Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Rượu thốt nốt của dân tộc Xơ Đăng ở Ngọc Tụ, Đăk Tô



 
Ảnh minh họa-N.Đang
 
Trước tết Âm lịch đến tháng 4 nếu đến một số làng ở phía bắc xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, bạn sẽ được bà con dân tộc Xơ Đăng ở đây mời uống rượu thốt nốt (còn tên gọi là rượu Đoak), một thứ rượu được làm từ câylong ta vea trong vùng. Đã thưởng thức một lần, là sẽ nhớ mãi và mong rằng năm sau sẽ lại lên để được thưởng thức thứ rượu đặc biệt này.
 
Trên vùng đồi một số làng phía bắc xã Ngọc Tụ mọc tự nhiên một loại cây thuộc họ dừa theo tiếng địa phương gọi là cây long ta vea. Cây long ta vea trưởng thành (khoảng 10 năm tuổi) thường cao 10 m và có đường kính thân từ 25 đến 30cm, lá và thân rất giống cây dừa.
 
Cây long ta vea khoảng 10 năm tuổi bắt đầu ra buồng và cho nước để làm rượu. Mỗi cây thường ra 3 buồng (hãn hữu cây chỉ có 1-2 buồng) từ ngọn rất giống buồng chuối dài xấp xỉ 1m. Mùa cây ra buồng vào khoảng trước Tết Âm lịch.
 
Để trèo lên cây, đồng bào làm một cái thang dài kẹp vào thân cây. Tại ngọn cây, họ làm một cái dàn để ngồi khi khai thác (nhiều người còn ngồi uống rượu tại giàn này).
 
Quy trình khai thác nước long ta vea:
 
Khi cây ra buồng được nửa tháng, buồng dài chừng 1 m, đồng bào chặt đi 2/3 buồng, chỉ chừa lại 1/3 (còn lại ≈ 30cm). Ngày hôm sau, họ quay lại và gọt quanh phần buồng đã bị chặt ½ cm (5 ly). Cứ làm như vậy, ba ngày sau từ chỗ buồng cây bị chặt tiết ra một chất nước. Nước này uống tại chỗ ngọt và mát như nước mía đá. Nước đó đồng bào gọi là nước ta vea (te ta vea).
 
Khi buồng cây tiết ra nước, để thu hoạch nước này, bà con làm một máng nhỏ hứng nước đưa vào một ống lồ ô được buộc chặt vào giàn cây. Ống lồ ô này thường dài 1m và hứng một ngày đêm thì đầy. Do vậy cứ 4-5 giờ chiều hôm sau đi lấy nước thì 4-5 giờ chiều hôm sau lại đi lấy. Mỗi gia đình ở đây thường thu hoạch nước ta vea của 2-3 cây. Đồng bào cho biết : Nước của long ta vea nếu đựng vào ống lồ ô thì sẽ bị chua. Do đó họ phải thay ống vào ba ngày một lần.
 
Đồng bào địa phương còn cho biết: Một cây long ta vea thường ra 3 buồng song họ chỉ cắt và khai thác lần lượt từng buồng. Mỗi buồng khai thác được hơn một tháng (bởi mỗi lần/ngày khi lấy nước, họ lại giọt buồng đi mất chừng ½ cm) khai thác hết buồng này lại cắt tiếp sang buồng kia. Và khi khai thác hết cả 3 buồng thì cũng là hết mùa uống rượu thốt nốt (khoảng trên 4 tháng). Hết mùa thu hoạch cả 3 buồng đã bị cắt đến sát thân cây. Năm sau cây lại ra buồng ở phần dưới của chỗ buồng ra năm trước.
 
Mỗi đời cây long ta vea cho nước được khoảng 6-7 năm. Sau 6-7 năm đem lại nước ngọt, rượu ngon cho đời, cây chỉ còn cao khoảng 2m, không ra buồng, không tiết nước được nữa và vài năm sau cây chết.
 
Rượu thốt nốt:
 
Từ nước của long ta vea để được rượu cần một loại men làm chất xúc tác. Men để làm ruợu này là vỏ câylong Krê, một thứ cây mọc nhiều ở rừng già vùng đồi phía bắc làng Đăk Manh. Đồng bào lấy vỏ cây long Krêvề, cạo phần vỏ già, bẩn ở phía ngoài, bẻ từng miếng nhỏ bằng hai đốt ngón tay (≈2 cm2) bỏ vào ống lồ ô trước khi đưa vào hứng dưới buồng cây long ta vea . Theo kinh nghiệm của đồng bào, nếu vỏ long Krê dày thì một tuần thay vỏ mới một lần, nếu vỏ mỏng, non thì 4-5 ngày phải thay lại.
 
Nước của long ta vea khi có vỏ long Krê làm men xúc tác sẽ được một thứ rượu vừa đắng vừa ngọt. Theo những người sành rượu thì loại rượu này còn ngon hơn cả rượu cần. Họ còn cho biết, uống rượu thốt nốt nhiều cũng say nhưng say nhẹ và không đau đầu như một số loại rượu khác.
 
Rượu thốt nốt có thể bảo quản một tuần nếu để trong can đậy kín nắp. Song, do rượu có ga nhẹ nên vài tiếng lại phải mở nắp một lần cho ga thoát ra nếu không can sẽ phình và có thể bị bập nắp.
 
Ở một số làng Đăk Pung, Đăk Tông, Đăk Manh… xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô vào mùa rượu thốt nốt hầu như cả làng chỉ dùng loại rượu này mà không ủ - uống rượu cần. Và cũng giống rượu cần, đối với người Xơ Đăng vùng này ai cũng có thể uống rượu thốt nốt. Từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng có thể uống như một thứ mước giải khát.
 
Những người sành rượu ở làng Đăk Manh còn cho biết: Rượu thốt nốt khi uống trong rừng, tại nơi khai thác rất dịu ngon. Nếu có dịp, mời bạn hãy về Ngọc Tụ - Đăk Tô mùa rượu thốt nốt, bạn sẽ được mời thưởng thức rượu thốt nốt nồng nàn trong tình cảm nhân hậu, mến khách của những người dân Xơ Đăng nơi đây. 
Vũ Thị Mai (sưu tầm)

(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét