Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Lên Bắc Tây Nguyên thưởng thức rượu t’ve


Ở xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, muốn uống rượu, đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng chỉ cần vào rừng, lấy nước của một loài cây, bỏ vỏ cây rừng cho lên men, vậy là đã có thể cùng cạn chén say sưa. Người dân ở nơi này gọi đó là rượu t’ve hay còn gọi là rượu cây, được lấy từ cây t’ve. Nếu một lần thưởng thức món rượu thiên nhiên, dân dã này sẽ nhớ mãi, mong rằng năm sau sẽ lên lại để chung vui với những người dân thật thà, nồng hậu, chân chất và mến khách. 
Du khách thưởng thức rượu cây t’ve.
Rượu quí dùng để đãi khách
Đã từ lâu lắm rồi, theo những bậc cao niên trong làng kể lại, từ đời ông đời cha của họ đã biết sử dụng nước từ cây t’ve làm rượu đãi khách quý. Để sở hữu rượu t’ve, người dân nơi này kể lại nhiều câu chuyện khá lý thú, đại ý: Tổ tiên hàng ngàn đời của họ cũng sống chung với cái nương, cái rẫy, hằng ngày lên rừng săn con mang, con nai... Trong làng có chàng thanh niên tính tình hiền hậu, hết mực thương yêu ba mẹ, bà con lối xóm, sẵn sàng giúp đỡ những người yếu thế đơn côi. Bỗng một hôm chàng trai đi lạc vào rừng, vừa đói vừa khát, thấy con chim vừa hót vừa gõ mỏ vào buồng quả của một loài cây. Chàng trai lên hái quả, nhưng quả đắng không ăn được, nhưng từ buồng có nước tiết ra và uống vào có vị ngọt. Bỗng trong rừng xuất hiện một con chim lạ mỏ rất dài cất tiếng kêu t’ve, t’ve... chàng vội cất bước đi theo thì thấy hàng trăm con chim lạ này đang mổ mỏ vào một thân cây. Thấy lạ, chàng trai lấy vỏ cây bỏ vào nơi tiết  ra nước và dùng loại nước này cho người dân trong làng uống thấy khoẻ khoắn lạ thường. Kể từ đó, người dân biết dùng rượu t’ve và truyền lại cho người Xê Đăng trú tại xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô cho đến ngày hôm nay.
Người Xê Đăng cho rằng, đây là rượu của Giàng cho nên khi cây đầu tiên trên rừng cho rượu phải làm lễ cúng Giàng bằng một con gà, phải biết quí trọng, rượu đã rót là uống hết, không bỏ phí và phải chia sẻ, chung vui cùng mọi người thì Giàng mới cho rượu nhiều. Khi uống rượu, người Xê Đăng nơi đây không cụng ly, mà lần lượt khách và người lớn uống trước, uống theo chiều kim đồng hồ. Ly dùng để uống rượu được cắt từ ống nứa trong rừng. Uống mỗi lần 2 ly (02 uống nứa), một ly lớn và một ly nhỏ như sự thuỷ chung giữa vợ và chồng ! Hiện mỗi lít rượu t’ve bán từ 10 đến 15 ngàn đồng, nhưng người dân lấy rượu trên rừng về để đãi khách khứa, quà biếu, chưa trở thành sản phẩm hàng hoá. Chị Y Nghi trú tại làng Đăk Manh, xã Đăk Rơ Nga, một người được người dân phong là “kiện tướng” sản xuất giỏi, trong tay gia sản có gần chục ha cao su, mấy ha cà phê - cho biết: ”Rượu t’ve uống ngon hơn rượu ghè, phụ nữ, trẻ con đều uống được. Người dân ở đây và nhiều nơi khác cũng thích uống lắm, nhiều người hỏi mua, bán 15 đến 20 ngàn đồng/lít, nhưng bây giờ không có bán, để bà con trong làng, khách đến uống thôi”. Ở một nơi xa xôi, hiểm trở, điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội còn khó khăn như xã Ngọc Tu, huyện Đăk Tô giá mỗi lít rượu từ 15-20 ngàn đồng là khoảng thu nhập không nhỏ đối với người dân nơi đây nhưng vì lòng hiếu khách, họ sẵn sàng leo ngược lên đỉnh Ngok Tăng để chiều lòng du khách say quên cả đường về !
 
Lấy rượu trên ngọn cây Long Krê.
Gian nan đường lên núi Ngok Tăng
Cả xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô khoảng 8 hộ gia đình trú tại làng Đăk Manh và Đăk Dé sở hữu vườn rượu quí trên đỉnh Ngok Tăng cao chót vót. Nhìn từ xa, cánh rừng xanh thẳm ngút ngàn tầm mắt. Cả xã Ngọc Tụ chỉ có mỗi già A H Voi là người có kinh nghiệm bậc nhất biết lấy nước từ thân cây long krê và vỏ cây t’ve tận rừng sâu của núi Ngok Linh hùng vĩ, đưa đoàn 8 người lên núi lấy rượu t’ve. Dụng cụ già A Hvoi mang theo để lấy rượu quý chỉ có vẻn vẹn con dao đi rừng, chiếc gùi đựng một ít vỏ cây t’ve. Cung đường từ xã Ngọc Tụ đến đỉnh Ngok Tăng khoảng 5 km, đường gập nghềnh, những vết thương lở loét của cơn bão số 9 năm 2009 vẫn còn hằn đậm trên từng bước chân. Hàng trăm hòn đá to nhỏ nằm lởm chởm, nhiều gốc cây cổ thụ bị gió bão xô nghiêng chắn ngang lối lên rừng… Vượt qua vách núi dựng đứng, tay quẹt mồ hôi đang nhễ nhại trên khuôn mặt, bà Y Ngheo trú tại làng Đăk Dé, xã Đăk Rơ Nga- cho biết: ”Hàng chục năm qua, đây là lần thứ 2 trong cuộc đời của mình, già được leo lên đỉnh Ngok Tăng. Mệt, nhưng vui lắm”. Tôi hỏi: Thế già có leo lên cây lấy rượu không ? “Ồ không, lấy rượu chỉ có đàn ông , thanh niên thôi. Mình là phụ nữ, đàn bà mà lấy rượu là giàng phạt, không cho cây ra nước nữa”-bà Y Ngheo giải thích. Hành trình của đoàn tiếp tục vượt qua quãng đường dài gần 1 km ken kín bởi lau, lách, lồ ô, nứa… Ông A Dăm đột ngột dừng lại, dùng chiếc rựa đi rừng ngắm nghía chọn 2 cây lồ ô, thân xanh, ống to, chặt làm 4 đoạn, mỗi đoạn 2 mắt lồ ô. Sau đó, A Dăm dùng thân cây gỗ đục xuyên qua mắt ở giữa. Thấy lạ, người cùng đi trong đoàn thắc mắc:”Già lấy thân lồ ô làm gì ?”. ”Ồ, chút nữa có thứ mà mình đựng rượu chứ, rượu chứa trong ống lồ ô còn tươi thì giữ được mùi thơm, giữ được hương vị lâu. Rượu rừng chứa trong can nhựa không ngon đâu”- ông A Dăm giải thích.
Quy trình “cất rượu”
Để có được rượu t’ve thơm ngon, người Xê Đăng ở xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô phải trài qua một thời gian mày mò, tìm kiếm khá công phu. Đến được đỉnh Ngok Tăng cao chót vót, sau cơn bão thảm khốc của cơn bão số 9 năm 2009, nơi này còn sót lại 07 cây long krê, tất cả các cây này đều có thể chiết xuất lấy rượu. Cây long krê dáng giống cây dừa mọc trên vách đá dựng đứng. Cây long krê 10 năm trưởng thành bắt đầu trổ buồng, kết trái, nhưng không phải cây nào cũng có thể chiết xuất lấy nước. Kinh nghiệm quan sát từ hàng ngàn đời nay, người dân sẽ biết cây nào cho rượu. Cứ tầm từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch, vào buổi chiều sâm sẩm, người dân trong làm chuẩn bị đi lấy rượu. Để lấy được rượu, người dân dùng những thân cây lồ ô bắc chênh vênh bên sườn núi, làm nhiều bậc thang bắc đến ngọn cây long krê. Anh bạn đi cùng ngước nhìn người dân chưng cất rượu từ trên đỉnh cây long krê rơi cả mũ xuống đất. Khi phát hiện cây long krê tiết nước, người Xê Đăng cắt 2/3 buồng quả, lấy máng từ bẹ thân cây nứa hứng từng giọt, từng giọt nước rỉ ra từ thân cây chảy vào dãy ống lồ ô treo lủng lẳng phía dưới. Nước được chiết xuất từ thân cây long krê vốn dĩ đã đậm đà, song bỏ vỏ cây t’ve vào lên men thì hương vị càng đậm đà, ngây ngất. Hương vị rượu t’ve ngọt hay đắng tuỳ thuộc vào lượng vỏ cây t’ve dùng lên men rượu ít hay nhiều. Một tuần thì người dân thay ống lồ ô, nếu để lâu thì nước chứa trong ống lồ ô chua, hương vị không thơm ngon. Tìm vỏ cây t’ve là bí truyền của người dân nơi đây. Muốn có được loại vỏ cây này, người dân phải vào tận rừng sâu của dãy Ngọc Linh, bóc tách toàn bộ vỏ, sấy khô trên bếp lửa nhà sàn.  Ông A H’Voi-chủ nhân của hai cây long krê lấy rượu cho biết:”Ngay cả loại dao dùng lấy rượu phải được rèn từ loại thép tốt nhất, người thợ rèn giàu kinh nghiệm nhất trong vùng làm nên. Loại dao này không được dùng vào bất cứ việc gì, nếu dùng vào việc khác thì giàng phạt, cắt vào cây thì không tiết nước nữa”.
Thưởng thức rượu t’ve giữa đại ngàn.
Chia tay những người dân thật thà, chân chất và mến khách, tôi nhớ mãi bài hát của nghệ nhân A Nghĩa, làng Đăk Manh, xã Ngọc Tụ : ”Lên rừng cùng nhau uống rượu cây. Chúc nhau một ly uống cho say. Dù bạn từ nơi phương xa đến. Chúng ta là anh em bạn hữu. Rượu t’ve gắn kết thâm tình”. Nơi đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, ngồi uống rượu giữa rừng xanh bạt ngàn cùng với những con người mộc mạc, chân thành, càng yêu quí từng tấc đất thiên nhiên của Tổ quốc, nơi nào cũng đẹp như tranh.
Bài, ảnh: Phan Cư
(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét