Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ ĐẮK CHÔ


[Ban truyền thông giáo phận xin giới thiệu bài viết của  anh MINH SƠN về Giáo Xứ Đăk Chô, nhân dịp mới đặt viên đá xây dựng nhà thờ Đăk Lung 21.2.2012 vừa qua. Tuy không đầy đủ, nhưng anh  MINH SƠN cố công tìm hiểu vùng đất đã xin tòng giáo từ lâu và có bề dày lịch sử hình thành Giáo xứ đầy đức tin sống động, và anh hùng. Ban truyền thông mong ước được thêm bài nghiên cứu sâu sắc hơn về vùng đất đầy mồ hôi và máu của các vị linh mục cũng như tín hữu anh em dân tộc Sơ-đăng trong suốt 170 năm tính từ ngày 1.1.1852, cha Dourisboure rửa tội cho một em nhỏ Sê đăng hấp hối.  
XIN  KÍNH GIỚI THIỆU]

 LƯỢC SỬ GIÁO XỨ ĐẮK CHÔ

GIỚI THIỆU
Địa giới giáo xứ Đắk Chô (giáo hạt Đắk Mót, giáo phận Kon Tum) ngày nay trải rộng trên địa bàn thuộc 3 xã: xã Kon Đào, xã Ngọk Tụ và xã Đắk Rơ Nga của huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum.
Từ thành phố Kon Tum, theo quốc lộ 14 đi lên hướng Bắc đến thị trấn Đắk Tô, thẳng hướng tỉnh lộ 672 đến xã Kon Đào, đi tiếp (hướng Tu Mơ Rông) qua khỏi Kon Đào hơn 6 km, gặp ngã ba Kon Bring rẽ trái vào một con đường tương đối lớn và đi khoảng 1,5 km nữa là tới nhà nguyện Đắk Chô – trung tâm của giáo xứ, thuộc xã Ngọk Tụ, huyện Đắk Tô.
Hình 1: Nhà nguyện giáo xứ Đắk Chô (xã Ngọk Tụ)
Hiện tại giáo xứ Đắk Chô có 3 giáo điểm:
-Đắk Lung có các làng: Đắk Lung, Kon Đào I và Kon Đào II (thuộc xã Kon Đào);
-Đắk Chô có các làng: Kon Bring, Đắk Chô, Đắk Nu, Đắk No, Đắk Tông, Đắk Tăng (thuộc xã Ngọk Tụ);
-Đắk Manh có các làng: Đắk Manh I, Đắk Manh II, Đắk Dé, Đắk Bung, Đắk Kon, Đắk Gle (thuộc xã Đắk Rơ Nga).
Toàn giáo xứ có 5.897 tín hữu, trên tổng số dân là 6.484 người (số liệu năm 2010). Cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Sê đăng.
Bổn mạng giáo xứ: Thánh Phêrô tông đồ (mừng kính vào ngày 29/6 hằng năm).
Cha sở hiện tại (từ 14.3.2010…) là linh mục Bênêđictô Nguyễn Văn Bình.

1. LOAN BÁO TIN MỪNG CHO VÙNG ĐỒNG BÀO SÊ ĐĂNG
Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 170 năm, khi công cuộc loan báo Tin Mừng trên miền Tây Nguyên đạt được kết quả ban đầu, vào năm 1851, Đức Cha Cuénot Thể đã thành lập 4 trung tâm truyền giáo tại miền Kon Tum: Kon Trang là 1 trong 4 trung tâm, nằm ở hướng Bắc, nơi sinh sống chủ yếu của cư dân Sê đăng, được trao cho cha Dourisboure (Ân) phụ trách. (Ba trung tâm còn lại là: Kon Kơxâm – hướng đông, sắc dân Jơlơng; Plei Chư: hướng nam, sắc dân Jrai; và Rơhai: sắc dân Rơngao – Bahnar, ở chính giữa).
Trung tâm truyền giáo Kon Trang, cửa ngõ dẫn vào vùng cư dân Sê đăng phía Bắc Kon Tum thuở ấy là một vùng rừng núi mênh mông, xa xôi hiểm trở, bị ngăn cách bởi địa hình đồi dốc và sông suối. thường xuyên mất an ninh. Sê đăng là sắc dân hiếu động, mạnh mẽ, có ngôn ngữ đặc thù, và là sắc dân đông nhất tỉnh Kon Tum (Theo thống kê năm 2009, người Sê đăng ở Kon Tum có dân số 104.759 người, chiếm 24,4 % dân số toàn tỉnh. x. “Nét văn hoá của đồng báo Sê đăng”, gpkontum.wordpress.com).
Tuy vậy, anh em Sê đăng là những dự tòng đầu tiên của miền đất truyền giáo Kon Tum:
-Ngày 1.1.1852, cha Dourisboure rửa tội cho một em nhỏ Sê đăng hấp hối.
-Ngày 16.10.1853, ngài rửa tội cho Giuse Ngui và Gioan Pát, hai dự tòng Sê đăng đầu tiên, tại Kon Trang. (x. Dourisboure, DÂN LÀNG HỒ, Saigon 1972, tr. 69 và 95).
Từ đây cộng đoàn tín hữu đầu tiên tại vùng Sê đăng hình thành. Một cộng đoàn nhỏ bé với quá nhiều thử thách từ mọi phía. Từ năm 1857, năm cha Doursboure rời nhiệm sở Kon Trang cho đến năm 1884, thực sự là một giai đoạn thử thách. Trong vòng 27 năm (1857 – 1884), vùng truyền giáo Sê đăng hầu như “dậm chân tại chỗ” mà không tiến triển chút nào.
2. LÀNG DAK CHÔ VÀ CÁC LÀNG LÂN CẬN ĐÓN NHẬN ĐỨC TIN
Năm 1884 đánh dấu bước khởi động trở lại với việc cha Irigoyen (Hương) được gởi đến vùng truyền giáo này. Với những cố gắng không mệt mỏi, cộng với một tâm hồn tông đồ đầy nhiệt huyết, cha Irigoyen đã thu gặt được những thành quả khích lệ. Dần dần các làng Sê đăng xin tòng giáo.
Năm 1891, làng Kon Hring đón nhận Tin Mừng. Làng Kon Hring lúc đó là một làng đông dân (800 dân) ở cách Kon trang 30 cây số về hướng Bắc.
Năm 1904, nhiều làng lân cận khác xin trở lại đạo. Kon Hring trở thành một trung tâm của một địa sở mới. Cha Bonnal (Bổn) được chỉ định ở tại đây phụ trách địa sở này, chính thức vào ngày 4.4.1904.
Ngày 21.9.1905, làng Dak Kơna cách Kon Hring khoảng 15 cây số về hướng bắc xin tòng giáo. Cha Bonnal và chú Giáo phu làng Kon Hring bắt đầu công việc của mình, sau khi dân làng Dak Kơna cất xong ngôi nhà nguyện bằng tre.
Khoảng một tuần sau, 4 làng tiếp theo xin nhập đạo: đó là các làng Dak Rơnu, Dak Tô, Kon Bring và Dak Chô. Vậy năm 1905 được xem là khởi điểm cho hành trình đức tin của giáo xứ Dak Chô ngày nay. Người Sê đăng bắt đầu quay lưng từ bỏ tà thần, để trở nên con Thiên Chúa.
3. HỌ ĐẠO DAK CHÔ TRONG LÒNG GIÁO HỘI (ĐỊA SỞ DAK KƠNA)
Tháng 10.1905, cha Vialleton bề trên miền Kon Tum, quyết định những làng mới vừa trở lại đạo trong vùng phía bắc Kon Hơring, từ nay lập thành một địa sở mới: địa sở Dak Kơna, với làng Dak Kơna làm trung tâm.
Như vậy, làng Dak Chô trực thuộc địa sở Dak Kơna, bắt đầu một hành trình đức tin mới với biết bao thử thách. Do chính sách có phần khắc nghiệt của chính quyền Pháp đối với vùng Sê đăng này đã làm duyên cớ cho bao nghi kỵ, chống đối. Nhân sự giáo phận eo hẹp, cha Bonnal trải qua thời gian dài hoạt động, như bị vắt kiệt sức, ngài thường xuyên đau ốm. Hơn nữa, tính kiêu hãnh của dân Sê đăng đã làm cho họ có phần trở nên chai lì, nguội lanh. Báo cáo của cha Bonnal về làng Dak Chô thời gian đó như sau:
“Làng Đak Chô ở cách xa chỗ tôi (làng Dak Kơna) nhất mà người ta quan sát đúng đắn và chính xác thấy họ đã tham dự những vụ cướp bóc, mà đến ngày nay đã quen thói, từ khi đó đã tỏ ra ít sốt sắng theo đạo đàng hoàng. Tôi đem chú giáo phu của tôi tại Đak Rơnu về, sai đến Đak Chô. Thấy những lạm  dụng đã có trong làng này, với tất cả lễ độ, nhã nhặn theo bản chất, chú cố làm cho họ hiểu rằng cuộc sống và tập tục của họ không tương hợp với giới luật của đạo. Họ không chấp nhận lời chỉ giáo đó. Tôi phải rút chú và đặt nơi khác, nơi mà chú làm việc tốt đẹp nhất. Theo Chúa quan phòng, người con của chú ở làng Kon Trang, một thanh niên trẻ tuổi, thông minh, can đảm, biết đọc, tận hiến hy sinh làm chú giáo phu cho làng Dak Chô này. Ban đầu, dân làng tỏ ra ít thiện cảm, nhưng từng bước một, nhờ sự khôn ngoan biết sống của mình, chú đã thành công thuyết phục họ; và bây giờ, hình như chú đã đổi được tâm hồn làng này”.
(x. “Tiểu sử nho nhỏ của Địa sở Dak Kơna”, La Mission de Pays-Mois en 1939, Impr. Bx. Cuenot, Kontum. Lược dịch: Lm Nguyễn Hoàng Sơn).
Năm 1918, sức khoẻ của cha Bonnal suy sụp, ngài được thuyên chuyển về Phương Quý, mục đích để tĩnh dưỡng. Các làng thuộc địa sở Dak Kơna lại được cha già Irigoyen (Hương) ở Kon Hring kiêm nhiệm. Tiếp đến năm 1920 có cha Hutinet (Nhì) đến giúp một thời gian.
Tháng 2.1921, cha Lardon (Trọng) đến phụ trách địa sở Dak Kơna, 3 năm sau ngài đau yếu và qua đời. Cha Louison từ Kon Trang phải lên giúp tạm thời từ năm 1923.
Ngày 24.4.1924, cha Phaolô Crétin (Xuân) được chỉ định phụ trách địa sở Dak Kơna. Phía các xứ ngoại vẫn luôn luôn đóng kín. Từ năm 1905 đến 1924,  25 năm đã trôi qua mà địa sở cũng vẫn vỏn vẹn chỉ gồm có 5 làng như lúc ban đầu!
Từ năm 1932, ơn Chúa tuôn đổ dồi dào trên vùng truyền giáo Sê đăng này. Chúng tôi xin tóm lược lại tường thuật đón nhận Tin Mừng của làng Dak Rơman Iop, khởi đầu cho một loạt ơn trở lại của các làng thuộc giáo xứ Dak Chô và Dak Mót ngày nay:
Một ngày nọ trong tháng 3.1932, làng bên lương Dak Rơman Iop cách Dak Chô 5-6 cây số đang tổ chức lễ hội. Một trong số chú giáo phu sốt sắng Phêrô Drê đến với họ. Trong lúc các gia trưởng họp trong nhà rông, chú khuyên nhủ họ theo đạo. Rất ngạc nhiên, họ chất vấn cho qua loa nhưng đầy thiện cảm.
Chú vội về cách đó 10 cây số để trình lại cho cha sở. Ngài ngạc nhiên vì cách đó không lâu, cha có đến làng này khuyên họ, nhưng họ chối khéo.
Ngài ấn định đến thăm, cuộc đón tiếp niềm nỡ. Họ khẳng định lại  muốn xin “đọc kinh”. Chú giáo phu giàn xếp mọi việc và tiến hành phá Yang như đã thoả thuận. Mọi người vui mừng.  (x. sđd).
Từ khởi động đầu tiên này, liên tiếp trong mấy tháng đầu năm 1932, địa sở Dak Kơna  từ 5 làng Công giáo vọt lên 12 làng; dân số từ 700 người giờ đây là 2.064 người, gồm tín hữu và những người muốn tòng giáo. Họ bằng lòng cho con họ dưới 7 tuổi được rửa tội; họ chấp thuận làm nhà nguyện trong làng họ và đa số họ ghi tên vào sổ dự tòng. Đó là các làng: Dak Rơman Iop, Dak Rơman Peng, Dak Long, Dak Mot, Dak Tơmbiu, Dak Rơlang. Đến cuối năm có 3 làng khác nữa trở lại: Dak Tong, Dak Mot Kram và Dak Brao.
Những năm kế tiếp, 20 làng nữa tòng giáo với 1.844 tín hữu.
 
Hình 2: Bản đồ Địa sở Dak Kơna
(Trích “Tiểu sử nho nhỏ của Địa sở Dak Kơna”, La Mission de Pays-Mois en 1939,
Impr. Bx. Cuenot, Kontum
4. DAK CHÔ THÀNH ĐỊA SỞ ĐỘC LẬP

Tháng 3.1936, Đức cha Jannin (Phước) quyết định chia tách địa sở Dak Kơna ra thành 2 địa sở mới:
-Địa sở Dak Chô, phía đông dọc theo quốc lộ 14, có họ Dak Chô như trung tâm điểm.
-Địa sở Dak Môt, phía tây ngã sông Pơkô, có làng Dak Mot quan trọng làm trung tâm.
Cha Phaolô Renaud (Ái) được bổ nhiệm đặc trách địa sở Dak Chô, gồm 13 họ đạo, có 4 họ đạo cũ và 9 họ đạo mới, với 1.108 giáo dân và 894 dự tòng. Thánh bổn mạng của địa sở: Thánh Phêrô tông đồ.
Cha Phaolô Crétin (Xuân) nhận địa sở Dak Mot gồm trung tâm cũ Dak Kơna và 8 họ hoàn toàn mới, với 917 giáo dân và 952 dự tòng. Thánh bổn mạng địa sở Dak Mot là Thánh Phaolô tông đồ. (Trung tâm cũ Dak Kơna trở nên một họ đạo lẻ sáp nhập vào địa sở Dak Mot).
 
Hình 3: Bản đồ các địa sở trên miền Sê đăng
(Trích “La Mission de Pays-Mois en 1937”, Impr. Bx. Cuenot, Kontum)
a/ GIAI ĐOẠN 1936 – 1975: Trưởng thành trong thử thách
Dak Chô là một làng gần 250 dân, nằm ở phía tây bắc cách thành phố Kon Tum 60 cây số, ven quốc lộ 14 – con đường giao thông quan trọng để đến với Tây Nguyên và vùng cực bắc Tây Nguyên. Cư dân là người Sê đăng.
Cha Renaud (Ái) đến Dak Chô vào Phục Sinh 1936, ở trong một túp lều tranh, do giáo dân của ngài dựng nên. Ngôi nhà rất đơn sơ, gồm 2 phòng nhỏ, 1 dành cho cha sở, một dành cho người giúp việc. Cách đó 100 mét là một nhà nguyện nhỏ, đơn sơ như trong bao sở họ khác. Cha sở và giáo dân ấp ủ nguyện ước xây dựng một cơ sở khá hơn, xứng với trung tâm của một địa sở lớn đang trên đà phát triển. Địa sở mới này được đâm chồi nảy lộc nhờ sự trở lại của một số làng: Dak Hrâp, Dak Brei gồm những xóm Dak Kơxa, Dak Rơmo và Dak Rơta Ie.
Năm 1937, địa sở Dak Chô có 13 họ đạo, 1.104 tín hữu (4 Kinh). (x. La Mission de Pays-Mois en 1937, Impr. Bx. Cuenot, Kontum).
Cha sở đầy hăng say, giáo dân đồng lòng góp công góp sức, lên rừng đốn cây gỗ đem về xây cất ngôi thánh đường và nhà xứ mới, rộng rãi, chắc chắn. Một gác chuông nhỏ đơn sơ với ngọn tháp thẳng hướng trời cao. Ngôi nhà thờ mới được Đức Cha Jannin làm lễ khánh thành vào Phục Sinh năm 1939. Hai ngày sau, Đức Cha ban Bí tích Thêm Sức cho 314 người.
Năm 1939, địa sở Dak Chô có 17 họ đạo với 1.340 tín hữu. (x. La Mission de Pays-Mois en 1939, Impr. Bx. Cuenot, Kontum)
Năm 1940 – 1941, có cha Tađêô Lê Văn Nhạn đến phụ tá.
Năm 1946, thế chiến II kết thúc, linh mục Curien (Kim) phụ trách địa sở một thời gian. Năm này số giáo dân là 1.465 người, dự tòng là 694 người.
Năm 1948, cha Renaud một lần nữa trở lại đảm nhận địa sở này.
Năm 1949, địa sở có 14 họ đạo, 1.679 tín hữu (có 6 tín hữu Kinh), 466 dự tòng. (x. Echos 8/1949, tr. 8).
Năm 1955, địa sở có 9 họ đạo, 1.258 tín hữu, 12 chú Giáo phu. (x. Hlabar Lich Misiô Kt sanăm 1956)
Năm 1956, địa sở có 18 họ đạo, 2.093 tín hữu, 23 chú Giáo phu.
Năm 1958, địa sở có 13 họ đạo, 2.188 tín hữu dân tộc, 14 tín hữu Kinh; 794 dự tòng; 15 Giáo phu.
(x. Lịch Công giáo địa phận Kon Tum, các năm liên hệ).
Năm 1967, chiến tranh leo thang, ngôi nhà thờ của giáo xứ Dak Chô bị bom tàn phá bình địa, chỉ còn một đống gạch đá đổ nát. Biến cố Tết Mậu Thân 1968, giao tranh xảy ra ác liệt, giáo dân phải tạm lánh về Dak Tô. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, giáo dân vẫn cố gắng qui tụ, thực hành kinh nguyện và sống đạo trong điều kiện có thể.
 
Hình 4 & 5: Vết tích trụ bê tông và gạch đá bể nát của Nhà thờ Dak Chô
Xây dựng 1939 – Bị bom tàn phá 1967

Năm 1969, sau thời gian sống chết với đoàn chiên, cha Renaud chuyển về Toà Giám Mục Kon Tum. Cha Arnould (Nhu) đến thay thế nhận nhiệm sở Dak Chô và Kon Hnong, giữa hoàn cảnh sôi sục chiến tranh.
Sau “mùa hè đỏ lửa” 1972, vùng Dak Tô mất an ninh. Dân chúng trong vùng chạy loạn đến nhiều nơi khác nhau. Giáo dân Dak Chô di tản đến Plei Manăng, tỉnh Phú Bổn (Ayunpa ngày nay). Cuối năm 1974, số giáo dân là 3.456. Năm 1975 số giáo dân 3.427 người.
b/ GIAI ĐOẠN 1975 – 2012: Kiên trung tiến bước trong hy vọng
Sau tháng 5.1975, hầu hết tất cả tín hữu hồi cư về làng cũ sinh sống tại huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Cũng có một số ít đi nơi khác, một số nữa ở lại sinh sống tại Ayunpa ngày nay.
Do hoàn cảnh chung của giáo phận thời kỳ này: thiếu linh mục trầm trọng, cơ sở tôn giáo không còn. Một thời gian quá lâu không nhà thờ, không linh mục, cộng với chính sách thắt chặt đối với tôn giáo tại vùng này: các linh mục không được phép đến các làng trước đây để dâng thánh lễ, ban phép bí tích; không được phép dựng nhà nguyện, dù chỉ là nhà nguyện đơn sơ…
Dù vậy, cộng đoàn vẫn giữ vững đức tin, vẫn duy trì cầu nguyện, nhờ sự giúp đỡ can đảm của các chú Giáo phu. Giáo dân luôn tìm dịp về Nhà thờ Chính toà Kon Tum dự Thánh lễ, nhất là Lễ Dầu, Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh, cũng như lãnh nhận các Bí tích cần thiết. Nhưng cũng thật nhiêu khê, mỗi lần đi về như thế thường bị phạt làm kiểm điểm, phạt tiền, lao động công ích.v.v. Về phía Giáo Hội,  Đức Giám mục Địa phận cố gắng xin nhà nước nhiều lần cho một linh mục đảm trách toàn vùng này nhưng chưa được giải quyết. Do vậy, giai đoạn 1975 – 1997, giáo xứ được chăm sóc mục vụ từ các cha sở Chính toà. Từ 1986 – 1997, linh mục phụ trách là cha Giuse Nguyễn Thanh Liên.
Từ 1997 – 2003: Cha Simon Phan Văn Bình đặc trách tín hữu dân tộc Sê đăng, nhưng chỉ từ xa (nhà thờ Chính toà).
Từ 2003 – 2010: cha Calistô Bá Năng Lý và cha Antôn Vũ Đình Long đến dâng lễ tại Kon Đào được 5 lần rất khó khăn.
Với ưu tư lo lắng cho anh chị em tín hữu vùng sâu vùng xa, đang gặp bao khó khăn thiếu thốn, vào tháng 2.2007, Đức Cha Micae đã đến thăm giáo xứ Dak Chô và ngài đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện Dak Nu (thuộc giáo xứ Dak Chô). Đây là thánh lễ đầu tiên tại làng Dak Nu sau hơn 40 năm vắng bóng linh mục quản xứ.
Mãi đến năm 2008, giáo xứ Dak Chô mới có thánh lễ tại chỗ, do cha Calistô Bá Năng Lý ở Kon Hơring, đặc trách vùng Sê đăng, chủ tế. Mỗi tháng một lần, vào Chúa nhật đầu tháng hay cuối tháng, cha đến dâng lễ luân phiên tại các địa điểm khác nhau trong giáo xứ.
Ngày 14/3/2010, Cha Bênêđictô Nguyễn Văn Bình được Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Đắk Chô (gồm 3 xã: Kon Đào, Ngọc Tụ, Đak Rơnga, thuộc huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum), với số giáo dân là 5.952 người. Kể từ đó, hàng tuần tại giáo xứ có Thánh lễ vào Chúa Nhật và Thứ Năm.
Hình 6 & 7: Thánh lễ đầu tiên tại làng Kon Bring, Thứ năm Tuần Thánh 2010
Là một linh mục trẻ, đầy nhiệt huyết tông đồ, cha Bênêđictô Nguyễn Văn Bình không những lo lắng cho cộng đoàn về mặt thiêng liêng, ngài còn lo lắng tìm mọi phương thế để giáo dân có nơi phượng tự, học giáo lý…Từ trước tới giờ, nhà nguyện được dựng lên tạm bợ, trên đất mượn của giáo dân. Vừa nhận nhiệm sở, ngài đã hăng hái cùng với cộng đoàn bắt tay vào việc, tìm mảnh đất mới, gom góp vật liệu…bất chấp gặp rất nhiều cản trở, cấm đoán từ phía chính quyền huyện, xã. Nhờ ơn Chúa giúp, với sự cộng tác đắc lực của giáo dân, từ tháng 5 – 12/2010, cả 3 giáo điểm Đắk Chô (xã Ngọk Tụ), Đắk Lung (xã Kon Đào) và Đắk Manh (xã Đắk Rơ Nga) đều có ngôi nhà nguyện mới, tuy còn đơn sơ, thiếu thốn, nhưng cũng đáp ứng nhu cầu dâng thánh lễ của mỗi cộng đoàn. Hàng tuần, linh mục chính xứ chia thời gian đến 3 nơi để cử hành thánh lễ và làm việc mục vụ.
Hình 6: Nhà nguyện Đắk Chô (xã Ngọk Tụ)
Hình 7: Nhà nguyện Đắk Lung (xã Kon Đào)
 Hình 8: Nhà nguyện Đắk Manh (xã Đắk Rơnga)
Tại làng Đắk Chô – trụ sở chính của giáo xứ, và làng Đắk Manh, cha sở và giáo dân cũng đã xây dựng được nhà xứ, tuy nhỏ hẹp nhưng khá khang trang, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.
Hình 9: Nhà xứ Đắk Chô (xã Ngọk Tụ)
Hình 10: Nhà xứ Đắk Manh (xã Đắk Rơ Nga)
            Cha sở cũng lo lắng thành lập và củng cố một vài hội đoàn trong giáo xứ, như thành lập Lêgio Maria, Hội Lòng Thương Xót Của Chúa.v.v.
Ngày 21.2.2012, nhờ ơn Chúa thương, qua bao tháng ngày khó nhọc và kiên nhẫn, cuối cùng giáo xứ cũng được chính quyền đồng ý cho xây một ngôi nhà thờ tại làng Đắk Lung (tức làng Tea Long theo tiếng Sê đăng). Đức Cha Micae và các linh mục trong giáo phận đã đến dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ. Vị trí nhà thờ sắp xây không phải tại vị trí nhà nguyện Đắk Lung hiện tại, mà là gần nhà nguyện cũ. Một niềm vui cho cộng đoàn giáo xứ Đắk Chô, mở ra hy vọng sẽ sớm xây dựng 2 nhà thờ nữa tại làng Đắk Chô và làng Đắk Manh, khi điều kiện thuận lợi.
Giáo xứ Đắk Chô đang kiên trung tiến bước trong hy vọng với niềm tin sắt son vào tình thương của Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Thánh bổn mạng Phêrô tông đồ – đá tảng vững chắc của Giáo Hội hoàn vũ, cách riêng Giáo Hội tại vùng Bắc và cực Bắc Kon Tum của đồng bào Sê đăng và các dân tộc khác, đang sinh sống và loan báo Tin Mừng cho hết thảy mọi người.
5. THỐNG KÊ
BẢN THỐNG KÊ 1 : GIÁO XỨ ĐẮK CHÔ
(x. Echos de la Mission tháng 9/1948)
TÊN HỌ ĐẠO
Năm tòng giáo
Linh mục phụ trách
Năm phục vụ
Dak Chô1905Cha Bonnal1905
Dak Tô1905Cha Irigoyen1918
Dak Bring1905Cha Lardon1921
Dak Rơnu1905Cha Louison1923
Dak  Rơman1932Cha Crétin1924
Dak Long1932Cha Renaud1937
Dak Brao1933Cha Lê Văn Nhạn1940
Dak Brei1934Cha Renaud1941
Dak Tong1933Cha Curien1946
Dak Hmeng1934Cha Renaud1948
Rang Ria1935  
Kon Du1935  
Dak Hrâp1938  
Kon Hnong1942  



BẢN THỐNG KÊ 2 : GIÁO XỨ  ĐẮK CHÔ từ 1937-1975
(x. Lịch Công giáo Địa phận Kon Tum, các năm liên hệ)
NămLinh mục phụ tráchSố họ đạoSố giáo dânDự tòngGiáo phu
1937Cha Renaud (Ái)
13
Dt: 1.100; Kinh: 4
  
1939- nt -
17
1.340
  
1947Cha Curien (Kim) 
1.465
694
 
1949Cha Renaud
14
Dt: 1673; Kinh: 6
  
1955- nt -
9
1258
 12
1956- nt -
18
2093
 23
1958- nt -
13
Dt: 2.188; Kinh: 14
749
15
1966- nt -
9
2.111
136
 
1970Cha Arnould (Nhu)
9
1.577
58
 
1973Di tản về Plei Manăng (Ayunpa)    
1974nt 
3.456
  
1975  
3.427
  

BẢN THỐNG KÊ 3:       DANH SÁCH QUÍ GIÁO PHU GIÁO XỨ ĐẮK CHÔ
Stt
Tên
Làng
Ghi chú
Trước năm 1975
01
A-Đre
Đắk Chô
đã qua đời
02
A-Rôn
Đắk Chô
nt
03
A-Đan
Đắk Chô
nt
04
A-Klo
Đắk Chô
nt
05
A-Grim
Đắk Chô
nt
06
A-Meng
Đắk Chô
nt
07
A-Ruê
Đắk Chô
còn sống
08
A-Nguang
Đắk Manh
nt
09
A-Hoa
Đắk Nu
đã qua đời
10
A-Thanh
Đắk Nu
nt
Sau năm 1975 đến nay
01
Marxel. A-Bien
Kbring
đang phục vụ
02
Pơlê. A-Liau
Kbring
nt
03
Anna. Y-Nin
Kbring
nt
04
Maria. Y-Hmeo
Kbring
nt
05
Juxe. A-Bier
Đắk Chô
nt
06
Nicôla. A-Miu
Đắk Chô
nt
07
Anna. Y-Hyung
Đắk Nu
nt
08
Anna. Y-Nghĩa
Đắk Nu
nt
09
Pêtrô. A-Thông
Đắk Tông
nt
10
Pêtrô. A-Hrep
Đắk Manh I
nt
11
Inhaxiô. A-Mer
Đắk Manh I
nt
12
Pơlê. A-Phui
Đắk Manh I
nt
13
JoangBt. A-Nem
Đắk Manh II
nt
14
Pêtrô. A-Klin
Đắk Manh II
nt
15
Pêtrô. A-Xiêng
Đắk dé
nt
16
Maria. Y-Rông
Đắk dé
nt
17
Maria. Y-It
Đắk pung
nt
18
Marxel. A-Pin
Đắk pung
nt
19
Pêtrô. A-Nghị
Đắk pung
nt
20
Juxe. A-Krek
Đắk kon
nt
21
Maria. Y-Pom
Đắk kon
nt
22
Miria. Y-Díp
Đắk kon
nt
23
Powlê. A-Sốt
Đắk kon
nt
24
JoangBt. A-Huăk
Đắk lung
nt
25
Zusana. Y-Bông
Đắk lung
nt
26
Ja.Ma vianê. A-Nghin
Kon đào I
nt
27
Têrêsa. Y-Teo
Kon đào I
nt
28
Maria. Y-Thiêng
Kon đàoI
nt
29
Ôgusxtin. A-Vôn
Kon đào I
nt
30
Pơlê. A-Vên
Kon đào II
nt
BẢN THỐNG KÊ 4:  SỐ DÂN VÀ SỐ GIÁO DÂN GIÁO XỨ ĐẮK CHÔ NĂM 2010
LÀNG
DÂN SỐ
GIÁO DÂN

KON ĐÀO
Đak Lung
468 người
465
Kon Đào I & II
1024 người
1024
Tổng cộng
1492
1489
NGỌC TỤ
Kon Bring
452 người
452
Đak Chô
517 người
517
Đak No
238 người
23
Đak Nu
408 người
377
Đak Tông
456 người
456
Đak Tăng
262 người
13
Tổng cộng
2333
1838
ĐẮK RƠNGA
Đak Manh I
453 người
423
Đak Manh I
551 người
531
Đak Jé
588 người
555
Đak Pung
487 người
481
Đak Kon
580 người
580
Tổng cộng
2659
2570
TỔNG CỘNG (3 Xã)
6484
5897
                                                                                                                  
MINH SƠN
                                                                                                                    Kontum, ngày  22.2.2012
____________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. “LÀM SAO MỘT ĐỊA SỞ NƠI XỨ THƯỢNG ĐƯỢC THIẾT LẬP VÀ NẢY NỞ? – TIỂU SỬ NHO NHỎ CỦA ĐỊA SỞ ĐAK KƠNA”, La Mission de Pays-Mois en 1939, Impr. Bx. Cuénot, Kontum. Lược dịch: Lm Nguyễn Hoàng Sơn.
2. ĐÔI NÉT VỀ ĐỊA SỞ ĐẮK CHÔ, Lm Bênêđictô Nguyễn Văn Bình.
3. SƠ LƯỢC LƯỢC SỬ GIÁO XỨ ĐẮK CHÔ, Giuse Vũ Quang Thọ.
4. ECHOS DE LA MISSION, địa phận Kontum, các năm liên hệ.
5. LỊCH CÔNG GIÁO ĐỊA PHẬN KONTUM, các năm liên hệ.
6. LA MISSION DE PAYS-MOIS en 1937, Impr. Bx. Cuénot, Kontum.
——–o0o———

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét