. Người thì trần truồng như người nguyên thủy, kẻ thì che được chút vải cho gọi là có mặc. Ông Bơi cho biết:
“Chồng thấy cô ấy bệnh nên bỏ đi. Thằng bé khoảng tám tuổi mà ở truồng không có quần áo gì cả. Tôi thay đồ mới cho cô ấy. Quần là do ở nhà tôi may, toàn là đồ đàn ông. Vợ tôi hôm qua may hai bộ đồ. Tôi đưa cho mẹ cô ấy một bộ và cô ấy một bộ. Tội lắm. Cha mẹ cô ấy cũng không có quần áo. Ba cô cũng không có quần áo”.
Do già nua mà cha mẹ chị Hoa rất hạn chế lên núi lấy nước. Đối với một ông già trên 60 thì việc leo một quả đồi gánh đôi nước là quá sức. Cho nên, đã hai năm qua, chị Hoa chưa một lần được tắm giặt, mùi xú uế xông lên mồng nặc. Những nhu cầu sinh hoạt cá nhân cũng được chị thực hiện trên nhà sàn, nơi chị bị xích chân. 

Lá lành dùm lá rách

images587263_1_b_giac_Kham_huong_dan_bn_250.jpg
Khám và hướng dẫn bệnh nhân phong cách điều trị. Photo courtesy of baogialai.vn
Có lẽ cả gia đình chị Hoa sống nơi thung lũng hoang lạnh này đến khi chết đi nếu như ông Bơi không phát hiện ra họ trong một lần đi bắt cá. Hôm gặp Hoa lần đầu tiên vào ngày cận Tết, ông Bơi đã cho gia đình chị Hoa tất cả số lương thực ông mang đi phân phát cho người hủi bị cách ly. Thấy chị Hoa bẩn thỉu và lạnh cóng, ông cũng cởi hết quần áo ngoài của mình cho cô gái. Sau đó, ông về nhà nhờ vợ may thêm quần áo và cùng bốn người bạn mang bạt đến dựng lều cho gia đình chị Hoa. 
Vừa trả lời chúng tôi qua điện thoại, ông Bơi cho biết việc làm đầu tiên của mình khi trở lại gặp người phụ nữ kém may mắn này:
“Dân làng có làm một cái cột nhà nhưng không có vách che. Tôi đi xin làng tháo khóa ra và tắm rửa cho cô gái ấy. Hai năm rồi cô ấy không được tắm rửa. Khổ lắm. Cô ấy rất mừng, hỏi chúng tôi ở đâu. Tôi nói là tôi cũng ở gần đấy và là người tin Chúa nên rất thương người đau ốm. Cô đồng ý cho chúng tôi tháo xích ra. Hiện chúng tôi đang che lại cái nhà cho cô ấy”.
Khi ông Bơi nói chuyện với chúng tôi, bên kia đầu dây lí nhí tiếng một phụ nữ nói giọng dân tộc. Ông Bơi cho biết, cô gái lúng túng với những thứ mà ông Bơi mang đến, vì đối với cô một số thứ chỉ được cô trong thấy lần đầu:
“Bây giờ tôi đang cho cô ấy ăn và uống nước ngọt. Cô ấy mừng lắm, hỏi tôi đó là cái gì. Cô cũng không biết cá khô...không biết cái gì cả. Tôi thương lắm, tôi rơi nước mắt luôn”. 
Leo dốc nửa ngày đường, ông Bơi mới đến được cái chòi của gia đình chị Hoa. Sự tách biệt với thế giới bên ngoài của gia đình người dân tộc này khiến chúng tôi phải đặt câu hỏi “Họ tồn tại như thế nào nơi rừng thiêng nước độc?”. Có lẽ ngay cả chính bản thân họ cũng chẳng biết họ tồn tại như thế nào.
Xã Dak Trôi và những xã lân cận mặc dù là vùng sâu nhưng cũng có trạm y tế. Nhưng đối với những bệnh nhân cùi thì trách nhiệm lại thuộc về phòng gia liễu của huyện. Và chưa có một bệnh nhân hủi nào vượt qua được hàng chục km đường đến huyện lị để xin khám chữa bệnh. Cứ như thế họ “mắc kẹt” tại Dak Trôi trong vô vọng.
QUYNHCHI@RFA.ORG
(Nguồn: RFA. ORG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét