Lê Quang
(TT&VH Cuối tuần)
... Lễ Tình nhân sắp đến (14.2.2012), và món quà được nhiều người mua sắm, trao tặng nhất trong dịp này không gì khác là sô-cô-la. Hiếm có loại thảo dược nào sánh được với ca cao, thứ thực phẩm được loài người khai thác từ 1.000 năm trước Công nguyên và chứa nhiều hoạt chất gây tâm trạng tích cực. Có lẽ vì thế mà ca cao (thường ở dạng sô-cô-la) hiện diện khắp nơi, bất kể ở dạng bánh kẹo nhân dịp lễ lạt, trong nghệ thuật, công nghệ làm đẹp hay thậm chí là phương tiện gợi dục...
Ca cao hay sô-cô-la
Ở châu Âu, Bắc Mỹ, và cũng tại nhiều quốc gia châu Á, thiếu hình ông già Noel bằng sô-cô-la bọc giấy trang kim thì trẻ con không thể có lễ Giáng sinh. Người Thụy Sĩ đi đầu với lượng tiêu thụ 11,7kg sô-cô-la trên đầu người mỗi năm, vượt xa số 1 của châu Á là Nhật Bản (2,2kg). Thứ đồ ngọt ấy đã quá phổ biến, không việc gì phải giới thiệu nhiều. Tin mới nhất đến từ lĩnh vực gây nghiện cho các bà các cô: từ vài năm nay sô-cô-la được dùng làm chất phụ trợ khi tẩm quất, tẩy da chết hay thậm chí đổ đầy bể tắm làm tăng cường thông máu. Chẳng hiểu có đúng vậy không? Nhiều kẻ độc miệng phán rằng mốt mới này chỉ làm đẹp cho... tài khoản của các viện thẩm mỹ. Quan trọng là kết quả làm mọi người hài lòng, vì ai ai cũng hồi tưởng một cách vô thức đến một giấc mơ thời nhỏ là được ăn bánh kẹo thỏa thích hay thậm chí lăn lộn trong bể ca cao thơm lừng! Còn giấc mơ người lớn (ca cao giàu chất tryptophan, tương tự như caffein, tạo trạng thái lâng lâng hưng phấn, rất có lợi cho người đi tìm hứng tình) thì ít ai bày tỏ ra mồm. Nhưng có gì mà phải giấu: giữa sô-cô-la và sex nhất định có mối quan hệ chặt chẽ, trang mạng www.chocolate. org.uk có hẳn một bài phân tích khá khoa học về các gợi ý mây mưa dưới đầu đề The Chocolate Kama Sutra.
Giờ thì đã đến lúc giải tỏa một nhầm lẫn khá phổ biến. Ca cao không hẳn đồng nghĩa với sô-côla. Theo những ghi chép khá thiếu sót thì ca cao xuất xứ từ Trung Mỹ hay Nam Mỹ. Hoàng tử Tây Ban Nha Philipp được các nhà truyền giáo tặng một bịch bột nâu sẫm hồi giữa thế kỷ 16. Nhưng rồi cũng mất thêm 150 năm nữa thứ đồ uống ấy mới trở nên thông dụng ở triều đình, khi các tu sĩ dòng Tên đẩy mạnh buôn bán ca cao chở về từ thế giới mới.
Sô-cô-la chinh phục thế giới
Columbus năm 1492 phát hiện ra châu Mỹ, sau đó ông còn tiếp tục ba chuyến vô vọng nữa để tìm một đường biển thuận lợi đi châu Á. Ở chuyến thứ tư, Columbus là người Âu đầu tiên làm quen với hạt ca cao khi bắt cóc một chiếc thuyền độc mộc của người Maya chở đầy hàng. Ông nhận thấy người thổ dân nhặt nhạnh từng hạt bị vãi xuống đất. Do rào cản ngôn ngữ nên không ai nhận ra giá trị của thứ hạt lạ mắt đó. Cho đến khi qua đời, Columbus không tìm ra con đường hàng hải mong muốn và cũng không một lần thử uống ca cao. Tuy nhiên, theo chân các thủy thủ và nhà truyền giáo, ca cao tìm được đường về châu Âu.
Sau ngày cưới Công chúa Tây Ban Nha Maria Teresa, Vua Pháp Louis 14 bắt đầu thói quen uống ca cao cho giới quyền quý. Người Anh, sau khi nhập ca cao từ thuộc địa Jamaica, bán thứ đồ uống ngọt đắng này tại các quán cà phê, gọi là Chocolate Tây Ấn. Chẳng mấy chốc các quán cà phê được đổi tên thành quán sô-cô-la (Chocolate Houses) để lấy vẻ sang trọng! Nước Đức thoạt tiên chỉ bán ca cao ở dạng thuốc bổ trong hiệu thuốc với giá cắt cổ.
Công lớn nhất có lẽ thuộc về một người Hà Lan. Cho đến giữa thế kỷ 19, như đã kể trên, châu Âu đã có nhiều nhà máy gia công ca cao, song họ chỉ có ca cao dạng hạt, rất khó làm gì khác ngoài đồ uống vì tỷ lệ chất béo trong hạt ca cao trên 50%. Năm 1828, Van Houten đăng ký bản quyền phát minh cỗ máy thủy lực có công dụng tách gần hết bơ khỏi ca cao. Ông cũng nghĩ ra kỹ thuật dùng muối kiềm để giảm độ đắng của ca cao. Ở dạng bột, ca cao lúc này mới dễ hòa tan và được ưa chuộng.
Những thanh sô-cô-la thông dụng mà ta quen mắt hôm nay, kỳ thực là một sản phẩm... phụ từ kỹ thuật của Van Houten. Khi trộn trở lại bột ca cao với bơ ca cao, Van Houten nhận được một loại chất lỏng sệt có thể đổ vào khuôn. Và thế là thanh sô-cô-la của hôm nay xuất hiện.
Lắm chuyện xung quanh sô-cô-la
Ngày xưa người ta không quen sô-cô-la ở dạng rắn như hôm nay, mà nó chỉ được chế từ bột ca cao pha nước, đường, hương liệu (va-ni) và bột ớt cayenne để uống. Trong giới đi tu thời đó vẫn hay tranh cãi, nên coi sô-cô-la là đồ ăn hay đồ uống. Vấn đề không nằm trong định nghĩa mang tính hàn lâm, mà ở khía cạnh thực tế là trong thời kỳ ăn kiêng thì vẫn được phép uống! Thực tế là phải mất không ít hơn 8(!) đời giáo hoàng để phân chia thắng bại. Từ khi được gọi là đồ uống, sô-cô-la được nhà thờ ủng hộ và lan tỏa khắp châu Âu, dù với tốc độ khác nhau. Ở những nước không nhập được ớt cayenne, người Âu thay bằng hạt tiêu hoặc quế, vỏ chanh...
Khác với những đồ ngọt khác, sô-cô-la làm giảm lượng cholesterol, đồng thời gây hưng phấn như caffein, chả trách thuộc về thực phẩm cao cấp. Từ khi cuộc sống khấm khá, no cơm ấm cật, người ta nghĩ ra đủ trò chế từ ca cao. Bỉ là nơi sản sinh ra loại sô- cô-la... biết hát. Sau 15 năm mày mò, Roland Landuyt tạo ra một đĩa hát từ sô-cô-la với bài It‘s Now Or Never do Elvis Presley trình bày. Nghe chừng với giá 50 euro sẽ ít fan nào của cựu vương nhạc rock’n’roll dám mở hầu bao, chưa kể sản phẩm này rất khó bảo quản.
Sáng chế tiếp theo thuộc về một nhà khoa học xã hội ở Đức. Frank Oynhausen từ Duisburg tạo hình Chúa Jesus bằng sô-cô-la khiến nhà thờ đâm đơn kiện (“Ai lại gặm vào mình Chúa?“). Vụ lằng nhằng này khiến Frank Oynhausen đỡ bỏ tiền quảng cáo: ngay tuần đầu ông đã nhận được 1.000 đơn đặt hàng. Tên mặt hàng “Sweetlord“ đã được đăng ký bảo hộ, dùng tiếng Anh để chắc chắn sẽ là hàng bán chạy ở Mỹ trong mùa Noel tới.
Thành phố Duesseldorf (Đức) vừa gợi ý tẩy chay - vì không có công cụ pháp lý nào để cấm - một mặt hàng bằng sô-cô-la có hình mô phỏng chi tiết cơ thể “nhạy cảm“ của cả hai giới, mỗi món giá có 4,90 euro. Mà điều này dường như vẫn chưa “liều“ bằng ở các hội chợ sô-cô-la, nơi các chân dài với trang phục hoàn toàn bằng một lớp tráng sô-cô-la chạy đi chạy lại...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét