Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Lễ hội Nước Giọt của người Bah Nar - Rơ Ngao



 
Người Bah Nar là một trong 6 dân tộc bản địa của tỉnh Kon Tum có số dân đông thứ 2 sau dân tộc Xơ Đăng. Người Bah Nah có hai nhánh chính là Bah Nah Rơ Ngao (Bah Nah ở thấp) và Bah Nah Ji Lâng (Bah Nah ở cao). Do tập tục từ xưa, người Bah Nah xưa không đào giếng lấy nước sinh hoạt, nhưng họ cũng không tùy tiện lấy nước ở bất kể sông suối nào để dùng cho việc ăn uống, mà họ thường tìm những mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra để nước đảm bảo độ tinh khiết. Thân cây Lồ ô lớn được đục thông các mắt, đâm sâu vào lòng núi có mạch nước để dẫn nước ra. Những điểm lấy nước đó dân làng gọi là Nước Giọt (hay Giọt nước). Chiều chiều, các bà, các chị ra mang gùi ra Nước Giọt lấy nước. Họ hứng nước vào vỏ các quả bầu khô hoặc các ống lồ ô (một loại nứa thân rỗng) gùi mang về phục vụ sinh hoạt của cả gia đình.Nước mang về nhà chỉ dùng để uống và nấu ăn, còn việc tắm giặt thực hiện ngay ở Nước Giọt. Từ xa xưa, Nước Giọt có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, do vậy, hàng năm hầu hết ở mỗi làng Bah Nah đều tổ chức Lễ hội Nước Giọt(U Drô Klang đak) dọn dẹp, sửa sang lại Giọt nước và cúng Thần Giọt nước hết sức long trọng.                            
 
Việc chuẩn bị đã xong, Lễ Giọt nước đã sẵn sàng.
 
Trước khi tổ chức Lễ Nước giọt, công việc không thể không làm là sửa sang, dọn dẹp lại các Giọt nước và sửa chữa lại Nhà Rông, ngôi nhà chung của làng.Làng có mấy Giọt nước đều phải dọn lại cho sạch sẽ, phong quang. Sửa xong Giọt nước, Nhà Rông, Già làng định ngày làm lễ Nước giọt và thông báo cho dân làng để mọi nhà đóng góp vật chất làm lễ.Trước đây việc đóng góp làm lễ hoàn toàn tự nguyện, nhà nào có gì góp nấy, nay do Già làng quy định cho mỗi nóc nhà theo hai mức: Nhà có đủ vợ chồng và nhà người già cả, neo đơn. Con vật hiến sinh không thể thiếu trong lễ Nước giọt là Trâu (hoặc bò, dê) và gà trống. Những ngày chuẩn bị diễn ra lễ hội là những ngày dân làng sống trong không khí náo nức, chờ đợi.
 
 Con vật hiến tế đã đến với Yàng.
 
Lễ hội Nước giọt diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên, từ sáng sớm, già làng chỉ huy đám thanh niên trai tráng dựng cột Nêu ở chính giữa khoảng sân rộng trước Nhà Rông. Chỉ năm nào có trâu, bò, dê làm lễ hiến tế thì mới dựng cột Nêu còn năm nào mất mùa, đói kém thì không dựng Nêu.Trong khi dựng Nêu, dân làng lũ lượt gùi đến Nhà Rông gạo, củi, rau, bí, củ quả đều là những sản vật các gia đình tự làm được cùng hàng trăm ghè rượu to nhỏ đủ cỡ sắp thành hàng trên Nhà Rông. Heo, gà, vịt cột lại bỏ dưới gầm Nhà Rông. Tiếp đến, các bà, các chị xuống Giọt nước gùi về hàng trăm ống nước để chế rượu cần và dùng cho việc nấu nướng. Khi ông mặt trời chuẩn bị khuất núi, con vật hiến tế được dẫn ra buộc vào cột Nêu. Vòng chiêng xoang đã sẵn sàng. Già làng đứng hướng về Nhà Rông khấn mời thần linh về chứng giám và dự lễ với dân làng. Dứt lời khấn của Già làng, âm thanh cồng chiêng nổi lên rộn rã, vòng Xoang (múa) dịch chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ đúng 3 vòng. Nghi thức mời Yàng (thần linh)về dự lễ đã xong.Hai ghè rượu cần được mang đến để dưới cột Nêu.Già làng uống làm phép Cang rượu đầu tiên, sau đó mọi người chuyền tay nhau uống cần rượu.Đêm đó, mọi người tụ tập ở Nhà Rông, nằm ngồi quanh trụ Nêu uống rượu cần, gõ cồng chiêng, tâm tình, ca hát đồng thời bàn bạc công việc ngày hôm sau.
 
Tinh mơ hôm sau,Già làng trong trang phục lễ hội truyền thống làm lễ hiến sinh. Những lời khấn rì rầm bầy tỏ với các Yàng (thần linh): Yàng núi, Yàng Sông, Yàng Lúa, Yàng nước,Yàng Nhà Rông…ước nguyện của dân làng và mời thần linh về chứng giám, thụ hưởng lễ vật hiến sinh. Dứt lời khấn, vòng chiêng xoang chuyển động một vòng.Một ngọn giáo dài được dâng lên Già làng. Già làng múa những động tác nghi lễ quanh con vật hiến sinh rồi đâm một nhát làm phép. Đám thanh niên trai tráng reo hò vang trời, nhảy múa và vung những nhát dao, kiếm đâm chém vào con vật. Con trâu (bò) sùi bọt mép lồng lộn.Năm vòng chiêng xoang rộn rã vừa dứt thì cũng là lúc con vật hiến sinh gục xuống, đến với Yàng.
 
 
Trang trí Giọt nước trước ngày lễ.
 
Sau lễ hiến sinh, dân làng ai vào việc đó.Đám thanh niên trai tráng thì mổ trâu, mổ heo, làm gà, vịt; các bà, các cô thì bắc bếp, gọt bí, đi gùi nước. Điều đặc biệt là dân làng không dùng nước sôi để làm lông các con vật mà họ chất củi quanh mình con trâu, con heo để đốt, rồi dùng dao cạo sạch. Gà, vịt thì nhúng nước cho ướt rồi quăng vào đống lửa cho vừa đủ độ nóng thì mang ra tuốt sạch lông.Thịt các con vật phần lớn được chia đều cho từng nóc nhà, phần xương và lục phủ ngũ tạng còn lại để nấu cả làng ăn chung trong 3 ngày lễ hội. Khách đến làng dịp này cũng được chia phần như thành viên trong làng.Đầu trâu, đầu heo lớn nhất được gác trên cây Nêu, bốn góc là bốn con gà trống còn sống để cúng Giàng.Đội chiêng xoang lại đứng thành vòng tròn quanh cây Nêu. Già làng khấn: “Ơ Yàng! Dân làng chúng tôi tạ ơn Yàng, cầu xin Yàng đừng quên dân làng chúng tôi.Hãy thương dân làng chúng tôi, cùng uống rượu cần, cùng ăn miếng thịt, đói cùng đói, no cùng no.Dân làng mong muốn sang năm có cái đầu trâu to hơn,đầu heo lớn hơn để cúng Yàng. Ơ Yàng !”
 
Dứt lời khấn của Già làng, đội chiêng xoang dịch chuyển một vòng duy nhất. Lễ cúng Yàng Đak (Thần nước) năm ấy của làng kết thúc.
 
  Hàng trăm ghè rượu xếp hàng trong Nhà Rông.
 
Buổi chiều và cả ngày hôm sau là Hội, thời gian vui tột cùng của dân làng.Rượu cần, cơm ống, thịt nướng và những món ăn được chế biến theo cách thức truyền thống được mang ra mời khách cùng dân làn ăn uống cộng cảm.Khi men rượu cần đã chuếnh choáng là lúc âm thanh cồng chiêng vào cuộc và những vòng Xoang uyển chuyển lại nối tiếp nhau, thâu đêm. Những làn điệu dân ca và cả những sáng tác ngẫu hứng được dịp thăng hoa, tùy thích.Cả làng ngất ngây, tưng bừng trong men rượu và âm thanh cồng chiêng rộn rã. Khách đến làng trong dịp này cũng được tiếp đón như những người thân lâu ngày trở về làng.
 
Lễ Giọt nước của người Bah Nah Rơ Ngao ở Kon Tum là lễ hội truyền thống hàng năm.Nếu bạn yêu thích và muốn tìm hiểu về văn hóa các dân tộc bản địa Trường sơn -Tây Nguyên và thưởng thức những món ăn dân dã núi rừng, hãy đến với Tây Nguyên vào dịp cuối năm dương lịch, khi mùa máng đã thu hoạch xong. Lễ hội càng tưng bừng đối với những năm mưa thuận gió hòa, được mùa, no đủ./.
 
Bài và ảnhTôn Bảo

(Nguồn: CTTĐTTKT)                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét