Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

100 NĂM KON TUM


Còn hơn 300 ngày nữa là đến ngày kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913 - 9/2/2013). Thời gian tưởng như còn dài, thế nhưng, Tết Nhâm Thìn-2012 này chính là những ngày Xuân khởi đầu của năm kỷ niệm Kon Tum-100 tuổi, bởi ngày 9/2 trọng đại ấy là ngày của năm Âm lịch Nhâm Thìn (ngày 9 tháng 2 năm 2013 là ngày 29 tháng 12 Âm lịch-ngày Bính Ngọ, tháng Quí Sửu, năm Nhâm Thìn). Bởi vậy, năm Nhâm Thìn-2012 này mới là năm có tính bước ngoặt, hết sức quan trọng cho mọi việc, mọi điều… phải làm để kỷ niệm Kon Tum tròn 100 năm tuổi.

Bến sông Đăk Bla năm 1932 - Ảnh tư liệu.
Đã có một thời gian khá dài khi còn chung tỉnh Gia Lai - Kon Tum, nói đến Kon Tum - nhiều người không biết ! Chỉ nghe nói hình như đấy là một vùng đất còn hết sức lạc hậu, xa xôi cách trở, là chốn rừng thiêng nước độc…nằm ở tận cùng Bắc Tây Nguyên !!!  Tuy nhiên, nói đến Kon Tum, không nên chỉ là nói đến độ tuổi 100 của một tỉnh, mà chiều sâu lịch sử của vùng đất này còn nhiều điều cần phải nói đến. Theo nhiều tư liệu lịch sử chính thống đã xuất bản và sách “Kon Tum-Đất nước, con người” thì từ năm 1892 người Pháp đã thành lập Tòa Đại lý hành chính Kon Tum, đến ngày 9/2/1913 chính thức thành lập tỉnh Kon Tum bao gồm đại lý hành chính Kon Tum, đại lý hành chính Cheo Reo và đại lý hành chính Buôn Ma Thuột. Đến ngày 2/7/1923, đại lý hành chính Buôn Ma Thuột tách ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Đăk Lăk, ngày 25/5/1932 tách đại lý PleiKu ra khỏi tỉnh Kon Tum thành lập tỉnh PleiKu (nay thuộc tỉnh Gia Lai). Theo cuốn hồi ký Les sauvages Banhas của Pierre Dourisboure xuất bản tại Paris năm 1929 thì ngay từ năm 1842, người Pháp đã đến Làng Hồ (TP Kon Tum ngày nay) bên bờ sông ĐăkBLa để truyền giáo. Bởi vậy, Kon Tum có một vị trí khá đặc biệt về nhiều mặt, đồng thời cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn khác nhau. Mặc dù nằm ở cực bắc Tây Nguyên, nhưng Kon Tum hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng của vùng miền, và có những nét độc đáo riêng mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này.
Đường Hồ Chí Minh qua huyện Đăk Glei - Ảnh: N.Đang.
Từ sự độc đáo về vị trí địa lý, địa mạo, địa hình tự nhiên…
Có thể nói không ngoa, Kon Tum là một tỉnh độc đáo về vị trí địa lý, là 1 trong 2 tỉnh duy nhất trong cả nước (Kon Tum và Lai Châu) có đường biên giới chung với 2 quốc gia láng giềng. Kon Tum có tổng số 280,7 km đường biên giới, với nước bạn Lào dài 142,4 km, với Vương quốc Cam Pu Chia là 138,3 km, tạo thành mộtngã ba Đông Dương nổi tiếng - một con gà gáy ba nước cùng nghe - nay trở thành một Tam giác phát triển về mọi mặt của 3 quốc gia. Kon Tum có hệ thống giao thông như một dấu + viết hoa, với tuyến đường Bắc - Nam là Quốc lộ 14, nay là đường Hồ Chí Minh trải dài qua tới 5 huyện, thành phố của tỉnh nối Tây nguyên, các tỉnh phía Nam với bắc Trung bộ và miền Bắc; là giao điểm tuyến hành lang Đông - Tây với các tuyến đường nối từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định lên qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa để sang Lào, Thái Lan… Bên cạnh đó, Kon Tum có vị trí khá gần và thuận tiện với nhiều đô thị duyên hải miền Trung, kết nối Kon Tum với Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Qui Nhơn…chỉ với thời gian một buổi đi đường.
 
Hoàng hôn trên sông Đăk Bla - Ảnh: N.Đang.
 
Về cảnh quan địa mạo, Kon Tum có nhiều nét độc đáo của mình như đỉnh núi Ngọc Linh hùng vĩ cao 2598 m, cao nhất Tây Nguyên với một thảm thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng, được cho là có nhiều loại dược liệu vào loại quí, hiếm. Có một tiểu vùng sinh thái khá đặc biệt, là “Đà Lạt thứ hai trên Tây Nguyên”, đó là Măng Đen – đã được xếp hạng Di tích lịch sử Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Măng Đen đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch xây dựng khu du lịch Quốc gia để trở thành Khu du lịch sinh thái Măng Đen theo hướng hiện đại, khác biệt với những khu du lịch khác với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa cộng đồng theo hướng bền vững, trở thành một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh. Một nét riêng nữa của Kon Tum đó là con sông ĐăkBLa, như một dải lụa ôm lấy thành phố Kon Tum - dòng sông duy nhất ở Tây Nguyên không như bạn bè của nó là xuôi chảy về phía Đông để ra biển cả, mà lại chảy ngược về hướng Tây, vì nét riêng độc đáo ấy nên dòng ĐăkBLa duyên dáng đã trở thành đề tài của khá nhiều tác phẩm thơ, nhạc, họa của nhiều văn nghệ sĩ khi đến phố núi Kon Tum.
 
… Đến sự độc đáo về bản sắc văn hóa dân gian truyền thống:
 
Khác với các tỉnh bạn trong khu vực như Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng có từ 2 đến 4 dân tộc bản địa sinh sống, Kon Tum có tới 7 dân tộc bản địa quần cư lâu đời trên địa bàn, gồm các tộc người Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hơ Rê, BRâu và Rơ Măm (đây là hai trong số năm tộc người có dân số ít nhất trong cả nước). Cũng như các tỉnh khác của Tây Nguyên, sự sáng tạo nên các giá trị truyền thống và đặc thù văn hóa cộng đồng ở Kon Tum cũng đều bắt nguồn từ văn hóa rừng, rừng là tất cả, là toàn bộ cuộc sống, là không gian và thời gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc bản địa.
 
Vòng xoang ngày hội - Ảnh: Minh Đức.
 
Khi nói về bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, đầu tiên bao giờ người ta cũng đề cập đến nhà Rông như là một biểu tượng đầy đủ nhất của văn hóa vùng. Tuy nhiên, trong thực tế thì chỉ có Kon Tum và Gia Lai nằm ở bắc Tây Nguyên mới được xem là cái nôi của nhà Rông - một di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa, còn ở nam Tây Nguyên thì nhà làng lại chủ yếu là nhà Dài, không phải nhà Rông. Nhà Rông là hình ảnh thu nhỏ của các thành tố văn hóa truyền thống của một làng, một tộc người. Nó chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Đối với đồng bào các dân tộc bản địa thì “Dân tộc-Làng-Nhà rông” là mối quan hệ không thể tách rời, cũng như làng của người Kinh gắn với cây đa, bến nước, sân đình. Nhà Rông hùng vĩ vươn lên bầu trời với hình dáng như một lưỡi búa khổng lồ biểu hiện sức mạnh của một cộng đồng làng, thể hiện tinh thần thượng võ, đầy quyền uy, như là chế ngự không gian và thời gian để khẳng định chủ quyền, lãnh địa của làng. Nhiều người hay dùng hình ảnh ngôi nhà rông ở giữa làng với hàng chục nóc nhà vây quanh như gà mẹ chăm đàn gà con, thể hiện sự quây quần, đầm ấm cố kết cộng đồng. Nhà rông thể hiện đỉnh cao về nghệ thuật và kỹ thuật với kiến trúc, kiểu dáng, chất liệu và hoa văn họa tiết vô cùng phong phú và độc đáo, không sử dụng bất kỳ cái đinh, cọng kẽm hay tấc sắt nào cả nhưng lại vững chắc như bàn thạch.
 
Mừng nhà Rông mới KonKlor-TP Kon Tum - Ảnh: D.Nương.
 
Về kiến trúc thì nhà Rông của mỗi dân tộc có sự khác nhau, theo tập quán của từng dân tộc, nhưng nếu nói về qui mô to cao thì phải kể đến nhà Rông của dân tộc Ba Na, Gia Rai và Xơ Đăng. Có một điểm khá độc đáo qua thực tiễn là nếu tính từ vị trí ở thành phố Kon Tum ngược lên các địa phương phía bắc của Kon Tum thì mái nhà Rông lại thấp dần! có lẽ xuất phát từ văn hóa cư trú từ vùng thấp đến vùng cao. Đa số nhà Rông ở vùng trũng thấp như của dân tộc Ba Na, Gia Rai (thành phố Kon Tum), Xơ Đăng Sơ Đrá (huyện Đăk HHà)…phần mái đều rất cao, phổ biến từ 16-20m; còn từ Đăk Tô đến Ngọc Hồi, ĐăkGLei, Tu Mơ Rông, KonPLông của các dân tộc Xơ Đăng XơTeng, Giẻ - Triêng, Xơ Đăng Hà Lăng, Xơ Đăng Mơ Nâm…phần mái nhà rông thấp dần, cao khoảng từ 10-14m. Làng-nhà rông-lễ hội-Nhạc cụ và diễn xướng dân gian của đồng bào các dân tộc bản địa có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Đây cũng là nét riêng khá độc đáo của Kon Tum. Văn hóa làng sản sinh ra văn hóa lễ hội và văn hóa nhà Rông, lễ hội dân gian truyền thống tôn vinh quyền uy của nhà Rông còn nhà Rông lại là điều kiện và môi trường để thể hiện lễ hội. Cả hai đều có ý nghĩa duy trì lẫn nhau và nằm trong nhau. Trong khi đó thì lễ hội là đất sống của gần như tất cả các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian cổ truyền từ các lễ thức, phong tục tập quán đến các loại hình diễn xướng dân gian, nhạc cụ dân tộc, trang phục, ngôn ngữ, ứng xử…bởi thế nên nhà Rông lại càng có vị trí hết sức quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng vì nhà Rông vừa có giá trị văn hóa vật thể (hữu hình) lại vừa có giá trị văn hóa phi vật thể (nội dung bên trong, nơi thể hiện lễ hội).
 
Lễ hội của các tộc người ở Kon Tum cũng có dáng dấp riêng mang tính đặc thù. Điểm tương đồng trong khu vực là đều được sản sinh trong điều kiện, hoàn cảnh sống, lao động sản xuất gắn liền với núi rừng mênh mông vô tận; chính từ đó nó chứa đựng một sắc thái văn hóa riêng - văn hóa lấy con người làm chủ, lấy đất trời làm khuôn mẫu, văn hóa ấy là sự hài hòa của nắng mưa, của núi rừng và nương rẫy. Tuy nhiên, điểm khác biệt thể hiện ở chỗ : Lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc bản địa ở Kon Tum đều là những lễ hội mang tính qui mô nhỏ, được thể hiện trong phạm vi một gia đình, nhóm gia đình, cao nhất là một cộng đồng làng chứ không như ở các tỉnh bạn có những lễ hội qui mô cả vùng. Hệ thống lễ hội của các dân tộc ở Kon Tum chia làm ba đường dây chính bao gồm hệ thống lễ hội xung quanh vòng đời người, lễ hội liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng làng.
 
Còn về văn hóa Cồng chiêng, ngoài những điểm tương đồng trong Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên nói chung thì Kon Tum lại có những điểm khá độc đáo và lạ so với các tỉnh khác trong khu vực. Cồng chiêng và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của đồng bào các dân tộc bản địa Kon Tum khá đa dạng, phong phú. Đặc điểm nổi bật là cồng chiêng hầu hết đều có tiết tấu, giai điệu rõ ràng của từng bài chiêng, là sự kết hợp linh hoạt những âm thanh cao, thấp, tạo nên sự phối bè khác nhau. Kết hợp với cồng chiêng còn có cả trống, lục lạc... tạo nên sự hoà âm phong phú, nghe như giai điệu của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; lấp lánh sắc màu của nắng, của gió, của đất. Có bộ thì âm điệu trầm hùng, đĩnh đạc như là một sự giới thiệu về đại ngàn Kon Tum hùng vĩ, có bộ thì âm điệu lại réo rắt, nỉ non với những giai điệu, tiết tấu hòa quyện như những lời tự sự kể về những truyền thuyết, những câu chuyện về những dòng sông, con suối, cánh rừng, mùa màng, về đất và người Kon Tum…hết sức trữ tình bằng ngôn ngữ âm thanh vô cùng độc đáo, chỉ riêng có ở nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng.
 
Cồng chiêng của các dân tộc bản địa ở Kon Tum có những điểm độc đáo và lạ ở chỗ : có đủ thứ tự từ ít đến nhiều như là có sự sắp đặt, có bộ  chiêng chỉ có 1 chiếc như chiêng Buar của nhóm Xơ đăng Sơđrá. Có bộ 2 chiếc như bộ chiêng Tha của dân tộc B'Râu. Có bộ 3 chiếc như bộ chiêng Lào, Pom, Pát của nhóm Xơ đăng Hà Lăng. Có bộ 3 chiếc rưỡi (thêm một ống nứa) như chiêng Nỉ của nhóm Triêng, chiêng Kh’leng của nhóm Giẻ. Có 4 chiếc như bộ chiêng Mẻ, Vạch của nhóm Xơ đăng Mơ nâm, bộ chiêng Guông của nhóm Xơ đăng Sơđrá.  Có bộ 5, 6 chiếc như bộ chiêng Xum của nhóm Giẻ. Có bộ từ 7-9 chiếc như bộ chiêng X'teng (Pơm Poa) của người Xơ Đăng gốc.  Có bộ từ 12-18 chiếc rất hoành tráng như bộ chiêng Ania, Pơsơi của người Gia Rai Aráp...có thể nói rất đa dạng, phong phú và độc đáo, là niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc bản địa Kon Tum.
 
Nói về nguồn cội xa xưa, Kon Tum cũng đã chứng minh những điểm độc đáo của mình. Đã tìm thấy và khai quật di chỉ khảo cổ Lung Leng và di chỉ khảo cổ vùng lòng hồ Thủy điện Plei Krông với hàng chục ngàn hiện vật hết sức giá trị, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tham quan tìm hiểu về văn hóa tiền sử Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, với hơn 14 ngàn hiện vật thuộc các giai đoạn hậu kỳ đá cũ cách 2-3 vạn năm, hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí cách đây 2-3 ngàn năm, đánh dấu một bước hết sức quan trọng về khảo cổ học ở Kon Tum, như ý kiến nhận xét của các nhà khoa học Viện khảo cổ Việt nam : “Di chỉ Lung Leng mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng không những là di chỉ khảo cổ học đầu tiên được phát hiện ở Kon Tum mà còn là di chỉ khảo cổ học lớn nhất Tây Nguyên, đồng thời cũng là một trong những di chỉ lớn nhất cả nước. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về một Kon Tum, một Tây Nguyên miền Thượng thời quá khứ, phải nhận định rằng, đây là một vùng đất sớm có sự khai phá của con người và trong quá trình phát triển văn hóa lịch sử, đây là vùng đất năng động, sáng tạo và có mối giao lưu rộng mở...”.
 
Cầu treo trên sông Đăk Bla - Ảnh: N.Đang.
 
Lời kết : … Có phải là “Một chút Kon Tum”:
 
Kon Tum là thế, độc đáo ngay cả trong nhiều tác phẩm thơ, nhạc…của các văn nghệ sĩ với những sáng tác về Kon Tum. Rất nhiều người ưa thích ca khúc “Tình ca Măng Đen” của nhạc sỹ Ngọc Tượng - một người bạn cùng ngành trước đây đang ở Gia Lai, ca khúc này được thể hiện gần như ở mọi nơi, mọi lúc, vô số người thuộc nằm lòng. Quả thực, ca từ của bài hát là tuyệt hay, trữ tình sâu lắng. Nhưng tôi thì thực lòng không thích, “Rằng hay thì thật là hay, nhưng nghe âm hưởng thì chẳng…Kon Tum chút nào”, bởi nghe bài hát ấy nó cứ phảng phất như dân ca xứ Nghệ ! Tôi thì lại đặc biệt thích 2 ca khúc : một là bài “Một chút Kon Tum” của 2 anh bạn thân ở Kon Tum là nhà thơ Tạ Văn Sỹ và nhạc sỹ Ngọc Minh; hai là “Một thoáng Kon Tum” của nhạc sỹ Vũ Thanh ở Hà Nội. Nhiều người cả trong và ngoài tỉnh gặp tôi đều phàn nàn : Kon Tum sao mà chỉ “Một chút…” với “Một thoáng…” vậy thôi sao ? Vậy thôi. Bởi nói làm sao hết nổi về xứ Kon Tum. Cứ “Một chút…”, “Một thoáng…” thôi nhưng lại chứa đầy ý tứ sâu xa để rồi sẽ hiểu. Cũng như tâm hồn khoáng đạt của đất và người Kon Tum, khiêm nhường nép mình bên dòng ĐăkBLa thơ mộng dưới đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ.
 
Xin lấy mấy câu thơ của Tạ Văn Sỹ trong ca khúc  “Một chút Kon Tum” để kết thúc bài viết này : “… Kon Tum nhỏ bởi lòng thung nhỏ, chầm chậm thôi vội bước chi nhanh. Anh thấy không. Phố bốn bề xanh… đất vẫn xuôi mà sông chảy ngược… Ơi núi Ngọc Linh, cao ngất ngàn năm, người ở đây hồn người rất rộng. Mai tạm biệt anh về phố lớn, mang theo về một chút Kon Tum”. Chỉ “một chút” thôi nhưng lại không hề nhỏ.
 
Trần Vĩnh
Xuân Nhâm Thìn - 2012
(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét