Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Sách: HẠT GIỐNG KITÔ TRONG ĐẤT JRAI - Phần 3 _ Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT



ĐỊNH HƯỚNG CỦA NHÓM - NHÓM SỨ ĐỒ PLEI KLY
(Trích Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tháng 08/1972)


L.T.S … Tháng ba năm 1971, nhân cuộc đánh chiếm quận Phú Nhơn, Pleiku, bộ đội của “Mặt Trận Giải Phóng” đã bắt giữ nhóm Sứ Đồ Dòng Chúa Cứu Thế đang hoạt động truyền giáo cho sắc tộc Jrai tại ấp Pleikly, sát quận lỵ Phú Nhơn, gồm Linh mục Nguyễn Đức Mầu, Thầy Phó tế Trần Sĩ Tín, Thầy Marcô Đàn và chị trợ tá truyền giáo Nguyễn Thị Chín cùng với chừng 70 anh em người Kinh và Thượng khác trong quận. Thầy Lêônard Quân chạy thoát được ngay trước đêm xảy ra chiến cuộc, Linh Mục Vương Đình Tài, trưởng nhóm và anh Đỗ Đức Oánh, trợ tá truyền giáo phải đi Pleiku có việc nên được thoát nạn. Thầy Marcô Đàn vì thân già sức yếu, không chịu nổi rừng thiêng nước độc, đã chết trong bưng vì bệnh sốt rét cấp tính sau gần hai tháng giam giữ. Cha Mầu, Thầy Tín, chị Chín, sau bốn tháng sống tại một trại cải tạo, đã được trở lại tự do thân tàn ma dại, không phải vì người, nhưng vì rừng núi ngược đãi.
Hạ tuần tháng tám năm 1972, tức là một tháng rưỡi sau ngày ba người truyền giáo Mầu, Tín, Chín được trả tự do, Linh mục Vương Đình Tài, trưởng nhóm và Linh mục Nguyễn Văn Phán, mới lên tăng cường sau, cũng lại bị bắt vào bưng một lần nữa. Sau sáu ngày giam giữ hai linh mục cũng được trả tự do, nhưng chiếc nhà nguyện tí hon bằng tôn và mái nhà bếp lẹp xẹp mà họ đang ở lâu nay đã bị bộ đội giải phóng đặt plastic và bắn B40 thiêu rụi.
Trong lúc chờ đợi tình hình an ninh và chính trị tạm ổn định hơn, nhóm hiện tạm trú tại hai tỉnh lỵ Phú Bổn và Pleiku, hợp tác với nhóm giáo dân Jrai lo việc dịch thuật Phụng Vụ và Kinh Thánh ra tiếng Jrai. Nhân cuộc ghé thăm Phú Bổn, chúng tôi đã phỏng vấn nhóm về những cố gắng và quan niệm truyền giáo của họ để cống hiến quý vị đọc giả ĐMHCG chứng từ một cố gắng tìm kiếm đường lối truyền giáo.

ĐMHCG: Xin quý cha quý thầy cho biết tại sao nhóm đã lên Pleikly truyền giáo cho sắc tộc Jrai?
Pt. TÍN: lấy quyển Tân Ước chậm rãi đọc tôi nghe đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 15,20: “Như một danh dự, tôi chiû giảng Tin Mừng ở đâu Danh Đức Kitô chưa đội đến”. Rồi anh tiếp: “Có thể nói đó là ý tưởng đã liên kết chúng tôi lại và đẩy chúng tôi ra đi theo “lệnh lên đường”. Tất cả anh em lên đây đều là dân tình nguyện… đi theo một tiếng gọi cụ thể. Đó là một cố gắng sống đạo của chúng tôi, thúc bách bởi “một sự khẩn thiết giáng xuống trên chúng tôi” (1 Cr 9,16). Lâu nay Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi vẫn muốn theo ý hướng đó khi đặt chủ đích của Dòng là đến cùng những người bị bỏ rơi hơn cả.
Và qua trung gian của Đức Cha Paul Seitz, giám mục Kontum, ý hướng đó đã dẫn chúng tôi tới Pleikly, một địa danh mà người Jrai nào cũng biết. Pleikly có thể nói là một vị trí trung tâm của “đất nước” Jrai: phía Bắc có Pleiku, Tây Bắc có Plei Kơbey thuộc tỉnh Kontum, Plei Djit, Plei Me, phía Tây có núi Chư Prong – người Kinh mình thường gọi là Chư Prong ---, Nam có +on Som, +on Blek, Ban Mê Thuột, Đông có Cheoreo, Ia Sol v.v… Pleikly lại nằm sát quốc lộ 14 trục lộ liên lạc với các nơi khác, Pleikly còn là một làng cũ không bị xáo trộn hay thay đổi như các ấp tập trung…

ĐMHCG: Nhưng tại sao các cha lại chọn người Jrai?
Lm. TÀI: so với các sắc tộc khác, sắc tộc Jrai có dân số đông nhất và quan trọng hơn cả (150.000 trong số khoảng 800.000 người Thượng tại miền Nam Việt Nam) và cũng là sắc tộc ít được biết Tin Mừng nhất. Kơho là một sắc tộc khoảng chỉ hơn 80.000 mà có gần 20 linh mục và 60 tu sĩ nam nữ đặc trách truyền giáo cho họ với những phương tiện và cơ sở thật đầy đủ. Bahnar, dân số chừng 85.000, đã được Hội Thánh đến truyền giáo hơn 100 năm nay; hiện có nhiều họ đạo khá sầm uất, một trường đào tạo thầy giảng và có cả linh mục Bahnar… Năm 1969, khi chúng tôi đến với người Jrai, chỉ có một linh mục ở Cheoreo, nói được tiếng Jrai và hoàn toàn lo rao giảng cho người Jrai. Không kể Cha Bình ở Plei Kơbey và họ đạo của ngài. Tổng số người Jrai biết Chúa chỉ vào khoảng 100 người trên 150.000. À, còn phải kể vài trăm “đạo cũ” khác ở Plei Djit và Tiên Sơn được các cố Pháp đến truyền giáo từ đầu thế kỷ rồi bỏ dở và từ mấy chục năm nay không có linh mục thông thạo phong tục và tiếng nói Jrai coi sóc họ…
ĐMHCG: Xin các cha cho biết nhóm đã đến “cắm lều trại” tại đất Pleikly như thế nào?
Lm. MẦU: Ngày 10 tháng 10 năm 1969, cùng với giám mục Kontum, chúng tôi tới Pleikly không nhà không cửa, chẳng quen biết người Jrai nào trong Pleikly, mới bặp bẹ được vài tiếng Jrai học được ở Cheoreo. Anh Trần Sĩ Tín trên đường đi đến Pleikly còn đánh mất dọc đường cái xách tay duy nhất của anh trong đó có vài bộ quần áo, vài cuốn sách. Anh tiếc nhất cuốn Tân Ước tràn ngập chú thích ghi được trong những năm học ở đại chủng viện.
Giám mục đã đọc và giải thích cho chúng tôi đoạn Tin Mừng theo Luca 10,1-12 nói về việc Chúa sai 72 môn đồ đến mọi thành và nơi chốn. Sau đó ngài chúc lành cho chúng tôi, rồi lên xe về lại Kontum. Vì hoàn toàn không quen ai nên tới tối chúng tôi vẫn chưa tìm được nhà nào chịu cho chúng tôi ngủ trọ. Chúng tôi đành ngủ tại một căn phòng trường sơ cấp trong làng. Chúng tôi có mang theo chăn, nhưng không có giường…
Từ sáng hôm sau, và những ngày tháng kế tiếp, chúng tôi bắt đầu làm quen với dân làng. Nhà nào cũng vào, gặp ai cũng chào hỏi. Họ cho gì ăn nấy. Vừa ăn vừa học tiếng asơi là cơm, ăn cơm thì nói là huă asơi, nhưng ăn bất cứ gì khác lại nói là =ong. Rồi no, đói, khát, mặn, nhạt, cay, đắng, ngọt, bùi… Rồi đến mùa gặt, chúng tôi xin bà con cho chúng tôi cùng gặt. Thế là có những buổi trưa cùng ăn trong ruộng lúa, có những buổi chiều cùng về trên con đường mòn, cùng tắm trong dòng suối mát… Thế là lại học được kỹ thuật canh tác, và thêm một số tiếng nói: tuốt lúa bằng tay gọi là puă, cắt lúa bằng liềm gọi là yuă pơdei hang mơnek, đạp lúa gọi là juă pơdei v.v… và v.v… Cứ như thế: cùng ăn, cùng làm, cùng nói, dần dần chúng tôi thân với họ, biết họ hơn và họ cũng biết chúng tôi hơn. Họ biết chúng tôi không phải là nhân viên cán bộ của chính phủ, không phải kẻ ăn lương của chính phủ… Họ giao con cái họ cho chúng tôi và nói: “Các anh hãy dạy cho chúng biết điều của các anh”… Một buổi tối bên đống lửa, một bô lão nói: “Chúng tôi đã lãnh đạo dân chúng tôi đến độ này… thời của chúng tôi đã qua rồi… Các anh hãy tiếp nối dìu dắt dân của chúng tôi”. Một người khác có học hơn nói: “Từ trước tới nay, người ta chỉ giúp chúng ta về mặt cơm ăn, áo mặc, nhà ở, trường học… chưa có ai nói cho chúng ta về tinh thần, về tốt xấu, về hạnh phúc… những người này đến dạy cho chúng ta những điều ấy”.
Khi dân làng đã cho chúng tôi một miếng đất bằng miếng đất của bất cứ gia đình nào trong làng, chúng tôi đã cất lên một ngôi nhà sàn theo đúng kiến trúc của một căn nhà Jrai. Chúng tôi lại tiếp tục công việc cày cuốc trồng lúa, bắp. Có thể có ruộng riêng, nhưng chúng tôi lại thích cầy ruộng của những gia đình có ruộng mà không đủ sức canh tác. Chúng tôi cùng làm với họ, cuối mùa chia lúa. Theo lệ làng chúng tôi đổi công với bà con trong làng… Dần dần chúng tôi khá thạo tiếng Jrai. Một phần nào, người làng đã coi chúng  tôi là bà con lối xóm. Trẻ thì gọi chúng tôi bằng anh, ngang tuổi gọi bằng bạn, người già hơn kêu chúng tôi bằng con, bằng cháu.
ĐMHCG: Động lực nào đã thúc đẩy các cha chọn lối sống đó? Phải chăng đó là một chiến lược để truyền giáo cho hữu hiệu?
Pt. TÍN: Không, đó không phải là một chiến lược để lấy lòng dân, một sách lược tuyên truyền: cần lấy cảm tình trước khi rao giảng. Điều chúng tôi nhắm là cố gắng thể hiện ngay trong chính nếp sống thường nhật của mình mầu nhiệm Thiên-Chúa-ở-cùng; chúng tôi sống như vậy là muốn làm muối làm men, muốn đi theo con đường nhập thể của Chúa Cứu Thế, cố gắng chia sẻ thật sự – trong mức độ có thể làm nổi - tất cả thân phận của anh em Jrai theo tinh thần ca vịnh thư Philip 2,5-11. Sống giữa những người suốt năm tháng chân lấm tay bùn, mình cũng phải sống lao động tới mức nào đó. Có lẽ chính vì muốn thể hiện đến cùng mầu nhiệm Thiên-Chúa-ở-cùng mà anh em chúng tôi mới bị bắt vào bưng hai lần liên tiếp. Trong hai ngày đầu của cuộc chiến tại Phú Nhơn, chúng tôi có thể lên tạm lánh nạn ở ấp người Kinh, ấp Đôn Hòa sát ngay quận; và lần bị bắt đợt hai, nếu chúng tôi chọn giải pháp đêm ngủ Đôn Hòa ngày xuống sống với anh em Jrai - như anh em Công giáo ở Đôn Hòa đề nghị - thì chắc đã không có gì xảy ra… Nhưng lúc ấy thì anh em Jrai ở Pleikly sẽ không đụng chạm dấu chứng nhắc nhở họ nhớ một Thiên Chúa là Cha tình thương hằng luôn ở với họ. Chúng tôi thấy trước những hiểm nguy có thể xảy ra, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác con đường Đức Kitô đã vạch. Ngài là Đấng có tên là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng. Trong bưng, mặt trận đã tra hỏi chúng tôi rất kỹ về cái vụ “ở cùng” này: ai chủ trương, ai trợ cấp tài chính cho các anh làm việc đó? Và chúng tôi đã thẳng thắn trả lời: chẳng có Vatican, chẳng có giám mục, chẳng có Bề Trên Sài Gòn hay Rôma nào chủ trương cả, nhưng là do ông Yêsu thành Nazarét, chúng tôi cố gắng đi theo vết chân Ngài.
ĐMHCG: Trước khi bị bắt vào bưng - nghĩa là sau gần hai năm chia sẻ đời sống anh em Jrai - các cha đã khám phá và thực hiện được những gì? Và có những dự tính nào rồi?
Lm. MẦU: Điều chúng tôi khám phá ra là Thiên Chúa đã đi trước chúng tôi và anh em Jrai đã được sửa soạn để đón Tin Mừng của Thiên Chúa. Nhận được điều đó, chúng tôi dễ tránh được nạn thay thế Tin Mừng của Thiên Chúa bằng tin mừng của chúng tôi. Phải nhìn nhận rằng chúng tôi đã được chính anh  em Jrai rao giảng Tin Mừng cho rất nhiều…
Pt. TÍN: Trước khi bị bắt vào bưng: tức là tới ngày 15/03/1971, nếu muốn nhìn thấy những thành quả cụ thể thì khó có thể thấy. Nhất là những người hỏi xem chúng tôi đã rửa tội được bao nhiêu người thì lại càng thất vọng… Nhưng nếu nhìn theo một lối nhìn nào đó, thì chúng tôi tưởng có thể khác… chẳng hạn như:
1. Niềm vui của những kẻ được đón nhận trong tình người mộc mạc nhưng đậm đà. Giá trị cần lao. Giá trị đời sống cộng đoàn. Thí dụ: Amí Yep hỏi chúng tôi có phải anh em cùng cha cùng mẹ không? Hay là người cùng làng? Khi chúng tôi cho chị ta hay chúng tôi không phải là anh em cùng cha cùng mẹ, cũng không phải người cùng làng cùng xóm, trái lại chúng tôi là kẻ Nam người Bắc, chị rất ngạc nhiên nói: “Thế mà coi các anh sống với nhau, tôi cứ tưởng các anh là anh em”. Chị hỏi tiếp: “Thế các anh có biết giận nhau không?” Chúng tôi trả lời: “Có chứ, nhưng chúng tôi cố gắng khi mặt trời lặn rồi thì cũng hết giận” (Ep 4,26). Qua nỗi thắc mắc của người quả phụ, chúng tôi nhớ lại sống cộng đồng, sống yêu thương là dấu chỉ của môn đồ Chúa (Jn 13,35). Và qua những ngày tháng ở Pleikly chúng tôi khám phá dần thêm những khía cạnh khác của đời sống tu sĩ, linh mục, của mầu nhiệm Hội Thánh v.v…
2. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng tôi còn khám phá ra được người Jrai có một kho tàng văn hóa rất phong phú, một cơ cấu xã hội đặc biệt, một nền văn chương khẩu truyền quý giá gồm những bài tục ngữ, ca dao, bài hát, chuyện cổ hay thần thoại… Họ có những đức tính tự nhiên rất đáng phục… Chính đời sống và kho tàng văn hóa Jrai đã thách thức, thanh luyện lề lối suy nghĩ, thái độ và lối sống của chúng  tôi, và như anh Mầu nói: đã giảng Tin Mừng cho chúng tôi”… Thấy được văn hóa của họ là một khám phá hết sức quý giá đối với chúng tôi. Văn hóa là gì nếu không phải là sự thích nghi hay đẹp của con người xã hội với thế giới chung quanh. Thế giới đó tàng ẩn Lời Thiên Chúa nói, kêu gọi và dẫn dắt con người đến gặp Ngài. Nếu ta tin Thiên Chúa đã tạo dựng nên tất cả và đã giải phóng tất cả trong Đức Kitô, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hằng làm việc nơi các dân tộc. Là Chúa tể lịch sử. Ngài hằng giáo dục và dẫn dắt mọi người đến với Ngài qua những gì là tinh túy thiện hảo trong phong tục văn hóa của mỗi dân tộc. Văn hóa, nhân sinh quan của mỗi dân tộc trong những gì là tinh túy của nó, thật sự là con đường đưa tới Đức Kitô, một thứ Cựu Ước dọn đường và chuẩn bị cho họ nhập vào Giao Ước mới. Ngài đến “không phải để bãi bỏ” những giá trị, nhưng “để làm nên trọn” (Mt 5,17). Trong thư Rôma chương một, câu 19, thánh Phaolô đã nói rất rõ: “Đã hiện tỏ nơi họ những gì cần biết được về Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa đã bày tỏ ra cho họ”. Người “không hề để thiếu chứng chỉ về Người” (Cv 14,17). Và quả thật, Người không xa mỗi người chúng ta, vì chưng trong người, ta sống, ta cử động, ta có (Cv 17,27-28)… Chúng tôi cố gắng sống điều mà Sắc lệnh Sứ vụ Truyền giáo đã nhắn nhủ: “Người Kitô hữu phải vui mừng và kính cẩn khám phá ra những mầm sống của Lời ẩn trong những  truyền thống quốc gia và tôn giáo của các dân tộc” (Sắc lệnh Sứ vụ Truyền giáo số 11). Nói tóm lại. Chúa đã có mặt giữa người Jrai trước khi chúng tôi đến với họ. Vấn đề là chúng tôi phải làm thế nào để nhìn thấy được Người đang có mặt, đang hành động trong chính nền văn hóa, cũng như trong chính cuộc sống thường ngày của họ. Làm sao khám phá ra được con đường họ đang đi và phải đi để tìm kiếm Thiên Chúa và gặp được Người. Họ đã đi đến đâu rồi? Và còn phải gắng đi thêm những bước nào nữa? Nói cách khác; làm sao chúng tôi khám phá ra được con đường Cựu Ước của dân Jrai? Và làm thế nào giúp họ vượt qua cả nền Cựu Ước đó để nhập vào Giao Ước mới trong Máu Đức Kitô?
3. Về mặt phát triển, chúng tôi thấy đây là một lãnh vực quá rộng lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu làm việc với họ, đem lại cho thanh niên Jrai mối tình quý mến đất đai và lao động. Cùng làm việc với dân làng và cùng họ đặt vấn đề phát triển chung. Con đường trước mặt còn dài và còn phải vượt qua nhiều gian khổ, nhất là khi chúng ta xác tín rằng chỉ có thể phát triển được thực sự trong một nước hòa bình, độc lập và tự do…
4. Ngoài ra, theo lời kêu gọi của chúng tôi, có khoảng 30 em, mỗi chủ nhật đã đến nghe chúng tôi nói về Cha của chúng tôi và cũng là Cha của các em. Chúng tôi dự trù sẽ đưa các em đi từng nhà, với sự đồng ý của chủ nhà, để các em cùng chúng tôi loan báo Tin Mừng. Như vậy, mỗi một người, một khi đã biết và tin Chúa theo trình độ của mình sẽ cùng người khác hợp thành cộng đoàn làm chứng cho Chúa.

ĐMHCG: Sau hai lần bị bắt vào bưng, nhà cửa, sách vở và bao công lao học hỏi, sưu tầm đều cháy sạch, các cha nghĩ gì về công việc đã làm ở Pleikly?
Lm. MẦU: Chúng tôi không cảm thấy bất ngờ khi được đưa vào bưng, vì chúng tôi đã chấp nhận trước những gì sẽ xảy đến cho chúng tôi. Có thể nói, việc bị bắt kết thúc một giai đoạn đầu. Những gì chúng tôi đã khởi đầu phải được quét dọn đi, để chúng tôi đặt vấn đề cho giai đoạn tới. Trong bước khởi đầu tất có những sai lạc, lỗi lầm, đượm nhiều cố chấp và đầy những thiên kiến. Những phương tiện chúng tôi dùng, có lẽ còn quá giàu, công việc chúng tôi làm có lẽ còn quá ỷ lại, những học hỏi còn quá nhiều thiếu thốn, nên Chúa đã cố ý thanh luyện chúng tôi. Còn nghĩ gì về những việc đã làm, tôi xin thú thật, chúng tôi đã làm được gì đâu mà nghĩ?
Lm. TÀI: Sau hai lần bị bắt, mất hết những gì trông thấy được: nhà cửa, những tài liệu sưu tầm học hỏi, ruộng vườn đang canh tác, những dự định, tạm thời rời xa nhóm Jrai thân hữu đang thành hình, tạm thời cắt đứt liên lạc với một số người bắt đầu chú ý tới Tin Mừng: chúng tôi đã chấp nhận điều đó ngay từ đầu, chúng tôi đã chấp nhận sự thất bại trước mặt loài người. Khi bom đạn giáng xuống trên đầu, khi đứng trước họng súng đầy đe dọa, khi bị những cơn rét thập tử nhất sinh hành hạ: chúng tôi nói với nhau và nói với Chúa: chúng tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả. Công cuộc truyền đạo nằm trong biện chứng chết --- sống lại, hủy diệt và tôn vinh của hạt lúa gieo xuống lòng đất (Jn 12,23-24), Philip 2,6-11). Chính những khổ cực đày đọa, thập tử nhất sinh đó mà chúng tôi nghiệm thấy cách thấm thía rõ ràng lời Phaolô hằng nhắc đi nhắc lại: “Chính lúc chúng tôi yếu là lúc chúng tôi mạnh” (2 Cr 12,10), mạnh bằng quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18), bằng quyền năng của Thần Khí (Rm 15,19). Chỉ e rằng chúng tôi còn giàu quá, mạnh quá bằng sự giàu có quyền năng của loài người. Chỉ e rằng chúng tôi đầy đủ phương tiện quá. Chúng tôi đây là những người đã chọn làm chứng bằng sự khó nghèo. Dĩ nhiên sẽ có những người chọn làm chứng cho Chúa bằng con đuờng khác, cũng cao cũng đẹp, và đòi hỏi nhiều phương tiện. Nhưng dầu sao chúng ta vẫn phải làm trong lòng vị tha quên mình, “hưởng thế gian như không tận hưởng” (1 Cr 7,31).
ĐMHCG: Xin các cha cho biết rõ hơn quan niệm của các cha về truyền giáo, và xin cho biết quan niệm đó bắt nguồn từ một cái nhìn nào về Hội Thánh?
Pt. TÍN: Danh từ truyền giáo của chúng ta thường được hiểu một cách quá hạn hẹp, quá vật chất nữa. Hoạt động truyền giáo của chúng ta trong nhiều trường hợp cũng rất hạn hẹp và vật chất: truyền giáo là thuyết phục, là lôi kéo người ta vào Đạo, là đưa người ta chịu phép Thanh Tẩy. Truyền giáo đối với chúng ta hình như là lý luận bằng lời nói. Hội Thánh đâu có dạy chúng ta làm như thế. Chúng ta cứ nhầm lẫn cá nhân với Hội Thánh, cá nhân không bao giờ là Hội Thánh được cả. Đúng hơn là chúng ta chỉ thấy một khía cạnh của vấn đề mà chúng ta tưởng đó là tất cả vấn đề. Chúng ta đã thấy được cái phụ thuộc mà chúng ta tưởng đó là chính yếu…
Vì thế nên chúng tôi đâm ra không thích hai tiếng truyền giáo. Theo kế đồ của chúng tôi được mạc khải trong Kinh Thánh, chúng ta được biết: vì yêu thương loài người nên Chúa Cha đã SAI Con một thành xác phàm… Con Một lại SAI các môn đồ, tức Hội Thánh, trong Thánh Thần: “Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi”, nói thế rồi Ngài thổi hơi trên họ và nói: “Hãy chịu lấy Thánh Thần…”. Vì thế chúng tôi thích tiếng sứ vụ hơn. Hay bất cứ tiếng gì có tiếng sai đi.
Hội Thánh được sai đến trong thế giới để tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô làm ÁNH SÁNG CHO MUÔN DÂN, dấu chỉ và nhiệm tích đại đồng của ơn cứu rỗi (Hiến chế về Hội Thánh số 48 và Sắc lệnh về Sứ vụ Truyền giáo của Hội Thánh). Và chúng ta cũng không quên được tầm ý nghĩa của Hiến chế Mục vụ Hội Thánh trong thế giới ngày nay… Hội Thánh làm chứng cho Nước Trời bình an và công chính, “làm chứng tá cho Chúa cho đến mút cùng mặt đất” (Cv 1,11). Làm chứng thì không phải thuyết phục là đủ. Nó còn là một cố gắng, một van nài cho “Nước Cha thể hiện, ý Cha được thành sự” (Mt 6,10) ngay nơi mình. Và nhờ đó sự cố gắng ấy, lời van nài ấy lại thành dấu chỉ, dấu chứng cho người khác thấy mà tin.
Đạo lý về Nước Trời cũng soi sáng cho hoạt động truyền giáo. Ý niệm Nước Trời, như thấy trong Tân Ước, rộng hơn ý niệm Hội Thánh. Hội Thánh là dấu chỉ của Nước Trời, mà dấu chỉ không diễn tả hết điều nó chỉ, không thể bao quát trọn vẹn mầu nhiệm. Chúng ta tin rằng Nước Trời đã thành tựu trong và nhờ Đức Yêsu Kitô. Vương quyền yêu thương của Thiên Chúa đã toàn thắng tất cả, đã kéo tất cả về một đầu một mối bằng một sức mạnh không gì cưỡng lại được (Jn 19,30 ; 16,33 ; Kh 5,6tt ; Ep 1,19tt). Vậy khi ta vâng lệnh Thiên Chúa mà công bố rằng: Nước Trời đã gần bên (Lk 10,9) thì không phải chúng ta nói suông, hay nói một điểm lý thuyết, hay quả quyết một cái gì chưa có, chưa xảy đến, mà là chúng ta chiêm nghiệm, chiêm ngưỡng một sự kiện đã có và đang xảy ra trước mắt ta. Chúng ta thấy dấu hiệu của Nước Trời đó ngay trong cái xã hội của những người mà chúng ta muốn thông chia Tin Mừng. Thế đứng bởi đó có thể bị đổi ngược: chúng ta thành những người đi tìm kiếm Nước Trời nơi người ngoại, nơi người ngoài. Ngoài Hội Thánh, thứ Hội Thánh hữu hình có cơ cấu, có tổ chức này. Và ở đây chúng ta thấy cái biện chứng gặp mãi trong các sách Tin Mừng: những kẻ ở ngoài mà lại ở trong, và những kẻ ở trong mà lại ở ngoài! Chúng ta khám phá ra một “Hội Thánh ngoài Hội Thánh” của những người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37), của đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32) của những cô gái điếm được vào nước thiên đàng trước các thầy cả và biệt phái v.v… Điều mà chúng tôi đã đụng chạm được khi sống với anh em Jrai và ngay cả trong bưng nữa. Tất cả anh em chúng tôi đã ngạc nhiên khi khám phá ra Nước Trời có mặt trong đó. Có thể nói, ở trong đó chúng tôi đã gặp người Samari nhân hậu, đã được “rao giảng Ting Mừng” rất nhiều, đã được Chúa buộc xét lại toàn bộ đời sống tín hữu, tu sĩ và linh mục của mình, xét lại toàn bộ đời sống Hội Thánh. Và đáp lại chúng tôi đã có thể nói về Chúa Kitô, về Hội Thánh một cách rõ ràng thẳng thắn thật hiếm có.(1)
Hội Thánh còn là Hội Thánh lữ hành, chưa đặt đến cùng đích, chưa đặt đến tầm vóc trưởng thành thật trong Đức Kitô nên còn chờ đợi trong rên siết sự hiển hiện của con cái Thiên Chúa (Rm 8,19-22) còn phải tìm kiếm mãi, tìm kiếm khắp nơi, cho đến tận cùng mặt đất…
Tóm lại là chúng ta phải có một sự khiêm hạ nào đó khi đi loan báo Tin Mừng. Từ bỏ hẳn thái độ bố thí, thái độ của kẻ có đem cho, thái độ của kẻ biết đi thuyết phục. Đã qua rồi thời kỳ đi truyền giáo với tâm não của những kẻ văn minh đi khai hóa cho dân mọi rợ. Đã qua rồi thời kỳ truyền giáo nương theo làn sóng thực dân, chinh phục, chiếm đất, nương theo quyền thế…
Lm. TÀI: Hội Thánh còn là Hội Thánh luôn bị động dưới sức mạnh của Thánh Thần thôi thúc chúng ta phải ra đi: có khi bỏ và luôn sẵn sàng bỏ 99 con chiên để ra đi kiếm một con. Và ở đây không phải là một con… Hội Thánh sứ đồ là Hội Thánh không nhà không cửa, không dừng chân khi chưa tới đích, thúc bách bởi lòng mến của Đức Kitô (2 Cr 5,14) để hòa đồng và thánh hóa mọi cơ cấu: “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1 Cr 9,16) và Hiến chế Hội Thánh: Ánh sáng muôn dân 17).
Lm. PHÁN: Cho tới hôm nay, công việc truyền giáo của nhóm chúng tôi còn một thiếu sót lớn và có thể nói là khá nguy hiểm: hiện nay vì hoàn cảnh thiếu an ninh nhóm anh em chúng tôi còn lại toàn là linh mục. Và khi mà công việc của sứ đồ, như anh Tín và anh Tài vừa nói, chỉ là cố gắng thể hiện mầu nhiệm Hội Thánh dấu chứng, cố gắng trình bày cho anh em Jrai hình ảnh Hội Thánh để họ tự nguyện nhập vào, thì sắc thái giáo sĩ của nhóm có thể làm cho anh em Jrai nhầm trưởng rằng công việc truyền giáo hay sứ mệnh làm chứng là công việc riêng biệt của một số người linh mục chứ không phải là công việc của toàn thể Cộng đoàn Dân Chúa: linh mục và giáo dân. Vì Hội Thánh là Dân Chúa chứ không phải chỉ là giáo sĩ, tu sĩ… Và như vậy khi nghĩ đến Hội Thánh họ dễ chỉ nghĩ  ngay đến mấy ông cha, tương tự ít nhiều như một số giáo dân người Kinh chúng ta lâu nay. Bao lâu chưa gầy dựng được một ê kíp sứ đồ khả dĩ trình bày ngay trong đời sống của mình bộ mặt thật của Dân Chúa, bấy lâu vẫn còn thiếu sót và nguy hiểm. Vì ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Lời giảng dạy không bao giờ thay thế được chứng tá của sự sống.
Xa hơn nữa, toàn thể Dân Chúa đã được triệu tập để được sai đi, nên không thể khoán trắng sứ mệnh truyền giáo cho một số người. Hội Thánh khắp nơi trên thế giới, và đối với anh em Jrai, Hội Thánh Chúa tại Pleiku, Phú Bổn, phải sống cái sứ vụ truyền giáo đó, để anh em Jrai thấy đâu đâu cũng là một Hội Thánh duy nhất. Công việc hơi đặc biệt của chúng tôi không thay thế sứ mệnh đó của Hội Thánh Chúa tại Pleiku, Phú Bổn. Trái lại, chứng tá của các cộng đoàn Hội Thánh trên “đất nước” Jrai này là chính yếu và không ai có thể thay thế được. Không có chúng tôi, anh em Jrai vẫn có thể đụng đầu với Hội Thánh ngay trên “đất nước” của họ, trong môi trường sống hằng ngày của họ. Có thể nói nhóm truyền giáo chúng tôi chỉ đóng vai phụ. Chính các cộng đoàn địa phương tại chỗ mới đóng vai trò chính và căn bản.
Đằng khác, nhóm anh em chúng tôi, giả sử có đầy đủ thành phần đến đâu, cho dù có cố gắng hòa mình thành Jrai với anh em Jrai đến đâu, chúng tôi vẫn là người Kinh. Chúng tôi vẫn không thể hiểu và cảm thông hết tất cả những giá trị chân thật cùng những khổ đau và khát vọng của anh em Jrai. Vì thế chỉ có người Jrai mới có thể truyền giáo cho người Jrai cách đầy đủ thật. Chính những anh em tín hữu Jrai phải lãnh lấy vai trò càng ngày càng trọng yếu trong công cuộc làm chứng, trong công việc truyền giáo cho sắc tộc mình. Không ai có thể thay thế họ được. Chúng tôi chỉ đóng vai trò khơi mào, vai trò xúc tác. Và trong công việc điều hành, lãnh đạo các cộng đoàn Jrai như vậy. Vị linh mục lãnh đạo các cộng đoàn phải lấy từ trong dân (Hr 4,15-16, 5,1-4). Đòi hỏi này đặt ra rất nhiều vấn đề hóc búa phải giải quyết. Nhưng đó là yêu sách của mầu nhiệm nhập thể: nhập thể Hội Thánh vào một sắc dân. Nơi đây, chúng tôi lại càng phải ý thức vai trò chỉ là “xúc tác” rất khiêm tốn của chúng tôi, biết rõ giới hạn khả năng và công việc của mình. Và tôi tưởng lúc mà Hội Thánh Chúa trong sắc tộc Jrai tạm đủ trưởng thành, thì vai trò của chúng tôi phải lu mờ dần… phải rút đi nơi khác hoặc trở về cộng đoàn gốc của mình với những bài học Tin Mừng cũng như đòi hỏi xác đáng và những vấn đề hóc búa mà sắc dân Jrai đã nêu cho chúng tôi, cho toàn thể Hội Thánh… để làm giàu và tươi trẻ Hội Thánh. Tuy vậy, sự liên đới của chúng tôi với anh em Jrai sẽ không phai mờ. Trái lại, đây sẽ là lúc mà chắc cũng như các thừa sai tây phương một khi về nước của họ, chúng tôi đặc biệt nhìn thẳng vào nguyên nhân sâu xa lâu nay hằng làm cản trở bước tiến của Hội Thánh Jrai, những não trạng và thể chế rộng lớn lâu nay hằng bóp chết mọi hy vọng phát triển của sắc dân thiểu số. Vì Hội Thánh còn phải chịu trách nhiệm về “tất cả những gì liên quan đến nhân phẩm con người” (Sứ điệp các giám mục Á Châu số 17).
ĐMHCG: Cha Phán vừa nhắc đến vấn đề phát triển và trách nhiệm bảo vệ nhân phẩm của Hội Thánh, xin các cha cho biết: các cha quan niệm thế nào về tương quan giữa công việc phát triển và truyền đạo?
Pt. TÍN: Ngày nay không thể nói tới loan báo Ting Mừng mà không nói tới phát triển. Phát triển và loan báo Tin Mừng không đối chọi nhau, không loại trừ nhau mà mật thiết đi đôi với nhau. Thông điệp Phát triển các dân tộc nói đến một sự phát triển con người toàn diện và liên đới. Trong số 21 bàn về lý tưởng phải theo đuổi, thông điệp vạch con đường phát triển khởi từ việc được tham gia đầy đủ vào đời sống con người đến việc được tham gia vào chính sự sống của Thiên Chúa như sau: “Một sự phát triển đích thực đối với con người cũng như đối với mọi người, là đi từ những điều kiện ít xứng với con người đến  những điều kiện xứng với con người hơn. Ít xứng với con người là thiếu thốn về vật chất cũng như về tinh thần và còn là bị những cơ cấu xã hội đè nén. Xứng với con người hơn, có nghĩa là làm cho con người từ nghèo đói đến no đủ, loại trừ các tệ đoan xã hội, mở rộng được kiến thức, hấp thụ được văn hóa. Xứng với con người hơn, còn có nghĩa là kính trọng nhân phẩm của người khác hơn, hướng về một tinh thần nghèo khó, mưu cầu ích chung, quyết tâm hòa bình. Xứng hợp với con người hơn, còn có nghĩa là con người nhìn nhận những giá trị tối cao và nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của mọi giá trị. Xứng hợp với con người hơn, sau hết và hơn hết, là: con người thành tâm đón nhận Đức Tin, tức là đón nhận ân huệ của Thiên Chúa, và hòa hợp các tâm hồn trong tình yêu của Đức Kitô, Đấng đã gọi chúng ta để được làm con, tham gia vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống, Cha của mọi người” (Phát triển các dân tộc số 21). Như vậy anh thấy công việc gọi là truyền đạo của chúng tôi ở đây không ra ngoài cái chương trình phát triển mà thông điệp đã vạch, và chương trình đó có khác gì với công việc truyền đạo của chúng tôi? Không thể tách rời công cuộc phát triển ra khỏi công cuộc truyền giáo. Comblin, nhà thần học của những nước chậm phát triển quả quyết: évangéliser, c’est humaniser: loan báo Tin Mừng tức là làm cho con người thành người hơn. Và nơi khác ông nói: trong những hoàn cảnh áp bức cách này hay cách khác, nói tới phát triển tức là nói tới giải phóng. Trong văn kiện gửi Thượng Hội Đồng Giám Mục. Hội Đồng Giáo Dân thế giới nói: “Linh mục không thể loại hẳn mọi lo lắng vật chất cho dân mình, nhất là tại những xã hội dẫy đầy chênh lệch bất công đòi linh mục phải dấn thân tranh đấu cho một sự công bằng tối thiểu…” (Sự cộng tác giữa linh mục và giáo dân số 11). Và trong hoàn cảnh mất an ninh của đất nước Jrai chúng tôi ở đây: bước đầu tiên của phát triển là hòa bình. Mà phải là hòa bình trong độc lập và tự do, bằng không chưa phải là phát triển thật.
Nhưng phát triển ngày nay đã trở thành một vấn đề rộng lớn và là một vấn đề chuyên viên. Chúng tôi ý thức và luôn tự cảnh giác rằng phát triển không phải là hoạt động chuyên biệt của chúng tôi, chúng tôi càng không phải là những chuyên viên phát triển. Có thể nói đó là một lựa chọn của chúng tôi, nếu không phải vì vai trò linh mục của chúng tôi thì cũng vì chúng tôi hoàn toàn không được đào tạo để làm công việc ấy. Vậy chúng tôi quan niệm đây là công việc của giáo dân: tìm kiếm và xây dựng Nước Thiên Chúa trong việc tổ chức, quản trị những thực tại trần thế (Hiến chế về Hội Thánh Ánh sáng muôn dân số 31) trong sự cộng tác với tất cả mọi người thiện tâm. Dấu chứng của Hội Thánh Đức Kitô có thể nói cũng tương tự như dấu chứng của chính Chúa Kitô, “Đấng sẽ đến”, là tất cả những gì  mà Chúa Yêsu đã dạy các môn đồ của Johan Tẩy Giả hãy tin lại cho thầy của họ: “Mù được sáng, què được đi, phong hủi được sạch, và kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, nghèo khó được nghe báo Tin Mừng” (Lc 7,18-23). Loan báo Tin Mừng cho người nghèo là sứ vụ đặc biệt của chúng tôi; nhưng những công việc đằng trước há chẳng phải là những công việc riêng biệt của giáo dân sao? Và ở đây anh lại thấy một lý do tại sao chúng tôi cần đến sự công tác của giáo dân. Kinh cũng như Thượng, giáo dân dấn thân giữa đời, cũng như tu sĩ nam nữ không phải là linh mục.
ĐMHCG: Xin các cha cho biết rõ hơn ước mong của các cha về phần đóng góp của người Kinh ngay tại Pleiku, Phú Bổn, hay của những người Kinh từ các nơi khác muốn dấn thân lên đây phục vụ anh em thiểu số Jrai?
Lm. PHÁN: Trước khi trả lời câu hỏi này, anh cho phép tôi trở lại một chút vấn đề người giáo dân hay tu sĩ nam nữ Kinh dấn thân phục vụ anh em thiểu số. Như anh Tín đã nói hồi nãy, đã qua rồi thời truyền giáo với tâm não những kẻ văn minh đi khai phá cho dân mọi rợ - vì sự kiện đã cho thấy người các nước văn minh cũng có nhiều chuyện mọi rợ và man rợ hơn, đã qua rồi thời truyền giáo nương theo làn sóng thực dân, nương theo quyền thế… Chính người Jrai phải khai hóa và tự giải phóng lấy người Jrai. Không ai có thể thay thế họ, và không ai được quyền thay thế họ. Các chuyên viên người Kinh chỉ là yếu tố xúc tác. Vấn đề là giúp cho người Jrai tự phát triển theo cá tính và bản lĩnh của họ cho kịp đà tiến của nhân loại, nhưng không phải là đồng hóa Jrai thành người Kinh. Vì như vậy cũng là một hình thức diệt chủng. Cần phải giúp họ khám phá những giá trị chân thực của dân tộc họ để bảo tồn và phát huy thêm, đồng thời gây nơi họ lòng tự tin cần thiết cho mọi công cuộc phát triển chân thực. Phải phát huy sự tự do và độc lập của họ. Vì đó là những gì căn bản, không gì quý bằng, không gì thay thế được. Bằng không chúng ta chỉ phát triển sự ù lì, tinh thần ỷ lại, tinh thần vô trách nhiệm… tức phát triển những món hàng nô lệ… Công đồng Vatican II đã nói: Trong các dân tộc có khi đã có những thói tục quản trị cộng đồng mà chúng ta phải rất thận trọng cứu xét để duy trì hay để cải tiến (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 69). Và trong sắc tộc Jrai thật sự có những giá trị nhân bản mà chúng ta phải tìm đọc cho ra để định hướng cho công cuộc phát triển anh em Thượng. Vấn đề mà chúng ta phải tự đặt mãi là: đâu là hình ảnh, là khuôn mẫu của cái xã hội mà chúng ta mà chúng ta muốn giúp họ tiến đến? Xã hội nào phù hợp với truyền thống của họ, trong đó họ có thể sống còn trong độc lập và tự do thật? Thiết tưởng, chúng ta phải đồng ý về điểm này để tránh cho những người được phát triển những kinh nghiệm đau thương mà qua lịch sử, xã hội loài người nói chung đã trải qua. Ví dụ chúng ta không thể phát triển với một xã hội sung túc nhưng xa xỉ vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, cạnh tranh theo kiểu cá lớn nuốt cá bé, sống chết mặc bây, không đếm xỉa đến nhân quyền…
Pt. TÍN: Còn sự ước mong của chúng tôi về sự đóng góp của tín hữu Kinh ngay tại Pleiku, Phú Bổn?... Là họ hãy làm chứng cho Tin Mừng không phải chỉ bằng lời nói (có người nói suông cũng chẳng chịu hay chẳng biết) nhưng bằng cả đời sống. Mạnh mẽ dứt khoát từ bỏ thái độ kẻ cả, miệt thị và có khi bóc lột người Thượng. Ví dụ đừng gọi người Thượng là “mọi” vì mình cũng mọi lắm. Bước đầu tiên này có nhiều người chưa bước nổi. Hãy tạo bầu khí kính trọng và hiểu biết nhau, sau đó chúng ta sẽ nói đến những gì có thể cùng làm cùng đóng góp… cho công cuộc truyền giáo và phát triển… Và ở các nơi khác cũng vậy, chúng tôi không bao giờ nhận tiền bố thí cho người Thượng. Vấn đề là mọi người phải chấp nhận cái quyền làm người của anh  em thiểu số với đầy đủ ý nghĩa và đòi hỏi của nó… Anh chỉ cần đến bất cứ một ngôi chợ, một bến xe đò nào trên Tây Nguyên này là anh thấy ngay những áp bức và xúc phạm đến nhân phẩm con người. Các tín hữu Chúa Kitô chỉ cần mở mắt để thấy và phản ứng theo Tin Mừng. Chúng tôi ước mong rất ít nhưng là những điều, phải thú nhận, rất khó, vì nói đòi thay đổi cả một lối nhìn, một não trạng, một thái độ sống.
ĐMHCG: Các cha quan niệm thế nào về trách nhiệm và chỗ đứng của chính những Kitô hữu Jrai trong lòng Hội Thánh Jrai mà các cha đương góp sức gầy dựng? Các cha đã nghĩ đến cách làm thế nào để chóng  thấy ngày chính người Jrai lãnh đạo cộng đoàn Hội Thánh Jrai ngày phải càng lớn mạnh?
Lm. MẦU: Vấn đề này đã được anh Phán đề cập sơ qua khi nói đến vai trò khiêm tốn của nhóm sứ đồ truyền giáo chúng tôi. Tôi xin nói rõ hơn: Mở lại Công vụ 6,1-6, ta thấy cộng đoàn tiên khởi đã chọn bảy tá viên và số tá viên này theo như Công vụ 6,8 là những người cầm đầu các nhóm tín hữu Hi hóa. Điều đó cho thấy, những cộng đoàn hi hữu đều có những người cầm đầu là người Hi hóa. Trong những cộng đoàn Jrai mới thành hình, không thể nào không đặt vấn đề đó. Chính người Jrai phải đặc trách những cộng đoàn Jrai. Điều này không có gì phải gây thắc mắc hiện nay cả. Các văn kiện Tòa Thánh về truyền giáo đã nói qúa rõ. Nhưng có thắc mắc đi chăng nữa là những điều kiện chọn những người đó phải như thế nào. Sau đây một vài điều chúng tôi suy nghĩ và thấy được diễn tả cách nôm na như sau:
- Không thể nào đợi đến khi đào tạo xong một người linh mục Jrai để đưa vào đặc trách một cộng đoàn Jrai, và đợi tới khi nào mới đủ?
- Vấn đề đặc trách một cộng đoàn nhỏ không đòi hỏi phải có một kiến thức đầy đủ như giáo luật định được.
- Người đặc trách cộng đoàn không bắt buộc phải ở độc thân như các tu sĩ.
- Họ phải được ủy quyền đầy đủ để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn của họ.
- Họ không nhất thiết phải là vị đặc trách vĩnh viễn.
- Vấn đề sinh sống và an ninh xã hội cho gia đình họ v.v…
Những vấn đề này phải giải quyết như thế nào? Một mình chúng tôi không đủ thẩm quyền để trả lời… Phần chúng tôi, hiện nay, chúng tôi chủ trương một tinh thần đồng trách nhiệm và đồng lao cộng tác với nhau trên lĩnh vực truyền giáo.
Pt. TÍN: Sau khi đã được nghe và tin theo Tin Mừng, người tín hữu Jrai liền có bổn phận loan báo Tin Mừng ấy cho đồng loại. Họ là những tín hữu có tư cách nhất, có thẩm quyền nhất để làm chứng và diễn tả Tin Mừng theo tình tự dân tộc họ… Chúng tôi phải nhường chỗ cho họ lớn lên. Vả lại chúng tôi còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các làng xa khác nữa (Lc 4,43). Mối quan tâm của Hội Thánh trong những xứ truyền giáo là làm sao cho có một hàng giáo phẩm địa phương. Đây là một trong những vấn đề phải thích nghi: phải thích nghi cái gọi là hàng giáo phẩm với truyền thống, văn hóa, hay ít nữa giai đoạn hiện tại của dân Jrai. Hiện tại họ không có linh mục Jrai, và cũng chưa tìm ra tiếng để diễn tả phần vụ ta gọi là linh mục. Chả nhẽ gọi linh mục là “ông thầy cúng” hay “ông tụng kinh”! Còn dịch tiếng linh mục thẳng tắp ra tiếng Jrai thì nó sẽ thành “người chăn linh hồn”: vừa dài dòng, rùng rợn và buồn cười (đối với người Jrai, dĩ nhiên). Thiết tưởng để giải quyết vấn đề lãnh đạo một cách hợp lý cho những cộng đoàn tín hữu Jrai, chúng ta phải trở về nguồn, trở về với những hội thánh sơ khai thời các tông đồ. Những phần vụ trong Hội Thánh là những phần vụ nào? Những phần vụ ấy được trao cho những ai? Trao cách nào? Và được thi hành như thế nào? v.v…
Trong những bước đầu của Hội Thánh Jrai, chúng ta có thể làm theo những hội thánh thời các tông đồø hay không? Tôi tưởng nếu ta giải đáp được câu hỏi đó, tức chúng ta đã bắt đầu tìm ra những giải pháp cho vấn đề các thừa tác viên trong những cộng đoàn tín hữu Jrai. Trong hoàn cảnh ngày càng thiếu linh mục lên Tây Nguyên --- (mà nếu có thì những người lên Tây Nguyên là để truyền giáo chứ không phải để làm cụ xứ) --- mà lại phải trông chờ một linh mục Jrai với hàng chục năm đào tạo văn hóa, triết lý, thần học, một linh mục đúng luật lệ hiện hành thì thật là tai hại… cả đôi đàng. Chúng ta phải tìm cho ra điểm ưu tiên.
ĐMHCG: Như vậy, các cha có thấy trước những khó khăn hay có thể nói những đụng độ không thể tránh được mà các cộng đoàn sắp gầy dựng từ lòng đất Jrai sẽ gặp phải khi tiếp xúc và hòa mình với những cộng đoàn cổ truyền đã có sẵn lâu này không?
Pt. TÍN: Rất đồng ý với anh là vấn đề tôi mới trình bày có thể gây đụng độ trong trường hợp mà những cộng đoàn tín hữu Jrai cảm thấy thật sự cần một thừa tác viên Jrai được quyền cử hành cả nhiệm tích thánh lễ mà lại được miễn trừ những giai đoạn đào tạo hay những luật lệ áp dụng cho các linh mục trong Hội Thánh Công giáo chẳng hạn… Nhưng tôi tưởng, chữ “đụng độ” không xác đáng. Đúng hơn phải nói là “gây vấn đề”.    
ĐMHCG: Đồng ý! Nhưng khi các cộng đoàn cổ truyền không thấy được đó là một vấn đề suy nghĩ và xét lại chính tổ chức hay đời sống của họ lâu nay, thì vẫn không có chuyện “gây vấn đề” như các cha cầu mong mà chỉ có chuyện gây đụng độ thôi.
Lm. MẦU: Phải rồi, nhưng chuyện đó không phải là lỗi của cộng đoàn Jrai. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Trong Tin Mừng Chúa cũng nói “trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ”. Vấn đề chấp nhận phải ở hai chiều. Dân tộc Jrai chỉ có thể chấp nhận Hội Thánh khi Hội Thánh chấp nhận họ. Chúng tôi phải gọi những người Jrai là người gì khi họ bị ép buộc cởi bỏ tất cả những gì là của họ để nhận những gì không phải là của chung Hội Thánh, nhưng chỉ có những cách thức suy nghĩ, ăn mặc, thờ phượng của người Hy Lạp, La Tinh, Pháp, Tây Ban Nha hay người Kinh? Điều này có thể đi xa, vì mỗi khi có một cộng đoàn mới bước vào, các cộng đoàn cũ phải đặt lại vấn đề, phải làm một cuộc kiểm thảo, nhiều khi thay đổi một vài chuyện, đôi lúc có thể phải tự làm một cuộc cách mạng để xem lại lòng tin của mình và những cách thức diễn tả lòng tin đó. Điều này thường xảy ra đều đều trong lịch sử Hội Thánh, khởi đầu từ Công đồng Jerusalem I ngày thời các tông đồ, và trước đó với vụ nhập đạo của gia đình Cornêliô.
Lm. TÀI: Tôi tưởng cũng không nên quan trọng hóa vấn đề một cách quá đáng. Như chúng ta thấy, những khó khăn, hay những đụng độ có thể xảy ra giữa những cộng đoàn mới và cũ, chắc sẽ không phải là những đụng độ trong nền tảng của lòng tin, nhưng chỉ là trong cách diễn tả lòng tin: Đọc kinh cáo mình, người Jrai không đấm ngực, vì đối với họ đấm ngực là một cử chỉ kiêu căng phách lối. Ấy là chưa nói đến thói tục của con nhà có đạo chưa chắc đã hợp với đức tin thật. Một người Jrai đã ngạc nhiên phì cười khi nghe một tín hữu Bahnar nói phải giữ lại tấm khăn trắng ngày rửa tội để khi con nó đau ốm thì đắp lên cho nó. Thấy mấy người Kinh đứng nghiêm trang, miệng lâm râm trước một động đá, người Jrai hỏi: họ thờ đá hả? --- Không đó là những tín hữu cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ. Tại sao cuối thánh lễ bằng tiếng Kinh linh mục lại nói: Lễ xong, anh em hãy ra về bằng an, còn trong tiếng Jrai lại nói: Chúa Kitô sai phái, anh em hãy ra đi, hãy lên đường?
Những thắc mắc của bên này và của bên kia, như trên đã nói, những thắc mắc, những khó khăn đó thường thường thuộc về kỹ luật và cách diễn tả lòng tin. Theo nguyên tắc, những khó khăn như thế không đưa tới đụng độ. Công đồng quả quyết Thiên Chúa đã nói với loài người theo mẫu văn hóa của mỗi thời đại (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 44 và 58). Các cộng đoàn Kitô giáo phải được trang bị bằng những kho tàng văn hóa của dân tộc mình (Sắc lệnh Sứ vụ Truyền giáo số 15 và 22). Đời sống của Kitô hữu phải hòa hợp với tinh thần và đặc tính của mỗi nền văn hóa (Sắc lệnh Sứ vụ Truyền giáo số 22). Vấn đề đặt ra là liệu tất cả các giáo hội phải rập khuôn theo một Giáo Hội Jerusalem, hay một Giáo Hội Rôma không? Sẽ chẳng có đụng độ nếu có những người bảo thủ như Jacôbê, vị lãnh đạo của một hội thánh bảo thủ như Hội Thánh Jerusalem mà lại có thể viết cho Giáo Hội Antiokia, Syri và Kilikia là những giáo hội mới do những nhà truyền giáo trẻ mang tên Barnaba, Phaolô thành lập, rằng: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định không chất thêm gánh nặng nào cho anh em …” (Cv. 15,28).
ĐMHCG: Như vậy, các cha tin chắc là sự gia nhập vào Hội Thánh của các dân tộc thiểu số với sắc thái đặc biệt của họ có thể làm cho Hội Thánh thêm giàu có phong phú và tươi trẻ thêm lên mãi?      
Lm. MẦU: Không tươi trẻ thế nào được, khi những cộng đoàn mới đem theo vào Hội Thánh một lối suy nghĩ về đức tin riêng biệt của họ, một cách thờ phượng độc đáo. Họ đem đến Hội Thánh một sức nồng nhiệt phục vụ cho Thiên Chúa mà có lẽ các giáo hội cổ xưa đã dần dần đánh mất, một nỗ lực học hỏi tìm kiếm không ngừng mà các giáo hội lâu đời có thể đã quên mất khi tưởng rằng mình đã nắm chắc chân lý muôn thuở. Khỏi cần nhắc đến những tiến triển mà khoa thần học cũng như nhiều khoa học thánh khác đã có được nhờ những vấn đề hóc búa mà công việc truyền giáo, và các cộng đoàn mới đã nêu lên.
Dĩ nhiên, khi nhận một người con mới vào trong gia đình, phải có những xáo trộn, những đau đớn… nhưng đau khổ sẽ đổi thành vui mừng khi thấy Nước Trời lại được thêm đông.
Lm. TÀI: Thật ra xác tín đó không phải của riêng chúng tôi mà là xác tín của Hội Thánh. Hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng số 58,4 đã nói: “Kiên vững trung thành với truyền thống của mình, và đồng thời ý thức sứ vụ đại đồng của mình. Hội Thánh có thể thông hiệp với những nền văn minh khác nhau: đó là nguồn phong phú cho chính Hội Thánh và cho những nền văn hóa khác nhau”. Sắc lệnh Sứ vụ Truyền giáo còn nói: “Rập theo kế đồ Nhập Thể, các Hội Thánh trẻ (mới) một khi đã được đâm rễ sâu trong Đức Kitô và được xây dựng trên nền tảng các tông đồ sẽ thực hiện một cuộc trao đổi tuyệt diệu là hội nhập tất cả những sự phong phú của mọi dân tộc được ban cho Đức Kitô làm cơ nghiệp. Các giáo hội mới lấy từ nơi những phong tục và truyền thống, nơi sự khôn ngoan hiểu biết, nơi nghệ thuật và khoa học của dân tộc họ, tất cả những gì có thể đóng góp vào việc tổ chức đời sống Kitô hữu cho xứng hợp…” (Sắc lệnh Sứ vụ Truyền giáo số 22).
Sự tự do của nhà truyền giáo và của các hội thánh mới đối với những cơ cấu cũ là một cơ hội cho Hội Thánh phá vỡ cái vỏ cứng ngắc của mình, lột xác để bộ mặt của Hội Thánh được luôn tươi trẻ.
Cheoreo, tháng 08 năm 1972
P.N.V ghi

(Còn tiếp … mời xem phần 4)
Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT

(Nguồn: giaophankontum)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét