Dân tộc Jẻ-Triêng (còn có các tên gọi khác như Giẻ(Dé), Triêng (T’Riêng), Vẻh, Bnoong (Mnoong), Cà Tang, Giang Rẫy, Tà Trẽ) cư ngụ ở bắc Tây Nguyên, thuộc địa bàn các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông hiện nay của tỉnh Kon Tum và một số ít ở các huyện miền núi kề cận thuộc tỉnh Quảng Nam.Người Jẻ- Triêng có dân số đứng hàng thứ 3 trong các dân tộc thiểu số bản địa ở Kon Tum, khoảng hơn 30 ngàn người (sau Xơ Đăng, Bah Nah). Tàn tích mẫu hệ còn in rõ qua tập tục cưới hỏi. Một làng dân tộc Jẻ-Triêng dưới chân núi Ngọc Linh (KonTum). Con gái Jẻ-Triêng, chừng 10 tuổi trở lên bắt đầu được cha mẹ dạy bảo những việc chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân sau này.Cô gái được mẹ dạy dệt vải để may áo cho mình và làm của hồi môn tặng chồng và cha mẹ chồng trong ngày cưới. Đặc biệt, cũng từ lúc này, cô gái phải thường xuyên vào rừng, chọn chặt mang về nhà những bó củi đẹp, đều tăm tắp, dài chừng 6-8 tấc, có nhà nghiên cứu gọi là Củi hứa hôn, nhưng thực ra phải gọi là Củi cưới mới đúng, bởi khi chuẩn bị những bó củi đó, cô gái đã hứa hôn với chàng trai nào đâu.Củi đó là để dùng trong ngày hôn lễ và cũng để ngầm chứng tỏ cho trai làng khi nhìn vào những bó củi chất ở đầu nhà cô gái biết về phẩm chất giỏi giang,chịu thương chịu khó của cô gái sắp bắt chồng.Những bó củi của cô gái càng đều,càng óng nuột thì cô càng được trai làng để ý và như thế cô sẽ dễ chọn cho mình người chồng ưng bụng nhất.Củi chuẩn bị cho lễ cưới phải đủ 100 bó, thường là loại gỗ Dẻ, là loại củi cháy đều, than đượm. Củi này sẽ được nhà gái dùng để đốt lên, nướng những chú chuột đồng khô để mời dân làng, lễ vật mà nhà trai mang đến trong ngày cưới. Nhà trai có thể nhìn đống Củi cưới để đánh giá mức độ siêng năng, chăm chỉ của cô dâu tương lai.Tuy nhiên, trong trường hợp đã đến ngày cưới mà cô gái chưa chuẩn bị đủ 100 bó củi thì chị em gái trong nhà có quyền cho nhau mượn củi để bắt chồng.Đây có lẽ cũng là một biệt đãi nữ quyền của dấu vết chế độ mẫu hệ còn sót lại.Nếu lễ vật của cô gái là Củi cưới thì lễ vật lễ vật bắt buộc của chàng trai Jẻ-Triêng cho nhà gái là chuột khô và phải đủ 100 con. Một trăm con chuột phơi hoặc sấy khô cùng với vòng bạc, vòng đồng, gùi, thổ cẩm là lễ vật không thể thiếu của chàng trai Jẻ-Triêng cho nhà gái trong ngày cưới. Điều khác biệt trong việc chuẩn bị lễ vật ở đây là, khi đến ngày cưới mà cô gái chưa có đủ 100 bó củi, cô có thể mượn của chị em trong nhà thì ngược lại, chàng trai phải có đủ 100 con chuột do tự mình bắn hoặc bẫy được, không được nhờ hoặc mượn của người khác. Khi một cô gái ưng cái bụng với chàng trai nào đó, cô sẽ thủ thỉ với ông mối, bà mối là người trong làng có duyên ăn nói, có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc. Bà mối,ông mối sẽ nói lại với chàng trai.Nếu chàng trai cũng ưng bụng thì họ thông qua bà mối ông mối hẹn hò gặp gỡ ở trên rẫy, bến nước hay ở Nhà Rông của làng để tâm tình.Gái trai chưa chồng chưa vợ có quyền ngủ chung ở Nhà Rông để tìm giấc mơ yêu.Ngủ chung nghĩa là chỉ đắp chung tấm đắp để ngủ, tuyệt đối không được đi quá giới hạn. Họ rủ rỉ tâm tình đến khi cùng đi vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ, nếu có giấc mơ đẹp, tức là Yàng (Trời, Thần) đồng ý, nếu giấc mơ xấu, họ tiếp tục đến ngủ chung, khi nào gặp giấc mơ đẹp là được.Họ đã có thể ước định ngày tổ chức lễ cưới. Thiếu nữ Jẻ-Triêng trong lễ hội. Mùa cưới của trai gái Jẻ-Triêng là vào những tháng cuối năm và những tháng trước mùa mưa Tây Nguyên (trước tháng 4 Dương lịch hàng năm). Đây là thời gian rảnh rỗi, mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đã được đưa hết vào kho.Các lễ hội cổ truyền của dân tộc Jẻ-Triêng cũng thường diễn ra trong thời gian này.Trai gái sau khi đã ưng cái bụng làm đám cưới thì thông báo cho ông bà mối, ông bà mối sẽ thông báo cho cha mẹ hai bên để ấn định ngày cưới.Cha mẹ trai gái Jẻ-Triêng thường thuận theo tình cảm của con cái, hiếm có trường hợp nào cha mẹ cấm cản hôn nhân của con mình. Đám cưới của trai gái Jẻ-Triêng do nhà gái chủ động tổ chức trong 3 ngày.Ngày đầu tổ chức tại nhà Rông do nhà gái mời dân làng.Chuyện ăn uống do nhà gái lo.Dân làng mang hàng trăm ghè rượu đến chung vui.Ngày thứ 2 tổ chức ở nhà gái.Chàng trai đem 100 con chuột khô làm đồ sính lễ cùng với vòng đồng, vải thổ cẩm, gùi. Nhà gái mời già làng nướng con chuột đầu tiên trên than hồng, sau đó dân làng cùng nướng chuột làm thức ăn chung vui.Củi cưới của cô gái được đốt lên nướng chuột .Ngày thứ 3 tổ chức ở nhà trai, xong chàng trai tạm biệt gia đình sang ở nhà gái.Bởi tính cộng đồng của hầu hết các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, ngày cưới của trai gái Jẻ-Triêng là ngày hội vui của cả làng, không thiếu một ai. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ ở luân phiên hai bên nhà trai, nhà gái, khi có đủ điều kiện vật chất thì tách ra làm nhà ở riêng bên phía nhà gái hoặc nhà trai tùy ý của đôi vợ chồng. Hôn nhân của gái trai Jẻ-Triêng là hôn nhân bền vững, rất hiếm có chuyện ly hôn, kể cả đến ngày nay. Đám cưới cũng là thời điểm mai mối cho các đám tiếp theo.Hôm nay, du khách đến các làng dân tộc Jẻ-Triêng ở các huyện thuộc bắc tỉnh Kon Tum, nhìn thấy những đống củi đều tăm tắp rất đẹp xếp vuông vắn ngoài sân hoặc bên hông nhà, sẽ biết chắc chắn rằng chủ nhân có con gái đã đến tuổi cập kê, chuẩn bị bắt chồng./. Bài và ảnh: Tôn Bảo |
(Nguồn: CTTĐTTKT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét