JACQUES DOURNES
(1922- 1993)
ĐÔI NÉT VỀ CON NGƯỜI VÀ SỨ MỆNH
Vài lời giới thiệu:
Chúng ta nghe nói nhiều về linh mục Jacques Dournes MEP và những tác phẩm của ngài nhưng cuộc sống ngài như thế nào thì không được rõ.
Hai thầy :
+ Gioan Vũ Duy Ngữ – lớp Thần học I (niên khoá 2010 – 2011)
+ Phaolô Nguyễn Hùng Sơn – lớp Thần học I (niên khoá 2010 – 2011)
chủng sinh Giáo phận Kontum, Đại chủng viện Huế sẽ tổng hợp các nguồn tài liệu giúp chúng ta một số thông tin. Xin chân thành cám ơn hai thầy.
LM JACQUES DOURNES MEP
NGUỒN INTERNET.
Dẫn nhập
1. Đôi nét về con người cha Jacques Dournes
1.1. Thời thơ ấu và những năm đầu đời linh mục
1.2. Những năm phục vụ tại Cheoreo
1.3. Những năm rời khỏi giáo điểm Cheoreo và cuộc đời còn lại
2. Công việc thừa sai
2.1. Cuộc sống chứng nhân
2.2. Kitô hoá các tôn giáo tế thần
2.3. Tổ chức trung tâm dự tòng
Kết luận
Dẫn nhập
Truyền giáo là căn tính của người kitô hữu. Bản chất của Giáo hội công giáo là loan báo Tin Mừng. Đây là một lệnh truyền và là một đời buộc với tất cả mọi tín hữu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa , sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án.” (Mc 16, 15-16). ý thức lời mời gọi này của Chúa Giêsu, biết bao người đã không ngần ngại dấn thân và từ bỏ chính mạng sống mình để làm chứng cho Người. Mỗi Kitô hữu có cách rao giảng Lời Chúa riêng (bằng đời sống, bằng lời chứng, bằng con người và có khi bằng chính mạng sống của mình…). Một trong những gương mặt đóng góp sức mọn của mình vào việc rao giảng ơn cứu độ, đó là cha Jacques Dournes. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về cuộc sống và hồn tông đồ của ngài, một vị thừa sai thuộc hội thừa sai Paris vào những thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX tại vùng đất Tây Nguyên. Cha vừa là nhà truyền giáo vừa là nhà nhân chủng học vì thế phương pháp truyền giáo của ngài rất mới đối với thời bấy giờ. Sau đây, chúng tôi sẽ lược qua tiểu sử và cách thực hiện “lệnh truyền” của ngài.
1. Đôi nét về con người cha Jacques Dournes
1.1. Thời thơ ấu và những năm đầu đời linh mục
Cha Jacques Dournes (Giacôbê Đức) sinh ngày 27 tháng 05 năm 1922 ở Saint- Pol- sur- Ternoise (Pas- de- Calais), trong một gia đình Kitô giáo hỗn hợp Tin lành phái Calvin và công giáo. Cùng một Đức Kitô nhưng hai tôn giáo lại nghịch chiều nhau đã gây những băn khoăn sâu xa trong tâm tư và cuộc đời của Jacques Dournes. Cha của Jacques Dournes là một quan toà, còn anh của ngài là một chính trị gia.
Sinh ra ở Saint- Pol- sur- Ternoise, nhưng gia đình Jacques Dournes đã chuyển đến sinh sống tại Versailles khi ngài còn nhỏ. Nơi dây Jacques Dournes trải qua thời kỳ trung học. Cha mẹ Jacques Dournes thuộc tầng lớp tư sản giàu có ở Versailles, nhưng Jacques Dournes đã từ chối lối sống giàu sang để chọn một cuộc sống nghèo khó. Thầy Jacques Dournes theo học triết học và thần học tại Đại Chủng Viện Versailles. Ngày 05 tháng 04 năm 1945, thầy Jacques Dournes được thụ phong linh mục. Ngày 29 tháng 10 cùng năm, cha Jacques Dournes được nhận vào hội Thừa sai Paris. Sau đó ngài được sai đến phục vụ tại Giáo phận Sài Gòn, Việt Nam do Đức giám mục Cassaigne Sanh cai quản. Đức giám mục gửi ngài đến điểm truyền giáo Kala gần Di linh, nơi có nhiều người dân tộc Srê, ngay từ đầu năm 1947 và cha ở đây cho đến năm 1954.
Với một niềm tin sâu sắc và quyết tâm mà người ta thấy ở nơi cha, Jacques Dournes lăn xả vào công việc thừa sai cách rất hăng say. Cha đam mê trong vấn đề ngôn ngữ : học tiếng Srê (Kơho), dịch sách giáo lý và sách lễ sang tiếng Srê, ghi chú nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống của người Srê, thu thập được cả một kho tàng từ vựng Srê quan trọng. Cha còn tham gia vào Uỷ ban Đà lạt, được thiết lập năm 1949, có nhiệm vụ hiệu đính một hệ thống phiên âm những ngôn ngữ của người Thượng. Việc thành lập uỷ ban này là kết quả yêu cầu của cha Jacques Dournes vào lúc sắp xuất bản Từ điển Srê (Kơho) – Pháp (1950) của ngài.
Ngài cũng cho xuất bản, trong Bulletin de la Socété des Écoles indochinoises, một tuyển tập những bản văn truyền khẩu mà cha dịch từ tiếng Srê. Năm 1950, cha Jacques Dournes cho xuất bản cuốn Dambo, viết về những dân tộc của miền Nam Đông Dương.
1.2. Những năm phục vụ tại Cheoreo
Vì lý do quá quan tâm nghiên cứu văn hoá bản địa mà sao nhãng việc truyền giáo, năm 1954, cha Jacques Dournes bị trục xuất khỏi miền truyền giáo và hồi hương về Pháp. Mâu thuẫn giữa cha và một số đồng nghiệp cộng thêm tính tình độc đoán của cha đã gây cho cha một cuộc khủng hoảng sâu xa. Cha quyết định đi hành hương nơi mộ cha Charles de Foucauld. Cha đến tĩnh tâm trong chòi của cha Charles de Foucauld và xin soi sáng trong giai đoạn đặc biệt khủng hoảng của việc tông đồ của ngài. Cuộc tĩnh tâm này đưa cha đến việc thay đổi hoàn toàn chiều hướng hoạt động tông đồ của mình.
Năm 1955, Đức cha Paul Seitz (Kim), giám mục giáo phận Kontum, mời ngài trở lại Việt Nam. Lần này cha được sai đến vùng Cheoreo (Phú Bổn hay Ayunpa hiện nay), miền đất của người Jarai. Cho đến lúc đó, vùng Cheoreo này chưa được khai sáng bởi niềm tin Kitô giáo. Noi gương cha Charles de Foucauld, cha quyết định làm chứng tá chứ không tích cực tìm cách đưa người dân tộc trở lại đạo.
Đức cha Seitz nhận ra kinh nghiệp truyền giáo của cha nơi người Jarai thật là một phương pháp truyền giáo mới, xứng đáng thay thế các cách thức truyền giáo cũ ; nên Đức cha đã mời cha làm cố vấn khi đi tham dự Công đồng Vaticanô II. Tại Rôma, cha Jacques Dournes được chọn làm biên tập viên, soạn thảo văn kiện công đồng trong hai năm. Tất cả các điều đó đã lôi cuốn cha đến sự suy niệm sâu xa về đức tin, về thần học và về hoạr động thừa sai.
Từ hoàn cảnh thực tế ở vùng Tây Nguyên này, cha Jacques Dournes đã cho ra một số sách rất dồi dào thông tin và suy nghĩ. Ngoài những mục tiêu khác, những cuốn sách đó gợi ra biết bao chiều hướng mới trong khoa truyền giáo học, làm cho cha trở nên nổi tiếng trong giới Công giáo và lôi cuốn sự quan tâm của các nhà thần học nổi tiếng như cha Yves Congar (OP), Henri de Lubac (SJ)… Tác phẩm Dieu aime les Paiens (1963) là một tác phẩm thần học về sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội trên vùng Tây Nguyên – Việt Nam.
Việc suy niệm ngày càng tinh tế từ năm này sang năm khác đã dẫn cha đến lối sống ngày càng khắc khổ, khiến nhiều lần xém mất mạng. Ăn uống dưới mức tối thiểu, hao mòn sinh lực, cha vẫn tiếp tục đi theo người dân tộc trong các lao động hàng ngày của họ và trong các buổi lễ hội khắp nơi trong địa hạt của ngài. Ban đêm cha thức khuya để ghi chép những bản văn truyền khẩu, những huyền thoại … mà cha thu lại bằng máy ghi âm.
Còn nhiều điều khác về cha Jacques Dournes mà chúng tôi nghe những người dân tộc lớn tuổi kể lại. Xin nói rõ hơn ở phần sau.
1.3. Những năm rời khỏi giáo điểm Cheoreo và cuộc đời còn lại
Năm 1969, một biến cố xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của cha Jacques Dournes : sự tổ chức lại dần dần của Giáo Hội Công giáo Việt Nam – Giáo Hội Việt Nam đã trao lại điểm truyền giáo này cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Hơn nữa, một trong những mục tiêu của Hội thừa sai Paris là đào tạo những linh mục bản xứ có khả năng lãnh đạo Giáo Hội địa phương. Và việc thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam năm 1960 đã dần dần đáp ứng mục tiêu của Hội thừa sai Paris. Nhưng riêng với cá nhân cha Jacques Dournes, việc rời bỏ Cheoreo là một sự xâu xé nội tâm rất đau đớn. Cha không thực hiện được ước mơ chấm dứt đời mình giữa những kẻ mà cha được gửi tới.
Về Sài Gòn trong một thời gian rất ngắn và sau một vòng qua Indonêsia, ở với một dân tộc khác nói tiếng Austronesia, cha trở về Pháp năm 1970. Ở Nhà Mẹ tại Paris, cha không thích nghi được với đời sống cộng đoàn và mặc cảm vì nghĩ rằng thời làm thừa sai của ngài đã chấm dứt… Tất cả những điều đó đã gây một cuộc khủng hoảng rất trầm trọng nơi cha. Cha về lánh mặt ở Nice, nhưng sự rối loạn trong ngài ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Tình bạn vũng chắc giữa cha và nhà dân tộc học Raymsal Eches, người mà cha đã quen biết ở Việt Nam, phần nào gỡ cha ra khỏi bước ngặt nghèo này. Eches thuyết phục cha làm chứng tá trên phương diện khác cho người Jarai, nơi cha đã sống lâu năm và đã thu thập được số lượng lớn những quan sát và văn bản về khía cạnh đời sống , sinh hoạt, tổ chức gia đình và chính trị, hệ thống tín ngưỡng, ngữ vựng và thơ phú…
Với tính khí cương nghị của mình, cha không chấp nhận cuộc sống nửa vời giữa linh mục và nhà khoa học ; hơn nữa, mặc cảm về đời sống thừa sai đã chấm dứt, cha đã bỏ chức linh mục để trở về cuộc sống giáo dân. Từ nay cha Jacques Dournes được gọi với cái tên ông Jacques Dournes và hoàn toàn dấn thân cho việc nghiên cứu khoa học.
Jacques Dournes về Paris và định cư ở đó với những phương tiên thô sơ, tự buộc mình nghiên cứu khoa học cách gắt gao, đồng thời tiếp tục viết lại những kết quả đã thu được trong 8 năm sống với người Srê và 15 năm nơi người Jarai. Nhờ những năm ở Việt Nam, trong thời gian rất ngắn ông đã lãnh nhận nhiều bàng cấp :
Năm 1969, bằng cấp trường cao đẳng Khoa học xã hội về thảo mộc dân tộc Jarai.
Năm 1971, tiến sĩ Sorbonne cấp ba về tổ chức gia đình và xã hội của người Jarai.
Năm 1973, bằng tiến sĩ quốc gia về văn chương và khoa học nhân bản với cuốn sách đề cập đến Pơtao(Vua), liên quan đến tôn giáo và đời sống chính trị của người Jarai. Cũng năm này, ông vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS).
Thời gian sau đó, Jacques Dournes tham gia vào nhiều phong trào nghiên cứu về dân tộc học, và viết nhiều sách liên quan đến những mẩu chuyện truyền khẩu của người dân tộc Srê và Jarai, như : Văn chương truyền khẩu 2 (1979), Tuyển tập Jarai (1988), Tuyển tập Srê (1990), Truyền khẩu và ký ức tập thể (1990)…
Năm 1987, vì tiền hưu quá ít, ông buộc phải rời Paris và về sống gần Anduze ; nơi đây ông sống và miệt mài làm việc không ngừng. Ngoài thời gian viết sách báo (nhiều tác phẩm chưa được xuất bản), ông chăn sóc mảnh vườn của mình và vẽ những bức hoạ phúng dụ, trong đó ông đã trải bày niềm tin của ông với tình thương mà ông mãi dành cho người Thượng. Dournes đã trở thành vị ẩn tu và luôn tiếp đón nhiều bạn bè đến viếng thăm.
Vào cuối đời, ông đã nối lại với Hội Thừa Sai Paris và chết bình an trong cảnh cô đơn trong đêm ngày 03 tháng 04 năm 1993. Thi hài ông được an táng trong hầm của Hội Thừa Sai Paris ở Lauris, vùng Vaucluse.
2. Công việc thừa sai
2.1. Cuộc sống chứng nhân
Ngày 01 tháng 08 năm 1955, lúc 06 giờ chiều, cha Jacques Dournes được Đức cha Seitz, giám mục giáo phận Kontum đưa đến nùng Cheoreo, nay là thị xã Phú Bổn, huyện Ayunpa, tỉnh Gialai. Cha đến vùng Cheoreo này như chứng nhân Tin Mừng giữa anh em dân tộc bản địa. Khởi đầu cha học tiếng Jarai để hoà nhập vào lối sống của người bản địa, tìm hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ của họ. Đồng thời qua việc tìm hiểu nhân chủng học, cha hy vọng khám phá và xây dựng được một phương pháp truyền giáo vững chắc, có hiệu quả cho cư dân ít người này và hy vọng có thể tìm một phương pháp mới đem Lời Chúa cho mọi cư dân ít người trên vùng Tây Nguyên nói chung.
Cha là người được hấp thụ phong trào hướng đạo theo phương pháp gặp gỡ, tiếp cận và nhận định. Trong những năm đầu, cha đi thăm những 50 làng trong vùng Cheoreo : gặp gỡ dân làng, đối thoại, trao đổi, đặt vấn đề tìm hiểu phong tục tập quán, tâm thức tôn giáo của họ. Cha quan tâm đến việc huấn luyện một nhóm phụ tá gồm những người có khả năng ; đào tạo họ về Kinh Thánh Cựu Ước, về lịch sử cứu độ, lịch sử Giáo Hội, giáo lý, phụng vụ cũng như những vấn đề quan trọng trong cuộc sống tập quán cổ truyền của cư dân. Có thể nói họ là những cánh tay nối dài của cha trong công tác mở hướng đi cho phương thức truyền giáo. Với những lần gặp gỡ, cha đều tận dụng thu thập những kiến thức liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá, tôn giáo của người Jarai để tìm cách đưa Tin Mừng vào văn hoá của họ. Cha bảo lưu tất cả những yếu tố nguyên thuỷ của một dân tộc từ tâm thức tôn giáo, văn hoá, phong tục, cách ăn lối ở của họ.
Chính bản thân cha cũng hội nhập vào lối sống đó : những người kinh cao tuổi hiện còn sống ở Cheoreo kể rằng đã từng thấy một ông Tây đóng khố, mang ớt, cà pháo… ra chợ ngồi bán. Ở với dân, họ ăn gì cha ăn đó ; họ đi đâu, cha theo đó ; họ kể gì, cha nghe và ghi chép lại. Ơi Hao (ông Hao) người dân tộc vùng Cheoreo nói : chúng tôi đi đâu, ngài cũng đi theo. Vai mang gùi, ngài đi ra rẫy lúa, rẫy bắp, rẫy đậu… đi khắp nơi. Với cha, ý niệm về phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá có lẽ là thứ yếu so với việc bảo tồn nét hoang dại nguyên thuỷ của một dân tộc thiểu số.
2.2. Kitô hoá các tôn giáo tế thần
Cách truyền giáo của cha có thể tóm gọn trong cụm từ đặt nền tảng vào nhân chủng học, nghĩa là cha đảo sâu yếu tố cấu trúc tâm thức tôn giáo, xã hội, nhân chủng của người Jarai, để tìm dấu vết mạc khải hay các phần chuẩn bị của Thiên Chúa cho một dân tộc hầu đón nhận trọn vẹn trong Đức Kitô. Những người Jarai hăng say, chuyên cần cầu khấn, quen cúng tế khá tốn kém, sợ Yang, nhạy cảm việc đền bù sựï vi phạm, uế tạp… chính họ sẽ trở nên những người công giáo tốt nhất và họ sẽ hiểu sâu sắc hơn lời cầu nguyện, dâng tế và tội lỗi là gì trong đạo Công giáo .
Như thế, có thể nói cách thức truyền giáo đặt nền tảng vào nhân chủng học của cha theo ngôn ngữ thời đại là hội nhập văn hoán nghĩa là đi vào cấu trúc thế giới linh thánh của người dân tộc. Với khám phá nhân chủng học, cha tìm thấy được cơ cấu chặt chẽ về thế giới linh thánh, quỷ- thần, yang, Chúa trời : vật linh thánh là những đồ vật hoặc có hình dáng kỳ dị hiện thân thần linh, hay được dành riêng cho việc cúng bái, việc thánh. Quỷ – thần, yang là những vị có một thể chất dù tinh tế hơn loài người, nhưng vẫn có một loại chất thể nào đó, vẫn bị hạn hẹp do không gian, như không thể ở trong hạt lúa vì hạt lúa đặc ruột, nhưng có thể ở trong ống tre . Còn ông trời thì vô chất thể, Đấng trổi vượt trên mọi quỷ thần, trên mọi yang, Ngài là Đấng sáng tạo, yêu thương người nghèo khổ. Cha tìm thấy khái niệm Ông Trời (Ơi Adei) nơi người Yarai có thể đặt nền tảng để xây dựng niềm tin Kitô giáo trên niềm tin cổ truyền này.
Từ những khái niệm cổ truyền của người Jarai, cha cố gắng tìm ý nghĩa của chúng trong Cựu Ước. Tại Bethel, Thiên Chúa của các tổ phụ như là yang của gia đình, vì được định danh tại nơi hiện ra. Trên núi Sinai, Thiên Chúa khẳng định Ngài là Đấng độc nhất, Người luôn đồng hành với dân Người. Và như thế, đối với người Jarai, khái niệm Ơi Adei tương đương với khái niệm Thiên Chúa của dân Israel. Từ những khám phá đó, cha dùng từ Ơi Adei để chỉ Thiên Chúa và dùng từ này trong Phụng vụ.
Tuy nhiên yếu tính Thiên Chúa là Cha còn thiếu vắng trong đường hướng thần học và phụng vụ của cha. Chỉ khi đến các thế hệ linh mục sau này, ý niệm Thiên Chúa là Cha (Ama Adei) mới được nhấn mạnh và dùng trong Phụng vụ. Quả thế, một dân tộc quan niệm các quỷ thần, yang, các vật linh thánh có bộ dạng đáng sợ, khi họ được gọi Thiên Chúa là Cha (Ơi Ama Adei)làm họ vui sướng an tâm biết chừng nào vì có một vị Thiên Chúa Cha đầy yêu thương, gần gũi như người cha gia đình.
Ngoài việc nghiên cứu nhân chủng để phục vụ cho việc truyền giáo, cha còn sử dụng ngôn ngữ, văn tự để phổ biến chân lý, khiến thức cho dân chúng. Cha miệt mài nghiên cứu tiếng nói của người Jarai và dùng mẫu tự Latinh để tạo ký âm tự cho họ. Tháng 06 năm 1957, cha cho hành tập giáo lý sơ yếu và tờ nguyệt san bằng tiếng Jarai, lấy tên là Kơdrâu (chim bồ câu). Anh chị em Jarai đón nhận tờ nguyệt san cách nồng hậu, vì từ nay họ có món ăn tinh thần bằng chữ viết dễ sử dụng cho tiếng nói của mình.
Bên cạnh đó, cha rất quan tâm đến việc khai trí cho dân, đặc biệt là giới trẻ. Cha quy tụ khoảng 100 em nhỏ và dần dần giúp các em học chữ. Ngày 18 tháng 02 năm 1956, cha khai giảng một trường làng đầu tiên cho các em Jarai với 24 học sinh, do 2 giáo viên phụ trách, được cha đài thọ. Nói là trường chứ thực ra chỉ là một phòng nhỏ đủ để các em ngồi học chữ. Ngày 04 tháng ỏ năm 1956, cha đưa 6 em trai đầu tiên lên học tại trường Cuénot ở Kontum. Sau đó, cha cũng gửi một số thanh niên nam nữ đi lưu trú tại một số dòng tu ở Đà lạt và ở Sài Gòn để học văn hoá. Cha nhận thức được nhờ môi trường học tập thì mới khai thông được những bế tắc của cơ chế xã hội ràng buộc và Lời Chúa mới sản sinh được.
Công việc bận rộn của cha đã được giáo phận chia sẻ bằng cách mời các nữ tu Dòng thánh Phaolô thành Chartres lên vùng Cheoreo (tháng 12 năm 1957) để đảm trách công việc văn hoá. Còn cha chuyên tâm vào công việc mục vụ. Cha lập nhóm làm việc tông đồ dưới dạng hội đoàn Công giáo tiến hành, Đạo binh Đức Mẹ (1957), một tổ chức dự tòng mà chúng tôi sẽ bàn đến ngay dưới đây.
2.3. Tổ chức trung tâm dự tòng
Cha đòi hỏi trước tiên việc truyền giáo cần phải có môi trường, ít nhất là môi trường gia đình. Kinh nghiệm cho thấy không thể chờ cho cả làng theo đạo được vì sẽ rất khó khả thi ; nhưng cũng không chấp nhận một cá nhân tòng giáo, vì kinh nghiệm cho thấy họ không thể giữ đạo được một khi trở về làng. Theo cha, đơn vị nhỏ nhất là gia đình mới có thể sống đạo và kêu gọi những gia đình khác theo đạo .
Để những người dự tòng được tập thể đảm bảo, cha quy tụ những người dự tòng về Cheoreo để cùng sống đời sống phụng vụ, dễ dàng trong việc học giáo lý, huấn giáo bàng việc tổ chức Trung tâm dự tòng. Nhờ phương pháp tập hợp và huấn giáo này, cha cách ly họ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, khỏi những khía cạnh xấu của một số tập tục như ăn nhà mả, dị đoan, tránh những vấp ngã trong các dịp suy đồi luân lý và thể chất như say rượu, những quan hệ bất chính xảy ra trong môi trường đó.
Ngoài ra, cha quy tụ và thành lập một đội ngũ làm việc tông đồ giáo dân, gồm các giáo lý viên dân tộc và người kinh để cầu nguyện chung, suy nghĩ, đi thăm, lắng nghe các anh em khác tôn giáo. Nhờ vậy, cha đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ và xây dựng một cộng đoàn sinh động, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những khó khăn trên bước đường truyền giáo. Bắt đầu từ số không nơi một dân tộc chưa từng biết Chúa, thì việc truyền giáo quả là một vấn đề không mấy dễ dàng và người ta không gọi là rao giảng cho tín hữu nhưng là rao giảng cho người dự tòng chưa có đạo. Đối với cha, rao giảng Tin Mừng, làm cho muôn dân thành môn đệ của Chúa không chỉ là đem Lời Chúa giảng cho họ, mà còn phải nuôi dưỡng đời sống đức tin cho họ. Rao giảng Tin Mừng chính là thấm nhập con người trong Mầu nhiệm của Ngôi Lời là Đức Kitô, một sự kết hiệp được thực hiện tiệm tiến và đặc biệt nhờ vào giai đoạn dự tòng. Rao giảng Tin Mừng không chỉ là chạm đến cá nhân mà là sự khai sáng bên trong thiên khiếu của một dân tộc và biến đổi cấu trúc xã hội của họ. Vì vậy giai đoạn dự tòng rất quan trọng cho người muốn nhập đạo.
Phương pháp dự tòng của cha có những điểm mới lạ, sáng tạo do suy tư và thực tế mục vụ mà có. Việc giáo huấn được thực hiện trong 3 năm :
1. Nội dung kinh Tin kính được khai triển, làm sáng tỏ những biến đổi cần cho cuộc sống. Người dự tòng tập lần chuỗi Mân côi.
2. Cựu Ước được kể lại để triển khai những ý niệm căn bản trong mối tương quan lịch sử và minh chứng những ý niệm đó cách sống động trong tâm thức tôn giáo như trong mọi người trước thời Chúa Giêsu. Người dự tòng tập cầu nguyện bằng Thánh Vịnh.
3. Tân Ước, được trình bày giữa Cựu Ước và sự liên tục trong đời sống Giáo Hội, dẫn đến với các Bí tích khai tâm. Người dự tòng cầu nguyện theo kinh Lạy Cha, được đào sâu và suy gẫm ; họ thực hành việc thờ phượng.
Sau đó, người dự tòng được khởi sự vào đời sống Bí tích, bằng việc dựa theo Tin Mừng Thánh Gioan và học lịch sử Giáo Hội .
Tiến trình tổ chức dự tòng này không biết là do trùng hợp ngẫu nhiên hay là những đóng góp của cha cho Giáo Hội, mà sau Công Đồng Vaticanô II, Thánh bộ phụng tự và kỷ luật Bí tích đã ấn hành Nghi thức gia nhập Kitô giáo cũng diễn ra từng bước, từng giai đoạn như cách trình bày của cha Jacques Dournes.
KẾT LUẬN
Thành quả của công việc truyền giáo ở Tây Nguyên cho đến nay phải nói là rất tốt đẹp. Thành quả này có được là nhờ rất nhiều nơi công sức và nhiệt tâm của các cha thừa sai Paris. Có những vị đạ dám hy sinh cả thời trẻ và thậm chí cả mạng sống cho việc loan báo Tin Mừng. Góp chung với những thành quả này, cha Dournes đã không ngần ngại đến chung sống với một thổ dân còn hoang dại và dần dần đưa họ đến với ánh sáng Tin Mừng. Những thành quả đó cho đến nay không ai có thể phủ nhận được. Khi đến trung tâm truyền giáo Cheoreo (hiện nay, trung tâm truyền giáo này vẫn do các cha Dòng Chúa Cứu Thế cai quản), chúng tôi còn chứng kiến những dấu vết về công trình của cha Dournes, đó là một nhà nguyện mái tranh có đặt Mình Thánh Chúa, được làm theo kiểu nhà sàn của người dân tộc. Bên trong còn treo những tấm hình chụp lại những mẫu cây dại của vùng, các loài côn trùng, cách làm bẫy thú… Có nhiều người cao tuổi trong vùng vẫn còn nhớ rất rõ về hoạt động của cha. Nhưng thật đáng buồn vì con người nhiệt tâm này lại quá nhạy cảm, đam mê khoa học và không vượt qua mặc cảm của mình nên đã để mất chức linh mục. Nhưng dù sao đi nữa chúng ta cũng trân trọng những đóng góp của cha cho Giáo Hội nói chung và cho giáo phận Kontum nói riêng. Người ta thường nói vạ sự khởi đầu nan, thì cha Dournes đã gánh lấy cái gian nan khởi đầu để những người tiếp bước ít gian nan hơn. Tấm gương dấn thân của cha sẽ là động lực cho những nhà truyền giáo khi đi khai sáng Tin Mừng cho một dân tộc hoang dại, cũng là dịp để mỗi người nhìn lại tình trạng dấn thân của mình.
NGUỒN TÀI LIỆU
Sách :
1. Jacques Dournes, Dieu aime les paiens, éditions Montaigne, Paris, 1963.
2. Jacques Dournes, Le père m’a envoyé, les Éditions du Cerf, Paris, 1965.
3. Tài liệu viết tay của một số linh mục trong địa phận Kontum.
Internet :
http// :www.trungtammucvudcct.com
http// :www.tinvui,wordpress.com
http// :www.giaohoi.net
http// :www.vanhoadongphuong.com
http// :www.aafv.org
Những người thực hiện
Gioan Vũ Duy Ngữ – lớp Thần học I (niên khoá 2010 – 2011)
Phaolô Nguyễn Hùng Sơn – lớp Thần học I (niên khoá 2010 – 2011)
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng giới thiệu : antonnguyentruongthang's blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét